25/05/2018, 16:12

Nuôi hoài bão lớn, biến chúng thành ký ức của tương lai và mong chờ một điều kỳ diệu.

Charlie chưa bao giờ lo lắng như vậy trước một cuộc họp, ngay cả khi đó là những cuộc họp mang tính chất “được ăn cả ngã về không” tại công ty Logistics Precision - những cuộc họp mà liệu anh có thể ký được hợp đồng béo bở hay công việc của anh trở ...

Charlie chưa bao giờ lo lắng như vậy trước một cuộc họp, ngay cả khi đó là những cuộc họp mang tính chất “được ăn cả ngã về không” tại công ty Logistics Precision - những cuộc họp mà liệu anh có thể ký được hợp đồng béo bở hay công việc của anh trở nên bế tắc hầu như chỉ phụ thuộc vào cách anh thể hiện lúc đó. Thật là mắc cười, Charlie nghĩ, bởi vì gặp Alan Silvermane không căng thẳng đến như thế. Buổi gặp mặt này không nói tới hợp đồng cũng không hứa hẹn một công việc cho anh, vì Silvermane đã nghỉ hưu từ lâu và đã không còn hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh mà ông có thể giúp. Silvermane gặp Charlie vì nể lời nhờ vả của một người bạn.

“Hầu như mọi người không muốn là người chiến thắng, bởi vì họ không thể tưởng tượng được mình lúc nào cũng dành chiến thắng khi mà họ luôn cho rằng mình là người sống sót hoặc mình là nạn nhân.” Charlie đã đọc thấy câu này ở trên một bài phỏng vấn ông Silvermane thuộc chuyên mục Câu chuyện thường niên của giới siêu giàu Mỹ đăng tại tạp chí Forbes. Khi đó, Silvermane đứng thứ 25 trong danh sách những người giàu nhất nước Mỹ. Khi đó ông đã phát biểu rằng “Thật ra cũng không tệ lắm đối với một thuyền nhân từ châu Âu di cư đến Mỹ trong một ngày bão mà chẳng có lấy một cây dù che mưa.”

Silvermane đã nói rằng “Theo tôi, khoảng sáu mươi lăm phần trăm những người sống ở Mỹ tự cảm thấy mình là người sống sót. Họ dai sức và họ sẽ vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống và nếu tình hình khó khăn quá thì họ sẽ cố gắng đến một giới hạn nhất định rồi bắt đầu lại từ đầu”. Charlie cười – Silvermane đã mô tả chính xác cảm xúc của anh khi bị mất việc.

            “Số khác là nạn nhân. Silvermane tiếp tục. Khoảng ba mươi phần trăm dân số coi mình là nạn nhân, họ không bao giờ chịu vượt qua những khó khăn của mình mà đổ lỗi cho ai đó. Nạn nhân thì không có mục tiêu phấn đấu để mà bỏ chạy, họ bị mắc kẹt trong vấn đề của mình: công việc nhàm chán, những mối quan hệ nguy hại, phá sản”. Charlie lại cười, hơi chua xót khi nhận ra chính anh cũng đang mắc kẹt với những vấn đề đó.

            “Thế là chỉ còn khoảng chừng năm phần trăm dân số, những người chiến thằng, họ không cam chịu làm nạn nhân và khao khát làm được nhiều hơn là chỉ sống sót, họ khao khát vượt qua thử thách để trở nên giàu có và không ngừng tiến lên.”        

Chán thế đấy, Silvermane kết luận. Tuy nhiên, thật may là người cho mình là nạn nhân hoặc kẻ sống sót có thể học cách làm thế nào để suy nghĩ và hành động như một người chiến thắng. Quan trọng hơn hết, chỉ cần một số rất ít dân Mỹ chấp nhận mạo hiểm và hành động để trở thành người chiến thắng có thể tạo ra hàng triệu công việc làm và mang về hàng tỉ tỉ đô tổng sản lượng quốc nội trong thời gian ngắn, ông khẳng định.

            Charlie nhìn đồng hồ. Khoảng một giờ nữa thì taxi sẽ đến. Anh xem lại những câu hỏi mà anh định hỏi Silvermane – các câu hỏi của anh chủ yếu về hoài bão. “Nếu ước mơ của tôi quá nhỏ bé” anh ấy hỏi Cheryl, “thì tôi phải học cách mơ lớn như thế nào? Tôi thậm chí không biết bắt đầu từ đâu!” Mất vài giây suy nghĩ, Cheryl đáp rằng “Một người bạn của tôi, Marv Johnston biết Alan Silvermane. Anh biết không, đó chính là người đã thành lập công ty B-A-R khi mới 24 tuổi và bán nó lấy 500 triệu đô sau 30 năm. Silvermane đã cố vấn cho nhiều doanh nhân thành đạt nhất trong thế hệ của chúng ta. Ông ấy còn viết một cuốn sách về hoài bão lớn. Để xem, tôi có thể giới thiệu ông ấy với anh.”

Cheryl đã giới thiệu anh với Silvermane, xe taxi vừa đỗ lại, và bây giờ Charlie đang ngồi trong phòng khách của Alan Silvermane. Căn phòng đẹp nhưng nó không có chi tiết nào thể hiện đây là nhà của một trong những doanh nhân thành công và giàu có nhất nước Mỹ. Silvermane còn tự ra mở cửa. Charlie còn tưởng tượng rằng sẽ có một anh gác cửa đeo găng tay trắng đón anh rồi dẫn anh vào một thư viện tường ốp gỗ hồ đào.

Họ đã nói chuyện với nhau hơn một giờ đồng hồ, mà Charlie vẫn chưa hỏi gì. Ông Silvermane muốn hiểu rõ về người khách của mình. Charlie thực sự cảm thấy không thể tin rằng Silvermane - người tỉ phú từng lên trang bìa bao nhiêu tờ báo kinh doanh nổi tiếng, lại có hứng thú như vậy với cuộc đời của một gã vô danh tiểu tốt là anh, từ những công việc anh từng làm, gia đình đến thú vui của anh (sau đó anh ngay lập tức nhắc nhở chính mình coi lại cuộc tự thoại tiêu cực). Nhưng Silvermane chưa bao giờ ngừng để tâm, ông ấy có vẻ còn quan tâm đến Charlie nhiều hơn anh quan tâm đến chính mình.

            Silvermane bước vào nhà bếp, một lúc sau quay trở ra với một ấm trà Đông Phương trang nhã và hai chiếc tách, ông rót trà và mời Charlie một tách. Sau đó, ông dựa lưng vào ghế của mình và nói, “Marv nói rằng anh muốn hỏi tôi vài vấn đề, và từ nãy đến giờ toàn là tôi hỏi. Giờ là đến phiên anh, anh muốn bắt đầu từ đâu?”

            Charlie nhấp một ngụm trà. Tất cả sự chuẩn bị kĩ lưỡng cho đoạn mở đầu như tan biến trong cuộc nói chuyện. “Tôi không biết nữa”, anh ta bắt đầu một cách đơn giản “Cheryl von Noyes – bạn của Marv – nói với tôi rằng những ước mơ của tôi quá nhỏ bé, rằng tôi đang lừa dối bản thân mình bằng cách vờ như tôi kém cỏi hơn thực tế và tôi tự cảm thấy hài lòng với những thành quả nhỏ bé của mình. Tôi nghĩ cô ấy nói đúng. Ngay bây giờ, tôi đang vừa như một kẻ sống sót vừa như một nạn nhân theo thước đo mà ông đã mô tả trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Fortune.”

            Silvermane không tỏ ra bận tâm tới việc Charlie nhắc lại bài phỏng vấn nhưng thật sự ấn tượng với sự chuẩn bị của Charlie. Ông hỏi “Thế anh muốn ở đâu trên cái thước đo ấy, Charlie?” không đợi Charlie trả lời, ông tiếp “Anh phải nỗ lực rất nhiều, phải chăm chỉ và hy sinh để có thể thăng tiến, nhưng khi đã ở trên đỉnh cao, anh sẽ lấy làm mừng vì mình đã cố gắng leo lên và không bao giờ muốn quay trở xuống.”

            Charlie nhìn vào tách trà của mình, tập trung vào một vài lá trà chìm ờ đáy và đột nhiên cảm thấy “thằng bé chuyên phá bĩnh” lại mon men tới cái bể bơi tinh thần trong anh. “Ông già nghĩ anh là kẻ thua cuộc”, thằng bé nói. “Thêm nữa, nếu anh cố leo lên ngọn núi đó, anh có thể ngã gãy cổ.”

            “Anh sẽ ngạc nhiên,” Bác sỹ Connors từng nói, “thật ra khi anh biết vấn đề là gì thì rất dễ giải quyết nó.”

            “Biến đi, thằng nhóc!” Charlie có thể hình dung ra hình ảnh một thằng nhóc vừa bị bắt quả tang ăn cắp vặt trong cửa hàng, và anh cười khi thấy hình ảnh thằng bé mờ dần trong tâm trí.

            “Vấn đề đầu tiên, ông Silvermane, là tôi thật sự không chắc rằng tôi có muốn leo lên cái ngọn núi đó không nữa. Tôi đoán rằng tôi đã quen với cảm giác ở dưới chân núi hoặc trong thung lũng, tôi nghĩ mình đã quá già để mà leo núi. Và thậm chí, nếu tôi quyết định tôi muốn leo lên một ngọn núi nào đó thì tôi cũng không biết là nên chọn cái nào.”

            “Hãy những xây lâu đài mơ ước của anh ở trên không, vì đó thật sự là nơi dành cho chúng. Sau đó, mới đến nền móng của chúng. Thoreu đã nói thế. Tôi không thể trả lời câu hỏi đầu tiên thay anh, Charlie ạ. Một khi anh đã xác định được những ước mơ của mình thì việc anh có đủ đam mê để theo đuổi chúng hay không là chuyện giữa anh với Chúa. Nhưng có lẽ tôi có thể giúp anh với câu hỏi thứ hai, bởi vì có vài nguyên tắc chung để hiện thực hoá được ước mơ.”

            Silvermane đứng dậy một lần nữa, Charlie thoáng tưởng tượng ra một tấm bảng đằng sau rèm mà Sylvermane sẽ vén lên giống như một người thầy. Nhưng không phải vậy, ông ấy bước đến giá sách lấy một cuốn sổ tay dày cộp và mở ngay một trang đã được đánh dấu bằng một tờ giấy nhắn.

           

            “Một ông bạn già của tôi, Jonh Marks Templeton, rất nổi tiếng, ông ấy không chỉ là nhà hoạch định tài chính xuất sắc mà còn là một người có niềm lạc quan mãnh liệt nhờ đức tin vào sự toàn năng của Chúa. Do đó, vào khoảng năm 1992, khi ông ấy dự đoán …” từ đây, Silvermane bắt đầu đọc một mẩu tin trong cuốn sổ “chỉ số Dow Jones có thể đạt đến sáu ngàn, hoặc hơn, vào đầu thế kỷ 21, thì không có nhiều người tin là thật. Hầu hết, họ cho rằng điều đó chỉ xuất phát từ một suy nghĩ viễn vông của một người lạc quan tếu.”

            Silvermane ngồi xuống, đặt cuốn sổ tay lên đùi và Charlie có thể nhìn thấy những con số và hàng chữ được ghi chú nguệch ngoạc ở bên lề trang giấy. “Anh có theo dõi thị trường chứng khoán không Charlie?”

            “Không hẳn”, anh đáp và cảm thấy thằng bé chuyên phá bĩnh lại vừa cười anh.

            “Anh nên theo dõi đi. Anh đừng có nghĩ là đám hề ở Washington có thể lo cho tương lai của anh. Ông không đợi Charlie trả lời từ mà nói tiếp, “Ừ, nếu anh theo dõi thị trường chứng khoán, anh sẽ thấy rằng chỉ số Dow tăng vụt lên đến chín ngàn điểm, sớm hơn hai năm so với mức dự đoán sáu ngàn điểm của Ngài John. Nó thậm chí còn lên đến mười bốn ngàn điểm vài năm trước. Anh biết đấy, thậm chí không cần theo sát thị trường cổ phiếu, thì anh cũng thấy là nó có thể tụt dốc khá nhanh và tăng lên trở lại khá mạnh. Như một câu nói nổi tiếng của J.P. Morgan, thị trường cổ phiếu sẽ lên và xuống rất nhanh như tàu lượn siêu tốc ấy. Nhưng nếu anh bám sát nó, anh sẽ không hối tiếc đâu. Để tôi nói cho anh cái này Charlie ạ, những quyết định của anh đưa ra lúc này, cũng giống như chơi cổ phiếu vậy. Xét về dài hạn, khả năng đi lên luôn lớn hơn nguy cơ tuột dốc.

            “Đó là nghịch lý đầu tiên trong ba nghịch lý xuất hiện khi anh muốn làm điều gì đó vĩ đại, điều mà người bình thường nghĩ đó là không khả thi. Cái anh có thể đạt được sẽ lớn hơn rất nhiều cái anh có thể sẽ mất cho dù anh thất bại một lần hay mười lần, nếu anh kiên trì đến cùng thì anh luôn được đáp trả xứng đáng, những khó khăn anh phải vượt qua để đạt tới thành công sẽ không thấm tháp gì so với những gì anh gặt hái. Hơn nữa, dù khả năng thành công của anh có ở mức nào đi nữa thì kết quả tệ nhất luôn như nhau, cũng chỉ là anh trở về vạch xuất phát. Nói cho cùng, anh bắt đầu doanh nghiệp triệu đô hay trăm triệu đô khi thất bại, anh cũng chỉ mất căn nhà cho ngân hàng, phải không?”

            Silvermane đứng dậy, cất cuốn sổ tay trở lại giá sách. Charlie chú ý thấy ông hơi khập khiểng và nhớ ra anh đã đọc ở đâu đó rằng Silvermane quyết định nghỉ hưu sau khi ông bị tai nạn suýt mất mạng trong lúc trượt tuyết. “Nghịch lý thứ hai là những suy nghĩ táo bạo thường có khả năng thành công cao hơn những ước mơ bé nhỏ. Tôi là một người ủng hộ thường xuyên cho tổ chức Habitat of Humanity. Anh có biết tổ chức này không vậy?

            “Tôi biết về nó nhiều hơn về thị trường chứng khoán”, Charlie cười và đáp.

“À, vậy anh có biết rằng Milard Fuller, người sáng lập, đã đề ra một mục tiêu tưởng chừng bất khả thi là xoá hết các khu nhà ổ chuột trên toàn thế giới. Điều đó rất khó, nếu anh để ý rằng có khoảng hơn một tỷ người, gấp bốn lần dân số nước Mỹ, đang không có nhà tử tế. Nhưng anh biết gì không? Trong vòng khoảng hai mươi năm đầu tiên, Habitat đã xây hơn tám mươi ngàn ngôi nhà, và mười năm kế tiếp, họ xây thêm hơn hai trăm năm mươi ngàn ngôi nhà.” Silvermane dừng lại một chút để Charlie có thời gian suy nghĩ. “Theo hướng suy nghĩ đó, anh hoàn toàn có thể thấy được cái ngày mà ước mơ bất khả thi của quá khứ trở thành hiện thực trong tương lai”                                          

            Silverman khoanhh tay và duỗi thẳng chân. “Thử tưởng tượng, nếu thay vì mục tiêu xây nhà cho người nghèo trên toàn thế giới, Fuller chỉ định giải quyết vấn đề tại quê nhà của ông ấy, Georgia, giải quyết các vấn đề ở đó, tiếp đến là South Carolina và các nơi lân cận, thì theo anh, Habitat for Humanity bây giờ như thế nào?

            “Vẫn đang ở Georgia, chắc vậy?”

            “Chính xác! Chính sự nguy nga vĩ đại của ước mơ đã kéo toàn bộ nỗ lực của anh ấy tiến lên, nó thu hút rất nhiều nguồn lực cần thiết để biến ước mơ thành hiện thực. Giá như ai cũng biết thế! Anh có nghĩ là Millard Fuller phải làm việc chăm chỉ gấp tám mươi ngàn lần một người lao động chân chính dành ra cả tháng để tìm được một căn nhà ở được cho một gia đình không?

            “Không, dĩ nhiên không rồi.”

            “Dĩ nhiên, không rồi!” Silvermane gần như hét lên trong niềm hưng phấn. Charlie giờ đã hiểu được tại sao có nhiều doanh nhân khởi nghiệp tìm đến ông ấy để được chỉ bảo. “Và tuy rằng ông ấy đã nhường bước cho thế hệ sau, Habitat for Humanity vẫn là một tổ chức hoạt động năng nổ đang thay đổi cả thế giới. Đó là một huyền thoại kết trái từ một ước mơ vĩ đại.

           

            “Anh có muốn biết cái nghịch lý thứ ba không?” Charlie gật đầu và Silvermane tiếp tục. “Những mục tiêu vĩ đại, những giấc mơ về toà lâu đài trên không, không chỉ được thực hiện. Những mục tiêu đó luôn được vượt qua. Chúng trở thành những bệ phóng cho những giấc mơ lớn hơn và tốt đẹp hơn, anh chỉ có thể nhìn thấy ngọn núi cao hơn khi anh ở trên đỉnh của một ngọn núi khác.”

Silvermane lại đi vòng vòng, như thể cơ thể đó không thể chứa nổi tâm hồn sôi nổi của ông.

            “Quay về những năm đầu của thập niên 50 khi tôi đang làm việc cho hãng Walt Disney. Chuyện về một người viễn vông! Một hôm tôi ở trong văn phòng của ông Walt trong lúc ông ấy đang trao đổi với Roy, anh của ông ấy, một trong những người đối trọng với Walt. Walt lúc đó đang rất hào hứng về ý tưởng tuyệt vời về công viên Disney mà ông ta chuẩn bị thực hiện, trong khi đó, Roy trông giống như là ngồi trên đống lửa. Walt thì nhìn thấy những lâu đài thần tiên trong không trung, trong khi đó Roy chỉ nhìn công ty sắp phải đổ một đống tiền mồ hôi nước mắt vào những mơ mộng hão huyền. Đã có lúc Roy thật sự bực tức và nói, "Walt, tại sao em không thể từ bỏ giấc mơ hão huyền về Disneyland và tập trung vào kinh doanh điện ảnh?

            Sivermane mỉm cười, nụ cười kiểu ngạc nhiên, cứ như là ông vừa mới nhìn lên và nghĩ là sẽ nhìn thấy Walt và Roy, chứ không phải Charlie. “Dĩ nhiên chúng ta biết rằng chuyện gì đã xảy ra, đúng không? Disneyland tất nhiên không phải là một giấc mơ viễn vông, thậm chí nó còn không phải là một giấc mơ đặc biệt lớn. Tại sao ư? Nếu ngày mai Disneyland đóng cửa thì việc đó chẳng gây thiệt hại gì lớn cho cái đế chế giải trí toàn cầu được khai sinh bằng những ước mơ của một người bình thường đó.”

            “Đúng, nhưng mơ lớn thì tốn kém lắm.” Charlie thốt ra những lời cứ như thể là thằng nhóc phả bĩnh đang nói vậy.

“Tôi sẽ nói với anh về một nghịch lý khác”, Silvermane trả lời. Tôi có biết một số người có mơ ước rất lớn, và rất thành công. Không một ai trong số họ mơ về tiền bạc. Những giấc mơ của họ thường lớn hơn tiền bạc. Và không một ai trong số họ lo lắng về tiền bạc. Họ có niềm tin rằng khi họ tiến trên con đường hướng tới mục tiêu của mình, thứ tiền mà họ cần ở mỗi chặng đường sẽ ở đó vào đúng thời điểm họ cần. Hơn hai ngàn năm nước, Trang Tử, một nhà triết học đạo Lão, Tử đã nói rằng cách duy nhất để có thể hạnh phúc thực sự là đừng tính cách để hạnh phúc. Nó giống với suy nghĩ về tiền bạc. Nếu mục tiêu của anh chỉ là có thật nhiều tiền, anh có lẽ sẽ không bao giờ thấy đủ. Nếu mục tiêu của anh là thứ gì đó lớn hơn, thứ gì đó mà anh có thể toàn tâm toàn ý, anh sẽ thấy đủ. Và nếu anh kiên trì theo đuổi ước mơ, một ngày nào đó, anh sẽ có nhiều hơn, thậm chí hơn rất nhiều số tiền mà anh cần. Nhưng khi anh mải nghĩ phải kiếm tiền ở đâu ra, là anh bắt đầu đầu độc giấc mơ của mình.”

Charlie gật đầu. “Một người bạn của tôi nói rằng lo lắng chính là vô ơn với Chúa – trước cả khi ta được ban phúc.”

Bạn anh thật thông thái. “Silvermane rót thêm trà cho cả hai người. “Anh có biết một trong những giấc mơ lớn của tôi là gì không? Là có một chiếc tách có thể giữ trà của tôi ở đúng nhiệt độ thích hợp mà không cần phải dùng đến cái bọc cách nhiệt bằng nhựa xấu xí này hoặc phải đậy nó lại bằng một cái nắp với một cái lỗ nhỏ xíu.”

Charlie cười. “Tôi cũng vậy! Vài năm trước tôi đăng ký một lớp học làm gốm ở một trường cao đẳng cộng đồng và tôi đã làm một vài cái giữ tách trà mà có một chỗ để cho một cây nến bên dưới. Làm thế rất hiệu quả.”

Silvermane nhìn người đàn ông trẻ, như thể đo sức mạnh tiềm ẩn của anh. “Anh vẫn còn một vài cái chứ?”

Charlie gật đầu. “Chúng không được đẹp mắt cho lắm nhưng được việc.”

“Không biết anh có thể gửi cho tôi một cái không. Tôi rất muốn giữ ấm tách trà của tôi lúc đọc sách.”

“Ồ tất nhiên, không có vấn đề gì. Thực ra, tôi có thể gửi ông vào ngày mai. Với công việc hiện tại, giờ giấc hiện tại của tôi, có thể nói, khá linh hoạt.

Silvermane cười nhưng không rời mắt khỏi Charlie. “Tìm ra một nhu cầu và cố gắng đáp ứng nhu cầu đó. Đó là lời khuyên tốt nhất dành cho những người, ừm. có thời gian biểu linh hoạt. Đó chính là điều anh vừa mới làm phải không?

 “À, vâng, tôi nghĩ vậy.”

 “Điều đó không khó phải không?”

Charlie cười và lắc đầu. “Đó cũng đâu có phải là nhu cầu gì lớn lao.”

“Nhu cầu có bánh socola để ăn cũng đâu có gì to tát, nhưng đừng nói với bà Fields (*) !” Tôi sẽ nói cho anh biết tại sao những mục tiêu đầy tham vọng lại có nhiều khả năng thành công hơn so với những mục tiêu tủn mủn. Charlie lấy bút và sổ ghi chép từ túi áo khoác, và nhìn Silvermane như thể xin phép được ghi lại. “Những gì tôi đang nói với anh cực kỳ quan trọng,” Ông nhấn mạnh. “Anh hãy ghi lại thật cẩn thận nhé!”

“Một mục tiêu lớn, cỡ đánh cược cả một công ty, sẽ đem lại cho anh bốn công cụ mạnh mẽ mà những mục tiêu tủn mủn không làm được. Đầu tiên, đó là sức hút. Khi anh cam kết với một mục tiêu lớn – ý tôi không phải là thứ gì đó mà anh đại khái thích làm, mà là thứ khiến anh đam mê hơn hết thảy- sức hút của nó có thể mang tới cho anh những người cộng sự giỏi, tiền và mọi thứ mà anh cần để hoàn thành nó.”

Công cụ thứ hai mà anh có được là một kim chỉ Nam. Khi anh găm chặt quyết tâm vào chinh phục một mục tiêu lớn, anh ít có khả năng bị những cám dỗ lặt vặt làm cho mất nhuệ khí. Khi anh có được thành công lớn, “ Silvermane nhìn Charlie như gợi ý, “anh sẽ suốt ngày được mời phát biểu, làm thành viên các hội đồng, và làm hàng triệu thứ khác có thể làm thoả mãn cái tôi của anh nhưng sẽ kéo anh chệch hướng khỏi con đường dẫn tới mục tiêu ban đầu. Cam kết của anh với mục tiêu đó sẽ giữ anh đi đúng hướng.”

“Thứ ba”, ông tiếp tục, “ một mục tiêu lớn giống như chiếc kính lúp. Chúng ta ai cũng chỉ có từng ấy thời gian và năng lượng, và khi anh có một hoài bão lớn anh sẽ học được cách tập trung giống như một chiếc kính lúp hội tụ ánh sáng mặt trời. Anh biết không, trung bình một người Mỹ xem tivi hai mươi lăm hoặc ba mươi giờ một tuần, hơn một phần ba thời gian được cho là rảnh của họ bị lãng phí vào các mẩu quảng cáo lãng nhách. Những người có ước mơ lớn thường dùng trí tưởng tượng vào những công việc mang lại hiệu quả lớn hơn nhiều.”

Cuối cùng, một giấc mơ lớn là một bánh đà. Trong động cơ xe của anh, chức năng của bánh đà là để duy trì động lực của trục cơ giữa mỗi chuyển động piston. Đó chính là vai trò của một giấc mơ lớn. Nó giúp anh vượt qua những ngày anh thấy mình không có động lực, khi anh bị từ chối quá nhiều lần, khi chủ nợ đe doạ sẽ để một công ty thu nợ làm việc với anh, khi mà nếu không có cam kết với giấc mơ của mình thì anh sẽ rất dễ dàng buông xuôi”. Silvermane cười khúc khích. “Bỏ cuộc và nhận lấy một công việc với thời gian biểu “kém linh hoạt” hơn”.

Charlie mỉm cười với cách liên tưởng của Silvermane. Anh có cảm giác rằng một ngày nào đó anh sẽ nhớ lại buổi trò chuyện này với Alan Silvermane như một trong những ngày quan trọng nhất của cuộc đời mình, mà nếu như anh vẫn đang làm việc tại LPI lúc đó, anh sẽ không bao giờ cho phép mình dành thời gian đi gặp ông. Anh luôn có quá nhiều việc phải làm và không có thời gian để dành cho những việc quan trọng nhưng không quá gấp gáp, giống như việc học hỏi từ một người lớn tuổi hơn anh nhưng không phải là một khách hàng.

Như để đối đáp với suy nghĩ của Charlie, Silverman nói, “Tôi hy vọng là tôi đã không làm anh chán. Những người già cả lạc hậu như tôi không có quá nhiều cơ hội để chia sẻ sự khôn ngoan của mình. Xem ra những người trẻ ngày nay tiến bộ quá nhanh.”

           

“Không hề”, Charlie trả lời ông khi anh vừa viết xong một điều gì đó xuống tập ghi chép của mình.“ Thực ra tôi đang cố gắng suy nghĩ làm thế nào tôi có thể sử dụng những công cụ này một cách thiết thực nhất trong những hoàn cảnh của tôi.”

“Chà,” Silvermane trả lời. “ Để tôi chia sẻ một điều rất thực tế nhưng tác động vô cùng mạnh mẽ. Anh phải biến những giấc mơ lớn của anh thành những ký ức của tương lai. Khi anh dựa vào những ý ức của tương lai đó, giống như dựa vào những ký ức từ quá khứ thì khả năng thành công của anh sẽ được đảm bảo”.

Charlie thấy ngạc nhiên với sự liên tưởng này.” Một người bạn của tôi làm việc cho một tập đoàn gọi là “Future perfect now” (FPN) và những ký ức của tương lai là một trong những công cụ họ sử dụng để khích lệ nhân viên của họ.”

“ Tôi biết điều đó”. Người sáng lập của FPN, nói thế nào nhỉ, là một trong những sinh viên của tôi trong nhiều năm. Những ký ức của tương lai có thể hữu hình và đáng tin hơn những ký ức của quá khứ. Suy cho cùng, đối với phần lớn chúng ta, ký ức thường không đáng tin cậy, đúng không?

“Àh ờ, có thể vậy”

“Thực sự là vậy”. Hãy để tôi minh hoạ. Anh hãy miêu tả cho tôi những sự kiện trong lần sinh nhật thứ hai của anh, thật chi tiết. Kể cho tôi nghe thật chi tiết về bữa tiệc, về những món quà, về chiếc bánh sinh nhật và về những bài hát.

Charlie ngây người.

“Sao vậy Charlie? Anh có được tổ sinh nhật hồi hai tuổi đúng không?”

Charlie gật đầu.

“Nhưng anh không thể nhớ nổi nó. Đó chính là điều tôi muốn nói. Giờ thì hãy kể tôi nghe nếu anh có thể nhắm mắt lại và hình dung trong vòng năm phút anh sẽ ở đâu, với ai, anh sẽ mặc gì, thậm chí mùi vị của thứ trà anh đang uống? Anh có thể hình dung được không?”

“ Vâng, tất nhiên” Charlie trả lời. Tôi sẽ ở ngay tại đây với ông, với tách trà này”

“Hãy nhắm mắt lại và tưởng tượng. Silvermane yêu cầu. “ Anh có nhìn thấy rõ tôi và căn phòng này không? Đừng mở mắt vội, hãy tập trung vào bức tranh đó. Anh nhìn thấy không?” Trước khi chờ Charlie trả lời, Silvermane nói, “Giờ anh có nghe được chúng ta đang nói chuyện gì, câu trả lời của tôi cho những câu anh sẽ hỏi? Anh có nghe thấy được tôi đồng ý với một lời yêu cầu được giúp đỡ của anh không?

“ Chắc chắn rồi, tôi có thể hình dung được chuyện đó.”

“ Anh đang làm nhiều hơn cả tưởng tượng”. Anh đang khiến điều đó xảy ra. Anh có nhiều ảnh hưởng hơn tới cuộc trò chuyện mà anh tưởng tượng ra. Giờ thì hãy mường tượng ra tình huống vào ngày mai?

Charlie gật đầu đồng ý.

“Tuần tới thì sao?”

Charlie lại gật đầu.

“Tháng tới? Năm tới? Năm năm nữa? Tôi thấy là những người rất thành công rất giỏi trong việc “ghi nhớ” những điều sẽ xảy ra trong một tương lai xa, và đủ tự tin để dựa vào những ký ức tương lai đó. Nó khiến họ có đủ niềm tin để mạo hiểm khi cần thiết vì họ biết mọi chuyện sẽ diễn biến thế nào.”

Silvermane đặt tách trà của mình lên trên bàn. “ Phần lớn mọi người đều nghĩ rằng thời gian giống như dòng sông chảy không ngừng và không để đảo ngược, chỉ theo một chiều từ tương lai đến quá khứ. Tôi thì thích nghĩ về thời gian giống như một cái hồ, và vị trí của tôi trong cái hồ đó giống như một điều gì đó tôi có thể kiểm soát được ở một mức độ nhất định. Do vậy, nếu thuận lợi, tôi có thể chèo tới bờ bên kia của cái hồ, giống như chèo tới tương lai, dựng nên một bến tàu để đón chiếc thuyền của tôi khi tôi trở lại đó, và đánh dấu con đường tới bến tàu bằng với những chiếc phao để khi tôi quay trở về hiện tại, tôi sẽ có một lộ trình chỉ dẫn tôi quay trở về bến tàu đó, đó là ký ức của tương lai mà tôi dã tạo dựng nên trong trí óc của tôi.”

Chiếc điện thoại cạnh cửa sổ reo lên. Silvermane nhìn chằm chằm vào chiếc điện thoại cho tới khi nó ngừng đổ chuông, như thể người gọi tới là nhân viên bán hàng qua điện thoại đang làm gián đoạn giờ ăn tối của ông, và tập trung nói chuyện với Charlie. “Tất cả những bài báo viết về tôi và những thành công trong kinh doanh của tôi trong nhiều năm qua đã bỏ lỡ một điểm quan trọng nhất. Không một bài báo nào đề cập tới việc tôi rất thành công là bởi vì tôi biết tôi đang đi đâu, và tôi biết tôi đang đi đâu là vì tôi đã ở đó. Tôi đoán là những người thuận não trái (**) có thể nghĩ rằng điều đó thật kỳ quặc, thế thì tệ quá vì điều đó thực sự hiệu quả. Anh có muốn biết làm thế nào mà nó hiệu quả không?”

“ Vâng, tôi muốn biết”. Charlie trả lời, lòng thực sự hồi hộp muốn học được cách làm thế nào sử dụng kỹ thuật mà anh đang dần hiểu ra.

“Một ký ức của tương lai hiệu quả có ba thành phần. Đầu tiên là hình ảnh trực quan, càng rõ ràng và chi tiết càng tốt. Anh có quen thuộc với khái niệm mâu thuẫn nhận thức.

Charlie gật đầu và nói: “Đó là khi ông cố gắng nghĩ về hai thứ không tương thích cùng một lúc, giống như là tổng giám đốc công ty thuốc lá khăng khăng mình là người tốt vì ông ta không muốn trẻ con hút thuốc, nhưng cùng lúc đó ông ta biết rằng mình phải sử dụng quảng cáo để dụ dỗ trẻ con hút thuốc, biến chúng thành người thay thế cho những khách hàng lớn tuổi chết vì hút thuốc.”

Silvermane gật đầu. “ Vậy chuyện gì xảy ra?”

“ Sẽ có gì đó không ổn...Hoặc là ông ta tố cáo công ty thuốc lá, hoặc không làm việc cho công ty đó nữa, hoặc ông ta tự lừa dối mình rằng trẻ con sẽ không để ý tới những quảng cáo với hình ảnh người hút thuốc thì trông sành điệu như thế nào, và rằng ông ta là một người tốt cho dù thứ ông ta đang bán đã giết bao nhiêu người”.

“Đúng vậy” Silvermane nói. Nguyên lý tương tự cũng áp dụng với việc tạo ra những ký ức tương lai. Nếu anh có hình dung sống động giống về mình với tư cách là một doanh nhân thành đạt sống trong một ngôi nhà đẹp, nhưng sự thực là anh đang bị mắc kẹt trong công việc mà anh không hề thích, sống trong một căn hộ tồi tàn, thì anh phải từ bỏ đi một thứ gì đó. Hoặc là cái hình dung đó biến thành một ảo vọng giữa ban ngày rồi cả hai cùng bay biến đi đâu, hoặc là anh sẽ phải tìm ra được con đường để bắt đầu việc kinh doanh và tiến tới sống trong ngôi nhà mơ ước.”

Silvermane đặt hai ngón tay lên thái dương. “Các nhà tâm thần học thần kinh ở Standford, nơi mà tôi theo học kinh doanh, đã chỉ ra rằng tiềm thức không thể phân biệt được giữa những hình ảnh sống động và thực tế. Khi anh kiên trì giữ một hình ảnh tuyệt đẹp trong đầu, kể cả khi - đặc biệt là khi - nó hầu như không thể trở thành sự thực thì tiềm thức của anh bắt đầu làm việc suốt ngày đêm để tạo hiện thực hoá hình ảnh mà nó tin là thật đó. Tôi sẽ nói với anh điều này, một trong những ý tưởng tốt nhất của tôi để đạt được những mơ ước của mình đến trong những giấc mơ, hoặc bất chợt tới trong những lúc “ A-Ha” khi anh đang tản bộ ở một miền quê, khi tiềm thức được giải phóng và có thể chỉ dẫn anh tới điều làm mà anh luôn cho là sự thực.”

“ Do đó yếu tố đầu tiên của ký ức tương lai là một bức tranh trong tâm trí. Yếu tố thứ hai là sự khẳng định bằng lời nói, bởi vì khi chúng ta vẽ ra bức tranh đó, chúng ta thường có xu hướng biểu lộ lo lắng trong lời nói. Anh sẽ có một bức tranh trong tâm trí về một ngôi nhà mới đẹp đẽ này, và sẽ có một tiếng nói cằn nhằn rằng: “Anh còn không thể trả hết tiền vay mua nhà bây giờ. Làm thế nào để anh có thể trả được món tiền khổng lồ cho cái nhà đó?” Đó là lúc mà anh cần khẳng định với bản thân anh rằng anh có khả năng đạt được những mục tiêu của mình và anh xứng đáng được hưởng thành quả của sự thành công đó. Shakespear đã nói rằng những ngờ vực có khả năng ngăn cản người ta làm những điều có thể đem lại thành công. Đó là vì sao anh phải làm cho sự lo lắng của anh trở nên có lợi chứ không phải để chúng cản trở anh. Khi sự lo lắng trong anh nói rằng ‘Anh không làm được đâu.’. Anh phải hỏi. “Tại sao lại không?” và “ Tôi cần làm gì để điều đó có thể xảy ra. Bằng cách đó anh có thể khiến cho những lo lắng nghi ngờ của anh loại bỏ dần từng lý do trì hoãn một.”

Silvermane bật cười như thể những ký ức quay trở lại cù lét ông. “Anh có nhớ người đã kiếm được hàng triệu đô la từ những cái núi lửa giả này không?”

Charlie không chắc chắn có nên che dấu rằng mình đã mua một chiếc không. “Ý ông là mấy ngọn núi đất sét nhỏ với vết lõm trên đỉnh để đựng cục than rồi đốt. Mấy cái mà bọn trẻ thường mua vào dịp Quốc Khánh phải không?”

 “Chính là nó” Silvermane vẫn cười. “ Hank Patton- ông ta là người đã nảy ra ý tưởng đó- Tại sao, đầu tiên ông ta đem cho còn không được. Nhưng sau đó ông ta nghĩ ra câu khẩu hiệu quảng cáo tuyệt vời như - Hãy làm bùng nổ văn phòng! – thế là hàng bán đắt như tôm tươi. Suyt nữa thì thất bại. Thật ra, Hank tự ái rất cao. Cứ khi nào công việc tiến triển, ông ta lại làm gì đó ngớ ngẩn khiến mình bị thiệt hại về tài chính hay là chọc giận khách hàng quan trọng, một chuỗi những vấn đề”. Ông ta đã thực sự sợ thành công, nếu anh muốn biết sự thật đằng sau đó.”

Silvermane mỉm cười và lắc đầu. “Tôi từng tham gia hội đồng quản trị cùng với ông ta và đã cố gắng thuyết phục ông ta nên tìm tư vấn, nhưng ông ta bỏ ngoài tai. Tự ái ấy mà. Nhưng một điều mà tôi đã khiến ông ta thay đổi đó là cách ông ta nói chuyện với chính bản thân ông ta. Ông ta luôn luôn bi quan, lúc nào anh ta cũng nghĩ là các ngân hàng sẽ gọi điện đòi nợ, hoặc khách hàng lớn sẽ phá hợp đồng, hoặc những điều tương tự như vậy. Và tất nhiên, ông ta dường như lo nghĩ quá nhiều tới những vấn đề kiểu như vậy.”

“Và rồi, một hôm sau một cuộc họp hội đồng quản trị, ông ta đặc biệt bi quan, tôi có hỏi ông ta liệu anh ta có nói chuyện với bản thân ông ta theo cách giống như ông ta nói chuyện với chúng tôi. “Ý ông là gì?” Ông ta hỏi tôi, cứ như thể là tôi nghĩ ông ta điên. Nhưng khi tôi giải thích rõ ý của mình, ông ta nói “ Trời đất, không! Tôi nói với các ông theo cách vô cùng khách sáo đó. Còn thực ra, tôi cho rằng mọi thứ sẽ còn tệ hơn là các ông có thể hình dung. Làm như vậy thì tôi có thể chuẩn bị sẵn sàng cho những thảm hoạ khôn lường.”

“Chà Charlie, tôi không biết phải diễn tả thế nào cho anh hiểu nỗi kinh hoàng của tôi khi nghe thấy thế. Đúng là chúng tôi đã có quá nhiều vấn đề nghiêm trọng.” Hank Già đã che giấu những suy nghĩ tiêu cực trong đầu, và một khi có điều gì đó trở nên đủ rõ ràng trong trí óc của mình, anh có thể chắc chắn rằng anh sẽ thấy nó ngay trước mắt anh sớm thôi.”

 “ Ông đã làm gì?” Chỉ ngay sáng nay, Charlie đã tưởng tượng ra cảnh cãi lộn với LPI về bản thoả thuận nghỉ việc của mình, cảnh tất cả các công ty từ chối đơn xin việc, và cảnh anh bị ngân hàng huỷ tài khoản tín dụng mà anh ta vừa mới bắt đầu sử dụng.

“ Phải tốn công thuyết phục đấy, nhưng trong một vài tháng tiếp theo, tôi đã khiến Hank thay đổi chính bên trong. Đoán xem? Chỉ trong ba tháng, chúng tôi không còn có cứ mỗi tuần lại có một vấn đề trầm trọng nữa, và việc kinh doanh của công ty bắt đầu khởi sắc. Chúng tôi thực ra không thay đổi nhiều, mà chỉ thay đổi cách Hank nói chuyện với chính mình. Giờ thì ông ta tin tưởng nhất mực và bắt tất cả những người mới gia nhập công ty- tất cả, từ những người lao công cho tới phó tổng giám đốc - phải học một khoá học về tưởng tượng và tự nói chuyện với bản thân. Và kết quả là công ty của ông ta đã được tạp chí Inc. bình chọn là một trong những công ty phát triển nhanh nhất trong những năm qua.

Charlie vẫn yên lặng nên Silvermane tiếp tục. “ Anh có biết điều này không, nghiên cứu cho thấy rằng tâm trí con người, nếu không có gì can thiệp, sẽ tự động hướng tới những suy nghĩ tiêu cực, đáng sợ và gây thất vọng. Đó là lý do tại chúng ta phải chú trọng tới việc nói chuyện với chính mình. Anh phải thay thế những lập trình lỗi thời - những phản xạ stress cấp tính bằng những kỳ vọng tích cực. Và anh sẽ làm được điều đó bằng cách nói chuyện với bản thân.”

Charlie nghĩ trong giây lát và nói, “Tôi hình dung rằng nói chuyện với chính mình một cách tích cực vào những thời điểm khó khăn – khi tôi bị từ chối liên tục và cháy túi và khi tôi cảm thấy thất bại - là rất quan trọng.” Khi anh chờ phản ứng của Silvermane, anh nói thầm trong đầu một trong những điều anh khẳng định sau khi gặp Cheryl lần trước. “ Tôi là một người chiến thắng, và tôi sẽ biến những sự từ chối thành thành công trong tương lai. Lúc nào tôi cần tiền thì tôi sẽ có đủ, và khi tôi tập trung vào sứ mệnh thực sự của mình, tôi sẽ không cho phép mình thất bại.” Anh cảm thấy thật tốt khi nghe những điều đó trong đầu mình và anh ngồi thẳng lưng lên. “ Ông nói có ba thành phần của một ký ức tương lai. Sự tưởng tượng trong tâm trí và khẳng định bằng lời nói là hai điều đầu tiên. Vậy còn điều thứ ba?”

           

“Hành động!” Silvermane đập tay xuống bàn, khiến tách trà va vào đĩa leng keng. “Hành động. Nếu thiếu thống nhất, những hành động thường ngày để dẫn anh tới mục tiêu của anh, đó không phải là một giấc mơ, đó chỉ là ảo vọng.” Silvermane ngừng lại để Charlie ngẫm nghĩ một chút. “Tôi vừa nói về những công cụ mà những tham vọng lớn mang lại cho anh. Tôi sẽ nói tới ba nguồn lực tinh thần anh có, sẵn sàng thổi bùng lên ngay khi anh cam kết với giấc mơ của mình. Những nguồn lực này,” ông nói, chỉ vào sổ ghi chép của Charlie như ra hiệu cho anh ghi lại. “có sức mạnh vô song. Tôi đã từng có vinh dự gặp Napoleon Hill quá cố. Ông ta đã viết một trong những cuốn sách tự lực kinh điển là “ Suy nghĩ và làm giàu” Anh đã đọc nó chưa?

“Tôi đọc cũng lâu rồi,” Charlie lẩm bẩm, không rời mắt khỏi cuốn sổ ghi chép của mình.

“Vậy thì anh hãy đọc lại lần nữa ngay đí nhé. Anh đang ở một thời điểm quan trọng, khi mà chỉ một chút suy nghĩ cũng có thể tạo bước chuyển biến hiệu quả. Dù sao, ngài Hill nói với tôi rằng phần lớn mọi người đều làm ngược lại. Người bình thường sẽ nghĩ rằng anh ta không có thời gian để suy nghĩ vì anh ta còn phải cật lực kiếm sống. Tại sao, ông ta chỉ hết sức phẫn nộ về điều đó. ‘Tôi đã không viết cuốn sách Làm giàu và suy nghĩ là có lý do,” ông ấy nói với tôi. ‘Giá như con người sử dụng trí óc của họ’. Chúng ta có nguồn lực tinh thần tuyệt vời này, nhưng phần lớn chúng ta đã tắt nó đi ngay vào thời điểm chúng ta bật tivi lên.

Silvermane chỉ vào đầu ông một lần nữa. “Đây là nơi chứa kho báu bị chôn vùi, Charlie. Ngay tại đây, Anh có ba nguồn lực quý giá mà có thể giúp anh đạt được bất kỳ mục tiêu nào. Đầu tiên là sự chú tâm. Anh biết đấy, mọi người thường không biết rằng yêu cầu người khác sự chú tâm vào việc gì là một yêu cầu rất lớn. Trên nhiều khía cạnh, đó là tất cả những gì ta có. Đó là thứ còn hạn chế và có giá trị hơn rất nhiều so với thời gian. Các quyết định quan trọng nhất mà anh đưa ra đều cần tập trung cao độ. Anh chú tâm tới những tin tốt hay tin xấu? Anh chú ý tới chiếc tivi hay những cuốn sách? Anh chú tâm tới những khó khăn và thiếu thốn hay những cơ hội và sự giàu có?

 “Tôi chưa bao giờ nhìn nhận về sự chú tâm theo cách đó,” Charlie nói, gạch chân một vài điều trong sổ ghi chép của anh. “như là nguồn lực đáng giá nhất. Có lẽ đó là tại sao mọi người nói hãy chú tâm”

“Tôi nghĩ là anh đúng. Đừng bao giờ lãng phí sự chú tâm của mình. Nguồn lực tinh thần thứ hai mà anh có,” Silvermane tiếp tục một lần nữa lại chỉ vào sổ ghi chép của Charlie ra hiệu cho anh ghi lại. “đó là trí tưởng tượng của anh. Đó là một khả năng thiên bẩm quý giá nhưng phần lớn mọi người không sử dụng nó đúng cách. Họ hoặc là lãng phí nó để ghi nhớ lại những hình ảnh khủng khiếp của một tương lai kinh khủng mà họ không bao giờ muốn thấy - hay nói cách khác, lo lắng – hoặc mơ về những bức tranh đẹp về một thực thể lý tưởng nhưng họ không chịu cố gắng để đạt được nó - gọi là mơ giữa ban ngày.”

Silvermane dừng lại vừa kịp lúc Charlie ghi xong. “Giờ thì, một chút lo lắng và một chút mơ mộng hão huyền thì cũng tốt, nhưng cách sử dụng trí tưởng tượng hiệu quả nhất là tạo ra những ký ức của tương lai. Đó chính là sự khác biệt giữa Walt Disney dựng nên lâu đài của Cinderella ở trên không rồi xây móng của nó ở dưới và một người làm công ăn lương bình thường trở về nhà vào buổi đêm, mơ trúng xổ số để không bao giờ phải làm việc nữa. Tất nhiên, khi anh ta ngừng mơ mộng, anh ta sẽ lại lo lắng, vì những vấn đề của anh ra vẫn còn ngổn ngang, vì anh ta chưa hề nghĩ tới giải pháp.”

Họ đã nói chuyện được hơn ba giờ mà Silvermane vẫn chưa có dấu hiệu mệt mỏi. Năng lượng và sự nhiệt tình chỉ càng tăng khi ông tiếp tục. “Một điều nữa về sự tưởng tượng đó là anh càng sử dụng nó, anh sẽ càng thu được nhiều thông tin từ nhiều lĩnh vực, anh càng cố gắng khắc hoạ nó và biến những ý tưởng thành hiện thực, thì trực giác sẽ mạnh lên. Anh có những tưởng tượng này trong đầu, và trực giác của anh sẽ dẫn đường cho anh tìm tới những người anh cần phải gặp và việc anh cần phải làm để biến giấc mơ đó thành sự thực”

“ Nguồn lực tinh thần thứ ba” “ Đó là niềm tin. Niềm tin là chất xúc tác cần thiết để biến một giấc mơ thành ký ức của tương lai. Tôi đã đặt tên công ty đầu tiên của tôi là Tập đoàn B-A-R. Không mấy ai hỏi tôi những chữ cái đó nghĩa là gì, nhưng chúng luôn luôn nhắc nhở tôi – Tin tưởng (Believe), Gặt hái (Achieve), Đón nhận (Receive). Đó là một điều nữa mà mọi người thường làm ngược lại. Họ muốn được nhận từ ai đó cái gì trước đã - tiền, sự ghi nhận gì cũng được, chứ không tự giành lấy. Và sau đó họ sẽ lên đường tìm kiếm một điều gì đó, vì giờ họ có những nguồn lực và sự tự tin để hành động mà không phải chịu quá nhiều rủi ro. Sau đó, chỉ sau khi họ nhìn thấy mọi thứ được sắp đặt đúng chỗ, họ sẽ tin chắc rằng điều tốt đẹp sẽ tới.”

Charlie viết xong, khi anh thấy rõ kết luận của Silverman, anh hỏi: “Ông vừa mới dùng từ ‘sợ hãi thành công’. Tôi chưa bao giờ thực sự nghĩ về nó. Ý tôi là, tại sao mọi người lại sợ hãi điều mà tất cả chúng ta không bao giờ cảm thấy chúng ta có đủ? Nhưng đúng là một số người cũng đã sử dụng thuật ngữ này gần đây. Ông nghĩ sao về nó?”

 “ Câu hỏi rất hay.” Theo quan điểm của tôi, đó là trở ngại lớn nhất mà bất cứ ai cũng gặp phải khi họ nghĩ tới việc gây dựng một doanh nghiệp. Điều này có hai phần. Một là, phần lớn chúng ra đều nghi ngờ rằng chúng ra không xứng đáng có được thành công. Điều này là kết quả của việc thiếu tự tin và sự không chắc chắn về vấn đề tiền bạc. Chúng ta được dạy từ bé rằng không được khác biệt - không được trở thành trò cưng ở trường hay một kẻ nịnh hót – và nếu chúng ta muốn thật giàu trong khi rất nhiều người đang đói khát ở Ấn Độ thì như thế là sai. Anh cần phải thực sự tin rằng Chúa muốn anh thành công rực rỡ và sau đó sẵn sàng chia sẻ thành công của mình với những người khác.”

“Hai là, mọi người thường sợ hãi những gì đến sau thành công. Họ thường lo lắng nhiều về việc họ sẽ bị mất điều gì hơn là việc họ sẽ đạt được điều gì.”Họ nghi ngờ, khá chính xác, rằng thành công mang lại cả một loạt các nghĩa vụ, thế là họ sẽ không được an nhàn hưởng thụ cuộc sống nữa mà buộc phải làm gì đó để trả ơn tất cả những người đã giúp họ leo tới sự thành công.”

“Thế làm cách nào mà ông đã vượt qua được sự sợ hãi thành công?” Charlie hỏi.

“ Anh phải mơ lớn hơn những giấc mơ bình thường” Silvermane trả lời.

“ Ông nói sao?”

“ Mọi người ngày nay thường có định hướng quá ngắn hạn. Họ không sẵn sàng tập trung vào một thứ trong một thời gian dài mà không để tâm tới những chuyện khác. Họ muốn được thoả mãn ngay lập tức.”

Charlie cười, và khi người đàn ông lớn tuổi dừng lại, không nghĩ ông đã nói điều gì đó nực cười thì Charlie nói “Tôi xin lỗi, nhưng nhận xét của ông làm tôi nhớ lại cuộc trò chuyện gần đây với cô con gái mười bốn tuổi của tôi. Tôi hỏi nó có hiểu thế nào là trì hoãn sự thoả mãn không” “ Vâng” Cô bé trả lời. ‘Con nghĩ là con biết thế nào là trì hoãn và con cũng chắc chắn hiểu thế nào là thoả mãn, nhưng khi ghép lại thì thực sự ...’ Cô bé dừng lại và hỏi: “Bố, từ gì mà nói về hai khái niệm không đi được với nhau ạ? Nó giống như một con bò ngu ngốc?”

“Phép nghịch hợp” Silvermane xen vào và cả hai người cùng cười trước sự tưởng tượng của cô bé. “Đúng, nhưng không chỉ có mỗi thế hệ của con gái anh, mà cả hệ của bố mẹ chúng không thể hiểu nổi vì sao ai đó có thể trì hoãn những sự thoả mãn nho nhỏ thường ngày để một ngày nào đó nhận lấy một điều làm họ rất hài lòng. Nghịch lý - có một từ tuyệt vời khác dành cho con gái anh, nói với cô bé rằng đó là một bác sĩ nha khoa và một bác sĩ tim mạch cùng ăn trưa với nhau. Nghịch lý này là một khi họ đạt được sự hài lòng sau một thời gian dài làm việc chăm chỉ - tất cả những cơ hội để thực hiện những điều thú vị và tuyệt vời nhất đều có thể xảy ra sau đó. Nếu anh muốn hạnh phúc trong một thời gian dài, có nghĩa là anh bỏ qua những cơ hội để đạt được những niềm vui ngắn hạn”.

Silvermane đứng dậy và bước tới tấm phủ bên trên lò sưởi. “Tôi đã đạt được rất nhiều giải thưởng và nhiều danh hiệu trong cuộc đời của tôi. Phần lớn chúng được cất trong hộp ở đâu đó trong nhà, nhưng tôi để một thứ quan trọng ở đây. “Ông lấy một bộ khung ảnh gồm ba chiếc có thể gấp lại giống như một cuốn sách, mở ra trước mặt và nhìn từ trang này sang trang khác.

“Có ba văn bản trong khung này, Charlie” Một là chứng nhận thành lập công ty đầu tiên của tôi, năm 1949. Lúc đó tôi vừa tốt nghiệp đại học và đã quyết tâm sẽ trở thành triệu phú trong hai năm. Khá tham vọng phải không? Cái thứ hai là lá thư từ năm 1954 từ một chủ nợ đe doạ sẽ kiện nếu tôi không thanh toán hoá đơn đã quá hạn mà tôi không có cách nào trả vào thời điểm đó. Tôi đã mong trở thành triệu phú trong hai năm cơ đấy. Thứ ba là lời nhắn viết tay từ kế toán của tôi, năm 1962. Cũng ngắn thôi nên tôi sẽ đọc cho anh nghe. Trên đó viết rằng: “Chúc mừng, Al. Tôi vừa hoàn thiện tờ khai thuế cho cả năm và giờ ông chính thức trở thành nhà triệu phú.” Đó là tất cả. “Anh có muốn biết tôi làm gì khi tôi nhận được lời nhắn đó không?”

 “Ăn mừng?”

“ Không. Tôi nhét nó vào ngăn kéo và quay trở lại với công việc. Tôi từ lâu đã vượt ra khỏi mục tiêu đó. Khi nó thực sự xảy ra, nó không còn là mục tiêu nữa, chỉ là một trạm dừng cần thiết để đi tới một điều gì đó lớn hơn mà thôi. Đây là một nghịch lý khác. Nếu tôi không vượt quá được mục tiêu đó, tôi sẽ không bao giờ có thể đạt được nó. Đó là lý do tại sao chúng ta phải mơ lớn hơn bình thường. Vì khi chúng ta trưởng thành, giấc mơ của chúng ta sẽ trở nên nhỏ bé hơn. Chúng sẽ không còn truyền cảm hứng cho chúng ta nữa.”

Silvermane đặt khung hình lại chỗ cũ. “Tôi sẽ nói cho anh biết tại sao tôi không đạt được mục tiêu trở thành một nhà triệu phú như đã định. Đó là một mục tiêu sai. Đừng bao giờ giới hạn những ước mơ của anh, nhất là những giấc mơ quan trọng bằng tiền bạc. Có một giấc mơ lớn hơn một đống tiền, thế là anh sẽ có rất nhiều tiền. Nếu tất cả những gì anh ước mơ chỉ là có một đống tiền, anh sẽ không bao giờ đạt được, nhưng trong lòng anh sẽ đầy lo lắng. Người ta thường nghĩ rằng tất cả những lo lắng của họ sẽ biến mất nếu như họ có một đống tiền ở trên trời rơi xuống. Thực ra, điều duy nhất mà tiền đem lại cho anh là một bước chuyển tiếp tới những điều lớn lao hơn và những thử thách thú vị hơn là những gì anh đang phải đối mặt hiện tại.”

 “ Đó là tại sao anh phải mơ lớn hơn những giấc mơ bình thường,” Silvermane lặp lại. Vừa nói, ông vừa đứng lên như một dấu hiệu rằng cuộc nói chuyện sắp kết thúc. “Nếu giấc mơ của anh có giới hạn, như là có một triệu đô trong tài khoản ngân hàng, thậm chí nếu điều đó xảy ra, mà chắc là không đâu, thì anh sẽ không giữ được nó trong một thời gian dài. Ngay khi anh ngừng phấn đấu hướng tới những mục tiêu lớn hơn phía trước anh, anh sẽ bắt đầu thụt lùi.”

Khi hai người bắt tay nhau, Charlie nói: “Cảm ơn ông, Silvermane, ông đã cho tôi rất nhiều điều để suy nghĩ.”

Silvermane mỉm cười.” Charlie, vẫn còn quá sớm để anh bắt đầu suy nghĩ. Anh thế nào cũng sẽ nghĩ theo lối mòn cũ. Giờ là thời điểm để mơ ước. Hãy mơ những giấc mơ vĩ đại. Những ước mơ cỡ như những ngọn núi. Suy nghĩ là công cụ để anh có thể điêu khắc những ngọn núi thành nhưng kiệt tác. Nhưng đầu tiên, anh cần lựa chọn đúng vật liệu.”


(*) Bà Debbi Fields là người đã cùng chồng, ông Randy Fields lập ra chuỗi cửa hàng bán bánh socola kiểu homemade mà sau này trở thành một tập đoàn sở hữu rất nhiều cửa hàng bánh socola và bánh brownie trong và ngoài nước Mỹ. Thương hiệu Mrs. Fields trở thành một thương hiệu bánh socola rất nổi tiếng ở Mỹ.

(**) Những người thuận não trái thường là những người mà hành động bị chi phối nhiều bởi logic, những suy nghĩ phân tích, và những giao tiếp hôi thoại hơn là bởi tình cảm và tính sáng tạo

0