18/06/2018, 16:10

Những điều ít biết về vương triều của Mai Hắc Đế

Tranh minh họa Mai Thúc Loan- Việt sử bằng tranh Lê Thái Dũng Không chỉ có những hiểu lầm về cuộc đời và sự nghiệp của vị hoàng đế trong thời kỳ chống Bắc thuộc mà việc nhìn nhận, đánh giá về Mai Hắc Đế cũng có những sai lệch. Bên cạnh đó còn có những dữ liệu ít được biết đến về ...

MAI THUC LOAN

Tranh minh họa Mai Thúc Loan- Việt sử bằng tranh

Lê Thái Dũng

Không chỉ có những hiểu lầm về cuộc đời và sự nghiệp của vị hoàng đế trong thời kỳ chống Bắc thuộc mà việc nhìn nhận, đánh giá về Mai Hắc Đế cũng có những sai lệch. Bên cạnh đó còn có những dữ liệu ít được biết đến về cá nhân ông cũng như vương triều do ông sáng lập ra.

1. Nhìn nhận sai lầm và việc đánh giá lại

Bộ chính sử đầu tiên viết về Mai Hắc Đế là Đại Việt sử ký toàn thư do Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Hậu Lê biên soạn, trong đó có đoạn viết sơ lược như sau: “Năm Nhâm Tuất [722] (Đường Huyền Tông, Khai Nguyên năm thứ 10), tướng giặc là Mai Thúc Loan chiếm giữ châu, xưng là Hắc Đế, bên ngoài liên kết với người Lâm Ấp, Chân Lạp, số quân nói là có 30 vạn. Đường đế sai Nội thị Tả giám môn Vệ tướng quân là Dương Tư Húc và Đô hộ là Nguyên Sở Khách đánh dẹp yên được”.

Đánh giá sai lầm về tính chất của cuộc khởi nghĩa và vai trò của Mai Thúc Loan của các nhà sử học Hậu Lê được cho là bị ảnh hưởng của sách Đường thư khi tham khảo tư liệu để viết về Kỷ thuộc Tùy Đường của bộ Đại Việt sử ký toàn thư.

May mắn là sai sót đó đã được các nhà sử học sau đó chỉnh lý, sửa chữa; trong Việt giám thông khảo tổng luận viết năm Giáp Tuất (1514), nhà sử học Lê Tung viết: “Mai Hắc Đế nổi lên từ châu Hoan, căm giận ngược chính của Sở Khách, cất quân để đánh, phía Nam giữ đất Hải Lĩnh, phía Bắc chống lại nhà Đường, có thể gọi là bậc vua hào kiệt”.

Còn Ngô Thì Sĩ trong cuốn Việt sử tiêu án chỉ viết ngắn gọn: “Người châu Hoan là Mai Thúc Loan giữ châu, xưng là Hắc Đế, bên ngoài giao kết với nước Lâm Ấp và Chân Lạp, có đến 30 vạn quân. Nhà Đường sai tướng quân là Dương Tư Húc đánh bình được. Thúc Loan người làng Hương Lãm, huyện Nam Đường… Đương thời nội thuộc, Mai Hắc Đế không chịu bọn ngược lại kiềm thức, cũng là người xuất chúng trong đám thổ hào”.

Bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục thời Nguyễn viết về Mai Thúc Loan như sau: “Năm Nhâm Tuất [722] (Đường Huyền Tông năm Khai Nguyên thứ 10). Tháng 7, mùa thu, ở Hoan Châu, Mai Thúc Loan giữ lấy châu, tự xưng đế”.

Các cuốn sách sử sau đó như Đại Việt sử ký tiền biên, Việt sử cương mục tiết yếu, Đại Nam nhất thống chí… dù ghi chép không nhiều nhưng cũng có những đánh giá chân thực về Mai Thúc Loan và cuộc khởi nghĩa do ông lãnh đạo.

Như vậy theo quan điểm của sách sử phương Bắc, cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan là “làm phản”, “làm loạn”, là “giặc”, tuy nhiên có sách thì không dùng từ “giặc” mà sử dụng các từ để chỉ về một thủ lĩnh có uy tín trong dân chúng như sách: Tân Đường thư, Tục tư trị thông giám trường biên, Tống sử giám, Tống danh thần tấu nghị gọi Mai Thúc Loan là “An Nam Man cừ”.

Các sách như Cựu Đường thư, Sách phủ nguyên qui, Quảng Tây thông chí gọi ông là “An Nam thủ lĩnh” hoặc “An Nam nhân” như theo sách Khâm định tục thông chí.

2. Mai Hắc Đế là người đầu tiên xây dựng liên minh quân sự với lân bang

Quy mô khởi nghĩa của Mai Thúc Loan rất rộng, theo dã sử, ông đã kêu gọi dân chúng ở 32 châu cùng nổi dậy hưởng ứng, đó là một vùng rộng lớn vượt ra ngoài phạm vi của Hoan Châu (vùng Nghệ -Tĩnh) bao quát gần như cả lãnh thổ nước ta khi đó, một số châu ki mi ở miền núi và có thể là một phần đất nay thuộc nam Trung Quốc.

Để tăng cường lực lượng trong cuộc chiến chống giặc Đường, Mai Hắc Đế còn cho người đi thông hiếu với một số nước láng giềng và thu được kết quả tốt.

Sách Tân đính hiệu bình Việt điện u linh viết: “Năm sau, năm Giáp Dần (713), Tiết Anh, Hoắc Đan phụng chỉ của Mai Thúc Loan đi tuyên dụ hai nước phiên. Hai nước phiên này lâu nay bị khổ nhục vì nhà Đường, đến nay thấy nhà vua cáo dụ, đều nghe theo mệnh lệnh. Vua Lâm Ấp Phạm Hồ Dĩnh sai tướng Chư Hương An đem quân 10 vạn. Vua Chân Lạp là Hề A Khiêm sai tướng là Tham Ninh Na đem quân 10 vạn đến hội với quân ta. Nhà vua vì có người phương xa đến chầu ở triều đình, cho nên uy danh càng sáng tỏ. Người nhà Đường, kẻ nào kẻ nấy dần dần bỏ trốn về Trung Quốc”.

Về việc liên minh quân sự này, các tư liệu chép khác nhau, có sách viết rằng nó diễn ra trước khi cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan giành thắng lợi, có sách chép diễn ra khi cuộc khởi nghĩa đã gần thắng lợi và sau đó quân đội nước ngoài còn ở lại cho đến khi vương triều họ Mai sụp đổ.

Ngoài ra một số tư liệu còn cho biết thêm có cả quân của nước Kim Lân đến hỗ trợ cho Mai Thúc Loan (Kim Lân được một số nhà nghiên cứu cho rằng là một vương quốc cổ là vùng đất ngày nay thuộc Malaysia).

Sử sách Trung Quốc cũng ghi chép về liên minh quân sự này: “An Nam có Mai Thúc Loan làm phản, xưng Hắc Đế, dấy dân chúng 32 châu, bên ngoài liên kết với các nước Lâm Ấp, Chân Lạp, Kim Lân, chiếm giữ vùng Hải Nam, quân chúng có 40 vạn” (Tân Đường thư), “thủ lĩnh An Nam là Mai Huyền Thành làm phản, tự xưng Hắc Đế cùng nước Lâm Ấp, Chân Lạp thông mưu hãm An Nam phủ” (Phủ nguyên quy)…

Có thể thấy Mai Thúc Loan chính là người đầu tiên trong lịch sử Việt Nam có chủ trương và thực hiện thành công việc liên minh với các nước láng giềng trong cuộc chiến chống xâm lược, bảo vệ chủ quyền đất nước. Điều này đã được các triều đại sau này kế thừa, học tập như trường hợp liên minh Đại Việt- Champa thời Trần trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông, hay liên minh giữa nghĩa quân Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo với quân của nước Ai Lao (thuộc lãnh thổ Lào ngày nay).

3. Mai Hắc Đế tên thật là gì?

Sử sách thường ghi rằng Mai Hắc Đế tên thật là Mai Thúc Loan, nhưng thực ra Thúc Loan chỉ là tên tự của ông. Trong sách Tân đính hiệu bình Việt điện u linh có viết về câu chuyện sinh hạ thần kỳ và nguồn gốc tên gọi của ông như sau:

“Khi sinh nhà vua, bà mẹ nằm mộng thấy một người thiếu phụ mình mặc áo đỏ, tự xưng là Xích Y sứ giả, tay cầm một viên ngọc kê sơn bích, nói rằng: “Cho bà cái này, nên dùng làm vật báu”. Bà Vương Thị xem viên ngọc ấy thì thấy giống quả trứng gà nhưng to hơn, năm sắc óng ánh lóe cả mắt, bèn giơ tay đón lấy, bỗng nhiên cầm hụt, ngọc rơi xuống đất vỡ tan, nhân đó giật mình tỉnh dậy.

Khi sinh ra, ở đùi trái Thúc Loan có vết xanh đen giống như một đồng tiền. Mẹ Thúc Loan đem chuyện trong mộng nói với cha Thúc Loan. Cha cậu lấy làm lạ bèn giải thích rằng ngọc nhận ở tay bỗng nhiên rơi xuống đất vỡ tan, bắn tung tóe, có tiếng kêu vang vang, đó là cái ý tiếng tăm vang dậy, chấn động người đời, còn con gà đứng đầu loài có cánh, lại có thêm năm sắc lóe mắt, dùng để làm vật báu, có cái điềm lành của con linh điểu mang năm đức tốt. Ông bèn đặt tên cho chú bé mới sinh là Phượng, tên tự là Thúc Loan. Đó là để ghi lại cái điềm được thấy ở trong giấc mộng vậy”.

Như vậy Mai Hắc Đế tên thật là Mai Phượng, tên tự là Thúc Loan. Tên tự là tên theo âm Hán Việt hay còn gọi là tên chữ do một cá nhân tự đặt cho mình, cũng có khi là do bậc bề trên đặt cho. Tên tự dựa vào nghĩa của tên chính (tên húy) hoặc có ý nghĩa liên quan đến tên chính hay chứa đựng tên chính và việc dùng tên này thường để xưng hô với bạn bè, người ngang vai.

Trong thư tịch cổ của Trung Quốc phần lớn cũng đều chép Mai Hắc Đế tên là Mai Thúc Loan, chỉ có một số ít sách như Cựu Đường thư viết tên ông là Mai Huyền Thành hay Tân Đường thư (phần Khảo chứng) viết là Mai Nguyên Thành.

4. Vương triều của Mai Hắc Đế tồn tại trong thời gian bao nhiêu năm?

Chính sử và hầu hết các tài liệu của nước ta từ bộ chính sử đầu tiên là Đại Việt sử ký toàn thư đến bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục của nhà Nguyễn đều dựa theo thư tịch Trung Quốc, chủ yếu là Đường thư mà viết rằng cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan nổ ra vào năm Khai Nguyên thứ 10 (tức năm 722) và sau đó không lâu nhà Đường cho quân sang đàn áp, cuộc khởi nghĩa nhanh chóng thất bại.

Tuy nhiên thực chất cuộc khởi nghĩa do Mai Thúc Loan nổ ra sớm hơn và tồn tại trong một thời gian dài. Theo sách An Nam chí lược do Lê Tắc biên soạn vào đời Trần trong thời gian sống lưu vong tại Trung Quốc, ở phần nói về viên tướng đã đàn áp cuộc khởi nghĩa chống Đường là Quang (Nguyên) Sở Khách thì năm Mai Thúc Loan nổi dậy là năm đầu niên hiệu Khai Nguyên, mà theo lịch thì đó là năm Quý Sửu (713), đoạn viết đó như sau: “Nguyên Sở Khách, người Giang Lăng, năm đầu niên hiệu Khai Nguyên đổi làm An Nam đô hộ, cùng Dương Tư Húc dẹp yên cuộc nổi loạn của người Man là Mai Thúc Loan”.

Đặc biệt trong cuốn Tân đính hiệu bình Việt điện u linh cũng chép rõ ràng về thời điểm Mai Thúc Loan khởi nghĩa, chiếm châu huyện và xưng đế là vào “năm Quý Sửu mùa hạ, tháng tư, vào thời Đường Huyền Tông, niên hiệu Khai Nguyên thứ nhất”.

Sau thắng lợi, Mai Thúc Loan đã xưng đế, xây dựng kinh đô tại vùng Sa Nam (nay thuộc Nam Đàn, Nghệ An) thuộc trị sở của châu Hoan và đặt tên kinh đô là Vạn An như một cách đối chọi lại với kinh đô Trường An của nhà Đường. Ngoài ra xung quanh kinh đô là hệ thống các đồn lũy, căn cứ hỗ trợ, bảo vệ là Vệ Sơn, Hùng Sơn, Liên Sơn…

Hiện nay các địa danh ở vùng Sa Nam như Cồn Trận, Đồng Bắn, đồi Guông Cung, Cồn Ngự, truông Cắm Cờ… phản ánh phần nào quy mô cũng như sự bố trí lực lượng của Mai Thúc Loan. Để quản lý điều hành, ông còn thiết lập bộ máy quan lại gồm hai ban văn thần, võ tướng.

Chính quyền của Mai Thúc Loan tồn tại đến năm Quý Hợi (723), sau khi nhà Đường cho một lực lượng lớn kéo sang đàn áp, kinh đô Vạn An thất thủ, các vua triều Mai lần lượt tử trận trong năm này. Riêng về Mai Thúc Loan, sách Tân đính hiệu bình Việt điện u linh viết: “Nhà vua dấy binh năm Quý Sửu, mất năm Nhâm Dần, ở ngôi báu mười năm rồi chết”.

5. Biệt danh của các vua triều Mai

Triều Mai tồn tại gần 10 năm, truyền qua 3 đời vua. Điều thú vị là các vị vua của vương triều này đều có biệt danh

– Mai Hắc Đế: Có tài liệu nói sau khi lên ngôi hoàng vua, Mai Thúc Loan xưng là Mai Đại Đế, nhưng dân gian vẫn quen gọi ông là Mai Hắc Đế (vua đen họ Mai) vì ông có nước da màu đen. Nhiều tài liệu dã sử, truyền thuyết, thần tích đều viết tương tự như vậy khi cho rằng Mai Thúc Loan đặt hiệu là Mai Hắc Đế.

Trong bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục có viết: “người Mai Phụ, huyện Thiên Lộc, thuộc Hoan Châu, bây giờ thuộc huyện Can Lộc, phủ Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Thúc Loan người đen lắm nên người Hoan Châu gọi là Hắc Đế”.

Các thư tịch, sách sử cổ của Trung Quốc cũng viết rằng: “Khai Nguyên năm đầu, thủ lĩnh An Nam Mai Huyền Thành làm phản, tự xưng Hắc Đế” (Cựu Đường thư), “Khai Nguyên năm đầu, thủ lĩnh người Man ở An Nam (An Nam Man cừ) là Mai Thúc Loan làm phản, xưng Hắc Đế” (Tân Đường thư), “Khai Nguyên năm đầu, thủ lĩnh An Nam Mai Thúc Loan làm phản, xưng hiệu Hắc Đế” (Quảng Tây thông chí)…

Tuy nhiên cũng có cách giải thích khác, theo sách Tân đính hiệu bình Việt điện u linh: “Mai Thúc Loan bèn đem quân chiếm châu thành, chia quân đóng giữ. Quân thần đến mừng đều xin Mai Thúc Loan lên ngôi báu. Mai Thúc Loan bèn lên ngôi hoàng đế ở phía nam Hương Lãm, tự cho mình là đức “thủy”, xưng là Hắc Đế”.

Theo thuyết Ngũ hành, Dịch lý thì màu đen tượng trưng cho nước, mà Mai Thúc Loan vốn xuất thân ở gia đình nấu muối vùng ven biển nên có thể ông tự cho là mang tính chất của nước.

– Mai Thiếu Đế: Tên thật là Mai Thúc Huy, con út của Mai Hắc Đế, sau khi vua cha mất, kinh đô Vạn An thất thủ, tướng sĩ đã tôn ông lên làm vua kế vị tại căn cứ Hùng Sơn còn gọi là núi Đụn (nay thuộc thị trấn Nam Đàn, Nghệ An) vào giữa tháng 9 năm Quý Hợi (723). Mai Thúc Huy lên ngôi khi còn nhỏ tuổi nên được gọi là Mai Thiếu Đế (Hoàng đế trẻ con, Hoàng đế nhỏ tuổi).

– Bạch Đầu Đế: Ông tên thật là Mai Kỳ Sơn, con thứ 3 của Mai Hắc Đế. Tháng 10 năm Quý Hợi (723), khi nghe tin căn cứ Hùng Sơn thất thủ, em trai là Mai Thiếu Đế tử trận nên ông được nhân dân tôn lên làm vua ở Điều Yêu (nay thuộc An Hải, huyện An Lão, Hải Phòng) để tiếp tục lãnh đạo cuộc chiến chống giặc Đường ở vùng duyên hải miền Đông Bắc. Do có mái tóc bạc bẩm sinh nên nhân dân thường gọi ông là Bạch Đầu Đế (Hoàng đế đầu bạc).

6. Số phận các vua triều Mai

– Mai Hắc Đế: Truyền thuyết, dã sử không thống nhất khi nói về cái chết của Mai Hắc Đế, có thuyết nói ông bị tướng giặc là Dương Tư Húc chém cụt đầu tại Hùng Sơn, thuyết khác cho rằng ông bị giặc sát hại khi chúng chiếm được kinh đô Vạn An, thuyết thì nói ông bị thương được quân lính đưa lên căn cứ Hùng Sơn thì mất, thuyết thì cho rằng khi rút lên Hùng Sơn, ông bị rắn độc cắn mà qua đời.

Sách Tân đính hiệu bình Việt điện u linh cho biết vua đã tử trận: “Vua nhà Đường nghe tin Mai Hắc Đế chống lại mệnh lệnh của mình, bèn sai quan thị nội Dương Tư Húc làm chức Tả giám môn vệ tướng quân, Quang Sở Khách làm Đô hộ phủ, đốc suất 75 doanh thủy bộ, người ngựa hơn 30 vạn, hai đường thủy lục cùng tiến, xâm phạm vào thành Long Biên. Quan và tướng của Mai Hắc Đế bị thua trận, quân chết không kể xiết. Người nhà Đường thừa thắng đến vây bức phủ thành của nhà vua. Nhà vua bị hãm trận mà chết. Quốc thống nước ta lại dứt”.

Còn theo sách sử của Trung Quốc thì quân giặc đã sát hại ông khi chúng tấn công nghĩa quân, cho dù cách viết có khác nhau: “Sai Tư Húc đem binh đánh dẹp. Tư Húc đến Lĩnh Biểu, chiêu mộ con em các thủ lĩnh được binh mã hơn 10 vạn, theo đường cũ của Phục Ba mà tiến đánh xuất kỳ bất ý. Huyền Thành nghe tin sợ hãi, không kịp đề ra mưu kế, nên bị quan quân bắt, chém tại trận, giết hết bọn chúng, chất thây làm kình quán rồi rút về” (Cựu Đường thư); “[Khai Nguyên] năm thứ 10, tháng 7, người An Nam là Mai Thúc Loan làm phản, bị giết” (Tân Đường thư)…

– Mai Thiếu Đế: Theo dã sử và truyền thuyết địa phương ở Nghệ An thì khi vua cha mất, Mai Thiếu Đế giữ căn cứ Hùng Sơn để ngăn giặc, chống trả quyết liệt các đợt tấn công của quân Đường. Cuối cùng do lực lượng quá chênh lệch, căn cứ Hùng Sơn thất thủ, Mai Thiếu Đế bị tướng giặc Dương Tư Húc giết chết, mấy ngàn binh sĩ còn lại chiến đấu đến sức lực cuối cùng và đều tử tiết vì đất nước.

Hiện nay tại xã Vân Diên, huyện Nam Đàn (Nghệ An) vẫn còn miếu mộ vua Mai Hắc Đế và Mai Thiếu Đế.

– Bạch Đầu Đế: Khi lên ngôi, ông cùng chị gái là Mai Thị Cầu (Ngọc Chân công chúa) lấy Điều Yêu làm căn cứ đánh giặc. Về sau trong một trận đánh cuối năm Quý Hợi (723), Mai Kỳ Sơn trúng tên độc mà mất, chị ông cũng uống thuốc độc rồi nhảy xuống một lạch nước tự vẫn, đó là vào ngày mồng 7 tháng Chạp.

Hiện mộ của Bạch Đầu Đế và bà Mai Thị Cầu ở xã Quốc Tuấn, huyện An Hải (Hải Phòng) vẫn được nhân dân chăm sóc, hương khói.

Dù còn một số vấn đề về cuộc khởi nghĩa Hoan Châu do Mai Thúc Loan lãnh đạo và vương triều do ông thành lập cần làm sáng tỏ, xác minh và cần tiếp tục nghiên cứu thêm nhưng những được biết cho thấy vai trò quan trọng của Mai Thúc Loan và quy mô lớn lao của khởi nghĩa Hoan Châu trong thời chống Bắc thuộc, giải phóng đất nước, giành độc lập dân tộc

Nguồn bài đăng

0