18/06/2018, 17:06

Một thể chế đồng bằng hay trọng nông ở miền trung Việt Nam thời vương quốc Champa cổ

Hệ thống giếng cổ Chăm ở Quảng Trị Đổng Thành Danh Đặt vấn đề Từ trước đến nay, Champa trước đây và miền Trung Việt Nam sau này, vẫn thường được xem như là một thể chế biển hay một thể chế trọng thươngđiển hình ở khu vực Đông Nam Á.Hầu hết các nhà Champa học đều chỉ nhìn ...

Hệ thống giếng cổ Chăm ở Quảng Trị

Hệ thống giếng cổ Chăm ở Quảng Trị

Đổng Thành Danh

  1. Đặt vấn đề

Từ trước đến nay, Champa trước đây và miền Trung Việt Nam sau này, vẫn thường được xem như là một thể chế biển hay một thể chế trọng thươngđiển hình ở khu vực Đông Nam Á.Hầu hết các nhà Champa học đều chỉ nhìn nhận Champa như một vương quốc thương mại với những đoàn thuyền viễn dương khắp bờ biển Đông Nam Á, với những hải cảng thương mại (như Hội An, Thị Nại…) nằm dọc theo trục lộ các con sông (sông Thu Bồn, sông Côn, sông Ba…) là nơi trao đổi các mặt hàng từ vùng Cao Nguyên xuống và từ đấy xuất khẩu ra nước ngoài để thu về lợi nhuận[1].

Trong sự mô tả đó, thật khó để có thể hình dung Champa như là một chính thể trọng nông hay một thể chếđồng bằng điển hình, như Angkor hay Đại Việt. Thêm vào đó, cấu trúc địa lý – khí hậu của Champa lại làm cho luận điểm này thêm chắc chắn, rằng với một diện tích đồng bằng nhỏ hẹp, bị bao phủ bởi núi và biển, nhưng vùng đồng bằng ấy lại liên tục bị cắt xẻ bởi các dãy núi ăn ra tận biển và các dòng sông chạy dài từ núi đến biểnthì khó mà có điều kiện để canh tác nông nghiệp, miền Trung lại là một vùng đất khô hạn, đất đai lại thiếu vắng phù sa để trồng các cây lương thực.

Nhưng trong đó không phải không có những ngoại lệ, cách đây gần 100 năm G. Maspero đã khái quát về nghề nông và kỹ thuật canh nông của người Champa[2], gần đây Giáo sư Momori Shiro[3]lại nêu lên nghi vấn về thế chế biển ở Champa và sau đó quan điểm này được bổ sung bởi Giáo sư Trần Quốc Vượng với khẳng định: “Miền Trung không nghèo cố hữu như ta tưởng theo một thứ lý luận định mệnh chủ nghĩa”[4]. Tuy nhiên, những nghiên cứu này vẫn chỉ mớimang tính tiên khởi và gợi mở, vì những lẽ ấy, trong bài viết này chúng tôi sẽ đóng góp thêm nhiều tư liệu hầu chứng minh vương quốc Champa không chỉ là một chính thể trọng thương mà còn là một chính thể trọng nông, với một ngành nông nghiệp cũng thịnh đạt bên cạnh ngành thương mại.

  1. Qua các nguồn tư liệu và thư tịch cổ

Các sử liệu Trung Hoa là những nguồn tư liệu đầu tiên ghi nhận Champa như là một quốc gia của người vượt biển, của những thủy thủ, nhưng thương nhân buôn bán và cướp bóc trên khắp mặt biển của khu vực…Chính từ những ghi chép này, các nhà nghiên cứu về Champa đã có những tư liệu quan trọng để nhìn nhận Champa như một quốc gia biển, với sự thịnh đạt của nghề thương mại. Nhưng cũng chính những nguồn sử liệu này, khi được nghiên cứu tường tận, sẽ cung cấp một cái nhìn khác về vương quốc Champa.

Tư liệu sớm nhất nói đến hoạt động canh tác nông nghệpcủa Champa có thể là Thủy Kinh Chú (Thế kỷ VI),theo ghi nhận của sách này cư dân Champa khi mới lập quốc đã có nền canh nông thịnh đạt, ở đấy người dân đã nắm vững kỹ thuật canh tác, biết cải tạo giống và trồng lúa hai vụ, sách chép: “…Nhân dân biết cày bừa cách đây hơn 600 năm… ruộng gọi gọi là bạch điền thì trồng lúa trắng, tháng 7 đốt rẫy, tháng 10 lúa chín; ruộng gọi là xích điền thì trồng lúa đỏ, tháng 12 trồng thì tháng 4 lúa chín, người ta gọi hai vụ lúa là vậy…”[5].

Thế kỷ thứ XIII, một tư liệu khác là Chư Phiên Chí cũng mô tả về kỹ thuật cày ruộng và các giống cây trồng tại Champa như sau: “Nước Chiêm Thành… người dân cày ruộng bằng một đôi bò, ngũ cốc không có lúa mạch, chỉ có lúa tẻ, kê, đay, đậu, họ không trồng chè, cũng không biết cách ủ men rượu, chỉ uống rượu dừa, quả có các loại như sen, mía, chuối, dừa…”[6]. Những mô tả dù ngắn gọn nhưng khái quát, cho thấy người Champa đã biết cày cấy, và có số lượng giống cây trồng rất đa dạng ngoài các cây lương thực khác họ còn trồng lúa và nhiều loại cây ăn quả.

Những tài liệu của Trung Hoa cũng ghi nhận về các mặt hàng được xuất sang Trung Hoa mà chúng tôi dẫn lại của Gs. Momoki Shiro bao gồm: Vàng, bạc, thiếc, sắt, ngọc “baomu”, ngọc trai “Chengshuichu”, ngọc trai lửa, hổphách, pha lê, ốc tiền?, các loại đá “pusashi”, sừng tê, ngà voi, mai rùa, trầm hương, gỗ đàn hương, long não, xạ hương, trầm, hồng thuỷ, dầu lửa, bông, vải “Zhaoxia”, vải có vẽ màu, vải bông trắng, chiếu lá cọ, “mingjjao”? “wujjao”? sáp ong vàng, lưu huỳnh, gỗ vang, gỗ mun, tre “guanyin”, gạo, tổ yến, hạt tiêu, cau, dừa, mít, cây “haiwuzi”,…[7]. Đáng chú ý trong số các mặt hàng này có gạo.

Các bia ký Champa, vốn thường là những tài liệu ghi chép về việc xây dựng đền tháp, ghi chép về tôn giáo và chiến công của những vị vua…, cũng để lại nhiều chi tiết về tình hình nông nghiệp ở Champa. Trong phần lớn các bia ký của Champa từ Mỹ Sơn cho đến các cụm tháp ở miền Nam Champa, chúng ta đều thấy các ghi nhận về việc cúng ruộng và dân nô lệ cho các vị thần, sau khi một vị vua cho xây dựng hoặc tu sửa ngôi đền này, hay trong các dịp vua mới lên ngôi hoặc vừa giành chiến thắng ngoại xâm. Trong những lần đó, vị vua thường dâng ruộng ở các địa phương gần đó cho thần, tức là hoa lợi của các ruộng đó sẽ trở thành vật phẩm cho thần, số lượng chi tiết các vật phẩm, các ruộng, sản lượng lúa của ruộng cũng được kê khai ất chi tiết trong từng bia ký.

Trong đó một bia ký ở Mỹ Sơn của Harivarman I (1047 – ?) còn ghi nhận một cách chi tiết số ruộng và lúa (của ruộng) cúng cho vị thần của mình như sau: Ruộng Salamvan (từ sông Sinhapura đến rừng Lak) 170 Jak[8]; ruộng Siniol[9] 200 jak; ruộng palei (làng) Gunam 300 jak (trrong đó loại makik: 150; siniol 150); ruộng palei Bhauh 550 jak (makik: 300; malau: 100; satam: 100; siniol: 50); ruộng ở palei Sukintut 200 jak (makik: 150; malau: 50)… và nhiều ruộng khác[10].

Ngoài ra, văn bia tại tháp Po Kloang Garai cũng ghi nhận lại các chi tiết về việc cúng ruộng như sau: “Lời kính cẩn. Đây là tổng số ruộng và người phục vụ trong chiến lũy của Ngài Sri Jaya Singhavarmadeva (hay là) hoàng tử Sri Harijit [tức là vua Sinhavaman III, mà sử Việt gọi là Chế Mân],…, ruộng Bắc, Nam dâng hiến cho Ngài Sri Jaya Singhavarmanlingesvara [danh xưng kết hợp vua – thần của Đấng Shiva], thần tối cao của hạ thần đó là ruộng một khu vực ở làng Apuh tên là ruộng Kuvaing trước tiên ở phía Đông Bắc nơi gần mương lớn. Đi [về phía] Nam cùng một bờ dốc với ruộng Nhà nước”[11].

Thêm vào đó, chúng ta còn tìm thấy trong các tư liệu hoàng gia Panduranga –  Champa (viết bằng mực trên giấy hoặc lá buông) những tư liệu bao gồm các văn thư hành chính trong đó phần lớn là các sổ đinh, sổ địa bạ ruộng đất, thuế má, số kho lương thực và các giấy tờ mua bán và chuyển nhượng ruộng đất. Đó cũng là lý do mà lúa là một loại giống rất thịnh hành trong nông nghiệp, đó cũng là mặt hàng phổ biến thường xuất hiện trong các hoạt động trao đổi, mua bán, vay lãi và trả góp trong sinh hoạt hằng ngày ở Champa trong thời kỳ cận đại[12].

Những nguồn tư liệu cổ dù ít ỏi và tản mạn nhưng cũng là những chỉ dẫn quan trọng cho chúng ta trong việc tiến đến một nhận thức mới về Champa. Những tư liệu này đã khắc họa cho chúng ta thấy rằng tử xa xưa người Champa đã nắm vững kỹ thuật canh tác lúa hai vụ, biết dùng sức kéo trong trồng trọt, đa dạng cơ cấu cây trồng, biết lai tạo giống lúa Chiêm có khả năng chịu hạn cao[13]. Cũng từ những tài liệu này ta nhận thấy ruộng và lúa có vai trò trọng trong đất nước phục vụ không chỉ cho các hoạt động tâm linh, mà còn phổ biến trong các hoạt động sinh hoạt bình thường của nhân dân trong xứ sở.

  1. Qua dấu vết các công trình thủy lợi và tư liệu dân tộc học

Đập Nha trinh (Ninh Thuận)

Đất đai và địa hình miền Trung rất khô cằn, nhỏ hẹp chạy dài theo chiếc Bắc – Nam, phía Đông bị bao bọc bởi biển, phía Tây giáp dãy Trường Sơn nhiều núi non hiểm trở, đất đai lại liên tục bị cắt xẻ và chia cắt bởi các dãy núi chạy dài ra biển tạo thành các đèo (như đèo Ngang, Hải Vân, Cù Mông, Cả…), lãnh thổ đó cũng bị chia cắt bổi các con sông chạy từ núi ra đến tận bể (như sông Gianh, Hương, Thu Bồn, Đả Rằng…)[14].

 Địa hình tổng thể này rất khó cho sự phát triển của ngành nông nghiệp, nhất là nghề trông lúa, bù lại người Champa cổ đã sáng tạo nên các công trình thủy lợi để phát triển ngành canh nông trong đất nước.  Ngày nay, dấu vết các công trình dẫn thủy nhập điền vẫn còn lưu lại trên dọc miền Trung đất nước, từ các đập nước ngăn sông cho đến các hệ thống giếng nước không chỉ phục vụ cho sinh hoạt như các loại giếng thông thường mà còn sử dụng phổ biến trong hoạt động tưới tiêu đồng ruộng.

Đầu tiên, phải kể đến một loạt các hệ thống thủy lợi được làm bằng đá xếp ở Do Linh (Quảng Trị). Tuy nhiên vấn đề chủ nhân của hệ thống các công trình đá xếp này vẫn gây ra nhiều tranh luận. Trong khi các học giả người Pháp, đặc biệt là M. Colani, cho rằng chủ nhân của các công trình này có nguồn gốc từ trước công nguyên hay là của một nền văn minh tiền Champa, thì Tạ Chí Đại Trường lại cho rằng chủ nhân của phức hệ này là những người Việt di cư từ thế kỷ XVI – XVII[15].Thế nhưng gần đây, các nhà khảo cổ lại đưa ra nhiều chứng cớ cho thấy chủ nhân của các công trình xếp đá ở Quảng Trị là người Chăm cổ, những chủ nhân của vương quốc Champa[16].

          Dù chủ nhân của những công trình thủy lợi này có từ thời tiền Champa hay chính là người Champa, thì đó cũng là chỉ dấu cho thấy, người xưa đã rất quan tâm đến các hoạt động dẫn thủy nhập điền để phục vụ cho nông nghiệp trên một vùng đất có địa hình và khí hậu khắc nghiệt. Những công trình này lợi dụng những nguồn nước ngầm chảy ra ngoài hoặc các nguồn nước chảy từ trên đồi xuống, người ta xếp đá xung quanh để chặn, giữ nguồn nước để phục vụ theo ý muốn của mình. Nhờ vậy, nước được giữ lại theo một hệ thống gồm nhiều phần, phần đầu dùng để nấu, uống, tiếp theo là để tắm rửa, phần dưới nữa dùng cho trâu, bò uống và cuối cùng nước được dẫn ra tưới tiêu cho ruộng đồng ở quanh đó.

          Đó là đối với các vùng đồi và ven đồi, còn với các vùng đồng bằng rộng lớn ở phía Nam Quảng Trị, nơi mà các con sông lớn chạy theo chiều Tây – Đông cắt ngang bờ lãnh thổ, người xưa thường xây dựng các đập chắn ngang sông để giữ nước và dẫn nước chảy về các con kênh, mương rồi mới dẫn đến các đồng ruộng. Ngày nay dấu tích của những công trình dẫn nước cổ này được duy trì nhiều nhất ở các tỉnh cực Nam Trung bộ là Ninh Thuận, Bình Thuận, những vùng đất khô hạn và nắng nóng nhất nước như các đập Nha Trinh, Ma Rên (Ninh Thuận), đập Cây Khế (Bình Thuận)…

Tiêu biểu trong số các công trình đập nước cổ xưa nhất mà ngày nay còn tồn tại là đập Nha Trinh ở Ninh Thuận. Theo truyền thuyết Po Kloang Garai (1151 – 1205) cho xây dựng, cũng theo truyền thuyết, khi tìm nơi xây đập vua cho thả một thân cây chuối từ thượng nguồn xuống nơi nào cây chuối trôi chậm và tấp vào bờ thì xây dựng ở chổ ấy. Dù đây chỉ là truyền thuyết nhưng theo đánh giá của các chuyên gia đây là cách làm đơn giản nhưng rất khoa học của người xưa bởi vì nơi cây chuối tấp vào bờ là chỗ khúc sông uốn khúc, dòng chảy chậm và sức nước giảm đi rất thuận tiện cho việc xây đập và điều tiết nguồn nước sau này[17]. Thân đập được xây theo hướng Bắc – Nam, bằng những tảng đá lớn xếp đều nhau, nhưng vẫn tạo nên những khe hở để nước thoát quá và không bao giờ tức nước dẫn đến sự dân tràn. Ở hai bờ Bắc và Nam của đập nước sẽ được dẫn vào một cái mương, mà dân gian thường gọi là mương Đực và mương Cái.

Ở địa bàn tỉnh Bình Thuận, người Chăm xưa cũng xây dựng nhiều đập thủy lợi, trong đó đáng kể là đập Cây Khế ở huyện Hàm Thuận Bắc, đây là công trình thủy lợi cổ xưa nhất ở địa phương. Đập Cây Khế lấy nước từ hồ Sông Quao, rồi đổ theo sông ấy mà ra biển, đập đổ ra hai nhánh ở phía Bắc và Nam , một nhánh đổ ra mương Kim Luông và mương Đại Đạo. Đập Cây Khế là một chỉ dấu cho thấy trình độ bật thầy của người xưa trong công tác thủy nông, mà ngày nay chúng ta vẫn thừa hưởng, ứng dụng, gia cố và tôn tạo thêm trên nền móng cũ, hiện nay đây vẫn là công trình có giá trị hết sức quan trọng,đó là nguồn cung cấp nước chính cho toàn bộ huyện Hàm Thuận Bắc.

Đối với các giếng nước dùng phục vụ cho sinh hoạt lẫn sản xuất thì ngày nay còn tồn tại ở Ninh Thuận, mà nổi tiếng nhất là cặp giếng cổ ở làng Thành Tín (huyện Ninh Phước). Giếng Champa thường có hình vuông được xây bằng đá hoặc gỗ, cặp giếng ở Thành Tín được xây bằng gỗ, gồm hai giếng đực và cái, giếng đực là giếng thiêng nước chỉ được sử dụng trong các nghi lễ, trong khi giếng cái dùng cho sinh hoạt của dân làng với nhiều chức năng sử dụng: phần đầu nguồn để uống, kế tiếp là nước tắm giặc, thứ ba là phần nước cho động vật, cuối cùng nước sẽ được dẫn ra một con mương khoảng 20m để chảy vào ruộng lúa quanh vùng[18]. Nhờ hệ thống giếng này mà cả vùng dù không có con sông nào chảy qua nhưng ruộng lúa vẫn luôn tươi tốt, cung cấp nhiều nguồn hoa lợi cho người nông dân địa phương từ xưa đến nay. 

Bên cạnh những dấu vết của các công trình thủy lợi, kho tàng văn hóa dân gian của các tộc người, mà tổ tiên họ trước đây là chủ thể của nền văn minh Champa, cũng để lại nhiều chi tiết cho thấy dân tộc Champa rất xem trọng nông nghiệp, nhất là nghề trồng lúa. Bằng chứng là hằng năm các tộc người thiểu số ở miền Trung và Tây Nguyên đều tổ chức các lễ hội có liên quan đến lễ nghi nông nghiệp và tục thờ hồn lúa như lễ Mừng lúa mới của các dân tộc ít người ở Tây Nguyên và cao nguyên Trường Sơn. Mục đích của những lễ tục này không ngoài các ý nghĩa tạ ơn thần linh, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu… đó chính là tư duy phổ biến chỉ có trong những cộng đồng dân tộc trọng nông nghiệp.

Người Chăm ở đồng bằng ven biển miền Trung cũng tổ chức một chuỗi các nghi lễ nông nghiệp và tục thờ thần lúa trong năm. Đầu tiên là nghi lễ đầu năm Rija Nagar mà mục đích là cầu mưa thuận gió hòa, vụ mùa thuận lợi cho hoạt động trồng trọt trong năm, rồi đến các nghi lễ như lê dựng chòi cày, lễ cúng ruộng lúa đẻ nhánh, lễ cúng lúa làm đồng, lễ thu hoạch lúa, lễ mừng lúa mới, lễ cầu đảo, lễ chặn nguồn nước…  những lễ này đều liên quan đến chu kỳ phát triển cây lúa trong năm, đều cầu cho mưa thuận gió hòa để người dân thuận lợi trong hoạt động canh nông. Những điều đó là chỉ dấu cho thấy sự chú trọng đến sản xuất nông nghiệp của các dân tộc miền Trung – Tây Nguyên, vốn có truyền thống lâu đời từ khi vương quốc Champa còn tồn tại, do đó nó nói lên truyền thống nông nghiệp trong tư duy của ngưởi Champa cổ.   

  1. Kết luận

Thông qua những sự nghiên cứu tường tận các nguồn tư liệu chúng ta có thể tìm ra nhiều chi tiết thú vị về hoạt động nông nghiệp của vương quốc Champa cổ, một vương quốc vốn vẫn được hình dung như một chính thể trọng nông. Những nghiên cứu tham chiếu, so sánh giữa các nguồn tư liệu từ thư tịch đến bia ký sẽ cho ta nhiều cứ liệu hơn trong việc tổng hợp các nguồn thông tin hầu chứng minh Champa là một thể chế trọng nông. Đặc biệt, khi những tư liệu này được bổ túc bởi những nguồn khoa học liên ngành khác, nhưng chắc chắn hơn là dấu vết các công trình thủy lợi từ xưa cho đến các cứ liệu dân tộc học, tất cả những điều đó làm chắc chắn thêm quan điểm của chúng tôi về một vương quốc Champa trọng nông.

Nhũng nghiên cứu này, cũng như các nghiên cứu trước đó, chỉ là những nghiên cứu tiên khởi có tính chất gợi mở và khái lược, chính vì thế tự bản thân bài viết này không thể là một công trình đầy đủ, toàn diện về nền nông nghiệp Champa trong quá khứ. Chúng tôi chỉ dừng lại ở việc chứng minh, chứ chưa diễn giải cụ thể, chỉ mới đưa ra những luận cứ hầu chứng minh luận điểm về thể chế nông nghiệp của Champa chứ chưa nêu ra chi tiết hoạt động và sự phát triển cụ thể của ngành ấy ở Champa. Chính đó là những khiếm khuyết của chúng tôi cần được các nghiên cứu sau “vá lắp”, những hạn chế chủ quan và khách quan hiện nay không cho phép chúng tôi làm việc đó. Hy vọng trong tương lai chúng ta sẽ có được nhiều công trình giá trị hơn về chủ đề này, hầu làm sáng tỏ lại di sản của vương quốc Champa, một vương quốc đã từng đóng vai trò quan trọng trong sự hình thành văn minh Việt Nam hiện đại.

0