18/06/2018, 15:28

Lịch sử Philipines

Phạm Văn Tuấn ĐỊA DƯ PHI LUẬT TÂN 1/ Địa dư của Phi Luật Tân. Nước Phi Luật Tân có diện tích tổng cộng là 299,404 cây số vuông, trải dài 1,850 cây số từ vĩ tuyến 21 độ bắc xuống tới vĩ tuyền 5 độ bắc, bề rộng từ đông sang tây là 1,100 cây số, gồm 7,107 hòn đảo ...

Phạm Văn Tuấn

philipine-history

ĐỊA DƯ PHI LUẬT TÂN

philippine-map

1/ Địa dư của Phi Luật Tân.

Nước Phi Luật Tân có diện tích tổng cộng là 299,404 cây số vuông, trải dài 1,850 cây số từ vĩ tuyến 21 độ bắc xuống tới vĩ tuyền 5 độ bắc, bề rộng từ đông sang tây là 1,100 cây số, gồm 7,107 hòn đảo trong đó có 2,000 đảo không có người ở; 2,500 đảo không có tên gọi và chỉ có hơn 500 đào rộng hơn 1 cây số vuông. Nếu xếp theo diện tích từ lớn xuống nhỏ thì các đảo được kể như sau : Luzon (104,683 km vuông), Mindanao (94,596 km vuông), Palawan (14,896 km vuông), Panay (12,327 km vuông), Mindoro (10,245 km vuông), Samar (9,949 km vuông), Negros (9,225 km vuông), Leyte (6,268 km vuông), Bohol (4,117 km vuông) và Masbate (4,047 km vuông).

Nước Phi Luật Tân nằm tại vành đai phía tây của Thái Bình Dương với các hòn đảo trải dài từ Nam Dương lên Nhật Bản. Hòn đảo ở phía cực bắc có tên là Y’ami trong nhóm đảo Batanes, nằm cách đảo Đài Loan 241 cây số và hòn đảo cực nam có tên là Saluag trong nhóm đảo Tawi-Tawi, 48 cây số cách phía đông của đảo Borneo thuộc Mã Lai. Giữa Phi Luật Tân và bờ biển lục địa Trung Hoa – Việt Nam là biển Nam Trung Hoa, chiều rộng 1,000 cây số.

Các hải đảo của Phi Luật Tân có thể được chia làm 4 nhóm : nhóm đầu tiên gồm đảo Luzon với thủ đô là thành phố Manila và đảo Mindoro, nhóm thứ hai là đảo lớn thứ nhì Mindanao với quần đảo Sulu kéo dài tới đảo Borneo, nhóm thứ ba gồm 7 đảo chính là Panay, Negros, Cebu, Bohol, Leyte, Samar và Masbate. Cebu là hòn đảo trung tâm của nhóm này và thành phố Cebu là trung tâm tầu phà đi tới tất cả mọi nơi trên đất nước Phi Luật Tân. Nhóm cuối cùng là đảo Palawan ở phía tây, gồm thêm 1,700 đảo nhỏ khác, tạo thành một hàng hòn đảo kéo dài tới đảo Borneo.

Ngọn núi cao nhất của Phi Luật Tân là núi Apo, cao 2,954 mét gần Davao trên đảo Mindanao. Ngọn núi Pulog, phía đông của thành phố Baguio thuộc phần bắc đảo Luzon, cao 2,930 mét, đứng thứ hai. Phi Luật Tân có 37 núi lửa, gồm cả núi lửa Mayon gần Legaspi tại phía nam của đảo Luzon. Các dòng sông dài nhất là sông Cagayan, sông Rio Grande de Pampanga và sông Agno trên đảo Luzon, sông Rio Grande de Mindanao và sông Agusan trên đảo Mindanao.

Lãnh thổ Phi Luật Tân nằm trên miền đất có nhiều núi lửa và động đất. Đất rung chuyển thường xuyên, nhưng hiếm có các trận động đất thật mạnh. Trận động đất lớn nhất trong thế kỷ 20 này xẩy ra vào ngày 16-7-1990, đo được 7.7 độ trên địa chấn kế Richter, đã gây thiệt hại cho các thành phố Baguio, Dagupan, Cabanatuan và phần phía bắc đảo Luzon, khiến cho 1,600 người chết, hơn 100 ngàn người không nhà ở và đã phá hủy hơn 20 ngàn tòa nhà lớn. Phi Luật Tân có ít nhất 17 ngọn núi lửa đang hoạt động. Ngọn Mayon ở phía nam đảo Luzon vào tháng 10-1984 đã phun lửa nhiều lần, khiến cho 70 ngàn cư dân quanh vùng phải di tản, rồi tới tháng 5-1985, lại phun lửa nhưng lần này nhẹ hơn.

Phi Luật Tân có 9 phi trường chính, 8 hải cảng chính, 1,100 cây số đường xe lửa và 160,000 cây số đường bộ.

2/ Khí hậu và môi trường.

Khí hậu của Phi Luật Tân hoàn toàn có tính nhiệt đới, nghĩa là quanh năm nóng và ẩm. Một năm có 2 mùa : mùa mưa từ tháng 7 tới tháng 12 và mùa khô từ tháng 1 tới tháng 6. Tháng 5 là tháng nóng nhất, còn tháng 1 là tháng mát nhất trong năm, nhiệt độ trung bình quanh năm là 25 độ C nhưng khí hậu thì không thể đoán trước được. Vào tháng 5 tại thành phố Manila, nhiệt độ từ 35 tới 40 độ C ban ngày, ban đêm dưới 37 độ C, vì thế đây là lúc các nhà giàu đi nghỉ mát tại miền suối nước Baguio hay lên miền núi cao.

Vào các tháng 7, 8 và 9, mỗi ngày đều có mưa, từ tháng 12 tới tháng 2, trời mát và khô còn từ tháng 3 tới tháng 5, trời nóng và khô. Thời gian thích hợp nhất để đi du lịch tới Phi Luật Tân là từ tháng 12 tới tháng 5. Việc du lịch không bị trở ngại vì các trận mưa bất thường mà vì các trận bão không ngờ tới.

Đảo Luzon và các đảo trung tâm phía trên nằm trong vòng đai cuồng phong. Các trận gió mạnh thổi từ Thái Bình Dương tới lục địa Trung Hoa đều đi qua vùng này. Các trận bão lớn thường xẩy ra từ tháng 6 tới tháng 1 nhưng cao điểm của cuồng phong từ tháng 8 tới tháng 11 với hướng thổi từ phía đông nam, bắt nguồn từ các đảo Marshall và Caroline.

Về sinh vật, Phi Luật Tân có 200 loại động vật có vú, 580 loại chim, 200 loại bò sát và 100 loại lưỡng thê (amphibians). Phi Luật Tân có một số động vật đặc biệt. Trên miền núi của đảo Mindanao có loại trâu rừng nhỏ, sừng ngắn tên là tamaraw. Ngoài ra còn có loại trâu carabao, loại hươu rất nhỏ (mouse deer), loại mèo báo (bear cat) của đảo Palawan, loại khỉ tarsier, loại sóc bay (flying squirrel), các loại rắn độc, cá sấuà Thứ chim đặc biệt nhất là loại đại bằng haribon, một thứ diều hâu lớn nhất thế giới.

Phi Luật Tân có 10 ngàn loại cây lớn nhỏ, phần lớn là cây thông, cây gồi và cây tre. Trái cây gồm mít, xoài, cam, chuối, bưởi, khóm, dừa, mãng cầu, sầu riêng, đu đủ, măng cụt, chôm chôm, sa-bô, dưa hấu

Các động vật và thực vật đã tới quần đảo Phi Luật Tân qua 3 ngả đường. Con đường thứ nhất từ miền nam Trung Hoa và Đài Loan tới phía bắc đảo Luzon do gió mùa, do trôi dạt vì sóng biển và thủy triều, và do các hiện tượng thiên nhiên khác. Các chủng loại động vật và thực vật cũng tới Phi Luật Tân do con đường thứ hai, từ châu Úc và New Guinea, qua các hải đảo Nam Dương và con đường thứ ba từ bán đảo Mã Lai qua đảo Borneo. Ngày nay, môi trường sinh thái đã bị ảnh hưởng xấu do việc chặt cây, đốt rừng, khai mỏà

Phi Luật Tân có rất nhiều loại hoa nhiệt đới, đặc biệt là hoa phong lan với trên 900 loại khác nhau. Hoa phong lan Catleya có vẻ đẹp rất quyến rũ và hoa Sampaguita có mùi thơm ngọt ngào nên đã được chọn làm loài hoa quốc gia (national flower) và người Phi thường đeo một vòng loại hoa này quanh cổ.

Phi Luật Tân có 23 công viên quốc gia trong đó 11 công viên được xếp hạng khu vực giải trí quốc gia.

3/ Tổ chức chính quyền và dân số.

Tổ chức hành chính của Phi Luật Tân gồm 12 vùng với 72 tỉnh, mỗi tỉnh có các thị xã và đơn vị hành chính nhỏ nhất là làng hay barangay. Lá cờ của Phi Luật Tân gồm một hình tam giác màu trắng ở phía trái, phần bên phải được ngăn làm hai, phía trên màu xanh, phía dưới màu đỏ. Trong hình tam giác trắng có hình mặt trời ở giữa với 8 tia sáng, 2 góc là 3 ngôi sao 5 cánh. Mặt trời tượng trưng cho Tự Do và 8 tia sáng là 8 tỉnh đã nổi dậy chống lại chế độ thuộc địa Tây Ban Nha. 3 ngôi sao thể hiện cho 3 miền của đất nước Phi : đảo Luzon, miền trung và đảo Mindanao. Phần xanh phía trên tiêu biểu cho sự bình đẳng và đoàn kết dân tộc, phần đỏ thể hiện sự sẵn sàng của người dân chiến đấu vì Tổ Quốc. Tùy theo tình hình đất nước ở trong tình trạng Hòa Bình hay Chiến Tranh mà phần xanh hay phần đỏ ở trên.

Quốc ca của Phi Luật Tân là bản Marcha National Philipina do Julian Felipe sáng tác nhạc, lời của Jose Palma. Ngày 12-6-1896, Tướng Emilio Aguinaldo đã tuyên bố Độc Lập cho Phi Luật Tân tại tư gia của ông thuộc tỉnh Cavite.

Dân số Phi Luật Tân vào năm 1992 là 66 triệu, gia tăng 2.4 phần trăm mỗi năm. Các gia đình người Phi thường đông đúc, trung bình có 6 con. 40 phần trăm dân số sống tại thành phố. 53 phần trăm dân số dưới 20 tuổi và người cao niên chỉ chiếm 7 phần trăm. Tỉ lệ nam/ nữ gần bằng nhau.

Manila là thành phố lớn nhất với 1.6 triệu dân, nhưng nếu kể cả các vùng ngoại ô như Quezon, Cabocan và Pasay, dân số lên tới 8 triệu người. Phi Luật Tân có các thành phố lớn khác là Davao, Cebu, Iloilo, Zamboanga, Bacolod, Angeles, Batuan và Cagayan de Oro.
4/ Kinh Tế và Văn Hóa.

Phi Luật Tân là một quốc gia hải đảo nên hai phần ba dân chúng sống nhờ ngư nghiệp, nông nghiệp và lâm nghiệp. Khẩu phần của người dân gồm cá biển, cá nước ngọt và gạo, một sản phẩn nông nghiệp quan trọng. Nhờ Viện Nghiên Cứu Lúa Gạo Quốc Tế tại Los Banos, nhiều giống lúa mới và các cải tiến về phương pháp trồng lúa được nghiên cứu, thêm vào là sự gia tăng diện tích gieo trồng nên Phi Luật Tân tự túc được về thực phẩm. Ngoài lúa gạo, các sản phẩm khác gồm bắp, dừa, đay, thuốc lá, cà phê, bông gòn, đường, khóm, chuối và gỗ rừng. Ngành chăn nuôi gia súc chưa phát triển gồm việc nuôi gà, heo, cừu, dê để lấy thịt, trong khi trâu bò được dùng cho sức kéo.

Phi Luật Tân cũng có các khoáng sản, quan trọng nhất là chrome, sắt, đồng, nickel, than, lưu huỳnh, thủy ngân, asbestos, đá hoa và muối. Tại vài nơi đã có việc thăm dò dầu mỏ nhưng việc khoan dầu chưa thành công. Dầu thô là nguồn năng lượng chính với số lượng nhập cảng mỗi năm tốn khoảng 2 tỉ mỹ kim. Phi Luật Tân cũng dùng tới năng lượng địa nhiệt (geothermal energy) với nguồn khai thác chỉ đứng sau Hoa Kỳ. Năm 1986, loại năng lượng này đã chiếm 21.6 phần trăm tổng số năng lượng, tương đương với 8.4 triệu thùng dầu.

Về chế tạo, các nhà máy phần lớn tập trung quanh thủ đô Manila, sản xuất ra thực phẩm, các dụng cụ điện và điện tử, vải sợi, da, đồ thủ công, các mặt hàng xa xỉ và bộ phận xe hơi. Kỹ nghệ du lịch tại đây chưa được phát triển, một phần vì các rối loạn chính trị. Mỗi năm có vào khoảng 1 triệu du khách tới xứ sở này, 40 % là người Nhật Bản, 25 % từ Hoa Kỳ. Trong thập niên 1970, các khách sạn tại thành phố Manila đã được cải tiến nhưng tại các thành phố khác, phương tiện cư trú còn kém đầy đủ khiến cho kỹ nghệ du lịch chưa phát triển.

Lực lượng lao động của nước Phi được phân phối như sau : 35 % làm việc cho thương mại và dịch vụ, 41 % về nông nghiệp và ngư nghiệp, 9 % về chế tạo và 4 % về xây dựng.

Các quốc gia buôn bán chính với Phi Luật Tân gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông, Đức và Singapore.

Đơn vị tiền tệ của Phi Luật Tân là đồng “peso” (P). 1 mỹ kim = 28 pesos. 1 peso được chia làm 100 xu (centavos). Có các đồng tiền kim loại : 1, 5, 10, 25 và 50 centavos và 1, 2 và 5 pesos nhưng đồng cắc 5 pesos rất hiếm thấy. Tiền giấy gồm các tờ 2, 5, 10, 20, 100 và 500 pesos.

Lợi tức của người dân thành phố và nông thôn khác nhau xa. Lương bổng của một nhân viên khách sạn không kể tiền trà nước là 75 mỹ kim/ tháng, một giáo chức hay một nhân viên văn phòng lãnh lương 140 mỹ kim/ tháng trong khi lương của một kỹ sư mỗi tháng khoảng 390 mỹ kim. Cuộc sống tại thành phố cũng đắt đỏ hơn tại nông thôn.

Phi Luật Tân có vào khoảng 6 triệu người thiểu số với 60 sắc dân khác nhau trong đó có 4 triệu người Hồi giáo sống tại các đảo Sulu. Đời sống và văn hóa của các sắc dân thiểu số do 3 cơ quan của chính phủ chăm sóc, là Văn Phòng Cộng Đồng Văn Hóa phía Bắc, phía Nam và Văn Phòng Sự Vụ Hồi Giáo.

Nền văn hóa Phi Luật Tân là một thứ pha trộn sắc thái địa phương với ảnh hưởng của Tây Ban Nha và Hoa Kỳ. Ngày nay, chỉ có cộng đồng người Hồi và một vài bộ lạc xa xôi còn duy trì tập tục cũ. Người Phi rất ưa thích âm nhạc Tây Ban Nha, vì vậy nhạc Pop và nhạc Folk đã được các ban nhạc địa phương bắt chước và các nhạc sĩ Phi thường đi biểu diễn tại các nước Đông Nam Á, đặc biệt là tại Nam Dương và Nhật Bản. Các bản nhạc tình cảm, lãng mạn kundimans rất phổ biến và điệu nhẩy quốc gia tinikling là một hấp dẫn đối với du khách.

Về y phục quốc gia, người Phi có loại áo sơ mi dài tay gọi là “barong tagalog” và loại ngắn tay có tên là “polo barong”. Đây là loại áo thêu, dệt từ sợi pina của cây khóm. Phụ nữ Phi mặc áo đầm “terno” có tay áo hình con bướm. Đây là loại y phục mặc trong các dịp trịnh trọng. Người Phi ít khi mặc âu phục (suit) hay thắt cà vạt, ngay cả khi tiếp tân quan trọng.

Phi Luật Tân là quốc gia duy nhất tại châu Á theo Thiên Chúa Giáo với hơn 90 % dân chúng, 80 % thuộc đạo Cơ Đốc Catholic. 8 % dân chúng theo đạo Hồi, sống tại đảo Mindanao và quần đảo Sulu. Ngoài ra còn có 4 % dân chúng theo Nhà Thờ Độc Lập (the Philippine Independent Church) được thành lập năm 1902, 4 % theo đạo Tin Lành Iglesia ni Kristo còn 2 % thuộc về đạo Baptist, Methodist, Mormons, Jehovah. Đạo Phật chiếm tỉ lệ rất nhỏ.

Phi Luật Tân là nơi có các dân di cư gốc Nam Dương, Trung Hoa, Mã Lai cho nên hiện nay có vào khoảng 80 thổ ngữ. Trong thời gian bị người Tây Ban Nha đô hộ, tiếng Tây Ban Nha được dạy cho các người giàu có rồi dần dần trở nên ngôn ngữ của chính trị và thương mại. Tới năm 1968, tiếng Tây Ban Nha không còn là môn học bắt buộc tại trung học nhưng vẫn còn là ngôn ngữ của tầng lớp xã hội cao cấp. Khi người Mỹ bảo hộ Phi Luật Tân, tiếng Anh đã giữ một vai trò quan trọng cho đến khi Phi Luật Tân giành được hoàn toàn độc lập vào năm 1946, trong thời gian này, tiếng Anh trở thành ngôn ngữ truyền thông, chính trị, thương mại và của chính quyền.

Ngoài tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha, tiếng Tagalog được Tổng Thống Manual Quezon công nhận làm quốc ngữ và được xác nhận trong Hiến Pháp năm 1946. Đây là ngôn ngữ của dân Manila và miền nam đảo Luzon. Bên cạnh đó, các thổ ngữ quan trọng khác là Cebuano, Hiligaynon và Ilocano. Việc thỏa hiệp giữa các ngôn ngữ khiến cho Hiến Pháp năm 1973 công nhận tiếng Filipino là ngôn ngữ chính thức và từ năm 1978, tiếng Filipino này được giảng dạy tại các trường trung học và đại học. Tiếng Filipino là ngôn ngữ được căn cứ vào tiếng Tagalog. Ngày nay, chỉ có 50 % dân chúng Phi hiểu tiếng Filipino, việc này đã khiến Tổng Thống Corazon Aquino ra lệnh tất cả các cơ quan trong nước phải dùng quốc ngữ Filipino.

LỊCH SỬ CỦA PHI LUẬT TÂN

1/ Các sắc dân ban đầu.

Giống người đầu tiên cư ngụ trên các hòn đảo Phi Luật Tân có lẽ là sắc dân Negrito hay Aeta. Họ đã tới các hải đảo này 25 ngàn năm về trước. Những đợt di dân này đã mang tới miền đất Phi các đồ dùng bằng đồng và thau, các con thuyền dài và người dân bắt đầu sinh sống tại các cửa sông. Một sắc dân khác bán khai hơn, cư ngụ trên các miền núi cao, sống bằng nghề săn bắn, phá rừng, làm rẫy. Trong thời kỳ từ năm 500 trước Tây Lịch tới 1,000 năm sau Tây Lịch, các đợt di cư của người Mã Lai tới đất Phi đã mang lại nhiều thay đổi quan trọng, chẳng hạn như về nông nghiệp với cách trồng lúa và trồng cây ăn trái, về kiến trúc như cách làm nhà sàn và về chăn nuôi như cách gây giống trâu bò.

Khi hai đế quốc theo ảnh hưởng Ấn Độ là Srivijaya (800-1377) tại Sumatra và Majapahit (1293-1478) tại Java bành trướng, các thương thuyền của 2 đế quốc này đã đi xa hơn, tới các hải đảo Phi Luật Tân để trao đổi hàng hóa. Vào thời kỳ này, các thương nhân là người Trung Hoa, Ấn Độ, Nam Dương. Trong triều đại nhà Tống (960-1280), các thương nhân người Trung Hoa đã tới hòn đảo Luzon và các đảo miền Trung, đổi các đồ sứ, vải vóc, võ khí và dụng cụ bằng sắtà lấy vàng bạc, ngọc trai, đồ thủ công, gạo và cá khô Vào năm 1380, một nhân vật theo đạo Hồi tên là Makdum đã tới các đảo Sulu ở miền nam và sự truyền bá đạo Hồi đã thành công tại Bwansa, thủ đô cũ của vùng Sulu và tại đảo Tapul. Tới năm 1475, lãnh tụ đạo Hồi tên là Sharif Mohammed Kabungsuwan đến từ Johore, Nam Dương, đã thành lập được một trung tâm Hồi giáo. Ông này đã kết hôn với công chúa địa phương Putri Tunoma rồi lập ra vương quốc Hồi giáo đầu tiên tại đảo Mindanao. Trong các thế kỷ qua, sắc dân Hồi giáo này đã chống đối người Tây Ban Nha, người Mỹ và ngày nay, chống lại cả chính quyền trung ương tại Manila.

2/ Thời kỳ Tây Ban Nha.

Khi ảnh hưởng của Hồi giáo tỏa rộng dần, lan tới phía nam của hòn đảo Luzon thì một nhà hàng hải gốc người Bồ Đào Nha nhưng phục vụ cho vương quốc Tây Ban Nha, tên là Ferdinand Magellan đã đổ bộ lên đảo Samar vào ngày 16-3-1521. Magellan đã giương buồm đi về hướng tây, băng qua Thái Bình Dương để tìm kiếm miền đất tại châu Á có nhiều vàng ngọc, hương liệu, vì con đường biển đi qua Mũi Hảo Vọng (Cape of Good Hope) tới Ấn Độ và eo biển Malacca, đã bị người Bồ Đào Nha chặn giữ. Khi đặt chân lên đảo Samar, Magellan đã cắm một cây thập tự và nhận phần đất này cho Vương Quốc Tây Ban Nha. Nhưng trong cuộc đụng trận với tù trưởng Lapu-Lapu của bộ lạc Martan, Magellan đã bị giết. Chiếc tầu biển của Tây Ban Nha với 22 thủy thủ tả tơi, đã rời quần đảo Phi Luật Tân đi về hướng tây và trở lại Tây Ban Nha sau 3 năm hải hành vòng quanh thế giới.

Sau đó còn có 3 cuộc thám hiểm của người Tây Ban Nha tới các đảo Phi Luật Tân và vào năm 1543, có Ruy Lopez de Villalobos thuộc nhóm thám hiểm thứ tư, nhưng sự chiếm đóng các hải đảo này chưa thực sự bắt đầu, cho đến khi Miguel Lopez de Legaspi giương buồm ra đi từ Mexico, khi đó đã là thuộc địa của Tây Ban Nha và được gọi là New Spain (Nước Tây Ban Nha Mới). Legaspi đã đặt chân lên đảo Cebu vào năm 1565 và nhận quần đảo Phi thuộc quyền của Vua Philip II và gọi nơi này là “Filipinas”. Trong các năm tiếp theo, người Tây Ban Nha đã tiến dần về mạn bắc, đánh thắng tù trưởng Hồi Giáo tên là Sulayman, chiếm pháo đài Maynilad tại cửa sông Pasig, một hải cảng rất quan trọng mà sau này trở nên thủ đô của Phi Luật Tân.

Năm 1571, Legaspi đã thiết lập thành phố Manila theo kiểu Tây Ban Nha và các nhà chinh phục người Tây Ban Nha đã tỏa đi các nơi, chiếm đóng và cai trị các hải đảo ngoại trừ đảo Mindanao và các đảo Sulu. Từ nay miền đất Phi này bị đặt dưới quyền đô hộ của người Tây Ban Nha và họ bắt đầu xây dựng nên các làng xóm, đường lộ, trường học, nhà thờ và đạo Thiên Chúa Catholic bắt đầu được truyền bá.

Cai trị xứ Phi Luật Tân thời bấy giờ là vị toàn quyền người Tây Ban Nha dưới quyền Phó Vương của Mexico cũng là người Tây Ban Nha. Lúc đầu, cộng đồng người Âu chỉ gồm khoảng 1,000 người, kể cả các binh sĩ. Cuộc sống tại các hải đảo dần dần trở nên thịnh vượng nhờ cộng đồng người Trung Hoa sống tại Manila. Hàng năm, vào các mùa thời tiết thuận tiện, đã có các đoàn thuyền lớn của người Trung Hoa từ lục địa châu Á tới đây, mang theo đồ sứ, đồ sơn mài, vải lụa, các bức họa cùng nhiều sản phẩm khác của những xứ như Ba Tư, Aãn Độ, Thái Lan, Nam Dương. Cộng đồng người Tây Ban Nha đã vui mừng mua vào tất cả mặt hàng kể trên để rồi lại xuất cảng sang xứ Mexico, trên các con thuyền lớn gọi là Manila Galleon, thường xuyên qua lại giữa thành phố Manila và thành phố Acapulco trong khoảng các năm từ 1572 tới 1815, và trị giá của các hàng hóa phải kể tới hàng triệu đồng pesos.

Vào năm 1752, trong cuộc chiến tranh 7 năm với Tây Ban Nha, viên tướng người Anh là William Draper đã cho quân sĩ vây hãm thành Manila, đòi tiền chuộc là 4 triệu đồng pesos nếu người Tây Ban Nha không muốn nơi đó bị san bằng và đốt cháy. Cuối cùng vị toàn quyền người Anh là Dawson Drake đã cho quân sĩ cướp bóc các món đồ quý giá trong dinh Toàn Quyền Tây Ban Nha rồi gửi về nước Anh trong các kiện hàng được ghi là “gạo của ông Drake”. Cuộc chiến tranh của người Anh đã không kéo dài được lâu, cho tới năm 1763 và do các điều kiện trong Hiệp Ước Paris, người Anh đã phải trả lại Phi Luật Tân cho người Tây Ban Nha.

3/ Thời kỳ đòi Độc Lập.

Năm 1869, Kênh Đào Suez được hoàn thành. Việc thông thương giữa châu ïÂu và châu Á trở nên dễ dàng hơn trước. Nhiều người trẻ tuổi Phi Luật Tân đã lên đường qua Tây Ban Nha du học và khi trở về nước, đã mang theo các tư tưởng mới về Tự Do và Bình Đẳng. Vì thế người Phi Luật Tân đã đòi hỏi ở người Tây Ban Nha các cải cách về chính trị và kinh tế, đòi quyền được tham gia vào việc quản trị đất nước, đòi hỏi sự độc quyền ngoại thương phải bị chấm dứt.

Các cải tổ của người Tây Ban Nha đã tới quá trễ trong khi phong trào quốc gia giành Độc Lập đang bắt đầu, do nhóm các giáo sĩ tiến bộ, các nhà chuyên môn trí thức và một số sinh viên du học tại Tây Ban Nha. Năm 1872, một cuộc nổi dậy nhỏ đã xẩy ra tại tỉnh Cavite, 200 quân sĩ Phi Luật Tân đã chống lại các kẻ thống trị Tây Ban Nha nhưng cuộc vùng dậy này đã bị dập tắt ngay. 3 giáo sĩ người Phi danh tiếng tên là Jose Burgos, Mariano Gomez và Jacinto Zamora đã bị buộc các tội giả về làm loạn và bị treo cổ chết trong một cuộc xét xử công cộng. Đây là các vị anh hùng quốc gia tử đạo đầu tiên của nước Phi Luật Tân.

Các hy sinh của các liệt sĩ này đã làm phát triển thêm các phong trào cách mạng và đòi độc lập trong hai thập niên cuối thế kỷ 19, với các nhà tư tưởng và ái quốc tên là Marcelo H. del Pilar, Juana Luna, Graciano Lopez Jaena và Jose Rizal. Các bài viết chỉ trích và các bài thơ ái quốc của Bác Sĩ Rizal đã khuyến khích người Phi Luật Tân tranh đấu cho Tự Do. Năm 1892, khi thành lập nên phong trào “Liga Filipina”, ông Jose Rizal đã bị bắt và bị kết tội là một kẻ khuấy động rồi bị lưu đầy tại Dapitan, thuộc đảo Mindanao. Sau đó, Andres Bonifacio đã xây dựng một tổ chức bí mật chủ trương khởi nghĩa vũ trang với tên là Katipunan.

Vào tháng 8 năm 1896, cuộc nổi dậy có võ trang đòi độc lập xẩy ra, đầu tiên tại thành phố Manila rồi lan dần sang các nơi khác. Nhiều nhà cách mạng Phi sau đó đã bị người Tây Ban Nha bắt và hành quyết. Mặc dù chủ trương bất bạo động, Bác Sĩ Rizal cũng đã bị nhốt trong ngục tối của Fort Santiago, bị đưa ra tòa vì các tội trạng giả tạo rồi bị xử bắn lúc bình minh ngày 30-12-1896 tại công viên Luneta mà ngày nay được đổi tên thành Công Viên Rizal của thành phố Manila. Ông Emilio Aguinaldo kế tục ông Bonifacio làm lãnh tụ của phong trào cách mạng vào tháng 3 năm 1897.

4/ Thời kỳ người Mỹ chiếm đóng và sau Thế Chiến II.

Năm 1898 đã xẩy ra cuộc tranh chấp giữa Hoa Kỳ và Tây Ban Nha về hòn đảo Cuba. Chiến tranh đã xẩy ra và Đô Đốc George Dewey đã đánh bại hạm đội Tây Ban Nha tại Vịnh Manila vào ngày 1-5-1898. Tây Ban Nha vì thua trận nên đã phải nhường cho Hoa Kỳ xứ Phi Luật Tân, đảo Puerto Rico, đảo Guam và trả bồi thường chiến tranh là 20 triệu mỹ kim.

Trong trận chiến tranh với Tây Ban Nha, các người Phi đã sát cánh với người Mỹ nên sau đó vào ngày 12-6-1898, Tướng Aguinaldo đã tuyên bố nền Độc Lập đầu tiên của Phi Luật Tân. Nhưng người Mỹ đã không công nhận ông Aguinaldo là Tổng Thống của chính phủ cách mạng Phi mà lại áp đặt lên xứ sở Phi Luật Tân một kiểu cai trị thuộc địa mới. Dân tộc Phi lần này phải tranh đấu với nước Hoa Kỳ hùng hậu theo cách chiến tranh du kích kéo dài tới năm 1903.

Dưới thời Tổng Thống Mỹ Franklin Roosevelt, Phi Luật Tân có một hiến pháp mới và trở thành một nước thuộc khối thịnh vượng với Hoa Kỳ (the Philippine Commonwealth) và ông Manuel L. Quezon đã tuyên thệ Tổng Thống của Phi Luật Tân vào năm 1945.

Phi Luật Tân được Hoa Kỳ hứa trả độc lập hoàn toàn vào năm 1945 nhưng trước đó, trận Thế Chiến II đã xẩy ra. Sau khi Nhật Bản tấn công Trân Châu Cảng vào ngày 7-12-1941, quân đội Nhật bắt đầu đổ bộ lên đảo Luzon và chiếm đóng thành phố Manila vào ngày 2-1-1942. Người Mỹ và người Phi đã chống cự và chịu các tổn thất nặng nề trong các cuộc chiến đấu tại đảo Corregidor và bán đảo Bataan. Việc này đã khiến cho binh sĩ Nhật trả thù tàn bạo và trường Đại Học Santo Tomas trở nên một trại tập trung giam giữ các tù binh Mỹ. Trong thời kỳ chiến tranh này, người dân Phi đã chiến đấu anh dũng và kiên cường bên cạnh người Mỹ bằng các đội quân du kích chống lại sự đô hộ của người Nhật.

Ngày 20-10-1944, Tướng McArthur và lựclượng hùng hậu quân sự Mỹ đã đổ bộ lên đảo Leyte. Các hải đảo Phi Luật Tân dần dần thoát khỏi ách cai trị của lực lượng Nhật Bản. Việc giải phóng Phi Luật Tân đã làm hao tổn rất nhiều sinh mạng và tài sản của người dân Phi, nên sau chiến tranh, Hoa Kỳ đã tìm cách cứu trợ các thiệt hại và trao trả Độc Lập cho nước Phi Luật Tan.

Ngày 4-7-1946, Phi Luật Tân tuyên bố hoàn toàn độc lập với vị Tổng Tống đầu tiên là ông Manuel Roxas. Phi Luật Tân bắt đầu các chương trình xây dựng và phát triển. Kế tiếp trong các chức vị Tổng Thống là các ông Elpidio Quirino, Ramon Magsasay, Carlos Garcia và Diosdado Macapagal.

5/ Thời kỳ các Tổng Thống Marcos, Aquino, Ramos và Estrada.

Năm 1965, ông Ferdinand E. Marcos được bầu lên làm Tổng Thống Phi Luật Tân. Ông được bầu lại một cách bất thường vào năm 1969. Trong thời gian cầm quyền của chính phủ Marcos, nước Phi Luật Tân đã gặp nhiều rối loạn. Sự tham nhũng và tội ác xẩy ra thường xuyên. Tình trạng bè phái và những tai tiếng của bà Imelda Marcos là những điều làm suy yếu chính quyền. Tại các thành phố, sinh viên và học sinh thường xuống đường phản đối, đồng thời có nhóm Hồi Giáo chủ trương ly khai tại đảo Mindanao. Tổng Thống Marcos đã phải áp đặt lệnh thiết quân luật trên xứ sở từ năm 1972 tới năm 1981 trong khi chính quyền bị tố cáo tham nhũng và đã gửi ngân hàng nước ngoài hàng tỉ mỹ kim.

Cũng vào năm 1972, chính quyền Marcos chủ trương chính sách “Xã Hội Mới” (New Society), đã kiểm soát súng đạn trong dân chúng, cải tiến y tế nhưng đã thất bại về cải cách ruộng đất. Về đối ngoại, Phi Luật Tân đã tham gia nhiều tổ chức quốc tế như Ủy Ban Kinh Tế và Xã Hội ESCAPE của châu Á và vùng Thái Bình Dương (Economic & Social Commission for Asia & the Pacific), UƯy Ban Á Châu và Thái Bình Dương ASPAC (Asian & Pacific Council), Hiệp Hội ASEAN (Association of South East Asian Nations), Kế Hoạch Colombo (the Colombo Plan). Phi Luật Tân cũng là thành viên tạm thời của Cơ Quan Thuế Vụ và Mậu Dịch Quốc Tế GATT (The General Agreement on Tariffs & Trade).

Về nội tình trong nước, Phi Luật Tân có các đảng phái đối lập là đảng Xã Hội Dân Chủ (the Democratic Socialist Party) và đảng Dân Chủ Phi (the Philippine Democratic Party) nhưng hai đảng này đã không gây được ảnh hưởng tới chính quyền trong khi đảng Cộng Sản bị đặt ra ngoài vòng pháp luật.

Tới tháng 1-1981, lệnh thiết quân luật bị bãi bỏ nhưng Tổng Thống Marcos vẫn tiếp tục cai trị xứ Phi Luật Tân bằng sắc lệnh. Trong cuộc bầu cử Tổng Thống vào tháng 6-1981, ông Marcos được xác nhận tái đắc cử trong một nhiệm kỳ 6 năm nữa nhưng kết quả của cuộc bầu cử đã bị các phe đối lập tố cáo là gian lận. Dù sao chính quyền Marcos vẫn được duy trì cho tới ngày 21-8-1983, ngày xẩy ra vụ ám sát Thượng Nghị Sĩ Benigno Aquino. Ông Aquino đã trở về Phi Luật Tân sau một thời gian tự ý lưu vong tại Hoa Kỳ và khi bước xuống phi trường Manila, ông đã bị bắn chết vào tháng 8-1983. Dân chúng Phi xưa nay vẫn bất mãn với tình trạng kinh tế suy kém, lúc này cái chết của Thượng Nghị Sĩ Aquino càng làm gia tăng sự phản đối chính quyền.

Trong cuộc bầu cử Tổng Thống ngày 7-2-1986, đã có liên danh của bà Corazon Aquino thuộc đảng Dân Chủ Phi, đứng chung với ông Salvador Laurel, lãnh tụ của đảng Unido (United Nationalist Democratic Organization), một tập hợp 12 đảng phái, đối đầu với liên danh Marcos và Tolentino. Các cuộc náo loạn, xuống đường, tẩy chayà đã thường xuyên xẩy ra. Liên danh của bà Corazon Aquino vào giờ phút chót lại được sự ủng hộ của hai nhân vật là Bộ Trưởng Quốc Phòng Juan Ponce Enrile và Phó Tham Mưu Fidel Ramos cùng các đơn vị quân sự. Sau cuộc bầu cử, cả hai phe đều tuyên bố thắng lợi và vào ngày 25-2 năm đó, ông Ferdinand Marcos và bà Corazon Aquino đều làm lễ tuyên thệ Tổng Thống tại hai địa điểm khác nhau. Trong khi đó các bạn thân của ông Marcos đã bắt đầu xuống tầu rời khỏi Phi Luật Tân và cuối cùng, cựu Tổng Thống Phi Marcos cùng bà vợ Imelda đã lên một phi cơ Hoa Kỳ, bay sang trú ngụ tại Hawaii. Cựu Tổng Thống Marcos qua đời tại thành phố Honolulu, Hoa Kỳ, vào tháng 9-1989. Bà Corazon Aquino đã trở nên một vị anh hùng quốc gia và một nhân vật danh tiếng quốc tế. Bà đã thiết lập lại Tối Cao Pháp Viện và các định chế dân chủ cho Phi Luật Tân nhưng không thể gây được ảnh hưởng tới các gia đình phong kiến nhiều uy thế cũng như phe quân sự có quyền lực. Trong nhiệm kỳ Tổng Thống của bà Aquino, đã có 7 cuộc đảo chính và cuộc đảo chính cuối cùng xẩy ra vào tháng 9-1990.

Vào năm 1992, trong cuộc bầu cử Tổng Thống, ông Fidel Ramos nguyên là Bộ Trưởng Quốc Phòng của chính phủ Aquino, đã đắc cử. Chương trình của ông Ramos là phục hồi kinh tế, làm sao đưa Phi Luật Tân lên ngang hàng với các quốc gia trong vùng Thái Bình Dương như Triều Tiên, Mã Lai và Đài Loan. Việc Hoa Kỳ rút các căn cứ quân sự tại vịnh Subic và căn cứ không quân Clark cũng ảnh hưởng tới nền kinh tế của Phi Luật Tân.

Trong thời gian 6 năm tại chức của Tổng Thống Ramos, Phi Luật Tân đã thành công trong việc tổ chức “Diễn Đàn Cộng Tác Kinh Tế Á Châu Thái Bình Dương” (APEC = the Asian Pacific Economic Cooperation Forum) với sự tham dự của 18 thành viên. Nước Phi Luật Tân cũng cử hành đại lễ 100 năm Độc Lập khỏi sự cai trị của người Tây Ban Nha. Tổng Thống Fidel Ramos hết nhiệm kỳ vào tháng 6 năm 1998.

Sau cuộc tuyển cử vào ngày 11-5-1998, ông Joseph ‘Erap’ Estrada trở nên Tổng Thống thứ 13 của nước Phi Luật Tân. Giống như Tổng Thống Hoa Kỳ Ronald Reagan, ông Estrada đã từ bỏ ngành Điện AƯnh để trở thành một nhà chính trị. Đầu tiên, ông ra tranh cử chức thị trưởng thành phố San Juan vào năm 1967 và đã giữ chức vụ này trong 16 năm. Năm 1987, ông Estrada được bầu làm Thượng Nghị Sĩ và Phó Tổng Thống vào năm 1992.

Trong nhiệm kỳ Tổng Thống, ông Estrada hứa hẹn tiếp tục các chính sách thị trường tự do của chính quyền Ramos khi trước và đặt ra chương trình 10 điểm gồm có các công trình cải tiến nông nghiệp, làm đơn giản thủ tục hành chánh, loại trừ tham nhũng, duy trì trật tự và luật pháp, đồng thời nâng mức sống của người dân.

Sau 400 năm chịu ảnh hưởng Tây Ban Nha, người dân Phi Luật Tân đã mang màu sắc văn hóa chung với người Mễ Tây Cơ, người Peru, người Argentinaà với tính nhẹ dạ, vui vẻ, ưa chuộng âm nhạc, múa hátà, với các đại hội tôn giáo (fiesta) được tổ chức rất nhiều lần trong năm. Trong châu Á, Phi Luật Tân là quốc gia có ít đường nét Á châu nhất.

Phạm Văn Tuấn.

0