21/02/2018, 09:22

Nghị luận xã hội về kỉ luật học đường – Văn hay lớp 9

Nghị luận xã hội về kỉ luật học đường – Bài làm 1 Trường học giống như một xã hội thu nhỏ. Đó là nơi mà mỗi người có thể tìm thấy cho mình những trải nghiệm riêng, bài học mới lạ, kết bạn với những người xung quanh … Và kỉ luật học đường sẽ giúp chúng ta tiếp cận với xã ...

Nghị luận xã hội về kỉ luật học đường – Bài làm 1

Trường học giống như một xã hội thu nhỏ. Đó là nơi mà mỗi người có thể tìm thấy cho mình những trải nghiệm riêng, bài học mới lạ, kết bạn với những người xung quanh … Và kỉ luật học đường sẽ giúp chúng ta tiếp cận với xã hội bên ngoài một cách đúng đắn và tích cực hơn.

Kỷ luật học đường là những nguyên tắc, nội quy, luật lệ được nhà trường đưa ra cho các giáo viên và đặc biệt là học sinh. Khi đến trường, mọi học sinh đều phải tuân theo, chấp hành một cách nghiêm túc. Kỷ luật học đường là một công cụ hữu ích giúp mỗi học sinh tăng cường ý thức giữ nề nếp kỉ luật trong trường học.

Kỉ luật học đường hình thành nếp sống có kỷ cương, phép tắc trong từng cá nhân. Trường học là nơi cung cấp tri thức đồng thời tạo ra môi trường thân thiện để học sinh có thể trao đổi, chia sẻ cho nhau.  Bởi vậy, việc bản thân học tập và biết tuân thủ, chấp hành nội quy mà nhà trường đã đưa ra là một điều cần thiết khi sống trong một môi trường tập thể. Biết và thực hiện theo những nguyên tắc, nội quy đó thì chúng ta là những người có kỷ luật. Vâng lời thầy cô, không nói tục chửi bậy, không gian lận trong thi cử, … đó là những biểu hiện của một con người có kỉ luật. Kỉ luật  là yếu tố quan trọng để hình thành và hoàn thiện nhân cách của người học sinh. Sống có kỉ luật, chúng ta sẽ được nhiều bạn bè và thầy cô yêu quý. Ngược lại, những người vô kỉ luật sẽ bị nhiều người ghét bỏ và xa lánh.

Thực tế  hiện nay, nhiều bạn học sinh đã và đang không nghiêm túc thực hiện các nội quy, nguyên tắc mà nhà trường đã đề ra. Tình trạng quay cóp, chép phao, gây gổ, đánh nhau, bạo lực học đường, … gia tăng nhanh chóng. Nếu không có những biện pháp xử lí kịp thời, thì trường học vốn là một nơi có môi trường thân thiện sẽ trở thành nỗi lo lắng của nhiều bậc phụ huynh và là cơn ác mộng của các bạn học sinh.

Nhà trường và gia đình cần có sự phối hợp và quản lí chặt chẽ để cho các hành vi tiêu cực trên không tái diễn. Những hình thức kỉ luật, răn đe, nhắc nhở, … cần được thực hiện thường xuyên. Nhưng bên cạnh đó, các bạn học sinh cũng nên chung tay giúp đỡ để những cá nhân vô kỉ luật nhìn ra khuyêt sđiểm, sai sót của bản thân để sửa chữa và hòa đồng cùng thầy cô, bạn bè.

Nỗ lực học tập là cách để chúng ta trang bị kiến thức khi bước vào đời. Kỉ luật học đường giúp cho chúng ta hoàn thiện nhân các của bản thân. Tiếp thu kiến thức và thực hiện nghiêm túc những phép tắc, nội quy nhà trường chính là bước đệm vững chãi cho chúng ta bước trên con đường tiến tới tương lai.

Nghị luận xã hội về kỉ luật học đường – Bài làm 2

Trên con đường đưa đến sự thành công, học tập là một vấn đề hết sức quan trọng và là yếu tố cần thiết nhất để mang đến sự thành đạt cho mỗi con người. Chính vì thế, môi trường học đường đang và rất được mọi người chú trọng đến, đặc biệt là kỉ luật học đường.

Kỉ luật là những quy định cho một tập thể trong một phạm vi nào đó nhằm mục đính cho sự phát triển toàn diện của tập thể đó. Vì vậy kỉ luật học đường là những nội quy trong môi trường học đường mà giáo viên và học sinh đều phải tuân thủ nhằm đạt được mục đích tốt, mang lại hiệu quả tối đa trong việc dạy và học. Chẳng hạn như học sinh phải đi học đúng giờ, giáo viên cũng phải nhận lớp đúng lúc để không làm ảnh hưởng đến việc tiếp thu và truyền đạt kiến thức,v.v…

Ngày nay, vấn đề kỉ luật học đường cần phải được nâng cao và quản lí chặt chẽ hơn nữa vì trường học là nơi giáo dục, bồi dưỡng các em trở thành những người giúp ích cho tương lai của đất nước thì những vấn đề về kỉ luật trong học đường càng trở nên quan trọng trong quá trình bồi dưỡng nhân cách sau này của các em. Chẳng hạn như phải tập cho các em thói quen lễ phép với người lớn hơn mình, quan tâm giúp đỡ mọi người và những người khó khăn là phẩm chất mà học sinh cần có được. Một người học sinh biết tuân thủ đúng kỉ luật, nội quy chung bao giờ cũng là người được người khác kính trọng, yêu quý, tự làm chủ được bản thân, nhận được sự tin tưởng của mọi người, là người công dân tốt cho xã hội. Lấy điển hình là một học sinh luôn đi học đúng giờ, lễ phép với giáo viên và mọi người, luôn làm bài tập được giao và biết tự trau dồi kiến thức cho mình, chắc chắn sẽ trở thành một người con ngoan trò giỏi, được giáo viên yêu mến và luôn nhận được sự kính trọng của mọi người xung quanh.

Song song đó vẫn còn khá nhiều học sinh vẫn không nhận thức được tầm quan trọng của kỉ luật học đường, vẫn còn thường xuyên vi phạm và xem thường sự nhắc nhở của mọi người. Chính vì thể cần phải có những hình thức xử phạt thật nghiêm đối với những học sinh là thành phần cá biệt. Đối với các trường hợp đi học trễ, thường xuyên không làm bài, không nghe giảng trên lớp hoặc lo ra, cúp học, cần phải thông báo cho gia đình và xử phạt thật nghiêm khắc để kịp uốn nắn các em khi còn có thể, đảm bảo cho việc học tập và giáo dục các em trở thành con ngoan, trò giỏi, công dân tốt cho đất nước.

Chính vì vậy, ngay từ bây giờ chúng ta phải thực hiện tốt những nội quy, kỉ luật mà tập thể đề ra. Bên cạnh đó cần có những phần thưởng khuyến khích và động viên các em để các em có thể cố gắp phấn đấu học tập và chấp hành tốt nội quy của nhà trường. Riêng em, em sẽ cố gắng chấp hành tốt nội quy để thầy cô vui lòng, bạn bè quý mến và đem lại niềm vui cho ba mẹ.

Kỉ luật là nhân tố quan trọng góp phần quyết định nên chất lượng đào tạo học sinh cho trường học. Chính vì thể chúng ta cần phải chấp hành thật tốt nội quy để có thể tạo nên một trường học tốt, chất lượng cao và kỉ luật đúng đắn.

Nghị luận xã hội về kỉ luật học đường – Bài làm 3

Nếu như gia đình là một tế bào, tạo nên xã hội thì nhà trường chính là một xã hội thu nhỏ phản ánh quán trình học tập, ý thức và trách nhiệm của các bạn học sinh. Bởi vậy, nhà trường cần phải có kỷ luật học đường để có thể kiểm soát hành vi của học sinh.

Kỉ luật học đường là những quy tắc, quy định, điều lệ được đặt cho cho cả giáo viên và học sinh để cùng nhau xây dựng một môi trường có kỉ luật và khuôn phép. Kỉ luật học đường được xem là một công cụ hữu hiệu để quản lý cũng như kiểm soát những hành vi của các thành viên trong nhà trường.

Hiện nay tại các trường học kỉ luật học đường được biểu hiện rất rõ. Cụ thể ở trang phục, đầu tóc, giữ gìn vệ sinh, trật tự trong lớp, thái độ đối với thầy cô giáo, trách nhiệm đối với mỗi bài học. Tất cả những điều đó sẽ tạo nên một môi trường lành mạnh và trong sáng.

Đến các trường học, chúng ta vẫn thấy đồng phục trường được quy định mặc vào thứ 2,4,6 và bắt buộc phải sơ vin. Khi đến trường thì phải dừng xe ở cổng và đẩy vào, không được đi xe vào trường. Gặp thầy cô giáo thì phải lễ phép chào hỏi. Tất cả đều là những quy định đã được hình thành từ thái độ của các bạn hằng ngày.

Mỗi nhà trường đều có một nội quy, thường thì sẽ được đặt tấm bảng này ở ngoài cổng trường hoặc ngay gần cột cờ để nhắc nhở các em chú ý chấp hành đúng. Khi đã gọi là kỉ luật học đường thì cần yêu cầu mọi thành viên trong nhà trường phải chấp hành và tuân thủ nghiêm minh.

Kỷ luật học đường xuất phát từ ý thức của mỗi cá nhân, từ học sinh đến thầy cô giáo cần phải chấn chỉnh lại ý thức để xây dựng ngôi trường ngày càng văn minh hơn.

Mặc dù nhà trường là nơi để học hỏi kiến thức, trao đổi kinh nghiệm giữa thầy cô giáo với học sinh, nơi tình bạn được ươm mầm. Đó sẽ là cái nôi để chúng ta có thể định hướng được tương lai của bản thân mình từ bây giờ. Bởi vậy hình thành và trau dồi kỉ luật học đường thường xuyên không những góp phần xây dựng nhà trường phát triển mà còn hoàn thiện được nhân cách và lối sống cho bản thân mình.

Mỗi học sinh đến trường đều biết tuân thủ những kỉ luật học đường, không vi phạm những quy định được đề ra thì sẽ tạo thành thói quen tốt giúp cho học sinh rèn luyện bản thân mình hằng ngày. Ngược lại thầy cô cũng phải là những người cần phải chấp hành kỉ luật học đường trước tiên để có thể làm gương cho học sinh. Nếu nhà trường quy định không được đánh học sinh bằng roi, thước kẻ nhưng thầy cô lại vi phạm, không chấp hành thì chính thầy cô đã để lại ấn tượng xấu đối với học sinh.

Bởi vậy kỉ luật học đường không chỉ có học sinh mới phải tuân thủ mà ngay cả giáo viên cũng phải là những người chấp hành đầu tiên.

Khi học sinh chấp hành đúng kỉ luật sẽ được thầy cô và bạn bè yêu quý. Ngược lại nếu đến trường học nhưng học sinh lại xem trường học như cái chợ, cãi lại thầy cô, nói ngang trong giờ học, ăn mặc không phù hợp khi đến trường. Hành vi cá biệt đó sẽ tạo nên hình tượng cá biệt, thầy cô và bạn bè xa lánh.

Mỗi học sinh khi còn ngồi trên ghế nhà trường thì cần phải không ngừng cố gắng để chấp hành đúng kỉ luật trong nhà trường để hoàn thiện mình và xây dựng môi trường học tập lành mạnh, bổ ích hơn.

Vấn để kỉ luật học đường cần được thầy cô giáo tuyên truyền và đưa ra những biện pháp cưỡng chế để bắt buộc học sinh phải hình thành thói quen tốt hằng ngày. Như thế nhà trường sẽ là nơi cung cấp tri thức vừa là nơi giáo dục làm người rất ý nghĩa.

Từ khóa tìm kiếm nhiều:

  • suy nghi cua nghi cua em vê vân đê cho đi va nhân lai
0