06/02/2018, 10:47

MS17 – Hãy tưởng tượng và kể về lần về thăm trường sau 20 năm xa cách

Hãy tưởng tượng và kể về lần về thăm trường sau 20 năm xa cách Bài làm Đang loay hoay vời những bản vẽ. Bỗng tiềng chuông điện thoại: “Reng…reng…reng”, tôi nhấc máy, thì ra là tổng giàm đốc. Tôi nhận nhiệm vụ sẽ về Việt Nam để thực hiện chuyến khảo sát công ...

Hãy tưởng tượng và kể về lần về thăm trường sau 20 năm xa cách

Bài làm

Đang loay hoay vời những bản vẽ. Bỗng tiềng chuông điện thoại: “Reng…reng…reng”, tôi nhấc máy, thì ra là tổng giàm đốc. Tôi nhận nhiệm vụ sẽ về Việt Nam để thực hiện chuyến khảo sát công trình xây dựng lại cầu Song Kiên ở Rạch Giá- Kiên Giang. Lòng bồn chồn, chợt nghĩ: “Cũng đã 20 năm rồi mình chưa có dịp về thăm quê hương, thăm bạn bè, thăm trường cũ kể từ khi mình đi du học. Lần này có dịp về Việt Nam, mình sẽ đến thăm bạn bè và nhất định tôi phải ghé thăm ngôi trường Nguyễn Du, nơi mình đã gắn bó bốn năm đèn sách, nơi chất chứa bao nhiêu hoài bảo, bao nhiêu kỉ niệm một thời trung học”.

Ba ngày công tác mệt nhọc và vất vả đã qua, bây giờ là lúc tôi cảm thấy vui nhất vì vừa hoàn thành công việc, vừa có thể đến thăm ngôi trường trung học cơ sở Nguyễn Du rồi. Lòng vui sướng biết bao, chỉ mong sao thời gian trôi qua thật nhanh, mau mau đến sáng mai. Cả đêm cứ thao thức chẳng ngủ được. Lòng tự đặt ra bao nhiêu câu hỏi cho mình: “Không biết trường mình thay đổi như thế nào nhỉ? Không biết ngày mai mình có gặp lại các thầy cô giáo cũ không nữa?…”. Cuối cùng cũng đến, thời gian mà tôi trông chờ suốt 20 năm nay đã đến. Thức dậy thật sớm, tôi chuẩn bị cho mình một bộ đồ đơn giản mà chỉnh chu. Mở của tủ quần áo ra, cảm xúc chợt ùa về khi nhìn thấy bộ quần áo ấy – bộ quần áo mà tôi mặc đi học hằng ngày, cái áo ấy đã ngã màu vàng ngà, không còn trắng tinh tươm như những ngày tôi còn là cô bé học lớp chín. Phù hiệu vẫn còn đấy, vẫn còn dòng chữ “Trường trung học cơ sở Nguyễn Du” vẫn còn tên tôi – cô bé học sinh lớp 9/3. Những dòng chữ mờ mờ, nhạt nhạt, không còn rõ nét như trước nữa. Đôi mắt tôi đỏ hoe, ngấn nước rồi những kỉ niệm như hiện ra trước mắt tôi, người phụ nữ 35 tuổi như quay về cái thời gian vào 20 năm về trước. Nhớ lại những buổi sáng thức thật sớm, chuẩn bị chỉnh chu để đi học. Bước ra cửa, hít thở thật sâu, không khí và cảm giác vẫn như ngày ấy. Những giọt sương ban mai đọng trên lá cây như những viên ngọc sáng lấp lánh. Chạy xe dọc trên con đường 3 tháng 2, lòng tôi có một cảm giác man mác, thật khó tả. Cảnh vật thay đổi hẳn, những nhà lầu cao tầng mọc san sát nhau. Những quán ăn vỉa hè ngày xưa đám học sinh chúng tôi vui chơi giờ cũng không còn nữa, thay vào đó là những nhà hàng sang trọng. Quãng trường ngày nào là điểm vui chơi, giải trí của chúng tôi giờ đã được xây dựng thành công ty. Với một kiến trúc sư như tôi hằng ngày đã chứng kiến bao nhiêu nhà cao tầng mọc lên, đó đã trở thành công việc bình thường. Nhưng khi quay về nơi đây, nhìn thành phố, nhìn quê hương mình đổi mới, tôi thật xúc động, thật vui.

Cảnh vật thay đổi sau 20 năm cũng là chuyện thường tình nhưng lòng người phải chăng đã đổi thay? Dù rằng tôi đã lớn, dù tôi sống ở xứ lạ quê người nhưng tôi luôn một lòng hướng về quê hương, về cội nguồn, về mái trường thân yêu. “Tùng! Tùng! Tùng!” tiếng trống vang lên, tôi xửng sốt: “Đây…đây là tiếng trống trường tôi mà”. Mãi mê theo những dòng suy nghĩ mà đến trường lúc nào tôi cũng không hay. Tôi cuống cuồng lên, cứ ngỡ như mình là cô học sinh bị trễ học, rồi tự bật cười khi chợt nhận ra điều đó đã cách đây 20 năm. Ngước mắt nhìn chầm chầm vào cổng trường: “Nó thay đổi nhiều quá”- tôi nói thầm. Dòng chữ Trường trung học cơ sở Nguyễn Du bằng điện tử chạy qua trước mắt tôi. Cổng trường không cần phải kéo cực nhọc nữa, mà thay vào đó chỉ cần bấm nút nó sẽ mở ra. Nhớ lại chúng tôi ngày trước, mỗi khi đi học trễ là phải năn nỉ hết lời bác bảo vệ mới chịu mở cửa ra cho chúng tôi. Nhìn trường mình ngày càng hiện đại tôi vui mừng lắm, ngôi trường tuy thay đổi nhưng cây phượng vẫn còn đấy, cây phượng già vẫn còn đứng lặng lẽ chờ chúng tôi về. Tôi tiến tới gần cổng trường hơn, anh bảo vệ cất tiếng hỏi tôi:          

– Chị cần tôi giúp gì không?

Tôi vui vẻ đáp:

– Tôi là học sinh cũ của trường, tôi đến thăm trường, anh cho tôi vào chứ?

Rồi anh bảo vệ vừa mở cửa vừa đáp:

– Được chứ!

Tôi đặt bước chân đầu tiên vào trường sau 20 năm xa cách, lòng tôi càng ấm dần, cái cảm giác như tôi đang bước vào nhà của mình sau một chuyến đi dài ở xứ lạ quê người. Trường vẫn bố trí hình chữ U như trước, nhìn bao quát vẫn không có sự thay đổi quá nhiều, chỉ là cây trong trường cao to và già dặn hơn xưa. Mặt trời lên cao, những ánh nắng len lõi qua các tàn lá cây xanh um. Cột cờ vẫn ở đó, vẫn được bố trí ở giữa sân trường, các bồn hoa được trồng nhiều hoa hơn, những chú bướm đầy màu sắc dưới cái nắng thu thật rực rỡ và đầy màu sắc. Đằng kia rồi, nơi mà mỗi giờ ra chơi bọn học sinh chúng tôi tụ tập lại chơi nhảy dây, ngồi dưới bóng cây ca hát cùng nhau, nhớ biết bao những kỉ niệm ở gốc sân này. Thời gian trôi nhanh thật, phút chốc đã 20 năm rồi, chỉ còn biết đứng lặng người nhìn kỉ niệm một thời đã qua. Thời gian có thể cho tôi một vé về tuổi thơ, về với những kỉ niệm? Người phụ nữ 35 tuổi bước những bước chân thật nhẹ nhàng tiến về phía cầu thang. Cầu thang cũng khác, những bậc thang được ốp đá hoa cương trong rất sang trọng và sạch sẽ. Đi dọc theo hành lang, các bình cứu hỏa được bố trí nhiều hơn, trên trần còn có những máy phun nước phòng hộ. Tôi thật bất ngờ khi nhìn vào các lớp học. Những chiếc cửa tự động, học sinh chỉ cần tiến lại gần, cách cửa sẽ tự mở ra. Bảng tên lớp hiển thị trên màn hình điện tử. Trong phòng học, mỗi bạn học sinh được sử dụng một máy vi tính, giao tiếp với giáo viên bằng míc-rô, các em học sinh được học bằng giáo án điện tử và tự soạn bài trên máy tính. Tôi vui mừng biết bao khi trường mình ngày một tân tiến không thua gì các trường ở nước ngoài. “Lớp mình kia rồi” – tôi vui mừng thốt lên. Thật sung sướng biết bao, tiến gần về phía lớp mình, nhìn vào lớp, đấy là chỗ ngồi của tôi vào 20 năm trước và bây giờ là chỗ ngồi của một cô bé dễ thương. “Không biết là cô bé ấy có học giỏi không?” – tôi nghĩ bụng. Ngày trước chúng tôi rất nghịch ngợm, lại rất nhiều chuyện, thường bị cô chủ nhiệm phạt thế mà vẫn không bỏ được cái tật nhiều chuyện. Những kỉ niệm của 20 năm về trước hiện ra từ từ trước mắt tôi…

Thứ ba hôm ấy, lớp tôi phải kiểm tra 15 phút sinh học. Vì bài tập nhiều mà thầy dạy sinh lại dễ và rất hiền nên chúng tôi mới bàn với nhau sẽ quay bài. Chúng tôi đều là con gái, chỉ có mỗi bạn Phúc là con trai, nên Phúc đã lấy tập ra quay bài và đọc cho chúng tôi chép. Nào ngờ, thầy phát hiện và Phúc bị không điểm, còn bị làm tờ kiểm điểm. Phúc đứng ra nhận tội và không đổ thừa cho chúng tôi, lúc đó tôi lo lắng lắm. Mấy ngày hôm sau, thầy phát bài kiểm tra, chúng tôi có đứa chín, có đứa mười mà Phúc thì lại bị ăn “trứng ngỗng”. Lòng tôi cảm thấy ray rức lắm. Đi học về mà lòng cứ chẳng yên, tối đến tôi ngủ chẳng được, cứ thao thức, thấy mình có lỗi lắm. Sáng đi học, tôi quyết định dù có như thế nào thì tôi vẫn khai thành thật với cô giáo chủ nhiệm. Vì sự thành thật của tôi nên cô giáo chỉ trừ tôi hai điểm và hứa sẽ không mời phụ huynh bạn Phúc. Cô nói:

– Lần này cô trừ điểm cảnh cáo, lần sau còn tái phạm cô sẽ phạt thật nghiêm khắc.

Tôi và Phúc vui mừng trả lời:

– Cám ơn cô, chúng con hứa sau này sẽ không tái phạm nữa

Từ đó về sau, tôi chẳng dám quay bài thêm lần nào nữa. Ngày ngày tôi đều học bài, làm bài tập đầy đủ, không còn lười biếng nữa. Có lẽ nhờ lần bị bắt quay bài đó mà đến mãi sau này tôi đã không dám tái phạm dù chỉ một lần. Bỗng: “Cộc cộc cộc” tiếng bước chân của một giáo viên phía sau tôi làm tôi giật cả mình, dòng kí ức bỗng quay về hiện tại. Quay người lại, tôi vui mừng biết mấy. Tôi gọi:

– Cô ơi.

Cô kéo cặp mắt kính lên và nói:

– Em là…

Đáp nhanh lời cô:

– Em là V đây, học sinh lớp 9/3 mà 20 năm trước cô đã chủ nhiệm.

Cô nghẹn ngào:

– V đây sao? Em lớn quá cô không nhận ra em đấy.

Cổ họng tôi nghẹn lại, đôi mắt ngấn nước, tôi không còn kiềm được nước mắt mình nữa, nước mắt tôi vỡ òa, cô cũng thế. Cô ôm tôi vào lòng và nói:

– Đã 20 năm nay, không có đứa nào về thăm cô cả, cô rất nhớ các em.

Lòng tôi thấy ấm áp lắm, chắc là cô cũng như vậy. Niềm hạnh phúc tột cùng khi gặp lại cô sau 20 năm xa cách. Chỉ ước ngay lúc này thời gian có thể chạy thật chậm để tôi được bên cô lâu thêm một chút. Bỗng nhiên trời hạ nắng, mây đen ùn ùn kéo đến, gió thổi ngày càng mạnh, trời đột nhiên đổ mưa. Cô bảo tôi:

– Cô trò mình xuống phòng giáo viên ngồi để tránh bị mưa tạt

Tôi đáp với tất cả tấm lòng kính trọng, với tất cả tình yêu thương dành cho cô:

– Dạ, thưa cô.

Hai cô trò chúng tôi đi đến phòng giáo viên. Tôi bước thật nhanh đến cái ghế, kéo ghế ra mời cô ngồi. Vừa lại gần tôi cô vừa nói:

– Em vẫn chu đáo như ngày nào. Cũng vì sự chu đáo này mà cô thương em hơn cả.

Tôi vui mừng, chẳng biết đáp lời cô như thế nào. Tôi chỉ biết nở nụ cười thay lời đáp lại với cô. Ngồi xuống, cô nắm lấy bàn tay tôi thật âu yếm, lúc này, tôi mới cảm nhận được sự vất vả của cô suốt 20 năm qua. Đôi tay cô không còn mềm mại, căng mịn như hôm nào, đôi tay giờ đây đã chai sần, những nếp nhăn hiện rõ. Ôi! Đôi tay mà tôi thích nhất của cô đâu rồi? Phải chăng suốt 20 năm nay cô đã phải cực nhọc vì các em học sinh thân yêu? Ngước mắt lên nhìn cô, những vết chân chim hiện ra rất rõ trên gương mặt của cô tôi, nhớ ngày nào, cô tôi rất trẻ đẹp, thời gian sao tàn nhẫn đến thế, thời gian đã làm cô tôi già đi, thời gian đem quãng đời đẹp nhất của cô đi mất và trôi qua thật nhanh chỉ để lại những kỉ niệm. Mái tóc cô nữa, mái tóc dài, mái tóc đen óng ả của cô đã bị cái gọi là thời gian lấy đi mất rồi, mái tóc ấy đã điểm bạc. Bây giờ tôi mới hiểu được nỗi cực nhọc của người chèo đò. Ngày ngày đưa lớp lớp khách sang sông, mà được bao nhiêu người quay trở lại bến đò xưa thăm lại người chèo đò. Tôi nhìn cô, cô nhìn tôi một hồi lâu rồi cô cất tiếng:

– Em dạo này vẫn khỏe chứ? Các bạn giờ vẫn ổn chứ?

Tôi trả lời cô:

– Em vẫn khỏe, em hiện đang làm kiến trúc sư, vì công việc quá bận rộn mà 20 năm nay em chưa về thăm cô được. Nhân chuyến công tác ở Việt Nam lần nay, em muốn về thăm trường, thăm cô và các bạn. Năm đó, cha mẹ quyết định cho em đi du học, nên em không còn gặp các bạn nữa. Hai năm sau đó, trong một chuyến công tác ở Úc, em đã gặp lại N. Bạn ấy bây giờ đang là chủ một công ty lớn ở Úc. Công việc của bạn ấy cũng rất bận nên chưa về thăm cô. Cô đừng buồn nhé. Còn Q và H cũng có công việc ổn định, Q đang làm trong ngân hàng, H thì làm phóng viên cho một tòa soạn nổi tiến. Nh và M sau khi học xong cấp ba thì đi tu nghiệp ở nước ngoài. Nh hiện làm bác sĩ, còn M là đồng nghiệp làm cùng công ty với em. Còn cô, cô có khỏe không?

Cô trả lời tôi:

– Cô vẫn khỏe, nhưng già rồi, bệnh thì vẫn bệnh đấy thôi. 20 năm nay cô không nhìn thấy đứa nào cả, nhưng cô vẫn rất vui khi nghe em nói các bạn đã thành đạt. Em biết không, người chèo đò không cần khách sang sông phải về đền ơn đáp nghĩa mà chỉ cần họ thành công là người chèo đò cảm thấy vui lắm rồi. Vì đó là công sức mà người thầy đã giáo dục học sinh nên người.

Thương lắm những lời tâm sự, nghe lời cô nói, vậy mà lòng tôi xót cho cô. Có được mấy ai quay về nơi đây thăm lại bến đò cũ, dòng sông xưa và người chèo đò tận tụy với công việc. Tôi hỏi cô:

– Vậy còn các thầy cô khác vẫn còn ở trường không cô?

Cô tôi nói với giọng ấm áp:

– Các thầy cô lớn tuổi hơn cô đã nghỉ hưu hết rồi, chỉ còn cô với các thầy cô trẻ tuổi ngày trước. Cô cũng đã già rồi, hai ba năm nữa cô cũng nghỉ hưu rồi, còn nhường cho các thầy cô trẻ tuổi nữa chứ.

Nhìn cô mà lòng tôi đau như một cảm giác nghẹn lòng khó hiểu, cô cũng nhìn tôi một hồi lâu rồi nắm lấy tay tôi và bảo:

– Em ngồi đây nhé, cô đi lấy nước cho em

Vừa mỉm cười tôi vừa đáp lời cô:

– Em cám ơn cô.

Nhìn ra ngoài cửa sổ, trời mưa không ngớt hạt, làm cho tôi nhớ đến một kỉ niệm vào 20 năm về trước…

Trời đang nắng gay gắc, bỗng những đợt mây xám xịt kéo đến, làm trời đất tối sầm lại, những giọt mưa rơi từng hạt, từng hạt rồi lớn dần. Gió thổi càng ngày càng lớn làm cho những cành cây to nghiêng qua nghiêng lại. Nhìn ra ngoài, chỉ thấy mù mịt một màu trắng xóa. Tiếng trống trường tôi vang lên: “Tùng! Tùng! Tùng!”. Tiếng lớp trưởng lớp tôi:

– Cả lớp, nghiêm

Tất cả các bạn học sinh đứng nghiêm chào cô, cô dặn chúng tôi:

– Hôm nay trời mưa, các em ở trong lớp chơi, không được ra ngoài rất nguy hiểm và bị ướt.

Vừa lúc đó, cô nhận được điện thoại qua phòng giáo viên để hội ý. Cô nhờ ban cán sự lớp quản lí lớp giúp cô, trong đó có tôi. Lời cô nói cả lớp bỏ ngoài tay. Thế là cả lớp ùa ra ngoài chơi, trời mưa tạt vào chúng tôi kiến chúng tôi ướt sũng. Không may, gió thổi lớn hơn làm một cành cây gãy trúng vào người tôi, làm chân tôi bị rách và chảy máu rất nhiều. Các bạn đưa tôi xuống phòng y tế và báo cô chủ nhiệm. Cô chủ nhiệm đã không ngại mưa gió đưa tôi vào bệnh viện để khâu lại vết thương, trong lúc khâu, cha mẹ tôi không đến kịp. Cô đã ở bên tôi trong lúc tôi đau đớn nhất. Tôi đã khóc, vừa khóc vì đau lại vừa khóc vì thương cô. Cô đã ở lại chăm sóc tôi đến khi cha mẹ tôi đến, cô vẫn chưa về. Mẹ tôi nắm tay cô và nói:

– Cám ơn cô, cô đã ở đây cũng lâu rồi, cô cứ về nhà nghỉ ngơi. Còn Vân cứ để tôi chăm sóc.

Trong suốt hai ngày tôi nằm viện, ngày nào cô cũng đến thăm tôi và giảng bài lại cho tôi. Tôi cảm thấy có lỗi với cô lắm, sau mấy ngày nằm viện. Tôi lại được đi học, tình cờ, tôi nghe được cuộc nói chuyện của thầy hiệu trưởng với cô tôi. Vì tôi mà cô bị thầy khiểng trách, lòng tôi càng ray rức hơn. Nếu như hôm ấy tôi ở trong lớp thì chắc có lẻ tôi không bị thương, cô tôi cũng không phải vất vả ngày ngày đến bệnh viện giảng bài lại cho một mình tôi và cô cũng không bị thầy trách móc. Tôi hối hận lắm, cuối giờ học, tôi đến xin lỗi cô:

– Cho em xin lỗi vì đã không nghe lời cô, để cô bị thầy chê trách, em thành thật xin lỗi cô, em hứa từ nay về sau sẽ nghe lời cô.

Cô xoa đầu tôi, nói:

– Có lỗi biết nhận lỗi như thế là tốt, cô không sao cả, sau này phải nghe lời cô đó.

Thật nhẹ lòng khi tôi đã xin lỗi cô, bây giờ tôi mới thấu hiểu: “Cô giáo như mẹ hiền” có nghĩa là gì.

Tiếng cô vang lên:

– Nước của em đây

 Còn mãi mê trong những dòng suy nghĩ, cô kêu tôi:

– Vân Vân, em làm sao thế?

Giật mình, phút chốc đã quay về hiện tại. Cái cảm giác ấy thật kì diệu, rồi tôi đáp lời cô:

– Dạ em không sao đâu. Cám ơn cô.

Tôi và cô nói chuyện không được bao lâu thì tiếng trống vang lên: “Tùng! Tùng! Tùng!”. Cô vừa ôm tôi vào lòng vừa bảo:

– Cô phải lên lớp dạy rồi, cô sẽ nhớ em lắm. Nếu có gặp các bạn cho cô gửi lời thăm đến các bạn nhé. Phải cố gắng thành công trong cuộc sống để cô còn tự hào vì có học sinh như các em được chứ.

Tôi bịn rịn, nói:

– Sau này có dịp em nhất định sẽ về thăm trường, về thăm cô. Các bạn nhất định sẽ về thăm cô.

Nói xong, tôi không làm chủ được đôi mắt của mình nữa, dù đã cắn răng thật chặt để không phải khóc, không phải để cô lo lắng. Cô vuốt vai tôi và nói:

– Không được khóc, cô ở đây chờ các em về. Cuộc gặp nào rồi cũng có ngày chia tay mà. Cô phải đi rồi.

Trong lời nói của cô, tôi cảm nhận được cô đang kiềm nén nước mắt mình lại lắm, cô buông tôi ra và quay lưng đi. Tôi chỉ biết đứng lặng người nhìn thấp thoáng bóng cô xa dần, xa dần và tôi nói thầm: “Cô ơi!…Làm sao không khóc được đây cô? Em sẽ trở về, trở về thăm cô mà.” Nhắm mắt lại, nước mắt từ trong đôi mắt chảy dài xuống má. Tôi quay người về phía cổng trường, vừa đi tôi lại vừa suy nghĩ về truyền thống “tôn sư trọng đạo” của người Việt Nam ta. Truyền thống ấy đã có từ bao đời nhưng vẫn tiếp nối đến đời sau, đến tận hôm nay. Tôn sư trọng đạo là kính trọng những người thầy, người cô. “Bán tự vi sư, nhất tự vi sư” một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy.

Trường Nguyễn Du ơi tôi nhất định sẽ về thăm mà, sẽ về vào một ngày không xa. Sau lần về thăm trường này làm cho tôi thêm yêu những người lái đò, có những khách đi đò bạc bẽo, thế mà họ vẫn tận tụy. Thêm hiểu về tình thầy trò, dù đã 20 năm tôi không về thăm cô, vậy mà hôm nay, tôi về cô vẫn không một lời trách móc. Vẫn vui vẻ đón mừng tôi, tình thầy trò là tình cảm quý giá nhất mà con người có thể nhận được. Các bạn tôi ơi, dù như thế nào, có dịp hãy về thăm cô, thăm trường cũ nhé.

Nguyễn Hải Vân

Lớp 10 Văn, Trường THPT chuyên Huỳnh Mẫn Đạt, Kiên Giang

0