Chuyện lạ trong sử Việt
Phan Bá Lương Bài viết này bắt đầu bằng một lần tình cờ, tôi lần giở một số trang của cuốn Biên niên lịch sử cổ trung đại Việt Nam, và tôi đọc được “ Năm Đinh mùi 187, Hán Linh đế cử Lý Tiến, người quận Giao Chỉ làm Thứ sử Giao Chỉ…Lý Tiến làm Thứ sử đến năm 200 ...
Phan Bá Lương
Bài viết này bắt đầu bằng một lần tình cờ, tôi lần giở một số trang của cuốn Biên niên lịch sử cổ trung đại Việt Nam, và tôi đọc được “Năm Đinh mùi 187, Hán Linh đế cử Lý Tiến, người quận Giao Chỉ làm Thứ sử Giao Chỉ…Lý Tiến làm Thứ sử đến năm 200” hay “Năm Giáp thìn 284, nhà buôn nước Đại Tần (tức Đông La Mã, ở phương tây) tới Giao Chỉ mua ba vạn tờ giấy “mật hương” là loại giấy viết cực tốt của Giao Chỉ để đưa sang Tấn”. Chỉ cần đọc hai đoạn văn trên, tự thấy còn nhiều điều của lịch sử dân tộc mà mình chưa biết được và ý nghĩ viết, hay chính xác hơn là tập hợp, lại các sự kiện lịch sử hình thành.
Và ba cuốn sách chính được xác định là Đại Việt sử ký toàn thư (viết tắt ĐVSKToàn Thư) do Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên… soạn thảo (1272 – 1697), Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam dịch, Nxb KHXH 1993, chuyển sang bản điện tử 2001 bởi Lê Bắc, Công Đệ, Ngọc Thủy, Tuyết Mai, Hồng Ty, Nguyễn Quang Trung; Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Khâm Định VSTGCM) của Quốc sử quán triều Nguyễn, Viện Sử học dịch, Nxb Giáo dục 1998, chuyển sang bản điện tử 2001 bởi Lê Bắc, Công Đệ, Ngọc Thủy, Tuyết Mai, Thanh Quyên; Biên niên lịch sử cổ trung đại Việt Nam: từ đầu đến giữa thế kỷ XIX(Biên Niên LSCTĐVN) của Viện Sử học, Nxb KHXH 1987. Ngoài ba cuốn sách trên tôi còn tham khảo nhiều bài viết trên các trang web với mục đích bổ sung, nhất là bổ sung thân thế các nhân vật lịch sử, không phải là mục đích chính của bài này nên tôi không ghi xuất xứ, vì vậy xin các tác giả bài viết thông cảm cho và xin nhận lời cám ơn chân thành của tôi.
Các chú thích ở bên dưới mỗi trang, chủ yếu tôi lấy từ ba cuốn sách nêu trên, cũng như từ các trang web, do đó tôi cũng không ghi xuất xứ. Còn đối với những chú thích của riêng tôi sẽ được ghi bằng nét chữ nghiêng.Thoạt đầu, tôi dự định tập hợp những sự kiện tương tự như là “kỷ lục”, “lần đầu tiên” … nhưng sau phải từ bỏ vì không thể kiểm chứng được. Chuyển dự định sang “những sự kiện mới ít người biết” nhưng rồi cũng phải bỏ vì có những sự kiện đối với tôi là mới nhưng với những người khác là cũ và ngược lại, còn ít người biết thì không chắc chắn. Cuối cùng, tôi trở lại điểm xuất phát là cứ ghi nhận các sự kiện, cũng là cách để ôn lại những sự kiện lịch sử Việt Nam, dù trước đây đã biết ít nhiều. Và bài tập hợp càng lúc càng kéo dài thêm trang với ý định này.
Cuối cùng, nếu bạn là người đọc được bài tập hợp này, thì xin hiểu rằng những phần mục trong bài tập hợp này, do chính tôi ghi lại theo ý của riêng mình, trong đó có thể có cái bạn đồng thuận, có cái chưa đồng thuận, hoặc bạn cho rằng còn thiếu nhiều, thì xin bổ sung bằng một bài viết khác để chúng ta cùng hiểu thêm về lịch sử Việt Nam. Xin thành thật cám ơn.
*Sơ lược về các triều đại trong lịch sử:
1-Hồng Bàng (2879 – 258 TCN): 18 triều vua, cộng 2621 năm
2-Nhà Thục: (257 – 208 TCN): 01 vua, cộng 50 năm
3-Bắc thuộc: (207 TCN – 938), cộng 1146 năm, (trừ 4, 5, 6, 7 = 65 năm, còn 1080 năm)
4-Trưng Vương (40-42): 01 vua, cộng 03 năm
5-Tiền Lý Nam Đế (541- 547): 01 vua, cộng 07 năm
6-Triệu Việt Vương (548- 570): 01 vua, cộng 23 năm
7-Hậu Lý Nam Đế (571-602): 01 vua, cộng 32 năm
8-Nhà Ngô (939-967): 03 vua, cộng 29 năm
9-Nhà Đinh (968- 980): 02 vua, cộng 13 năm
10-Nhà Tiền Lê (981-1009): 03 vua, cộng 29 năm
11-Nhà Lý (1010 – 1225): 09 vua, cộng 216 năm
12-Nhà Trần (1226 – 1399): 12 vua, cộng 174 năm; và Hậu Trần: 02 vua, cộng 07 năm
13-Nhà Hồ (1400 – 1407): 02 vua, cộng 08 năm
14-Thuộc Minh (1414 – 1427), cộng 14 năm
15-Nhà Lê (1428 – 1527): 10 vua, cộng 100 năm
16-Nhà Mạc (1527 – 1677): 10 vua, cộng 151 năm
17-Nhà Lê Trung hưng (1533 – 1788): 16 vua, cộng 256 năm
17.1-Chúa Trịnh (1545 – 1788): 12 chúa, cộng 244 năm
17.2-Chúa Nguyễn (1558 – 1777): 09 chúa, cộng 210 năm
18-Nhà Tây Sơn (1778 – 1802): 03 vua, cộng 25 năm
19-Nhà Nguyễn (1802 – 1945): 13 vua, cộng 144 năm ([1])
*Quốc hiệu Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử gồm:
- Xích Quỷ có nguồn gốc từ thời Kinh Dương Vương
- Văn Lang là quốc hiệu đầu tiên, có kinh đô ở Phong Châu (Phú Thọ), lãnh thổ gồm khu vực đồng bằng Bắc bộ và ba tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh bây giờ. Tồn tại cho đến năm 258 TCN.
- Âu Lạc (257 TCN – 208 TCN), có lãnh thổ bao gồm lãnh thổ của Văn Lang trước đây và một phần đông nam Quảng Tây (Trung Quốc).
- Vạn Xuân (544 – 602) là quốc hiệu của nhà Tiền Lý dưới sự lãnh đạo của Lý Nam Đế.
- Đại Cồ Việt (968 – 1054) là quốc hiệu từ thời nhà Đinh đến đầu thời nhà Lý, do Đinh Tiên Hoàng đặt năm 968đến năm 1054 khi vua Lý Thánh Tông đổi sang quốc hiệu Đại Việt.
- Đại Việt (1054 – 1804) là quốc hiệu từ thời nhà Lý, tồn tại không liên tục, trải qua các vương triều Lý, Trần, Lê, Mạc và Tây Sơn, (gián đoạn 7 năm thời nhà Hồ và 20 năm thời thuộc Minh).
- Đại Ngu (1400 – 1407) là quốc hiệu thời nhà Hồkhi Hồ Quý Ly lên nắm quyền. Sau khi nhà Hồ thất bại và nhà Hậu Lê giành lại độc lập, quốc hiệu trở lại thành Đại Việt ([6]).
- Việt Nam chính thức xuất hiện vào thời nhà Nguyễn. Vua Gia Long đã đề nghị nhà Thanh công nhận quốc hiệu Nam Việt, với lý lẽ rằng “Nam” có ý nghĩa “An Nam” còn “Việt” có ý nghĩa “Việt Thường”. Tuy nhiên tên Nam Việt trùng với quốc hiệu của quốc gia Nam Việt thời nhà Triệu, bao gồm cả Quảng Đông và Quảng Tây của Trung Hoa, vì vậynhà Thanh yêu cầu nhà Nguyễn đổi ngược lại thành Việt Nam để tránh nhầm lẫn, và chính thức tuyên phong tên này năm 1804 ([7]).
- Đại Nam: Năm 1820, lợi dụng nhà Thanh suy yếu, vua Minh Mạng chính thức đơn phương công bố quốc hiệu mới Đại Nam vào ngày 15/2/1839. Quốc hiệu này tồn tại đến năm 1945.
*Công chúa tổ nghề dệt lụa:
Truyền thuyết kể rằng công chúa Thiều Hoa là người hiền lành xinh đẹp, lại có biệt tài nói chuyện với chim và bướm. Một lần nói chuyện với bướm nâu, biết bướm nâu chỉ ăn một thứ lá dâu để đẻ ra trứng rồi nở thành sâu, nhả ra sợi vàng. Bướm đưa Thiều Hoa ra bãi dâu ven sông thấy hàng ngàn con sâu đang làm kén. Thiều Hoa xin bướm giống trứng và sâu ấy cũng như hỏi bướm cách kéo tơ rồi tìm cách đan chúng thành những mảnh nõn nà vàng tươi và đặt tên cho những tấm ấy là lụa. Sau đó Thiều Hoa đem truyền dạy cho mọi người trồng dâu, chăn tằm, kéo sợi, dệt lụa. Tấm lụa đầu tiên nàng đem tặng vua cha, Hùng Vương khen ngợi con gái và truyền cho dân chúng theo đó mà dệt lụa, nhiều làng đã tôn Thiều Hoa làm tổ sư nghề dệt lụa, làm thành hoàng của làng mình
*Khởi nghĩa đầu tiên chống phương bắc
Năm Canh ngọ 111 TCN, nhà Tây Hán sai Dương Bộc và Lộ Bác Đức đem quân đánh nước Nam Việt. Triệu Thuật Dương Vương cùng Lữ Gia chống cự, nhưng do nội bộ bị phân hoá, chia rẽ, Hiệu úy tư mã là Tô Hoằng (quan Nam Việt) bắt được Triệu Thuật Dương Vương, Quan lang là Đô Kê (quan Nam Việt) bắt được Lữ Gia. Chớp thời cơ đó trên đất Âu Lạc cũ, Tây Vu Vương ([2]) đã lãnh đạo dân chúng nổi dậy khởi nghĩa, chống lại nhà Tây Hán.
Khởi nghĩa Tây Vu Vương là cuộc nổi dậy chống Bắc thuộc đầu tiên của nhân dân ta mà sử cũ còn ghi lại. Đó là cuộc khởi nghĩa của một bộ phận người Âu Lạc, dưới sự lãnh đạo của một thủ lĩnh thuộc dòng dõi quý tộc Âu Lạc cũ, nhằm khôi phục quyền độc lập cho đất nước Âu Lạc. Nhưng cuộc khởi nghĩa đã bị thất bại, Tây Vu Vương bị viên tả tướng nhà Triệu là Hoàng Đồng chém chết. Bọn quan lại nhà Triệu, sau khi đàn áp xong cuộc khởi nghĩa đã đầu hàng Lộ Bác Đức, dâng đất đai Âu Lạc cho nhà Hán. Từ đây lãnh thổ và cư dân Âu Lạc bị nhà Hán cai trị.
*Nữ vương đầu tiên và cuối cùng:
a-Nữ vương đầu tiên: Năm Kỷ hợi 39, Trưng Trắc và Trưng Nhị phất cờ khởi nghĩa chống chính quyền xâm lược Đông Hán, nhân dân và lạc tướng ở các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố đều hưởng ứng. Quân khởi nghĩa đi đến đâu thắng đến đó, chỉ trong một thời gian ngắn Hai Bà đã dẹp yên, thu phục được 65 thành ấp ở đất Lĩnh Nam. Bà Trưng Trắc được suy tôn làm quốc vương, tức là Trưng Vương (40 – 43), đóng đô ở Mê Linh ([3]).
b-Nữ vương thứ nhì và cũng là nữ vương cuối cùng: Năm Giáp thân 1224, vua Lý Huệ Tông bị bịnh nặng mà không có con trai nên xuống chiếu lập công chúa Chiêu Thánh làm thái tử, rồi truyền ngôi cho. Công chúa Chiêu Thánh lên ngôi, đổi niên hiệu là Thiên chương hữu đạo, tôn hiệu là Lý Chiêu Hoàng.
*Vua và tướng lĩnh nữ giới:
Năm Kỷ hợi 39, Trưng Trắc và Trưng Nhị phất cờ khởi nghĩa chống chính quyền xâm lược Đông Hán và thắng lợi, dưới quyền của Hai Bà có đa số các nữ tướng ([4]) như sau:
- Thánh Thiên công chúa (hiện được thờ ở thôn Ngọc Lâm xã Tân Mỹ huyện Yên Dũng tỉnh Bắc Giang);
- Lê Chân (hiện được thờ tại đền Nghèvà đình An Biên thuộc phường An Biên quận Lê Chân TP. Hải Phòng);
- Bát Nàn công chúa ([5]) (hiện được thờ tại thôn Tiên La xã Đoan Hùng huyện Hưng Hà tỉnh Thái Bìnhvà xã Phượng Lâu huyện Phù Ninh tỉnh Phú Thọ);
- Nàng Nội (hiện được thờ tại phường Bạch Hạt TP. Việt Trì tỉnh Phú Thọ);
- Lê Thị Hoa(hiện được thờ tại xã Nga Thiện huyện Nga Sơn tỉnh Thanh Hóa);
- Hồ Đề (hiện được thờ tại làng Đông Cao xã Tráng Việt huyện Mê Linh TP. Hà Nội);
- Xuân Nương (hiện được thờ tạixã Hương Nha và xã Hương Nộn huyện Tam Nông tỉnh Phú Thọ);
- Đàm Ngọc Nga (hiện được thờ tại xã Thanh Thuỷ huyện Thanh Sơn tỉnh Phú Thọ);
- Thiều Hoa (hiện được thờ tại xã Hiền Quan huyện Tam Nông tỉnh Phú Thọ);
- Vĩnh Hoa (hiện được thờ tại đình Nghênh Tiên xã Nguyệt Đức huyện Yên Lạc tỉnh Phú Thọ);
- Lê Ngọc Trinh (hiện được thờ tạixã Lũng Ngòi huyện Tam Nôngtỉnh Phú Thọ);
- Ngọc Quang công chúa (hiện được thờ tại xã Gia Sinh huyện Gia Viễn tỉnh Ninh Bình);
- Phật Nguyệt (không được ghi vào sử Việt Nam mà lại được ghi vào sử Trung Quốc,hiện di tích còn nhiều nhưtại chùa Kiếnquốc thuộc Trườngsa, tại chùa trên núi Thiênđài trong ngọn núi Ngũlĩnh, là nữ tướng gây kinh hoàng cho triều Hán nhất);
- Lê Thị Hoa (hiện được thờ tại huyện Nga Sơn tỉnh Thanh Hóa);
- Phương Dung (hiện được thờ tại thôn Yên Phú xã Liên Ninh huyện Thanh Trì TP. Hà Nội);
- Nguyệt Thai và Nguyệt Độ (hiện được thờ tại xã Mỹ Thử, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương); Hương Thảo (hiện được thờ tại làng Bích Tràng xã Tiền Phong huyện Ân Thi tỉnh Hưng Yên);
- Vĩnh Huy(hiện được thờ tại chùa làng Cổ Châu tức làng Dâu huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh);
- Chiêu Dung (hiện được thờ tại Đất Cốc xã Hoàng Diệu huyện Chương Mỹ tỉnh Hà Tây) …
*Giao thương với phương Tây đầu tiên
Năm Giáp thìn 284, nhà buôn nước Đại Tần (tức Đông La Mã, ở phương tây) tới Giao Chỉ mua 3 vạn tờ giấy “mật hương” là loại giấy viết cực tốt của Giao Chỉ để đưa sang Tấn (Trung Quốc).
*Tên An Nam có từ bao giờ:
Năm Kỷ mão 679, vua Đường Cao Tông đổi Giao châu đô hộ phủ thành An Nam đô hộ phủ cho phù hợp danh hiệu với những nước láng giềng bị nhà Đường xâm chiếm, theo đó Triều Tiên ở phía đông có tên gọi là An Đông đô hộ phủ; Tây Tạng ở phía tây là An Tây đô hộ phủ; Mông Cổ, Đột Quyết, Uy Guya ở phía bắc là An Bắc đô hộ phủ. Nước ta bị áp đặt tên An Nam bắt đầu từ đây ([6]).
*Người Việt làm Thứ sử Giao Chỉ:
Năm Đinh mùi 187, Hán Linh Đế cử Lý Tiến, người quận Giao Chỉ làm Thứ sử Giao Chỉ, nguyên nhân là do nhân dân các quận ở Giao Chỉ luôn khởi nghĩa chống lại, triều đình nhà Hán suy yếu, buộc phải dùng tạm người Việt cầm đầu chính quyền ở Giao Chỉ. Lý Tiến làm Thứ sử đến năm Canh thìn 200 ([7]).
*Cọc sông Bạch Đằng:
Lịch sử Việt Nam cho thấy có ba lần cha ông ta dùng cọc nhọn cắm ở sông Bạch Đằng để phá giặc xâm lược và đều thành công, gồm:
a-Ngô Quyền phá quân Nam Hán:
Năm Mậu tuất 938, vua Nam Hán là Lưu Cung phong cho con là Hoằng Thao làm Giao vương đem thủy quân sang xâm lược nước ta, còn vua Nam Hán tự cầm quân đóng ở biên giới sẵn sàng tiếp ứng cho Hoằng Thao. Ngô Quyền tổ chức chống giặc, bố trí trận địa cọc ở sông Bạch Đằng, đánh tan giặc Nam Hán, giết chết Hoằng Thao. Chiến thắng Bạch Đằng lần thứ nhất này mở đầu thời kỳ độc lập lâu dài của dân tộc ([8]).
b-Lê Hoàn phá quân Tống:
Năm Tân tỵ 981, quân Tống sang xâm chiếm nước ta: quân bộ theo đường Lạng Sơn, quân thủy theo đường sông Bạch Đằng. Vua Lê Đại Hành tự làm tướng đi chặn giặc: sai đóng cọc ngăn sông Bạch Đằng làm quân Tống không tiến sâu vào nội địa nước ta; còn cánh quân bộ vào đến Chi Lăng, vua trá hàng dụ bắt được chỉ huy giặc là Hầu Nhân Bảo đem chém. Bọn Lưu Trừng, Trần Khâm Tộ nghe tin thua trận, dẫn quân rút về. Vua đem các tướng đánh, quân giặc thua to chết đến quá nửa thây chất đầy đồng, bắt được tướng giặc là Quách Quân Biện, Triệu Phụng Huân đem về Hoa Lư.
b-Trần Quốc Tuấn phá quân Nguyên:
Năm Mậu tí 1288, chỉ sau 3 tháng đem quân sang xâm chiếm Đại Việt, trước sức ép của quân Trần, Thoát Hoan buộc phải chia quân rút chạy về nước, trong đó thủy quân rút chạy theo đường sông Bạch Đằng. Ở đây, Trần quốc Tuấn đã bố trí cọc ngầm, kết hợp với quân thủy bộ và dân binh đánh tiêu diệt, thu hơn 400 thuyền, bắt sống Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp, Tích Lệ Cơ, giết chết Trương Ngọc và rất nhiều binh sĩ.
*Hai vua cùng trị vì:
Năm Canh tuất 950, Ngô Xương Văn (con thứ hai của Ngô Quyền) truất ngôi của cậu là Bình Vương Dương Tam Kha, lên ngôi vua xưng là Nam Tấn Vương, sai sứ đi đón anh là Ngô Xương Ngập về kinh sư cùng trông coi việc nước. Ngô Xương Ngập xưng là Thiên Sách Vương. Lần đầu tiên trong lịch sử, nước ta có hai vua cùng trị vì một lúc.
*Đồng tiến đúc sớm nhất – Tiền giấy đầu tiên – Vua cho đúc nhiều tiền đồng nhất:
Năm Canh ngọ 970, Đại thắng Minh hoàng đế Đinh Tiên Hoàng đặt niên hiệu là Thái Bình và cho đúc tiền đồng “Thái Bình hưng bảo” là đồng tiền đúc sớm nhất ở nước ta. Khảo cổ học cho thấy Thái Bình hưng bảo có ba loạt khác nhau nhưng đều có lỗ hình vuông ở giữa và có đường kính không đều bình quân khoảng 22 mm. Cả ba loạt đều có mặt trước ghi chữ Thái Bình hưng bảo bằng chữ Hán. Có một loạt thay vì chữ Thái lại là chữ Đại. Hiện chưa rõ do lâu ngày đồng tiền đó bị hỏng nên mất một chấm, hay đó thực sự là chữ Đại nhưng được đọc là Thái ([9]). Về mặt sau, thường có chữ Đinh (họ của vua) đúc nổi; nhưng có một loạt không có chữ gì.
Năm Bính tí 1396 vua Trần Thuận Tông, ban hành tiền giấy “Thông bảo hội sao”, loại 10 đồng vẽ râu rồng, loại 30 đồng vẽ sóng nước, loại 1 tiền vẽ đám mây, loại 2 tiền vẽ con rùa, loại 3 tiền vẽ con rồng. Định tội tử hình, sung công điền sản kẻ làm giấy bạc giả. Quy đinh đổi 1 quan tiền đồng lấy 1 quan 2 tiền giấy. Cấm lưu dùng tiền đồng, định tội lưu dùng tiền đồng như tội làm giấy bạc giả. Đây là loại tiền giấy đầu tiên ở nước ta.
Vua cho đúc nhiều tiền đồng nhất là vua Lê Hiển Tông (1740 – 1786) với 16 loại tiền đúc khác nhau mang niên hiệu của mình gồm: 1. Cảnh Hưng Thông Bảo, 2. Cảnh Hưng Trung Bảo, 3. Cảnh Hưng Chí Bảo, 4. Cảnh Hưng Vĩnh Bảo, 5. Cảnh Hưng Thái Bảo, 6. Cảnh Hưng Cự Bảo, 7. Cảnh Hưng Trọng Bảo, 8. Cảnh Hưng Tuyền Bảo, 9. Cảnh Hưng Thuận Bảo, 10. Cảnh Hưng Chính Bảo, 11. Cảnh Hưng Nội Bảo, 12. Cảnh Hưng Dụng Bảo, 13. Cảnh Hưng Lai Bảo, 14. Cảnh
Hưng Thận Bảo, 15. Cảnh Hưng Ðại Bảo, 16. Cảnh Hưng Ðại Tiền ([10]).
*Thập đạo quân binh:
Năm Giáp tuất 974 vua Đinh Tiên Hoàng, quy định về quân 10 đạo: 1 đạo có 10 quân, 1 quân 10 lữ, 1 lữ 10 tốt, 1 tốt 10 ngũ, 1 ngũ 10 người, quân lính đầu đội mũ bình đính vuông bốn góc làm bằng da, chóp phẳng, bố bên khâu liền, trên hẹp dưới rộng ([11]).
*Thời gian làm vua, làm chúa ngắn nhất:
-Năm Ất tỵ 1005, tháng 3, Lê Trung Tông (983 – 1005) tên là Long Việt, lên ngôi được 3 ngày thì bị em là Long Đĩnh giết.
–Lê Túc Tông (1488 – 1504) tên là Lê Thuần, lên ngôi ngày 6/6 năm Giáp tí 1504, mất ngày 7/12/1504, thọ 17 tuổi, làm vua được 06 tháng.
–Điện Đô Vương (1777 – 1782) tên là Trịnh Cán, lên nối ngôi thay chúa Trịnh Sâm tháng 9 năm Nhâm dần 1782, đến tháng 10/1782 bị lính kiêu binh phế truất, làm chúa được 02 tháng.
–Dục Đức(1852 – 1883), tên là Ưng Ái, Ưng Chân, lên ngôi vua ngày 20/7năm Quý mùi1883, tại vị chỉ được mấy ngày, theo Đại Nam chính biên liệt truyện thì vua Dục Đức “nối ngôi mới được 5 ngày”; còn theo Việt Nam sử lược là “được 3 ngày”.
–Hiệp Hoà (1846 – 1883) tên là Hồng Dật, lên ngôi thay vua Dục Đức tháng 6 năm Quý mùi 1883, bị ép uống thuốc độc tự vẫn chết vào ngày 29/11/1883 mới 38 tuổi, làm vua được 6 tháng.
*Vua nằm thiết triều:
Năm Kỷ dậu 1009, tháng 10, vua Lê Long Đĩnh băng ở tẩm điện, gọi là Ngọa Triều, vì vua mắc bệnh trĩ phải nằm mà coi chầu. Dã sử chép: vua say đắm tửu sắc phát ra bệnh trĩ ([12]).
*Vua lập nhiều hoàng hậu nhất:
Năm Kỷ dậu 1009, tháng 10, vua Lê Ngọa Triều băng, Lý Công Uẩn tự lập làm vua, lập 06 hoàng hậu. Đến năm Bính thìn 1016 lại lập 03 hoàng hậu. Tổng cộng là 09 hoàng hậu.
*Vua có tôn hiệu dài nhất:
Năm Mậu thìn 1028, vua Lý Thái Tổ băng, được dâng tôn hiệu là “Phụng Thiên Chí Lý Ứng Vận Tự Tại Thánh Minh Long Hiện Duệ Văn Anh Vũ Sùng Nhân Quảng Hiếu Thiên Hạ Thái Bình Khâm Minh Quảng Trạch Chương Minh Vạn Bang Hiển Ứng Phù Cảm Uy Chấn Phiên Man Duệ Mưu Thần Trợ Thánh Trị Tắc Thiên Đạo Chính Hoàng Đế”. Đây là tôn hiệu dài nhất trong lịch sử Việt Nam với 52 chữ.
Kế đến là vua Lý Thái Tông với tôn hiệu dài 50 chữ: Khai Thiên Thống Vận Tôn Đạo Quý Đức Thánh Văn Quảng Vũ Sùng Nhân Thượng Thiện Chính Lý Dân An Thần Phù Long Hiện Thể Nguyên Ngự Cực Ức Tuế Công Cao Ứng Chân Bảo Lịch Thông Huyền Chí Áo Hưng Long Đại Địch Thông Minh Từ Hiếu Hoàng Đế”.
*Vua đặt nhiều niên hiệu nhất:
Năm Nhâm Tý 1072, thái tử Càn Đức lên ngôi tức vua Lê Nhân Tông (1066 – 1127) ở ngôi 56 năm (1072 – 1127), thọ 63 tuổi, là vua sử dụng nhiều niên hiệu nhất với 8 niên hiệu là:
Thái Ninh (1072-1076) Anh Vũ Chiêu Thắng (1076-1084)
Quảng Hựu (1085-1092) Hội Phong (1092-1100)
Long Phù (1101-1109) Hội Tường Đại Khánh (1110-1119)
Thiên Phù Duệ Vũ (1120-1126) Thiên Phù Khánh Thọ (1127-1127)
*Thời gian làm vua,làm chúa dài nhất ([13]):
-Năm Nhâm tí 1072, Lý Nhân Tông (1066 – 1127) lên ngôi,mất năm 1127, trị vì 55 năm.
–Lý Anh Tông (1136 – 1175) trị vì từ 1138 đến 1175, ở ngôi 37 năm.
–Lý Cao Tông (1173 – 1210) trị vì từ 1176 đến 1210, ở ngôi 34 năm.
–Lê Thánh Tông (1442 –1497)trị vì từ 1460 đến 1497, ở ngôi 38 năm.
–Lê Hy Tông (1663 – 1705)làm vua từ 1675 đến 1705, được 30 năm.
-Mạc Mậu Hợp (1561 – 1592) lên ngôi 1562 cho đến 1592, làm vua 47 năm.
–Lê Hiển Tông (1716 – 1786) lên ngôi 1740 cho đến 1786, làm vua 46 năm.
–Bình An Vương (1570 – 1623) làm chúa 1570, mất 1623, được 53 năm.
–Thanh Đô Vương (1623 – 1652) làm chúa 1623, mất 1652, được 30 năm.
–Tây Định Vương (1653-1682) làm chúa 1653, mất 1682, được 30 năm.
-Chúa Tiên (1525-1613) làm chúa 1558, mất 1613, được 55 năm.
-Chúa Hiền (1620-1687) làm chúa 1648, mất 1687, được 39 năm.
-Chúa Quốc (1675-1725) làm chúa 1691, mất 1725, được 34 năm.
–Tự Đức (1829 –1883) trị vì từ 1847 đến 1883, ở ngôi37 năm.
*Vua lên trị vì trẻ tuổi nhất:
-Lý Nhân Tông (1066 – 1128) lên ngôi năm 1072 lúc 07 tuổi.
–Lý Anh Tông (1136 – 1175) lên ngôi năm 1138 lúc 03 tuổi.
–Lý Cao Tông (1173 – 1210) lên ngôi năm 1176 lúc 04 tuổi.
–Lý Chiêu Hoàng (1218 – ?) lên ngôi năm 1224 lúc 07 tuổi.
-Trần Thái Tông (1218 – 1277) lên ngôi năm 1225 lúc 08 tuổi.
-Trần Dụ Tông (1336 – 1369) lên ngôi năm 1341 lúc 06 tuổi.
–Trần Thiếu Đế (1396 – ?) lên ngôi năm 1398 lúc 03 tuổi.
–Lê Nhân Tông (1441 – 1459) lên ngôi năm 1442 lúc 02 tuổi.
–Mạc Mậu Hợp (1560 – 1592) lên ngôi năm 1562 lúc 03 tuổi.
–Lê Thế Tông (1567 – 1599) lên ngôi năm 1573 lúc 07 tuổi.
-Lê Thuần Tông (1729 – 1735) lên ngôi năm 1732 lúc 04 tuổi.
-Thành Thái (1882-1889-1907) lên ngôi năm 1889 lúc 08 tuổi.
-Duy Tân (1900 – 1916) lên ngôi năm 1907 lúc 08 tuổi.
*Khoa thi đầu tiên:
Năm Ất mão 1075, vua Lý Nhân Tông cho mở khoa thi đầu tiên: thi tuyển minh kinh bác học và nho học bằng ba kỳ thi. Hơn 10 người trúng tuyển. Lê Văn Thịnh ([14]) đỗ đầu, được lựa vào hầu vua học tập. Khoa cử nước ta bắt đầu từ đấy.
Tổng cộng các khoa thi, số người đỗ trong toàn bộ các khoa thi ở nước ta là:
Triều đại |
Khoa thi |
Số người đỗ |
Trạng nguyên ([15]) |
Nhà Lý |
06 |
27 |
04 |
Nhà Trần |
14 |
238 |
12 |
Nhà Hồ |
02 |
200 |
01 |
Nhà Hậu Lê |
28 |
485 |
20 |
Nhà Mạc |
22 |
485 |
13 |
Nhà Lê trung hưng |
73 |
793 |
06 |
Nhà Nguyễn |
39 |
557 |
/ |
Cộng |
184 |
2.785 |
56 |
*Khoa thi có số lượng người dự thi nhiều nhất:
Số lượng này được ghi nhận dựa trên 82 văn bia ở Văn miếu Hà Nội, còn văn bia ở Văn miếu Huế chỉ ghi tên người thi đỗ mà không có bài ký nên không biết số người dự thi. Tuy nhiên số lượng người dự thi cũng được văn bia ghi một cách chung chung là hơn (hay ít hơn) 3.000 người mà không ghi con số cụ thể.
Các khoa thi có nhiều người dự thi nhất là:
1-Khoa Canh thìn 1640 đời vua Lê Thần Tông: trên 6.000 người
2-Khoa Giáp tuất 1514 đời vua Lê Thánh Tông: 5.700 người
3-Khoa Nhâm tuất 1502 đời vua Lê Hiến Tông: 5.000 người
4-Khoa Giáp thìn 1604 đời vua Lê Kính Tông: 5.000 người ([16]).
*Sĩ tử cao tuổi nhất:
Sĩ tử cao tuổi nhất là cụ Vũ Đình Thự dự thi khoa Canh tí 1900 đời vua Thành Thái khi đã 84 tuổi. Cụ đỗ Cử nhân, đứng thứ 62 trong số 90 Cử nhân của trường Hà Nội – Nam Định (năm đó 2 trường Hà Nội và Nam Định thi chung, trường Hà Nội lấy đỗ 43 người, Nam Định 47 người).
Cụ Đoàn Tử Quang cũng đỗ năm đó, đứng thứ 29 trong số 30 Cử nhân trường Nghệ An, khi 82 tuổi, vẫn còn kém cụ Vũ Đình Thự 2 tuổi.
*Khoa thi có nhiều trạng nguyên ([17]):
Đó là các khoa Nhâm thìn 1232 vua Trần Thái Tông đỗ đệ nhất giáp 02 người (Trương Hanh, Lưu Diễm), khoa Kỷ hợi 1239 vua Trần Thái Tông đỗ đệ nhất giáp 02 người (Lưu Miễn, Vương Giát), và 2 khoa Bính thìn 1256 và Bính dần 1266 mỗi khoa có 02 người là kinh trạng nguyên và trại trạng nguyên đã nêu trên ([18]).
*Vua nhỏ tuổi nhất lấy vợ:
Năm Đinh tỵ 1137, vua Lý Thần Tông mất, con thứ là Thiên Tộ mới 2 tuổi lên nối ngôi, tức Lý Anh Tông. Năm Mậu ngọ 1138, vua Lý Anh Tông cho lập một hoàng hậu, năm này vua mới 3 tuổi.
Phan Bá Lương 2/16 [Sàigòn Thanh minh Quý tỵ (18/4/2013)]
Bài gốc có tên Đọc trong sử Việt
Nghiên cứu lịch sử tóm lược và giới thiệu
Chú thích:
([1])Theo “Lịch sử quân sự Việt Nam – Tập 2: Đấu tranh giành độc lập tự chủ (từ năm 179 TCN đến năm 938), của Trần Quốc Vượng, Lê Đình Sĩ; Nxb Chính trị Quốc gia 2001; được đăng tải trên trang web Tây Vu Vương, tức thủ lĩnh Tây Vu, có lẽ thuộc dòng dõi An Dương Vương, cai trị vùng đất Cổ Loa, phía bắc châu thổ Bắc Bộ thời thuộc Triệu. Cổ Loa là đất thuộc bộ Tây Vu; thời thuộc Hán, đổi thành huyện Tây Vu, quận Giao Chỉ. Theo Hậu Hán thư, dân số huyện Tây Vu gần bằng số hộ cả quận Cửu Chân. Sau đó, khi Mã Viện đã đàn áp khởi nghĩa Hai Bà Trưng, chia huyện Tây Vu thành ba huyện: Tây Vu, Phong Khê và Vọng Hải thuộc quận Giao Chỉ.
([2]) Số ( ) kế bên tên vương triều Trung Quốc là thời gian trị vì của các vương triều đó. Sở dĩ chỉ có 1081 năm là vì không tính 3 năm Hai Bà Trưng (40 – 43) và 62 năm (Tiền Lý) Lý Nam Đế, (Triệu Việt Vương) Triệu Quang Phục, (Hậu Lý Nam Đế ) Lý Phật Tử. Sai số 5 năm là do cách tính có chênh lệch.
([3])Năm Canh tí 40, Trưng Trắc cùng với em là Trưng Nhị nổi binh đánh hãm trị sở ở Luy Lâu (thuộc huyện Thuận Thành, Bắc Ninh ngày nay) buộc Thái thú Tô Định phải chạy về nước. Các quận Nam Hải, Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố đều hưởng ứng. Hai bà lấy được 65 thành ở Lĩnh Nam. Trưng Trắc tự lập làm vua, xưng là Trưng Nữ Vương.Năm Tân sửu 41, nhà Hán sai Mã Viện làm Phục Ba tướng quân sang xâm lược.Năm Nhâm dần 42, Mã Viện đến Lãng Bạc đánh nhau với vua. Hai bà thấy thế giặc mạnh không chống nổi, bèn lui quân về giữ Cấm Khê (sử chép là Kim Khê).Năm Quýmão 43, Hai Bà Trưng thế cô bị thua, đều tử trận. Mã Viện cho dựng cột đồng (tương truyền ở trên động Cổ Lâu châu Khâm) làm giới hạn cuối cùng của nhà Hán, và khắc lên đó dòng chữ: “Cột đồng gãy thì Giao Chỉ diệt” (Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt). Hai Bà Trưng được coi là anh hùng dân tộc của Việt Nam, và được thờ cúng tại nhiều đền thờ, lớn nhất là đền Hai Bà Trưng ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội và đền Hai Bà Trưng tại thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh,Vĩnh Phúc nay là Mê Linh,Hà Nội – quê hương của hai bà. Ngoài ra, tại tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc) hiện nay vẫn còn miếu thờ Trưng Vương (miếu này đã được kiểm chứng bởi hai nhà nho đi sứ đó là Nguyễn Thực và Ngô Thì Nhậm) do những cừ súy bị bắt về đất Hán sau khi khởi nghĩa của Hai Bà Trưng thất bại lập ra để tưởng nhớ về quê hương và cũng là thể hiện tinh thần bất khuất của người Việt thời Hai Bà Trưng. Hàng năm, vào ngày 6 tháng 2 âm lịch, là ngày giỗ hay là lễ hội tưởng nhớ Hai bà.
([4])Có tài liệu liệt kê được danh sách 70 bà. Hiện nay, vùng Vĩnh Phúc, Phú Thọ thờ 35 tướng nữ; vùng Hà Tây, Hoà Bình, Bắc Ninh thờ hơn 30 tướng nữ…cả nhân dân Tày Nùng ở Việt Bắc, nhân dân Choang ở Quảng Tây (Trung Quốc) cũng còn giữ nhiều truyền thuyết và kỷ niệm về tổ tiên xưa tham gia cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng.
([5])Theo phatgiao.org.vn thì trong số các nữ tướng thời này có 8 bà là “tì kheo ni”, đó là các bà: Bát Nàn, Thiều Hoa, Vĩnh Huy, Phương Dung, Nguyệt Thai, Nguyệt Độ, Chiêu Dung, và Hương Thảo. Các bà có một điểm chung là sau khi Trưng Vương thất bại đều trở về ẩn cư tại chùa và mất ở đó, trừ bà Bát Nàn về tu ngay khi Trưng Vương thành công và bà Hương Thảo khi còn sống thường hay đến cúng dường và trùng tu chùa Cỏ.
([6])Theo Khâm Định VSTGCM thì năm Giáp thân 264, trong thời Tam quốc, nhà Ngụy đã phong cho tướng Lữ Hưng làm An Nam tướng quân đô đốc mọi việc quân ở Giao Châu (Tuy rằng có tên An Nam nhưng đây là một chức vụ, nên có thể coi việc nhà Đường là đầu tiên khởi phát ra tên An Nam chỉ đất nước ta). ĐVSK Toàn thư ghi đổi tên Giao Châu thành An Nam đô hộ phủ vào năm Nhâm ngọ 622 vua Đường Cao Tổ nhưng ở trang sau đó lại ghi vào năm 678 vua Đường Cao Tông (?).
([7])Theo Khâm Định VSTGCM thì Lý Tiến người đất Cao Hưng, quận Giao Chỉ, là người thông minh, hiểu khắp kinh truyện, được bổ làm chức công tào ở quận, sau thăng dần đến chức kỵ đô úy. Năm Vĩnh Hòa thứ 2 (137), quân Man ở Kinh Châu làm phản, Lý Tiến được sai làm thái thú quận Linh Lăng, đánh tan được giặc ấy. Khoảng năm 184-189 vua Hán Linh Đế nhà Đông Hán, Lý Tiến được cử làm thứ sử quận Giao Chỉ. (Có lẽ có nhầm lẫn vì chỉ tính các mốc thời gian từ 137 – 187 = 50 năm và từ 137 – 200 = 63 năm. Vậy thời gian nào đễ Lý Tiến thăng từ chức Công tào lên chức chức Thái thú quận Linh Lăng).
([12])Xem 4 năm cầm quyền của Lê Long Đỉnh thì thấy từ khi lên ngôi năm 1005-1006 đã phải thân chinh đánh các vương tranh giành ngôi vua và đánh giặc Cử Long (thuộc phủ Quảng Hóa tỉnh Thanh Hóa), năm 1007 được yên ổn; năm 1008 thân đi đánh Đô Lương, Vị Long, Hoan Châu, Thiên Liễu; rồi đến tháng 7/1009lại thân đi đánh châu Hoan Đường, Thạch Hà. Có thể xem là cuộc đời Long Đỉnh toàn ngồi trên lưng ngựa, làm sao là Ngọa Triều được? Lại còn cho là say mê tửu sắc nên phát bệnh trĩ, điều mà ngày nay y học không xác nhận là nguyên nhân.
([13]) Liệt kê những trường hợp từ 30 năm trở lên.
([14])Lê Văn Thịnh (? – ?) người làng Đông Cứu, huyện Gia Định (nay là Gia Bình, Bắc Ninh), Năm 1075 nhà Lý mở khoa thi, Văn Thịnh đỗ đầu, làm quan đến chức Thái sư. Năm 1084, ông thành công trong việc bàn nghị về việc cương giới với quan nhà Tống, khiến nước này phải trả lại 6 huyện 3 động thuộc châu Quảng Nguyên cho nước ta. Tuy nhiên sau khi xảy ra “Vụ án hồ Dâm Đàm” (1095), ông bị đày rồi mất năm 1096.
([15]) Có lẽ chỉ có 26 khoa thi từ năm 1247 đời Trần Thái Tông đến năm 1484 đời Lê Thánh Tông là có danh hiệu Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa vì như ĐVSK Toàn thư đã ghi: “Vua cho là từ năm Đại Bảo thứ 3 triều Thái Tông đến giờ, việc dựng bia, đề tên tiến sĩ các khoa vẫn chưa làm được” và “Quách Đình Bảo nhân xin đổi trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa thành tiến sĩ cập đệ, chánh bảng thành tiến sĩ xuất thân, phụ bảng thành đồng tiến sĩ xuất thân để hợp với quy chế ngày nay. Vua y tờ tâu”, Vua ở đây là Lê Thánh Tông. ĐVSK Toàn thư cũng viết “Nhâm Tuất 1442, Tháng 3, tổ chức thi hội cho sĩ nhân trong nước. Cho bọn Nguyễn Trực, Nguyễn Nhữ Đổ, Lương Như Hộc 3 người đỗ tiến sĩ cập đệ; bọn Trần Văn Huy 7 người đỗ tiến sĩ xuất thân; bọn Ngô Sĩ Liên 23 người đỗ đồng tiến sĩ xuất thân”, theo tôi đây là do các sử gia thời Lê Trịnh viết lại cho phù hợp vì nếu vào đời vua Lê Thái Tông đã có tiến sĩ cập đệ, tiến sĩ xuất thân … thì đến năm 1484 Quách Đình Bảo không xin đổi tên như đã nêu trên.
([16])Theo nội dung văn bia thì đây là kỳ thi Hội, điều này có nghĩa là những người dự thi phải đỗ cử nhân (hay có thể là Tú Tài nhưng đã qua bao nhiêu năm làm việc theo quy định vào thời bấy giờ). Không thể cho rằng văn bia viết quá số người vì những người soạn hẳn biết văn bia sẽ được lưu truyền hậu thế và phải dâng vua thông qua trước mới được khắc in (nên không dám nâng khống số người lên). Nhưng mặt khác, muốn có 3.000 – 6.000 cử nhân thì số người đi thi hương cũng phải cả trăm ngàn người, số này cũng đã được lượt bớt ở xã, huyện, phủ mới được dự thi hương, như vậy số người có học ở nước ta rất lớn, không thể tin nổi. Ngoài ra với số lượng cử nhân như vậy thì chức quan ở đâu ra đủ để mà phân bổ công việc?
([17]) Để đơn giản hóa việc thống kê, từ đây sử dụng chung danh vị “Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa” cho 3 người đỗ đầu các khoa thi.
([18])Sở dĩ nói có nhiều người đỗ Trạng nguyên vì ĐVSK Toàn thư viết “Năm Nhâm thìn 1232, thi thái học sinh: Đỗ đệ nhất giáp là Trương Hanh, Lưu Diễm; đệ nhị giáp là Đặng Diễn, Trịnh Phẫu; đệ tam giáp là Trần Chu Phổ” và “Năm Kỷ hợi 1239, thi thái học sinh: Đỗ đệ nhất giáp là Lưu Miễn, Vương Giát; đệ nhị giáp là Ngô Khắc; đệ tam giáp là Vương Thế Lộc”.