06/02/2018, 10:47

MS23 – Suy nghĩ về lối sống vô cảm hiện nay

Trình bày suy nghĩ của anh chị về lối sống “vô cảm” hiện nay Bài làm Suốt chiều dài của lịch sử, truyền thồng yêu nước thương nòi của cổ nhân đã được đúc kết trong vô số câu ca dao, tục ngữ giàu tính nhân văn như: “Thương người như thể thương thân” hay ...

Trình bày suy nghĩ của anh chị về lối sống “vô cảm” hiện nay

Bài làm

Suốt chiều dài của lịch sử, truyền thồng yêu nước thương nòi của cổ nhân đã được đúc kết trong vô số câu ca dao, tục ngữ giàu tính nhân văn như: “Thương người như thể thương thân” hay “Bầu ơi thương lấy bí cùng, Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Truyền thống tốt đẹp này đã được các thế hệ đi trước chúng ta không ngừng bảo tồn và phát huy những ích lợi từ những câu ca dao, tục ngữ để mang lai cho cộng đồng thịnh vượng và hạnh phúc. Nhưng khi nhìn vào thực tế của cuộc sống hiện nay, những giá trị từ trong kho tàng văn chương không còn được con người thời đại xem trọng và đang bị dần quên lãng. Nói đúng hơn, lối sống “vô cảm” của con người hiện nay đang ngày càng khó chữa trị.

“Vô” theo nghĩa Hán là không, còn “cảm” là cảm xúc, cảm giác trong con người. Hiểu theo nghĩa này thì “vô cảm” là không có cảm giác, không có cảm xúc trước những sự vật, hiện tượng xảy ra xung quang, chỉ sống vị kỷ mà không biết đến vị tha, đặt lợi ích cá nhân lên trên ích lợi của tập thể, xem trọng cái tôi mà không thèm quan tâm đến người xung quanh. Nói khác hơn, vô cảm là lối sống ích kỷ, hẹp hòi, vô tình – vô tâm trước những khổ đau của người thân cận, không biết quan tâm, chia sẻ và ngoảnh mặt làm ngơ trước những khó khăn của người khác.

Xã hội đang trong chiều hướng nghiêng về hưởng thụ từ những giá trị của vật chất, ai cũng chỉ muốn chăm lo cho bản thân thì khó có thể tránh khỏi lối sống vô cảm. Vì thế, sẽ không ngạc nhiên khi câu nói “Đèn nhà ai rạng nhà nấy” đang được nhiều tầng lớp biết đến và phổ biến trên mọi lứa tuổi. Nhưng thử hỏi đèn nhà ai rạng nhà nấy vậy thì lúc đèn nhà mình tắt thì sẽ lấy lửa đâu để châm vào cho đèn nhà mình sáng? Hình ảnh một cán bộ công chức làm khó những người nông dân nghèo trong việc giấy tờ ở những vùng quê cũng không phải là chuyện hiếm. Một bác sĩ có thể can tâm lấy kéo xẻo từng mảnh thịt của các thai nhi mà không nghĩ đến đó là một con người là chuyện vẫn thường xẩy ra ở các bệnh viện lớn và những “phòng khám chui”. Theo một thống kê gần đây thì Việt Nam “tự hào” là một nước có tình trạng nạo phá thai đứng nhất nhì thế giới. Cảnh tượng một người tai nạn trên xa lộ thì những người đi đường ngoảnh mặt làm ngơ, bỏ mặc họ nằm quằn quại trên vũng máu cũng không phải là chuyện không có. Hay mới đây, trên báo Tuổi Trẻ có đăng bài một tài xế xe tải đụng phải một người qua đường, thay vì xuống xe để xem người kia thế nào mà đem đi nhà thương thì anh tài xế lại cho xe lui phía sau cán chết nạn nhân để dễ bề giải quyết.

MS23 - Suy nghĩ về lối sống vô cảm hiện nay

Vô cảm là "căn bệnh" đáng lo ngại của xã hội hiện đại

Nhưng nguyên nhân của tình trạng trên xuất phát từ đâu? Sẽ không sai nếu chúng ta khẳng định do mãnh lực của đồng tiền, cùng với luật pháp quá bất cập. Ở mức độ nào đó, thì pháp luật phải mạnh tay với anh tài xế kia, ngược lại lúc ra tòa, tài xế kia chỉ cần bồi thường tiền và bị tạm giam một thời gian xem như đã đền bù đủ. Hay trong khâu quản lý nhà nước xem mạng sống của con người không ngang nhau. Một kẻ giết người thì có thể theo dõi, ra lệnh truy nã, trong khi một vị bác sĩ trong đời hành nghề của mình có thể giết hàng ngàn thai nhi vô tội, xem như không có tội gì. Phải chăng cái mác “lương y như từ mẫu” sẽ khỏa lấp được những tội lỗi họ gây ra. Cách làm việc của những cán bộ nhà nước thì sao? Khi một người tới “cửa quan” nếu là “con ông, cháu cha” hay có “cái phong bì hồng hồng, xanh xanh” “lén lén, dấu dấu” thì họ làm rất nhanh. Còn khi “dân đen” tới thì “cứ từ từ, rồi cá mới nhừ”. Hay khi những cán bộ này bị “lật tẩy” thay vì bị cắt chức thì chỉ cần “chuyển đổi công tác” thế là “đẹp hai họ, vừa đôi bên”. Bên cạnh đó, lối sống chỉ muốn an toàn cho bản thân cũng là nguyên nhân không nhỏ trong việc nảy sinh tình trạng vô cảm. Chẳng phải Martin Luther King đã từng nói: “Trong thế giới này, chúng ta xót xa không chỉ vì lời nói và hành động của những kẻ xấu mà còn vì sự im lặng đáng sợ của người tốt” đã làm không ít người phải bình tâm suy xét về thực trạng của con người trong cuộc sống hôm nay.

Đành rằng trong cuộc sống, lối sống vô cảm sẽ bị người khác xem thường, xa lánh và dần làm cho con tim chai đá, giết mòn nhân cách tốt nơi con người, đẩy tính “thiện” ra khỏi cuộc sống và vứt bỏ lương tâm vào “sọt rác”. Nhưng biết là một chuyện, còn hành động ngược lại với lối sống vô cảm mới là điều quan trọng. Bởi một khi mặt bằng chung của xã hội hiện nay đâu đâu cũng thấy hình ảnh “vô cảm”, để chữa trị tận gốc căn bệnh này không phải là chuyện một sớm, một chiều. Vì trong gia đình là môi trường giáo dục đầu tiên cũng chỉ cung phụng cho con cái đầy đủ những gì con cái muốn, các bậc làm cha, làm mẹ chỉ lo kiếm tiền mà bỏ qua khâu đào tạo nhân cách cho con cái. Còn ở môi trường học đường lại có nhiều bất cập. Khi cấp trên ra chỉ thị cho các trường những chỉ tiêu phải đạt được thì một số thầy cô cũng chỉ lo truyền đạt kiến thức mà quên dạy dỗ đạo đức, để rồi lúc ra khỏi nhà trường toàn là những con người “có tài mà không có đức”. Nếu Hồ Chí Minh sống lại chắc chắn ngài lại phải nặng lời “bọn bay toàn một lũ vô dụng”. Câu nói “có tài mà không có đức là người vô dụng” để khuyên răn con cháu của Bác Hồ là thế.

Bên cạnh đó, sự tiếp cận với những hành động bạo lực, chém giết lẫn nhau ở các game ảo trên các trang thiết bị hiện đại nơi người trẻ quá sớm, cùng lối sống thờ ơ, vô trách nhiệm của các bậc làm cha, làm mẹ; thiếu những gương lành để người trẻ noi gương bắt chước là những nguyên nhân tác động trực tiếp làm cho người trẻ nhiễm căn bệnh “vô cảm”. Người ta nói rằng, để có được một tấm lòng nhân ái bao la, yêu thương người khác vô điều kiện như mẹ Têrêxa Canculta thì người có công lớn nhất phải kể đến là thân mẫu của ngài. Bởi lúc Têrêxa còn nhỏ, thân mẫu đã tập cho cô thương người không nơi nương tựa bằng cách đưa tiền cho Têrêxa bố thí. Chính hành động này đã ảnh hưởng rất lớn đến cung cách ứng xử của Têrêxa lúc lớn lên.

Tóm lại, trong cuộc sống vẫn luôn hiện hữu hai trạng thái đối nghịch nhau. Trạng thái này bổ túc cho trạng thái kia nhằm thăng tiến giá trị trong cuộc sống. Nói đúng hơn, căn bệnh “vô cảm” không phải là không có thuốc chữa, chỉ là ta chưa sử dụng đúng phương pháp và làm theo người chỉ dẫn thôi. Phương pháp để đây lui căn bệnh này chính là hành động tình thương và những lời khuyên dạy được rút ra từ trong những câu ca dao, tục ngữ mà cổ nhân đã để lại. Bởi giá trị được rút ra từ những câu ca dao tục ngữ không ai có thể phủ nhận, còn giá trị của sự trao ban, chia sẻ, đồng cảm trước khó khăn của người khác luôn là những hình ảnh giàu tính nhân văn và xây dựng một cuộc sống hạnh phúc. Để minh chứng cho giá trị của sự quan tâm, nâng đỡ lẫn nhau xin trích dẫn câu chuyện trong kho tàng văn chương Ấn Độ. Có vị vua nọ, vì tình trạng đạo đức của các quan đại thần đang bị suy đồi. Một ngày kia, vua gọi các quan đại thần lại giao cho mỗi người một đôi đũa dài hai mét, vua đã sai đầu bếp dọn sẵn một bàn toàn cao lương mĩ vị, nhà vua bắt các quan đại thần trong một ngày phải ăn hết, nếu không ăn hết sẽ bị chém đầu. Điều kiện được đặt ra là mọi người phải ngồi cách nhau hai mét, khoảng cách từ bàn ăn tới chỗ ngồi cũng hai mét và chỉ được dùng bằng đũa chứ không được dùng tay để bốc thức ăn. Trải qua gần một ngày mà không ai tài nào gắp thức ăn bỏ vào miệng vì đôi đũa qua dài so với cánh tay. Khi thời gian sắp hết vẻ mặt ai cũng bàng hoàng sợ hãi, một người trong nhóm đã thấm mệt vì đói và đôi đũa sắp rơi xuống, mọi người thấy thế nên giúp đỡ. Một người trong số họ liền gắp thức ăn bỏ vào miệng vị quan kia. Bỗng chốc một người thấy phương pháp này hữu hiệu thế rồi người này gắp thức ăn cho người kia, trong chốc lát toàn bộ thức ăn trên bàn được ăn hết. Kết quả các vị quan đại thần nhận ra một chân lý chính lúc mình ra tay giúp đỡ người khác cũng đồng nghĩa đang giúp đỡ chính mình. Nêu lên câu chuyện như thế để mỗi người chúng ta lựa chọn cách sống có giá trị nhất, bởi cuộc sống trong thời hiện đại cũng có những trường hợp tương tự như thế.

Cuộc sống sẽ hạnh phúc biết mấy khi ai cũng biết quan tâm, giúp đỡ khó khăn với người khác. Hành  trình sống nơi trần gian sẽ đẹp biết bao khi mỗi người đều biết chia sẻ gian nan với người xung quanh. Hiểu cho được tầm quan trọng của tình thương ngang qua những hành động chia sẻ, giúp đỡ, quan tâm từ hôm nay mỗi người hãy gạt bỏ tích ích kỷ, hẹp hòi cùng lối sống “vô cảm” để mưu cầu ích lợi cho cộng đồng. Hơn nữa, lợi ích từ những hành động này cũng không hề nhỏ, bởi lúc ta biết cho đi cũng là lúc được nhận lãnh, lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân, lúc chết đi cũng là lúc tìm lại sự sống. Tìm được sự sống, được nhận lãnh, gặp lại bản thân chẳng phải là những giá trị đích thực mà con người vẫn không ngừng tìm kiếm để có được hạnh phúc đó sao!

Viết Lan

Đt: 01668272335 – Facebook: viet.levan779


Từ khóa tìm kiếm:

  • trình bày suy nghĩ về lối sống vô cảm trong xã hội hiện nay
0