18/06/2018, 16:55

Năm Đinh Dậu (2017) nhớ về vị đỗ đầu khoa thi Hương Đinh Dậu (1837) ở trường thi Nghệ An

Nguyễn Văn Nghệ – Đã đỗ cử nhân rồi nhưng còn phải vào kinh đô để sát hạch lại Khoa thi Hương Đinh Dậu (1837) trường Nghệ An điểm duyệt quá khắc, suốt cả các quyển văn, không quyển nào trúng 3 kỳ, dự trúng 2 kỳ cũng không được mấy người. Cuối cùng chọn được 5 người: Vương ...

Khoa_bảng.jpg 

Nguyễn Văn Nghệ

Đã đỗ cử nhân rồi nhưng còn phải vào kinh đô để sát hạch lại

   Khoa thi Hương Đinh Dậu (1837) trường Nghệ An điểm duyệt quá khắc, suốt cả các quyển văn, không quyển nào trúng 3 kỳ, dự trúng 2 kỳ cũng không được mấy người. Cuối cùng chọn được 5 người: Vương Đình Chiểu, Vũ Nguyên Doanh, Nguyễn Phong, Phạm Trọng Cát, Phan Quang Nhiễu. Thấy số đỗ quá ít, vua Minh Mạng sai đường quan 6 Bộ, đem tất cả các quyển đỗ và hỏng xét lại ở viện Tả Đãi Lậu, lấy thêm 15 cử nhân nữa: Mai Thế Tuấn, Phan Đình Phong, Đinh Viết Thận, Hồ Sĩ Tuần, Nguyễn Hữu Độ, Đặng Văn Khải, Lê Triết, Đỗ Xuân Tường , Lê Cán, Nguyễn Thái Thông, Phan Hữu Khải, Phan Đình Tuyển , Hồ Bá Nghi, Vũ Văn Dật , Nguyễn Côn(1).

    Vua Minh Mạng lại nghĩ “ những quyển hỏng ở trường thi từ trước vẫn không có lệ đệ vào Kinh để lấy đỗ thêm, nếu nhất khái đem làm hợp cách lấy đỗ, sợ chưa đủ tỏ rõ kén chọn công bằng, lại ra dụ sai quan tỉnh phái dẫn 5 người lấy đỗ trước và 15 người lấy thêm, về Kinh sát hạch lại” (2).

    Sau khi sát hạch lại trong 20 người  lấy đỗ 15 người: Mai Thế Tuấn, Phan Quang Nhiễu, Phan Hữu Khải, Đỗ Xuân Tường, Lê Triết , Hồ Sĩ Tuần, Vũ Văn Dật, Nguyễn Côn, Nguyễn Hữu Độ, Đinh Viết Thận, Nguyễn Thái Thông, Phạm Trọng Cát, Hoàng Bá Nghi, Vũ Nguyên Doanh, Vương Đình Chiểu.Nhưng sau đó xét lại thấy cử nhân đứng vị thứ thứ 3 là Phan Hữu Khải trong quyển thi bỏ sót một chữ đầu đề, giáng làm Tú tài (3).

Như vậy khoa thi Đinh Dậu (1837) trường Nghệ An lấy đỗ 14 cử nhân và Mai Thế Tuấn đỗ Giải nguyên (Thủ khoa). Nhưng học vị cử nhân của 14 vị chưa “ thành mệnh cử nhân”. Bởi vì 14 cử nhân trường Nghệ An được ban ân cho năm sau thi Hội cùng với các cử nhân của các trường khác. Nếu không trúng sẽ giáng làm Tú tài, cho về quê học tập đợi thi kỳ thi Hương sau. Trong 14 cử nhân trường Nghệ An dự thi Hội khoa Mậu Tuất (1838) chỉ có Đinh Nhật Thận đỗ Tiến sĩ, Nguyễn Hữu Độ và Phan Quang Nhiễu đỗ Phó bảng.Trong Quốc triều khoa bảng lục sau tên Đinh Nhật Thận có ghi thêm: “Thi Hương khoa Đinh Dậu (1837) vào hạng được lấy thêm.Đến khoa này đỗ thi Hội mới thành mệnh cử nhân” (4).Thế là 11 vị không đỗ thi Hội khoa Mậu Tuất (1838) chưa thành mệnh cử nhân và kỳ thi Hương sau phải lều chõng đi thi trở lại.

 Trong lịch sử thi Hương dưới triều Nguyễn, chỉ có khoa thi Hương (1837) ở trường Nghệ An là rắc rối nhất: số cử nhân đã lấy đỗ phải vào kinh đô để phúc hạch và số cử nhân lấy đỗ sau kỳ phúc hạch nếu không đỗ kỳ thi hội khoa Mậu Tuất (1838) thì coi như chưa “thành mệnh cử nhân”và phải tiếp tục lều chõng đi thi Hương. Cho nên Vũ Nguyên Doanh, Mai Thế Tuấn, Hồ Sĩ Tuần, Nguyễn Thái Thông, Vương Đình Chiểu, Vũ Văn Dật, Đỗ Xuân Tường là ông “cử kép” (hai lần đỗ cử nhân)(5).

  – Saukhi đỗ Thám Hoa Mai Thế Tuấn được vua đổi tên thành Mai Anh Tuấn

Mai Thế Tuấn sinh năm Ất Hợi (1815), có tên tự là Lương Phu, tên hiệu là Chí Đường, người xã Thạch Giản, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Khoa thi Hương Đinh Dậu (1837) Mai Thế Tuấn lều chõng đi thi nhưng không đỗ cử nhân. Do số người đỗ cử nhân trường Nghệ An quá ít, chỉ có 5 cử nhân nên nhà vua cho chấm lạicác quyển đã đánh hỏng  và ông được may mắn trúng vào hạng lấy thêm. Sau khi vào kinh đô để phúc hạch, Mai Thế Tuấn đỗ Giải nguyên. Năm sau – Mậu Tuất – ông dự thi Hội, do không đỗ nên không “thành mệnh cử nhân”.Thế là khoa thi Hương Canh Tý (1840) ông lại lều chõng đi thi để cho “thành mệnh cử nhân” và khoa thi này ông xếp vị thứ 6/20.Ân khoa thi Hội năm Quý Mão (1843) ông đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ Đệ tam danh (Thám Hoa). Quốc triều khoa bảng lục ghi chép về ông: “Thi Hương khoa Đinh Dậu, niên hiệu Minh Mệnh 21 (1840)trúng vào hạng lấy thêm, đến khoa Canh Tý (1840) đỗ thi Hội mới thành mệnh Cử nhân”.Với Phó bảng Vũ Nguyên Doanh, Tiến sĩ Hồ Sĩ Tuần trong Quốc triều khoa bảng lục cũng ghi chép như trên(6)

    Câu ấy nếu dịch giả dịch đúng như nguyên văn bản chữ Hán thì lỗi do tác giả Quốc triều khoa bảng lục chép nhầm. Câu ấy có thể sửa lại :“ Thi Hương khoa Đinh Dậu, niên hiệu Minh Mệnh 18 (1837) trúng vào hạng lấy thêm, đến khoa Canh Tý(1840) đỗ thi Hương trở lại mới thành mệnh Cử nhân”. Bởi vì năm Canh Tý chỉ có thi Hương, không có thi Hội, năm Tân Sửu (1841), Nhâm Dần (1842), Quý Mão(1843),Giáp Thìn (1844) mới có thi Hội.

     Sự kiện Mai Thế Tuấn đỗ Thám Hoa được cụ Phạm Phú Thứ ghi lại : “ Ngã Nam quốc tam khôi chi tuyển, tự Lê triều Thám hoa Nguyễn công, danh Huy Quýnh chí bổn triều Thiệu Trị Quý Mão khoa nhi đắc Mai Chí Đường kế bách niên dư hỹ” (Nước Nam ta tuyển Tam khôi, từ ông Thám hoa Nguyễn , tên là Huy Quýnh triều Lê đến triều ta thời Thiệu Trị khoa Quý Mão mới được Mai Chí Đường, kể ra cũng hơn trăm năm) (7). Mai Thế Tuấn đỗ Thám Hoa, nhà vua mừng được người và ban cho tên là Mai Anh Tuấn (chữ “Tuấn” trong “Thế Tuấn” thuộc bộ “Thủy” có nghĩa là sâu sắc , thâm trầm có trí lự; chữ Tuấn được vua ban thuộc bộ “Nhân” có nghĩa tài giỏi, tài trí hơn người)(8).

    –  Thám hoa Mai Anh Tuấn luôn hòa nhã gần gũi với mọi người

Cụ Phạm Phú Thứ và Thám hoa Mai Anh Tuấn cùng thi đỗ khoa thi Hội năm Quý Mão(1843).Tính tình của Mai Anh Tuấn được cụ Phạm Phú Thứnhận xét: “ Thứ dĩ Chí Đường đăng khoa hậu tương thức, thời Chí Đường tự vi đồng niên, tự văn từ ngữ khải chí quyền quyền miễn dĩ cổ nhân sự quân chi nghĩa. Thứ thường tư kỳ ngôn dĩ quan kỳ nhân ký tắc do Hàn uyển nhập Bí các tính lạc dị bất thiết cấu lũy nhân mạc kiến kỳ hỉ uẩn nhiên ngộ sự thủ chính bất nạo sĩ nghị trọng chi tư tâm tự hỉ dĩ vi ngô bảng hữu Chí Đường túc hỹ” (Thứ tôi cùng Chí Đường thi đỗ rồi sau đó mới biết nhau. Lúc ấy Chí Đường tự xếp ông là bạn đồng niên với tôi, từ văn chương đến lời lẽ ông khư khư tự gắng theo cái nghĩa người xưa thờ vua phải như thế nào. Thứ tôi vẫn thường suy nghĩ lời nói này mà quan sát con người của ông. Rồi sau đó lại cùng làm việc ở viện Hàn lâm mà cùng vào Bí các. Tính ông dễ vui, không hề rào trước đón sau, không người nào thấy ông giả vui, giấu giận, nhưng khi gặp việc thì theo lẽ thẳng không sợ gì kẻ sĩ dị nghị mình trọng tình riêng. Lòng tôi tự thấy rất vui vì ở bên cạnh tôi có tình bạn bè Chí Đường mà nương tựa thì thật là đủ lắm rồi)(9)

    Đầu năm Canh Tuất (1850) cụ Phạm Phú Thứ đã dâng sớ can ngăn vua Tự Đức đừng say mê ca nhạc hát xướng ở hậu cung, xin tới giảng đường và chăm lo công việc chính trị nên bị hạch tội và bị phát phối xuống trạm Thừa Nông để làm lao dịch. Và vì tình bạn Mai Anh Tuấn không sợ liên lụy vẫn thường xuyên đến thăm cụ Thứ: “ Kim thượng Canh Tuất chi tuế, Thứ dĩ vọng ngôn vi các thần sở hặc đãi hệ kinh triệu ngữ. Chí Đường thừa nhàn tương phỏng thùy khấp dĩ ủy nhiên tập dã hà cảm dĩ thử tương khuy tri Chí Đường chi tâm hữu tố dã” (Đầu năm Canh Tuất, Thứ tôi vì lời nói xằng phạm thượng mà bị các vị bề tôi trong Nội các vạch tội. Đến khi bị buộc vào chức giữ ngựa ở Kinh thì Chí Đường nhân lúc rãnh rỗi đến thăm hỏi, rủ lòng thương chảy nước mắtan ủi tôi rất nhiều. Sao ông dám bạo dạn sơ hở như vậy! Thế mới biết cái tâm của Chí Đường thật trong sáng)(10).

     Khi chia tay với cụ Thứ để cụ Thứ theo thuyền đi hiệu lực sang Quảng Đông, Trung Quốc, Mai Anh Tuấn đã động viên cụ Thứ: “ Thứ cánh Đông hành hỹ. Phân huề chi tế, Chí Đường khảng khái tương miễn, Thứ diệc nhật vọng hậu hội” (Thứ tôi thì sang Đông vậy. Lúc chia tay, Chí Đường khảng khái cùng khuyến khích Thứ tôi nên gắng sức rồi về sau sẽ có ngày hội ngộ)(11).

    Cụ Nguyễn Đăng Giai khen: “ Lạng Sơn, Niết đài Mai công, khiêm khiêm chi tiết, khiển khiển chi phong” (Ông họ Mai, quan Án sát tỉnh Lạng Sơn là người khí tiết khiêm nhường, phong thái cẩn trọng)(12).

Lấy điều trung mà góp ý với nhà vua

 Trong bài văn sách đình đối của Thám hoa Mai Anh Tuấn đã góp ý về vấn đề đạo trị nước: “Thần thiết duy văn võ chi đạo khải khả bội tai! Cái văn dĩ sức trị, võ dĩ uy địch, khuyết nhất bất khả. Tất kiêm lưỡng đồ nhi tịnh dụng, sử dân tri ái, tri úy, tắc uy đức ký thành chi dư tự khả hạ dân chi thân phục. Nhược kỳ hữu thiên, hề kỳ khả tai”(Thần trộm nghĩ: Đạo văn võ há có thể trái hay sao? Bởi văn để phấn sức trị binh, võ để ra uy với địch, thiếu một là không thể được.Dùng cả hai đường ấy, khiến dân biết yêu, biết sợ thì sau khi uy đức đã nên, tự dân sẽ thân và phục. Nếu thiên lệch thì sao có thể được)(13)

  Tháng 2 năm Tân Hợi (1851) vua Tự Đức cho phái quan thuyền hộ tống viên quan võ biền chức Bả Tổng của Trung Quốc là Ngô Hội Lân bị bão trôi dạt tới nước ta về lại Quảng Đông và nhân đó đem theo 20.000 lạng bạc của công để dự bị kiếm mua hóa vật ở chợ để đem về. Lúc đó Mai Anh Tuấn đang là Thị độc học sĩ sung biện công việc Nội các thấy nhà vua mới nhiếp chính, muốn ngăn cái mầm xa xỉ đã dâng sớ nói thống thiết về việc đó, mặc dù trước đó vào năm Canh Tuất (1850) Mai Anh Tuấn đã thấy gương cụ Phạm Phú Thứ- người bạn Tiến sĩ đồng khoa với Mai Anh Tuấn- đã dâng sớ can ngăn vua Tự Đức đừng say mê ca hát xướng ở hậu cung và nên tới giảng đường cùng chăm lo công việc chính trị đã bị nhà vua hạch tội và phát phối xuống trạm Thừa Nông làm lao dịch hơn một năm. Đại lược sớ ấy :“ Về khoản sang Man đông, đã được đình chỉ, trong ngoài nghe thấy, đang mừng là phúc cho thần dân trong nước. Nay lại lấy việc thương người bị nạn, hòa mục với nước láng giềng, mà làm chuyến đi mưu việc mua bán, thế thì lấy việc nghĩa mà đi, lấy lợi mà về trong 1 thuyền cùng phái cùng đi, mà những người đã sai đi có người là nho học(14), có người là buôn bán, không biết người nước láng giềng gọi thuyền ấy là thuyền gì?

“ Lại 1 đạo Lạng Sơn, cổ phỉ ở hạt nước Thanh tràn đến, khoảng trong 10 ngày, thư ở biên giới 2 lần đưa đến, dân ở vài châu hoặc bị đốt phá, hoặc bị cướp bóc, đã khốn khổ lắm rồi; thế mà coi giữ bờ cõi ở đấy, khoanh tay đứng ngoài mà xem, không bày ra được nửa chước gì. Triều đình sao không nghĩ tới việc ấy, mà chỉ chăm chăm về vài lũ bọn Ngô Hội Lân là viên biền bị nạn của nước Thanh. Thầntrộm nghĩ: việc làm như thế là trái ngước, chưa hợp với lẽ phải. Xin theo như quan bộ Lễ đã bàn, cho viên võ quan bị nạn ấy đáp thuyền buôn về nước, nhưng xét số người ở chuyến đi ấy, hậu cho thưởng cấp, cũng đủ để tỏ ý triều đình thương người bị nạn hòa mục với nước láng giềng rồi”

Vua cho là Mai Anh Tuấn nói khinh nhờn không kính, giao xuống nghị tội.Các quan xin khoan tha.Vua Tự Đức quở mắng các quan. Trương Đăng Quế và Lâm Duy Thiếp can vua rằng: “Trước đây Phạm Phú Thứ vì nói phải tội; nay Mai Anh Tuấn lại vì nói mà phải tội, tuy rằng bọn ấy cuồng rỡ, tự làm nên tội lỗi, nhưng chỉ sợ người sau này đều kiêng không dám nói;  thì người ở trên không bởi đâu mà nghe được điều lầm lỗi của mình, sợ kẻ nịnh hót xu mị, chính sự ngày càng không tốt, cầu cho mau đến thái bình thì khó lắm”.

     Nhà vua cũng không hài lòng và nói :“ Anh Tuấn múa mép khinh đời, rất là không kính, các ngươi nghe đấy, trong long có yên không? Trước đây giao cho bộ xét nghĩ, để nghiêm giềng mối của triều đình, hãy đợi lời bàn dâng lên sẽ xét”(15)

 Sự kiện Mai Anh Tuấn kháng sớ được cụ Phạm Phú Thứ ghi: “ Kim xuân, Thứ mông khởi phục Điển bạ, phái tòng như Đông, quan thuyền hiệu lao, Chí Đường kháng sớ ngôn như Đông. Cập Lạng Sơn binh sư cửu chi, hữu chỉ điều Lạng Sơn niết nhi Thứ cánh Đông hành hĩ “  (Mùa xuân này, Thứ tôi đội ơn trên được phục chức Điển bạ, đi theo quan thuyền sang Quảng Đông mà lao lực chuộc tội. Chí Đường có sớ tâu phản kháng việc sai tôi đi Đông hành vậy. Đến khi Lạng Sơn xảy ra việc binh dây dưa, có chỉ vua điều ông lên giữ chức Án sát Lạng Sơn, còn Thứ tôi thì đi Đông hành vậy!)(16)

   Những lời tâu của Mai Anh Tuấn xuất phát từ tận đáy lòng, nhưng do “trung ngôn” cho nên bị “nghịch nhĩ”!

Đến tháng 4 năm Tân Hợi (1851) đình thần nghị tội Mai Anh Tuấn và đình thần bàn cách chức. Vua Tự Đức nói: Anh Tuấn thực là không có lễ độ về kẻ làm tôi. Nhưng trẫm từ trước đến nay, rộng mở đường cho người nói, vốn yêu nhân tài, không thèm vì một chút cuồng bộn cương trực mà vội vã bỏ đi. Bèn chuẩn cho đổi bổ Án sát Lạng Sơn, nhưng cách chức lưu lại làm việc(17)

   –   Lúc lâm sự không sợ hiểm nguy

Vào tháng 8 năm Tân Hợi (1851) giặc ở hạt nước Thanh là Tam Đường tập hợp hơn 3000 người ở các xã Hữu Sản (thuộc huyện An Bác, tỉnh Lạng Sơn) chia nhau đi cướp bóc. Thự Chưởng vệ bổ làm Lãnh binh Nguyễn Đạc, Án sát Mai Anh Tuấn đem lính và dõng hơn 1000  người tiến đánh. Saukhi đánh đuổi đến Yên Bác giặc lui giữ Thiết Khê, Mai Anh Tuấn bàn nên dừng binh để xem thế giặc, Nguyễn Đạc không nghe cứ tiến quân và Nguyễn Đạc bị giặc giết chết. Mai Anh Tuấn trong khi đi , nghe tin tiền quân bất lợi mà Nguyễn Đạc lại bị chết, mọi người ngăn cản và bảo tiến quân cũng vô ích. Mai Anh Tuấn nói: “Đạc dẫu chết, tản binh còn ở trong núi, ta nếu không tới thời vào hết trong tay giặc” . Bèn tới men núi thấy bại binh của Nguyễn Đạc ở trong rừng rậm đần dần lại về tụ họp, nhưng quân địch mạnh quá, quân Mai Anh Tuấn địch không nổi nên vỡ chạy và Mai Anh Tuấn bị giặc giết. Khi nghe tin Nguyễn Đạc và Mai Anh Tuấn bị giặc giết nhà vua bảo rằng: “Nguyễn Đạc là chủ tướng, vốn thạo việc binh, ham được đến nỗi thua; Mai Anh Tuấn là người học trò mà theo việc đánh giặc, hăng hái tiến lên không nghĩ đến thân mà bị giết chết. Trẫm thương rõ nước mắt ra”(18).Vua truy tặng Mai Anh Tuấn làm Hàn lâm viện Trực học sĩ . Trong lễ an táng Mai Anh Tuấn nhà vua sai quan Tổng đốc Hà- Ninh sung chức Kinh lược Hà Nội, Ninh Bình, Bắc Ninh, Thái Nguyên , Lạng Sơn, Cao Bằng là Nguyễn Đăng Giai đến tế và đọc văn tế. Văn tế có đoạn : “Khôi giáp đỉnh khoa, dương danh hiển thân, hiếu dã; Nội các kháng sớ, mạo xúc kỵ húy, trung dã; Phó chánh tướng chi nan, lâm tử địa nhi bất tỵ, nghĩa dã; Tiến sĩ tốt chi hoạn, nhu cường địch nhi bất úy dã… Biên manh hữu cảnh, cuồng khấu tuyên kiêu.Cô quân trực đảo, dĩ phó đồng liêu. Nhất tử báo quốc, bất cập sùng triều. Hiếu trung nghĩa dũng, vạn cổ cao tiêu”( Khôi giáp đỗ đầu khoa, nổi danh rạng rỡ người thân, đó là Hiếu. Ở Nội các, làm kháng sớ, xúc phạm kỵ húy , đó là Trung. Làm chánh tướng là khó, vào đất chết mà chẳng tránh đó là Nghĩa. Đi trước quân sĩ trong hoạn nạn, đánh kẻ địch mạnh mà không sợ, đó là Dũng… Ôi ! Vùng biên có biến động, giặc cường bạo kiêu căng, một mình cầm quân đánh giặc để giúp bạn, đem cái chết để báo đền Tổ quốc. Thật là Hiếu- Trung- Nghĩa – Dũng muôn thuở nêu cao)(19).Cụ Phạm Phú Thứ, người bạn đồng khoa, do đi hiệu lực mãi đến khi thuyền về đến cửa biển Điện Hải (Đà Nẵng)vào cuối năm Tân Hợimới nghe tin Mai Anh Tuấn đã mất, ông viết:“ Hồi chu chi khoảnh hốt văn thử âm thế lệ hoành lưu bất thắng kim tích chi cảm viên chí đoản vận dĩ khốc Chí Đường vân” (Lúc quay thuyền trở về bỗng chợt nghe tin này, mắt ứa lệ, mũi tuôn dòng, không sao dằn mối xúc cảm xưa với nay, bèn viết mấy câu thơ ngắn để khóc ông): “ Quốc hữu hiền tài xuất/ Thời khan trị hóa thuần/ Bách niên hư đỉnh giáp/ Nhất đán đắc tư nhân/ Tiên đế long nho huệ/ Cô thần báo quốc thân/ Bình sinh tương miễn ngữ/ Hồi thủ lệ triêm cân”( Sau câu thơ “Cô thần báo quốc thân” có dòng chú thích “ Cảm khái hệ chi hỹ”) ( Nước có hiền tài ra đời/ Là lúc thấy được việc chính trị giáo hóa tốt/Suốt trăm năm học vị Tam khôi đã trống vắng/Một sớm được con người này/Tiên đế đã ban ơn huệ cao cho nhà Nho/Kẻ cô thần nguyện đem thân đền đáp cho đất nước[ Lời cảm khái cứ trói buộc lại vậy]/Ngoảnh đầu lại khăn thấm lệ rơi)(20)

–  Thám hoa Mai Anh Tuấn tử trận năm nào?

  Sách Đại Nam liệt truyện ghi Mai Anh Tuấn tử trận “ngày mồng 6 tháng 4 năm Tự Đức thứ 8 (1855)(21). Do đó các tác giả Phan Văn Các, Nguyễn Văn Lãng, Nguyễn Ngọc Nhuận…của Viện Nghiên cứu Hán Nôm đều dựa vào Đại Nam liệt truyện.

   Theo Đại Nam thực lục, vào tháng 4 năm Tân Hợi (1851) được đổi bổ Án sát Lạng Sơn. Đến tháng 8 năm Tân Hợi (1851) ông mới tử trận(22).

   Cả hai sách Đại Nam liệt truyện và Đại Nam thực lục đều do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn. Vậy thì thông tin về năm tử trận của Thám hoa Mai Anh Tuấn ở sách nào đúng?

  Theo như cụ Phạm Phú Thứ ghi lại trong tác phẩm “Đông hành thi lục” là ngày mùng 6 tháng 6 năm Tân Hợi (1851) thuyền rời bến Đà Nẵng để sang Quảng Đông,  Trung Quốc, thì trước đó ở Huế, Thám hoa Mai Anh Tuấn đã tiễn Phạm Phú Thứ đi làm nhiệm vụ. Và ngày 22 tháng chạp năm Tân Hợi (1852) thuyền của cụ Phạm Phú Thứ làm nhiệm vụ ở Quảng Đông về đến Đà Nẵng, khi ấy cụ Thứ mới hay tin là Thám hoa Mai Anh Tuấn đã tử trận cho nên cụ Thứ mới có bài “ Chu trung văn Lạng Sơn Án sát Mai Thám Hoa đồng niên sự khốc thư”(23). Như vậy tháng năm tử trận của Mai Anh Tuấn tử trậntheo sách Đại Nam thực lục là đáng tin cậy.

   Do thấm nhuần “tam cương lãnh” (Minh minh đức/Tân dân/Chỉ ư chí thiện) và “bát điều mục” (Chính tâm/Thành ý/Cách vật/Trí tri/Tu thân/Tề gia/ Trị quốc/Bình thiên hạ), nên mặc dù cuộc sống ngắn ngủi nhưng Mai Anh Tuấn xứng đáng là một kẻ sĩ “Trong lang miếu ra tài lương đống/ Ngoài biên thùy rạch mũi can tương”.

  Chú thích:

   1,2,3-Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 5, Nxb Giáo dục, trg. 125 ; 125-126; 126-127

       – Cao Xuân Dục, Quốc triều hương khoa lục, Nxb TPHCM, trg. 190-191

  4- Cao Xuân Dục, Quốc triều khoa bảng lục, Nxb Văn học, trg. 69

   5-Cao Xuân Dục, Quốc triều hương khoa lục, Nxb TPHCM, trg. 200; 201;202;224;237;239

6, 8-Cao Xuân Dục, Quốc triều khoa bảng lục, Nxb Văn học, trg. 89; 80; 98;89

    7,9,10,11,16,20- Phạm Phú Thứ, Phạm Phú Thứ toàn tập, tập 1( Quyển 4: Đông hành thi lục), Nxb Đà Nẵng,trg. 519. Bản chữ Hán khắc in đánh số thứ tự 328; 329; 330 trang 1444-1445

   12, 19- Bài Văn tế Mai Anh Tuấn của Thượng thư Kinh lược Bắc Kỳ www.hannom.org.vn/detail.asp?param=1673&Catid=750

   13- Bài Văn sách đình đối của Thám hoa Mai Anh Tuấn www.hannom.org.vn/detail.asp?param=1310&Catid=571

    14- Ám chỉ việc vua Tự Đức bắt Hội nguyên Tiến sĩ Phạm Phú Thứ theo quan thuyền đi hiệu lực. Xem bài “Phụng phái tòng quan thuyền hiệu lao tống Thanh quốc nạn biền hồi Việt”(Phạm Phú Thứ toàn tập, tập 1,(Quyển 4: Đông hành thi lục) trang 410. Bản chữ Hán khắc in số thứ tự 271 trang 1430)

   15,17,18,22- Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 7, Nxb Giáo dục, trg.194-195; 198-199; 214; 214

   -Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện tập 3-4, Nxb Thuận Hóa,trg 545.

   21- Quốc sử quán triều Nguyễn ,Đại Nam liệt truyện tập 3-4, Nxb Thuận Hóa trg. 546

   23-Trong Phạm Phú Thứ toàn tập, tập 1 trang 519 phiên âm: “Chu trung văn Lạng Giang Án sát Mai Thám hoa đồng niên sự khấp thư”. Phiên âm đúng sẽ là: “ Chu trung văn Lạng Sơn Án sát Mai Thám hoa đồng niên sự khốc thư”. Trong âm Hán Việt “Khấp”(bộ Thủy) có nghĩa là khóc không ra tiếng; “Khốc” (bộ Khẩu) có nghĩa là khóc to thành tiếng.

0