06/02/2018, 10:47

MS20 – Kể về một kỉ niệm mà anh chị nhớ mãi

Kể về một kỉ niệm mà anh chị nhớ mãi Bài làm Vậy là tháng 10 đã đến, mới đó mà đã đến giữa tháng, thật nhanh. Thường thì tôi hay nghe người ta nhắc nhiều đến tháng 9, tháng của mùa khai giảng, của sự nô nức, vui tươi. Hay tháng giêng, trẻ con phơi phới nhận quà, đón lộc đầu năm,còn ...

Kể về một kỉ niệm mà anh chị nhớ mãi

Bài làm

Vậy là tháng 10 đã đến, mới đó mà đã đến giữa tháng, thật nhanh. Thường thì tôi hay nghe người ta nhắc nhiều đến tháng 9, tháng của mùa khai giảng, của sự nô nức, vui tươi. Hay tháng giêng, trẻ con phơi phới nhận quà, đón lộc đầu năm,còn với tôi, tháng 10, tháng của gió lạnh đầu đông, lại khiến tôi bồi hồi hơn cả, nó khiến tôi nhớ lại hồi ức của năm tháng cũ.Mùa đông năm ấy trong tôi, mãi mãi là mùa đông đẹp nhất, và nó chính là ngọn lửa tinh thần, truyền hơi ấm giúp tôi vượt qua những khó khăn thử thách, mà có lẽ mãi sau này, khi cuộc sống đã hối hả hơn, có lẽ nó vẫn mãi ở đó, vẹn nguyên như ngày nào…

Năm ấy tôi 11 tuổi, đón mùa đông đầu tiên khi mới bước vào cấp hai. Cấp hai còn nhiều bỡ ngỡ và mới lạ đối với một cô bé vừa chuyển cấp. May mắn cho tôi, được học ở lớp chọn, mà số tôi cũng hay thế, từ nhỏ đến lớn, luôn học lớp chọn như một sự mặc định. Có lẽ chính vì vậy mà trong suy nghĩ của tôi, bạn bè cũng như một sự mặc định. Sự thật thì đúng như vậy, lớp tôi hầu hết đầu là những cô ấm cậu chiêu được nuôi dưỡng đủ đầy, chỉ việc học hành cho thật tốt, chẳng phải lo lắng gì như tôi, nên thành tích họ hầu như đều tốt cả. Chính vì vậy mà chúng tôi đều làm quen với nhau rất nhanh, hơn một tháng kể từ ngày khai giảng, tôi đã quen hầu hết các bạn nữ trong lớp. Nhưng, ngày hôm đó là ngoại lệ đầu tiên.

Tôi chẳng thể hiểu nổi vì sao, một đứa trẻ nhếch nhác, đầu tóc bù xù, da đen nhẻm như thế lại được vào lớp chọn lớp tôi?  Lúc chưa vào lớp,  tôi đã nghe có đứa xôn xao báo tin lớp mình sắp có học sinh mới, đứa nào đứa nấy đều truyền tai nhau có thể là một bạn nam xinh trai nào đấy, hay một bạn nữ tiểu thư xinh xắn như đám con gái chúng tôi chẳng hạn. Nhưng tuyệt nhiên là chưa có ai biết chút gì về thành viên mới, tất cả chỉ là những phỏng đoán lò mò. Sự xuất hiện của bạn đó, quả nhiên là gây ra tâm bão trong lớp chúng tôi. Và như xét đánh ngang tai khi cô giáo chủ nhiệm bước vào và nói: “Các em, đây là Yến! Là học sinh mới của lớp chúng ta” Ai nấy đều mắt tròn mắt dẹt, đứa nhìn chằm chằm rồi thản thốt kêu lên, đứa khẽ đập bàn rồi quay xuống tỏ vẻ không ưng ý một cách khôn lỏi a dua theo không khí của cả lớp. Riêng tôi thì cũng ngạc nhiên không kém. Nhìn Yến chẳng khác  gì một đứa trẻ nhà nghèo, đôi dép tổ ong mòn cả gót, đã ngả vàng vì cũ. Bộ quần áo cũng không phải đồ mới, vì nó có một vài chỗ đã được vá lại, tóc tai thì bù xù. Con gái lớp tôi ai cũng xinh, da ai cũng trắng, trông thật dễ thương biết bao, thì ngược lại, Yến có nước da đen, tay chân thì càng đen hơn, chỉ có đôi mắt sáng, nhưng chỉ dám liếc nhìn chúng tôi, rồi vội vàng cụp xuống vì ngại ngùng. “Bây giờ cô sẽ phân chỗ ngồi cho Yến!” Cả lớp trầm xuống, chẳng ai muốn nói gì, vì chẳng ai muốn một người như thế ngồi cùng chỗ với mình, thật không may cho tôi, khi cô giáo phân Yến ngồi ngay cạnh tôi. Đứa nào cũng nhìn tôi ái ngại, và bản thân tôi chỉ muốn hét lên vì sự khó chịu này. Yến ngồi xuống bên cạnh, còn tôi giả vờ nhấc cặp tỏ vẻ khó chịu ra mặt, tôi khá ngạc nhiên khi Yến đưa tay và nói: “Chúng mình là bạn nhé” tự nhiên khiến tôi thấy bức bối rồi quay mặt đi, cố ý chẳng thèm nói năng gì. Mặc dù biết điều đó sẽ khiến Yến buồn, nhưng tôi thì vui và thích chí lắm, vì tôi nghĩ, một người có vẻ ngoài yếu đuối như thế, chẳng mấy chốc sẽ vì điều này mà phải chuyển chỗ, có khi chuyển lớp chẳng biết chừng.

Rồi cứ thế chúng tôi ngồi với nhau được gần một tuần, mặc dù Yến đã chính thức bước vào lớp tôi được 4 hôm, nhưng những cuộc trò chuyện xoay quanh cô bạn mới vẫn chưa hết nóng. Đặc biệt là tụi con gái chúng tôi, có một điều hiển nhiên là khi con gái cùng nói xấu một đối tượng nào đấy, thì chính xác rồi, đó chính là nơi nguy hiểm nhất, vì mọi thứ sẽ được mổ xẻ, đủ điều trên trời dưới đất sẽ được bàn tới, ánh mắt nhìn đầy khinh rẻ và những câu nói kiểu như: “Ôi cái con đấy thì…” hay “Chắc nó chẳng ra gì đâu..” thì nhiều vô kể, mặc dù đấy chỉ là những suy diễn thì nó cũng khiến cái tôi của mỗi chúng tôi được thỏa mãn, khi hạ bệ thành công một đối tượng mà mình thấy ghét. Thằng Chiến là thanh niên chuyên buôn chuyện lớp tôi, nó còn đồn thổi rằng Yến là “con ngoài giá thú” không phải do mẹ đẻ đẻ ra, được nuôi nhờ bởi mẹ kế hung ác, chuyên bị đánh đập. Lũ con gái xuýt xoa, chẳng biết chúng nó nghĩ gì, còn tôi thì chậc lưỡi nghĩ, rồi chẳng mấy chốc cái tin này không biết là giả hay thật rồi sẽ được truyền khắp khối cho xem. Mấy đứa còn cũng khen hành động tôi làm khi tiếp xúc với Yến ngày đầu tiên là đúng, các bạn nữ coi Yến như một đứa nhà nghèo, mà “thấy sang bắt quàng làm họ” và họ nói với tôi hãy cứ làm như vậy, để cho Yến biết mình biết người mà tránh xa chúng tôi ra, đơn giản vì “người không cùng đẳng cấp”. Bước vào tiết học đầu tiên với môn toán, cô giáo giao bài tập tự luyện, khi tôi đang ngồi làm chăm chú thì đột nhiên Yến quay sang hỏi bài. Bạn chỉ dám hỏi khẽ tôi, như sợ bị tôi quát, tôi nghe thấy nhưng giả vờ lờ đi tiếp tục làm tiếp. Yến có vẻ hơi lưỡng lự, xong vẫn tiếp tục hỏi, tôi hơi bực mình nhưng không nói gì, đột nhiên tay Yến vô tình chạm vào vở tôi, tôi cau mày khó chịu khi phát hiện ra Yến bị ra mồ hôi tay, và sau đó tôi mới phát hiện ra mồ hôi tay  Yến dính nhơ nhớp vào trang vở trắng của tôi. Tôi thực sự cáu và cảm thấy phẫn nộ, sự tức giận từ khi bị cô phân chỗ tích tụ dồn nét và bộc phát ngay lúc này. Tôi đứng phắt dậy, gắt lên: “Cậu làm gì thế hả? Vở tôi bị cậu làm cho bẩn hết rồi đây này” rồi quay lên thưa với cô giáo dạy toán, cũng chính là cô chủ nhiệm của chúng tôi: “Thưa cô em muốn chuyển chỗ”. Cả lớp học đang yên lặng bỗng nhiên trở nên ồn ào vì những tiếng xì xào to nhỏ, cô giáo yêu cầu lớp giữ trật tự rồi nhẹ nhàng tiến đến chỗ chúng tôi. Khi cô giáo chưa kịp lên tiếng, Yến đã vội vàng xin lỗi tôi, tuy bạn nói hơi nhỏ nhưng vẫn đủ để tôi nghe thấy. Tôi chỉ muốn phớt lờ lời xin lỗi từ Yến và càng tỏ vẻ bực tức hơn trước lời xin lỗi ấy.

Việc chuyển chỗ của tôi vẫn tạm phải gác lại, vì lí do tôi thưa lên cô không hợp lý cho lắm. Tôi bực bội trở về nhà và muốn mẹ giải quyết giúp mình việc đấy. Tôi vừa về thì trời mưa, mẹ tôi đi làm xa nên về trễ. Tầm hơn 8h tối vẫn chưa thấy mẹ đâu, tôi thấy hơi bất an nên gọi điện, vừa đúng lúc ấy thì tiếng xe máy mẹ về đến nơi, vừa tới cửa tôi còn nghe đâu tiếng thất thanh của mẹ: “Chết rồi! Ngọc ơi, tiền lương của mẹ tháng này bị rơi mất rồi” Tôi bàng hoàng, chẳng còn tâm trí nào quan tâm đến vụ việc ở lớp hôm nay nữa. Mẹ đèo tôi trên xe, đi dọc những đoạn đường mà mẹ đã đi qua, sau khi tìm rất lâu mà vẫn không thấy, hi vọng cuối cùng của hai mẹ là đồn công an, biết đâu sẽ có người tốt bụng nào đấy, không nảy lòng tham mà nhặt được rồi trả lại thì sao? Trong ví bị rơi của mẹ còn giấy tờ xe, chứng minh thư, biết đâu người nhặt được lại là người quen nên mang trả lại. Mưa càng lúc càng nặng hạt, gió lạnh và bụng đói, tôi đứng ngoài đợi mẹ vào hỏi. Bất ngờ thay, lúc ra, nhìn gương mặt phấn khởi, mừng rỡ của mẹ khác hẳn với tưởng tượng của tôi, mẹ bảo: “Ông trời có mắt! Có đứa bé tốt bụng đã mang đến con ạ” Tôi mừng rỡ nghĩ thầm: “trên đời vẫn còn những người tốt bụng như vậy nữa cơ à?” Tiền trong bóp không thiếu một đồng, giấy tờ quan trọng vẫn còn đủ, mẹ con tôi bụng đói nên tạt vào một quán bên đường ăn tạm. Sau khi ăn xong, quyết định lên đường tìm đến nhà cô bé đã nhặt được ví của mẹ. Trời vừa mưa vừa lạnh nên ngoài đường rất ít người. Theo những gì mẹ biết, thì nhà cô bé đó ở cách đây khá xa, lúc đầu cô bé  không có ý để lại tên tuổi, chỉ mang đến và định đi ngay, nhưng vì mấy chú công an có hỏi, nên đành để lại tên và địa chỉ. Mẹ tôi bảo cô bé đó bằng tuổi tôi, à thì ra bằng tuổi, người bạn đó đúng là tốt bụng nhỉ. Tôi cảm thán trong lòng.

Ngôi nhà ở trong một con hẻm vắng, ánh đèn vàng leo lét không đủ sáng thắp ở bên ngoài. Ở ngoài được rào bởi hàng rào không chắc chắn, tôi tự nhủ, bây giờ là thời buổi nào mà vẫn còn có người dùng hàng rào để bảo vệ nhà như thế này nữa? Tiếng chó sủa dồn từ phía trong, tiếng cửa mở khẽ, mẹ tôi cất tiếng hỏi: “Cho hỏi đây có phải nhà cô Mai không?” cửa mở rộng hơn một chút, một giọng nói vọng ra: “Dạ đúng, nhưng cô là ai ạ?” Giọng nói ấy nhỏ nhẹ trong sáng lắm, tôi bỗng sững người ngạc nhiên, đứng đờ một chỗ, giọng nói này chẳng phải của Yến hay sao? Mẹ tôi nói tiếp: “Cháu có phải là con cô Mai? Ngày hôm nay vừa nhặt được một ví tiền đánh rơi không?” Nói xong cô bé tiến ra, trời ơi, đúng là Yến rồi chứ còn ai vào đây được nữa. Yến không buộc tóc mà thả tóc, mái tóc dài chấm hông nhìn từ xa trông thướt tha biết bao. Yến cất tiếng chào, rồi đáp lại: “Dạ vâng ạ, nhưng cô tìm cháu?…” và cùng lúc đó, Yến cũng nhận ra tôi đang sững người không tin vào mắt mình đứng sau mẹ, ánh mắt sáng ánh lên sự ngạc nhiên không kém gì tôi, Yến nở nụ cười và vẫy tay chào tôi, tôi chẳng biết làm gì vào lúc này, chỉ biết cúi mặt theo sau mẹ bước vào trong nhà.

Gian nhà nhỏ hơi tối và lụp xụp quá, Yến rót nước mời tôi và mẹ, bộ ấm chén con con, bộ bàn ghế nhựa nhỏ, và cái tivi thời cũ vẫn còn ăng ten. Tôi cảm thán trong lòng, và càng thương xót hơn khi nhìn thấy một bà cụ mắt lòa nằm trên giường, Yến sau khi rót nước đứng dậy đỡ bà, người bà khổ hạnh như cả đời bán mặt cho đất bán lưng cho trời, nhìn bà ấy đáng thương quá, đến già vẫn không được hưởng một cuộc sống bình an no đủ, sau những tháng ngày vất vả của tuổi trẻ. Mẹ Yến từ bếp tiến ra, cùng đứa bé nhỏ bồng trên tay, Yến tiến tới thay mẹ bế em để mẹ tiếp khách, đứa bé cũng nhỏ và ốm yếu, tôi đoán nó khóc thét lên vì đói, vì không có sữa. Mẹ tôi và mẹ Yến trò chuyện với nhau một lúc lâu, tôi ngồi cạnh sau khi nghe cuộc nói chuyện mới biết bố Yến vừa mới qua đời, nhà không còn trụ cột, chỉ có mẹ Yến phải buôn bán ngoài chợ hằng ngày. Yến thường ngày vẫn làm đủ mọi công việc để giúp mẹ, bạn bán vé số và trông em, chăm bà nội, nghĩ thế tôi mới chợt ngộ ra thản nào da Yến đen nhẻm đến thế. Bà của Yến nay đã già yếu lại bệnh tật ngày một nặng, cuộc sống khổ cực cứ luôn đè lên đôi vai nhỏ của cả mẹ Yến và Yến, bằng tuổi tôi nhưng Yến chẳng có một cuộc sống vui tươi, no đủ mà một đứa trẻ đáng được hưởng. Nhưng may mắn thay, nói đến lúc này, cô Mai mỉm cười nhìn cô con gái lớn, là Yến: “Tuy không được bằng bạn bằng bè, nhưng may mắn cho tôi, có được cô con gái luôn ngoan ngoãn.” Tôi hết sức ngạc nhiên khi suốt 5 năm liền, Yến luôn là học sinh tiêu biểu của thị. Tôi gật gù, thản nào Yến đỗ vào lớp chọn. Mẹ tôi dành cho Yến nhiều lời khuyên và lời động viên, trong đó không thiếu câu nhắc đến tôi. Trước khi ra về, mẹ tôi dành một khoản tiền nho nhỏ, coi như hậu tạ cho Yến mà cũng như động viên tinh thần của cô học trò hiếu học. Mẹ Yến nhất mực muốn từ chối, luôn mực nói rằng, tôi và Yến là bạn bè cùng lớp, chắc chắn sẽ còn giúp đỡ nhau nhiều, nên không cần khách sáo làm gì. Nhưng dù có nói vậy, mẹ tôi vẫn khéo léo đưa cho Yến số tiền hậu tạ.

“Yến là một người bạn tốt và chân thành, con nhất định phải đối xử thật tốt với bạn đấy nhé” mẹ tôi đã nói vậy với tôi trên đường về khiến tôi nhớ lại những gì mình đã làm với Yến, hành động bồng bột của tôi, sự tổn thương của Yến? Lời xin lỗi của Yến thì sao? Tôi làm sao có thể quên được, tôi phải làm gì để bù đắp lại những gì mình đã làm với Yến đây? Tôi thấy mình ngốc nghếch và khờ dại, tại sao mình lại nhìn mặt mà bắt hình dong như vậy? Nếu không xảy ra chuyện hôm nay, có lẽ tôi đã đánh mất đi một người bạn đáng được trân trọng, đáng quý mất rồi.

Ngày hôm sau đến lớp, tôi còn nhớ như in cái cảm giác hồi hộp, lo lắng vẫn còn phấp phỏm trong lồng ngực. đến bây giờ nghĩ lại, tôi vẫn còn thấy mình  buồn cười biết bao. Tôi đến lớp từ sáng sớm, bởi hôm nay là bàn tôi trực nhật, ngồi vào chỗ đợi Yến từ sớm, lòng tự hỏi không biết bao nhiêu lần, không biết Yến có tha thứ cho tôi không, không biết Yến có giận tôi nhiều không? Không biết Yến có tổn thương lắm không? Rồi lại trách mình vẩn vơ. Nhưng xong lại an ủi, rằng Yến là cô bạn tốt, Yến sẽ tha thứ cho mình thôi… Yến cũng đến sớm hơn mọi ngày, vừa nhìn thấy bạn tôi chủ động vẫy tay chào Yến nhưng bằng sự ngượng ngùng, còn Yến thì vui vẻ tiến đến, nắm lấy tay tôi và nói: “Ngọc ơi, chúng mình cùng nhau trực nhật nào” tôi còn nhớ lúc đó mình không khỏi sững sờ và vui mừng, tôi rất mừng vì bạn không hề giận mình, lại còn vui vẻ như chưa có chuyện gì xảy ra, vậy nên tôi cũng không miễn cưỡng làm gì, rất tự nhiên tôi trò chuyện với Yến như người bạn đã thân quen từ trước, và giấu Yến việc tôi đã tới từ sớm và trực nhật nữa rồi.

Ngày hôm đó trôi qua trong vui vẻ và chân thành, tôi giúp Yến làm quen với các bạn nữ khác, không quên kể cho các bạn ấy nghe về việc tốt mà Yến đã làm. Nhờ có thông tin quan trọng ấy thông qua thằng Chiến lớp tôi, nên đứa nào trong lớp cũng biết Yến có tấm lòng trong sáng, lương thiện. Không những thế ai cũng lấy làm trầm trồ ngưỡng mộ về thành tích mà Yến  đã đạt được trong những năm tiểu học. Tôi nhớ lắm nụ cười trên môi Yến ngày hôm ấy, chưa bao giờ Yến dạn dĩ phát biểu, thoải mái trò chuyện cùng mọi người như thế. Cô giáo cũng mừng vì lớp tôi luôn đoàn kết hòa đồng, tôi còn mong thời gian ấy cứ mãi như vậy đừng qua đi, ngày hôm đấy tôi thật sự muốn được là một người bạn thân của Yến, tôi mến bạn vì sự lương thiện của Yến, bản thân tôi tự nhủ mình phải luôn học tập từ bạn, sự nỗ lực cố gắng của Yên luôn là tấm gương sáng mà mãi sau này tôi luôn tự hào khi mình có được cô bạn thân như vậy.

Hôm nay trời lại đổ mưa, một đêm mưa của mùa đông tháng 10 năm 2017, cuốn lưu bút đặt trên bàn cùng những lá thư viết vội đã ngả màu theo năm tháng. Nước mắt tôi vẫn khẽ tuôn, những giọt nước mắt chẳng biết vì lí do gì cứ thế chảy xuống gò má. Lời chia tay Yến viết vội trong nước mắt, chúng tôi chỉ học được với nhau 1 năm, năm lên lớp 7 Yến cùng mẹ chuyển vào nam sống cùng người thân bên ngoại vì bà nội của Yến mất. Chúng tôi hẹn nhau mùa xuân năm sau sẽ cùng nhau vẽ tranh, làm thơ, viết truyện, rồi đứa làm họa sĩ, đứa làm bác sĩ cơ mà. Nhưng bao nhiêu năm qua, thời gian cứ thể để chúng tôi lớn lên, nhưng mỗi đứa một nơi, cách xa nhau quá, nên chẳng có cơ hội mà gặp mặt. Chẳng biết Yến bây giờ ra sao, dự định năm sau bạn sẽ thi trường gì, chúng tôi cũng không có cơ hội để hỏi han nhau, để tâm sự cùng nhau như ngày ấy nữa. Tôi biết rồi thời gian rồi cũng sẽ qua đi, những kí ức như vậy rồi cũng trở thành hoài niệm để nhớ nhung suốt cả một đời. Dù có gặp mặt hay không, nhưng tôi chắc rằng cả hai vẫn luôn coi nhau là bạn, tình bạn ấy sẽ luôn sống cùng thời gian, đồng hành cùng mỗi chúng tôi trên chặng đường đời.

Nguyễn Bích Ngọc

Lớp 12A1, Trường THPT thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái

0