Đinh Tiên Hoàng và những cuộc hôn nhân chính trị
Lê Thái Dũng Dân gian tại Ninh Bình đến nay vẫn truyền tụng câu ca: “Trần ai, ai biết, ai đâu?/Hoa Lư có đám trẻ trâu anh hùng/Cờ lau tập trận vẫy vùng/Làm cho mầm Lạc, chồi Hồng vẻ vang”. Người cầm đầu đám trẻ trâu đó không ai khác chính là Đinh Bộ Lĩnh, người sau này ...
Lê Thái Dũng
Dân gian tại Ninh Bình đến nay vẫn truyền tụng câu ca: “Trần ai, ai biết, ai đâu?/Hoa Lư có đám trẻ trâu anh hùng/Cờ lau tập trận vẫy vùng/Làm cho mầm Lạc, chồi Hồng vẻ vang”. Người cầm đầu đám trẻ trâu đó không ai khác chính là Đinh Bộ Lĩnh, người sau này trở thành vị hoàng đế có sự nghiệp lẫy lừng trong việc bình định loạn lạc, thống nhất đất nước và góp phần xây dựng nền móng cho chính thể quân chủ phát triển. Ít ai hay, trong số những yếu tố dẫn tới sự thành công của ông còn có các cuộc hôn nhân mang màu sắc chính trị
Dùng hôn nhân để vẹn cả đôi đường
Trong giai đoạn hỗn loạn cuối triều Ngô, ban đầu Đinh Bộ Lĩnh chỉ là người cầm đầu một thế lực rất nhỏ bé ở vùng núi Hoa Lư hẻo lánh, thế nhưng chỉ trong thời gian ngắn đã nhanh chóng trỗi dậy mạnh mẽ khiến triều đình Cổ Loa cũng không thể khuất phục được, rồi sau đó lần lượt chinh phục các sứ quân lớn nhỏ với nhiều biện pháp khác nhau bằng uy thế, binh lực… và hôn nhân.
Theo chính sử, “loạn 12 sứ quân” diễn ra ngay trước khi vương triều Ngô sụp đổ và bùng phát dữ dội cùng với việc vua Ngô cuối cùng là Nam Tấn vương Ngô Xương Văn bị tử trận năm Ất Sửu (965).
Tình trạng đất nước lâm vào cảnh cát cứ, diễn ra chỉ trong vòng một năm nhưng gây ra những khổ đau vô cùng lớn đối với dân chúng, đó là tình trạng “nát hơn cuối buổi nhà Chu”.
Với Đinh Bộ Lĩnh, muốn nhanh chóng dẹp được các sứ quân khác, bên cạnh việc tăng cường thế mạnh quân sự là chủ yếu, ông còn tính đến việc dùng tình nghĩa để thu phục nhân tâm.
Bấy giờ suy đi tính lại, thấy ở vùng Bố Hải Khẩu (còn gọi là Kỳ Bố Hải Khẩu, nay là phường Kỳ Bá, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình) có sứ quân Trần Lãm, tự xưng là Trần Minh Công trấn giữ vùng cửa biển, có tiềm lực mạnh về kinh tế dựa vào lợi thế của nghề đánh cá biển, lại là người đức độ, hiền hòa nên Đinh Bộ Lĩnh tìm đến kết thân.
Biết Đinh Bộ Lĩnh là người có tài, có chí lớn, Trần Lãm rất quý mến bèn nhận làm con nuôi, lại phong cho chức Đô úy tướng quân. Theo các thần tích dân gian ghi lại thì sứ quân Trần Lãm có 2 người em trai là Trần Thăng, Trần Nguyên Thái và một người con gái “sắc nước hương trời”, “chim sa cá lặn” tên là Trần Nương.
Ngay từ khi Đinh Bộ Lĩnh đến doanh phủ họ Trần ở Bố Hải Khẩu (cửa Bố), Trần Nương đã đem lòng yêu mến, rồi tình cảm giữa hai người nảy nở, “trai anh hùng, gái thuyền quyên”, họ quấn quýt thề thốt đá vàng ân nghĩa.
Một hôm, bất ngờ Trần Lãm gọi hai người đến trước trướng quân rồi nói rằng đã biết chuyện và ông rất vui mừng nếu đôi trẻ nên duyên vợ chồng. Sau lễ thành hôn được tổ chức long trọng, Trần Lãm lại nói với Đinh Bộ Lĩnh rằng:
“Ta phận mỏng, phúc sơ, không có con trai nối dõi. Việc quân binh ngày một khó nhọc gian nan, trong khi nước nhà vô chủ, bốn phương nổi dậy xưng hùng xưng bá, đánh giết lẫn nhau.
Tướng quân tuy là giai tế (con rể) của ta nhưng ta coi như con đẻ của mình. Ta nay đã già, sức không cáng đáng nổi việc binh nhung nên mới quyết định trao lại toàn bộ binh quyền cho con thống lĩnh, định đoạt việc quân cơ, còn ta lui về vui thú điền viên”.
Tiếp đó Trần Lãm cho nổi trống hiệu, hội các tướng lại cùng tế cáo trời đất và tuyên đọc bài cáo trao ấn kiếm, cờ hiệu cho Đinh Bộ Lĩnh rồi cùng một toán gia nhân thân cận đi chu du thiên hạ.
Có được quân binh của Trần Lãm trao cho, thế lực của Đinh Bộ Lĩnh được gia tăng nhanh chóng, nhưng nhận thấy Bố Hải Khẩu ba mặt là đồng ruộng, sông dài, giáp biển lớn mênh mông, không có thế công, thế thủ nên mới bàn với Trần Nương rồi quyết định đem toàn bộ quân trở về quê cũ Hoa Lư, lấy đây làm căn cứ bởi nó vùng núi rừng hiểm yếu, lại có sông Hoàng Long dễ ngược xuôi bằng đường thủy.
Lại nói về Trần Nương, kết duyên với Đinh Bộ Lĩnh được hơn một năm thì mang thai, đủ ngày tháng bà sinh hạ một người con trai đặt tên là Đinh Liễn.
Đây là con trưởng của Đinh Bộ Lĩnh, càng lớn Đinh Liễn càng khôi ngô, tuấn tú, thông minh sáng láng hơn người, lại oai phong hùng dũng để rồi trở thành trợ thủ đắc lực, theo vó ngựa của cha đi chinh chiến, lập nhiều công trạng.
Trong thời gian dẹp loạn, Đinh Bộ Lĩnh còn tranh thủ sự ủng hộ của các dòng họ có uy thế lớn với nhân dân, từng một thời nắm giữ quyền chính như họ Ngô, họ Dương và cách tranh thủ tốt nhất, đỡ tốn xương máu nhất là bằng con đường hôn nhân.
Theo thư tịch cổ ở thôn Đông Lỗ (còn gọi là Đông Lỗ trang, nay thuộc làng Thịnh Đạt, xã Thiệu Long, huyện Thiệu Yên, Thanh Hóa) khi đi đánh dẹp sứ quân Ngô Xương Xí ở đất Bình Kiều (nay thuộc huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa), Đinh Bộ Lĩnh có ghé qua Đông Lỗ tìm gặp Dương Tam Kha để hỏi thăm và xin chỉ bảo đường đi nước bước.
Theo sử liệu thì Dương Tam Kha từng là một dũng tướng trong cuộc chiến chống quân Nam Hán xâm lược do cha mình là Dương Đình Nghệ lãnh đạo, sau lại theo Ngô Quyền đánh trận Bạch Đằng lịch sử, rồi khi Ngô Quyền mất thì tự nắm quyền, lên ngôi xưng là Dương Bình Vương.
Làm vua 5 năm (945-950) thì Dương Tam Kha bị cháu là Ngô Xương Văn phế truất để giành lại quyền cho họ Ngô, từ đó dù được phong làm Chương Dương công, lấy đất Chương Dương (nay thuộc huyện Thường Tín, Hà Nội) làm thực ấp nhưng ông vẫn trở về Ái châu quê cũ để sinh sống, không can dự vào chuyện quyền bính nữa.
Bấy giờ Đinh Bộ Lĩnh đến ra mắt, bày tỏ tình thân bởi cha Đinh Bộ Lĩnh là Đinh Công Trứ từng là bộ tướng dưới quyền của Dương Đình Nghệ. Trong thời gian Đinh Bộ Lĩnh ở Đông Lỗ trang đã làm lễ xin hỏi cưới con gái của Dương Tam Kha và được ông chấp thuận, người con gái đó tên là Dương Thị Ngọc Vân (còn có tên khác là Dương Vân Nga).
Theo bản Ngọc phả làng Đặng Xá (nay thuộc huyện Kim Bảng, Hà Nam) thì khi Đinh Bộ Lĩnh tìm kiếm sự hậu thuẫn để khởi nghiệp, ông đã được sự ủng hộ của ông Dương Đỉnh và vợ tên là Đặng Thị Kính là cặp vợ chồng có của cải và uy tín ở địa phương, sau đó họ còn gả con gái tên là Nguyệt Nương cho về làm vợ.
Nhờ cha mẹ vợ xuất tiền bạc và cung cấp thóc gạo mà Đinh Bộ Lĩnh có thể nuôi quân và mua sắm vũ khí. Truyền rằng hai năm sau ngày cưới, Nguyệt Nương đã sinh một người con gái đặt tên là Ngọc Nương và sau này khi lấy được thiên hạ, vua Đinh đã lập Nguyệt Nương làm Hoàng hậu, bà có thể là một trong 5 hoàng hậu có hiệu là Đan Gia, Trinh Minh, Kiểu Quốc, Cồ Quốc và Ca Ông.
Ngoài việc dùng hôn nhân để tăng cường thế lực, đây còn là cách mà Đinh Bộ Lĩnh tạo sự tin tưởng, dập tắt sự oán vọng của những đối thủ cũ, điển hình nhất là chuyện ông lấy mẹ của sứ quân Ngô Nhật Khánh làm vợ.
Vốn là người thuộc hoàng tộc, trước tình thế vương triều sụp đổ, Ngô Nhật Khánh chiếm cứ Đường Lâm (nay thuộc Sơn Tây, Hà Nội) xưng là Ngô Lãm Công, chiêu binh mãi mã có ý khôi phục ngai vàng cho họ Ngô nhưng vào năm Đinh Mão (967) sứ quân Ngô Nhật Khánh thế cùng lực kiệt buộc phải cuốn cờ, dâng thành, nộp binh quy phục Đinh Bộ Lĩnh.
Khi thành Đường Lâm xin hàng, Đinh Bộ Lĩnh đã gặp Ngô phu nhân, mẹ của Ngô Nhật Khánh, một phụ nữ góa bụa có dung nhan quý phái, kiều diễm kiến ông khó thể kìm nén lòng mình. Nhớ lại lời khuyên của sư Vạn Hạnh rằng:
“Nhật Khánh tuy không nghi ngờ gì về đức độ của ngài nữa, nhưng vẫn chưa hết lòng phản trắc. Chi bằng ngài hãy lấy tình thân quyến để cải hối cho Khánh”; chính vì thế sau khi lên ngôi hoàng đế, Đinh Bộ Lĩnh đã lấy Ngô phu nhân làm vợ, lập làm Cồ Quốc hoàng hậu, một trong 5 hoàng hậu của ông.
Lấy hôn nhân để ràng buộc lòng người
Song song cùng với việc kết hôn với những phụ nữ là con cháu, người thân thích của các tướng lĩnh, hào trưởng có thế lực, Đinh Bộ Lĩnh còn dùng hôn nhân để ràng buộc một số tướng lĩnh bằng gả con gái mình cho họ.
Theo sử sách, sau khi lên ngôi hoàng đế, đặt quốc hiệu Đại Cồ Việt, đặt niên hiệu Thái Bình, Đinh Tiên Hoàng (Đinh Bộ Lĩnh) đã đem Công chúa Minh Châu gả cho tướng quân Trần Thăng, em trai của sứ quân Trần Lãm và phong cho Trần Thăng làm Phò mã đô uý.
Dã sử còn cho biết thêm, vua Đinh cũng gả một nàng công chúa (không rõ tên hiệu) cho em của Trần Thăng là Trần Nguyên Thái và giao cho trọng trách trong hoạt động đối ngoại.
Vào mùa xuân năm Bính Tý niên hiệu Thái Bình thứ 7 (976), thuyền buôn của một số nước lân bang đến kinh đô Hoa Lư dâng sản vật của nước họ, Đinh Tiên Hoàng đã sai Trần Nguyên Thái làm sứ giả của triều đình ra đón tiếp, sau đó còn cho làm Chánh sứ sang đáp lễ nhà Tống.
Đánh giá về Đinh Tiên Hoàng, sử sách đều thừa nhận ông là vị hoàng đế đặt nền móng sáng lập nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên ở Việt Nam, được gọi là người mở nền chính thống cho các triều đại phong kiến ở nước ta.
Sử gia triều Trần là Lê Văn Hưu nhận xét: “Tiên Hoàng nhờ có tài năng sáng suốt hơn người, dũng cảm mưu lược nhất đời, đương lúc nước Việt ta không có chủ, các hùng trưởng cát cứ, một phen cất quân mà mười hai sứ quân phục hết.
Vua mở nước dựng đô, đổi xưng hoàng đế, đặt trăm quan, lập sáu quân, chế độ gần đầy đủ, có lẽ ý trời vì nước Việt ta mà lại sinh bậc thánh triết để tiếp nối quốc thống”. Các sử gia triều Hậu Lê đều có những lời bình rằng:
“Vua tài năng sáng suốt hơn người, dũng cảm mưu lược nhất đời, quét sạch các hùng trưởng, tiếp nối quốc thống… song không biết dự phòng, không giữ được trọn đời, tiếc thay!” (Đại Việt sử ký toàn thư);
“Đinh Tiên Hoàng nhân khi nước Ngô loạn mất, bình được mười hai sứ quân, trời cho người theo, thống nhất bờ cõi, dùng bọn Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Lưu Cơ, Trịnh Tú làm người phù tá, sáng chế triều nghi, định lập quân đội, vua chính thống của nước Việt ta, thực bắt đầu từ đấy, kể về mặt dẹp giặc phá địch thì công to lắm!” (Việt giám thông khảo tổng luận);
“Tiên Hoàng dấy lên từ một người áo vải, một lần nổi lên dẹp được 12 sứ quân. Rồi dựng nước, dựng kinh đô, đổi niên hiệu, chính ngôi vua. Võ công vang khắp, văn hóa đều đổi mới” (Đại Việt sử ký tiền biên)… Trong dân gian, hình ảnh Đinh Tiên Hoàng thời niên thiếu đã đi vào thơ ca một cách cô đọng mà đầy đủ:
“Bé thì chăn nghé, chăn trâu
Trận bày đã lấy bông lau làm cờ
Lớn lên xây dựng cơ đồ
Mười hai sứ tướng bây giờ đều thua”.
Xét về trận mạc chiến chinh thì Đinh Tiên Hoàng là người đánh đâu thắng đó, được xưng tụng là “Vạn Thắng Vương”, tuy nhiên thu phục được lòng người thì điều đó dường như khó khăn hơn, biểu hiện rõ nhất là việc ông dùng nhiều cách để khuất phục sứ quân hàng đầu thuộc dòng dõi quý tộc là Ngô Nhật Khánh.
Vừa lấy mẹ của Ngô Nhật Khánh làm vợ, Đinh Tiên Hoàng còn cho con trai trưởng của mình là Đinh Liễn lấy Ngô Nương, em gái của Nhật Khánh làm vợ, rồi lại gả con gái mình cho Nhật Khánh.
Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục ghi chép ngắn gọn về các cuộc hôn nhân này và thái độ của Ngô Nhật Khánh như sau: “Ngô Nhật Khánh là bà con của Ngô Tiên Chúa (tức Ngô Quyền). Trước kia, Ngô Nhật Khánh từng xưng là An Vương, cùng trong số mười hai sứ quân giữ đất tranh hùng.
Khi Đinh Tiên Hoàng đánh dẹp được Ngô Nhật Khánh rồi, bèn lập mẹ của hắn làm hoàng hậu, hỏi em gái của hắn cho con mình là Nam Việt Vương Đinh Liễn, lại gả công chúa cho hắn nữa, thế mà Ngô Nhật Khánh vẫn không bớt oán hờn…”.
Chính bởi sự oán hờn của người con rể này mà con gái yêu của vua Đinh đã gặp bất hạnh và kết thúc cuộc đời trong đau khổ.
Chuyện tình của công chúa Phất Kim và Ngô Nhật Khánh bắt đầu từ đám cưới giữa Đinh Tiên Hoàng với mẹ của viên sứ quân này, trước đám cưới của mẹ mình, Ngô Nhật Khánh miễn cưỡng cùng thuộc hạ từ đất Ái châu ra kinh đô Hoa Lư để dự.
Trong bữa yến tiệc, Đinh Tiên Hoàng đã cố tình khéo léo sắp xếp cho người con gái kiều diễm của mình là công chúa Phất Kim ba lần đến chúc rượu Nhật Khánh và ngay từ phút đầu tiên trông thấy nàng, trước vẽ đẹp kiều diễm của công chúa, Ngô Nhật Khánh đã bàng hoàng rung động.
Đến lần chúc rượu thứ hai, Nhật Khánh giơ tay đón ly rượu, vờ nắm vào bàn tay ngọc của công chúa. làm Phất Kim e lệ sẽ sàng rút tay lại. Chuyện kể rằng Ngô Nhật Khánh cất lời hỏi:
“Quý danh của nàng liệu ta có biết được chăng?”. “Dạ thưa tướng quân, tên thiếp là Phất Kim”, công chúa bẽn lẽn trả lời. Đến lần chúc rượu thứ ba, viên sứ quân thất thế mạnh dạn hỏi: “Ta muốn cùng nàng sum vầy gia thất, liệu nàng có bằng long không?”.
Công chúa Phất Kim nhẹ nhàng ý nhị đáp: “Đa tại tướng quân đã có lòng hạ cố” và rảo bước không ngoái lại nhìn. Đinh Tiên Hoàng đã biết rõ Nhật Khánh rất mê đắm công chúa Phất Kim, mới gọi người con gái yêu của mình lại nói:
“Nhật Khánh là người thao lược vào bậc nhất nhưng chưa thực sự tận trung vì sự nghiệp của cha, phía bắc có nước Tống, phương Nam có nước Chiêm thường nhòm ngó bờ cõi, nếu triều đình có được Nhật Khánh tận tâm giúp sức thì Đại Cồ Việt ta còn sợ gì! Nay ta muốn con ưng thuận lấy Nhật Khánh, dùng tình phu phụ thuyết phục hắn giữ trọn đạo hiếu trung”.
Phất Kim nghe lời cha dạy bảo liền nhận lời cầu hôn của Nhật Khánh và đám cưới đã được tổ chức tưng bừng ngay tại kinh đô.
Cuộc tình giữa nàng công chúa tuyệt sắc và sứ quân Nhật Khánh tưởng chừng mãi êm đềm, hạnh phúc nhưng bởi tham vọng chính trị còn cao hơn đã kiến phò mà triều Đinh này phản bội triều đình và đất nước.
Nửa năm sau lễ cưới, Ngô Nhật Khánh lấy cớ đi tuần thú Ái châu bằng đường thủy, xin được mang theo vợ. Thuyền từ sông Vân Sàng rồi vượt cửa Thần Phù rồi ra biển Đông. Đến lúc đó Ngô Nhật Khánh mới nói cho công chúa Phất Kim ý định của mình muốn nhờ binh lực của Chiêm Thành để giúp mình lên làm vua của Đại Cồ Việt.
Nghe chồng nói, công chúa vô cùng kinh sợ, nhất quyết phản đối khiến Nhật Khánh nổi giận mắng chửi rồi rút dao xẻo má vợ một cách lạnh lùng, tàn nhẫn rồi đuổi về.
Sang đến nước Chiêm không lâu, nghe tin cha con Đinh Tiên Hoàng bị ám sát, người con nhỏ là Đinh Toàn được tôn lên làm vua, triều đình rối ren khi các đại thần xung đột; cho đây là cơ hội tốt, Nhật Khánh liền dẫn đường đưa quân Chiêm vào xâm lấn nhưng bão biển bất ngờ nổi lên đã khiến tham vọng và cả thân xác con người bội bạc đó chôn vùi dưới đáy biển sâu.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết vào năm Kỷ Mão (979): “Phò mã Ngô Nhật Khánh dẫn thuyền quân Chiêm Thành hơn nghìn chiếc vào cướp, muốn đánh thành Hoa Lư, theo hai cửa biển Đại Ác và Tiểu Khang, qua một đêm, gặp gió bão nổi lên, thuyền đều lật đắm, Nhật Khánh cùng bọn người Chiêm đều chết đuối, chỉ có thuyền của vua Chiêm thoát trở về nước.
Nhật Khánh là con cháu của Ngô Tiên chúa Quyền, trước xưng là An Vương, cùng 12 sứ quân mỗi người chiếm giữ một vùng. Tiên Hoàng dẹp yên, lấy mẹ Khánh làm hoàng hậu, lấy em gái Khánh làm vợ Nam Việt Vương Liễn, còn lo sinh biến, lại đem công chúa gã cho Khánh, ý muốn dập hết lòng oán vọng của hắn.
Nhật Khánh bề ngoài cười nói như không, nhưng trong lòng vẫn bất bình, bèn đem cả vợ chạy sang Chiêm Thành, đến cửa biển Nam Giới (nay là Cửa Sót, thuộc huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh- PV) rút đao ngắn xẻo má vợ kể tội rằng:
“Cha mày lừa dối ức hiếp mẹ con ta, lẽ nào ta vì mày mà quên tội ác của cha mày hay sao? Cho mày trở về, ta đi đằng khác tìm kẻ có thể cứu ta”. Nói xong bèn đi. Đến đây nghe tin Tiên Hoàng băng, Khánh dẫn người Chiêm vào cướp”.
Về công chúa Phất Kim, được đưa về kinh Hoa Lư chạy chữa thuốc men ít lâu thì khỏi nhưng mãi không nguôi được nỗi đau đớn, tủi nhục trong lòng kiến nàng tìm đến cái chết nhảy xuống giếng nước lầu Vọng Nguyệt tự vẫn.
Đau đớn, thương xót con gái, Đinh Tiên Hoàng cho lập đền thờ ngay tại đó và cho đến tận ngày nay nơi thờ tự nàng công chúa trung trinh, tiết liệt vẫn còn.
Đối với mẹ Ngô Nhật Khánh, trước những diễn biến xấu dồn dập tràn đến, cuối cùng lại biết chuyện con trai bị chết chìm ở biển Đông, bà Ngô phu nhân xưa và hoàng hậu của triều Đinh ngày nay đau đớn vô cùng.
Nghĩ về những gì đã qua mà cảm thấy rùng mình sợ hãi, bà liền xin ra khỏi Hoàng cung, lập một ngôi chùa ở ngoại thành Hoa Lư để tu hành, ngôi chùa đó có tên là Đàm Lư nhưng dân gian vẫn quen gọi là chùa Bà Ngô (nay nằm ở thôn Trường Yên Hạ, xã Trường Yên, Hoa Lư, Ninh Bình).
Theo tiến trình lịch sử, công cuộc bình định loạn lạc và thắng lợi Đinh Bộ Lĩnh được đánh giá là thắng lợi của xu hướng thống nhất quốc gia, của tinh thần dân tộc và ý chí độc lập trong nhân dân.
Thế nhưng để có được thắng lợi đó, đằng sau nó là những toan tính chính trị, những mưu kế thâm sâu và có cả những bi kịch đau buồn day dứt đến ngàn năm.