Nghị luận xã hội về học vẹt và học tủ – Văn hay lớp 9
Nghị luận xã hội về học vẹt và học tủ – Bài làm 1 Trong số các vấn đề giáo dục được bàn thảo rộng rãi hiện nay, cách dạy là chuyện được nói đến nhiều nhất. Cách lên lớp, cách giảng bài, cách ra đề, cách chấm thi… khâu nào cũng có chuyện. Nhiều ý kiến chê trách giáo viên ...
Nghị luận xã hội về học vẹt và học tủ – Bài làm 1
Trong số các vấn đề giáo dục được bàn thảo rộng rãi hiện nay, cách dạy là chuyện được nói đến nhiều nhất. Cách lên lớp, cách giảng bài, cách ra đề, cách chấm thi… khâu nào cũng có chuyện. Nhiều ý kiến chê trách giáo viên về việc sử dụng các bài văn mẫu, hạn chế sáng tạo của học sinh, về cách giải thích một chiều, cách ra đề khuyến khích lối học tủ, học vẹt. Những chuyên đó đều có thật. Tuy nhiên, ở đây đổ hết lỗi cho giáo viên, cho những người trực tiếp đứng lớp là không thỏa đáng bởi vì cách dạy không chỉ phụ thuộc vào năng lực của thầy giáo mà còn vào nhiều yếu tố khác như cơ sở vật chất, qui mô lớp học, nội dung chương trình, sách giáo khoa, thi cử.
Chỉ nói riêng về chương trình thôi, hiện nay ai cũng thấy chương trình phổ thông đang lưu hành là khá nặng. Nặng theo cả hai mặt: nhiều và khó. Nhiều vì thời gian học trên lớp có hạn mà khối lượng kiến thức muốn đưa vào lại quá lớn, thầy cô giáo không tài nào chuyển tải hết, còn học sinh thì không đủ điều kiện để tiếp thu. Thử lấy một ví dụ trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 6, khi dạy bài “Đêm nay Bác không ngủ”, chương trình đưa ra 4 kết quả cần đạt, trong đó yêu cầu thứ hai là "Nắm được những nét đặc sắc trong nghệ thuật miêu tả và kể chuyện của bài thơ" và yêu cầu thứ ba là "Nắm được khái niệm ẩn dụ, các kiểu ẩn dụ và tác dụng của chúng". Thiết nghĩ đối với một em bé mới học lớp 6 có cần phải biết bản chất của khái niệm ẩn dụ với "4 kiểu ẩn dụ thường gặp là ẩn dụ hình thức, ẩn dụ cách thức, ẩn dụ phẩm chất, ẩn dụ chuyển đổi cảm giác" như sách giáo khoa yêu cầu học sinh phải ghi nhớ hay không? Đó là chưa kể bài thơ này chỉ được giảng trong có 1-2 tiết.
Đối với học sinh phổ thông, nhất là với các lớp học ở cấp dưới, dạy không chỉ để biết mà còn để cảm, để sống. Bản thân muốn biết cũng phải biết từ từ, biết ít một mới có thể tiêu hóa được. Cho nên giảm tải, cắt bớt nội dung chương trình là hết sức cần thiết. Có thế trẻ em mới đỡ học thêm, có thì giờ để chơi và tham gia nhiều hoạt động khác.
Bên cạnh chuyện cắt bớt nội dung chương trình cũng nên chú ý làm sao để kiến thức phù hợp với tâm sinh lý, trình độ phát triển của học sinh. Nhiều sách giáo khoa đưa ra những câu hỏi quá khó, học sinh không thể trả lời được. Chẳng hạn, trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 4 dành cho trẻ em mới 9 tuổi chúng ta bắt gặp những câu hỏi như sau:
Em hiểu câu thơ “Nhịp chân nghiêng, giấc ngủ em nghiêng” như thế nào? (bài học “Khúc hát ru của Nguyễn Khoa Điềm).
Em hiểu hình ảnh “lượn lờ đờ như trôi trong nắng" như thế nào? (bài "Những cánh bướm bên bờ sông" của Vũ Tú Nam).
Em hiểu câu thơ sau đây như thế nào? “Bút nghiêng, lất phất hạt mưa. Bút chao, gợn nước Tây Hồ lăn tăn” (bài "Nghệ nhân Bát Tràng" của Hồ Minh Hà).
Em hãy cho biết: Ngành công nghiệp nhẹ có nhiệm vụ sản xuất ra những sản phẩm gì? Ngành công nghiệp nặng có nhiệm vụ sản xuất ra những sản phẩm gì?
Trong cuốn Tiếng Việt lớp 5 cũng có những câu hỏi người lớn trả lời cũng khó chứ đừng nói các em bé 10 tuổi: Em thấy tre có những nét nào giống phẩm chất của dân tộc Việt Nam? (bài học “Tre Việt Nam” của Nguyễn Duy)
Bài này thuộc thể loại gì? Trọng tâm miêu tả của tác giả nhằm vào những hoạt động nào? (bài học trích trong "Vỡ bờ" của Nguyễn Đình Thi).
Nếu dạy khó quá, học sinh không tiếp thu được thì các em sẽ chán học, học không hứng thú. Trong trường hợp không thích học mà lại phải làm bài, phải thi thì các em sẽ dễ chọn cách học vẹt, học thuộc mặt dù không biết nó là gì, hễ thầy giáo khen hay thì cũng khen hay, thầy chê cứ xem là dở. Tình trạng này nếu kéo dài, lâu dần sẽ làm mòn khả năng suy nghĩ độc lập của học sinh. Rồi từ nhà trường các em sẽ bước ra xã hội, từ đứa trẻ các em sẽ trở thành người lớn. Từ lối học biến thành lối nghĩ, lối làm. Nếu không kịp sửa chữa lối học vẹt trong nhà trường sẽ có nguy cơ biến thành căn bệnh trong xã hội. Căn bệnh này hẳn cũng đang là một thách thức đối với xã hội chúng ta.
Nghị luận xã hội về học vẹt và học tủ – Bài làm 2
Học hành là sự nghiệp lâu dài, cần có phương pháp và cách thức phù hợp để có thể tiếp thu được kiến thức một cách nhanh chóng, có chọn lọc nhất. Tuy nhiên bên cạnh những người có phương pháp học khoa học, hiệu quả thì vẫn còn những người học vẹt, học tủ, học đối phó. Đây là những phương pháp khiến cho thành tích học tập của bạn tụt dốc trầm trọng.
Học vẹt và học tủ là hai phương pháp học không mang lại kết quả tốt cho việc học tập của bạn. Học vẹt chính là học chay, học không có khoa học, học tràng giang đại hải, học kiểu bắt chước, nhại lại nhưng thực chất của vấn đề lại không hiểu được. Kiểu học này sẽ khiến cho bạn học nhanh quên, hổng kiến thức nhiều.
Học tủ chính là phương pháp học lựa chọn những mục, những phần mà học sinh thấy mình có khả năng tiếp thu tốt nhất để học. Cách học này có thể sẽ khiến cho các bạn đạt điểm 0 tối đa, vì lệch tủ, lệch đề.
Hai phương pháp học trên đều không tốt đối với các bạn học sinh. Học tủ chỉ mang tính xác xuất, phần trăm nên khi không trúng được tủ chắc chắn bài thi của bạn sẽ trật và điểm số chết ở mức báo động. Còn học vẹt thì bạn sẽ chỉ như con vẹt cứ nhai đi nhai lại điều người khác nói, và kiến thức trong chốc lát sẽ trống rỗng, chẳng còn gì. Và vì nhai đi nhai lại nên sẽ chóng quên. Như vậy thật uổng phí. Học vẹt và học tủ đều để lại hậu quả không tốt đối với mỗi bạn học sinh. Nó khiến cho bạn lười nhác hơn, không chịu động não suy nghĩ, không chịu mày mò và phát triển kiến thức. Bản thân sẽ ngày càng hổng kiến thức nhiều, cách phân tích và nhận xét vấn đề không còn nữa. Có thể bạn sẽ mất dần đi khả năng sáng tạo.
Nguyên nhân của việc học vẹt, học tủ là do đâu? Có rất nhiều nguyên nhân xoay quanh phương pháp học này. Thầy cô giáo truyền đạt kinh nghiệm một cách khô khan, học sinh không hiểu rõ vấn đề, áp lực về bài tập cho học sinh. Điều này sẽ khiến cho học sinh đâm ra căng thẳng, chán nản không muốn tập trung học nên mới không đầu tư thời gian. Thứ hai, ý thức của chính các em sẽ quyết định phương pháp học. Học vẹt và học tủ chỉ dành cho những bạn lười nhác, không chịu tư duy, không chịu cố gắng phấn đấu. Các em đang tạo nên thói quen học tập không tốt cho bản thân mình, và nó sẽ có ảnh hưởng đến thành tích học tập của các em sau này. Đây là một thực trạng rất đang buồn.
Hiện nay trong các kì thi học kì ở các trường đại học, vì số lượng câu hỏi nhiều chất đống về các bộ môn Chính trị nên các bạn sinh viên lựa chọn cách học tủ đến thử xem vận may của mình có gõ cửa. Học tủ cứ ngày càng tràn lan, điểm sổ “ngàn cân treo sợi tóc”. Mặc dù biết xác xuất không lớn nhưng các em vẫn cứ mạo hiểm lựa chọn phương pháp học như thế này.
Mỗi bạn học sinh khi nhận ra tác hại của việc học vẹt, học tủ như vậy thì nên điều chỉnh lại phương pháp học của mình để mang lại hiệu quả trong học tập được cao hơn. Đây là điều mà mỗi bạn nên nhận ra từ sớm để cố gắng và phấn đấu thành học sinh tiên tiên. Gia đình và nhà trường cần tạo môi trường học hành lành mạnh, thân thiện, không áp lực để học sinh có thể phát huy tinh thần của mình.
Học vẹt, học tủ là phương pháp học nên tránh xa. Bạn cần phải ý thức được điều này để lựa chọn cho mình phương pháp hữu ích hơn.
Từ khóa tìm kiếm nhiều:
- nghị luận về vấn đề học tủ