18/06/2018, 16:10

Nhóm Tướng Trẻ trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa vào giai đoạn 1964-1965

“Hội đồng Quân lực” tại lễ Quốc khánh 1/11/1966 Lâm Vĩnh Thế Vào các năm 1964-1965 đã hình thành một Nhóm Tướng Trẻ trong Quân Lực Viêt Nam Công Hòa (QLVNCH). Nhóm này được giới truyền thông Hoa Kỳ gọi chung dưới tên “Young Turks.” Bài viết này cố gắng ghi ...

 “Hội đồng Quân lực” tại lễ Quốc khánh 1/11/1966

“Hội đồng Quân lực” tại lễ Quốc khánh 1/11/1966

Lâm Vĩnh Thế

Vào các năm 1964-1965 đã hình thành một Nhóm Tướng Trẻ trong Quân Lực Viêt Nam Công Hòa (QLVNCH). Nhóm này được giới truyền thông Hoa Kỳ gọi chung dưới tên “Young Turks.” Bài viết này cố gắng ghi lại sự hình thành, hoạt động và ảnh hưởng của Nhóm trên chính trường của VNCH trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó.

Sự Hình Thành Của Nhóm Tướng Trẻ

Sau khi thành công trong vụ “Chỉnh Lý” ngày 30-1-1964 và thành lập Chính phủ mới mà ông là Thủ Tướng, Trung Tướng Nguyễn Khánh lúc đầu dựa vào Đảng Đại Việt để cầm quyền. Nhưng chẳng bao lâu ông khám phá ra Đảng Đại Việt mưu toan đảo chánh để loại ông.1 Không còn hậu thuẩn chính trị này nữa, Tướng Khánh phải tìm hậu thuẩn khác.

Trong thời gian này, hai thế lực lớn có ảnh hưởng quan trọng trên chính trường VNCH là Phật Giáo và Quân Đội. Ông không thể dựa vào Phật Giáo được với lý do đơn giản là Phật Giáo không thể tin ông vì ông cầm đầu vụ “Chỉnh Lý” loại bỏ các tướng Đôn-XuânKim-Đính là những người thân Phật Giáo. Đo đó, ông thấy cần phải nắm cho được Quân Đội. Để thực hiện mục tiêu này, ông đã tạo ra một lớp tướng lãnh trẻ để làm hậu thuẩn cho ông. Trong một thời gian thật ngắn, chưa đến một năm, ông đã thăng cấp cho một loạt sĩ quan cao cấp, tư lệnh các quân binh chủng và các đại đơn vị của QLVNCH, lên cấp tướng:

– ngày 3-3-1964: thăng cấp Thiếu Tướng cho Đại Tá Cao Văn Viên, Tư Lệnh Lữ Đoàn Nhảy Dù (ông Viên là vị Đại Tá cuối cùng thăng lên cấp Thiếu Tướng hai sao; sau đó Tướng Khánh đặt ra một cấp bậc mới giữa hai cấp Đại Tá và Thiếu Tường là cấp Chuẩn Tướng một sao)

– ngày 8-4-1964: thăng cấp Chuẩn Tướng cho Đại Tá Nguyễn Cao Kỳ, Tư Lệnh Không Quân, và, thăng cấp Phó Đề Đốc cho Đại Tá Chung Tấn Cang, Tư Lệnh Hải Quân

– ngày 29-5-1964: thăng cấp Chuẩn Tướng cho các Đại Tá Nguyễn Chánh Thi, Phạm Văn Đổng, Bùi Hữu Nhơn, Cao Hảo Hớn và Ngô Dzu

– ngày 11-8-1964: thăng cấp Chuẩn Tướng cho các Đại Tá Nguyễn Đức Thắng, Nguyễn Xuân Trang, Nguyễn Cao, Nguyễn Văn Kiểm, Đăng Văn Quang , Vĩnh Lộc, Lê Nguyên Khang (Tư Lệnh Thủy Quân Lục Chiến) và Hoàng Xuân Lãm

– ngày 21-10-1964: thăng cấp Thiếu Tướng cho các Chuẩn Tướng Nguyễn Cao Kỳ, Lê Nguyên Khang (ông Khang là trường hợp duy nhứt trong lịch sử của QLVNCH thăng 2 cấp từ Đại Tá lên Thiếu Tường trong vòng chưa đến 3 tháng), Nguyễn Chánh Thi, Phạm Văn Đổng, và Bùi Hữu Nhơn; và thăng cấp Đề Đốc cho Phó Đề Đốc Chung Tấn Cang.

Các vị tướng trẻ này phần lớn là tư lệnh của các quân binh chủng và các đại đơn vị của QLVNCH, ví dụ như các lữ đoàn của các đơn vị tổng trừ bị và các sư đoàn bộ binh. Lúc ban đầu các vị này hoạt động riêng rẻ, phần lớn chỉ lo phụ trách đơn vị của mình. Lúc bấy giờ trong nội bộ Quân Đội đã có khá nhiều bất mãn đối với Tướng Khánh: vụ Hiến Chương Vũng Tàu vừa ban hành lại phải thu hồi làm mất mặt quân đội, nhượng bộ Phật Giáo quá nhiều (các vụ xử án các phần tử của chế độ Ngô Đình Diệm), và dung dưởng tình trạng sinh viên học sinh gây hổn loạn một cách quá đáng.

Ngày 13-9-1964, hai tướng Dương Văn Đức và Lâm Văn Phát làm đảo chánh với mục đích muốn loại bỏ Tướng Khánh. Cuộc đảo chánh này lần đầu tiên tạo cơ hội cho các tướng trẻ họp lại với nhau. Cuộc họp này diễn ra tại Bộ Tư Lệnh Không Quân do Chuẩn Tướng Nguyễn Cao Kỳ, Tư Lệnh Không Quân, triệu tập. Các tướng ra tuyên bố chung không chấp nhận cuộc đảo chánh, “cương quyết đòi tướng Dương-văn-Đức rút quân về các vị trí cũ tại vùng IV; nếu không, sẽ đối phó.” 2 Cuộc đảo chánh của hai tướng Dương văn Đức và Lâm Văn Phát thất bại. Tướng Khánh và Chính phủ của ông thoát được nguy cơ bị lật đổ.

Sau vụ này, các tướng trẻ nhận thấy rõ một điều: nếu hoạt động riêng rẻ họ chỉ có uy quyền đối với đơn vị của họ mà thôi nhưng nếu kết họp lại họ sẽ là một lực lượng chính trị rất quan trọng, có thể quyết định sự sống còn của chính phủ. Họ bắt đầu họp nhau thường xuyên hơn trong tháng 9 và đồng ý với nhau cử Tướng Kỳ làm người phát ngôn cho nhóm vì Tướng Kỳ có lợi thế lớn là người được lòng Tướng Khánh, lại nắm trong tay Không Quân là quân chủng có khả năng lớn trong việc chống lại các cuộc đảo chánh, và có điều kiện dễ dàng trong mọi việc như triệu tập buổi họp, ra thông báo, tổ chức họp báo, liên lạc với người Mỹ, vv.

Báo chí Hoa Kỳ bắt đầu gọi họ dưới tên chung là “Young Turks.” Tất cả những điều này không qua mắt được bộ phận của Cơ Quan Tình Báo Trung Ương của Hoa Kỳ (Central Intelligence Agency – CIA) đóng trong Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn. Báo cáo sau đây của CIA cho thấy rõ điều đó: 3

“…2. During the last half of September the “Young Turk” commanders have been meeting regularly under General Ky’s leadership. Besides Ky, who acts as moderator and spokesman rather than actual leader, the “Young Turks” were: A. Colonel Du Quoc Dong, Airborne Brigade Commander B. General Le Nguyen Khang, Marine Brigade Commander C. Colonel Nguyen Bao Tri, 7th Infantry Division Commander D. General Ton That Xung, I Corps Commander E. General Nguyen Chanh Thi, 1st Infantry Division Commander F. General Nguyen Thanh Sang, 2nd Infantry Division Commander G. General Vinh Loc, 9th Infantry Division Commander H. General Dang Văn Quang, 21st Infantry Division Commander 3. Generals Xung, Thi and Sang attend meetings when they are in the Saigon area. Within the past two weeks General Ky has visited Generals Loc and Quang and includes them in the “Young Turk” group. General Nguyen Huu Co, II Corps Commander, is apolitical but supports the aspirations of the “Young Turk” group. … ” 

Chủ Trương Của Nhóm Tướng Trẻ

Như thế Nhóm Tướng Trẻ này (trừ 2 Tướng Nguyễn Chánh Thi và Tôn Thất Xứng đều sinh năm 1923 lúc đó đã 41 tuổi, tất cả các Tướng còn lại đều dưới 40 tuổi) đã mặc nhiên hình thành và họ bắt đầu hoạt động như một đoàn thể chính trị trong QLVNCH. Để có thể hoạt động như một đoàn thể chính trị, họ dần dà tự hình thành một lập trường và chủ trương chung đối với những vấn đề quan trọng của đất nước.

Vì là tướng lãnh và sĩ quan cao cấp chỉ huy các quân binh chủng và các đại đơn vị của QLVNCH, điều họ quan tâm trước nhứt là những việc có liên quan đến Quân Đội. Tình hình trong Quân Đội sau cuộc đảo chánh lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm, như chúng ta đã biết, là sự chia rẽ trầm trọng trong nội bộ các tướng lãnh cao cấp, đưa đến kết quả là cuộc “Chỉnh Lý” của Tướng Khánh, với sự quản thúc của 4 Tướng Đôn-Xuân-Kim-Đính tại Đà Lạt.

Tình hình chia rẽ này không chấm dứt mà vẫn tiếp tục sau cuộc “Chỉnh Lý” đó, đặc biệt là giữa 3 tướng Dương Văn Minh, Nguyễn Khánh và Trần Thiện Khiêm. Tướng Khánh tìm mọi cách loại bỏ 2 Tướng Minh và Khiêm để nắm trọn quyền hành trong tay và sau cùng ông thành công đưa được cả 2 tướng Minh và Khiêm ra khỏi nước. Các tướng trẻ không hài lòng trước tình hình này. Họ còn bất mãn nhiều hơn trước khả năng cầm quyền tệ hại của Tướng Khánh, làm mất mặt Quân Đội rất nhiều qua các vụ Hiến Chương Vũng Tàu, các nhượng bộ quá đáng đối với Phật Giáo, các vụ sinh viên học sinh biểu tình, xuống đường, xung đột đẫm máu, vv.

Dĩ nhiên tất cả những điều này tạo ra bất ổn định ở hậu phương và gây thêm nhiều khó khăn ở tiền tuyến cho họ. Trong suy nghĩ của đại đa số các tướng trẻ, những tướng già cấp trên của họ chỉ còn là đống củi mục, không còn lợi ích gì nữa hết cho đất nước mà lại còn cản trở bước tiến của họ. Sức mạnh của Quân Đội là kỷ luật. Và kỷ luật có nghĩa là cấp dưới phải tuyệt đối phục tùng cấp trên. Hệ thống quân giai và thâm niên cấp bậc là những giá trị tuyệt đối của Quân Đội. Các tướng trẻ cảm thấy họ bị trói buộc trong các giá trị nầy. Để thoát ra khỏi các ràng buộc nầy không còn cách nào khác hơn là phải loại bỏ các tướng già cấp trên này của họ.

Do đó chủ trương chung của nhóm tướng trẻ là cần thiết phải cho tất cả các tướng già, mà họ định nghĩa là có trên 25 năm quân vụ, ra khỏi Quân Đội bằng cách buộc họ phải nghĩ hưu. Lúc đầu chủ trương chung của nhóm tướng trẻ chỉ có vậy thôi, nhưng dần dà, trước sự bất lực của các chính phủ Nguyễn Khánh và Trần Văn Hương không giải quyết được những khó khăn chính trị của đất nước, họ bắt đầu có những tham vọng về chính trị. Họ không muốn tiếp tục chịu sự sai khiến của những chính khách “xa lông” vô tài, bất tướng đó nữa. Họ nghĩ là họ có thể ổn định được tình hình chính trị của đất nước. Họ nghĩ là đã đến lúc không thể để cho các chính phủ dân sự làm chủ đất nước được nữa. Nói tóm lại họ thật sự nghĩ là họ có thể cầm quyền được và họ tin là họ sẽ có thể làm hay hơn các chính phủ dân sự nhiều, rất nhiều. Nhưng trước mắt họ biết là họ còn phải kiên nhẫn chấp nhận chịu đựng Tướng Khánh một thời gian nữa.

Tài liệu của CIA vừa nêu bên trên ghi rõ như sau:

“General Ky is counselling patience and opposes any use of force to depose the Khanh government until it can be observed whether Khanh is decisively implementing the program of action presented to him [by] the “Young Turk” group. If Khanh acts effectively and in good time there will be no problem. If he does not or cannot, steps will be taken to change the situation by use of force.” 4

Thực hiện đúng theo sự tính toán vừa kể trên, Nhóm Tướng Trẻ bắt đầu tạo áp lực lên Tướng Khánh để đòi hỏi ông phải thỏa mãn những yêu cầu trong chương trình hành động của họ. Đó là lý do có cuộc họp tại Vũng Tàu giữa ông và họ vào ngày 30-9-1964.

Một tài liệu mật của CIA cho biết những chi tiết như sau về cuộc họp: 5

– cuộc họp là do yêu cầu của các tướng trẻ mà Tướng Khánh phải chấp nhận

– hiện diện tại buổi họp cùng với Tướng Khánh là các tướng trẻ sau đây: Chuẩn Tướng Nguyễn Cao Kỳ, Tư Lệnh Không Quân; Phó Đề Đốc Chung Tấn Cang, Tư Lệnh Hải Quân; Chuẩn Tướng Lê Nguyên Khang, Tư Lệnh Thủy Quân Lục Chiến; và, Đại Tá Dư Quốc Đống, Tư Lệnh Nhảy Dù

– những vấn đề do các tường trẻ nêu ra và được Tướng Khánh chấp thuận là:

1) Trong vòng 48 giờ, Tướng Trần Thiện Khiêm sẽ được cử ra ngoại quốc để cám ơn các nước Đồng minh;

2) Các “Tướng Đà Lạt” (tức là các Tướng Trần Văn Đôn, Mai Hữu Xuân, Lê Văn Kim và Tôn Thất Đính) sẽ được cho giải ngũ; tuy nhiên, để giữ thể diện phần nào cho các vị đó, việc này sẽ được giải quyết từ từ;

3) Sẽ tổ chức xét xử các tướng tá tham gia vào vụ đảo chánh bất thành ngày 13-9-1964;

4) Tướng Khánh phải trở về với Quân Đội vào ngày 27- 10-1964 (có nghĩa là không được tham gia vào hoạt động chính trị nữa)

Qua buổi họp này, chúng ta thấy rõ là Tướng Khánh đã hoàn toàn rơi vào thế bị động của hoàn cảnh “gậy ông đập lưng ông.” Mưu toan của Tướng Khánh cho thăng cấp các tường trẻ để sử dụng họ làm hậu thuẩn chính trị cho ông nay đã bị “effet contraire.” Bây giờ không những ông không thể lợi dụng họ cho mục tiêu chính trị của ông mà, ngược lại, ông lại còn bị họ ép phải thực hiện những yêu cầu của họ.

Hội Đồng Quân Lực

Trong tình thế như vậy Tướng Khánh lại phạm thêm một số sai lầm rất nghiêm trọng và vô cùng tai hại, đưa đến cơ hội cho các Tướng Trẻ vĩnh viễn loại luôn ông ra khỏi chính trường của VNCH. Sai lầm thứ nhứt của Tướng Khánh là, để lấy lòng các Tướng Trẻ, ông lại thăng cấp thêm một lần nữa cho họ vào ngày 21-10-1964 như đã trình bày bên trên. Sai lầm thứ hai của Tướng Khánh xảy ra sau đó khoảng hai tháng. Ngày 17-12-1964, các Tướng Trẻ yết kiến Quốc Trưởng (ông Phan Khắc Sửu) trình bày về việc cho các tướng già về hưu. Quốc Trưởng chuyển vấn đề sang cho Thượng Hội Đồng Quốc Gia (THĐQG) giải quyết.

Ngày hôm sau THĐQG bác bỏ yêu cầu này. Qua sự việc vừa nêu trên, Nhóm Tướng Trẻ nhận ra một điều: họ có thể  tạo áp lực với Tướng Khánh để thỏa mãn những đòi hỏi của họ nhưng họ không làm được như thế đối với cơ cấu chính quyền dân sự đương nhiệm vì nhóm của họ không có một cơ sở pháp lý nào cả. Họ thấy cần phải biến đổi cái nhóm tự biên tự diễn của họ thành một định chế chính trị mà chính quyền dân sự phải công nhận và tôn trọng. Ngay trong ngày hôm đó, Tướng Khánh đã thực hiện điều mong ước này của các tướng trẻ: ông cho thành lập một cơ chế gọi là Hội Đồng Quân Lực (HĐQL).

Các tướng trẻ đã chớp lấy thời cơ này ngay lập tức. Khuya ngày 19-12-1964, HĐQL cho bắt giữ môt số thành viên của THĐQG, cùng một số tướng lãnh, chính khách, và sinh viên tranh đấu đem đi quản thúc tại nhiều nơi khác nhau. Trưa ngày 20-12-1964, HĐQL ra tuyên bố giải tán THĐQG, nhưng vẫn tiếp tục tín nhiệm Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu và Thủ Tướng Trần Văn Hương.6

Sai lầm thứ ba của Tướng Khánh là đánh mất luôn sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với cá nhân ông. Sự việc diễn ra như sau. Chính phủ Hoa Kỳ, xuyên qua Đại Sứ Maxwell Taylor, rất hài lòng khi THĐQG được thành lập vì họ xem đó là một bước tích cực trong tiến trình giúp ổn định tình hình chính trị tại VNCH sau một thời gian khá dài hổn loạn với những vụ biểu tình, xuống đường của Phật giáo, sinh viên và đảo chánh của Quân Đội. Việc các tướng trẻ vì bất mãn ngang nhiên giải tán THĐQG làm Đại sứ Taylor rất tức giận. Ông mời các tướng lãnh đến tư dinh của ông để thảo luận về việc này.

Thái độ, cử chỉ và lời lẽ của ông làm các tướng lãnh cảm thấy bị xúc phạm nặng nề. Sáng hôm sau, Đại Sứ Taylor lại đến văn phòng Tướng Khánh để trao đổi về việc giải tán THĐQG và việc trao đổi này cũng lại kết thúc không tốt đẹp gì. Nhân cơ hội đó, để lấy lòng các tướng lãnh, Tướng Khánh triệu tập HĐQL lên án thái độ “phi ngoại giao” của Đại Sứ Taylor. “Tất cả đồng thanh quyết định gửi văn thư cho Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu và Thủ Tướng Trần Văn Hương yêu cầu trục xuất Đại sứ Taylor. Tướng Khánh cũng họp báo tố cáo Đại sứ Taylor can thiệp vào chuyện nội bộ của Việt Nam.” 7

Chính phủ Hoa Kỳ phản ứng mạnh, đe dọa chấm dứt viện trợ cho VNCH . Nhờ sự can thiệp khéo léo của Thủ Tướng Hương, mối mâu thuẩn giữa hai chính phủ ViệtMỹ mới được giải tỏa nhưng số phận của Tướng Khánh đã được định đoạt. Việc ra đi của Tướng Khánh chỉ còn là vấn đề thời gian vì ông đã mất chổ dựa cuối cùng của ông là Chính phủ Mỹ.

Sau vụ THĐQG bị giải tán, Thủ Tướng Trần Văn Hương nhận rõ thế lực chính trị của các tướng. Ngày 18-1-1965, Thủ Tướng Hương cải tổ chính phủ và mời 4 tướng lãnh tham gia nội các mới:

1) Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu giữ chức vụ Đệ Nhị Phó Thủ Tướng;

2) Trung Tướng Trần Văn Minh (Minh nhỏ) làm Tổng Trưởng Quân Lực;

3) Thiếu Tướng Linh Quang Viên làm Tổng Trưởng Tâm Lý Chiến; và,

4) Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ làm Tổng Trưởng Thanh Niên Thể Thao.

Phật Giáo và sinh viên vẫn tiếp tục chống đối. Ngày 24- 1-1965, HĐQL nhóm họp để thảo luận về tình hình đất nước, đặc biệt chú trọng đến vấn đề phải giải quyết thế nào đối với Chính phủ Trần Văn Hương. Cuộc họp cho thấy lúc đầu HĐQL không thống nhứt ý kiến về vấn đề chính phủ Trần Văn Hương. Nội bộ HĐQL chia làm 3 nhóm: một nhóm ủng hộ Thủ Tướng Hương, một nhóm muốn loại ông và một nhóm đứng giữa. Trong buổi họp, các tướng cũng thảo luận và bỏ phiếu để chọn một tường lãnh làm thủ tướng và Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu được số phiếu cao nhứt nhưng ông từ chối với lý do ông là người Công giáo nên chắc chắn Phật giáo sẽ tiếp tục chống đối. Người được số phiếu hạng nhì là Thiếu Tướng Nguyễn Chánh Thi. Trong một công điện (Cable) của CIA mang số hiệu TDCS DB-315/00241-65, đề ngày 14- January-1965, gồm 7 trang, nơi trang 6 có ghi rõ như sau:

“… the proposals for a military Prime Minister were made. Thieu got the highest number votes in a ballotting. The exact number of votes was not revealed. Thi apparently was next for he was proposed as Vice Prime Minister. Thieu declined, saying that he was a practicing Catholic and he was under strong attack by the Buddhists. Thus it was unthinkable that he could do the job with these handicaps. After Thieu’s comments Khanh suggested that perhaps Thi could do the job. There was considerable discussion which ended when Linh Quang Vien said that “We all must realize that we are dealing with the destiny of our nation. We must have a man fully capable in all respects. He must be capable in both military and civilian affairs.” … The general consensus was that the AFC would support the Huong government.”8

Sau cùng HĐQL quyết định tiếp tục ủng hộ Thủ Tướng Trần Văn Hương, nhưng với điều kiện Chính phủ Hương phải ổn định được tình hình. Qua cuộc họp ngày 24-1-1965 vừa nêu trên, chúng ta thấy thật rõ 2 điều sau đây:

1) Vai trò và tầm quan trọng của Tướng Khánh đã bị lu mờ rất nhiều, nếu không muốn nói là gần như không còn nữa;

2) Các tướng trẻ đã bộc lộ rõ ràng tham vọng muốn nắm chính quyền của họ.

Cái họ cần bây giờ là một cơ hội thuận tiện với danh chánh ngôn thuận để đoạt lấy chính quyền từ tay các chính khách dân sự. Họ sẽ không phải chờ đợi lâu. Sau quyết định ngày 24-1-1965, Chính phủ Trần Văn Hương vẫn tiếp tục bị phe Phật Giáo chống đối. Ngày 27-1-1965, lấy lý do tình thế mổi ngày một thêm rối ren, HĐQL giải nhiệm Chính phủ Trần Văn Hương; Thủ Tướng Hương bị đưa đi quản thúc tại Vũng Tàu.

Ngày hôm sau, HĐQL ra tuyên cáo lưu nhiệm Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu và cử Phó Thủ Tướng Nguyễn Xuân Oánh làm Quyền Thủ Tướng. Sau đó HĐQL tiến hành việc thăm dò để tìm người làm Thủ Tướng. Lúc đầu họ chọn Phó Thủ Tướng Nguyễn Lưu Viên, nhưng sau đó vì ông Viên không đồng ý bổ nhiệm Tướng Nguyễn Chánh Thi làm Tổng Trưởng Nội Vụ, HĐQL đổi ý kiến và chọn Bác sĩ Phan Huy Quát.9

Chính phủ Phan Huy Quát, trình diện ngày 16-2-1965, được sự ủng hộ của Phật Giáo, quy tụ được nhiều nhân vật thuộc đủ các chính đảng, và có sự tham gia của một số quân nhân là Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu, Phó Thủ Tướng kiêm Tổng Trưởng Quân Lực, Thiếu Tướng Linh Quang Viên, Tổng Trưởng Thông Tin Tâm Lý Chiến, và Y Sĩ Trung Tá Nguyễn Tấn Hồng, Tổng Trưởng Thanh Niên. Mặc dù vậy, một đại diện của Nhóm Tướng Trẻ trong HĐQL, Thiếu Tướng Lê Nguyên Khang, Tư Lệnh Thủy Quân Luc Chiến, cũng không nghĩ là Chính phủ Quát có thể tồn tại lâu dài.10

Đúng như sự lo ngại của Tướng Khang, chỉ 3 ngày sau khi Chính phủ Quát ra đời, đã xảy ra vụ đảo chánh đòi loại bỏ Tướng Khánh của Đại Tá Phạm Ngọc Thảo.11 Cuộc đảo chánh này thất bại vì các tướng trẻ đều chống lại. Các tướng trẻ nhân cơ hội này, họp HĐQL và loại Tướng Khánh khỏi chức vụ Tổng Tư Lệnh và bầu Trung Tướng Trần Văn Minh (Minh nhỏ) làm Tổng Tư Lệnh mới. Ngày 25-2-1965, Tường Khánh bị buộc phải rời khỏi Việt Nam.12

Qua những việc trên, HĐQL đã trở thành cơ quan quyền lực tối cao của VNCH, vì HĐQL, trên thực tế, đã có thể làm được những việc như sau:

1) giải nhiệm Thủ Tướng (ông Trần Văn Hương);

2) đề cử Thủ Tướng mới (Bác sĩ Phan Huy Quát);

3) giải nhiệm Tổng Tư Lệnh (Đại Tướng Nguyễn Khánh) ; và,

4) đề cử Tổng Tư Lệnh mới (Trung Tướng Trần Văn Minh).

Hơn ai hết, Thủ Tướng Quát thấy rõ HĐQL là một mối đe dọa lớn đối với Chính phủ của ông. Ông tìm cách loại bỏ mối đe dọa này. Tiếp tay cho ông không ai khác hơn là vị Tổng Tư Lệnh mới được đề cử, Trung Tướng Trần Văn Minh. Tướng Minh rất bất mãn đối với thái độ và hành động lạm quyền của các tướng trẻ, nhất là Thiếu Tướng Nguyễn Chánh Thi, Tư Lệnh Vùng I. Trong một tài liệu mật của CIA đề ngày 23-2-1965 có đoạn ghi như sau:

“…Minh expressed his concern over what he regards as the self-appointed authority of Thi. The lines of authority are not clear at the moment, and Thi feels he is not accountable to anyone, either military or civilian.”13

Tướng Minh cũng muốn giải tán HĐQL để các tướng trẻ không thể tạo khó khăn cho ông trong chức vụ Tổng Tư Lệnh. Ông nghĩ có thể làm được việc này vì ông tin là phần lớn các tướng trong HĐQL có thể đồng ý với việc này. Ông đề nghị với Đại sứ Hoa Kỳ Taylor khuyên các tướng lãnh Mỹ tìm cách thuyết phục các tướng Việt Nam vể việc giải tán HĐQL. Vẩn còn nhớ việc HĐQL giải tán THĐQG hồi tháng 12-1964, Đại sứ Taylor rất tán thành đề nghị này, và cùng với phó Đại sứ Alexis Johnson, ông đã tích cực thăm dò và vận động các tướng lãnh về việc này.

Về phía Chính phủ Quát, chính bản thân Thủ Tướng Quát và Bộ Trưởng Phủ Thủ Tướng Bùi Diễm cũng đã gặp gở và vận động các tướng lãnh cao cấp trong HĐQL vê việc này. Ngày 5-5-1965, Trung Tướng Trần Văn Minh, Tổng Tư Lệnh, đã triệu tập HĐQL. Hiện diện tại phiên họp này của HĐQL gồm các vị tướng sau đây:

– Trung Tướng Trần Văn Minh, Tổng Tư Lệnh

– Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu, Phó Thủ Tướng kiêm Tổng Trưởng Quân Lực

– Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ, Tư Lệnh Không Quân

– Thiếu Tướng Lê Nguyên Khang, Tư Lệnh Thủy Quân Lục Chiến

– Chuẩn Tướng Phan Xuân Nhuận, Tư Lệnh Biệt Động Quân, – 4 tướng Tư Lệnh Vùng – Thiếu Tướng Linh Quang Viên, Tổng Trưởng Thông Tin Tâm Lý Chiến

– nhiều tư lệnh các binh chủng khác Không có mặt tại phiên họp này là các tư lệnh sư đoàn và Thiếu Tướng Phạm Văn Đổng, Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Đô. Đề đốc Chung Tấn Cang, Tư Lệnh Hải Quân, cũng không có mặt tại phiên họp này của HĐQL vì lúc đó ông đang bị tạm thời ngưng chức và điều tra về tội tham nhũng. Tất cả mọi người hiện diện tại phiên họp này đã đồng thanh quyết định HĐQL tự giải tán.14, 15

Nắm Trọn Quyền

Khi tìm cách giải tán HĐQL, Thủ Tướng Quát chỉ xét vấn đề có một chiều: HĐQL là một mối đe dọa cho Chính phủ của ông nên cần phải được dẹp bỏ. Ông không nghĩ đến, hay nếu có nghĩ đến thì chắc cũng không cho là một vấn đề quan trọng: đó là việc giải tán HĐQL, cơ quan quyền lực đã tạo ra Chính phủ của ông, làm cho Chính phủ của ông bị mất đi căn bản pháp lý của nó, và khi mà Chính phủ của ông gặp phải chuyện rắc rối về pháp lý không giải quyết được thì cơ quan quyền lực nào sẽ làm trọng tài để giải quyết khó khăn đó. Chưa đầy ba tuần lễ sau, chuyện rắc rối về pháp lý đó đã xảy ra và tạo nên một cuộc khủng hoảng nội các trầm trọng.

Ngày 25-5-1965, Thủ Tướng Quát cải tổ Chính phủ; trong buổi lễ trình diện tân nội các tại Dinh Gia Long, Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu tuyên bố không thể ký bổ nhiệm 2 vị Bộ Trưởng mới là các ông Trần Văn Thoàn và Nguyễn Trung Vinh với lý do là 2 vị Bộ Trưởng cũ là các ông Nguyễn Hòa Hiệp và Nguyễn Văn Vinh không từ chức.16

Quyết định này tạo ra một cuộc khủng hoảng chính trị trầm trọng. Cả Quốc Trưởng Sửu và Thủ Tướng Quát đều không chịu nhượng bộ để có thể đi đến thỏa hiệp. Hội Đồng Quốc Gia Lập Pháp, do HĐQL thành lập ngày 17-2-1965, với Chủ Tịch là Trung Tướng Phạm Xuân Chiểu, cũng bất lực, không giải quyết được cuộc khủng hoảng.17

Sau cùng, ngày 11-6-1965, trong một phiên họp tại Phủ Thủ Tướng có sự tham dự của Quốc Trưởng Sửu và rất nhiều tướng lãnh, cuộc khủng hoảng đã được giải quyết một cách hoàn toàn bất ngờ. Ông Bùi Diễm, lúc đó là Bộ Trưởng Phủ Thủ Tướng, đã ghi lại trong cuốn hồi ký của ông, Gọng kìm lịch sử, như sau:

“Gần bốn năm chục người chen chúc nhau trong một bầu không khí căng thẳng. Cả ông Sửu lẫn ông Quát không ai chịu nhượng bộ, tình trạng bế tắc mặc nhiên đặt quân đội vào vai trò trọng tài. Lấy cớ rằng đất nước đang trong tình trạng chiến tranh, họ đòi hỏi chính phủ và ông Sửu phải sớm giải quyết vấn đề. Lời qua tiếng lại mỗi lúc một gay gắt, bác sĩ Quát tuyên bố ngay tại hội trường là ông quyết định từ chức và giải tán chính phủ. Quyết định của ông đã buộc ông Sửu cũng phải từ chức theo, mở đường cho một giai đoạn mới trong lịch sử miền Nam, giai đoạn quân nhân nắm chính quyền.” 18

Dựa trên Tuyên Cáo giao quyền lại cho Quân Đội của Quốc Trưởng, Thủ Tướng và Chủ Tịch Hội Đồng Quốc Gia Lập Pháp, toàn thể các tướng lãnh và tư lệnh quân binh chủng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã nhóm họp ngày 14-6- 1965 và quyết định thành lập hai ùy ban:

1) Ùy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia do Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu làm Chủ Tịch (Quốc Trưởng), “thay mặt toàn thể Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa điều khiển quốc gia”, và

2) Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương do Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ làm Chủ Tịch (Thủ Tướng), “phụ trách điều khiển hành pháp” 19

Với việc thành lập hai Ùy Ban nói trên, Nhóm Tướng Trẻ đã thành công trọn vẹn trong việc nắm trọn quyền điều khiển quốc gia một cách danh chính ngôn thuận. Họ đã làm được gì cho đất nước thì ngày nay, gần 50 năm sau, tất cả mọi người đều đã biết rõ. Hậu quả nhứt thời và trực tiếp là việc Hoa Kỳ leo thang chiến tranh tại Việt Nam bằng cách ào ạt đổ quân bộ chiến vào Miền Nam và oanh tạc liên tục Miền Bắc. Vào cuối năm 1965, quân số Hoa Kỳ tại V.N.C.H., từ con số 23.000 cuối năm 1964, đã lên đến 184.000 quân.20

GHI CHÚ

1. Lâm Vĩnh Thế. Việt Nam Cộng Hòa, 1963-1967 : những năm xáo trộn. Hamilton, Ont. : Hoài Việt, 2010. Tr. 58.

2. Đoàn Thêm. Hai mươi năm qua : việc từng ngày (1945-1964). Los Alamitos, Calif. : Xuân Thu, 1989. Tr. 407.

3. Identification of the Young Turk group of military commanders and their views concerning General Nguyen Khanh and other matters, tài liệu của CIA được xếp loại Mật (SECRET), thuộc loại Intelligene Information Cable, đề ngày 2-10-1964, giải mật ngày 27-7-1976, gồm 4 trang. Tài liệu này có thể đọc nguyên văn (Full text) tại địa chỉ Internet sau đây: http://www.vietnam.ttu.edu/virtualarchive/items.php?item=0410214005 tại trang Web của The Vietnam Center and Archive của Đại Học Texas Tech Universiy, Lubbock, Texas, Hoa Kỳ.

4. Identification, tài liệu vừa dẫn ngay bên trên. 5. Cable regarding the need for General Nguyen Khanh to solve the political problems in South Vietnam, since no top-level leadership exists in the government, trong cơ sở dữ liệu trực tuyến (online database) Declassified Documents Reference System (DDRS). Tài liệu của CIA được sếp loại Mật (SECRET), thuộc loại Intelligence Information Cable, đề ngày 1-10-1964, giải mật ngày 28-Aug-1997, gồm 5 trang.

6. Lâm Vĩnh Thế, sđd, tr. 92-93.

7. Lâm Vĩnh Thế, sđd, tr. 98.

8. Deliberations of Armed Forces Council (AFC) on 24 January, trong cơ sở dữ liệu trực tuyến DDRS. Tài liệu của CIA, không được xếp loại mật, thuộc loại Intelligence Information Cable, số hiệu TDCS DB-315/00241-65, đề ngày 24-Jan-1965, có thanh lọc (Sanitized), gồm 7 trang.

9. Lâm Vĩnh Thế, “Một nội các chết non của VNCH,” trong Bạch hóa tài liệu mật của Hoa Kỳ vể Việt Nam Công Hòa (Hamilton, Ont. : Hoài Việt, 2008), tr. 118-129.

10. Lâm Vĩnh Thế, Việt Nam Cộng Hòa, sđd, tr. 111-112.

11. Đoàn Thêm. 1965 : việc từng ngày. Los Alamitos, Calif. : Xuân Thu, 1989. Tr. 35- 36.

12. Đoàn Thêm, sách vừa dẫn ngay bên trên, tr. 38.

13. General Tran Van Minh’s concern over General Nguyen Chanh Thi’s uncoordinated actions, tài liệu Mât của CIA, thuộc loại Research Report, đánh số TDCS DB- 315/00654-65, đề ngày 23-2-1965, gồm 2 tr. Tài liệu này có thể truy dụng trực tuyến và toàn văn tại trang nhà của Virtual Vietnam Archive, thuộc The Vietnam Center and Archive của Texas Tech University tại Lubbock, Texas, Hoa Kỳ. Số hiệu của tài liệu này trong cơ sở dữ liệu của Virtual Vietnam Archive là Item Number F029100050300 {Document].

14. Armed Forces Council decision to dissolve itself, công điện Mật của CIA, thuộc loại Intelligence Information Cable, đánh số TDCS-314/06093-65, đề ngày 5-5-1965, gồm 3 tr. Tài liệu này có thể truy dụng trực tuyến và toàn văn tại trang nhà của Virtual Vietnam Archive, thuộc The Vietnam Center and Archive của Texas Tech University tại Lubbock, Texas, Hoa Kỳ. Số hiệu của tài liệu này trong Cơ sở dữ liệu của Virtual Vietnam Archive là Item Number F029100050940 [Document].

15. “Quyết Định số 03-HĐQL ngày mồng 5 tháng 5 năm 1965 tự ý giải tán Hội Đồng Quân Lực,” trong Công Báo Việt Nam Cộng Hòa, ngày 19 tháng 5 1965, tr. 1990.

16. Đoàn Thêm. 1965 : việc từng ngày, sđd, tr. 85.

17. Lâm Vĩnh Thế, “Cuộc khủng hoảng nội các tại V.N.C.H. vào cuối tháng 5/1965,” trong Bạch hóa tài liệu mật của Hoa Kỳ về Việt Nam Cộng Hòa (Hamilton, Ont. : Hoài Việt, 2008), tr. 130-152.

18. Bùi Diễm. Gọng kìm lịch sử. Paris : Cơ sở xuất bản Phạm Quang Khai, 2000. Tr. 245-246.

19. “Quyết định số 3 của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa,” nhật báo Chính Luận, số ra ngày 16-6-1965, tr. 1.

20. Westmoreland, William C. A Soldier reports. New York : Doubleday, 1976. Tr. 133.

Nguồn bài đăng

0