18/06/2018, 15:52

Lê Quýnh

Một nhà nho chống Pháp bị bắt cuối thế kỷ XIX Nguồn: Georges Buis & Charles Daney: Quand les Français découvraient l’Indochine Paris: Herscher, 1981 tr. 39 Nguyễn Duy Chính 我輩頭可斷,髮不可薙,皮可削,服不可易也。 Ngã bối đầu khả đoạn, phát bất khả thế, bì khả tước, phục ...

Một nhà nho chống Pháp bị bắt cuối thế kỷ XIX  Nguồn: Georges Buis & Charles Daney: Quand les Français découvraient l’Indochine  Paris: Herscher, 1981 tr. 39 Một nhà nho chống Pháp bị bắt cuối thế kỷ  XIX
Nguồn: Georges Buis & Charles Daney: Quand les Français découvraient l’Indochine
Paris: Herscher, 1981 tr. 39

Nguyễn Duy Chính

我輩頭可斷,髮不可薙,皮可削,服不可易也。

Ngã bối đầu khả đoạn, phát bất khả thế, 
bì khả tước, phục bất khả dịch dã.[1]

(Bọn ta đầu có thể chặt, [nhưng] tóc không thể cắt,
da có thể lột, 
[nhưng] y phục không thể đổi.)

LỜI MỞ ÐẦU 

Trong số vong thần nhà Lê bị giữ lại trên đất Trung Hoa cuối đời Càn Long, người được nhắc đến nhiều hơn cả có lẽ là Lê Quýnh. Ông là thủ lãnh của một nhóm nhỏ nhất định không chịu cạo đầu và thay đổi y phục để nhập tịch thành dân nhà Thanh[2] khiến cho chính giới sĩ phu Trung Hoa cũng hết sức khâm phục.[3] Nhìn lại hành trạng của nhóm người lưu vong chúng ta cũng phần nào đồng tình với những người nhất định giữ gìn chút khí tiết còn sót lại – dù người đó là một nho sinh đọc sách hay chỉ là một kẻ mã đồng.

Trong bối cảnh lịch sử dồn dập đầy biến động cuối thế kỷ XVIII, số phận của những người lưu lạc sang Trung Hoa hầu như bị bỏ quên. Các chi tiết viết về vua tôi nhà Lê mà sau này hậu nhân biết được phần lớn dựa theo KhâÐịnh Việt Sử thông giám cương mục [quyển XLVII], Ðại Nam Chính Biên Liệt Truyện [quyển XXIX], Ðại Nam Nhất Thống Chí [quyển XIX, XXIV, XXV…].

Cũng may vài chục năm sau, vua Tự Ðức đã ra lệnh cho quan địa phương tìm hiểu để đưa tên họ vào một ngôi đền thờ ở Hà Nội có tên là Lê Mạt Tiết Nghĩa Từ (黎末節義祠) nên những người đó không bị lãng quên và chúng ta còn một số chi tiết tương đối chính xác. Thơ văn và tiểu sử của một số đông trong nhóm vong thần này còn tồn tại trong một tập hợp nhan đề Nam Thiên Trung Nghĩa Thực Lục (南天忠義實錄).[4]

Hành động tưởng niệm họ thực ra cũng có những động lực chính trị, vừa xoa dịu những người còn đôi chút hoài vọng cựu triều, vừa khuyến khích giới nho gia trung quân, hết lòng phụng sự chủ mới. Những chi tiết đó có làm sáng tỏ hơn một chút về cuộc đời vua Lê và bầy tôi, từ khi đi đến lúc trở về nhưng chưa bao giờ được lượng giá trong bối cảnh tranh quyền đoạt nước thời đó. Các sử gia cho đến nay chỉ đề cao thành quả chống xâm lăng của Nguyễn Huệ hay nhìn vào sự chính thống của nhà Nguyễn, nên không khỏi nhận định một cách thiếu công bằng đối với tiền triều, cho cả vua Chiêu Thống lẫn những thần tử còn hoài vọng một thời cũ. Do đó, dù nhìn từ góc cạnh nào – đề cao Tây Sơn hay đề cao nhà Nguyễn – thì vua Lê cũng có tội. Nhà Thanh cũng phủ nhận một cách dứt khoát, một mặt họ nêu cao vai trò bảo hộ “hưng diệt kế tuyệt, tự tiểu tồn vong” [làm hưng kẻ bị diệt và nối lại triều đã đứt, nuôi kẻ nhỏ để mất rồi lại còn] của thiên triều nhưng khi có những khúc ngoặt quan trọng thì thái độ đối với những người vì tình thế phải nương nhờ vào họ cũng lập tức thay đổi theo.

Khi đã bị đẩy ra ngoài “cuộc chơi”, và trên hí đài chỉ còn thuần tuý bang giao chính thức của hai triều đình Thanh – Việt, đời sống của những người lưu vong kia hầu như không còn ai biết đến. Một số bị đưa vào những đơn vị của bát kỳ binh mà thực tế là một đội công sai thấp kém, đồng lương không đủ sống nên phải bươm chải bằng những nghề tay trái, sống vật vờ đời vong quốc và nếu không có những biến chuyển ở trong nước thì chỉ vài chục năm sau cũng tan biến vào xã hội người Hán giống như hàng vạn quan lại và sĩ phu cuối đời Trần, đầu đời Lê bị bắt về Trung Hoa.[5]

Một số – nếu có thái độ phản kháng – thì bị đày đi xa, mỗi nơi một ít, có chỗ chỉ có một hoặc hai người, ở tận những vùng sa mạc, trời nóng thì cháy da cháy thịt, trời lạnh thì gió buốt thấu xương, đầy đồng tuyết phủ. Thế nhưng dẫu sao thân phận đđày còn được nhìn thấy trời xanh mây trắng, hạnh phúc hơn những người mà cả năm giam hãm trong bốn bức tường ngục chỉ vì nhất định không chịu khuất phục, có nghĩa là cắt mái tóc người Việt để cạo chỏm, thắt bím đuôi sam và từ bỏ chiếc áo dài cố hữu của dân tộc để bận một bộ đồ khách. Họ cô đơn đến nỗi khi gặp được một người đàn bà Việt bị bắt ngoài biển đưa vào giam ở bộ Hình cũng mừng như “tha hương ngộ cố tri” vì có thể trao đổi với nhau dăm câu bằng tiếng mẹ đẻ.

Trong số người lưu lạc nơi đất khách, có những người tuy không tự nguyện lưu vong nhưng ở trong thế không quay trở về được, cũng có những người bị người Thanh đánh lừa vời qua rồi cưỡng bách bắt ở lại, tiêu biểu là bọn Lê Quýnh. Nếu như ông cũng đành mặc cho số phận nổi trôi, ở bầu thì tròn, ở ống thì dài chắc cũng không đến nỗi. Thế nhưng ông nhất định không bằng lòng chịu làm “Thanh nhân” nên bị giữ ở Trung Hoa đến 13 năm [bị biệt giam 10 năm trong ngục và 3 năm quản thúc ở phía tây kinh thành] và chỉ được về nước sau khi nhà Tây Sơn sụp đổ, nhờ duyên thời thế hơn là vì lòng độ lượng của đối phương. Người ta còn nhắc đến ông với câu nói bất hủ:

Bọn ta đầu có thể chặt, nhưng tóc không thể cắt, da có thể lột, nhưng áo không thể đổi!

Ngoài một số văn thơ, Lê Quýnh còn để lại một hồi ký nhan đề Bắc Hành Tùng Ký (北行叢記) [tập hợp những ghi lại khi sang đất Bắc] kể lại việc ông chạy sang Trung Hoa lưu vong cho đến khi về nước. Tập bút ký này tuy có nhiều chi tiết về việc đối xử khắc bạc của Thanh triều với vua tôi Lê Duy Kỳ nhưng vẫn bị nhiều hạn chế, về không gian cũng như thời gian. Một lẽ dễ hiểu, hầu hết thời kỳ sống ở Trung Hoa, Lê Quýnh bị biệt giam trong ngục và nhiều điều chỉ nghe qua tin đồn hay truyền miệng nên không chính xác.[6] Với nhan đề “tập hợp những ghi lại khi sang đất Bắc”, Lê Quýnh nhấn mạnh vào cuộc đời từ khi sang Quảng Tây lần thứ hai cho đến khi đưa hài cốt vua Lê về nước. Thực sự thì trong vai một tù nhân, ông cũng không có điều kiện để biết được lý do thời cuộc của việc tra hỏi hay cưỡng ép nên cần được bổ sung và đối chiếu với các tài liệu khác để nội vụ thêm minh bạch.

Thái độ của nhà Thanh mà nhóm Lê Quýnh phải gánh chịu không hoàn toàn chỉ vì thái độ cứng rắn nhất định không khuất phục của họ mà còn là một nỗ lực để điều chỉnh và giải thích về chính sách của vua Càn Long đối với nước ta. 

TỔNG QUÁT 

Cuộc đời của Lê Quýnh gắn liền với mệnh vận cuối đời Lê có thể chia thành 4 giai đoạn:

– Giai đoạn 1: (1750-1788) Từ khi còn nhỏ đến lúc đưa gia quyến vua Lê chạy sang Trung Hoa.

Xuất thân từ một thế gia vọng tộc, tuy chỉ là ấm sinh xuất thân nhưng gia đình ông luôn tận trung với triều đình và hết sức để khuông phò chính thống. Năm Mậu Thân, Lê Quýnh đem gia binh vào bảo vệ hoàng gia được giao cho việc hộ giá thái hậu, vương phi và nguyên tử chạy lên Cao Bằng, bị truy kích phải chạy sang đất Thanh.

– Giai đoạn 2: (1788-1789) Theo quân Thanh trở về đến khi Tôn Sĩ Nghị bại trận và ẩn trốn chờ cơ hội khôi phục rồi lại sang Trung Hoa lần thứ hai.

Nhân danh “hưng diệt kế tuyệt, tự tiểu tồn vong”, nhà Thanh đem quân sang nước ta nhưng bị đánh bại ngay đầu Xuân năm Kỷ Dậu. Vua Lê và một số bầy tôi chạy được sang Trung Hoa. Lê Quýnh khi đó đang dưỡng bệnh ở quê nhà nên không theo kịp và phải 7 tháng sau mới cùng một số đồng chí theo đường Ải Điếm sang được Quảng Tây.

– Giai đoạn 3: (1790-1800) Bị giam ở Bắc Kinh vì không chịu nhập kỳ binh nhà Thanh

Khi Thanh triều công nhận nhà Tây Sơn, vua Lê và những người đi theo bị bắt buộc phải ăn mặc và để tóc theo phong tục Trung Hoa. Riêng nhóm Lê Quýnh phản đối lấy cớ rằng họ không tự ý chạy sang mà do lời yêu cầu của Phúc Khang An dẫn dụ nay xin được về nước. Để tránh những bất trắc cho việc bang giao, vua Càn Long ra lệnh đưa nhóm Lê Quýnh lên Bắc Kinh giam ở bộ Hình. Dù bị ép buộc và ngược đãi, bốn người nhất định không chịu khuất phục nên chỉ được thả ra sau khi vua Càn Long qua đời và triều Tây Sơn đến hồi cáo chung.

– Giai đoạn 4: (1800-1805) Sau khi được thả ở Bắc Kinh và đưa linh cữu vua Lê về nước đến khi qua đời.

Sau khi Thanh triều công nhận triều Nguyễn, năm Giáp Tí [1804] nhóm Lê Quýnh xin được đưa hài cốt vua Lê, thái hậu và nguyên tử về nước táng ở Thanh Hoa. Việc hoàn thành, Lê Quýnh trở về quê tu ở chùa Đại Đồng. Tháng Chín năm Ất Sửu [1805], ông bị cướp đâm chết. Đến đời Tự Đức, nhà vua cho xây Tiết Nghĩa Từ để ghi nhận những trung thần, Lê Quýnh là người đứng đầu trong số thần tử nhà Lê.

Chính vì tận trung với nhà Lê, lại trước sau một lòng son sắt nên Lê Quýnh đã trở thành chứng nhân hùng hồn nhất trong một giai đoạn bang giao. Ông hiên ngang như cây tùng trước bão, trải qua bao nhiêu sương tuyết vẫn sừng sững giơ cái càng bọ ngựa chống lại cỗ xe, giải mã cho chúng ta những đổi thay thế sự. Nếu không có ông, nhóm nhà Lê sẽ chỉ thoáng hiện như một bóng mờ chính trị, theo thời gian sẽ tan biến vào số đông và hậu nhân không ai còn biết đến.

Ở một góc cạnh nào đó, lịch sử không phải chỉ luôn luôn là một vòng nguyệt quế dành cho người chiến thắng. Người thắng cuộc thường chỉ nói tốt cho mình nhưng trong nhiều trường hợp những người thua cuộc lại nói lên được nhiều điều chúng ta cần biết.  

PHẦN I : SANG TRUNG HOA

THÂN THẾ

Sử sách khi được sử dụng như phương tiện phục vụ cho một quan điểm chính trị thì không mấy khi công bằng. Ðể nêu cao chính thống và cũng có thể vì tư hiềm, một tác giả nào đó[7] trong Ngô Gia Văn Phái khi chấp bút viết tiếp vào bộ An Nam Nhất Thống Chí [tức Hoàng Lê Nhất Thống Chí] đã miêu tả Lê Quýnh với những lời lẽ miệt thị:

[…] Lại nói, Lê Quýnh là người làng Ðại Mão, huyện Siêu Loại [nay là huyện Thuận Thành, Bắc Ninh] vốn là một tay phong lưu công tử, con trai của Tiến sĩ triều Lê là Lê Doãn Giản. Khi tuổi trẻ, Quýnh chỉ biết uống rượu, đánh bạc, việc văn việc võ đều chưa hề luyện tập qua. Trước kia vì là con nhà quí tộc thân cận, nên được vào làm gia thần nhà vua. Ðến khi quân Tây Sơn tới xâm lấn, Kinh thành thất thủ, Quýnh vâng mệnh vua theo hầu Thái hậu lên Cao Bằng, rồi bị quân giặc đuổi bắt, phải chạy sang Trung Quốc. Vì Quýnh hơi biết chữ nghĩa, cho nên khi chuyện trò với người Thanh, thường bịa ra nhiều câu khoác lác. Tôn Sĩ Nghị cũng không biết xét đến chỗ đó, đem lời tâu lên, vua Thanh ưng thuận. Thế rồi may khôi phục lại nước nhà, Quýnh tự cho là công lao của mình. Sau khi về thành Thăng Long, Quýnh chỉ lo đền ơn trả oán và công nhiên ăn của đút lót. Những tay hào kiệt trong nước đều không ưa Quýnh. Vua cho là Quýnh có công, giao cho cầm quân. Nhưng Quýnh mắt còn choáng lộn bóng tinh kỳ, tai chưa nghe quen tiếng chiêng trống, nói gì đến chuyện sắp đặt binh bị? Quýnh bèn mượn cớ không muốn xa rời cạnh vua, xin vua truyền cho viên Trấn thủ Sơn Tây đem quân bản bộ đóng trước ở Gián Khẩu, để chặn đường của quân Tây Sơn. Ðó là Quýnh cốt cho mình khỏi phải ra trận; còn việc chinh chiến được hay thua, nước nhà còn hay mất, Quýnh chẳng cần biết đến làm gì.[8]

Ðọc đoạn văn trên, ta hình dung ra một Lê Quýnh nếu không phải là mẫu người chơi bời đàng điếm của cậu ấm cô chiêu thời trước thì cũng thuộc loại du thủ du thực, phá làng phá xóm. Văn chương lại có giọng dè bỉu mà nếu công tâm một chút, chúng ta có thể nghĩ rằng tác giả muốn thóa mạ đối phương hơn là trình bày sự kiện. Tuy không hẳn là hoàn toàn sai lầm nhưng nhiều chi tiết về cuộc đời ông đã bị xuyên tạc. Việc miêu tả hành trạng của Lê Quýnh ngoài mục tiêu hạ thấp ông còn nhằm bôi bác triều đình Chiêu Thống để làm nổi bật một số trọng điểm nhưng những chi tiết đó đã vô tình làm thay đổi cả một biến chuyển lịch sử.

Chính giáo sư Hoàng Xuân Hãn cũng phụ chú thêm về những việc này là: “[…] Phê bình chung về Quính, tác giả họ Ngô các hồi cuối HLNTC chê Quính một cách thậm tệ[…] Những nghị luận trên đây cũng có thể đúng một phần nào, nhưng ta chớ quên rằng tác giả là con cháu Ngô Thì Chí (tác giả bảy hồi đầu HLNTC) là người cũng được Chiêu-thống phái lên Cao-bằng tìm Thái-hậu, nhưng bị bệnh mất dọc đường, cũng là con cháu Ngô Thì-Nhậm là đối địch với Quính[…]”.

Để nhìn lại con người Lê Quýnh nói riêng và toàn bộ thế cục Bắc Hà nói chung chúng ta không thể dùng những chi tiết trong Hoàng Lê Nhất Thống Chí làm tiêu chuẩn xét đoán. Việc nối kết những chi tiết từ nhiều nguồn khách quan hơn sẽ giúp chúng ta nhìn được vấn đề tương đối minh bạch.

Theo Bắc Hành Tùng Ký và tiểu sử ghi trong Nam Thiên Trung Nghĩa Thực Lục (南天忠義實錄) thì Lê Quýnh [còn có tên là Lê Doãn Hựu] người làng Ðại Mão, huyện Siêu Loại, phủ Thuận An, tỉnh Bắc Ninh. Ông là con của tiến sĩ Lê Doãn Giản triều Lê, nho sinh xuất thân trông coi vệ binh tả hữu, tước hiển cung đại phu cho đến năm 25 tuổi [1774] thì vì có tang cha nên về nhà nuôi mẹ. Năm Bính Ngọ [1786], khi Nguyễn Huệ ra bắc, vua Chiêu Thống lên ngôi, ông được đưa lên Giang Bắc xếp đặt công việc, ít lâu sau thì trở về triều.

SANG TRUNG HOA LẦN THỨ NHẤT

PHỤC QUỐC

Xét tình hình miền Bắc nước ta cuối thế kỷ XVIII, việc quân Tây Sơn kéo ra lấy danh nghĩa “phù Lê diệt Trịnh” rồi sau đó thấy triều đình suy yếu nên chiếm đóng, xóa bỏ vai trò của phủ Chúa, tiến hành công việc “truất phế” vua Lê là những biến chuyển sấm sét, đem lại hoang mang, thảng thốt cho sĩ phu Ðàng Ngoài.

Một nước – quan niệm của thời trước đồng hóa một triều đại với một quốc gia – đã có truyền thống hơn 400 năm nay trong chốc lát bị xóa sạch mà những người cai trị mới lại từ một “nước Quảng Nam” mọi rợ, xa xăm. Ngoài sức mạnh quân sự, người dân Bắc Hà không tìm thấy những giá trị văn hóa gì nổi bật để cho họ tâm phục nên việc đồng loạt nổi lên chống lại là chuyện không có gì khó hiểu.

Như bất cứ biến động chính trị nào, nhiều xu hướng khác nhau cùng xuất hiện. Tuyệt đại quần chúng thường chịu đựng một cách thụ động nhưng cũng có một thiểu số nhanh chân ra cộng tác với tân triều.

TỰ LỰC CHỐNG TÂY SƠN

Khi Nguyễn Huệ nghe lời Nguyễn Hữu Chỉnh đem quân ra Bắc chấm dứt vương quyền họ Trịnh, hệ thống quyền lực của Ðàng Ngoài hầu như hoàn toàn sụp đổ. Trong nhiều năm, tranh chấp của hai phe Trịnh Cán, Trịnh Tông đã làm cho triều đình Bắc Hà chỉ còn lại một cái khung.

Sau khi dứt họ Trịnh, anh em Nguyễn Huệ lại tịch biên kho tàng đem về Nam khiến cho triều đình Thăng Long không còn phương tiện nào để điều hành bộ máy quân sự và hành chánh nên bất cứ một thế lực địa phương nào cũng có thể đem quân về chiếm kinh đô, uy hiếp nhà vua để mưu đồ quyền bính. Tình trạng hữu lệnh vô quyền đó khiến cho vua Chiêu Thống phải bí mật vời Nguyễn Hữu Chỉnh (khi đó đang ở Nghệ An) về dẹp loạn.

Tuy Nguyễn Hữu Chỉnh có thành công nhưng tình hình không hoàn toàn dưới quyền kiểm soát của trung ương mà chỉ tạm yên bề ngoài. Sự chia rẽ của miền Bắc khiến cho quân Tây Sơn mỗi lần kéo ra là một lần tan tác chẳng khác gì những lần Chế Bồng Nga ra đánh Ðại Việt 400 năm trước.

Vì Nguyễn Huệ còn bận giao tranh với Nguyễn Nhạc rồi củng cố thế lực ở Ðàng Trong, ông giao lại việc cai trị Bắc Hà cho một tì tướng, trước là Võ Văn Nhậm, sau là Ngô Văn Sở. Theo nhiều tài liệu, lực lượng của Tây Sơn đồn trú ở miền Bắc không đông lắm nhưng vẫn chu toàn vai trò trị an. Chỉ trong khoảng một năm, vùng trung châu miền Bắc hoàn toàn dưới quyền kiểm soát của Tây Sơn, chỉ một số tỉnh thượng du gần biên giới còn đứng ngoài.

Dẫu thế, lực lượng còn trung thành với cựu triều không bao nhiêu, đa số chống Tây Sơn vì có ý tự lập hơn là vì vua Chiêu Thống. Do đó, bản thân vua Lê cũng phải lẩn trốn trong các thôn ấp, di động luôn luôn để tránh tai mắt của địch. Riêng thân quyến của Lê Duy Kỳ, bao gồm cả thái hậu (mẹ ông) và hoàng phi (vợ ông) cùng đứa con nhỏ phải chạy lên Cao Bằng nương nhờ một cựu thần còn trung thành là đốc đồng Nguyễn Huy Túc. 

NGUYÊN NHÂN CHẠY SANG LONG CHÂU

Quân Tây Sơn chưa buông tha nên tiếp tục đuổi theo. Tháng Năm năm Mậu Thân [1788], đoàn người bị săn đuổi vượt sông chạy được sang Trung Hoa. Sau mấy ngày sống trong hang động, uống nước suối, ăn rau rừng, quân tuần phòng nhà Thanh bắt gặp nên đưa họ đến Long Châu và thông báo cho quan sở tại.[9]

Việc thân quyến của một triều đình phiên thuộc chạy sang nội địa xin nương náu là một tin “động trời”. Tôn Sĩ Nghị, tổng đốc Lưỡng Quảng, vội vàng tới điều tra và sau khi biết rõ tình hình, lập tức tâu lên vua Càn Long để xin chỉ thị.

Ðây là một khúc quanh lịch sử biến chuyển từ những tranh chấp nội bộ sang một qui mô lớn hơn có sự tham dự và can thiệp của bên ngoài – một đại quốc vẫn đóng vai thiên triều tự cho mình bổn phận và nhiệm vụ phải can thiệp khi phiên thuộc bị đe dọa.

Năm Ðinh Mùi (Chiêu Thống nguyên niên), khi quân Tây Sơn [do Vũ Văn Nhậm làm tiết chế] ra bắc lần nữa, vua Lê chạy lên Lạng Giang. Lê Quýnh đem hơn 300 gia nhân hộ giá và tổ chức các đội nghĩa quân cần vương – theo như tường thuật của chính ông thì tổng số lên đến hơn 40,000 người và 500 chiến thuyền nhưng có lẽ chỉ tổng kết con số của các nơi lên tiếng hưởng ứng chứ không phải thực sự dưới tay ông. Vì công lao này ông được phong chức Trường Phái Hầu (長派侯)[10]. Khi đó, thái hậu [mẹ vua Chiêu Thống], nguyên phi [vợ cả của vua Chiêu Thống] Nguyễn Thị Kim và con đầu lòng là Lê Duy Thuyên [sơ sinh] đang ở Thái Nguyên nên nhà vua sai Lê Quýnh và Nguyễn Quốc Ðống [anh của hoàng phi] sang làm tả hữu hộ vệ sứ để bảo vệ gia quyến. Cuộc hộ giá đầy gian nguy đưa đoàn người tị nạn sang Trung Hoa dẫn đến việc Tôn Sĩ Nghị đem quân sang nước ta.

Chuyến đi của nhóm lưu vong nhà Lê đã bị đánh giá một cách hời hợt là nhằm mục tiêu cầu viện “cõng rắn cắn gà nhà”. Tới gần đây, khi tìm thấy một số thư từ của nhóm Nguyễn Huy Túc gửi Tôn Sĩ Nghị trong văn khố Trung Hoa, đối chiếu với di văn của những người trong cuộc, chúng ta mới thấy rằng có nhiều góc cạnh mới.

XUẤT BÔN SANG QUẢNG TÂY

Về nội tình Trung Hoa, một năm trước, công tác dẹp loạn và trấn áp của triều đình khiến một số dân tộc thiểu số nổi lên chống đối. Dưới danh nghĩa Phản Thanh Phục Minh, một “hội kín” có tên là Thiên Ðịa Hội do Lâm Sảng Văn cầm đầu đã chiếm đảo Ðài Loan ngoài khơi Phúc Kiến. Tổng đốc Mân Triết Phúc Khang An – con của danh tướng Phó Hằng – được giao cho nhiệm vụ phối hợp quân thủy bộ ra bình định.

Chỉ huy một lực lượng hùng hậu, Phúc Khang An nhanh chóng đánh tan lực lượng cố thủ và biến cuộc tiễu trừ “giặc cỏ” thành một chiến công lừng lẫy mà vua Càn Long rất đắc ý. Một trong những người muốn nhân cuộc chiến này để xây dựng công danh là tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị. Thế nhưng vì là người Hán nên ông chỉ được lo việc hậu cần và tuy hoàn thành rất chu đáo nhưng lại không được cất nhắc khiến họ Tôn nóng lòng tìm một dịp khác, nhất là khi đó tuổi ông cũng đã cao, chậm nữa sẽ không còn cơ hội.

Việc thân quyến vua Lê sang “tị nạn” đã được Tôn Sĩ Nghị khai thác triệt để ngõ hầu có dịp cầm quân, mà theo miêu tả của quan lại nhà Lê thì còn thuận lợi hơn Phúc Khang An nhiều: Nguyễn Huệ chiếm cứ Bắc Hà chỉ bằng sức mạnh nên bị chống đối khắp nơi, một khi quân Thanh “thanh viện” [lên tiếng yểm trợ] thì lập tức toàn quốc sẽ nổi lên đánh đuổi quân Tây Sơn về xứ Quảng Nam.

Nguyện vọng nguyên thuỷ của thần tử nhà Lê chỉ là xin Thanh triều can thiệp để Tây Sơn chia cho họ đất Cao Bằng [quản hạt cũ của Nguyễn Huy Túc] làm chỗ dung thân [như một khu vực tự trị dành cho con cháu nhà Mạc] [11] nay đã bị Tôn Sĩ Nghị hướng sang một đường lối khác, biến thành một vận động quân sự. Trong đường lối thi hành ở nước ta, quan lại nhà Thanh thường mớm lời theo ý của họ, rồi làm như chính người Việt đã nêu ý kiến để đặt mọi sự vào việc đã rồi, khi việc không thành lại kết án ngay người trước đó từng được xúi bẩy.

Với đầy đủ lý do chính đáng, viên tổng đốc Lưỡng Quảng tâu lên nhân danh “tự tiểu tồn vong, hưng diệt kế tuyệt” vốn dĩ vẫn là chiêu bài sử dụng để can thiệp vào nước khác.[12] Vua Càn Long, với bản chất hiếu võ, lại thấy vấn đề tương đối dễ dàng nên không ngần ngại cử ngay Tôn Sĩ Nghị làm tổng chỉ huy, tiết chế bốn tỉnh Quảng Ðông, Quảng Tây, Vân Nam, Quí Châu sang lấy lại nước cho Lê Duy Kỳ.[13]

Ðể danh chính ngôn thuận và kế hoạch tiến binh sang An Nam được dễ dàng, Tôn Sĩ Nghị sai một số bầy tôi nhà Lê trở về nước tìm cho bằng được Lê Duy Kỳ, yêu cầu ông viết thư xin nhà Thanh đem quân sang đánh Nguyễn Huệ. Căn cứ vào một số văn thư qua lại của vua Lê và các quan lại theo ông, chúng ta có thể tin rằng không phải mọi người đều có chung một quan điểm xin viện binh mà một số chủ trương chỉ yêu cầu họ lên tiếng làm áp lực để Nguyễn Huệ giao trả lại Bắc Hà cho nhà Lê.

Một tờ trình của Lê Quýnh [đi kèm theo lời kêu gọi chính thức của Lê Duy Kỳ] có nội dung như sau:

Nước An Nam từ khi lập quốc đến nay chỉ có họ Lê là được nước một cách chính đáng, ân huệ ban bố đến lòng dân, lễ nghĩa cũng kết nối được chí sĩ phu. Giữa đường họ Mạc tiếm vị mất hơn 60 năm, vậy mà lòng người hướng về triều đại cũ vẫn không đổi. Rồi trung hưng hơn hai trăm năm, có họ Trịnh phụ chính, đời đời nắm quyền, vua nước tôi tuy là chủ của hạ quốc nhưng phương nam có họ Nguyễn phụ chính, riêng một cõi, bắc có Trịnh phụ chính, giữ binh quyền cho tới ngày nay.

Cả Trịnh lẫn Nguyễn đều bị Nguyễn Nhạc đánh đuổi, khi đó lòng người ai cũng coi họ là cái bệnh của nước nên không kháng cự. Ðến khi lòng dạ Nguyễn Nhạc lộ ra, càng lúc càng thêm càn rỡ. Chỉ trước đây mấy năm, Nguyễn tặc tự đặt niên hiệu Thái Ðức. Nay lại thêm tội cướp nước phạm thượng, dân chúng khắp nơi nổi lên chống lại, đủ biết họ Lê ân trạch thấm nhuần, không gọi mà đồng lòng, biết điều nhân thì dân hướng về, Nguyễn tặc tuy mạnh, cũng không thể ép người ta phải theo.

Chỉ mong thiên triều thương nước nhỏ, ban bố cái đức cho kẻ khốn khó, đem binh trời đến sát biên cảnh, làm thế thanh viện cho hạ quốc, dân trong nước nghe tin, lập tức từ trong đánh ra, không cần phải nhọc đến binh thiên triều, cái đầu Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ ắt sẽ đến ngay. [14]

Trong khi Lê Duy Kỳ vẽ ra kế hoạch chia quân thủy bộ đánh vào Thăng Long và Thuận Hóa thì Lê Quýnh lại chỉ xin “thiên sư áp cảnh, vi hạ quốc chi thanh viện” (đem quân đóng ở biên giới để lấy tiếng cứu viện hạ quốc), rõ ràng Lê Quýnh không muốn họ đem quân sang nước ta.

MỤC ĐÍCH CỦA THANH TRIỀU

Về nhóm tông tộc nhà Lê chạy được sang Long Châu mong muốn to lớn nhất của họ lúc đó chỉ là làm sao sống còn, được phép ở lại Trung Hoa mà không bị giải giao về nước cho quan chức sở tại. Đời Thanh, dân chúng qua lại vùng biên giới đều bị cấm ngặt, có đi thường không có về, dù từ Trung Hoa ra khỏi nước hay từ bên ngoài vào nội địa Trung Hoa đều bị nghiêm trị.

Chính vì thế, thân quyến và di thần nhà Lê vội vàng kể rõ tình cảnh bị cường địch truy sát [chứ không phải dân biên giới trốn sang ở phi pháp] hi vọng rằng quan nhà Thanh sẽ vị tình mà không trả về nước. Khó khăn nhất của đám người lếch thếch này là không có một giấy tờ hay vật dụng khả dĩ chứng minh thân thế nên chỉ dựa vào khẩu cung để trình bày hoàn cảnh của mình.

Khi biết chuyện, các cấp tiểu lại địa phương không dám tự chuyên, vội vàng báo lên tuần phủ Quảng Tây Tôn Vĩnh Thanh và tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị. Tôn Sĩ Nghị liền chạy xuống không phải vì quan tâm đến sinh mệnh chính trị của tiểu quốc ở phía nam mà vì đây là một cơ hội tốt cho hoạn lộ của mình nếu biết khai thác.

Nguyên vua Càn Long vẫn ao ước sẽ có cơ hội để tự xưng là “Thập Toàn Lão Nhân” trước khi ông thoái vị. Danh hiệu “thập toàn” mang nhiều ý nghĩa nhưng trong đó cũng ẩn náu một mơ ước là ông sẽ thực hiện được mười võ công oanh liệt nên tìm đủ cách tạo những chiến thắng để chứng tỏ tài thao lược của mình.

Mọi việc xảy ra đúng như Tôn Sĩ Nghị tính toán. Vua Càn Long rất phấn khởi khi nghe báo cáo và ra lệnh điều động quân bốn tỉnh Vân Nam – Quí Châu và Quảng Đông – Quảng Tây chia thành hai ngả tiến sang nước ta.

QUÂN THANH VƯỢT QUA NAM QUAN

Ngày 28 tháng Mười, giờ Mão [25-11-1788] quân Thanh tế cờ mở cửa ải tiến qua Nam Quan. Lê Quýnh và Lê Duy Đản được giữ ở trung quân để cố vấn cho Tôn Sĩ Nghị. Tới Lạng Sơn, Tôn Sĩ Nghị dừng lại hai ngày chờ các cánh quân khác đi sang kịp.

Nghe tin này, quân Tây Sơn rút về giữ Tiên Lệ (先麗), Cần Dịch (芹驛), Ha Hộ (訶), Trụ Hữu (柱右), dựa vào thế đất hiểm trở để ngăn giặc. Khi phái đoàn Lê Duy Ðản, Trần Danh Án, Lê Quýnh sang Quảng Tây mang theo tờ bẩm của Lê Duy Kỳ, họ đã xác quyết rằng một khi quân Thanh tiến qua khỏi cửa ải thì vua Lê sẽ tới ngay để cùng với Tôn Sĩ Nghị tiến xuống Thăng Long. Thế nhưng quân Thanh ra khỏi Nam Quan đã gần nửa tháng vẫn chưa thấy bóng dáng Lê Duy Kỳ đâu nên ngày 11 tháng Một năm Mậu Thân [8-12-1788], Tôn Sĩ Nghị sai Lê Quýnh đi tìm vua Chiêu Thống. Lê Quýnh thuật lại trong Bắc Hành Lược Ký[15] như sau:

Tôn đại nhân cật vấn Lê Quýnh rằng:

– Sao bản bộ đường ra khỏi cửa ải đã hơn tám trăm dặm sao chưa thấy vương tự tôn động tĩnh gì?

Lê Quýnh trả lời có lẽ vì đường sá bị trở ngại nên nhân đó xin một mình cưỡi ngựa đi tìm chủ. Tổng đốc Tôn Sĩ Nghị bằng lòng.

Nghe tin quân Nam thua ở sông Thương, nội hầu Tây Sơn Phan Văn Lân (潘文璘) đem binh lên giữ Thị Cầu, đóng trên các sườn núi và chỗ hiểm yếu ở bờ sông phía nam, lại thiết lập nhiều đồn luỹ bằng tre, gỗ dọc theo bờ sông phòng ngự. Trương Triều Long dẫn quân qua sườn núi tập hậu đánh bất ngờ vào đại doanh của Phan Văn Lân. Phan Văn Lân rút quân về bảo vệ Thăng Long.[16]

Quân Thanh tiếp tục tiến đến bờ phía bắc sông Nhĩ Hà. Đại Tư Mã Ngô Văn Sở cho rút toàn bộ lực lượng về núi Tam Điệp rồi cáo cấp với vua Quang Trung.

Ngày 21, Lê Quýnh đưa vua Lê Chiêu Thống đến gặp Tôn Sĩ Nghị ở bờ sông phía bắc Nhĩ Hà. Ngày 22, vua Lê cùng quân Thanh vào chiếm lại Thăng Long.

TRỞ LẠI THĂNG LONG 

TRIỀU ĐÌNH CHIÊU THỐNG

Sau khi tái lập triều đình, vua Lê và cận thần chủ trương thừa thắng tập trung quân tiến lên lấy lại vùng đất cũ của Bắc Hà nên giao cho Lê Quýnh lo liệu mọi việc quân đội, lương hướng. Tuy nhiên Thanh triều lại không muốn giúp cho vua Lê hoàn toàn thắng thế mà muốn hai bên chia quyền hành, đất đai để họ dễ dàng khống chế cả hai. Việc Tôn Sĩ Nghị đưa ra kế hoạch “dụ hàng” Nguyễn Huệ khiến cho vua tôi nhà Lê không khỏi bất mãn nhất là sau khi họ Tôn bắt ép vua Chiêu Thống phải thu hồi binh quyền và chỉ giao cho Lê Quýnh nhiệm vụ “bình chương sự (平章事) việc hộ, việc binh” lo việc hành chánh.

Bắc Hành Lược Ký trong Nam Phong (125) chép như sau:

[…] tháng chạp, theo sắc của thiên triều ban xuống phong cho tự tôn làm An Nam quốc vương. [vua Lê]ban cho Lê Quýnh chức vụ tổng binh. Cũng tháng đó, Lê vương sai Lê Quýnh lo việc binh lương, định ngày đánh đuổi giặc [quân Tây Sơn]. Thế nhưng Tôn đại nhân lại tính chuyện chiêu hàng nên ép quốc vương đuổi theo lấy lại kiếm ấn, đổi lại thành bình chương sự (chức vụ lo việc giấy tờ). Vừa lúc đó, Lê Quýnh nổi cơn sốt rét nặng nên xin về nhà [quê làng Ðại Mão] nghỉ ngơi uống thuốc[…][17]

Việc ông đột nhiên về quê đã đưa đến nhiều nghi vấn, người thì cho rằng ông bất mãn với Lê Duy Kỳ nên bỏ đi, người thì cho rằng ông bị Tôn Sĩ Nghị mắng nhiếc nên bẽ mặt. Theo Khâm Ðịnh An Nam Kỷ Lược, quyển XXVI (tr. 1-3) Tôn Sĩ Nghị [lúc này ông ta đã đổi sang làm tổng đốc Tứ Xuyên sau khi thua trận bị cách chức tổng đốc Lưỡng Quảng] ngày mồng 3 tháng giêng năm Càn Long thứ 55 (1790) tâu lên:

Năm trước, Lê Quýnh đưa mẹ và vợ Lê Duy Kỳ đến gõ cửa quan cầu cứu. Thần [Tôn Sĩ Nghị tự xưng] đến biên ải Việt Tây [tức biên giới tỉnh Quảng Tây] xem xét cựu thần nhà Lê, chỉ thấy Lê Quýnh ngôn từ, cử động có vẻ khí khái, xem ra nhanh nhẹn tháo vát nên đã sai đi theo đường Quảng Ðông về nước tìm chủ.

Thần cũng tuân theo thánh ân cấp cho Lê Quýnh tiền bạc phí tổn nên khi gặp Lê Duy Kỳ rồi trở qua báo tin liền cho y theo làm hướng đạo. Về sau không thấy Lê Duy Kỳ đâu nên thần đã sai y đi tìm, mãi đến khi thần tiễu sát qua sông, khắc phục Lê thành [tức thành Thăng Long] rồi, Lê Quýnh lúc bấy giờ mới cùng Lê Duy Kỳ đến quân doanh.

Nguyên do là vì bọn họ dò thám thấy quân địch đóng ở các sông Thọ Xương, Thị Cầu, Phú Lương thế mạnh, nghĩ rằng quan binh không thể thắng nổi nên không dám ra. Thần biết ngay bọn Lê Quýnh trước đây qua cửa ải, nói khoác rằng ở xứ này nghĩa sĩ tụ tập, một khi đại binh đến nơi sẽ đứng lên tiếp tay đánh giặc là điều không thực.

Thần đóng binh ở bờ sông Lê thành, Lê Quýnh lúc đầu có đi theo Lê Duy Kỳ đến yết kiến mấy lần, sau đó mất tăm không thấy nữa. Thần mới hỏi Lê Duy Kỳ thì nghe nói Lê Quýnh bị sốt rét nặng, hiện đang ngoạ bệnh. Thần nghĩ lúc này Lê thành mới khôi phục, quân giặc chưa trừ xong, đâu phải là lúc lặng thinh chữa trị, nên mới truyền cho y đến bờ sông, trách mắng các ngươi khi còn ở nội địa [tức ở Trung Hoa] từng bẩm là một khi đại binh xuất quan, người trong nước sẽ vân tập hưởng ứng, thế mà mấy lần cùng giặc huyết chiến, nào có thấy các ngươi tụ tập nghĩa dũng, để trợ thanh uy đâu?

Ðến bây giờ lại cáo ốm không ra, đủ biết các ngươi không chút thiên lương, phụ lòng đại hoàng đế giúp cho sự mất còn của kẻ yếu. Thần nặng lời mắng mỏ, Lê Quýnh phục xuống đất dạ dạ, khăng khăng nói là quả thực bị bệnh. Thần lại gặng hỏi kỹ càng, Lê Quýnh [ngươi] tuy có ốm thật nhưng [có phải] vì khi Lê Duy Kỳ được nước rồi, lại không hết lòng uỷ nhiệm nên mới thoái thác?

Thần xem y tính khí không biết đại thể, lòng dạ bạc bẽo. Lại nghe Lê Duy Kỳ ở kinh thành, tru lục mấy kẻ bạn thần là do mấy kẻ tuỳ tòng như bọn Lê Quýnh ở bên cạnh xúi biểu nên lập tức ngăn Lê Duy Kỳ không cho làm nữa. Lại viết một bài dụ mấy trăm câu, chỉ cho y biết lúc này cần phải đối xử khoan dung, thu phục nhân tâm để an lòng kẻ phản trắc, tuyệt đối không được toan tính chuyện trả thù khiến cho lòng dân phản bạn, thân thích chia lìa.

Lê Duy Kỳ vâng lời, cầm tờ dụ của thần viết đi ra.[18]

Theo sử Việt Nam, khi nghe tin Nguyễn Huệ kéo quân ra và các cánh quân giữ nhiệm vụ chặn địch thất bại, Tôn Sĩ Nghị vội vàng vượt sông Nhĩ Hà, chặt cầu phao rồi chạy trốn về Trung Hoa. Theo báo cáo của chính họ Tôn thì ông ta đến Nam Quan ngày 11 tháng giêng. 

QUÂN THANH THẤT BẠI 

CHẠY VỀ QUẢNG TÂY

Thất bại nhanh chóng của quân Thanh khiến cho Lê Duy Kỳ và một số cận thần vội vàng chạy theo Tôn Sĩ Nghị về hướng Nam Quan. Tuần phủ Quảng Tây Tôn Vĩnh Thanh đã báo cáo rằng vua Lê nhập quan cùng với khoảng 20 tùy tòng [nhưng không có thái hậu và nguyên tử] vào giờ thân (buổi chiều khoảng 4, 5 giờ) ngày mồng bảy (tháng giêng năm Kỷ Dậu) nên lập tức đưa đến Nam Ninh tạm trú.

Trong khi đó, những khu vực phía bắc kinh thành Thăng Long vẫn còn nhiều vùng chưa hoàn toàn dưới quyền kiểm soát của Tây Sơn nên mau chóng tập trung thành một số tụ điểm trong đó đáng kể nhất là:

1. Lê Quýnh và Lê Doãn Trị, Trịnh Hiến, Lý Bỉnh Ðạo… ở lại chiêu mộ binh sĩ, tổ chức lực lượng để đợi thời cơ,

2. Lạn Quận Công Lê Duy Chỉ cùng một số tôn thất chạy lên vùng Tây Bắc liên kết với một số thổ hào xây dựng căn cứ.

Theo báo cáo của quan nhà Thanh, một số quân lính, dân phu của họ cũng tự động chạy theo các đường núi trở về, nhiều người lạc sang phía Vân Nam nhưng phần đông tàn quân chạy về Lạng Sơn qua cửa Nam Quan.

VUA CHIÊU THỐNG VÀ TÒNG THẦN

Một điều chắc chắn, vua Lê không chạy cùng với Tôn Sĩ Nghị [như sử Việt Nam vẫn chép] và chỉ gặp lại Tôn Sĩ Nghị sau khi đã sang Trung Hoa. Theo một tờ biểu của họ Tôn tường trình lên vua Càn Long về việc thất trận thì khi vừa chạy đến Nam Quan, ông đã tâu lên là đang cho người tìm kiếm Lê Duy Kỳ để tránh cho một ông vua được phong vương chính thức của Thanh triều bị giặc bắt.[19]

Trên danh nghĩa, Tôn Sĩ Nghị đem quân sang nước ta là để “hưng diệt kế tuyệt”, lập lại dòng chính thống cho nhà Lê nên việc viên tổng đốc Lưỡng Quảng chạy thoát thân một mình không ngó ngàng gì đến ông vua An Nam mới được phong vương nếu truy ra sẽ thành đại tội ngộ thất quân cơ.[20]

Lịch Triều Tạp Kỷ có chép một chi tiết khi vua Chiêu Thống gặp Tôn Sĩ Nghị tại biên giới:

[…] Vua Chiêu Thống cáo từ Tôn Sĩ Nghị rằng:

“Tôi làm mất xã tắc, nhục nhã nhờ Tôn đại nhân sang cứu; xiết bao cảm khích. Nay ngài bỏ đi, không dám nài xin nữa. Cúi xin [ngài] trở về triều được mọi điều may mắn. Tôi xin trở lại đất nước tôi, thu thập dân, lính để lo một phen nữa. Nếu may mà thành công được thì đó là do quan thượng hiến giúp cho, nếu chẳng thành công, thì lại theo xe thượng hiến để chờ xin che chở”.

Nghị nghe đến đây, lấy tay viết vào tấm gỗ rằng:

“Nguyễn Quang Bình (tức Nguyễn Văn Huệ) không bị diệt thì quyết không thôi. Tôi đã viết biểu tâu xin thêm quân, một ngày kia đại quân sẽ tới. Ðất Lạng Sơn gần kề quân giặc, lương ít, khí độc, không tiện ở lại, hãy tạm vào yên nghỉ ở đất Nam Ninh, để chờ chiếu chỉ của thiên triều”.[21]

Nếu đúng như thế, Lê Duy Kỳ cũng biết rằng người Thanh giúp mình cũng chỉ được một lần, việc khôi phục vẫn phải do mình là chính. Việc Tôn Sĩ Nghị yêu cầu ông ở lại có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau nhất là để minh chứng với triều đình là ông vẫn hết lòng bảo vệ một quốc vương chính thống. Vả lại, Tôn Sĩ Nghị vốn dĩ đã có ý sử dụng chính trường nước Nam để mong đẹp lòng vua Càn Long. Ngay ngày Tết Nguyên Ðán, tại Trùng Hoa Cung, vua Cao Tông và 28 văn quan [nhị thập bát tú] đã làm một bài thơ liên hoàn đầy đắc ý về chiến công này.[22]

Khi quân Thanh thua chạy, Tôn Sĩ Nghị vội vàng dò ý vua Càn Long để tìm cách biện bạch cho đúng ý. Trước hết, Tôn Sĩ Nghị thông đồng với Tôn Vĩnh Thanh [tuần phủ Quảng Tây] đổ tội cho Lê Duy Kỳ trốn đi làm hoảng loạn lòng quân trong khi theo các nguồn tài liệu của Việt Nam thì vua Lê chỉ chạy theo khi thấy viên tổng đốc nhà Thanh đào tẩu.

Ðến khi thấy tình hình có cơ chuyển hướng, Tôn Sĩ Nghị lại tính việc dùng vua Lê làm điều kiện trao đổi với triều đình Tây Sơn. Kế hoạch này được Phúc Khang An tiếp tục để tiến hành đàm phán, đưa đến thoả hiệp mà cả hai triều đình Càn Long lẫn Quang Trung cùng mong đợi. Trong khi đang ngấm ngầm trao đổi, vua Lê và dân chúng Bắc Hà có lẽ cũng không ngờ rằng hai kẻ đại thù đã sẵn sàng bắt tay nhau và gạt ra ngoài một đồng minh cũ không thương tiếc.

Để chuẩn bị cho công tác hậu chiến, vua Quang Trung cũng bỏ ngỏ con đường từ Thăng Long lên Lạng Sơn nhằm mở ra một cánh cửa bang giao. Nhiều dấu hiệu cho thấy nếu Tây Sơn muốn đuổi tận giết tuyệt, số lượng quân Thanh đông đảo vượt qua sông Nhĩ Hà về biên giới khó lòng có thể chạy thoát mà không bị tấn công. Cũng nhờ đó, tuy trận chiến Việt – Thanh có khốc liệt nhưng quan lại triều Lê hầu như không tổn thất vì không ghi nhận một nhân vật nào của Bắc Hà bị tử thương.

Sau khi vua Lê đã bình yên, nhóm bầy tôi đầu tiên chạy được sang Trung Hoa vào khoảng hơn 20 người[23]. Cuối tháng Giêng, số người sang được Quảng Tây bao gồm:

– Mẹ và con vua Chiêu Thống (Nguyễn thị Ngọc Tố và Lê Duy Thuyên)

– Hoàng Ích Hiểu, phiên mục Cao Bằng, tước Ðịch Quận Công

– Nguyễn Quốc Ðống, người xã Tì Bà, huyện Lang Tài [anh của vương phi Nguyễn Thị Kim]

– Phạm Như Tùng, người Thư Trì, đề lĩnh

– Lê Hân, người xã Nộn Liễu, huyện Nam Ðường

– Phạm Ðình Thiện, người xã Bác Trạch, huyện Chân Ðịnh

– Lê Văn Trương, người xã Nghĩa Ðồng, huyện Nam Ðường

– Lê Quí Thích, người xã Ðồng Bằng, huyện Yên Ðịnh[24]

Ðến tháng Ba, báo cáo nhà Thanh ghi nhận thêm những tên sau đây:

– Phan Khải Ðức

– Nguyễn Ðình Bái

– Hoàng Ðình Cầu

– Nguyễn Ðình Liễn

– Nguyễn Hiền

Ðến tháng Tư, Phúc Khang An lại tâu lên có thêm những người sau đây:

– Lê Duy Án (con út vua Hiển Tông, chú của Lê Duy Kỳ) tước Trung Quận Công

– Lê Duy Trợ (thân tộc nhà Lê)

– Lê Duy Doanh (thân tộc nhà Lê)

– Trần Ðắc Bồi

– Nguyễn Ðình Hoa

– Ðặng Kim Huân

– Nguyễn Ðình Dung

– Vũ Xuân Bỉnh

– Phan Khải Tích

– Phan Mạnh Hiền…

Theo báo cáo của Phúc Khang An và Tôn Vĩnh Thanh thì số người qua tị nạn được tạm trú ở Quế Lâm là 376 người.[25]


[1] Trần Khánh Hạo chủ biên, Việt Nam Hán Văn Tiểu Thuyết Tùng San, Lịch Sử Tiểu Thuyết Loại, đệ ngũ sách: Hoàng Lê Nhất Thống Chí, (Ðài Loan: Học Sinh thư cục, 1987) tr. 241

[2] Đời Thuận Trị, một năm sau khi Thanh binh nhập quan (1645) nhiếp chính vương Đa Nhĩ Cổn [Aisin-Gioro Dorgon -多爾袞] ra lệnh trong vòng 10 ngày mọi người nam đến tuổi trưởng thành phải cạo nửa đầu phía trước và để tóc dài tết thành đuôi sam. Ai không tuân theo đều bị xử tử. Đây là cách để biết người nào theo, người nào chống nhà Thanh. Rất đông chạy ra nước ngoài nhất là vùng Đông Nam Á tạo thành những cộng đồng người Hoa còn tồn tại đến ngày nay. Theo nhiều tài liệu, số chống đối bị giết lên đến hàng vạn người và phải 10 năm sau luật này mới hoàn toàn áp dụng trên đất Trung Hoa cho đến đầu thế kỷ XX khi nhà Thanh bị lật đổ.

[3] Trong KhiếĐình Tạp Lục [嘯亭雜錄] của Chiêu Liên [昭槤] đời Thanh, quyển IX tiểu mục nhan đề “An Nam Tứ Thần” [安南四臣] có chép như sau:

Năm Kỷ Dậu [1789] đời Càn Long, Phúc Văn Tương [tức Phúc Khang An] nhận cho Nguyễn Quang Bình vhàng nên đưa vua cũ của An Nam là Lê Duy K lên kinh đô, gia nhập Nhương Hoàng K Hán quân. Bọn bồi thần Lê Quýnh, tất cả bốn người không chịu thay đổi y phục, hoàng thượng tức giận bắt giam vào ngục. Đến khi đức kim thượng [tức vua Gia Khánh] lên ngôi mới cho đưa ra sống ở Hoả Khí Doanh, bốn người rất là vui sướng, ngâm vịnh không thôi. Đến năm Quí Hợi [1803] đời Gia Khánh, quốc trưởng Nông Nại [Đồng Nai]Nguyễn Phúc Ánh diệt được con cháu Quang Bình, dâng biểu xưng thần được hoàng thượng nhận cho hàng phục, phong làm Việt Nam quốc vương. Nhân thế mới cho bốn người v nước, quả thực là những kẻ sĩ tuấn kiệt đất man di vậy.

[4] Việt Nam Hán Văn Tiểu Thuyết Tùng San, quyển 6 (Ðài Bắc: Ðài Loan Học Sinh thư cục, 1986) do Trần Khánh Hạo và Vương Tam Khánh chủ biên.

[5] Trong Trung Việt Quan Hệ Sử Luận Văn Tập (中越關係史論文集) [1992] Trương Tú Dân (張秀民) đã tổng kết một danh sách rất dài nhan đề “Minh Đại Giao Chỉ Nhân Di Nhập Nội Địa Chức Quan Biểu” (明代交阯人移入內地職官表), từ tr. 88-109

[6] Hiện nay trong tay chúng tôi có ba bản Hán Văn:

1. Lê Quýnh Bắc Hành Tùng Ký trong Việt Nam Hán Văn Tiểu Thuyết Tùng San [quyển VI] do Trần Khánh Hạo và Vương Tam Khánh chủ biên (Paris-Taipei: École Française d’Extrême-Orient, 1986) tr. 98-117

2. Bắc Hành Tùng Ký, bản chép tay lưu trữ trong Viện Hán Nôm [Hà Nội] (VHv108) được in lại theo lối chụp ảnh trong Việt Nam Hán Văn Yên Hành Văn Hiến Tập Thành [tập VI] (Phục Ðán đại học xbx, 2010) tr. 75-150

3. Bắc Hành Lược Ký đăng trong Nam Phong Tạp Chí, phần Hán Văn từ số 125-131

Năm 1969, trong ba Tập San Sử Ðịa tập 13, 14 -15, 16, giáo sư Hoàng Xuân Hãn công bố một bản dịch công phu “hồi ký chính trị” Bắc Hành Tùng Ký với chú giải rất rõ ràng về 13 năm trường trong nhiều nhà ngục của Lê Quýnh. Ông được thả ra vì những biến chuyển chính trị tại Trung Hoa (vua Càn Long mất, vua Gia Khánh lên ngôi) và nhất là ngay tại Việt Nam (nhà Tây Sơn bị diệt, nhà Nguyễn thống nhất đất nước) nên có sự đồng tình để cho các tòng vong nhà Lê về nguyên quán.

Khi đối chiếu bản dịch của giáo sư Hoàng Xuân Hãn với bản Hán văn nhan đề Bắc Hành Lược Ký trên Nam Phong số 125 đến 131, chúng tôi thấy bản của Nam Phong phong phú, có những chi tiết rất đáng ghi nhận [mà chúng tôi cho rằng bản Nam Phong gần với bản chính của Lê Quýnh hơn].

Bản của giáo sư Hoàng Xuân Hãn gần giống như bản Hán văn trong Nam Thiên Trung Nghĩa Thực Lục. Qua một số tài liệu Việt Nam cũng như Trung Hoa, Triều Tiên chúng tôi mới sưu tầm được, nhiều phỏng đoán của giáo sư Hoàng Xuân Hãn có thể được điều chỉnh lại cho gần hơn với sự thực. Trong biên khảo này, những đoạn ghi là Bắc Hành Lược Ký là bản dịch chúng tôi thực hiện dựa theo tài liệu đ

0