04/06/2017, 00:33

Nghệ thuật của thể loại "truyện ngắn tâm tình" qua tác phẩm Hai đứa trẻ của Thạch Lam.

Sinh ra cùng thời với các nhà thơ, nhà văn lãng mạn 1930-1940 thời đại của "mưa phùn” hay "những buổi hoàng hôn", Thạch Lam cũng mang trong mình dòng máu lãng mạn. Truyện ngắn Hai đứa trẻ được rút trong tập Nắng trong vườn (1938) của ông là một trong những tác phẩm lãng mạn có ...

Sinh ra cùng thời với các nhà thơ, nhà văn lãng mạn 1930-1940 thời đại của "mưa phùn” hay "những buổi hoàng hôn", Thạch Lam cũng mang trong mình dòng máu lãng mạn.

Truyện ngắn Hai đứa trẻ được rút trong tập Nắng trong vườn (1938) của ông là một trong những tác phẩm lãng mạn có nhiều thành công. Nét riêng của những tác phẩm Thạch Lam là những lời tâm tình, nên còn gọi là "truyện ngắn tâm tình" hay "truyện ngắn tâm hồn".
 
Điều đặc biệt là dòng máu lãng mạn ấy trong tác phẩm Hai đứa trẻ đã hoà tan cùng hiện thực cuộc sống, tạo nên phong cách nghệ thuật độc đáo của Thạch Lam. Trong văn Thạch Lam không chỉ là sự tập hợp những mảng hiện thực sống động; cũng không phải những câu chuyện tình sướt mướt, ở đó ta không tìm thấy những lời náo nhiệt đòi giải phóng cái "tôi”, giải phóng nữ quyền.. cũng không thấy những lời thuyết giáo...Tất cả đã nhường chỗ cho một cái gì nhẹ nhàng, buồn hiu hắt, đậm đà hương vị đồng quê nhiều bóng tối mà chói sáng mối tình thương yêu, hiền hoà nhân hậu, phảng phất chất thơ tả lên từ quê hương đất nước. Phải chăng vì thế mà mỗi truyện ngắn của Thạch Lam được xem như "một bài thơ trữ tình đượm buồn”.
 
Truyện ngắn Thạch Lam thường chỉ là một phút thoáng qua của cuộc sống nhưng đọng lại, cốt truyện có thể tóm tắt ngắn gọn và rất hiếm sự kiện. Luồng sinh khí toả lan khắp thiên truyện chính là tâm trạng nhân vật với những cảm xúc, cảm giác mơ hồ, mong manh, tinh tế. Nếu Nam Cao đi sâu vào ngõ ngách tâm hồn nhân vật, khai thác, mổ xẻ những xung đột, giằng xé nội tâm dữ dội để tìm ra bản chất người, thì Thạch Lam ngược lại, ông chú ý đến những tinh vi trong tình cảm như bắt gặp một chiếc lá trao nghiêng, một cánh bướm trên đoá hoa, hay một cơn gió lướt nhẹ trên mặt hồ gợn sóng. Vì thế khi đọc truyện Thạch Lam ta cảm tưởng mình phải nín thở như khi chạm vào một thứ đồ dễ vỡ, nhiều lúc ta không biết mình có còn hiện hữu hay đã bay lên theo cảm xúc trong sáng, dịu nhẹ của nhân vật.
 
Những đặc điểm ấy đã làm nên phong cách truyện ngắn Thạch lam, "truyện ngắn tâm tình".

Hai đứa trẻ là một mảnh hồn tạo nên bầu trời văn chương Thạch lam Hai đứa trẻ thể hiện một phong cách rất Thạch Lam. Đó la sự đan xen hai yếu tố hiện thực và lãng mạn, tác phẩm là căn nhà tranh của những con người khốn khổ: gia đình Liên, chị Tí, bác phở Siêu, gia đình bác xẩm - những con người mà cuộc sống của họ đang leo lắt như ngọn đèn mờ trước phố, họ "từ từ đi trong đêm" lặng lẽ và u tối. Thế nhưng ở đó ta không thấy những tiếng khóc tru tréo, giận giữ, những cảnh chạy lo từng bữa ăn, những lời cầu ước "giá không phải ăn thì đời giản dị biết bao !" (Nam Cao). Ở đó chỉ thấy sự tuần hoàn cứ kéo nhau đi từ chiều tối tới đêm tối; ở đó con người như những bóng ma vật vờ, sống đời sống của một sinh vật, những khát khao sự sống tươi sáng bị vùi đi, đồng lõa với bóng tối. Nếu không rung lên dây đàn trái tim để cảm xúc dâng trào thì sẽ không thể khám phá ra chiều sâu trong chuỗi thời gian vô tình và trong những nếp nhà bình lặng.
 
Hai đứa trẻ chỉ đơn thuần tái hiện một bức tranh dung dị đến xót xa của phố huyện nghèo nhưng lại chứa đựng sức cảm thông sâu sắc. "Truyện ngắn tâm tình" của Thạch Lam là loại truyện hoàn toàn không có cốt truyện. Mở đầu là cảnh chiều xuống, Liên buồn khi thấy những nguồn sáng nhỏ bé yếụ ớt từ các nhà bên đường. Chợ vãn từ lâu, những đứa trẻ nhà nghèo nhặt nhạnh những thanh tre, thanh nứa của người bán hàng để lại. Rồi đêm xuống, cành phố huyện lại lần lượt hiện ra với từng con người đáng thương đang cố gắng mưu sinh trong mòn mỏi và đoàn tàu đi qua mang theo ánh sáng rực rỡ của Hà Nội, thắp lại hi vọng và mơ ước mong mạnh trong tâm hồn chị em Liên. Toàn bộ tác phẩm có thể được tóm tắt trong một vài câu như thế. Nhưng thật kì lạ, ta cảm thấy thời gian ngưng đọng trong tác phẩm là thòi gian trì trệ, đó còn là thời gian đời người buồn tẻ, đơn điệu. Chính sự ngưng đọng ấy là nguyên nhân đẫn đến tình trạng "sống mòn" (như tên gọi một tác phẩm của Nam Cao). Từng giờ, từng phút gieo rắc cái chết trong lòng những chồi non như An và Liên. Lựa chọn cách thể hiện này đòi hỏi nhà văn phải không ngừng quan sát, đặc biệt là quan sát tâm lí. Thạch Lam đã làm được điều mà nhà văn Mĩ, Hê-min-guây cho là rất khó khăn, ấy là "viết những trang văn xuôi lương thiện, giản dị về con người".
 
Nhân vật Liên đã giúp Thạch Lam bày tỏ một cách kín đáo những cảm nhận của minh, Liên cũng như những cô thiếu nữ trong thơ Xuân Diệu.
 
"Ít nhiều thiếu nữ buồn không nói
Tựa cửa nhìn xa nghĩ ngợi gì"
(Đây mùa thu tới)
 
Cũng chất đầy những xốn xang rung động tinh tế của tuổi mới lớn, Thạch Lam đã chú ý miêu tả cô gái ấy ở cả những chi tiết rất nhỏ: "Liên khóa vội trát tiền với một chiếc khoá chị đeo vào cái dây xà-tích bạc ở thắt lưng, chiếc Xà-tích là cái khiến chị quý mến và hãnh diện, vì nó tỏ ra chị là người con gái lớn và đảm đang". Vì đang ở giai đoạn nhạy cảm nhất nên Liên rất dễ chạnh lòng trước những thay đổi của cảnh vật và con nguời. "Tiếng trống thu không trên cái chòi của huyện nhỏ”, "tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng theo gió nhẹ đưa vào", rồi "tiếng muỗi bắt đầu vo ve"..., ngần ấy âm thanh dội vào tâm hồn Liên để rồi "không hiểu sao, nhưng chị thấy "lòng buồn man mác truớc cái giờ khắc của ngày tàn". Những cảm xúc không thể lí giải ấy đã được cụ thể hóa ở những câu văn dịu dàng. Sau khi người đọc lần theo bước đi của thời gian, bạn sẽ gặp cảnh chợ tàn: "Trên đất chỉ còn rác rưởi, vỏ bưởi, vỏ thị, lá nhãn và lá mía".... Rồi ta gẽ gặp một cảnh quay chậm về những đứa trẻ con nhà nghèo quanh phố chợ, tìm bới trong đống rác những gì còn sót lại, con của bác xẩm lê la bò cả xuống rãnh chợ. "Liên trông thấy động lòng thuơng nhưng chính chị cũng không có tiền để mà cho chúng nó”. Rồi hình ảnh bà cụ Thi "hơi điên" "đi lần vào bóng tối, tiếng cười khanh khách nhỏ dần về phía làng"...Thì ra, nỗi buồn ấy báo hiệu một ngày tàn và hiện đang bị bao trùm bởi bóng tối khủng khiếp. Đây chính là một nỗi buồn trắc ẩn và niềm khát khao vươn tới ánh sáng. Nếu không "cúi xuống những con người bất hạnh", "lắng nghe những vang động của đời", Thạch Lam sẽ không thể viết về họ xúc động như vậy.
 
Bằng cặp mắt xanh trong của cô gái mới lớn, nhà văn đã khiến cho những hoàn cảnh éo le kia càng trở nên day dứt. Thế nhưng day dứt hơn vẫn là những trông đợi của hai đứa trẻ về con tàu "đã đem một chút thế giới khác đi qua"- thế giới của "Hà Nội xa xăm, Hà Nội sáng rực vui vẻ và huyên náo".
 
Thạch Lam đặt vào chị em Liên mơ ước ấy cũng bởi ông hiểu rằng những đứa trẻ ấy là những con người duy nhất còn chưa bị "bóng tối hoá", chúng đang cố ngoi lên bởi cuộc sống tù túng, tẻ nhạt và vẫn còn ước mơ. ở tác phẩm này không hề có cái gọi là đấu tranh giữa bóng tối và ánh sáng, mà còn lại chỉ là một thông điệp "hãy cứu lấy những đứa trẻ tội nghiệp! Cứu lấy những con người nơi phố huyện".
 
Truyện gói gọn trong hơn ba trang sách mà cảm xúc cứ mênh mông, dàn trải. Nhà văn hoá thân vào nhân vật chính, để nhân vật bày tỏ tâm sự, vì thế, tuy là truyện mà tác phẩm như một bài thơ, một cuốn nhật ký của tâm hồn. Tuy chỉ nói đến cái "khoảnh khắc của một ngày tàn" nhưng truyện ngắn lại có dáng dấp của nghìn ngày. Thực chất, đó là cái "vòng quanh quẩn", gặm nhấm tâm hồn của con người.
 
Chỉ có thể bằng tâm hồn giàu rung cảm mới nhận biết được. Văn Thạch Lam ra đời và làm nhiệm vụ "khám phá những bí ẩn tâm hồn" ấy (Pau-tôp-xki).

0