Bi kịch Hoàng Tá Viêm
Nguyễn Đắc Xuân Hoàng Tá Viêm là một vị tướng đánh Pháp quyết liệt trên đất Bắc (1884), tại sao về sau ông lại cộng tác với Pháp và vua Đồng Khánh truy dẹp Phong trào Cần Vương chống Pháp (1885) ở miền Trung? Trong bài «Đối thoại với Nguyễn Đắc Xuân về chuyện “danh ...
Nguyễn Đắc Xuân
Hoàng Tá Viêm là một vị tướng đánh Pháp quyết liệt trên đất Bắc (1884), tại sao về sau ông lại cộng tác với Pháp và vua Đồng Khánh truy dẹp Phong trào Cần Vương chống Pháp (1885) ở miền Trung?
Trong bài «Đối thoại với Nguyễn Đắc Xuân về chuyện “danh nhân” Nguyễn Hiển Dĩnh », nhà báo Bùi Ngọc Quỳnh (Đài Truyền hình Huế) có đặt cho tôi câu hỏi :
«Do hoàn cảnh lịch sử, một số đông trí thức văn nghệ sĩ Việt Nam sống và hoạt động với phong kiến, thực dân, đế quốc, là một người nghiên cứu văn hóa lịch sử, và đã từng ở trong chế độ “bên kia”, anh nghĩ về họ như thế nào? »
Tôi đã trả lời : « Nói về con người thì không ai có hoàn cảnh giống ai cả. Cho nên muốn biết rõ thân phận của một người thì phải nghiên cứu hoàn cảnh và lịch sử của chính họ. Không thể lấy chuyện của người nầy mà ráp vào cho người kia. Tuy nhiên, qua nghiên cứu tôi thấy những người vì hoàn cảnh đã sống và làm việc “ở phía bên kia” có 5 loại người như sau:
1. Khi giặc đến họ không đủ sức chống giặc, không đủ sức theo kháng chiến, để giữ khí tiết của mình họ treo ấn từ quan (như trường hợp của Nguyễn Khoa Luận thời Cần Vương);
2. Họ ở lại với chức vụ cũ, chịu phận hèn làm việc vì miếng cơm manh áo chứ không hại dân (Nguyễn Văn Mại);
3. Lợi dụng chức vụ trong phạm vi quyền hành của mình để giúp dân yên (Nguyễn Trọng Hợp, Đào Tấn, Hoàng Tá[1] Viêm);
4. Cộng tác đắc lực với kẻ thù dân tộc tàn sát dân mình để được chức trọng quyền cao (Nguyễn Thân, Trần Bá Lộc thời Cần Vương Văn Thân);
5. Trước khi giặc đến họ chỉ là một dân thường, khi giặc đến họ làm chỉ điểm, làm công bộc đắc lực cho địch tàn sát dân mình để trong chốc lát có thể vươn lên chức trọng quyền cao (trường hợp Trương Vĩnh Ký ở Nam Bộ, Nguyễn Hiển Dĩnh ở Quảng Nam);
Không nên đánh đồng “cá mè một lứa” về những người “bên kia”.
Trong lớp người thứ ba vừa nêu trên, tôi đã dẫn chứng 3 người tiêu biểu là Nguyễn Trọng Hợp, Đào Tấn, Hoàng Tá Viêm. Về Nguyễn Trọng Hợp tôi đã có một tham luận[2] đọc trong Hội thảo khoa học «Người Hà Nội thanh lịch văn minh » (HN 7-10-2005), về Đào Tấn tôi cũng đã viết nhiều bài[3] cho các sách về Triều Nguyễn và Huế xưa xuất bản trong vòng hai mươi năm qua. Hôm nay, nhân Hội thảo khoa học «Hoàng Kế Viêm trong tiến trình lịch sử cận đại Việt Nam», tôi xin tham luận về trường hợp của Hoàng Tá Viêm.
Tham luận của tôi tập trung trả lời câu hỏi: «Hoàng Tá Viêm là một vị tướng đánh Pháp quyết liệt trên đất Bắc (1884), tại sao về sau ông lại cộng tác với Pháp và vua Đồng Khánh truy dẹp Phong trào Cần Vương chống Pháp (1885) ở miền Trung?»
Sử sách đã ghi rõ Hoàng Tá Viêm (1820-1909) và Tôn Thất Thuyết (1838-1813) là hai vị tướng triều Nguyễn đã có nhiều chiến công trên đất Bắc. Nhưng về tuổi tác và tính cách của hai người rất khác nhau: Hoàng Tá Viêm là Phò mã của vua Minh Mệnh, lớn hơn Hoàng thân Tôn Thất Thuyết 18 tuổi. Có thể nói Hoàng thân thuộc thế hệ con của Phò mã Hoàng. Tính tình của hai người cũng rất khác nhau :
Về con người Hoàng Tá Viêm được Lê Tuấn tâu với vua Tự Đức, được chép trong Đại Nam Thực lục như sau : «Hồi tháng 6 năm Quý Dậu (1873) vua Tự Đức hỏi Lê Tuấn « Hoàng Tá Viêm là người như thế nào ? « Tuấn thưa tằng :«Thần đã từng tiếp chuyện với viên ấy thấy người cũng khá, nhưng phần nhiều không thân đến chỗ hàng tận, lại tính thích nghiêm mặt, tình trạng bên ngoài không thể biết khắp được, thưởng phạt cũng có khi nhẹ dạ nghe người nên không khỏi có người phàn nàn.
Vua hỏi « người ấy có tài trí, có thể đương được việc lớn không ? » Tuấn thưa rằng : «Hoàng Tá Viêm trước ở Hưng Yên, Nghệ An, mọi việc đều tài giỏi, được việc. Lại như việc Thiết Cảng ở Nghệ An bết quyết đoán, không giao động vì lời nói của người, rút cuộc làm cho dân được tiện, xem ngay việc làm ấy, tưởng cũng là người khá»[4].
Về con người Tôn Thất Thuyết qua nhận xét của vua Tự Đức cũng qua Đại Nam Thực lục được biết như sau : «Trẫm muốn ngươi … chăm học thi lễ, có phong thái Nho tướng, liệu địch giành lấy thắng, có phong thái trí tướng, vỗ yên quân giặc, có phong thái nhân tướng, không nên chuyên cập uy vũ mà thôi »[5]
Do tuổi tác, tính cách khác nhau như thế nên hai danh tướng ấy đã có nhiều mâu thuẫn khi cùng hoạt động trên một chiến trường. Cụ thể nhất là về quan điểm đối xử với Lưu Vĩnh Phúc vị tướng thủ lĩnh quân Cờ Đen.
Francis Garnier bị quân Cờ đen giết chết tại Cầu Giấy
Tiến sĩ người Nhật Tsuboi cho biết : « …Viêm tiếp xúc với quân Cờ Đen để kiểm soát quân của các thứ cờ khác; và phương pháp đó tỏ ra hữu hiệu, vì quân Cờ Vàng bị dẹp vào năm 1875 và quân Cờ Trắng bị đánh tan vào năm 1876… »[6].
Do sự đóng góp đó của Lưu Vĩnh Phúc nên Hoàng Tá Viêm đã quan tâm đến việc đối xử tốt với họ Lưu. Đại Nam Thực Lục viết :
Tháng 9 năm Quý Dậu (1873) «Thống đốc Hoàng Tá Viêm nghĩ Lưu Vĩnh Phúc đã từng theo quan quân hết sức đánh dẹp xin cất lên làm Phòng ngự sứ »[7]
Vua Tự Đức có cân nhắc trước khi quyết định, nhưng Tôn Thất Thuyết không đồng tình và đâm ra mâu thuẫn trầm trọng giữa hai người.
Gần 10 năm sau, sau khi ký với Pháp Hiệp ước Quý Mùi (Harmand, ngày 25-8-1883), quyền thần Tôn Thất Thuyết nhân danh vua Kiến Phước ra lệnh cho Hoàng Tá Viêm lúc đó đang đóng ở Sơn Tây phải rút quân về Kinh, nhưng Hoàng Tá Viêm cho rằng triều đình đầu hàng Pháp và cũng biết các quyền thần Nguyễn Văn Tường – Tôn Thất Thuyết đang làm việc phế lập bất chính ở triều đình nên không tuân lệnh. Đến khi hai thành Sơn Tây và Hưng Hóa thất thủ, Tôn Thất Thuyết lại nhân danh vua lệnh cho:
«Nguyên tỉnh thần ở quân thứ Sơn Tây là Hoàng Tá Viêm…chuẩn về Kinh chở chỉ »[8]
Hoàng Tá Viêm về đến Kinh ít lâu, không cần triều đình xét nghỉ, vào tháng 5 nhuận, Kiến Phúc thứ nhất (1884), một bản án đã giáng xuống Hoàng Tá Viêm:
«Hoàng Tá Viêm hệ sung làm Đại tướng quân; việc ở trong quân, hết thảy ủy cho tướng quyền cả địa vị xiết bao long trọng, đương sự thế ấy, chẳng hay khéo trù tính, làm hỏng cuộc to, nay nên chiếu luật, xử trảm giam hậu, để tỏ bày phép nước»[9]
Với tội trọng như thế Hoàng Tá Viêm không còn bất cứ một chức tước nào và ông cũng có thể bị giết bất cứ lúc nào. Có lẽ Hoàng Tá Viêm phải tuân thủ bản án để tránh cho mình cái chết giống như Phụ chính Đại thần Trần Tiễn Thành (link : http://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%E1%BA%A7n_Ti%E1%BB%85n_Th%C3%A0nh ) trước đó không lâu hay Tán lý Ông Ích Khiêm ( link : http://vi.wikipedia.org/wiki/%C3%94ng_%C3%8Dch_Khi%C3%AAm ) sau này.
Trở lại sự kiện 23 tháng 5 Ất Dậu (5-7-1885). Đây là cuộc biến động quân Nam đánh úp thực dân Pháp. Việc chuẩn bị đánh Pháp cũng như lúc đánh thua phải rước vua Hàm Nghi xuất bôn rồi hạ Chiếu (Hịch) Cần Vương hoàn toàn do Tôn Thất Thuyết lãnh đạo. Lúc ấy Hoàng Tá Viêm đang là người tù chờ bị trảm của Tôn Thất Thuyết, nếu muốn Hoàng Tá Viêm cũng không thể tham gia được Phong trào Cần Vương! Vì thế mà Hoàng Tá Viêm không có mặt trong Phong trào Cần Vương.
Hoàng Tá Viêm không có cơ hội tham gia Phong trào Cần Vương, nhưng tại sao ông là một người chống Pháp quyết liệt trước đó, vì lý do gì sau ông lại ra giúp vua Đồng Khánh do Pháp lập nên để đi tiễu trừ Phong trào Cần Vưong?
Muốn hiểu vấn đề nầy cần phải đề cập đến những sự kiện sau ngày Thất thủ Kinh đô 23-5-Ất Dậu :
– Vua Hàm Nghi ra khỏi Kinh thành sáng ngày 7-5-1885.
– Lên Tân Sở hạ Chiếu Cần Vương ngày 13-7-1885. Cuộc truy nã tiễu trừ của thực dân Pháp cũng bắt đầu từ đó.
– Vua Đồng Khánh lên ngôi: 29-9-1885.
– Vua Đồng Khánh Bắc tuần (17-6-1886-4-9-1886), bị dân theo Cần Vương chống đối, đốt sạch những nơi Đồng Khánh đã ghé qua.
– Vì Đồng Khánh quá dựa vào người Pháp và Thiên chúa giáo, nhượng cho Pháp hai thành phố Đà Nẵng và Hải Phòng mà Hòa ước Giáp Thân (1884) còn giữ cho triều đình Huế… nên trong triều có âm mưu giết Đồng Khánh. Một mặt Đồng Khánh xin Pháp cử lính Pháp trực tiếp bảo vệ ông , mặt khác ông tìm cách triệt tiêu những thành phần mà ông nghi là có thể hại ông[10]. Trước tiên Đồng Khánh vu cho Phan Đình Bình – người đứng đầu viện Cơ mật, tội ăn cắp và hối lộ, bức Bình phải chết. Ông gọi Nguyễn Trọng Hợp – Kinh lược bắc Kỳ về Kinh thay Bình. Về Kinh nhậm chức, ông Nguyễn Trọng Hợp đề nghị Đồng Khánh phục chức và phong Hoàng Tá Viêm chức Đông Các Đại học sĩ để « Viêm cùng bàn việc cơ mật với Đồng Khánh». Sau đó Hoàng Tá Viêm được giao trách nhiệm «an phủ » các tổ chức Cần Vương ở vùng Hữu Trực Kỳ (Trị Bình). Sách Đại Nam Thực Lục viết :
Mùa thu tháng 9 Đồng Khánh năm thứ nhất (Bính Tuất, 1886): Vua Đồng Khánh «chuẩn cho cựu thần Hoàng Tá Viêm khai phục Đông Các Đại học sĩ sung làm an phủ Kinh kỳ đại thần Hữu trực kỳ, cũng là muốn cho yên dân, không phải là muốn đánh lấy thắng »[11]
Hoàng Tá Viêm có mặt trong hoàn cảnh không thường của triều Nguyễn sau ngày Thất Thủ Kinh Đô trên. Ta có thể rút ra những nhận định về Hoàng Tá Viêm như sau:
1. Thất Thủ Kinh đô từ tháng 5-7-1885 (23-5-Ất Dậu), cuộc Pháp truy nã vua Hàm Nghi và Phong trào Cân Phương bắt đầu từ sau ngày 13-7-1885. Mãi đến khoảng sau tháng 9 Bính Tuất (1886) Hoàng Tá Viêm mới được phục chức và giao cho nhiệm vụ «an phủ Kinh kỳ đại thần Hữu trực kỳ», tức là sau 1 năm ba tháng Hoàng Tá Viêm mới được giao nhiệm vụ « an phủ » hữu trực kỳ (tức là hai tỉnh Quảng Trị và Quảng Bình). Lúc ấy quan quân theo Cần Vương không còn mấy và ở bí mật ở trong rừng. Công việc chính của Hoàng Tá Viêm là giúp an dân. Chính Đại Nam Thực Lục đã nói rõ trong đoạn trích trên :«cũng là muốn cho yên dân, không phải là muốn đánh lấy thắng ».
– Vua Đồng Khánh mới lên ngôi, thiết lập lại triều đình gồm những người không theo Cần Vương nhưng lại có âm mưu giết Đồng Khánh, chứng tỏ những người không theo Cần Vương do Tôn Thất Thuyết lãnh đạo không hẵn là những người muốn làm tay sai cho thực dân Pháp để hại dân mình. Phải chăng Hoàng Tá Viêm cũng thuộc trong loại người ấy ?
– Vua Đồng Khánh làm mọi việc theo chỉ đạo của người Pháp, bên cạnh Đồng Khánh có Linh mục vừa làm nhiệm vụ thông ngôn vừa làm nhiệm vụ kiểm soát Đồng Khánh, bên ngoài lại có một đơn vị lính Pháp bảo vệ, có Trương Vĩnh Ký vào ra tham mưu. Khi Nguyễn Trọng Hợp về triều, cử Hoàng Tá Viêm ở bên cạnh và bàn việc cơ mật với vua Đồng Khánh, ít ra Hoàng Tá Viêm cũng hạn chế được tội làm tay sai cho Pháp của vua Đồng Khánh. Như thế Hoàng Tá Viêm làm việc bên cạnh vua Đồng Khánh là người có công chứ không phải có tội.
– Bọn Việt Gian và thực dân Pháp biết ý đồ của Hoàng Tá Viêm ở bên cạnh vua Đồng Khánh và « an phủ » dân Trị Bình là để hạn chế tội làm tay sai cho Pháp của vua Đồng Khánh và tìm cách cứu dân Trị Bình có chí hướng ủng hộ Phong trào Cần Vương. Vì thế những yêu cầu của Hoàng Tá Viêm trong việc «an phủ » dân Trị Bình đều bị Pháp từ chối. Sách Đại Nam Thực Lục Đệ Lục Kỷ viết dưới thời Pháp thuộc cũng đã để lộ ra sự mâu thuẫn ấy.
Đinh Hợi, Tháng 5, ĐK năm thứ hai (1887): Viên Khâm sứ ấy cũng tư cho Viện (Cơ mật) biết …«Việc Tá Viêm làm, thường cùng với quý quan không hợp»[12]
Đến cuối năm đó, (Đầu tháng 12 Đinh Hợi, đầu năm 1888), Việt Gian Nguyễn Hữu Độ chính thức nói cho Triều đình Đồng Khánh biết «Tá Viêm ở Bắc Kỳ làm việc quân đã lâu, nay lại sung vào Cơ Mật , người Pháp hơi lấy làm ngại »[13].
Vì thực dân Pháp « ngại » nên Viện Cơ mật buộc lòng phải cho Hoàng Tá Viêm về hưu :
«Cho Đông Các Đại học sĩ, Địch Trung tử, sung Cơ mật viện Đại thần là Hoàng Tá Viêm về hưu »[14]
Tháng 9 Bính Tuất (1886) Hoàng Tá Viêm được phục chức, tháng 12 Đinh Hợi (Đầu năm 1888) về hưu. Như vậy Hoàng Tá Viêm làm việc với vua Đồng Khánh vỏn vẹn có 15 tháng và về hưu trong sự tình nghi của thực dân Pháp.
Đến đây ta có thể nhìn lại khái quát vài nét cuộc đời Hoàng Tá Viêm về danh vọng, tài năng, oan trái :
– Hoàng Tá Viêm làm Phò mã vua Minh Mạng, vợ là ( Công chúa Hương La sinh năm 1817), chăn gối được một năm sinh được một con, con chết, vợ cũng qua đời (1844).
– Làm tướng, dùng quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc để dẹp bọn Cờ Trắng, Cờ Vàng thổ phỉ, buổi đầu đánh Pháp thắng lợi trên đất Bắc lại gây nên mâu thuẫn với Tôn Thất Thuyết. Khi Tôn Thất Thuyết nắm quyền ở triều đình, Hoàng Tá Viêm bị tội để mất Bắc Kỳ; mang bản án « trảm giam hậu » (giam để chờ chém);
– Tôn Thất Thuyết phò vua Hàm Nghi phát động Phong trào Cần Vương, Hoàng Tá Viêm không có cơ hội theo Cần Vương, ở lại làm kẻ « thân hàng, tâm Hán », bị kẻ thù dân tộc là bọn Việt gian và thực dân Pháp nghi ngờ cho về hưu,
– Sách Đại Nam Nhất Thống Chí tỉnh Quảng Bình biên soạn dưới thời Tự Đức, soạn lại dưới thời Duy Tân (thuộc Pháp), trong mục nhân vật Bản triều (Triều Nguyễn) không có tên Hoàng Tá Viêm.
Mộ Hoàng Kế Viêm tại Lệ Thủy, Quảng Bình
Cuộc đời làm quan của Hoàng Tá Viêm quả thật là một bi kịch. Bi kịch nầy đã kéo dài hơn một trăm năm (1909-2010). Phải chăng đã đến lúc giới sử học Việt Nam với nguồn tài liệu giải mật từ hai phía (ta và Pháp) giải cái chất bi nầy cho Đại thần thân dân Hoàng Tá Viêm ?
Tháng 8-2010