Lịch sử đảo Cuba
Phạm Văn Tuấn I/ Địa dư của hòn đảo Cuba. Cuba là quốc gia lớn nhất và đông dân nhất trong quần đảo Caribbean. Diện tích của xứ Cuba là 110,922 cây số vuông với dân số 10 triệu người. Đảo Cuba nằm cách các đảo Florida Keys của Hoa Kỳ 160 cây số về phía nam, là một hòn ...
Phạm Văn Tuấn
I/ Địa dư của hòn đảo Cuba.
Cuba là quốc gia lớn nhất và đông dân nhất trong quần đảo Caribbean. Diện tích của xứ Cuba là 110,922 cây số vuông với dân số 10 triệu người. Đảo Cuba nằm cách các đảo Florida Keys của Hoa Kỳ 160 cây số về phía nam, là một hòn đảo hẹp, trải dài 1,207 cây số từ phía đông là mỏm Maisi tới phía tây là mỏm San Antonio. Tại phía tây của Havana, vịnh Batabano chỉ cách eo biển Florida 40 cây số. Cuba là hòn đảo cửa ngõ, canh gác con đường từ Đại Tây Dương đi vào vịnh Mexico, đi tới vùng biển Caribbean và kênh đào Panama.
Chung quanh hòn đảo Cuba có rất nhiều đảo nhỏ và đảo thấp, lớn nhất là đảo Pines nằm 130 cây số phía nam của Havana. 40 phần trăm diện tích đảo Cuba là các núi thấp và đồi, đỉnh núi cao nhất có tên là Pico Turquino cao 1,947 mét, nằm trong miền Sierra Maestra tại phía đông nam của đảo.
Cuba có thời tiết bán nhiệt đới vừa ôn hòa, vừa ổn định, với nhiệt độ trung bình vào mùa hè là 30 độ C và mùa đông là 20 độ C. Đất đai của Cuba được kể là một trong các loại tốt nhất thế giới, với trên 8,000 loại cây cối lớn nhỏ. Miền cực tây của Cuba với tên là Pinar del Rio là nơi trồng loại thuốc lá Habano rất danh tiếng. Nhờ sự phối hợp của đất đai, độ ẩm, nhiệt độ và ánh sáng mặt trời, đất Cuba rất thích hợp để trồng thuốc lá, và thuốc hút xì gà được sản xuất rất nhiều với danh tiếng vang lừng khắp nơi.
Các cánh đồng lúa và nông trại gia súc thường nằm trên phần đất bằng phẳng tại miền trung của Cuba. Trên toàn đảo, ngoài đường mía còn có các trái cây và rau tươi. Miền đông của đảo gọi là Oriente có nhiều đồi núi, là nơi có các mỏ đồng, nickel, cobalt, manganese. Khoáng sản của Cuba chiếm 15 phần trăm lợi tức xuất cảng, phần lớn được gửi sang khối Liên Xô.
Cuba lệ thuộc rất nhiều vào nông nghiệp, là ngành rất cần tới nước. Các con sông tại Cuba thường là khô cạn quanh năm nhưng vào hai tháng 7 và 8 là mùa bão tố, nước sông lên cao lại khiến cho ngập lụt. Ngành đánh cá hiện đang phát triển nhưng không đủ cung cấp và người dân vẫn phải trông đợi vào việc phân phối thực phẩm gồm gạo, thịt, cá, sữa và ngay cả trái cây.
2/ Lịch sử ban đầu của Cuba.
Ông Christopher Columbus (Kha Luân Bố) đã đổ bộ lên hòn đảo Cuba vào năm 1492 và nhận phần đất này cho nước Tây Ban Nha. Người Tây Ban Nha bắt đầu định cư tại đây từ năm 1511, khởi sự việc canh nông, trồng đường mía và thuốc lá và xứ Cuba đã trở nên một trong các thuộc địa giàu có nhất của miền Tây Ấn (West Indies). Trên hòn đảo Cuba, thổ dân đã bị chết dần vì bệnh tật và vì bị ngược đãi nên số dân lao động trở nên thiếu thốn. Người Tây Ban Nha vì thế đã mang tới hòn đảo này các nô lệ da đen từ châu Phi bắt đầu vào năm 1517.
Trong khoảng giữa thế kỷ 16 tới cuối thế kỷ 18, Cuba đã phát triển chậm chạp và hòn đảo thường bị bọn cướp biển quấy phá nên nhiều nhà thuộc địa Tây Ban Nha đã bỏ về Nam Mỹ. Tới cuối thế kỷ 18, Cuba lại trở nên trù phú nhờ gia tăng sản xuất về đường mía và thuốc lá. Các sản phẩm của hòn đảo này được gửi qua các thuộc địa Anh tại Bắc Mỹ. Sự phát triển kinh tế cũng cần tới sức lao động và các nô lệ châu Phi lại được du nhập vào hòn đảo. Những người lao động bần cùng này đã bị hành hạ, ngược đãi, nên vào năm 1812, một nhóm nô lệ cầm đầu bởi Jose Antonio Aponte đã nổi dậy nhưng thất bại, Aponte và một số đồng chí bị treo cổ.
Chế độ cai trị hà khắc của người Tây Ban Nha cũng làm cho người dân đảo Cuba vùng lên vào các năm kế tiếp. Năm 1821, Jose Francisco Lemus đã cầm đầu một phong trào cách mạng quan trọng nhưng rồi phong trào này cũng bị sụp đổ vào năm 1826. Vào thời gian này, Simon Bolivar và một số các nhà lãnh đạo Mexico tìm cách cho quân đội đổ bộ lên hòn đảo Cuba để giải phóng dân tộc này khỏi ách thống trị của người Tây Ban Nha nhưng Hoa Kỳ đã cảnh cáo là sẽ ủng hộ Tây Ban Nha, vì vậy đã không còn mưu đồ can thiệp đó nữa.
Trong các năm giữa thế kỷ 19, một số người Cuba và người Mỹ đã ủng hộ một phong trào đòi sát nhập xứ Cuba vào Hoa Kỳ. Ngoài ra tại Hoa Kỳ còn có đòi hỏi rằng người Mỹ phải kiểm soát hòn đảo Cuba vì các lý do kinh tế và quân sự. Hoa Kỳ cũng đã hỏi mua Cuba nhiều lần nhưng Tây Ban Nha từ chối không bán.
Trên đảo Cuba, các cuộc nổi dậy của người nô lệ vẫn thỉnh thoảng xẩy ra, như vào các năm 1844 và 1868. Vào năm sau này, Carlos de Cespedos, một chủ đồn điền giàu có, đã đứng đầu một cuộc cách mạng đòi độc lập giành cho Cuba và sự bãi bỏ chế độ nô lệ. Tây Ban Nha đã bác bỏ các đòi hỏi này nên đã xẩy ra cuộc chiến, kéo dài tới năm 1878 và chấm dứt bằng Hiệp Ước Zanjon (Pact of Zanjon) với các cải tổ chính trị và việc bãi bỏ dần chế độ nô lệ. Cuối cùng tại Cuba, chế độ nô lệ cũng bị chấm dứt vào năm 1886 nhưng nhiều người Cuba còn muốn quê hương của họ phải được độc lập. Một cuộc cách mạng khác xẩy ra vào năm 1895, cầm đầu bởi Jose Marti. Các cuộc rối loạn tiếp tục kéo dài. Hàng ngàn người đã bị thiệt mạng và vào năm 1898, người Tây Ban Nha chỉ còn chiếm giữ được vài thành phố duyên hải quan trọng.
Vị Tổng Thống Hoa Kỳ vào cuối thế kỷ 19 là ông William McKinley thấy rằng các cuộc chiến tranh trên đảo nếu cứ kéo dài, sẽ ảnh hưởng xấu tới các quyền lợi của Hoa Kỳ tại nơi này. Vì thế Tổng Thống Hoa Kỳ đã khuyến cáo các người Tây Ban Nha là họ phải dẹp tan các người chống đối hay là họ phải từ bỏ xứ Cuba. Vào tháng 2 năm 1898, chiến hạm Maine của Hoa Kỳ được phái tới Havana để bảo vệ kiều dân Mỹ nhưng chiến hạm này đã bị phá hoại một cách bí mật và chìm trong hải cảng. Sự việc này đã khiến cho báo chí Hoa Kỳ đổ tội cho Tây Ban Nha và vào tháng 4 năm 1898, Hoa Kỳ đã tuyên chiến. Quân đội Tây Ban Nha thua trận và phải đầu hàng vào tháng 8 năm đó. Tây Ban Nha đã ký hòa ước Paris vào ngày 10 tháng 12, chấp nhận mất hết các quyền lợi trên đảo. Như vậy xứ Cuba được giải phóng nhưng thực ra lại rơi vào trong quyền bảo hộ (protectorate) của Hoa Kỳ. Các thương nhân người Mỹ rất ưa thích xứ Cuba vì đảo này ở rất gần với họ. Hoa Kỳ đã mua của Cuba: đường mía, thuốc lá, các quặng mỏ và vào năm 1896, các cổ phần Hoa Kỳ đã lên tới 50 triệu Mỹ kim. Do sự đầu tư to lớn này, Hoa Kỳ vẫn tiếp tục chiếm đóng quân sự tại Cuba. Tướng Leonard Wood đã cai trị xứ Cuba từ năm 1899 tới năm 1902.
Do người Cuba vẫn làm áp lực đòi độc lập nên Hoa Kỳ đành phải để người dân trên đảo triệu tập một hội nghị lập hiến. Vào năm 1901, xứ Cuba đã có một Hiến Pháp nhưng trong đó phải chứa đựng một tu chính án thuận lợi cho các điều kiện của Hoa Kỳ, với tên là Tu Chính Án Platt (the Platt Amendment). Tu Chính Án Platt này công nhận rằng Hoa Kỳ có thể can thiệp để duy trì nền độc lập của Cuba và chính phủ Cuba phải “bán cho Hoa Kỳ hay cho thuê phần đất cần thiết cho các căn cứ hải quân”. Kết quả là Hoa Kỳ đã xây dựng một căn cứ hải quân vĩnh viễn trong vịnh Guantanamo.
Vào năm 1902 khi 4 năm chiếm đóng quân sự của Hoa Kỳ đã hết, người dân Cuba đã bầu lên ông Tomas Estrada Palma làm Tổng Thống đầu tiên và quân đội Mỹ rút dần đi. Vào thời gian này, đầu tư của Hoa Kỳ tăng lên gấp hai và đường xe lửa nối liền hai thành phố Havana và Santiago de Cuba đã làm giảm thời giờ ngồi xe từ 10 ngày xuống còn 24 giờ.
Kể từ thời kỳ độc lập khỏi nền cai trị của người Tây Ban Nha vào năm 1898 tới cuộc Cách Mạng của ông Fidel Castro vào năm 1959, xứ sở Cuba đã sống dưới nhiều chính phủ, phần lớn là tham nhũng và bất lực. Vào năm 1906, cuộc chống đối chính quyền của Tổng Thống Palma đã nổ ra thành một cuộc nổi loạn và do Tu Chính Án Platt, Hoa Kỳ đã can thiệp vào Cuba vào các năm 1906, 1912 và 1917 để bảo vệ các quyền lợi của Hoa Kỳ. Từ năm 1906 tới năm 1909 là thời kỳ của chính phủ dân sự pha quân sự của Hoa Kỳ, đứng đầu bởi ông Charles E. Magoon.
Tới năm 1922, Hoa Kỳ đã rút quân khỏi Cuba nhưng cũng còn gửi các cố vấn tới chính phủ của hòn đảo này. Gerardo Machado, một người giàu có, đã được bầu làm Tổng Thống Cuba vào năm 1924. Sau thời ban đầu tốt lành, ông Machado đã trở nên không được lòng dân khi giá đường mía xuống và nền kinh tế bị đe dọa. Ông Machado nhận thấy chính quyền của mình đã ra khỏi tầm kiểm soát, nên đã trở thành tàn bạo và dùng khủng bố cũng như nhiều cách tàn ác trong lần bầu cử thứ hai. Ông ta bị lật đổ vào năm 1933. Vị Tổng Thống mới là Carlos Manuel de Cespedes kéo dài được 4 tháng rồi cũng bị lật đổ. Người kế tiếp là ông Ramon Grau San Martin duy trì chính quyền được 4 tháng trước một cuộc đảo chính khác, âm mưu bởi một cựu trung sĩ có tên là Fulgencio Batista, và ông Carlos Mendieta được đặt lên làm Tổng Thống. Với chính quyền được thiết lập vào năm 1934 này, Hoa Kỳ coi Cuba là “ổn định” và Thổng Thống Franklin D. Roosevelt đã hủy bỏ Tu Chính Án Platt.
Mặc dù không cầm đầu chính phủ mới, ông Fulgencio Batista bây giờ là Đại Tá, đã là một nhân vật đầy quyền lực và đứng đầu quân đội. Ông ta đứng đằng sau chính quyền trong khi 3 Tổng Thống bất lực đã điều hành việc quản trị đất nước khiến cho cuối cùng, chính phủ Cuba vẫn tham nhũng và không hữu hiệu. Vào năm 1940, ông Batista đã phác thảo ra một bản hiến pháp dân chủ mới để tổ chức một cuộc bầu cử tự do và vào năm đó, chính ông ta được bầu làm Tổng Thống. Khi đã thu gom tài sản đáng kể sau 4 năm cầm quyền, đảng chính trị của ông Batista bị thất cử vào năm 1944 và ông Batista rời chính quyền, nhưng rồi 8 năm sau lại đứng đầu một nhóm quân sự và ông Batista đã lật đổ chính phủ để trở thành nhà độc tài Cuba. Hai năm sau, ông Batista lại được bầu làm Tổng Thống.
Dưới thời Batista, Cuba là một miền đất phì nhiêu cho Hoa Kỳ đầu tư. Vào năm 1956, Bộ Thương Mại Hoa Kỳ đã báo cáo rằng “việc tham gia của Hoa Kỳ vào Cuba đã vượt qua 90 phần trăm về các dịch vụ điện thoại và điện lực, 50 phần trăm về dịch vụ đường xe lửa và gần 40 phần trăm sản xuất về đường mía”.
3/ Nhà cách mạng trẻ.
Vài tuần lễ sau cuộc đảo chính năm 1952 của ông Batista, một luật sư trẻ nạp đơn kiện tại Tòa Án Hiến Pháp Havana, tố cáo nhà độc tài đã vi phạm luật dân sự của Cuba, nắm quyền bất hợp pháp với các chức vụ “Tổng Thống, Thủ Tướng, Thượng Nghị Sĩ, Thiếu Tướng, lãnh tụ dân sự và quân đội”, và đòi hỏi rằng Batista phải bị trừng trị về các tội phạm đối với Hiến Pháp. Các quan tòa đã bác bỏ vụ kiện và vị luật sư 25 tuổi này tên là Fidel Castro, bắt đầu lập ra một chương trình cách mạng.
Fidel Castro Ruz sinh ngày 13 tháng 8 năm 1926 tại Biran tỉnh Oriente, Cuba. Cha của Fidel vào xứ Cuba do là một công nhân Tây Ban Nha di cư, đã có được một đồn điền mía phì nhiêu vào lúc Fidel chào đời và nhờ đó, Fidel đã sống thời niên thiếu sung túc của giới trung lưu. Sau này Fidel đã nói về người cha là một latifundista giàu có (địa chủ), đã bóc lột nông dân, trốn thuế và “làm chính trị vì tiền”, tức là một chủ trại theo mẫu tư bản (a typical capitalist-farmer). Fidel được gửi theo học tại trường trung học Jesuit tại thành phố Havana, nơi đây theo cuốn niên giám của nhà trường, Fidel đã là “một học sinh xuất sắc, một lực sĩ luôn luôn bênh vực lá cờ của trường bằng sự can đảm và niềm kiêu hãnh”. Vào năm 1945, Fidel học Luật tại Đại Học Havana, là một sinh viên xuất sắc và cũng tham gia vào các cuộc tranh đấu với các nhóm sinh viên tiến bộ của trường đại học.
Năm 1952 do đã tốt nghiệp Luật, Fidel Castro là một ứng viên của Quốc Hội Cuba, đã có thể đắc cử nếu Batista không lên nắm quyền. Sau ngày đảo chính 10/3/1952 của Batista, tất cả các công cuộc dân chủ thông thường đều trở nên trống rỗng. Fidel Castro do đó đã kiện chính quyền Batista về Hiến Pháp và sau khi thất bại trong vụ kiện, Fidel bắt đầu tạo nên một đội quân cách mạng. Ông ta đã tụ tập một nhóm người trẻ nam và nữ, bỏ tiền ra mua võ khí và theo đuổi chương trình huấn luyện bí mật trong hơn một năm. Ngày 26 tháng 7 năm 1953, ngày được công nhận là Quốc Khánh của Cuba, cuộc cách mạng bùng nổ. Đội quân nhỏ bé 160 người của Fidel Castro đã tấn công trại lính Moncada có 1,000 binh sĩ đồn trú gần Santiago. Cuộc tấn công thất bại. Nhiều người cách mạng và dân thường đã bị giết. Fidel Castro và một số đồng chí bị bắt và bị nhốt tù. Một số bị hành hạ, tra tấn. Vào ngày 21/9/1953, các người cách mạng này bị còng tay, đưa ra tòa. Castro khi đó đã đòi được quyền tự biện hộ.
Fidel Castro bị biệt giam trong 76 ngày. Khi ra tòa, Castro đã hùng hồn nói trước các quan tòa, các công tố viên và 100 binh sĩ canh gác, phác họa Lịch Sử của Cuba, chỉ trích các điều kiện kinh tế và xã hội đương thời cùng sự đàn áp của chính quyền. Ông ta đã dùng tới thống kê, dẫn chứng lời nói của các nhà triết học về sự công bằng xã hội và định nghĩa về chương trình thay đổi cách mạng. Ông ta đã nói không dùng giấy với câu “Lịch Sử sẽ xá tội cho tôi” (History will absolve me).
Fidel Castro được tha khỏi nhà tù vào tháng 5/1955 theo một ân xá của Batista sau lần bầu cử lại của nhà độc tài này. Trở về Havana, ông Castro không hoạt động nữa. Với một số người đi theo, Fidel Castro đã đáp tầu biển qua xứ Mexico, tại nơi đây ông ta hy vọng sẽ tổ chức một nhóm quân đội nhỏ được trang bị và huấn luyện đầy đủ để sau này trở về Cuba như những người giải phóng. Phong trào cách mạng này được Fidel Castro chọn tên là “26 tháng 7”.
4/ Trở về Cuba.
Chính tại Mexico mà Fidel Castro đã tạo nên nhóm hạt nhân của đội quân cách mạng và sau này là Chính Phủ Cách Mạng. Cũng tại nơi đây có Ernesto Che Guevara tham gia. Che Guevara là một bác sĩ trẻ, thuộc gia đình giai cấp thượng lưu và đã hoạt động trong các phong trào khuynh tả tại Mỹ Châu La Tinh. Vào năm 1954 Che Guevara trốn qua Mexico sau thời kỳ mưu tính lật đổ chế độ Arbenz tại xứ Guatemala. Tham gia vào phong trào cách mạng của Cuba là một bước không tránh khỏi của cuộc cách mạng không biên giới. Che Guevara đã phục vụ Castro hết lòng cho đến khi chết trong rừng rậm của xứ Bolivia vào năm 1967.
Trước khi trở về Cuba, Fidel Castro đã có tất cả 82 đồng chí. Tiền bạc được quyên góp, phần lớn từ các người Cuba lưu vong tại Hoa Kỳ. Nhóm cách mạng này đã mua võ khí và huấn luyện về kỹ thuật du kích chiến trong nhiều tháng trường. Castro đã tuyên bố với thế giới là ông ta sẽ trở lại Cuba: “Vào năm 1956, chúng tôi sẽ được Tự Do hoặc là chúng tôi sẽ là những kẻ tử đạo” (In 1956 we will be free or we will be martyrs). Mặc dù không có đủ sự ủng hộ tại quê nhà và mặc cho một số người yêu cầu hoãn lại cuộc đổ bộ về Cuba, Fidel Castro vẫn giữ lời hứa.
Ngày 25/11/1956, đội quân cách mạng của Castro đã ngồi chật du thuyền Granma và đổ bộ lên Niquero, phía tây của thành phố Santiago. Theo dự trù, cuộc lên bờ vào ngày 30/11 sẽ được phối hợp với một loạt tấn công du kích tại Santiago dẫn đầu bởi một nhà cách mạng 24 tuổi tên là Frank Pais. Pais và nhóm của ông ta gồm 300 người, đã thực hiện kế hoạch tốt đẹp và đã kiểm soát được thành phố Santiago. Một cuộc tấn công khác vào Guantanamo và cuộc tổng đình công 24 giờ đã đóng góp vào phong trào chống Batista.
Tuy nhiên chuyến đi từ Mexico về Cuba đã là một chuyến đi đầy sóng gió. Du thuyền bị trôi lệch hướng, các người trên thuyền bị say sóng và kế hoạch tấn công bị chậm trễ. Vào ngày 02/12, du thuyền Granma mắc cạn tại Playa de los Colorados gần một làng đánh cá bên cạnh thành phố Belic. Mọi người phải bỏ thuyền và một số võ khí, đạn dược, và trong 3 giờ, họ lội bùn vô bờ. Sau đó họ đi về hướng núi Sierra Maestra. Các ngày sau họ bị phản bội bởi một nông dân dẫn đường và toàn nhóm phải chia làm hai để tránh bị đội quân của Batista bám theo đánh. Đa số quân cách mạng này đã bị giết vì bị phục kích và trong số 22 người sống sót, 10 người bị cầm tù chỉ còn 12 người tới miền núi an toàn gồm có Castro, em trai Raoul, Che Guevara và 9 người khác.
Nhóm cách mạng này đã trốn tại một nơi hoang dã, không thực phẩm, không yểm trợ, lại bị bao vây bởi các toán quân thù nghịch. Nhưng lòng tin tưởng mãnh liệt vào thành công và nhờ sự giúp đỡ của một tên cướp địa phương tên là Crescencio Perez mà nhóm cách mạng này đã sống còn. Trong nhiều tháng trường và các năm kế tiếp, nhóm cách mạng đã làm gia tăng được nhân số. Các nông dân miền núi dần dần ủng hộ Fidel Castro và tin đồn về nhóm cách mạng cũng lan truyền về các nơi nghèo nàn của các thành phố. Các hoạt động nổi dậy đã gia tăng tại nhiều nơi đồng thời các công tác chống cách mạng của Batista cũng trở nên tàn nhẫn hơn.
Đầu tiên, ông Batista đã chối cãi trước công chúng Cuba rằng đã có một phong trào cách mạng nhưng bắt đầu từ năm 1958, Fidel Castro cho thiết lập một đài phát thanh, mỗi đêm truyền đi các bản tin từ “mảnh đất tự do Cuba tại Sierra Maestra” và chương trình phát thanh rất thành công. Vào tháng 5 năm 1958 này, Batista giận dữ đã tuyên bố sẽ tận diệt đạo quân khố rách áo ôm cùng lãnh tụ của chúng. 12 ngàn quân nhân trang bị các khí giới, dụng cụ mới nhất, đã tiến vào miền núi Sierra Maestra. Đây là tỉ lệ 40 chọi 1: 12,000 quân lính tìm cách tiêu diệt 300 người của Fidel Castro. Để chống lại ưu thế về võ khí và quân số, các quân nhân cách mạng đã lợi dụng địa hình và sự kiện là phần lớn quân đội chính phủ không muốn chết cho Batista. Vài người bị Castro bắt, đã được đối xử tử tế, tuyên truyền rồi được cho trở về nhà để phổ biến lòng nhân đạo. Trong vòng vài tuần lễ, các quân nhân của Batista đã đào ngũ hàng loạt.
Mặt khác, kể từ tháng 3 năm 1958, Hoa Kỳ cũng ngưng gửi võ khí cho Batista và một số võ khí do Hoa Kỳ chế tạo đã được những người ủng hộ Fidel Castro tại Hoa Kỳ gửi đến cho ông Castro. Tuy nhiên lực lượng của Batista còn gồm nhiều máy bay thả bom lửa và quân đội thiện chiến để đánh quân du kích trong nhiều tháng. Như vậy đối với các đồng chí cách mạng fidelistas chỉ còn một cách chiến thắng là xuống núi. Vào tháng 8, Che Guevara đã dẫn 200 chiến binh tiến về hướng đông trong một cuộc trường chinh gian khổ, đã đi 2/3 chiều dài hòn đảo với chủ đích cắt đứt giao thông giữa hai miền đông và tây. Họ di chuyển vào ban đêm và luôn luôn bị quân chính phủ chận đánh. 5 tháng sau, họ đã tới được thành phố Santa Clara và thành phố này bị thất thủ vào ngày 29/12. Đồng thời vào dịp Lễ Giáng Sinh, toán quân của Fidel Castro đã tiến tới Santiago là thành phố chính của tỉnh Oriente. Quân du kích làm phá nổ các căn cứ quân sự và vào Tết Dương Lịch năm 1959, Tướng Fulgencio Batista đã bỏ chạy qua xứ Cộng Hòa Dominican với tài sản vào khoảng 300 triệu Mỹ kim.
Ngày 2 tháng 1 năm 1959, quân đội cách mạng của Fidel Castro đã tiến vào Havana, chiếm đóng các tòa nhà chính phủ, các trạm cảnh sát và đài phát thanh cùng các căn cứ quân sự, còn chính ông Fidel Castro vào Thủ Đô vào ngày 08 và đã được đám đông 500 ngàn người hoan hô. Cuộc Cách Mạng Cuba đã làm bối rối Hoa Kỳ. Nhiều tờ báo tại Hoa Kỳ đã cố tình hoặc vô tình không tường thuật cuộc Cách Mạng này trong khi một số báo chí khác chỉ loan tin có những vụ tắm máu tại Cuba. Thực ra trong bất cứ cuộc cách mạng nào, không tránh sao khỏi các cuộc trả thù, nhất là khi ông Batista đã giết hại tới 20,000 nạn nhân, nhưng tại Cuba việc chuyển quyền đã xẩy ra một cách ôn hòa khiến cho ngay cả vị Đại Sứ Hoa Kỳ là ông Earl Smith cũng phải ngạc nhiên.
5/ Chế độ mới.
Vào ngày 6 tháng 7 năm 1960, để trả đũa việc Cuba chiếm đoạt các nhà máy làm đường và lọc dầu của Hoa Kỳ, Quốc Hội Mỹ đã cho phép Tổng Thống Dwight D. Eisenhower cắt giảm 95 phần trăm định suất (quota) đường mía nhập cảng vào Hoa Kỳ trong khi đường mía là sản phẩm chính của xứ Cuba. Cuối năm 1960, chính quyền Cuba đã tịch thu tất cả các đầu tư của Hoa Kỳ và vào năm sau, Hoa Kỳ cắt đứt mọi liên lạc ngoại giao với Cuba, điều này khiến cho Cuba tìm cách bắt tay với Liên Xô. Đại Sứ Hoa Kỳ tại Cuba vào thời kỳ khẩn trương này là ông Philip W. Bonsab đã viết về sau này rằng: “chúng ta đã không dồn họ vào vòng tay của Xô Viết và chúng ta đã không khôn ngoan cộng tác với họ trong việc dẹp đi các trở ngại trên con đường mà họ đã chọn lựa”.
Khi lên nắm chính quyền, ông Fidel Castro đã không có các liên hệ ý thức hệ hay chính trị với Liên Xô và vào năm 1964, Che Guevara cũng tuyên bố rằng Fidel Castro không phải là một người Cộng Sản khi lên nắm quyền. Việc xô đẩy giữa Hoa Kỳ và Cuba đã khiến cho Fidel Castro chỉ còn một con đường phải theo. Năm 1960, Cuba ký các thỏa ước về thương mại và viện trợ đầu tiên với Liên Xô. Liên Xô cũng đồng ý mua của Cuba 5 triệu tấn đường trong vòng 5 năm với trị giá vào thời đó là 6 xu một ký. Ngoài ra Cuba còn được vay của Liên Xô 100 triệu với lãi suất 2.5 phần trăm trả trong 12 năm. Tín khoản này dùng để mua các máy móc nặng.
Ngày 17 tháng 4 năm 1961, 1,400 người Cuba lưu vong đã trở về Cuba tại địa điểm được gọi là Vịnh Con Heo (the Bay of Pigs). Những người này được CIA của Hoa Kỳ huấn luyện, di chuyển bằng tầu thuyền của Hoa Kỳ và cũng được máy bay Hoa Kỳ yểm trợ. Những người lưu vong này đã hy vọng rằng cuộc đổ bộ của họ sẽ làm nổ ra công cuộc chống Fidel Castro tại Cuba, nhưng thực ra đã không có các cuộc nổi dậy của dân chúng mà chỉ có sự thất bại của những người trở về. Kế hoạch xâm lăng Cuba được mô tả là bi kịch sai lầm nhất mà Hoa Kỳ đã nhúng tay vào. Kế hoạch này đã làm lúng túng hai vị Tổng Thống Hoa Kỳ là các ông Dwight D. Eisenhower và John F. Kennedy, làm mất uy tín Cơ Quan Tình Báo Trung Ương Hoa Kỳ CIA và làm đau lòng hàng ngàn người chống đối ông Fidel Castro tại tiểu bang Florida.
Vào năm 1962, ông Fidel Castro đã đổi 1,179 tù binh lấy 50 triệu Mỹ kim thực phẩm và thuốc men của Hoa Kỳ. Đối với ông Castro, vụ Vinh Con Heo là một thắng lợi huy hoàng, còn đối với Hoa Kỳ, nhiều người tin rằng đây là một triệu chứng sợ hãi vô lý (a symptom of irrational fear) gây nên bởi cuộc Chiến Tranh Lạnh.
6/ Bên bờ Thế Chiến Thứ Ba.
Nhờ võ khí và các chuyên viên của Liên Xô, Cuba đã trở thành một quốc gia được võ trang hùng hậu nhất trong vùng biển Mỹ Châu La Tinh. Rồi vào tháng 7 năm 1962, ông Fidel Castro cũng đồng ý cho phép Liên Xô đặt các hỏa tiễn hướng về các mục tiêu tại Hoa Kỳ. Sự kiện này đã khiến cho Thế Giới ở bên bờ của cuộc Thế Chiến Thứ Ba vào các ngày 22 tới 28 tháng 10 năm 1962, cho tới khi Liên Xô chịu rút hết hỏa tiễn khỏi Cuba.
Kể từ khi lên nắm chính quyền, những công cuộc mà ông Fidel Castro đã thực hiện được bao gồm: cải cách ruộng đất, chấm dứt nạn thất nghiệp, tạo nên một hệ thống giáo dục phổ thông, cung cấp nhà ở trợ giúp, thiết lập chương trình y tế công cộng và chấm dứt nạn tham nhũng trong chính quyền. Những điều ông Fidel Castro hứa hẹn và đã không làm được gồm có: bầu cử tự do, tự do ngôn luận, tự do báo chí và một nền luật pháp độc lập với chính quyền. Ngoài ra ông Fidel Castro cũng trở nên nhà độc tài, nắm gọn quyền hành trong tay với 9 người trong Ủy Ban Điều Hành. Sự áp chế của chế độ mới này đã khiến cho khoảng 600,000 người Cuba bỏ trốn khỏi xứ sở của họ, nhiều người đã tới Hoa Kỳ đồng thời số người bị thanh trừng trong nước lên tới 5,000 người vào năm 1970. Năm 1976, 12,000 quân Cuba trang bị võ khí của Liên Xô, đã can thiệp vào xứ Angola khiến cho từ nay tình trạng liên lạc giữa Cuba và Hoa Kỳ càng trở nên xấu hơn.
Kể từ đầu thập niên 1960, xứ Cuba lệ thuộc vào Liên Xô hoàn toàn về mặt kinh tế nhưng sự yểm trợ này chấm dứt khi đế quốc Cộng Sản Liên Xô sụp đổ vào năm 1991. Trong thập niên 1990, Cuba đã phải thi hành một số cải tổ, nới rộng việc kiểm soát của chính quyền nhất là trong phạm vi kinh tế.
Vào giữa thế kỷ 20, ít có biến cố chính trị nào đã gây ra nhiều tranh luận như cuộc Cách Mạng Cuba với các hậu quả. Tại Mỹ Châu La Tinh, đây là một cuộc cách mạng chính trị, kinh tế, xã hội duy nhất chỉ cách bờ biển của Hoa Kỳ 90 dậm và cũng đã cung cấp cho Liên Xô một căn cứ đầu tiên tại tây bán cầu. Nhiều người đặt câu hỏi rằng đây có phải là một cuộc cách mang cộng sản không? Có phải đây là cuộc nổi dậy theo lý thuyết Mác Xít cổ điển của giai cấp công nhân không? Cuộc cách mạng này là do Liên Xô gây nên hay do Hoa Kỳ đã cấm vận ngoại thương? Ông Fidel Castro đã trở nên độc tài tới mức độ nào? Các nhà cầm quyền Hoa Kỳ đã đánh giá thấp một cách nghiêm trọng ra sao và đã hiểu lầm ý nghĩa của cuộc Cách Mạng Cuba ra sao? Gương cách mạng và ảnh hưởng của Cuba đối với Thế Giới Thứ Ba ra sao? Tất cả các câu hỏi này cần được các nhà sử học giải đáp.