18/06/2018, 15:28

Cái nôi của dân tộc Trung Quốc

Andreas Lorenz Phan Ba dịch từ Der Spiegel số 22 / 2012 Dòng sông mang tên Hoàng Hà uốn lượn hơn 5000 kilômét từ Cao nguyên Tây Tạng cho tới cửa sông ở Vịnh Bột Hải. Một chuyến đi dọc theo bờ của nó cho thấy cường quốc thế giới này đẩy mạnh sự thăng tiến của nó nhanh cho ...

Andreas Lorenz

Phan Ba dịch từ Der Spiegel số 22 / 2012

hoang ha

Dòng sông mang tên Hoàng Hà uốn lượn hơn 5000 kilômét từ Cao nguyên Tây Tạng cho tới cửa sông ở Vịnh Bột Hải. Một chuyến đi dọc theo bờ của nó cho thấy cường quốc thế giới này đẩy mạnh sự thăng tiến của nó nhanh cho tới đâu – và tàn nhẫn cho tới đâu

Thanh Hải là nơi tận cùng của thế giới. Cả một thời gian dài, tỉnh hẻo lánh ở giữa Cao nguyên Tây Tạng và sa mạc ở phía Bắc này được xem là Siberia của Trung Quốc. Những người thống trị ở Bắc Kinh gửi tù nhân của họ đến đây, hình sự cũng như chính trị.

Vùng đất này hẻo lánh cho tới mức hiện giờ đến trại lao động cũng bị giải tán và được chuyển đến những vùng dễ đi lại hơn. Trong Chủ nghĩa Xã hội đặc biệt của Trung Quốc, cả trại giam cũng phải tạo ra lợi nhuận – điều không muốn thành công ở Thanh Hải hoang vắng.

Thanh Hải có nghĩa là “Biển Xanh”, theo tên của một hồ nước mặn lớn ở phía Đông của tỉnh. Nhưng cả những cánh đồng cỏ vô tận cũng giống như một biển xanh, những cánh đồng mà người dân du mục Tây Tạng thả những con bò Tây Tạng và những đàn cừu của họ trên đó. Người chăn cừu thường không còn ngồi trên yên ngựa nữa, mà trên một chiếc xe gắn máy.

Trước tỉnh lỵ Tây Ninh của tỉnh, con đường đi cao lên mái nhà của thế giới. Cờ cầu nguyện Tây Tạng bay phất phới trên những con đèo trên núi, một vài đèo cao trên 5000 mét. Hoàng Hà bắt nguồn từ trong phong cảnh đầy huyền thoại và đầy những sinh vật thần thoại này, cách biên giới của Vùng Tự trị Tây Tạng không xa lắm – “mẫu hà” của Trung Quốc. Nó được xem như là biểu tượng cho cả quốc gia với lịch sử nhiều thiên niên kỷ của nó và với nền văn hóa hướng đến chính mình. “Ai kiểm soát Hoàng Hà, người đấy sẽ kiểm soát Trung Quốc” – câu châm ngôn đúng vô thời hạn này được cho là của Đại Vũ, người trị vì đầu tiên của nhà Hạ. Người này, nếu như ông ấy có thật, được cho là đã sống khoảng 2200 trước Công Nguyên.

Sông Nil là những gì cho người Ai Cập, Mississippi cho người Mỹ, Rhein cho người Đức thì đấy là Hoàng Hà cho người Trung Quốc. Có những tượng đài khổng lồ mang nhiều biểu tượng đứng cạnh bờ của nó, thể hiện những người mẹ đang bồng con. Tổ tiên của người Trung Quốc ngày nay được cho rằng đã khắc những ký tự đầu tiên lên mai rùa ở gần bờ sông bùn lầy của nó, Hiên Viên Hoàng Đế huyền thoại được cho là đã cai trị ở đây, ngày xưa mỗi năm dòng sông được hiến dâng một cô gái đẹp.

Dòng sông uốn lượn 5464 kilômét qua đất nước rộng lớn này, nhà triết học Khổng Tử đã sinh ra đời ở gần bờ sông của nó mà thuyết của ông ấy về một sự “hài hòa” bao gồm hết thảy hiện đã trở thành chính sách nhà nước của những người Cộng Sản ở Bắc Kinh. Ở dòng sông này, Mao Trạch Đông và các đồng chí của ông ấy đã lui về vùng hoàng thổ của Bắc Trung Quốc năm 1935 trong cuộc chiến với chính phủ Tưởng Giới Thạch đang thống trị thời bấy giờ. Dưới cái tên “Vạn Lý Trường Chinh”, lần thoát khỏi vòng vây của quân lính quốc gia Trung Quốc đã thăng tiến trở thành huyền thoại chính của ĐCS.

Thỉnh thoảng, các chúa tể chiến tranh của Trung Quốc còn sử dụng dòng sông như là vũ khí nữa: ở gần thành phố Trịnh Châu, tướng Tưởng Giới Thạch đã cho nổ đê năm 1938, để ngăn chận cuộc tiến công của quân đội Nhật – bạn và thù đã chết đuối hàng trăm ngàn người.

Ngày nay, Hoàng Hà là nguồn nước quan trọng nhất cho 140 triệu người và hàng ngàn nhà máy. Ở cạnh dòng chảy của nó có không biết bao nhiêu là khoáng sản, than đá, dầu, khí đốt và đất hiếm, những cái ngày càng quan trọng hơn cho sự tăng trưởng của Trung Quốc.

Có thể nhận thấy được ở Hoàng Hà cái giá khổng lồ nào mà lần thăng tiến của Trung Quốc vào hàng ngũ của các quốc gia hùng mạnh nhất Trái Đất đã phải trả, những kẻ thống trị nó đã đối xử nhẫn tâm với nhân dân của chính họ như thế nào, họ đã khai thác cướp bóc thiên nhiên không thương tiếc cho tới đâu. Nhưng cũng có thể phát hiện ra sức mạnh mà đất nước này tiến lên cùng với nó – cũng như dòng sông này. Và một hành trình xuôi theo dòng sông cho thấy rõ: Trung Quốc, đất nước trung tâm, đã đầy tự tin lấy lại chỗ đứng quen thuộc của nó – sau một thế kỷ bị hạ nhục bởi các thế lực thù địch.

Ai muốn tiến đến nguồn của Hoàng Hà đều phải dừng lại ở thị trấn nhỏ bé Maduo trên Cao nguyên Thanh Hải. Maduo cao hơn mực nước biển 4300 mét, nhà cửa vừa mới được quét vôi lại, cảnh sát vừa xây xong cho mình một trụ sở mới. Người dân du cư Tây Tạng xung quanh đó mua ở Maduo ngũ cốc, thuốc men, những thứ cần thiết cho cuộc sống.

Những người công nhân di cư cũng đã đến đây từ lâu, nơi mà không khí loãng khiến cho hô hấp trở nên khó khăn và mỗi một lần cố sức đều bị trừng phạt bằng cơn đau đầu. Đó là những con người như Li Bing, 23 tuổi, từ tỉnh An Huy ở phía Đông của Trung Quốc. Từ năm năm nay, anh ấy may và bán vật trang trí cho chùa và cờ cầu nguyện trong gian hàng nhỏ chưa tới năm mét vuông của anh ấy. Việc anh ấy, một người Trung Quốc vô đạo, lại buôn bán chính các đồ vật tôn giáo Tây Tạng, có một lý do đơn giản theo cách nhìn của anh ấy: “Người Tây Tạng làm việc với đơn đặt hàng và tiếp vận không được chuyên nghiệp.”

Hiện giờ, Li đã mang vợ của anh ấy đến và đã đầu tư tính ra là tròn 20.000 euro vào cửa hàng. Đôi vợ chồng sống trong một góc nhỏ trên gian phòng bán hàng mà ở trong đó còn có cả cái máy may cho cờ cầu nguyện nữa. “Cuộc sống ở đây rẻ”, họ nói. “Chúng tôi chỉ trở về An Huy khi có được một triệu nhân dân tệ.” Đấy là khoảng 120.000 euro – đối với Li và Yu thì đó là một số tiền sẽ khiến cho họ trở nên thật sự giàu có. Cũng có khả năng là hai người đấy sẽ đạt được điều đó.

Đó là nhiều dòng nước nhỏ, những dòng nước chảy xuống từ dãy núi Bayan Har ở phía Đông Bắc của Cao nguyên Tây Tạng, hợp nhất lại với nhau và chảy qua các hồ Gyaring và Goring trên núi. Ở một ngọn đồi trên các hồ đấy, Đảng Cộng Sản đã cho dựng một đài kỷ niệm, vươn lên trời như một cái sừng cách điệu của một con bò Tây Tạng. Trên một tấm bảng đồng là những lời tuyên bố về tầm quan trọng của dòng sông cho sự nhận dạng của Trung Quốc: “Hoàng Hà là cái nôi của dân tộc. Vùng Hoàng Hà là nơi sản sinh ra nền văn hóa Trung Quốc cổ xưa vĩ đại. Tinh thần của dòng sông là tinh thần của nhân dân Trung Quốc.”

mao va hoang ha

Mao Trạch Đông ở cạnh Hoàng Hà năm 1952. Ảnh: Der Spiegel

Nhưng đến ở trên này mà thế giới cũng không còn yên ổn nữa. “Ngày xưa lạnh hơn bây giờ nhiều”, nhân viên trông vườn quốc gia nói, người canh giữ con đường vào hai hồ. “Thỉnh thoảng, tuyết đã cao tới mức vào sáng sớm tôi không mở cửa ra được, ngày nay thì nó chỉ tới mắt cá chân của tôi thôi.” Con đường dẫn đến bờ sông đang được sửa chữa; nó lún xuống vì tuyết vĩnh cữu tan ra.

Nhưng có lỗi trong sự biến đổi môi trường này không chỉ là những cái ống đang nhả khói và khí thải của ô tô 4000 mét ở dưới kia sâu trong nội địa của đất nước. Cả những người chăn cừu Tây Tạng cũng tham gia vào trong việc phá hủy quê hương của họ. Vì nhu cầu len đắt tiền từ Cashmere tăng cao nên dân du cư chăn những đàn cừu ngày càng lớn hơn trên đồng cỏ. Và những con cừu Cashmere đối xử rất tàn bạo với các cánh đồng cỏ của chúng, chúng giật cọng cỏ với rễ ra nên đất bị cát hóa.

Bây giờ, những cánh đồng cỏ truyền thống của dân du cư đã bị rào lại. Chính phủ chuyển những người chăn cừu sang các vùng khác, và điều đấy lại gây ra nhiều căm ghét ở người Tây Tạng.

Nằm ở đầu lối vào thị trấn là tu viện Gasawang: một vài ngôi nhà gạch, một vài lều của dân du mục. Đấy là trung tâm của tôn giáo là gốc rễ cho Hoàng Hà. Một vị sư già dẫn khách tham quan vào căn nhà chính và thuật lại lịch sử của ông ấy. Từ 1961 cho tới 1980, người Trung Quốc đã ném ông vào từ, ông ấy nói.

Trong gian cầu kinh, ông ấy treo bốn bức ảnh của Đạt lại Lạt ma, một bức đứng ở phía sau một chai rượu mạnh Tuo rỗng có hoa nhân tạo cắm ở trong đó. Ông cụ còn sắp xếp một chỗ ngồi mang tính biểu tượng cho Đức Đạt lại Lạt ma nữa, cái mà ông cũng trang hoàng bằng một bức ảnh.

Trong vùng tự trị Tây Tạng, treo ảnh Đạt lại Lạt ma là việc bị cấm nghiêm khắc. Nhưng trong Thanh Hải láng giềng là sự can thiệp của chính trị có cởi mở hơn một chút, ở đây người ta còn được phép trưng bày ảnh của nhà sư bị chính phủ chửi rủa như là “kẻ chia rẽ” và “tên phản bội”. Đức Đạt lại Lạt ma, sống lưu vong từ năm 1959 ở Ấn Độ, cũng là một đứa con của Hoàng Hà, trước đây gần 77 năm, ông sinh ra đời trong làng Taktser trong Thanh Hải.

Lan Châu nằm cách đó tròn 200 kilômét, thủ phủ của tỉnh Cam Túc. Từ những năm 50, thành phố đã phát triển trở thành một nơi quan trọng cho công nghiệp dầu và hóa, ngày nay có 3,5 triệu người sống ở đây. Đến một khái niệm về bảo vệ môi trường còn chẳng tồn tại cả một thời gian dài. Không chỉ các nhà máy, cả hộ dân của toàn thành phố cũng bơm nước thải của họ vào Hoàng Hà. Mãi đến bây giờ người ta mới xây nhà máy xử lý nước thải ít nhất là cho các khu dân cư.   

su tay tang

Nhà sư trên Cao nguyên Tây Tạng. Ảnh: Der Spiegel

Một cáp treo chở khách tham quan qua con sông đến ngôi Chùa Trắng. Nhà văn Yang Xianhui, 66 tuổi, chọn một quán trà ở gần đấy – không chỉ vì quang cảnh đẹp của thành phố và chiếc cầu sắt lâu đời nhất của Hoàng Hà, do kỹ sư Đức xây dựng vào đầu thế kỷ 20. Yang tin là không bị quấy rầy ở đây. Ông ấy cảm thấy phải có trách nhiệm phải làm sáng tỏ quá khứ đen tối của Trung Quốc.

Yang muốn ghi lại sự tàn nhẫn của một thời kỳ lịch sử mà cho tới ngày nay ĐCS vẫn không muốn nói về nó: “Đại nhảy vọt” của Mao vào cuối những năm 50. Thời đó, nhà lãnh đạo Trung Quốc muốn dùng bạo lực để công nghiệp hóa đất nước, như muốn bắt kịp Liên hiệp Anh về mặt kinh tế “trong vòng 15 năm”.

ĐCS ra lệnh cho nông dân phải xây những lò luyện thép nhỏ và nấu thép. Đồng thời họ yêu cầu phải nộp này càng nhiều ngũ cốc hơn cho các thành phố. Cuộc “Đại nhảy vọt” chấm dứt trong một thảm họa, cho tới 45 triệu người Trung Quốc đã chết đói.

Được cổ vũ bởi nhà cải cách kinh tế Đặng Tiểu Bình sau này, trong cùng thời gian đó Đảng đã giam giữ tròn nửa triệu những người bị cho là hữu khuynh vào trong các trại cải tạo. Người trong trại, thường là dân có học từ thành phố, bị tố cáo là đã hoài nghi chính sách của ĐCS. Nhiều người đã không sống qua được sự hành hạ đấy. Một trong các trại đó ở tại Giáp Biên Câu trong sa mạc Gobi.

Nhà văn Yang đã đi tìm những người còn sống sót của trại này và công bố các tường thuật của họ trong một tờ báo văn học nhỏ ở Thượng Hải mà các biên tập viên của nó đã phớt lờ sự cấm đoán của những người kiểm duyệt. Vào buổi sáng đấy, ông đã đến cùng với Chen Zonghai, nguyên là thầy giáo, một người đàn ông 79 tuổi cường tráng, thuộc trong số ít những người đã sống sót qua được trại Giáp Biên Câu từ tổng cộng là tròn 3000 tù nhân.

Đầu của Chen trọc, ông đeo một cái kính mắt to. Sự bất hạnh của ông ấy là ông ấy đã “quá thụ động” trong các buổi họp phê bình thông thường của thời đấy mà ở trong đó Đảng dùng chúng để xét nghiệm ý thức giai cấp của thần dân. Các cán bộ lên án ông rằng ông đã không tố cáo ai cả. Thế là họ mang ông đến bờ sông Hoàng Hà trên một chiếc xa tải và chở ông cùng với những người hữu khuynh khác đến Giáp Biên Câu.

bo tay tang

Người chăn bò Tây Tạng. Ảnh: Der Spiegel

Cái xảo quyệt của hình thức giam giữ này: nó không có giới hạn về thời gian. “Chúng tôi cần phải làm việc siêng năng ngày đêm và tự cải tạo chúng tôi”, Chen nhớ lại. Thế nhưng những trại đó đã phát triển trở thành những trại của cái chết, khẩu phần ăn đã thiếu hụt lại ngày một ít đi và ít đi, rồi không có thức ăn nữa. Nhân viên canh gác đứng nhìn tù nhân chết đói hết người này đến người khác.

Chen nhổ một cọng cỏ trên mặt đất. “Thứ này là có thể ăn được”, ông ấy nói. “Thời đấy tôi đã mơ về những bữa ăn thịnh soạn. Trong mùa Đông 1959, ngày càng có nhiều tù nhân chết.” Cuối cùng, sự việc ghê sợ đấy đã chấm dứt vào năm 1961. Cơ quan nhà nước trả tự do cho số ít những người sống sót qua được.

Ai muốn vào trại tử thần ngày xưa phải bay một giờ đồng hồ đến Gia Dục Quan – và rơi vào trong một thế giới mà quá khứ và hiện tại đang hiện diện như nhau. Ở đây, Vạn Lý Trường Thành đã hư hỏng vì mưa gió, cái ngày xưa có nhiệm vụ bảo vệ người Trung Quốc trước những dân tộc cưỡi ngựa sống du cư. Và ngày nay, nhân viên kỹ thuật hạt nhân Trung Quốc sống ở đây, những người có phòng thí nghiệm của họ ở trong sa mạc cách đấy tròn một trăm kilômét. Mỗi sáng vào lúc 7 giờ 40, một chiếc tàu hỏa chở nhân viên kỹ thuật và công nhân vào trung tâm nguyên tử bí mật, vào khoảng 18 giờ nó mang họ trở về.

Từ thành phố có một con đường dẫn đến một trong số bốn nhà ga vũ trụ của Trung Quốc. Ở một lúc nào đó trên con đường đến đấy có một lối rẽ vào một con đường gập ghềnh – con đường đi vào trại chết đói Giáp Biên Câu ngày xưa.

Nhìn thoáng qua, không có gì khiến cho người ta nhớ lại cái kinh khủng của thời đấy: Giáp Biên Câu ngày nay là một ốc đảo thịnh vượng mà ngô, dưa và ớt đang được trồng ở đó. Ở lối vào có một tấm bảng cảnh báo: “Ai hôm nay không làm việc cho thành thật thì ngày mai có thể đi tìm việc làm khác.” Bên cạnh đó là những lời trích dẫn viết bằng phấn của các lãnh tụ Đảng Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào.

Không có một tấm bảng, không có một tảng đá tưởng niệm nhắc đến quá khứ. Sinh viên y khoa từ Lan Châu đã thu nhặt tất cả những người chết ngay từ năm 1960, các bộ xương được phân chia về cho các trường đại học để làm vật giảng dạy.

Ông Chen, không có họ hàng với người nguyên là thầy giáo, lãnh đạo nhà máy nông nghiệp quốc doanh. Ông ấy cảm thấy bất an khi phải mở ra một chương đen tối của lịch sử Trung Quốc cho khách tham quan từ nước ngoài. Nhưng ông ấy đánh giá cao nhà văn Yang, thế nên rồi ông ấy chỉ cho xem những ngôi mộ do tù nhân đào và những cây do họ trồng. “Ở đây đã có trên một ngàn người đứng thành hàng để vận chuyển đá”, ông ấy nói.

Rồi Chen nói về “sự hy sinh cần thiết” mà một đất nước như Trung Quốc đòi hỏi để tạo khả năng cho sự tiến bộ. Và ông ấy tìm thấy một so sánh làm giảm gánh nặng cho lương tâm của ông ấy. Lần xây dựng Vạn Lý Trường Thành cũng đã khiến cho nhiều người chết, ông ấy nói, “nhưng nó đã hợp nhất đất nước”.

Trong quán trà ở Lan Châu, người thầy giáo già nhìn xuống Hoàng Hà và biển mái nhà của thành phố lớn này. “Tôi không còn tin vào điều gì nữa cả”, ông ấy nói. Mặc dù vườn trà rộng lớn và gần như không có người, có ba người đàn ông ngồi xuống ngay ở bàn bên cạnh và chăm chú lắng nghe. Nhà văn Yang cố tình nói to khi ông thuật lại câu chuyện Giáp Biên Câu: “Các cậu anh ninh quốc gia trẻ tuổi này cần nên lắng nghe những gì đã xảy ra vào thời đấy.”

lan chau

Thành phố triệu dân Lan Châu. Ảnh: Der Spiegel

Người Trung Quốc còn có một cái tên khác cho dòng sông lớn này. Họ gọi nó là “nỗi lo của Trung Quốc”, vì tất cả những tấn bi kịch đã diễn ra ở cạnh bờ sông của nó.

Thêm 600 kilômét xuôi dòng từ Lan Châu, dòng sông là nỗi lo của Trung Quốc dường như đã đổ vào địa ngục.

Ở đấy, trên đường đến Wuda trong Nội Mông, Hoàng Hà uốn lượn chậm chạp quanh các ốc đảo qua thảo nguyên và sa mạc. Và bất thình lình phong cảnh trông giống như trên Mặt Trăng: đá cuội, bụi. Tất cả đều có màu xám. Không có một cọng cỏ mọc, không một con bọ cánh cứng bò ở đây, chim cũng biến mất. Và ở dưới bề mặt, lòng đất đang sôi sục, ai đứng lại đây quá lâu, đế giày của người đó sẽ chảy ra. Và thỉnh thoảng đất lại mở ra và kéo con người xuống cái hố sâu đang nóng rực đấy.

Một địa ngục của môi trường trải dài qua nhiều kilômét vuông. Từ trên 50 năm nay, than đá cháy ở sâu trong lòng đất. Nó đã tự bốc cháy, lửa thường bùng phát lên lại vì ôxy thâm nhập vào qua những đường hầm đã bị bỏ hoang.

Khó thở, không khí đầy chất độc hại, mưa chua. Nhiều triệu tấn than đá đã cháy mất ở đây. Dần dần, những người chữa cháy đã có thể kiểm soát được ngọn lửa nhờ vào sự giúp đỡ của các chuyên gia Đức. Họ cô lập các đám cháy bằng những bức tường ở dưới mặt đất, đổ đất lên để làm tắt lửa.

Ngay cạnh rìa của địa ngục Wuda, công nhân vừa đổ bê tông cho một con đường mới, như thể họ muốn chứng minh rằng họ không để cho thiên nhiên chiến thắng mình. Và ở phía bên kia của con đường, chỉ cách nền đất đang sôi sục vài mét, lại có những mỏ than mới thành hình. “Ở đây không còn nguy hiểm nữa”, giám đốc Chen Zengfu của mỏ than Huaying thứ nhì quả quyết. “Chúng tôi xuống sâu đến 700 mét.”

Mao đã chuyển nhiều phần của công nghiệp nặng và công nghiệp chế tạo vũ khí của ông ấy vào vùng hoang vắng này trong những năm 60, vì ông ấy muốn bảo vệ chúng trước một cuộc tấn công của Liên bang Xô viết. “Tuyến thứ ba” là tên của dự án đó. Sau này, không phải lúc nào cũng tự nguyện, người nông dân đến khai khẩn sa mạc ở cạnh Hoàng Hà.

Khói từ những nhà máy công nghiệp cổ lỗ này làm tối đen bầu trời, xe tải hạng nặng thở hổn hển chạy đến trên những con đường đầy ổ gà. Các cô gái bán dâm chờ tài xế xe tải trong những ngôi nhà gạch buồn tẻ. Nhà máy thép Zhurong kêu lèo xèo cạnh bờ Hoàng Hà. Cách đấy một vài trăm mét, trên một khoảng đất trong làng có tên là Ngôi sao Đỏ, đơn vị thứ 2, người dân đang nấu cải bắp cho mùa Đông. “Chúng tôi không thở được”, họ nói. “Tất cả chúng tôi đều có vấn đề với phổi.”

Nhà máy trả cho làng mỗi năm 80.000 nhân dân tệ (tròn 10.000 euro) như là tiền bồi thường cho không khí bị ô nhiễm. Những người nông dân dùng tiền đấy để mua nước từ Hoàng Hà mà họ dùng nó để tưới ruộng.

Có thể nhận ra được những vùng công nghiệp hiện đại ở chân trời, đã thành hình trong những năm vừa rồi, còn khổng lồ hơn cả những cái trong thời của Mao. Trong lúc lượn đáp xuống thành phố Ô Hải, máy bay bay qua hết nhà máy này đến nhà máy khác, ống khói này đến ống khói khác, tháp làm nguội này đến tháp làm nguội khác. Ở phía sau đó, Hoàng Hà lóng lánh trong ánh nắng chiều.

ordos

Nhà mới xây ở Ordos: như Dubai không có dân cư. Ảnh: Der Spiegel

Đường sáu làn, tám làn, mười làn xe cắt vụn những đụn cát. Ở đây, Trung Quốc đổ bê tông để xây nhà ở Bắc Kinh và Thượng Hải, đổ khuôn nhựa cho radio và máy truyền hình, tôi thép cho nhà chọc trời, cầu, ô tô và tàu hỏa cao tốc.

Ở Ô Hải, ủy ban hành chính thành phố vừa xây dựng một tòa nhà chính phủ khổng lồ, hai sân vận động có lối kiến trúc tương lai, một trường đại học và một trường đại học Đảng đẹp. Bây giờ họ lại muốn giật sập những khối nhà ở vừa mới được dựng lên – kế hoạch mang tham vọng còn nhiều hơn nữa đã vượt qua những kế hoạch cũ.

Trên ngọn cao nhất của dãy núi gần đó, công nhân đã bắt đầu tạc vào đá đầu của ông vua huyền thoại của người Mông Cổ, Thành Cát Tư Hãn, cũng như người Mỹ đã làm với các tổng thống của họ ở Black Hills trong South Dakota. Chẳng bao lâu nữa, người đi chinh phục thế giới sẽ nhìn qua Hoàng Hà vào đất nước rộng lớn này.

Các đồng chí ở Ô Hải không phải là trường hợp đặc biệt: cũng như họ, quan chức ở cạnh Hoàng Hà đều mơ ước đẩy các thành phố của họ vào hàng ngũ của các đô thị có tầm quan trọng quốc tế.

Hầu như không ai có kế hoạch to lớn hơn là những người lãnh đạo Đảng ở Ordos, tròn 80 kilômét ở phía nam của Hoàng Hà trong Nội Mông. Ordos được cho là Dubai của Trung Quốc. Các chuyên gia ước lượng thu nhập của các mỏ nhà nước và tư nhân năm 2010 là 35 tỉ dollar, tăng trưởng kinh tế ở đây đôi khi cao gấp đôi so với phần còn lại của đất nước.

Và sẽ tiếp tục như thế: cho tới nay, các kỹ sư đã phát hiện ở đây một phần sáu trữ lượng than đá và một phần ba trữ lượng khí đốt của toàn Trung Quốc. Ngay bây giờ, mỗi một người của 1,5 triệu dân cư thành phố trung bình đã kiếm được tròn 20.000 dollar trong một năm, nhiều hơn bất cứ nơi nào khác.

Ở Ordos, Đảng đã dựng lên quận Kangbashi hoàn toàn mới, kể cả tổng hành dinh quân đội và đại học cho 8000 sinh viên. Đến lúc nào đó, dự định có ít nhất là 300.000 người sẽ sống ở đây. Nhưng cho tới nay nhiều lắm là chỉ một vài ngàn người định cư ở đây. Kangbashi là một thành phố ma và là một đài kỷ niệm cho sự điên rồ trong thảo nguyên.

Nằm cách Kangbashi vài kilômét về phía nam là nguồn chính của sự giàu có: than đá. Những ngọn tháp khai thác và xi lô màu xanh trắng. Hệ thống máy móc rất hiện đại, từ một phòng điều khiển, kỹ sư giám sát diễn tiến dưới hầm thông qua camera.

Một dòng sông phụ và nhỏ của Hoàng Hà chia cắt ở đây nước Trung Quốc công nghiệp hiện đại với hạ tầng tối tăm của nó. Ở phía bên kia, doanh nghiệp tư nhân đã đào những đường hầm vào trong lòng đất. Xe tải chất đầy hàng thở hổn hển ra khỏi cổng của những hầm mỏ bé tí không an toàn này, cũ kỹ và hỏng hóc đến mức mỗi một chuyến đi vào lòng đất đều có thể là chuyến đi cuối cùng.

Công nhân của những mỏ này sống trên một ngọn đồi ở phía trên mỏ trong những căn nhà tồi tàn bằng gỗ ván, ở giữa mỗi nhà có một cái lò bằng sắt. Nhà vệ sinh tập thể lặng lẽ hôi thối. Công nhân không phải trả tiền thuê nhà, có một nhà ăn nhỏ cho cả khu.

Chủ của những hầm mỏ như những hầm mỏ này đã cùng gây ra cơn sốt xây dựng trong các thành phố lớn của Trung Quốc. Như ở thủ đô Bắc Kinh, các ông hoàng than đá từ Hoàng hà đã mua cả nhiều khu phố mới xây. Họ thường trả tiền mặt và bỏ trống những căn hộ đấy. Họ hy vọng rằng giá sẽ tiếp tục tăng.

Ai đi dọc theo hạ lưu Hoàng Hà, người đấy sẽ bị ném qua lại giữa quá khứ và tương lai như trong một cỗ máy đi du lịch theo thời gian đã hỏng. Nép mình ở phía sau các con đê là những ngôi làng đã không hề thay đổi gì từ nhiều thập niên nay, có những nơi mà đường xá của chúng có tên là “Sắt và Thép” như trong thời của Mao. Chúng không có nơi họp chợ, không có quán, không có nghĩa trang. Nông dân chôn cất người chết trên những cánh đồng của họ.

Ở phía Đông của tỉnh lỵ Tế Nam, nơi trước đây mười năm chỉ có những vũng nước khô cạn đi trong cát – thời đấy, con sông ngẽn bùn ở đây gần hai phần ba thời gian của một năm, trước khi nó đến Hoàng Hải – thì bây giờ nước lại lóng lánh trong ánh nắng mặt trời. Nhà nước quy định từng tỉnh một được lấy bao nhiêu nước, công ty công nghiệp phải xây dựng kênh tưới nước hiện đại cho người nông dân trong vùng, để nước không bị bốc hơi quá nhiều.

Ở trước một trạm bơm, ba người công nhân đang xúc bùn sang một bên. Người nông dân ở sau con đê cần nước của Hoàng Hà cho những cánh đồng ngô và cây bông vải của họ. Trước đó họ đã đốt một ít pháo để xua đuổi đi tà ma của dòng sông.

Bên cạnh đó, những người công nhân di cư với tiền công hơn mười euro một chút cho một ngày công đang dùng tay không để chồng những tảng đá lên với nhau, những cái được dùng để củng cố con đê trong trường hợp ngập lụt. Ở khắp nơi trong hạ lưu, những khối đá dự phòng nằm sẵn sàng thành hàng dài ngăn nắp.

“Nước bây giờ đã có thể uống được”, người bán tàu hũ Wei nói, người với chiếc xe gắn máy của mình đi dọc theo các ngôi làng cạnh bờ sông mỗi buổi sáng. Cả cá cũng lại bơi trong dòng sông, người dân bắt chúng bằng cách dí dây diện vào trong nước.

Hôm đấy là ngày họp chợ trong ngôi làng có tên là “Lò Rèn”. Người bán chào mời trái cây, rau quả, đồ điện tử rẻ tiền và quần áo. Ở đây có mũ Mao cũ với giá tính ra là 57 [euro] cent và những cái chậu nước tráng men truyền thống có môtíp hoa sặc sỡ. “Chúng tôi sống không tốt và cũng không tệ”, một phụ nữ nông dân nói. “Mỗi năm có dư được vài ngàn nhân dân tệ”.

Người mài kéo Duan, 71 tuổi, ngồi cạnh đường đi trong một cái áo khoác màu xanh nước biển. “Tôi kiếm được 500 đến 600 nhân dân tệ một tháng”, ông ấy tường thuật, khoảng 62 đến 74 euro. Ông cần khoảng tiền đó vì không muốn là gánh nặng cho những đứa con. “Người nông dân chúng tôi ở Trung Quốc không có tiền hưu”, ông ấy nói.

Đảng đã lấy đi một gánh nặng to lớn cho ông và gia đình của ông: ông không còn phải tự trả tiền bác sĩ nữa. Tất cả 700 triệu người đồng hương của ông ấy cũng cần phải ký kết một hợp đồng bảo hiểm sức khỏe như ông ấy.

Duan, như ông nói, phải đóng sáu euro một năm. Bù lại, ông nhận lại được từ 40 đến 70% tiền chi trả cho bác sĩ, tùy theo ông ấy để cho điều trị ngoại trú hay ở trong một bệnh viện. “Tôi đã chụp ảnh cho giấy chứng nhận”, ông ấy hãnh diện nói.

Rồi cuối cùng, 100 kilômét tiếp theo đó về phía Đông, Hoàng Hà đổ vào Vịnh Bột Hải, nơi người ta phát hiện ra một mỏ dầu khổng lồ cách đây hơn 50 năm. Nó mang cái tên “Chiến Thắng”. Kể từ đấy, những ngọn đuốc của các nhà máy lọc dầu cháy rực lửa, những cái bơm dầu đong đưa ở khắp mọi nơi như những con lắc đồng hồ.

Ở cạnh cửa sông, chính phủ đã thiết lập một vùng bảo vệ thiên nhiên, thêm vào đó là một trung tâm du lịch, phô trương trong kiến trúc theo lối tương lai. Du thuyền chào mời những chuyến đi ra cho tới biển, tới đấy, nơi màu nâu của dòng sông gặp màu xanh của biển. Các thuyền trưởng phải chú ý đến máy đo độ sâu hồi âm từng giây một, vì sau hơn 5000 kilômét, nước ở đây có độ sâu còn chưa tới nửa mét.

Chiếc tàu “Cổng Rồng 688″ đã kẹt trong bùn với du khách. Một chiếc tàu khác cẩn thận tiến đến gần, để sục bùn lên và qua đó mà chiếc tàu đang mắc nạn có đủ nước dưới sống thuyền. Người ta thành công sau tròn một giờ đồng hồ, và cả hai chiếc thuyền bình bịch trở về trong mặt trời chiều đỏ như máu.

Ngược dòng sông một chút, vào lúc này cư dân trong tỉnh lỵ Tế Nam đang thả diều lên bầu trời đêm trên quảng trường giữa những căn nhà của chính phủ. Chúng được gắn bóng đèn và đua nhau sáng lấp lánh với những vì sao.

Diều đã được thả lên bầu trời từ nhiều trăm năm nay. Nhưng nước Trung Quốc của ngày hôm nay đã từ lâu không còn bằng lòng với những thú giải trí truyền thống như thế nữa.

Trong một góc của quảng trường, một chiếc máy cassette kêu vang khàn đục. Một nhóm vũ công dân tộc mang giày có đế sắt vào. Rồi nhạc dân tộc Ireland vang lên, và cư dân của Hoàng hà bắt đầu nhảy múa.

Andreas Lorenz

0