Lê Văn Khôi và cuộc nổi dậy ở thành Phiên An (1833-1835)
Đồng Mã Ngụy nơi chôn những người bị giết trong sự biến thành Phiên An Bùi Thụy Đào Nguyên Lê Văn Khôi (? – 1834) tên thật là Bế – Nguyễn Nghê , còn được gọi là Hai Khôi, Nguyễn Hựu Khôi hay Bế Khôi; là con nuôi, là thuộc tướng của Lê Văn Duyệt và là người thủ lĩnh cuộc nổi dậy ...
Bùi Thụy Đào Nguyên
Lê Văn Khôi (? – 1834) tên thật là Bế – Nguyễn Nghê , còn được gọi là Hai Khôi, Nguyễn Hựu Khôi hay Bế Khôi; là con nuôi, là thuộc tướng của Lê Văn Duyệt và là người thủ lĩnh cuộc nổi dậy chống lại nhà Nguyễn ở thành Phiên An (tức vùng Gia Định cũ) Việt Nam.
A. Thân thế và sự nghiệp:
Căn cứ Tộc phả Bế – Nguyễn, ông tổ đời thứ 9 của Lê Văn Khôi, vốn họ Nguyễn tức Nguyễn Tông Thái. Đời ông tổ đời thứ 8 đổi theo họ tỗ mẫu (họ mẹ), gọi là Bế Công. Đến ông tổ đời thứ 5, vì có công dẹp nhà Mạc nên đời đời tập chức phiên thần, cai quản địa phương và trở thành dòng họ lớn ở Cao Bằng.
Đến tháng 9 năm Canh Thân (1740), năm đầu Cảnh Hưng, vua Lê Hiển Tông lại cho đổi làm họ Bế – Nguyễn.
Cũng theo tộc phả này, Lê Văn Khôi là con trai Bế Kiện. Ông là người cao lớn, dũng mãnh, ăn nhiều, tính hay khôi hài, tài võ xuất chúng… Về võ nghệ, tương truyền khi vào Gia Định, có lần Lê Văn Khôi dùng tay không chống lại cọp dữ cho sứ thần nước Xiêm xem. Về tài văn, bổn tuồng San hậu, có nhiều đoạn do ông nhuận sắc[1].
I. Theo Lê Văn Duyệt:
Sách Đại Nam chính biên liệt truyện ghi: “năm Gia Long thứ 18 (1819), ở hai trấn Thanh Nghệ và Thanh Bình (nay đổi là Ninh Bình), Thiên Quan (tên phủ, nay đổi là Nho Quan), những lưu dân, thổ phỉ tụ họp nhau làm giặc, quan sở tại không kiềm chế nổi, vua sai tả quân Lê Văn Duyệt tới đó kinh lược. (Khi ấy) Khôi mộ quân lệ thuộc dưới trướng, đánh dẹp thường có công. Duyệt yêu mến dùng làm nanh vuốt”.
Trần Trọng Kim cho biết chi tiết:“ Lê Văn Khôi, khởi binh làm loạn, bị quan quân đuổi đánh, mới chạy vào Thanh Hóa, gặp Lê Văn Duyệt xin đầu thú. Ông Duyệt tin dùng cho làm con nuôi, đổi tên họ là Lê Văn Khôi, rồi đem về Gia Định cất nhắc cho làm đến Phó vệ úy” (Việt Nam sử lược, tr.445).
Nhưng theo Nguyễn Phan Quang tìm hiểu thì “rất có thể Lê Văn Khôi rời Cao Bằng đi đến vùng thượng du Hòa Bình, Thanh Hóa (nơi vốn có mối quan hệ lâu đời với dòng họ của Lê Văn Khôi), nhằm liên kết với cuộc đấu tranh của các lang đạo họ Đinh, họ Quách của dân tộc Mường. Và Lê Văn Khôi đã đi theo Lê Văn Duyệt vào khoảng thời gian lãnh tụ Quách Tất Thúc và 2 con đầu hàng Duyệt và được Duyệt cho theo quân thứ.” (Việt Nam thế kỷ XIX, tr. 235)
II. Khởi binh chống nhà Nguyễn:
Cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi, hay còn được gọi là sự biến thành Phiên An, là một cuộc nổi dậy chống lại triều đình xảy ra vào thời vua Minh Mạng do Lê Văn Khôi khởi xướng.
Sự kiện này diễn ra từ năm 1833 đến năm 1835 tại thành Bát Quái (còn gọi là thành Quy hay thành Phiên An, Phan Yên, Sài Côn) và các tỉnh miền Nam Việt Nam.
2.1 Nguyên nhân:
Vua Minh Mạng và Tả quân Lê Văn Duyệt (1764-1832) vốn có nhiều hiềm khích và tư thù. Minh Mạng tuy ghét, nhưng không dám làm gì bởi công lao và uy quyền của ông quá lớn.
Cho nên ngay sau khi Lê Văn Duyệt mất (1832), việc đầu tiên của nhà vua là giành lại quyền lực của mình ở Gia Định. Cùng năm đó, nhà vua cho bãi bỏ chế độ Tổng trấn, cải ngũ trấn thành sáu tỉnh (tức Nam Kỳ lục tỉnh, gồm: Phiên An, Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên) trực thuộc vào triều đình Huế, biến thành Gia Định (nơi cai trị của quan Tổng trấn trước đây) thành trị sở của quan Tổng đốc tỉnh Phiên An.
Tóm thâu quyền lực xong, việc tiếp theo là nhà vua cắt đặt quan lại vào thay. Trong số đó có ba viên viên quan vào coi giữ Phiên An, là: Nguyễn Văn Quế (Tổng đốc), Bạch Xuân Nguyên (Bố chính, họ ngoại vua Minh Mạng), và Nguyễn Chương Đạt (Án sát); đồng thời mật sai dựng lên vụ án Lê Văn Duyệt.
Theo sách Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, “…vốn là người tham lam, tàn ác; nên khi đến làm Bố chính ở Phiên An, Bạch Xuân Nguyên nói rằng phụng mật chỉ truy xét việc riêng của Lê Văn Duyệt, rồi đòi hỏi chứng cớ, trị tội bọn tôi tớ của ông Duyệt ngày trước”(tr. 445).
Nói gọn, nguyên nhân chính của cuộc khởi nghĩa này, là vì nhà vua muốn làm nhục Lê Văn Duyệt, vì nhân dân Gia Định bị áp bức và còn vì một số quan chức địa phương cùng một vài thành phần nhân dân ở đây bị mất quyền lợi và quyền lực…
2.2 Diễn biến:
2.2.1 Nổi dậy:
Khi tra án Lê Văn Duyệt, Bạch Xuân Nguyên đã cho bắt vợ con và những thủ hạ thân tín của Tả quân, trong số ấy, có Lê Văn Khôi.
Lê Văn Khôi (còn có tên là Nguyễn Hữu Khôi, Nguyễn Hựu Khôi), người ở Cao Bằng. Do trước đây Khôi khởi binh chống lại nhà Nguyễn, bị quân triều đình đuổi đánh, mới chạy vào Thanh Hóa, gặp Lê Văn Duyệt đang làm Kinh lược ở đấy, bèn ra thú. Lê Văn Duyệt tin dùng cho làm con nuôi, đổi tên họ là Lê Văn Khôi, rồi đem về Gia Định cất nhắc cho làm đến chức Phó Vệ Úy. (Theo Quốc triều chính biên toát yếu, khi nổi dậy, Lê Văn Khôi đang giữ chức Tả quân Minh nghĩa Vệ úy).
Cho nên khi Bạch Xuân Nguyên kiếm cớ hài tội người cha nuôi, và còn bắt giam ông; phần thì tức giận vì chủ bị nhục mạ, phần thì sợ tội, Lê Văn Khôi bèn mưu với mấy người cùng cánh để khởi binh chống lại.
Sau khi ngầm liên hệ được với binh lính bên ngoài, đêm 18 tháng 5 năm Quý Tỵ (1833), ông cùng 27 lính hồi lương (2) đột nhập dinh Bố Chính giết cả nhà Bạch Xuân Nguyên. Quan Tổng đốc Nguyễn Văn Quế hay tin vội đem quân đến cứu cũng bị giết nốt (3). Lãnh binh thành Phiên An là Giả Tiến Chiêm đem hơn 400 quân chống lại nhưng bị thua bỏ chạy. Còn Án sát Nguyễn Chương Đạt, nhờ có người cho biết trước, nên chạy thoát được. Được tin khẩn báo, vua Minh Mạng cử ngay Lê Phúc Báo thay Nguyễn Văn Quế đồng thời điều động khoảng ngàn quân của các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận vào gấp Phiên An để trấn áp.
2.2.2 Đánh chiếm Nam Kỳ lục tỉnh:
Lấy được thành Phiên An, mở cửa nhà tù, thả hết phạm nhân và phát khí giới cho họ. Lê Văn Khôi bèn tự xưng làm Nguyên súy, phong tặng các tướng và sắp đặt quan chức cai trị như một triều đình riêng (4). Để có chính nghĩa và có nhiều người theo, Lê Văn Khôi tuyên bố tôn phò Hoàng tôn Đán (tức Nguyễn Phúc Mỹ Đường, con trai trưởng của Hoàng tử Cảnh).
Sau đó, Lê Văn Khôi sai Phó tướng Lê Đắc Lực mang quân tiến đánh và chiếm được thành Biên Hòa. Các quan lại nhà Nguyễn như Thự tuần phủ Võ Quýnh, án sát Lê Văn Trác, lãnh binh Hồ Kim Truyền đều bỏ chạy.
Phần tướng Thái Công Triều (được Khôi phong Trung quân) thì mang quân đi đánh chiếm các tỉnh thành phía Nam. Đêm ngày 7 tháng 6 năm 1833, quân nổi dậy tiến công, lần lượt chiếm được các tỉnh: Định Tường, Vĩnh Long, An Giang…Cứ thế, chỉ chưa đầy một tháng cả Nam kỳ lục tỉnh đều thuộc về lực lượng nổi dậy.
Ngày 4 tháng 6 năm 1833, vua Minh Mạng cử tướng Phan Văn Thúy, làm Thảo nghịch hữu tướng quân, Trương Minh Giảng làm Tham tán cầm đầu đạo Tiền quân, theo đường bộ tiến vào Gia Định. Cử tướng Tống Phúc Lương làm Thảo nghịch tả tướng quân và Nguyễn Xuân làm Tham tán, cầm đầu đạo quân thứ hai theo đường thủy vào thẳng Vĩnh Long, Định Tường, rồi tiến lên thành Phiên An. Vẫn không yên tâm, nhà vua cử thêm đạo quân thứ ba do tướng Trần Văn Năng làm Bình khấu tướng quân cùng Lê Đăng Doanh và Nguyễn Văn Trọng cùng làm Tham tán, thống lĩnh 3 vệ quân với 23 chiến thuyền theo đường thủy đến cửa Cần Giờ, để phối hợp với hai đội quân trên.
2.2.3 Thất thế:
Ngày 17 tháng 6 năm 1833, trong khi đạo tiền quân do Phan Văn Thúy chỉ huy mới đến Khánh Hòa, thì Thự tuần phủ Võ Quýnh cùng các quan quân dưới quyền đã đánh chiếm lại được thành Biên Hòa. Được tin vui, vua Minh Mạng sai gửi hỏa tốc 20 súng thần công vào chiến trường Gia Định.
Khoảng trung tuần tháng 7 năm 1833, cả ba đạo quân trên đều vào đến Nam Kỳ. Trước sức mạnh đó, giới Địa chủ, phú hào các nơi đều dao động, không dám ủng hộ Lê Văn Khôi nữa. Tiếp đó, một tướng giỏi của ông là Thái Công Triều (5) cũng đầu hàng triều đình, mang quân về Gia Định đánh lại Lê văn Khôi, khiến lực lượng nổi dậy bị suy yếu nhanh chóng.
Vì vậy, quân triều đình đã dễ dàng chiếm lại các tỉnh: ngày 13 tháng 7, lấy lại Định Tường & Vĩnh Long; ngày 19 tháng 7, lấy lại An Giang & Hà Tiên…Cứ thế, đến trung tuần tháng 8 năm ấy, cả 5 tỉnh (trừ Phiên An) thuộc Nam Kỳ đều đã bị quân triều chiếm lại hết.
2.2.4 Cố thủ và thất bại:
Lê Văn Khôi gặp cảnh “lưỡng đầu thọ địch, thêm binh cô tướng quả, nên truyền lệnh đóng cửa thành cố thủ” (Vương Hồng Sển, tr. 211), rồi nhờ giáo sĩ phương Tây đi sang cầu viện Xiêm La. Xiêm La nhân muốn lấn chiếm nước Việt nên nhận lời giúp (sách Hỏi đáp lịch sử Việt Nam phê: đây là một sai lầm lớn của Khôi, tr. 353). Năm 1834, quân triều đình đánh bại quân Xiêm. Chiếm lại toàn bộ các tỉnh miền Nam xong, quân triều đình dồn hết về bao vây thành Phiên An.
Khi thành đang bị vậy ngặt, Lê Văn Khôi bị bệnh phù thũng mất ở trong thành vào ngày 11 tháng Chạp năm Minh Mạng thứ 14 (1833. Theo sử gia M. Gaultier, Khôi bị đầu độc). Con trai ông là Lê Văn Cù (6) mới 7, 8 tuổi được cử lên thay, tướng Nguyễn Văn Trắm (em họ Khôi) được cử ra chỉ huy quân trong thành…
Dù Lê Văn Khôi đã chết, nhưng nhờ thành cao hào sâu, quân nổi dậy vẫn giữ được thành cho tới tháng 7 năm Ất Tỵ (1835). Lúc bấy giờ, hiện trạng rất nguy ngập: Thành bị bao vây dài ngày, dịch tả hoành hành, súng đạn hư hỏng vơi cạn dần, lương thực tuy nhiều nhưng bị ẩm mốc, tinh thần và sức lực quân dân đều suy kiệt và ly tán… Cho nên khi quân triều đình chia làm 8 mũi, tấn công ồ ạt vào thành. Quân nổi dậy chống cự không nổi, bị thua trận. Đại thắng, các tướng lĩnh lập tức cho đề mấy chữ “Thành Phiên An đã hạ” trên một lá cờ đỏ, sai quân thay nhau chạy ngựa suốt ngày đêm về kinh sư báo tiệp.
2. 3 Sau cuộc chiến:
Nhận được tin báo tiệp, vua Minh Mạng cả mừng, truyền đóng cũi giải 6 trọng phạm (tội chủ mưu) về Huế, gồm: giáo sĩ Marchand (tức Cố Du. Theo Trương Vĩnh Ký, vị tu sĩ này muốn thủ vai Bá Đa Lộc thứ hai), Mạch Tấn Giai (Hoa kiều), Nguyễn Văn Hoành, Nguyễn Văn Trắm và Nguyễn Văn Bột (7). Ngoài ra, còn chém thêm hai người nữa, đó là tướng Thái Công Triều vá Án sát Nguyễn Chương Dật (bị kêu án lăng trì, nhưng xét công và vì biết ăn năn nên được giảm án. Theo Vương Hồng Sển, tr. 216).
Số còn lại gồm binh sĩ và người dân, bất kể già trẻ, gái trai, ở trong thành Phiên An, cả thảy 1.831 đều bị giết chết và chôn chung một chỗ, gọi là Mả Ngụy hay Mả Biền Tru (8).
Sau khi dẹp yên, năm 1835, triều thần ở Đô sát viện là Phan Bá Đạt dâng sớ hài tội Lê Văn Duyệt, đã khép luôn Tả quân vào tội gây nên sự biến ở thành Phiên An. Đọc sớ, vua Minh Mạng dụ rằng: Ví dù quan cai trị không hèn đốn như Nguyễn Văn Quế, tham tàn như Bạch Xuân Nguyên, thì chúng nó có ngày làm phản chứ không sao khỏi được. Vì bọn tiêu hạ của hắn (chỉ Lê Văn Duyệt) toàn là quân hung đồ, quen làm những việc bất thiện. Chúng nó đã quen thấy hắn dối chúa, lấn trên…(Việt Nam sử lược, tr. 459). Kết cục, Tả quân bị khép bảy tội phải chém, hai tội phải thắt cổ, một tội phải sung quân; nhưng vì ông Duyệt mất đã lâu nên chỉ cho người truy đoạt quan tước, sang phẳng mồ mả và dựng lên đấy bia đá trên viết to những chữ: “Quyền yêm Lê Văn Duyệt phục pháp”xứ” (tức đây chỗ tên lại cái lộng quyền Lê Văn Duyệt chịu phép nước).
Còn tòa thành cũ là thành Bát Quái (tức Phiên An, do Olivier de Puymanel xây dựng năm 1870), vì “tội” kiên cố quá, đã làm hao tổn quân triều đình không ít, nên bị nhà vua sai phá bỏ, cho xây lại một tòa thành nhỏ hơn, ít kiên cố hơn là Thành Gia Định (hay còn gọi là Phượng Thành, Phụng Thành).
B. Bàn luận:
Nói về Lê Văn Khôi, M. Gaultier viết:
“Không như các sử của triều Nguyễn đã nói Lê Văn Khôi chỉ là một kẻ phiến động tầm thường, có nhiều tham vọng và vô tư cách. Thực ra, Khôi là một người võ nghệ tuyệt luân, có nhân phẩm cao quý, có tài giao thiệp, có huyết khí cương cường, có tinh thần hào hiệp, biết chỉ huy…nên rất được những người chung quanh cảm mến. Nhờ vậy mà sau tiếng hô của Khôi hàng trăm ngàn gia đình dân chúng miền Nam vùng ngay dậy”…(Dẫn theo Phạm Văn Sơn, Việt sử tân biên, quyển 4, tr. 352).
Sau khi kể về cuộc nổi dậy do Lê Văn Khôi khởi xướng, trước năm 1975, nhà sử học Phạm Văn Sơn có lời bình:
“…Luôn 3 năm liền ở miền Nam, máu đổ xương rơi, tàn dân hại vật, đó là trách nhiệm của một ông vua hẹp hòi, của một triều đình nhiều kẻ dua nịnh. Đất này tuy là nơi lập nghiệp của nhà Nguyễn mà lại xẩy ra nhiều sự rối ren là vì vua Minh Mạng thiếu sự rộng lượng đối với các cựu thần, lại nghe bọn xu nịnh nên dân sự bị áp bức quá nhiều. Tuy ông là một ông vua biết chăm nom việc nước, bên trong bên ngoài sửa sang được nhiều việc…nhưng người ta không thể không quy trách nhiệm cho ông về các vụ loạn ly đã xảy ra ở Bắc Hà, Nam Hà và Chân Lạp do quan lại tham nhũng gây nên, đáng lẽ ở những miền xa xôi này ông phải lựa đặt những cán bộ ưu tú, biết lấy ân làm uy, khéo léo vỗ về dân chúng, bởi từ lâu họ đã thiếu cảm tình với tân triều…Ngoài ra, dầu quân đội của Minh Mạng đã thắng ở Bắc cũng như ở Nam, ta cũng không thể coi đây là những vinh quang cho những người làm chính trị đời bấy giờ…Bề khác, ta có thể nghĩ rằng cuộc chiến đấu của quân dân thành Phiên An là một cuộc chiến anh dũng đáng phục. Cuộc chiến đấu này là một cuộc chiến đấu có lý tưởng bởi nó có chủ trương đánh đổ một chế độ tàn ác, bất công, phi dân” (theo Việt sử toàn thư, sách điện tử và Việt sử tân biên, quyển 4, tr. 362. Cả hai sách đều cùng một tác giả).
Sau năm 1975, GS. Nguyễn Phan Quang có ý kiến:
“Có tác giả cho rằng cuộc nổi dậy Lê Văn Khôi là của những người theo đạo Gia Tô, do các giáo sĩ chủ mưu. Có tác giả lại nghĩ rằng đây chỉ là mưu đồ lật đổ của một phe phái trong tầng lớp thống trị chống Minh Mạng. Có ý kiến còn cho rằng đây là một cuộc bạo loạn, một mưu đồ phản động, phản dân tộc (!)…Xét những thành phần chính đi theo Lê Văn Khôi bao gồm: giáo dân, người Hoa (9), các dân tộc thiểu số (người Chăm, người Khmer, một số người dân tộc ở Tây Nguyên), quân “Hồi lương, Bắc thuận”, và một số đông dân lục tỉnh…Vậy có thể nghĩ rằng ít nhất trong giai đoạn đầu, cuộc nổi dậy do Lê Văn Khôi khởi xướng đã gắn bó với phong trào đấu tranh của nông dân và của các dân tộc chống triều Nguyễn… Và từ mối quan hệ giữa hai cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi và của Nông Văn Vân, đã cho thấy họ có chung một ý đồ là cùng nổi dậy trong phạm vi cả nước nhằm lật đổ triều Nguyễn. Rõ ràng không phải Lê Văn Khôi nổi dậy chỉ nhằm mục đích trả thù cho Lê Văn Duyệt, càng không phải vì thân thuộc của Khôi ở Cao Bằng bị truy nã mà nổ ra cuộc nổi dậy của Nông Văn Vân.” (tr. 239, 249 và 253).
Nhóm tác giả sách Đại cương lịch sử Việt Nam (tập 1) cũng đã chỉ ra rằng: Cũng như các cuộc khởi nghĩa của nông dân và các dân tộc ít người, cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi phản ánh sự bất bình cao độ của nhân dân Gia Định đối với triều Nguyễn (tr. 464).
Tuy nhiên các nhà nghiên cứu trong sách Địa chí văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh sau khi chỉ ra nguyên nhân thất bại, đều có chung một kết rằng đây không phải là một cuộc “khởi nghĩa”. Trích:
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu:
“Cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi là cuộc nổi dậy không thành công to lớn nhất của Nam Kỳ. Nó quy tụ được nhiều thành phần của Sài Gòn đương thời. Họ bất mãn với sự thay đổi chính sách thống trị của Minh Mạng ngay sau khi Lê Văn Duyệt chết. Họ cùng bị bách hại, kết tội, bóc lột bởi nhóm quan lại mới đến. Nhưng họ chỉ biết kết hợp chống đối, mà thiếu hẳn một đường lối để tạo thành một sức mạnh gắn bó, cuốn hút được những người còn ở xa. Chỉ trong việc Lê Văn Khôi tức tốc cầu viện quân Xiêm đã đủ cho nhân dân lục tỉnh phản đối rồi, nên suốt thời gian bị bao vây, không có một cuộc nổi dậy nào của dân ở các tỉnh, nhằm chia sẻ lực lượng quân triều. Điều đó đã nói lên mức độ bị cô lập của một cuộc binh biến”…
GS. Trần Văn Giàu:
“Phe Khôi nổi lên, chủ yếu là với lực lượng quân đội địa phương, chống lại triều đình Minh Mạng, đó là một biểu hiện của mâu thuẫn giữa các cánh phong kiến. Khôi dùng hàng ngũ cố đạo người Pháp và những tay phiêu lưu người Tàu. Khôi lại cầu viện quân Xiêm…Ý định của Khôi là cát cứ ở phương nam. Cho nên, dù ban đầu, cuộc khởi binh của Khôi có trùng hợp với một số cuộc khởi nghĩa nông dân trên cả nước Việt Nam, nó không tránh khỏi sớm mất đà, rốt cùng chỉ có thể dựa vào hào sâu, tường cao, lương thực đủ, súng đạn nhiều. Khôi chống cự với quân triều được gần ba năm. Trong ba năm đó, nhân dân Gia Định – Sài Gòn vì chiến tranh mà thêm đồ thán. Hai bên đánh qua đánh lại, phố phường tan tác, thôn xóm tiêu điều. Cuối cùng quân Minh Mạng toàn thắng”…
Nhà văn Trần Bạch Đằng:
“Chúng ta không nên xếp sự biến Lê Văn khôi vào phạm trù nông dân khởi nghĩa bởi vì động cơ bao trùm sự biến là mâu thuẫn nội bộ giai cấp thống trị, thậm chí, mang dấu vết thanh toán tư thù và chừng mực nào đó – cũng như Nông Văn Vân và Lê Văn Phụng ở Bắc Bộ – có bàn tay các cố đạo ngoại quốc nhúng vào, nhưng nó vẫn báo hiệu chấm dứt thời kỳ dân đất Đồng Nai cảm tình với nhà Nguyễn và nhà Nguyễn nương tay với dân Đồng Nai”… (tập1- tr. 211, tr. 243 và 432).
Nhóm tác giả sách Sài Gòn – TP. HCM cũng nêu lên ý kiến tương tự:
“Cuộc binh biến này, thực chất chỉ là một cuộc đảo chính quân sự của một tầng lớp thống trị địa phương, nhằm chống lại nhà nước phong kiến trung ương, chứ không phải là cuộc khởi nghĩa của nhân dân, mặc dù nó đã lôi cuốn được nhiều thành phần, như: giáo dân Thiên chúa, một số Hoa kiều, một số dân tộc ít người vùng Tây Ninh, binh lính quê ở miền Bắc, miền Trung, một số địa chủ, dòng dõi công thần và một số quan lại dưới quyền Lê Văn Duyệt…Nhưng cuộc binh biến chưa có biểu hiện nào cho thấy nó đã nổ ra vì nguyện vọng và vì lợi ích của đông đảo các tầng lớp nhân dân…” (tr. 100).
***
Vấn đề ở đây có phải là cuộc “khởi nghĩa” hay chỉ là cuộc “binh biến”, cần phải có một công trình nghiên cứu sâu rộng, mới có thể đạt được sự đồng thuận cao hơn. Trước mắt, ta chỉ nên gọi đây là cuộc nổi dậy, hay là sự biến thành Phiên An là công tâm và hợp lý hơn cả.
Và nói sao thì cuộc nổi dậy Lê Văn Khôi cũng đã nổ ra, điều mà Minh Mạng không ngờ tới (10), làm 3 năm liền ở miền Nam, máu đổ xương rơi, tàn dân hại vật. Nếu hôm qua thành phần dân tộc này làm nồng cốt cho Thế tổ nhà Nguyễn (Nguyễn Ánh) tranh đấu với nhà Tây Sơn; thì bởi duyên cớ gì mà ngày nay họ coi vua Minh Mạng là bạo chúa, coi đám cận thần là bọn có tâm thuật hèn hạ, và cần phải triệt bỏ hết?.. Cuộc chiến bại của Phiên An, tóm lại là một cuộc chiến bại oanh liệt, đáng là kinh nghiệm quý báu cho những nhà làm chính trị hôm qua cũng như hôm nay suy gẫm lại cách cai trị của mình.
Chú thích:
1.Vương Hồng Sển, Khảo về đồ sứ men lam (Huế), NXB Mỹ thuật, 1994, tr. 208). Trong Gia Định xưa (Huỳnh Minh soạn. Nxb. VHTT in lại năm 2006, tr. 160) có thêm chi tiết: Tương truyền, vào năm 1920, khi Lê Văn Duyệt đi kinh lược vùng Thanh Hóa, có Lê Văn Khôi đi theo hầu. Lúc hai ông ghé thăm mộ Võ Tánh ở Bình Định, nhìn tháp Cánh Tiên nơi cố đô của Chiêm Thành, Ông Khôi đã xúc cảm làm một thơ Đường luật, trong đó có hai câu cuối còn được truyền tụng: Ca quản lâu đài vân cộng khứ/ Duy dư Tiên tháp lão càn khôn (nghĩa: Tiếng đàn hát ca xang, đã cùng mây bay đi mất/ Chỉ còn một tháp Cánh Tiên thi gan cùng tuế nguyệt, khoe già với trời đất). Điều đó chứng tỏ Lê Văn Khôi là người văn võ toàn tài.
2. Bắc thuận hay Hồi lương là những người ở miền Bắc hay Trung, bị tội phải đày vào làm lính ở Nam Kỳ.
3. Đoạn này chép theo Việt Nam sử lược. Nhưng theo Ngô Tất Tố thì: Bạch Xuân Nguyên cùng vợ con chạy đến Xóm Gà (Gia Định) thì bị Khôi đuổi kịp, chém chết cả nhà. Khôi trở lại dinh Tổng đốc toan thú tội, chẳng dè Nguyễn Văn Quế hay tin tù phá ngục, sợ quá nên tự tử. Lỡ việc, Khôi mới chiếm thành làm phản (Gia Định Tổng trấn Tả quân Lê Văn Duyệt. Ngô Tất Tố soạn. Nhà in Mai Lĩnh xuất bản, không in năm.). Phạm Văn Sơn ghi: Lê Văn Khôi cùng các đồng chí đột nhập dinh Bố chánh bắt cả nhà Phạm Xuân Nguyên, nhưng Nguyên chạy thoát được. Nhưng ngay đêm ấy loạn quân tập nã được Nguyên, rồi đem Nguyên và Quế về đốt như bó đuốc trước từ đường của Tả quân (tr. 351). Vương Hồng Sển, chép tương tự: Nguyên và Quế đều bị bắt, đều bị lấy sáp làm đèn, đốt lên đầu, tế sống Tả quân (tr. 209). Việt Nam sử lược ghi chỉ có Bạch Xuân Nguyên bị làm đuốc để tế từ đường (tr.448).
4. Vương Hồng Sển thì chép rằng: Khi báo được cừu lớn, trả hờn cho Tả quân rồi, thì bọn Khôi, Hoành, Trắm đều lên lưng voi giong ruổi, định về quê cũ là xứ Bắc…Nhưng dân tình còn mến đức Tả quân, chạy theo xin đừng bỏ chúng. Vì vậy, Khôi quày đầu voi trở lại, từ đấy mới làm phản thật sự: đoạt thành, thượng cờ đỏ đề hai chữ Chiêu An, ngày 22 tháng
5 năm 1833, tự xưng Bình Nam đại nguyên soái, và phong cho các tướng lãnh…(tr. 209).
5.Thái Công Triều, người Thừa Thiên, nguyên là Vệ úy coi vệ biền binh ở Phiên An, đi theo Lê Văn Khôi được Lê Văn Khôi giao cai quản phân nửa Nam Kỳ. Đề cập đến mối quan hệ giữa Khôi và Triều, Vương Hồng Sển viết: Khôi và Triều ngầm không thuận nhau, nên chia hai Nam Kỳ để tránh đụng chạm quyền lợi. Triều lo việc thủy quân và lãnh trách nhiệm từ Sài Gòn đến ranh giới nước Xiêm La; còn Khôi thì đảm trách từ Sài Gòn ra Huế. Triều theo Khôi là đầu hàng đỡ chớ vẫn có nhị tâm, nên lén tư thông đưa thơ cho các đồng liêu cũ ở triều (tr.211). Sách Hỏi đáp lịch sử Việt Nam (tập 3) phê rằng: Khôi phạm một sai lầm nghiêm trọnmg là cắt đôi Nam Kỳ, giao một nủa cho Triều quản lĩnh (tr.353).
6. Nguyễn Q. Thắng (Từ điển nhân vật lịch sử Viêt Nam), ghi là Lê Văn Câu, Sách Sài Gòn – TP. HCM (do TS. Quách Thu Nguyệt chủ biên), ghi Lê Văn Cú.
7. GS. Nguyễn Phan Quang không ghi Mạch Tấn Giai mà ghi tên Bốn Bang, gốc người Hoa. Ông này trước khi bị giết có soạn một truyện dài bằng thơ lục bát được gọi là Bốn Bang thư gồm 308 câu kể lại cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi. (Sách Việt Nam thế kỷ XIX, tr. 238). Có tài liệu lại cho rằng: Bốn Bang không phải là tên của một người mà là bốn bang lớn của người Hoa, đại diện cho tất cả người Hoa tại miền Nam, tham gia vào cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi. Do vậy, từ đó người Hoa không còn được nhà Nguyễn ưu đãi như trước.
8.Mả Biền Tru: có nghĩa tru diệt ngay, không cần xét xử. Theo Vương Hồng Sển, trước đây trên cái mả to này, có đặt một tấm mộ bia đề: Nguy tặc nhứt võng tinh trụ (Quân loạn bắt chung một lưới, giết hết).. Theo Địa chí văn hóa TP. HCM, phần lịch sử, (do Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng, Nguyễn Công Bình cùng chủ biên, xuất bản năm 1987), mả này ở gần Mô súng, khoảng gần Ngã Sáu công trường Dân chủ (TP. HCM). Con số 1.831 người bị giết chết, ghi theo Trần Trọng Kim (Việt Nam sử lược, tr.445) & Nguyễn Q. Thắng -Nguyễn Bá Thế (Từ điển nhân vật lịch sử Viêt Nam). Sách Hỏi đáp lịch sử Việt Nam ghi 1.737 người (Nxb.Trẻ, 2007). Nguyển Phan Quang (Việt Nam thế kỷ XIX, tr. 230-237) cho biết căn cứ vào những bản mật tấu thì con số bị bắt giết là 1.284 người. Phần quân triều đình, con số bị thương hơn ngàn và bị chết trong công cuộc đánh dẹp là 2.431 người. Vương Hồng Sển sau khi dẫn ra 5 con số ở 5 tài liệu khác nhau, ông viết rằng: Tại sao chuyện cách nay không lâu lắm, mà dị biệt đến thế? Có phải tại ngày xưa cấm nói sự thật?…(tr. 313).
9. Người Công giáo theo Lê Văn Khôi vì ông hứa bảo vệ và không ngăn cản việc theo đạo của họ, trong khi họ rất thấu hiểu vua Minh Mạng chẳng ưa gì công giáo cả. Người Hoa theo Khôi vì cảm công ơn của Tả quân Duyệt đã che chở cho họ trong việc cư trú, tạo cơ hội cho họ buôn bán kiếm lợi. Điều này, Khôi hứa là sẽ tiếp tục đường lối của người cha nuôi.
10. Theo Đại Nam thực lục, sau khi cuộc nổi dậy nổ ra, vua Minh Mạng gọi đại thần Phan Thanh Giản (người ở Bến Tre) vào hỏi: “Dân Gia Định có tiếng là dân trung nghĩa, ngươi sinh trưởng ở đất ấy há lại không rõ?…Trẫm vẫn bảo Bắc Kỳ phong tục kiêu bạc nên dân thích nổi loạn, không ngờ nơi dựng nghiệp vua bây giờ cũng có thói kiêu bạc ấy”…(dẫn lại theo Nguyễn Phan Quang, tr. 256).
Sách tham khảo:
-Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, Nxb. Tân Việt, Sài Gòn, 1968.
-Vương Hồng Sển, Đồ sành cũ đất Nam Kỳ và giặc Lê Văn Khôi in trong Khảo về đồ sứ men lam Huế. Nxb Mỹ thuật, 1994.
-Phạm Văn Sơn, Việt sử tân biên (quyển 4). Tủ sách sử học Việt nam xuất bản, Sài Gòn, 1961.
-Nguyễn Phan Quang, Việt Nam thế kỷ XIX, Nxb. TP. HCM, 2002.
-Nhiều người soạn, Địa chí văn hóa TP. HCM (tập 1). Nxb Tp. HCM, 1987.
Huỳnh Minh, Gia Định xưa. Nxb Văn hóa-Thông tin in lại năm 2006.
-Nhóm Nhân văn trẻ, Hỏi đáp lịch sử Việt Nam (tập 3). Nxb Trẻ, 2007.
Trịnh Vân Thanh, Thành ngữ điển tích danh nhân từ điển (tập thượng). Tác giả tự xuất bản, Sài Gòn, 1965.
-Nguyễn Q. Thắng và Nguyễn Bá Thế, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam. Nxb KHXH, Hà Nội, 1992.
-Nhiều người soạn, (TS. Quách Thu Nguyệt chủ biên) Sài Gòn – TP. HCM, Nxb. Trẻ, 2006.
Nguồn bài đăng