23/05/2018, 14:53

Nuôi vịt thịt sau thời gian gột vịt (Từ 25 đến 75 – 80 ngày tuổi)

Tùy theo đồng ruộng của từng nơi mà vịt con được nuôi từ 25 – 40 ngày tuổi, lúc này vụ gặt cũng vừa xong, vịt con được thả ra ruộng để mò thóc rụng và các loại thức ăn thủy sinh. Ở miền Nam người chăn vịt (thường đi theo đàn vịt) cắm lều ở với chúng, qua hết cánh đồng này đến cánh đồng khác, có ...

Tùy theo đồng ruộng của từng nơi mà vịt con được nuôi từ 25 – 40 ngày tuổi, lúc này vụ gặt cũng vừa xong, vịt con được thả ra ruộng để mò thóc rụng và các loại thức ăn thủy sinh.

Ở miền Nam người chăn vịt (thường đi theo đàn vịt) cắm lều ở với chúng, qua hết cánh đồng này đến cánh đồng khác, có khi từ tỉnh này sang tỉnh khác, từ khi vịt mới được 20 ngày tuổi cho đến khi chúng được 75 – 80 ngày tuổi. Sau khi vịt bán thịt rồi người chăn vịt mới trở về, cách chăn nuôi vịt như vậy gọi là nuôi vịt theo lối chạy đồng. Bình quân cứ 10 ha đồng lúa vừa gặt có thể nuôi 2-3 nghìn vịt thịt (vịt từ 25 đến 75 – 80 ngày tuổi). Vì vậy người chăn nuôi vịt, phải biết tính toán thời gian vịt để kịp thời cho vịt con trước vụ gặt lúa (từ 25 – 30 ngày) để khi gặt lúa có thể đưa vịt thả vào đồng tận dụng được lúa rụng; mặt khác người ta còn lợi dụng được diện tích đầm, hồ, mương, máng, sông để chăn thêm vịt ;tận dụng thức ăn đạm và các loại thủy sinh sẵn có). Đàn vịt thịt

Nuôi vịt con chăn thả đồng

Trong chăn nuôi thả đồng cần chú ý chăm sóc quản lý vịt con từ 1 ngày tuổi cho đến khi được giết thịt (75 – 80 ngày tuổi).

Những tuần lễ đầu khi chia lô các đàn vịt vào quây hoặc các ô chuồng cần phải theo dõi; nếu thấy chúng đứng tụm lại chen lẫn nhau, có khi trèo lên nhau, là do vịt bị lạnh, cần phải che đậy để giữ nhiệt độ cho chúng; nếu trời nóng quá thì phải đưa vịt vào chỗ râm mát. Vịt con chăn thả ngoài đồng có thể bị quạ, diều hâu, cáo bắt, ngoài ra chúng còn có thể hị sa hố, lạc đàn…

Người chăn vịt phải thường xuyên quan sát để tránh cho vịt khỏi bị chết bởi những nguyên nhân nêu trên; phải bắt chọn lọc những con yếu, còi cọc ra khỏi đàn. Khi cho vịt nghỉ vào buổi trưa và buổi tối phải biết chọn nơi nhốt vịt, rào chỗ để thả vịt cho phù hợp với lứa tuổi.

Nói chung địa điểm đó phải cao ráo, thoáng không có nhiều chuột, cáo, rắn bắt vịt. Chú ý tìm chỗ mức nước nông sâu cho thích hợp với lứa tuổi đồng thời có nhiều mồi để vịt tận dụng. Nếu như nuôi cố định thì chỗ nào nuôi vịt cứ 2 – 3 tuần phải thay đổi một lần. Nuôi vịt chăn thả đồng còn phải biết dựa vào thời gian gặt lúa của từng thửa ruộng, từng cánh đồng để có kế hoạch chăn nuôi vịt cho phù hợp. Vịt chăn thả

Cách thức vận chuyển vịt con, cũng phải được đặc biệt chú ý vì nhiều khi phải vận chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác, đi qua các quãng đường dài, đường xấu, thức ăn lại thiếu. Đó là nguyên nhân làm cho vịt bị yếu đi, tỷ lệ vịt chết do vận chuyển sẽ cao, nhất là trong những tháng nóng bức.

Khi nuôi vịt chăn thả đồng cần tránh cho chúng đi trên đường, nhất là khi trời nắng, từ cánh đồng này sang cánh đồng khác, phải biết lợi dụng hệ thống mương máng để đưa vịt đi. Kinh nghiệm cho biết, vịt con có sức chịu đựng rất kém với điều kiện ăn uống thiếu thốn hoặc mất vệ sinh. Thiếu nước, vịt sẽ bị yếu và dần dần bị chết thức ăn thiếu hoặc xấu, mốc, hôi, mọt, thối, thiu đều làm cho vịt tiêu hóa kém, mắc bệnh và có tỷ lệ chết cao.

Cần phải biết xem thời tiết để tránh, mưa, tránh bão hoặc gió lùa ảnh hưởng đối đàn vịt, hàng ngày cần phải quan sát kỹ sức khỏe của chúng. Về ban đêm nếu thấy vịt ngủ ngon, yên lặng là vịt no và khỏe mạnh. Khi thời tiết thay đổi hoặc vịt bị đói thì chúng thường kêu và cả đàn xôn xao. Cũng có khi thấy rắn, cáo hoặc tiếng động lạ vịt cũng xôn xao. Vào buổi trưa khi nghỉ vịt thường nằm yêu tĩnh hoặc lim dim mắt. Nếu thấy vịt ủ rủ, chậm chạp hoặc kêu nhiều là chúng bị mệt, khát nước hay quá nóng, quá lạnh.

Cần tránh xô đuổi và bắt vịt nhiều làm chúng đè lẫn nhau, chảy máu do bị giập ống lông non, nhất là vịt lúc 40 – 50 ngày tuổi lông non ở cánh đang mọc.

Nuôi vịt vùng ven biển cần chú ý thời gian lên xuống của nước thủy triều để chăn vịt. Cần tập cho vịt quen dần, ngày đầu cho chúng ra ngoài 20 – 30 phút, sau tăng dần. Trước khi chăn vịt ở ngoài bãi biển cần cho vịt uống và tắm nước ngọt, và sau khi đưa vịt về cũng phải cho vịt tắm và uống nước ngọt, ăn thêm rau bèo…

Khi được chăn thả ở ngoài đồng, vịt hoàn toàn tự túc kiếm ăn; hàng ngày chăn thả hai buổi sáng và chiều, trưa vịt nghĩ nắng và tiêu hóa thức ăn. Trước khi bán vịt nếu trời có trăng và thời tiết tốt hoặc khi nước triều lên xuống ven sông, bãi biển có thể chăn vịt vào ban đêm để tận dụng thức ăn, vịt chóng lớn và béo hơn.

Đàn vịt sau khi gột, thì chuyển sang chăn thả đồng, từ đó vịt rất nhanh, lông tơ thay bằng lông mới, lông cánh mọc ra. Sau một tháng tuổi lông bụng mọc trước gọi là “ươn lông bụng”. Khoảng 5-40 ngày tuổi, lông cánh nhú ra đều nhau gọi là “răng lược”. Sau đó lông mọc dài hơn xòe ra như bơi chèo gọi là vịt “bơi chèo”, bộ lông tiếp tục mọc che kín nửa lưng gọi là vịt “nửa lưng”. Tiếp theo lông cánh dài ra và gặp nhau ở khâu đuôi gọi là vịt “chấm khấu”, và đến 70 – 90 ngày tuổi thì vịt mọc đủ lông gọi là vịt “chéo cánh”, lúc đó vịt vừa đúng tuổi giết thịt, (vịt đã béo và tốc độ lớn giảm hẳn). Vào lúc này thường đồng lúa cũng đã hết thức ăn, và người chăn vịt bắt đầu bán vịt thịt rồi mới trở về.

Đàn vịt thịt nên có số lượng vừa phải qui mô mỗi đàn trung bình vào khoảng 500-1000 con. Ở miền Nam có những tổ hợp nuôi hàng vạn con nhưng cũng phải chia ra làm nhiều đàn, mỗi đàn tối đa không quá 3000 con. Kinh nghiệm ở miền Nam cho biết, cứ 1000 vịt thì cần 2 người, trong đó có một người lớn và một em bé, nếu đàn 2000 thì cần 2 người lớn, nếu 3000 cần 3 người lớn. Vịt bầu

Nuôi vịt con trong mùa cấy hay mùa mưa

Nuôi vịt trong mùa cấy nói chung không kinh tế lắm vì phải cung cấp cho vịt một khối lượng thức ăn khá lớn, nhất là về thóc. Lúc này ở miền Nam các nhà nông thường nuôi vịt ở nhà với những đàn nhỏ, nhằm tự túc thực phẩm. Vịt nuôi ở gia đình mà được ăn thức ăn đạm động vật (như muỗi, bọ gậy, cua, sâu bọ hại lúa…) thì lớn rất nhanh, thịt ăn mềm, béo và ngon hơn là nuôi theo mùa vụ gặt (vịt không phải chạy nhiều làm cho thịt cứng và ít béo hơn).

Nuôi vịt trong mùa mưa không kinh tế bằng trong mùa khô nhưng rất có ít cho nhà nông vì vịt ăn sâu bọ phá hại mùa màng và diệt trừ muỗi (lúc này có nhiều mặt nước, muỗi sinh đẻ nhiều).

Sáng và chiều cho vịt ăn thóc, hàng ngày vịt được thả ra đồng hoặc ra ao, hồ, tại đó chúng sẽ kiếm được nhiều mồi có giá trị.

Trong vụ cấy, vịt con thường được nuôi từ cuối tháng tư sang tháng năm, sáu và kéo dài đến tháng bảy, tám. Đến khoảng tháng 8, tháng 9 ruộng đã cấy không thả vịt được, người ta phải tìm ao hồ , sông lạch, đưa vịt đi chăn và phải cho ăn thêm thức ăn (như thóc; mì, cao lương).

Nói chung vịt nuôi vào vụ này chậm lớn hơn so với vụ gặt mà phải cung cấp nhiều thức ăn hơn.

0