Định Quốc Công Nguyễn Bặc
Lăng Định Quốc Công Nguyễn Bặc Kiến Hào Nhất phiến trung can huyền nhật nguyệt Thiên thu chính khí tác sơn hà (Một mảnh gương trung treo sáng như mặt trời mặt trăng Nghìn thu chính khí còn rung động non sông) Câu đối ở đền thờ Định Quốc Công Nguyễn Bặc Thân ...
Lăng Định Quốc Công Nguyễn Bặc
Kiến Hào
Nhất phiến trung can huyền nhật nguyệt
Thiên thu chính khí tác sơn hà(Một mảnh gương trung treo sáng như mặt trời mặt trăng
Nghìn thu chính khí còn rung động non sông)
Câu đối ở đền thờ Định Quốc Công Nguyễn Bặc
Thân thế và sự nghiệp:
Theo sách Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục, Nguyễn Bặc là người động Hoa Lư, châu Đại Hoàng (nay thuộc xã Gia Phương, Gia Viễn, Ninh Bình). Thân phụ là Nguyễn Huy, thân mẫu là Lê thị Lược vốn khoan hoà nhân ái, đều được nhân dân quanh vùng quý trọng. Ông là bạn thời niên thiếu của Đinh Bộ Lĩnh, sau này cùng với Đinh Điền, Lưu Cơ, Trịnh Tú theo giúp họ Đinh dẹp loạn Mười Hai Sứ Quân,dựng nghiệp lớn.
Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi tức vua Đinh Tiên Hoàng, Nguyễn Bặc được phong Định Quốc Công coi việc nội chính. Đây là thời kỳ độc lập tự chủ của nước ta sau đêm dài ngàn năm bị Bắc thuộc. Mười hai năm sau, tháng 10 năm Kỷ Mão (979) vua Đinh và thái tử Đinh Liễn bị tên hoạn quan Đỗ Thích giết chết. Những cái chết đột ngột đầy nghi vấn, đẩy triều đình vào chỗ xáo trộn, ngờ vực lẫn nhau. Con nhỏ của Đinh Tiên Hoàng là Vệ Vương Đinh Toàn [1] lên ngôi (Đinh Phế Đế). Mẹ Phế Đế là Dương Vân Nga trở thành Thái Hậu. Lê Hoàn tự xưng Phó Vương , giữ quyền nhiếp chính được tự do ra vào cung cấm. Thái độ kiêu lộng và mờ ám của Lê Hoàn không qua mắt được Đinh Điền Nguyễn Bặc và Phạm Hạp. Các quan bèn dấy quân Ái Châu về kinh hỏi tội Lê Hoàn, nhưng trước tài cầm quân của Lê Hoàn, rốt cuộc khởi binh thất bại, tất cả đều bị bắt giết. Tháng 7 năm Canh Thìn 980, Lê Hoàn lên ngôi hoàng đế.
Ai giết cha con vua Đinh Tiên Hoàng ?
Đại Việt Sử ký Toàn thư chép: “Mùa đông, tháng mười năm Kỷ Mão 979, quan giữ chức Chi Hậu Nội Nhân là Đỗ Thích giết chết nhà vua ở trong cung. Trước đó Đỗ Thích từng có lúc làm quan ở Đồng Quan. Một hôm nhân nằm chơi rồi ngủ lại trên cầu, mơ thấy có vì tinh tú từ trên trời rơi xuống và hắn đã nuốt lấy. Đỗ Thích lấy đó làm điềm tốt, bèn nẩy ra ý định giết vua. Đến đây, thấy nhà vua dùng yến tiệc vừa xong, say rượu nằm ngủ ngay giữa sân cung đình. Đỗ Thích bèn lẽn vào giết chết, lại giết luôn cả Nam Việt Vương Đinh Liễn. Bấy giờ lệnh lùng bắt thủ phạm rất gắt, Đỗ Thích phải trèo lên nằm trong máng nước ở trong cung suốt ba ngày liền, đói khát lắm. Thế rồi trời đổ mưa, Đỗ Thích thò tay hứng nước mà uống, một cung nữ nhìn thấy nên đi báo. Định Quốc Công sai người bắt xuống và đem đi chém đầu…”
Theo quan điểm của một số nhà nghiên cứu hiện nay như Hoàng Đạo Thuý (1900 – 1994), việc Lê Hoàn tự ý xưng làm Phó vương khi Đinh Toàn lên ngôi, cấm cố họ Đinh (thuật ngữ Việt Nam bây giờ gọi là quản chế-NV), cùng với việc các trung thần Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Phạm Hạp khởi binh chống Lê Hoàn có thể là những biểu hiện cho thấy mưu đồ thoán đoạt của Lê Hoàn. Đỗ Thích không thể làm chuyện này vì hắn chỉ là một viên quan hoạn tài hèn sức mọn không vây cánh, làm sao có thể mơ tưởng được các quan đại thần ủng hộ lên làm vua. Việc có mặt của Đỗ Thích tại hiện trường vụ án là vô tình vì ông là quan nội thị, một trong những người có mặt sớm nhất lúc vụ án xẩy ra. Lúc bấy giờ ông không thể thanh minh là mình vô tội vì có nhiều người ập tới. Ông vội vã chạy trốn và bị bắt sau ba ngày trốn tránh, trở thành nạn nhân trong mưu đồ của Lê Hoàn và Dương hậu.
Tại sao Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Phạm Hạp dấy binh?
Theo Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục, Nguyễn Bặc, Đinh Điền làm phụ chính cho Phế Đế, nhưng lúc đó Dương Thái Hậu tư thông với Thập Đạo Tướng Quân Lê Hoàn, cho Lê Hoàn làm Phó vương, nắm quyền chỉ huy quân đội, chuyên quyền tự do ra vào cung cấm. Nguyễn Bặc lo lắng bàn với các tướng: “Lê Hoàn (chuyên quyền) sẽ bất lợi cho nhụ tử [2], chúng ta chịu ơn dày của nước, nếu không tính trước đi, giữ cho xã tắc được yên thì còn mặt mũi nào trông thấy Tiên đế ở suối vàng nữa?”, bèn cùng Đinh Điền, Phạm Hạp khởi binh Ái Châu, chia hai đường thủy bộ cùng tiến đánh Lê Hoàn. Dương Thái Hậu nghe tin bảo Lê Hoàn: “ Bọn Bặc nổi loạn, quan gia hãy còn thơ ấu, cáng đáng sao nổi giữa lúc quốc gia lắm nạn này. Ông nên tính đi”. Lê Hoàn thưa: “Tôi đây làm Phó vương, quyền giữ việc nước, dù sống chết cũng xin gánh lấy trách nhiệm”. Lê Hoàn bèn sắp xếp quân đội, đem binh vào Ái Châu đánh nhau với Đinh Điền Nguyễn Bặc. Lê Hoàn vốn là người giỏi dùng binh, Đinh Điền Nguyễn Bặc không chống nổi, lại đem quân thủy ra đánh. Lê Hoàn theo chiều gió phóng hỏa đốt cả chiến thuyền. Đinh Điền bị chết tại trận, còn Nguyễn Bặc bị bắt đưa về kinh đô xử tội. Trước mặt Nguyễn Bặc, Lê Hoàn kể tội ông: “Đấng tiên đế mắc nạn, thần và người đều căm giận, ngươi lại nhân lúc tang tóc rối ren, đứng đầu làm giặc! Đạo tôi con đâu có như thế ?”. Rồi Lê Hoàn giết hại ông. Năm đó ông 56 tuổi, cùng sinh một năm và chết một năm với Đinh Tiên Hoàng. Đinh Điền, Nguyễn Bặc đã chết rồi, quân của Phạm Hạp mất tinh thần, chạy lên hương Cát Lợi ở Bắc Giang. Lê Hoàn đem quân đuổi theo bắt được, đưa về kinh đô giết chết.
Các đạo quân chống đối bị tiêu diệt. Tháng 7 năm Canh Dần (680), Lê Hoàn được sự ủng hộ của Dương Thái hậu và tướng Phạm Cự Lượng liền phế Đinh Toàn làm Vệ vương như cũ [3], giành lấy ngai vàng, tức là vua Lê Đại Hành, lập ra nhà Tiền Lê.
Thái độ của sử gia xưa và nay:
Chu Công [4] là người vương thất rất thân, giúp vua nhỏ tuổi còn không tránh khỏi những lời dèm pha phao truyền. Lê Hoàn là đại thần khác họ, nắm giữ binh quyền,làm công việc như Chu Công, thường tình còn ngờ vực, huống là Nguyễn Bặc ở chức phụ chính đại thần và Đinh Điền là đại thần cùng họ hay sao? Bọn họ khởi binh không phải làm loạn, mà là một lòng phù tá nhà Đinh, vì giết Hoàn không được mà phải chết, ấy là chết đúng chỗ. Nay xem lời Đại Hành kể tội Nguyễn Bặc tựa như vạch tội mình. Khi Bặc chết ắt phải có nói lấy một lời để bày tỏ chính nghĩa nhưng không thấy sử chép, thế là bỏ sót…
…“Đạo vợ chồng là đầu của nhân luân, dây mối của vương hóa. Hạ kinh của Kinh Dịch nêu quẻ Hàm và quẻ Hằng lên đầu, là để tỏ cái ý lấy đàn bà tất phải chính đáng. Đại Hành thông dâm với vợ vua, đến chỗ nghiễm nhiên lập làm hoàng hậu, mất cả lòng biết hổ thẹn. Đem cái thói ấy truyền cho đời sau, con mình bắt chước mà dâm dật đến nỗi mất nước, há chẳng phải là mở đầu mối họa đó sao?”
(Đại Việt Sử ký Toàn thư – Ngô Sĩ Liên)
“…Việc này trái với khuôn phép nhà nho.Các sử gia nho xưa đã trịnh trọng chỉ trích như Ngô Sĩ Liên, Ngô Thì Sĩ…Các vị ấy không hiểu rằng đời Đinh, Tiền Lê đạo Nho chưa có ảnh hưởng gì sâu vào dân Việt cho đến nửa đời Trần còn thế. Dân chúng đã lập đền thờ các vua Đinh, Lê trên nền tảng cung điện Hoa Lư mà không quên bà Dương hậu, không những thế mà còn tự hợp hai vua tô tượng hai vua ngồi chung một tòa với Dương hậu ở giữa. Nhưng đến đầu đời Lê Thái Tổ cho là trái đạo mà bỏ đi. Tuy vậy các nho gia phê bình cũng không ai trách bà mà chỉ trách Lê Hoàn”.
(Hoàng Xuân Hãn tuyển tập)
…Người viết kịch lịch sử tuy không phải là một nhà sử học nhưng cũng phải học sử, đọc sử cho thấu đáo để tránh biến chánh thành tà, ngay thành gian (…) Chúng tôi thiển nghĩ nhà viết kịch có quyền mượn sự kiện lịch sử làm một cái đinh để treo các màn lớp như A.Dumas đã nói. Có điều họ phải tôn trọng tính chân xác lịch sử, không được phép lấy cớ hư cấu mà xuyên tạc, bóp mép lịch sử (…). Các tác giả vở Dương Vân Nga đã mắc phải bệnh ấy nên biến cuộc nổi dậy chống Lê Hoàn âm mưu cướp ngôi nhà Đinh thành một cuộc nổi loạn phi nghĩa, để cho Dương Vân Nga lên án Định Quốc Công và quan Ngoại giáp…
( Định Quốc Công Nguyễn Bặc – Hoài Việt – NXB Văn nghệ TP HCM – 2000)
Đinh Điền, Nguyễn Bặc và Phạm Hạp đều là các bậc đại trượng phu, bừng bừng chí cả. Nhưng chí và trí chẳng tương đồng. Có ai ngờ rằng các bậc dũng tướng lại thiếu sáng suốt khi phân tích những diễn biến xẩy ra quanh mình. Quả thật, không thể nói khác hơn rằng Đinh Điền, Nguyễn Bặc và Phạm Hạp đã xử thế một cách rất không bình thường. Họ chỉ mới thấy ngôi vua mà chưa thực sự thấy triều đình, chỉ mới thấy chuyện hoàng tộc chứ chưa thực sự thấy hết chuyện xã tắc, chỉ mới thấy việc ở trước mắt chứ chưa thấy sự lợi hại của mai sau…
( Việt sử Giai thoại – Nguyễn Khắc Thuần- NXB Giáo dục – 2007)
Trước tình hình lúc bấy giờ, đất nước vừa mới thống nhất đang bị đe doạ từ nhiều phía, bên ngoài thì phong kiến phương Bắc sửa soạn đại binh xâm lược, bên trong các triều thần phân liệt, tranh chấp gay gắt có nguy cơ nổ ra nội chiến lớn. Là người có tầm nhìn xa trông rộng, Dương Vân Nga nhận thấy rõ chỉ có Thập Đạo Tướng Quân Lê Hoàn là người có khả năng giải quyết tình hình nghiêm trọng mà đất nước đang phải đương đầu lúc bấy giờ. Nếu trong hoàn cảnh ấy mà bà không biết đặt lợi nước lên trên quyền lợi của dòng họ, bà có thể dựa vào quyền thần này để chống lại quyền thần khác, ngoan cố bảo vệ ngai vàng cho đứa con nhỏ của mình thì sẽ gây ra nạn bè đảng tranh chấp, đẩy đất nước vào thảm cảnh rối loạn…
(Hỏi đáp lịch sử Việt Nam – Trần Nam Tiến- NXB Trẻ – 2007)
“…Dương Thái Hậu [5] đã có cái nhìn vô cùng sáng suốt, đặt lợi ích dân tộc và quốc gia lên trên lợi ích dòng tộc, chọn Lê Hoàn là một thống soái quân đội, dày dạn kinh nghiện chiến đấu, có khả năng tập hợp và tài năng chỉ huy quân dân ta lúc đó đương đầu với quân xâm lược, loại bỏ được nguy cơ mất nước”
(Trung tâm xúc tiến ĐTPT Du lịch Ninh Bình)
Định Quốc Công trong lòng hậu thế :
Nguyễn Bặc sau khi mất được táng ở thôn Vĩnh Ninh, làng ĐạiHữu, GiaViễn, Ninh Bình. Lăng mới được trùng tu vào năm 1989. Về đền thờ ông được thờ ở nhiều nơi :
– Đền thờ vua Đinh ở Trường Yên Ninh Bình có phối thờ tứ trụ triều đình, gồm Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Lưu Cơ, Trịnh Tú.
– Đại Hữu, Gia Viễn, Ninh Bình có đền thờ ba vị đào viên kết nghĩa: Đinh Bộ Lĩnh, Nguyễn Bặc, Đinh Điền.
– Nhiều nơi trong huyện Hoa Lư Ninh Bình thờ ông làm Thành hoàng.
– Thanh Lợi, Vụ Bản , Nam Định có đền thờ Định Quốc Công Nguyễn Bặc.
– Tại Huế, vua Minh Mạng cho xây miếu Lịch Đại Đế vương để thờ các vị vua và các danh tướng qua các triều đại trong đó có Nguyễn Bặc.
– Năm Đinh Dậu 1917, ông được vua Khải Định sắc phong Hộ quốc Tướng công Trác võ Thượng đẳng phúc thần.
– Khu quảng trường – tượng đài Đinh Tiên Hoàng đế tại trung tâm thành phố Ninh Bình có tượng 4 vị quan đại thần Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Trịnh Tú, Lưu Cơ cao 5 m đứng bao quanh, có lính canh và ngựa đá. Thành phố hiện vẫn còn đền Hiềm nằm bên cạnh đường Đô Thiên, nơi người dân truyền tụng hai câu ca dao:
“ Hiềm là hiềm hận cường thần
Hiềm nghi Dương thị, tần ngần Lại, Lương” [6]
Thay lời kết:
Hỡi ôi, lẽ nào nhân danh vì đại cuộc mà chấp nhận những hành vi thương luân bại lý, đánh đồng việc âm mưu soán nghịch với ý thức đoàn kết chống ngoại xâm. Cũng như người dân Nga, không phải vì nhân danh đoàn kết chống ngoại xâm mà quên đi tội ác của Stalin, đọa đày hàng triệu người dân Nga và các dân tộc như Ba Lan, Do Thái ở địa ngục trần gian Siberia lạnh giá.
Thương thay, phải chi Định Quốc Công thức thời giác ngộ mà lẹ tay dâng ấn kiếm cho vua mới, ngay sau khi Thái hậu vừa “âu yếm” khoác hoàng bào thì có phải là đã được người đời sau ca tụng là sáng suốt rồi không?. Phải chi quan ngoại giáp Đinh Điền nhanh chân phủ phục xuống sân rồng mà tung hô vạn tuế thì có phải là được người đời sau ca tụng là “có ý thức vì đại cuộc” rồi không?. Phải chi tướng quân Phạm Hạp về hùa với em là Phạm Cự Lượng mà trở giáo quy hàng thì đời sau đã được tiếng khen là “có tầm nhìn xa trông rộng” rồi. Tiếc thay khi Lê Hoàn lên ngôi thì các ông không còn trên cõi đời mà trông thấy cảnh ấy nữa.
Ngẫm lại, bọn bồi sử thời nay không phải là kém hiểu biết mà chỉ vì cam tâm phục vụ cho ý đồ mưu lợi nhất thời nên cố tình bẻ cong ngòi bút, nhắm mắt nói càn, biến trung thần thành phản thần, đổi chính thành tà, gây nên một sự nhầm lẫn đáng tiếc. Đáng sợ thay! Đáng sợ thay!
Chú thích :
[1] Tháng 10 năm 979, cha con vua Đinh bị ám sát chết. Tháng 7 năm 980, bọn Phạm Cự Lượng tôn Lê Hoàn lên ngôi vua.Tháng 4 năm 981, quân Tống chia hai đường thủy bộ sang đánh nước ta. Như vậy kể từ khi vua Đinh bị ám sát chết đến lúc quân Tống động binh là một năm rưởi, và trong thư dụ hàng cũng kể rõ, cái chết của Giao Chỉ Quận vương Đinh Tiên Hoàng và Nam Việt Vương Đinh Liễn là một trong những lý do khiến quân Tống khởi phát chiến tranh.Dù sao đó chỉ là ngụy tạo lý do biện minh cho âm mưu xâm lược nước ta.Việc Lê Hoàn thành công trong cuộc kháng chiến chống Tống đã khiến cho nhân dân tha thứ cho ông.
[2] chỉ Vệ vương Đinh Toàn
[3]Thực tế Đinh Toàn chỉ làm vua được 8 tháng ( Phế Đế) rồi bị phế làm Vệ Vương .Năm Tân Mão 901, trong dịp cùng vua Lê đi dẹp loạn ở vùng Cử Long Thanh Hoá, vua bị trúng tên hy sinh trên chiến thuyền lúc mới 17 tuổi. Một cái chết đầy nghi vấn.(Theo Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục).
[4] Tức Chu Công Đán, công thần khai quốc nhà Chu ( 1122 – 256 TCN) Trung Quốc, đã giúp rập cho anh là Chu Vũ Vương Cơ Phát giành quyền thống trị từ tay nhà Thương.Khi Cơ Phát mất, con là Chu Thành Vương còn nhỏ nối nghiệp, Chu Công Đán làm phụ chính. Khi Chu Thành Vương khôn lớn, ông trao lại việc triều chính cho vua.
[5] Năm 982 sau khi chiến thắng quân Tống, Lê Hoàn lập Dương Vân Nga làm Đại Thắng Minh hoàng hậu.Khi bà mất (1000) được thờ chung với vua Đinh, nhưng sau lại được chuyển sang thờ với vua Lê.Trong phạm vi bài này, người viết xin phép lược bỏ rất nhiều chi tiết, giai thoại dân gian như sấm truyền, ca dao, bài vè, hiện tượng…có thể không thật, không thuyết phục.
[6] Vùng cửa Lại, cửa Lương (Ninh Bình), nơi Lê Hoàn đưa Nguyễn Bặc về chém đầu tại đây, nhân dân lập đền để thờ Ngài.