18/06/2018, 15:30

Tư tưởng Minh tân của Nguyễn Chánh Sắt

Lưu Hồng Sơn Nguyễn Chánh Sắt. Nguyễn Chánh Sắt tự Bá Nghiêm, hiệu Tân Châu, người ở làng Long Phú, huyện Tân Châu, tỉnh Châu Đốc (nay thuộc Tân Châu, Phú Châu, An Giang). Khi viết, ông thường ký bút danh: Nguyễn Chánh Sắt, Tân Châu Nguyễn Chánh Sắt, Bá Nghiêm… Ông là ...

Lưu Hồng Sơn

nguyen chanh sat

Nguyễn Chánh Sắt.

Nguyễn Chánh Sắt tự Bá Nghiêm, hiệu Tân Châu, người ở làng Long Phú, huyện Tân Châu, tỉnh Châu Đốc (nay thuộc Tân Châu, Phú Châu, An Giang). Khi viết, ông thường ký bút danh: Nguyễn Chánh Sắt, Tân Châu Nguyễn Chánh Sắt, Bá Nghiêm… Ông là một trong số những nhà văn, dịch giả, nhà báo tiên phong và tiêu biểu ở Nam bộ đầu thế kỷ XX, cùng thời với Lương Khắc Ninh, Trần Chánh Chiếu, Hồ Biểu Chánh, Lê Hoằng Mưu… Nhìn lại những di sản Nguyễn Chánh Sắt để lại, có thể nói ông là người có những đóng góp cống hiến lớn lao vào bậc nhất ở Nam bộ đầu thế kỷ XX trên nhiều lĩnh vực: dịch thuật (hàng chục bộ truyện Tàu), sáng tác (hàng chục tác phẩm tiểu thuyết lịch sử, tiểu thuyết võ hiệp, tiểu thuyết xã hội, thơ ca, truyện ngắn, du ký), hoạt động báo chí (chủ bút Nông cổ mín đàm, viết cho Lục tỉnh tân văn, Nhật báo tỉnh – hàng trăm bài viết). Đặc biệt, Nguyễn Chánh Sắt còn là nhà hoạt động xã hội, hoạt động kinh tế tiêu biểu ở Nam bộ đầu thế kỷ XX.

Cùng thời với phong trào Duy tân ở miền Bắc và miền Trung, trong khoảng năm 1907 – 1908, phong trào Minh tân ở miền Nam cũng dấy lên mạnh mẽ. Tuy quy mô, tổ chức không rộng rãi và chặt chẽ như phong trào Duy tân ngoài Bắc và Trung, nhưng phong trào Minh tân lại không tắt nhanh chóng như phong trào Duy tân, mà được duy trì mãi qua hai ba thập niên sau đó (từ Nông cổ mín đàm, Lục tỉnh tân văn qua Đông Pháp thời báo, Phụ nữ tân văn), đương nhiên có sự thay đổi về tính chất. Phong trào Duy tân chú trọng cải cách văn hóa giáo dục, còn phong trào Minh tân chú trọng cải cách về kinh tế.

Trần Chánh Chiếu là lãnh tụ của phong trào Minh tân trong Nam, nhưng sau khi bị bắt (1908), các hoạt động của ông gần như không còn ai biết đến. Trong khi đó, Nguyễn Chánh Sắt vẫn hăng hái tiếp tục tư tưởng minh tân với chủ trương: ra sức kêu gọi dân chúng đứng ra tranh thương với ngoại kiều, hô hào cải cách nông nghiệp, chú trọng thực nghiệp, chú ý văn hóa giáo dục và đề cao nữ quyền, nhằm tới mục đích giành lại quyền lợi kinh tế, đưa đất nước thoát cảnh đói nghèo lạc hậu và phát triển. Đây là những vấn đề chủ yếu, là tư tưởng minh tân của Nguyễn Chánh Sắt thể hiện qua hàng trăm bài văn chính luận báo chí được đăng tải trên Nông cổ mín đàm (NCMĐ), nơi ông có hơn hai mươi năm cộng tác, và cũng là nội dung chính mà bài viết này muốn đề cập.

 

1. ĐỐI VỚI VẤN ĐỀ NÔNG NGHIỆP

Có đến hơn một nửa số lượng các bài văn chính luận của Nguyễn Chánh Sắt tập trung bàn về vấn đề nông nghiệp. Ví dụ các bài: Thời nông tiểu thuyết, Nông nghiệp cải lương, Nông nghiệp tệ nguyên, Nam kỳ nông nghiệp hưng vượng chi giai triệu, Nông nghiệp tương tế hội là một cuộc rất đáng cho quốc dân ta ước vọng, Thuyết nông, Nông nghiệp tương tế hội, Phải lập Hội nông nghiệp tương tế mà giúp đỡ cho những người thiếu sức, Nghề làm ruộng xứ ta, Thuế xuất cảng gạo đối với nhà nông có quan hệ chăng?, Ta nên chấn chỉnh nghề nông…

Nguyễn Chánh Sắt đặt mối quan tâm đến nông nghiệp lên hàng đầu, vì ông nhận thấy rằng nông nghiệp là thế mạnh, là cái gốc của Nam kỳ: “trong xứ ta đây, chỉ có một nghiệp nông là căn bổn, là huyết mạch của quốc dân” (Nông nghiệp tệ nguyên. NCMĐ, số 64, 1918). Được thiên nhiên ưu đãi, đất đai màu mỡ, ngoài việc khai hoang, còn lại việc trồng lúa “làm chơi ăn thiệt”, nên nông dân Nam kỳ rất nhàn nhã, không phải chăm sóc cực nhọc như nhà nông ngoài Bắc và Trung. “Xứ Nam kỳ nầy là một xứ đất rộng dân thưa. Đã vậy mà ruộng đất lại cao du, từ sông Bến Lức, Vũng Gù thẳng xuống giáp Vịnh Xiêm, chẳng luận là tỉnh nào, hễ phát cỏ gieo mạ thì tới mùa lúa đổ đầy vựa; chớ khỏi tốn tiền mua phân mà vãi trong ruộng, lại cũng khỏi đắp bờ rồi cả ngày phải cong lưng mà tát nước dưới ruộng thấp đam lên ruộng cao; như thế thì dân Nam kỳ làm ruộng sung sướng là dường nào” (Bàn về nông thương kỹ nghệ nước ta. NCMĐ, số 112, 1919). Nguyễn Chánh Sắt còn cho biết, mỗi năm Nam kỳ còn xuất khẩu 1,5 triệu tấn lúa, trong khi số vẫn còn một nửa số đất hoang chưa được khai phá do thiếu nhân lực.

Giải thích nguyên nhân tại sao người Nam kỳ không chú ý gì khác ngoài nghề nông, Huê kiều nhựt báo của người Hoa và tờ Trung Bắc tân văn đương thời cho rằng đó là bởi người Hoa và người Bắc trí tuệ, cần cù hơn người Nam. Nguyễn Chánh Sắt đã cực lực lên án quan điểm đó, ông cho rằng: “Trong Nam kỳ dân ít mà đất đã tốt lại nhiều, thì tất nhiên dân chẳng cần phải lo làm nghề chi khác nữa, chỉ chuyên lấy một nghề nông thì cũng đủ mà kinh dinh sự nghiệp. Xưa nay người Nam kỳ không lo thương mãi và công nghệ là bởi cớ đó” (Bàn về nông thương kỹ nghệ nước ta. NCMĐ, số 112, 1919).

Hơn nữa, Nguyễn Chánh Sắt cũng thấy rằng chính sự thiếu tinh thần đoàn kết, thiếu óc tiến thủ và không chú trọng thực học, sự tham lam hám lợi quá đáng của các điền chủ cũng là những nguyên nhân quan trọng bên trong khiến cho “cái mối tệ về nghiệp nông trong xứ ta mà dây dưa ra hoài, từ đời kia qua đời nọ, chặt không đứt, bứt không rời”. Ông viết: “Trong xứ ta đây, chỉ có một nghiệp nông là căn bổn, là huyết mạch của quốc dân mà còn bị nhiều mối tệ nó ngăn trở, làm cho trì trì đến ngày nay mà không tấn phát được; phần thì người xứ ta ít hay ưa đoàn thể với nhau, cứ riêng nhau mạnh ai chỉ lo cho nấy; chẳng ai chịu nhọc mà trù nghĩ tìm kiếm cho ra cái tệ đoan, phòng có trừ cho tuyệt nọc đi mà làm cho nghiệp nông trong xứ ta mau được phát minh như người mà cộng hưởng cái mối lợi cốc mễ là một mối lợi rất to của bổn địa” (Nông nghiệp tệ nguyên. NCMĐ, số 64, 1918).

2. ĐỐI VỚI VẤN ĐỀ THƯƠNG NGHIỆP, TRANH THƯƠNG

Bên cạnh vấn đề nông nghiệp, Nguyễn Chánh Sắt đặc biệt chú ý đến vấn đề thương nghiệp và tranh thương. Ông dành nhiều bài viết tâm huyết cho các vấn đề này. Ví dụ: Nam kỳ công nghệ, Dục tranh quyền lợi, Lúc nầy mà An Nam chẳng lo buôn bán còn đợi lúc nào, An Nam tẩy chay Khách trú, Tẩy chay, Tranh thương, Muốn quyết cuộc tranh thương phải chăm nom về lúa gạo, Muốn tranh quyền lợi phải năng đúc nhân tài, Phải làm cách nào cho Nam kỳ ta có được một hãng tàu?

Nguyễn Chánh Sắt là người khởi xướng cuộc tranh thương với các thương nhân Ấn Độ (Chà), Trung Quốc (Chệt), Campuchia (Cao Man)… Đặc biệt là với các Hoa kiều, ông kêu gọi mọi người dùng đồ nội hoá, tẩy chay hàng của Khách trú, hô hào hùn hiệp lập tiệm, lập trường học, mở trường nghề, lập các hội tương tế nông nghiệp và công nghệ, lập nhà in, dựng nhà máy xay lúa, mở tiệm giặt đồ, mở tiệm cà phê, mở lò bánh, lò đường, lò ươm tơ dệt lụa, lò nấu xà bông…

Bản thân Nguyễn Chánh Sắt cũng bỏ vốn hùn hạp lập Nam Trung khách sạn ở Sài Gòn, tiệm rượu ở Châu Đốc với ước mong làm giàu cho nhà cho nước, “thâu hồi quyền lợi trong xứ”, không để người “ngoại bang” tranh đoạt.

Ở Nam kỳ thời bấy giờ, các mối lợi về nông nghiệp (mua bán, xay xát, chuyên chở, xuất cảng lúa gạo), thủ công nghiệp (may mặc, dày dép, xà bông, gốm sứ, in ấn), ngân hàng, dịch vụ (nhà hàng, khách sạn, quán ăn, giặt ủi, bánh kẹo, rượu, cà phê) đều bị ngoại kiều thâu tóm. Nguyễn Chánh Sắt là người tiên phong, hăng hái nhất trong cuộc kêu gọi, đấu tranh tranh thương với Hoa kiều, gay gắt đến nỗi gây ra xung đột với người Hoa, người Bắc và buộc chính phủ phải lên tiếng. Chủ trương và tiếng nói của ông được nhiều người ủng hộ và tạo thành một phong trào tranh thương sôi nổi đương thời.

Tuy nhiên, Nguyễn Chánh Sắt cũng nói rõ: tranh thương ở đây là tranh thương với ngoại kiều (nhất là Hoa kiều), còn người của ba miền nước mình phải đoàn kết, giúp đỡ và tương tựa vào nhau, như thế mới có thể đẩy lùi được thế lực vững chắc của người Hoa. Ông kêu gọi: “Nay chúng ta mới phấn khích chen chúc ra giữa đám thương trường mà tranh đua quyền lợi. Mà ta có tranh đua thì tranh đua với Khách; chớ không phải tranh đua với ta. Vậy hổm rày đồng bào ta ở tại Sài Gòn đây đã lập ra nhiều quán cà phê mà vãn hồi quyền lợi được chút đỉnh rồi. Nhưng cũng chưa gọi làm đủ, phải lập thêm đôi ba chục tiệm nữa thì mới đủ cho thiên hạ dùng. Song tôi xin một điều là nếu ông nào muốn tính lập thêm thì lựa mấy chỗ chưa có tiệm An Nam mà lập; chớ trong một khoảnh đường mà lập đôi ba tiệm gần nhau; thì té ra ta chưa tranh cạnh với ai mà ta đã nhè đồng bào ta mà tranh cạnh đó. Vậy thì làm sao cho cuộc buôn bán của An Nam ta cho hưng vượng được. Ấy là một điều tối kỵ đệ nhứt trong nghề buôn bán đó” (Cách buôn bán phải làm thế nào cho bền vững. NCMĐ số 125, 1919).

3. ĐỐI VỚI VẤN ĐỀ THỰC HỌC, THỰC NGHIỆP

Vấn đề thực nghiệp, thực học đã được đặt ra từ lâu và trở thành phong trào sôi nổi ở miền Bắc với các lãnh tụ Duy tân, Đông Kinh nghĩa thục Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Lương Văn Can… Và phong trào Minh tân ở Nam bộ do Trần Chánh Chiếu dẫn đầu giai đoạn 10 năm đầu thế kỷ XX, nhưng sau khi bị chính quyền thực dân trấn áp, các phong trào này lắng xuống và gần như phẳng lặng trong những năm sau đó. Cho đến cuối thập niên thứ hai thế kỷ XX, vấn đề thực học, thực nghiệp lại được Nguyễn Chánh Sắt dấy lên mạnh mẽ và trở thành một trong những vấn đề cơ bản được ông quan tâm, thể hiện qua các bài: Nông thương thiệt luận, Cách dùng đồng hồ, Cách nuôi tằm, Cách nuôi heo, Thiệt nghiệp yếu luận, Nông thương yếu luận, Nông thương thiệt luận…

Nguyễn Chánh Sắt nhận thấy, người Nam kỳ từ trước đến giờ chỉ biết làm ruộng, không chú trọng đến các ngành nghề khác, để cho ngoại kiều nắm hết các mối lợi về thương nghiệp, thủ công nghiệp, dịch vụ, ngân hàng trong xứ. Hơn nữa, kỹ thuật canh tác nông nghiệp cũng không được phát triển thêm, càng ngày càng bị các nước khác vượt qua; trong khi đó lại vẫn tiếp tục cái học cũ chú trọng con đường công danh mà xem nhẹ công nghệ, kinh tế. Ông phê phán: “Nam kỳ ta xưa nay quốc dân chỉ chuộng có một nghiệp nông mà làm căn bổn, còn công nghệ thì chưa được mở mang, chỉ cứ bo bo theo nghề xưa kiểu cũ rồi làm mà bán quanh theo trong xứ vậy thôi, chớ chưa thấy ai biết cải cách mà chế tạo những đồ vật dụng theo lối văn minh thời đại nầy mà tranh ưu tranh liệt với ngoại bang; ấy là một cái vấn đề chúng ta hãy còn khuyết điểm lắm đó. Đã vậy mà quốc dân ta còn chìm đắm nơi biển hoạn, mê man lối đường danh, bởi đó cho nên những học sanh nơi mấy trường công nghệ, khi tốt nghiệp rồi thì cứ mong mỏi kiếm chỗ xin việc mà làm cho ra mặt ông kia thầy nọ mà thôi; chớ ít hay chịu lấy sở học của mình đam ra làm một nghề nghiệp chi mà chuyên luyện cho tinh tấn cho phát minh thêm phần học thức của mình mà giúp ích cho dân đoàn xã hội (Nam kỳ công nghệ. NCMĐ, số 79, 1918).

Nguyễn Chánh Sắt kêu gọi: “Phàm muốn cho nghề thương tấn bộ mà tranh cạnh cùng người thì quốc dân ta phải ráng lo học hành những phương thiệt nghiệp, ngõ hầu chế tạo ra những đồ vật của ta thường dùng hằng ngày đây, cho khỏi mua đồ của các nước, rồi lần lần ta lại học qua nhiều nghề khác nữa (…) Vả nay ta sanh nhằm thế kỷ thứ 20, là đời cạnh tranh thế giới, vận hội đã đổi xây, thì ta cũng phải chìu theo lối theo thời, học những khoa chuyên môn tân học, thì mới thích hạp thời nghi và mới mong chen chân vào cái địa vị ấy được, chớ miệng thì nói cho kêu, mà kỳ trung thiệt vô nhứt sách, cứ theo tục cũ mà làm, thì có thể nào mà ước trông cho được cái điều hy vọng ấy bao giờ!” (Nông thương thiệt luận. NCMĐ, số 2, 1917).

*

* *

Song song với việc kêu gọi, cổ vũ, chỉ dẫn dân bản xứ đồng tâm hiệp lực cải cách kinh tế, chỉ ra hiện trạng cả mặt ưu lẫn mặt khuyết của xã hội Nam kỳ đương thời, Nguyễn Chánh Sắt còn đưa ra nhiều kiến nghị để đất nước được phát triển, hưng vượng.

Đối với vấn đề nông nghiệp, ông hô hào mở rộng việc khai phá đất hoang, xây dựng các nhà máy xay xát, kho trữ lúa gạo đặc biệt. Nguyễn Chánh Sắt thấy được sự phát triển manh mún, thiếu sự liên kết và hỗ trợ lẫn nhau của người trong xứ, nên ông kêu gọi một cách rất nhiệt thành: “Vậy tôi nay xin Lục châu chư quân tử, những đấng có nhiệt tâm vì dân vì nước, xin xướng ra kêu rủ những người phú hộ hào gia, hãy thương xót lấy quê hương, đồng tâm hiệp lực mà lập cho nên mỗi tỉnh mỗi hội Nông Nghiệp Tương Tế (Syndicat Agricole) mà bảo toàn quyền lợi cho nhau. Ngày nào mà trong Lục châu mỗi nơi đều có mỗi hội Nông nghiệp tương tế như vậy rồi, thì mấy hội lại đoàn thể với nhau mà lập ra tại Sài Gòn – Chợ Lớn đây một vài cái nhà máy cho lớn, đặng lo giao thiệp với chư quốc mà bán lúa gạo và sản vật Nam kỳ ta cho khỏi bị người đê chế, thì hoặc may còn vãn hồi quyền lợi trong muôn một chi chăng. Nếu mấy ông để vậy mà nhìn, thì rất đau đớn, rất hổ han cho nhơn vật Nam kỳ ta biết bao mà kể xiết”. (Thế nào cũng phải lập nông nghiệp tương tế hội. NCMĐ, số 68, 1918).

Đối với vấn đề thực nghiệp, Nguyễn Chánh Sắt kêu gọi vứt bỏ lối học cũ chỉ chú trọng con đường khoa cử công danh, mà hướng vào lối học thực tế mới như nông học, thương học, địa lý học, cách trí học, số học, hóa học… “Những bao nhiêu học thuật ấy, chẳng những là quốc dân ta đây chưa hề học tới, vả lại có nhiều người tai cũng chưa từng nghe đến mấy khoa học ấy bao giờ; nghĩ coi, những học thuật hãy còn hoang vu, thì thiệt nghiệp làm sao mà mở mang cho được. Vậy nay ta cũng nên đổi cái phương châm mà theo lối tân học đương thời, có con cháu phải cho nó học về khoa thiệt nghiệp; rồi ta lại phải coi cái sở trường và sở thích của chúng nó về khoa nào, hoặc nông, hoặc thương, hoặc kỹ nghệ, thì ta sẽ chìu theo cái sở thích của nó mà cho nó học thì làm sao mà không nên. Nay đang buổi cạnh tranh nầy, miễn là làm làm sao mà lập đặng thân gia, cùng gìn giữ đặng cái quyền lợi cho quê hương, mà rửa cái nhục đã bị chúng chê cười rằng mình quê dốt vụng về tự bấy lâu nay, thì cũng đủ mà sang vậy. Đặng như vậy thì chẳng những là nhứt nghệ tinh nhứt thân vinh mà thôi đâu; thiệt rõ ràng là vinh cho người cả nước đó. (Thiệt nghiệp yếu luận. NCMĐ, số 5, 1917).

Đối với vấn đề tranh thương, Nguyễn Chánh Sắt thấy người Nam kỳ còn rụt rè chần chừ không dám hăng hái mạnh dạn. Ông cổ vũ: “Vậy hễ ta chẳng làm thì thôi, nếu đã làm rồi thì cứ việc xông lướt cho đến cùng, đừng sè sụt mà họ nhạo cười, hổ lắm đa các ông à! Còn những vật thường dùng như đường, như sữa, như cà phê, thì tại chợ Bến Thành đã có tiệm lớn sẵn đó, như: Galerie de l’Ouest tại đường Espagne, gần nhà hàng Cửu Long Giang, tiệm Tân Thành cũng ở đường Espagne số nhà 64 đều có trữ các món ấy, mấy người ít vốn là muốn mua lẻ hằng ngày, cứ đến đó mà mua, còn như mấy người có vốn lớn thì xin hãy hiệp nhau lập một hội cho to, mua các thứ ấy mà trữ sẵn cho nhiều. Vì trong cuộc thương chiến nào khác chi binh chiến; hễ chiến thơ đã phát ra rồi, thì điều cần nhứt là binh lương phải cho có sẵn. Nếu mấy ông chẳng tính trước việc nầy, nếu họ hè nhau xuất vốn ra nhiều; bao nhiêu sữa bò, đường, bột, và cà phê của các hãng Langsa, họ mua mão hết, thì tự nhiên chúng ta phải nghẹt ngòi, hết phương rục rịch. Lo lấy! Phòng lấy!!” (Lúc nầy mà An Nam chẳng lo mua bán còn đợi lúc nào. NCMĐ, số 125, 1919).

Đối với vấn đề thủ công nghiệp, Nguyễn Chánh Sắt hô hào người trong xứ đầu tư phát triển nghề kim hoàn, nghề mộc, nghề in… Đồng thời ông kiến nghị xin phép chính phủ lập các “tổng hội” để tăng cường hiệu quả hoạt động: “Nhưng vậy ta cũng còn phải xin phép chánh phủ mà lập ra tại Sài Gòn đây một Phòng Công Nghệ Tổng Hội (Syndicat Industriel) và một phòng Thương Vụ Tổng Hội (Chambre de Commerce); mỗi tháng nhóm nhau ít nữa cũng là một lần, đặng mà trù hoạch với nhau tìm kiếm những phương chi hay cho đặng tiện lợi cho các nhà công nghệ của ta, cùng là chước chi giỏi cho cuộc thương của ta cho mau hưng vượng, rồi ấn hành tờ kiết nhận (procès-verbal) trong mỗi khi hội mà ban bố ra cho các nhà công nghệ, hoặc mỗi hãng buôn cùng khi giá chợ lên xuống thế nào, hội cũng phải tư điển báo cho mấy hãng buôn hiểu biết tức thì, được như vậy thì những khách kiều cư đó có thế nào mà lường gạt dân ta được nữa” (Công thương thiệt luận. NCMĐ, số 4, 1917).

Và để giành lại quyền lợi trong xứ từ tay Hoa kiều, Nguyễn Chánh Sắt cho rằng người Nam kỳ phải hùn vốn thành lập vựa lúa, ngân hàng và hải cảng: “Nếu nay mà chúng ta muốn làm cho cái cơ sở của Khách trú lung lay, cho họ hết khinh dễ ta, hết hân hủi ta; mà lại phải chìu lụy lại ta, kinh tâm tán đởm với ta, thì chỉ có ba cái vấn đề rất quan trọng hơn hết là: 1- NAM KỲ NÔNG NGHIỆP TƯƠNG TẾ TỔNG CUỘC (hãng lúa); 2- NAM VIỆT NGÂN HÀNG (hãng bạc); 3- NAM VIỆT LUÂN THOÀN CÔNG TY (hãng tàu).

1. Nam Kỳ Nông Nghiệp Tương Tế Tổng Cuộc thì để mà mua hết lúa gạo của Nam kỳ ta gom về một mối, rồi hoặc bán cho mấy sở nhà máy Langsa, hoặc mướn mấy sở nhà máy ấy xay ra gạo mà bán cho mấy hãng Langsa, hoặc chịu mối bán thẳng ra cho ngoại quốc, thì Khách trú còn kiếm thế nào nữa đặng gạt ta mà thủ lợi? Chừng nào mà ta có đủ sức, đủ tư bổn to rồi, ta lại lập nhà máy ra mà xay lấy lúa của ta, thì có lo chi là mối lợi chẳng trọn về ta.

2. Nam Việt Ngân Hàng thì để mà giúp đỡ cho những đại thương gia và nông nghiệp chủ. Vì bấy lâu nay mà chúng ta làm ruộng to không nổi, buôn bán lớn không xong, là cũng do nơi tư bổn. Phần thì mấy hãng bạc hiện thời, toàn là người Khách trú lãnh làm Mái chính (compradore) mà thôi; họ bảo kiết cho họ, chớ đời nào mà họ chịu bảo kiết cho ta. Khách muốn mấy muôn cũng có, ta cần mấy chục cũng không. Dường ấy thì đường sanh nhai của dân tộc ta gian hiểm là dường nào. Nếu ta mà có sẵn được một hãng bạc rồi thì bao nhiêu điều gian hiểm bấy lâu ta sẽ vượt qua khỏi cả. Hiện nay tôi nghe có quan Đốc phủ Mầu là nghiệp chủ tại Mỹ Tho đã hiệp với các ông phú hộ hào gia, đang cổ động Lục châu, đặng kêu hùn mà lập ra một hãng bạc. Vậy thì xin các bậc phú ông trong Nam kỳ đây hãy vì lòng ái chưởng thương nghĩa đồng bào, xuất vốn ra mà hùn hiệp cho đông, giúp sức nhau mà chống cự với Khách trú, đặng rửa cái nhục họ khi thị ta tự bấy lâu nay.

3. Nam Việt Luân Thoàn Công Ty thì sắm tàu cho nhiều đặng để mà vận tải hàng hóa và hành khách của ta, thì tảo vãn đây cái mối lợi đưa tàu nầy ắt phải trọn về tay An Nam, chớ Khách trú chẳng có thế nào mà nắm cho chặt nữa. Cái vấn đề này rất khó, vì hiện nay tàu Khách trú bèo song, còn tàu An Nam chưa có một chiếc, cho nên cái lời tôi luận rằng cái mối lợi ấy sẽ được trọn vẹn về ta; thì chắc sao các ông cũng cho lời luận ấy là lời hoát xước. Mà thiệt quả như vậy, nếu tôi chẳng tôi chẳng giải cho ra thì chẳng những là ai, dẫu cho tôi đây, tôi cũng tự nhận là lời hoát xước. Vì vậy nên tôi phải giải quyết cái vấn đề ấy ra đây cho Lục châu chư tôn nhàn lãm (Ba cái vấn đề rất quan trọng. NCMĐ, số 127, 1919).

4. ĐỐI VỚI VẦN ĐỀ NỮ QUYỀN VÀ GIÁO DỤC

Vấn đề nữ quyền

Năm 1918, xuất hiện tờ nữ báo đầu tiên của Việt Nam: Nữ giới chung. Tiếng nói và vị trí của phụ nữ được xã hội chú ý, đề cao. Thực tế, trước đó khá lâu vấn đề nữ quyền cũng đã đặt ra trên Nông cổ mín đàm. Tên gọi “Nữ giới chung” (tiếng chuông của nữ giới) thực ra chính là nhan đề một mục trên Nông cổ mín đàm dành riêng để bàn về vấn đề phụ nữ. Nguyễn Chánh Sắt là người tiên phong trong việc đặt ra vấn đề nữ quyền ở Nam bộ với các bài: Nữ giới chung (số 1/ 1917), Nam quý nữ tiện (số 2/ 1917), Nữ tử phục quyền (số 3/ 1917)…

Nguyễn Chánh Sắt mở màn cho phong trào giải phóng nữ giới bằng những hồi chuông vang vọng: “Đờn bà con gái không đặng tự do vẫn đã lâu đời rồi, hiện nay là thế kỷ thứ 20, công lý tiệm minh, nữ quyền lược chấn, việc cưới gả cũng đã gần được tự do, song cái tục quen để cho đờn bà lo bề trị nội cũng vẫn còn hoài, chưa hề buông đặng. Đồng bào ta hãy xét lấy mà coi, vả chăng đờn bà con gái nước nào cũng vậy, tuy là phận liễu bồ nhược chất mặc dầu, song sánh việc thông minh tài lực, thì nào có kém chi trai. Nếu có giáo dục phổ thông, thì các cổ làm chi lại không đặng” (Nữ tử phục quyền. NCMĐ số 3, 1917).

Tiếng chuông này của Nguyễn Chánh Sắt sau đó được nhiều người hưởng ứng, tạo thành một phong trào rộng lớn trên báo chí Nam bộ những năm 20-30 thế kỷ trước với những tên tuổi tiêu biểu: Nguyễn Tử Thức, Sương Nguyệt Anh, Phan Khôi, Cao Hải Để…

Vấn đề giáo dục

Vấn đề giáo dục cũng được Nguyễn Chánh Sắt hết sức chú ý với các bài: Dục anh yếu luận, Giáo dục xác luận, Bàn về hiện tình giáo dục trong xứ ta, Việt Nam tân học ấn quán quảng cáo… Vì ông cho rằng một trong những nguyên nhân căn bản khiến nền kinh tế của ta còn yếu kém là bởi chúng ta chưa chú trọng nâng cao dân trí: “Đồng bào ôi! Cơ hội như vầy, mà quốc dân ta vẫn còn đang giấc mê say, chưa chịu thức tỉnh nhau mà tranh đua cái quyền lợi, để chờ cho chúng vét sạch bồ, thì chừng nấy ăn năn sao kịp. Than ôi! Cái trình độ của người Nam ta ngày nay, những trang thức giả, hễ luận đến, thì có ai chẳng chiếp miệng mà than dài; vì thấy cái bồ lúa của nhà ta mà để cho gà hàng xóm đến bươi tanh bành hết cả, còn anh em ta cứ để khoanh tay làm thinh mà chịu, thì ức biết dường nào! Ấy cũng bởi dân ta trí thức còn hẹp hòi, giáo dục còn túng kém (…) Đồng bào ôi! Hiện trong lúc nầy, các nước văn minh người ta, biết bao nhiêu là tư tưởng, biết bao nhiêu là học thuật; nào là nông học, nào là thương học, nào là địa lý học, nào là cách trí học, nào là hóa học, nào là số học, v.v… Những bao nhiêu học thuật ấy, chẳng những là quốc dân ta đây chưa hề học tới, vả lại có nhiều người tai cũng chưa từng nghe đến mấy khoa học ấy bao giờ; nghĩ coi, những học thuật hãy còn hoang vu, thì thiệt nghiệp làm sao mà mở mang cho được” (Thiệt nghiệp yếu luận. NCMĐ, số 5, 1917).

Nguyễn Chánh Sắt đã nhìn nhận vấn đề rất đúng đắn khi cho rằng trí thức “là căn bổn của sự tấn hóa”, là “đồ lợi khí cho cuộc cạnh tranh”, mà “hiện nay dân trí nước ta vẫn còn lờ mờ, trăm nghề chưa được một”, “học thuật hãy còn hoang vu”. Cho nên phổ cập giáo dục theo ông hiện là vấn đề cấp bách: “phàm muốn phổ cập giáo dục thì chỉ cầu cho quốc dân đều được trí thức phổ thông, mà hễ trí thức phổ thông rồi thì mới dưỡng thành cái nhân cách được, thế thì phổ cập giáo dục là một điều rất quan hệ cho nhân loại là dường nào!” (Giáo dục xác luận. NCMĐ, số 13, 1917).

*

* *

Nông nghiệp và thương nghiệp thực tế đã là vấn đề trọng tâm của tờ báo Nông cổ mín đàm, được Lương Khắc Ninh tập trung bàn luận với một loạt bài về “Thương cổ luận”. Sau đó có Trần Chánh Chiếu với nhiều bài viết về thương nghiệp, thủ công nghiệp đăng trên Nông cổ mín đàm và Lục tỉnh tân văn. Nguyễn Chánh Sắt là người tiếp nối Lương Khắc Ninh và Trần Chánh Chiếu trong vấn đề kêu gọi mở mang, phát triển nông nghiệp và thương nghiệp. Đồng thời Nguyễn Chánh Sắt tiến thêm một bước mới, phát động phong trào tranh thương, đặt ra vấn đề nữ quyền… gây được ảnh hưởng và tiếng vang sâu rộng đối với văn hóa, kinh tế và xã hội Nam kỳ đầu thế kỷ XX. Với những đóng lớn lao trên nhiều lĩnh vực, Nguyễn Chánh Sắt cần được tiếp tục mở rộng và đào sâu nghiên cứu thêm để có cái nhìn xác đáng hơn về vai trò và vị trí của ông trong tiến trình phát triển văn hóa của Nam bộ nói riêng cũng như của cả nước nói chung.

 

Ghi chú:

Tất cả những trích dẫn trong bài viết này đều trích từ microfilm báo Nông cổ mín đàm (NCMĐ).

Nguồn: tạp chí Khoa học xã hội, số 7 năm 2011

0