Nói không với tệ nạn xã hội
Đề bài: Hãy nói “không” với tệ nạn xã hội Một trong những tác nhân gây nguy hiểm tới sự phát triển của con người, kìm hãm sự phát triển của cộng động xã hội chính là các tệ nạn xã hội. Vì vậy để góp phần xây dựng một xã hội ngày càng tiến bộ phát triển, con người văn minh thì ...
Đề bài: Hãy nói “không” với tệ nạn xã hội
Một trong những tác nhân gây nguy hiểm tới sự phát triển của con người, kìm hãm sự phát triển của cộng động xã hội chính là các tệ nạn xã hội. Vì vậy để góp phần xây dựng một xã hội ngày càng tiến bộ phát triển, con người văn minh thì mỗi chúng ta cần nêu cao khẩu hiệu: Hãy nói “không” với tệ nạn xã hội.
Tệ nạn xã hội là hiện tượng xã hội bao gồm những hành vi sai lệch với chuẩn mực xã hội,vi phạm đạo đức và pháp luật, gây hậu quả xấu về mọi mặt đối với đời sống xã hội. Có nhiều tệ nạn xã hội, ví dụ như: Nghiện ma túy, cờ bạc, mê tín, tham nhũng,…. Nguyên nhân khách quan của việc sa vào các tệ nạn xã hội là do sự lôi kéo, rủ rê của bạn bè. Giáo dục của gia đình, nhà trường chưa thực sự giúp học sinh hiểu hết sự nguy hiểm của tệ nạn xã hội. Còn về phía nguyên nhân chủ quan là do không tự chủ được bản thân, sự tò mò, thiếu kiến thức về tệ nạn xã hội.
Vậy tại sao phải nói “không” với tệ nạn xã hội? Nguyên nhân chủ yếu để chúng ta tránh xa tệ nạn xã hội là do những tác hại ghê gớm của nó gây ra: làm suy giảm sức khỏe và thoái hóa đạo đức con người. Chẳng hạn như nghiện ma túy, ma túy là một chất kích thích có khả năng gây nghiện nhanh và rất cao. Nghiện ma túy cũng như mang trên mình bản án tử hình. Khi mắc bệnh sức khỏe của nạn nhân sẽ bị suy giảm rất nhanh, dần dần mất đi khả năng lao động, sự sống ngày càng bị rút ngắn. Hay một loại tệ nạn xã hội nguy hiểm khác, cờ bạc, đây chính là một trò chơi đỏ đen may rủi, kích thích tính hiếu thắng trong mỗi người, ai sa chân vào cờ bạc cũng khó lòng rút ra được, cờ bạc được ít mà thua nhiều, càng thua lại càng muốn gỡ. Từ đấy gây ra việc hao tốn tiền bạc, đánh mất cả sự nghiệp. Một loại khác, không được coi là một loại tệ nạn xã hội đặc biệt nguy hiểm nhưng cũng gây rất nhiều tác hại với sức khỏe và nhiều người mắc phải, chính là thuốc lá. Trong thuốc lá có chứa chất nicotin gây nghiện, thuốc lá tàn phá con người ta từ từ, từ trong cơ thể.Theo ý kiến của các bác sĩ “Thuốc lá không chỉ gây hại cho những ai đang hút mà còn làm tăng nguy cơ ung thư phổi ở người đã bỏ thuốc hơn 15 năm. 7.000 chất hóa học, 69 chất gây ung thư từ khói thuốc lá thải vào môi trường ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người kể cả có hút thuốc hay không.” Gây ra các bệnh về đường hô hấp: ung thư phổi, tai biến tim mạch… Đặc biệt khói thuốc lá cũng gây nhiều tác hại cho người xung quanh. Thậm chí người hít phải khói thuốc còn hại hơn người hút. Nhiều phụ nữ mang thai do hít phải khói thuốc đã bị xảy thai hoặc con có những điểm bất thường, gây nên nỗi đau cho người làm mẹ. Đây quả thật là thực trạng đáng rung lên hồi chuông cảnh báo về tác hại ghê gớm của thuốc lá.
Các tệ nạn xã hội cũng gây ra những hậu quả nghiêm trọng với gia đình và xã hội. Gia đình đổ vỡ, kinh tế sa sút, suy thoái giống nòi,ảnh hưởng tới sự phát triển,hạnh phúc của mỗi thành viên trong gia đình đặc biệt là các con. Là sự nguy hại và gánh nặng đối với xã hội, làm chậm sự phát triển của xã hội.Làm mất đi nguồn lao động trẻ cho xã hội, ngăn cản quá trình phát triển và hội nhập về mọi mặt. Nói chung tệ nạn xã hội gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đối với cá nhân nói riêng và cả cộng đồng nói chung.
Từ những tác hại khủng khiếp nêu trên thì việc nói “không” với tệ nạn xã hội là một hành động hoàn toàn đúng, thiết thực và cần sự ủng hộ của tất cả mọi người. Việc nói “không” với tệ nạn xã hội cũng góp phần đẩy lùi tệ nạn xã hội phát triển. Nói “không” với tệ nạn xã hội tức là tránh xa các loại tệ nạn, giữ cho mình lối sống giản dị trong sạch đồng thời cũng cần ngăn cản và khuyên mọi người xung quanh cùng hành động để nâng cao hiệu quả của việc này. Vì một xã hội ngày càng văn minh tốt đẹp, mỗi người chúng ta cần trau dồi kiến thức của bản thân về tệ nạn xã hội để tránh xa nó và kiên quyết: Nói “không” với tệ nạn xã hội.