Nghị luận xã hội về lòng tự trọng – Văn hay lớp 11
Nghị luận xã hội về lòng tự trọng – Bài làm 1 Lòng tự trong là thước đo đạo đức, nhân cách của mỗi con người. Người có phẩm giá, biết tôn quý, yêu thương bản thân mình thì mới có lòng tự trọng. Vậy thế nào là tự trọng, là lòng tự trọng? – Biết coi trọng, biết giữ gìn phẩm ...
Nghị luận xã hội về lòng tự trọng – Bài làm 1
Lòng tự trong là thước đo đạo đức, nhân cách của mỗi con người. Người có phẩm giá, biết tôn quý, yêu thương bản thân mình thì mới có lòng tự trọng.
Vậy thế nào là tự trọng, là lòng tự trọng? – Biết coi trọng, biết giữ gìn phẩm cách, danh dự của mình là tự trọng.
Người có lòng tự trọng là người tự biết, xấu hổ, luôn luôn chăm lo giữ gìn nhân cách của mình trước đồng loại. Ăn mặc, đứng đắn, sạch sẽ khi đi ra khỏi nhà, khi đến trường, đến lớp… là tự trọng. Không ăn nói tục tằn. không nói điều phàm phu, biết “gọi dạ, bảo vâng”, ăn nói từ tốn, nhẹ nhàng… là tự trọng. Không chơi bời, lêu lổng, không ăn chơi đua đòi, không làm việc xấu, không quan hệ với người xấu, không giao du với kẻ bất lương… là tự trọng.
Con cháu biết giữ gìn nếp nhà, biết giữ gìn danh dự, tiếng thơm, tiếng tốt cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ… là tự trọng. Học trò biết vâng lời thầy, biết học giói, biết vun đắp cho tình thầy trò, bè bạn, góp phần xây dựng truyền thống tốt đẹp cho trường… là tự trọng.
Câu tục ngữ “Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng” luôn luôn nhắc nhở mỗi chúng ta biết giữ gìn phẩm giá, nhân cách, biết tôn quý lòng tự trọng. Có không ít kẻ sống “lèm nhèm”, nhưng khoe tài, khoe đức, khoe công…! Có không ít “hồi kí” cùa ông quan này, của giáo sư nọ, của nghệ sĩ kia. ăn nói ồn ào, lúc phân trần, lúc khoe mẽ, lúc nói xấu đồng chí, lúc chê bai bạn bè, lúc ngấm nguýt đồng nghiệp… không chỉ tác giả đã đánh mất lòng tự trọng, tự bôi xấu mặt mày mà còn trương ra một tấm liếp xấu xí, hoen ố trước con đường đi lên phía trước của tuổi trẻ.
Kẻ không biết tự trọng là kẻ thiếu văn hóa, là kẻ không biết xấu hổ, chỉ biết ăn tục nói càn, làm bậy! Có nhà triết học đã ví lòng tự trọng như cái máy hãm (nhạy bén, chính xác) của cỗ xe. Khi cái máy hãm bị hoen gỉ, bị hỏng hóc thì cái cỗ xe ấy phái vứt đi, con người ấy bị đồng loại coi thường, khinh rẻ.
Có bao kẻ nghiện ngập cờ bạc, rượu chè, ma túy, mà trở thành sa đọa, tù tội. Có bao kẻ dối trá, lừa bịp, tham nhũng, đục khoét, nhâng nhâng nháo nháo ngoài đời, chỉ nhìn những kẻ ấy, ta mới thấy việc trau dồi đạo đức, phẩm giá, việc giữ gìn lòng tự trọng cấp thiết như thế nào. Câu khẩu hiệu “nói không với tiêu cực”, được báo chí nói đến chính là lời nhắc nhở lòng tự trọng.
Muốn sống đẹp phải có lòng tự trọng, biết ứng xử văn minh, lịch sự. Trẻ em. người lớn. người trẻ, người già, đàn ông, đàn bà, quan lại chức sắc, dân đen… ai cũng biết tự trọng, biết tu dưỡng phẩm giá cùa mình. Và phải nhớ câu “Anh em khinh trước, làng nước khinh sau” để mà tu nhân tích đức, để mà rèn luyện, tu dưỡng lòng tự trọng, để được làm Con Người.
Nghị luận xã hội về lòng tự trọng – Bài làm 2
Nhân cách của một con người luôn là điểm nhấn tạo ấn tượng mạnh đối với những người xung quanh và khiến bản thân bạn tự tin hơn. Lòng tự trọng là một trong những yếu tố cần thiết để xây dựng hình tượng hoàn thiện hơn trong mắt mọi người.
Vậy lòng tự trọng là gì? Lòng tự trọng chính là tự ý thức được suy nghĩ, hành động của bản thân mình có phù hợp với xã hội, với thước đo nhân cách hay không. Tự trọng chính là xuất phát từ tâm, từ chính bản thân mình khi nhìn nhận và đánh giá những việc xung quanh. Tự trọng còn là việc tự biết được giá trị của bản thân mình, biết nhận sai, sửa sai, không làm những việc xấu hổ với lương tâm. Những người có lòng tự trọng thường có tư thế rất hiên ngang, sống ngẩng cao đầu, không sợ cái xấu, cái ác.
Mỗi chúng ta tồn tại trong xã hội này đều cần phải có lòng tự trọng để đối nhân xử thế, để hiểu mình, hiểu người, để biết được những việc mình đang làm có trái với lương tâm hay không. Ai sinh ra cũng đều có những khuyết điểm cần phải hoàn thiện và khắc phục từng ngày, nếu chúng ta ý thực được điều này mà cố gắng hoàn thiện bản thân mình thì chắc chắn sẽ trở thành người tốt. Lòng tự trọng sẽ là một trong những kim chỉ nam giúp cho bạn có thể xác định được hướng đi rõ ràng, cụ thể hơn.
Trong cuộc sống, lòng tự trọng của mỗi người luôn được biểu hiện hằng ngày, khi chúng ta giao tiếp với nhau hay khi chúng ta tự đánh giá bản thân mình. Lòng tự trọng khi đến trường chính là việc không học bài cũ, cũng không được giở tài liệu để chép vào bài kiểm tra, không được nhìn bài của bạn. Mặc dù hành động này rất nhỏ nhưng nó góp phần hình thành nên tính cách và nhân phẩm của chính cậu học sinh đó về sau. Cậu sẽ ý thức được rằng nếu không phải do chính mình làm ra thì sẽ không phải của mình, không được cướp giật, không được xin xỏ. Như thế là không có lòng tự trọng.
Cha ông ta vẫn có câu “Đói cho sạch, rách cho thơm’ muốn nhắn nhủ đến mọi người rằng dù có nghèo khó, đói rách đến cỡ nào thì cũng phải cho sạch, cho thơm. Như thế thì mới không bị mọi cười chê, ít nhất thì vẫn giữ được lòng tự trọng trong sáng dù vật chất thiếu thốn. Cuộc sống này vẫn luôn có những người nghèo khổ, nhưng họ quyết không làm những việc xấu xa như cướp giật, trộm cắp…Họ tự vượt lên chính mình, vượt lên số phận bằng sức lực ít ỏi của mình, làm ra đồng tiền có giá trị. Đây mới là điều đáng quý. Thực ra tự trọng không ở đâu xa, tự trọng vẫn luôn ở trong mỗi chúng ta, chỉ là bản thân mình có để nó được phát huy hay không thôi.
Sống tự trong, mỗi người sẽ thấy mình cảm nhận cuộc sống theo chiều hướng tích cực hơn. Bản thân mình sẽ làm những việc tốt cho xã hội, cho những người xung quanh.
Có rất nhiều người thành đạt, nhưng họ không bao giờ kiêu ngạo hay khoe khoang. Họ sống là chính mình, sống không hổ thẹn. Họ thành công nhưng chưa bao giờ bị thành công và hào quang vùi lấp. Họ yêu quý và giúp đỡ những người xung quanh. Vì họ ý thức được rằng cái gì cũng có giá của nó. Lòng tự trọng sẽ gắn kết trái tim mỗi người lại với nhau.
Tuy nhiên trong xã hội tồn tại không ít người đánh mất lòng tự trọng, làm những việc trái với đạo đức, với lương tâm. Rất nhiều học sinh bây giờ xúc phạm thầy cô giáo, không coi thầy cô ra gì. Bỏ ngoài tai những lời giảng, lời khuyên chân thành. Vì họ đã đánh mất lòng tự trọng nên họ mới ứng xử thiếu chừng mực như vậy.
Thế hệ trẻ – chủ nhân tương lai của đất nước cần ý thức được lòng tự trọng của mình và cố gắng giữ gìn, phát huy nó để hoàn thiện bản thân và trở thành người công dân có ích cho xã hội.
Lòng tự trọng luôn chưa bao giờ là thừa, bởi vậy chúng ta sống thật, sống có giá trị là điều cần thiết nhất.