Nghị luận "Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương" số 4 - 10 Bài văn nghị luận về câu nói "Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương" (lớp 9) hay nhất
Cuộc sống là quá trình chúng ta trưởng thành và học cách chịu trách nhiệm với bản thân. Chẳng thế mà nhà văn Nam Cao đã thốt lên tâm đắc trong lời thoại của nhân vật Hộ trong tác phẩm “Đời thừa”: “Sự cẩu thả trong bất cứ nghề nào cũng là một sự bất lương”. “Cẩu thả” là thái độ ...
Cuộc sống là quá trình chúng ta trưởng thành và học cách chịu trách nhiệm với bản thân. Chẳng thế mà nhà văn Nam Cao đã thốt lên tâm đắc trong lời thoại của nhân vật Hộ trong tác phẩm “Đời thừa”: “Sự cẩu thả trong bất cứ nghề nào cũng là một sự bất lương”.
“Cẩu thả” là thái độ làm việc không chuyên tâm, không nghiêm túc, không dành hết tâm huyết cho công việc mà mình đang làm. Đó chính là khi một người làm việc một cách hời hợt, không có trách nhiệm, chỉ qua loa cho xong việc của mình và không mảy may quan tâm đến kết quả của công việc. Nam Cao dùng từ “bất lương” đặt trong sự tương quan với từ “cẩu thả” là bày tỏ thái độ không đồng tình với những kẻ qua loa, một việc làm xấu, trái với lương tâm và đạo đức nghề nghiệp. Việc không có tinh thần trách nhiệm trong công việc của mình gây ảnh hưởng xấu đến những người xung quanh và toàn xã hội cũng được coi là một việc bất lương, của một người bất lương.
Câu nói trên của nhà văn là vô cùng đúng đắn. Sinh ra trên cuộc đời, mỗi con người chúng ta lại mang trong mình một sứ mệnh khác nhau: người này làm bác sĩ, người kia làm thầy giáo,…, hay người ta còn gọi ấy là một nghề. Mà nói đến một nghề là nói đến sự chuyên sâu, có ảnh hưởng sâu sắc, là một mắt xích quan trọng trong chuỗi nhiều lĩnh vực của cuộc sống. Mỗi một mắt xích nối kết với nhau thành một xã hội toàn vẹn, nhưng khi chiếc mắt xích ấy bị lỏng lẻo thì ắt dẫn đến hậu quả khôn lường. Vậy nên, một người thợ chưa lành nghề không phải là thợ. Đừng nói rằng kĩ thuật của anh đã thuần thục, chuyên môn của anh đã nhuần nhuyễn thì anh có quyền được cẩu thả. Một người thợ lành nghề còn là một người có trách nhiệm, đam mê và nhiệt huyết đối với công việc, . Có lẽ vậy mà sự cẩu thả không bao giờ được chấp nhận đối với tất cả mọi nghề.
Để tiến hành một ca mổ phẫu thuật đâu phải dễ dàng, nếu không thì người người nhà nhà đã đổ xô đi làm bác sỹ. Trong thời đại hiện nay, bên cạnh những bác sỹ có tấm lòng quảng đại, luôn coi trọng câu nói: “Lương y như từ mẫu” thì cũng có một số bác sỹ chạy theo đồng tiền, vì đồng tiền mà đánh đổi cả mạng sống của con người. Đó chính là sự cẩu thả trong công việc, vị bác sỹ đã lấy đồng tiền để làm thước đo cho lương tâm nghề nghiệp của mình, đã chà đạp lên chính hai từ “bác sỹ” mà người đời coi trọng.
Trong chính nghề văn của nhà văn Nam Cao, sự cẩu thả cũng là một sự vô cùng bất lương, điều này có thể lý giải tại sao nhà văn lại phải thốt lên tâm đắc như thế. Văn học nghệ thuật vốn dĩ có khả năng “thức tỉnh những lương tri đang ngủ” (Evtuseco). Điều này đòi hỏi nhà văn cần phải chắt lọc, tìm hiểu kĩ lưỡng, để đưa đến cho độc giả của mình những tác phẩm có giá trị nhất, không viết những thứ có thể gây cho người đọc những ý tưởng sai lầm, dẫn đến sự lệch lạc về tư tưởng.
Bản chất của con người là luôn muốn đạt được thành công và hoàn thiện. Thế nhưng có thể vì hoàn cảnh, thói quen hoặc môi trường mà họ cẩu thả trong mọi việc. Chắc hẳn là khi làm việc mà cẩu thả thì ta chẳng thể thanh thản, hài lòng với bản thân vì lương tâm không cho phép.
Câu nói của Nam Cao vừa thể hiện quan niệm của ông về tinh thần trách nhiệm trong công việc, vừa là lời nhắc nhở chân thành những ai đã và đang cẩu thả trong công việc hãy nhìn lại chính mình.