Nguyễn Quang Lập sinh năm 1956, là một nhà văn, nhà viết kịch, nhà biên kịch điện ảnh của Việt Nam.
1. Tiểu sử
Nguyễn Quang Lập còn có bút danh là Hồng Nhật, Hồng Đức, Quang Quang, nhưng thích được gọi là Bọ Lập. Ông sinh năm 1956 tại Quảng Trạch – Quảng Bình.
Cũng như phần lớn các nhà văn Việt Nam khác, ông cũng có thời gian hoạt động tại quân đội. Một số tác phẩm đầu tay của ông được viết trong thời gian này. Sau khi rời quân ngũ, ông đến làm việc tại Nhà xuất bản Kim Đồng. Hiện nay, ông làm việc tại báo Sài Gòn Tiếp thị.
Nguyễn Quang Lập là hội viên của Hội nhà văn Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Hội Điện ảnh Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam.
Năm 2008, ông xuất bản cuốn tạp văn “kí ức vụn”. Cuốn sách này chứa những suy ngẫm, vừa hài hước, vừa ưu tư. Nguyễn Quang Lập sử dụng những ngôn ngữ gần gũi, đời thường, nhiều lúc bị đánh giá là dung tục, nhưng toát lên trên hết đó là tính nhân văn sâu sắc.
Sau những thành công về kịch bản cho các bộ phim, ông đã thành lập công ty Scripts, một công ty chuyên về kịch bản đầu tiên ở Việt Nam.
2. Tác phẩm nổi bật
Văn học
- Tiếng gọi nơi mặt trời lặn (tập truyện ngắn, 1989), được đánh giá là đã khiến cho người đọc phải chùng lòng
- Mười tám truyện ngắn Nguyễn Quang Lập (1997)
- Những mảnh đời đen trắng (tiểu thuyết, 1989)
- Kỷ niệm thời trai trẻ (1988)
- Người thổi kèn Trom-pet
- Một giờ trước lúc rạng sáng (tập truyện ngắn, 1986)
- Ký ức vụn (2009)
Kịch bản
- Mùa hạ cay đắng
- Trên mảnh đất người đời
- Vào tháng 10 năm 2005, nhà hát kịch Hà Nội công diễn vở ‘’Những linh hồn sống’’ với kịch bản của ông khắp ba miền Bắc-Trung-Nam Việt Nam
Kịch bản điện ảnh
- Đời cát (giải vàng Liên hoan phim Châu Á-Thái Bình Dương, giải Bông sen Vàng Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 13 và nhiều giải thưởng khác)
- Thung lũng hoang vắng (giải Fipresci, Bông Sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 13)
- Cũng trong Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 13, với thành công của Đời cát và Thung lũng hoang vắng, Nguyễn Quang Lập được trao giải Nhà biên kịch xuất sắc nhất.
- Không có Eva: kịch bản này chưa được dựng thành phim mà lý do được bà Nguyễn Thị Hồng Ngát phó cục trưởng Cục Điện ảnh Việt Nam nêu ra: "Tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao, vượt trội các kịch bản khác. Tuy nhiên, một số cảnh trong Không có Eva mang màu sắc u ám và hơi tiêu cực, chưa phù hợp với cuộc sống hiện nay. Bởi vậy, Hội đồng đề nghị tác giả sửa chữa và chờ đến đợt xét duyệt vào năm sau".
Nguồn: http://vi.wikipedia.org