18/06/2018, 15:52

Nước Nga và dân Nga của Putin

Sa hoàng Putin (ảnh seansrussiablog.org) Hùng Tâm Khi Liên Bang Nga tấn công Georgia năm 2008 hoặc gây ra vụ khủng hoảng về khí đốt vào đầu năm 2009 thì thế giới vẫn chưa mấy quan tâm chú ý. Nhưng từ đầu năm nay, khi vụ khủng hoảng Ukraine bùng nổ với việc Nga thôn tính (hay ...

Sa hoàng Putin (ảnh seansrussiablog.org)

Sa hoàng Putin (ảnh seansrussiablog.org)

Hùng Tâm

Khi Liên Bang Nga tấn công Georgia năm 2008 hoặc gây ra vụ khủng hoảng về khí đốt vào đầu năm 2009 thì thế giới vẫn chưa mấy quan tâm chú ý. Nhưng từ đầu năm nay, khi vụ khủng hoảng Ukraine bùng nổ với việc Nga thôn tính (hay thu hồi, tùy cách nhìn) bán đảo Crimea của xứ này thì nhiều người mới giật mình

Những mâu thuẫn của một quốc gia vĩ đại

Ukraine là quốc gia rộng lớn nhất Âu Châu, diện tích chỉ kém nước Nga và vượt xa nước Ðức, lại ở vào vị trí bản lề hay biên địa giữa nước Nga và Tây phương. Biến cố này được đánh giá là có ảnh hưởng như vụ khủng bố 9-11 tại Hoa Kỳ, vì sẽ làm thay đổi quan hệ toàn cầu, hoặc được so sánh với những vụ đàn áp hay xâm chiếm của Nga, tại Hung Gia Lợi năm 1956, tại Tiệp Khắc năm 1968, tại Afghanistan năm 1979. Nhưng ba lần đó, biến động xảy ra là vào thời Liên Bang Xô Viết, thời cộng sản. Vì sao ngày nay, Liên Bang Nga lại có động thái tương tự khi chủ nghĩa cộng sản đã phá sản và các nước Âu Châu nằm trong quỹ đạo Xô Viết đều đã được giải phóng?

Câu hỏi đó dẫn ta trở về một câu hỏi khác. Vì sao, Nga vẫn có chế độ độc tài bên trong và bành trướng bên ngoài? “Hồ Sơ Người Việt” xin tổng hợp một số dữ kiện địa dư hình thể và chính trị làm bối cảnh giải đáp câu hỏi trên. Ðây chỉ là một phần tóm lược khá cô đọng trong khuôn khổ một bài báo, chứ không thể thay thế được nội dung của cả một cuốn sách.

Lãnh thổ trống trải

Không nói về các yếu tố sắc tộc, văn hóa và lịch sử quá lâu dài, nước Nga như một đế quốc chỉ thật sự xuất hiện giữa thế kỷ 16, dưới (hay nhờ) chế độ Sa hoàng của Ivan IV (Ivan the Terrible, Hung đế Ivan) sau khi đẩy lui ách cai trị của Mông Cổ Thát Ðát. Mông Cổ là sắc tộc Trung Á, thành đế quốc liền lạc và rộng lớn nhất thế giới từ Thành Cát Tư Hãn và con cháu. Thát Ðát hay Tatars là sắc dân Thổ, bị Mông Cổ hóa, nhưng theo Hồi Giáo, tại Crimea, ta còn nghe nói đến sắc dân này.

Ðế quốc Nga manh nha thành hình trước đó, từ khi Ivan III mở về hướng Tây, hoặc chạy khỏi sức ép Mông Cổ từ hướng Ðông, rồi phát triển lên hướng cực Bắc và Ðông Bắc tới rặng Urals.

Tới Hung đế Ivan IV thì Nga mới quay về hướng Ðông, chiếm đóng và khóa chặt đường xâm nhập truyền thống của Mông Cổ rồi bành trướng xuống miền Nam tới biển Caspian và rặng núi Caucasus, chiếm đóng vùng đất của dân Thát Ðát Tatars. Qua những nỗ lực mở mang (hay bành trướng, tùy cách gọi), Ðại công tước đất Muscovy (Moscow) mới lên ngôi thành Sa Hoàng Ivan IV. Chữ sa hoàng hay Tsar là phiên âm từ Caesar, hoàng đế thời đế quốc La Mã.

Từ lịch sử hình thành này, qua vài chi tiết khái quát đó, người ta có thể nhận thấy một đặc tính: Ðế quốc Nga, hay dân Nga nói chung (xin định nghĩa sau), có một lãnh thổ trống trải khó phòng ngự, đã từng bị ngoại bang hay ngoại tộc xâm chiếm nhiều lần.

Ba hướng xâm lăng truyền thống là từ các nước Bắc Âu phía Tây Bắc vào tới St. Peterburg; từ các nước ngày nay gọi là Tây Âu qua bình nguyên có tên là North European Plain (mà nếu dịch thành Bắc Âu thì lại gây hiểu lầm) vào tới Moscow, và từ các thảo nguyên Trung Á ở hướng Ðông Nam, cũng lên tới Moscow.

Hướng thứ nhất (hãy cứ nghĩ đến dân Viking cho đơn giản) giải thích vì sao Nga cứ phải canh chừng biển Baltic và trung lập hóa Phần Lan. Hướng thứ hai, từ Phổ, Pháp, Ðức vào tới Moscow khiến ta không quên – mà nên nhớ – rằng trong ba đại đế của Nga (Ivan, Peter và Catherine) thì bà Catherine là người Phổ. Hướng thứ ba là khi Mông Cổ tiêu diệt xứ Kievan Rus, tiền thân của nước Nga, vào thế kỷ 13.

Vì địa dư hình thể, dân Nga không thể trông chờ vào sự bảo vệ của thiên nhiên hiểm trở như sông, núi, rừng sâu, vực thẳm, biển cả hay sa mạc. Nếu an phận và chủ hòa, họ chỉ mong rằng chướng ngại của thiên nhiên sẽ giảm đà xâm lược, cho chậm lại, mà thôi. Nhưng giới lãnh đạo, từ các sa hoàng, chủ tịch tổng bí thư hay tổng thống thì không an phận như vậy. Muốn tồn tại, họ phải chủ động chinh phục, chiếm đóng và kiểm soát xứ khác để có những vùng trái độn.

Thôn tính để tồn tại

Từ thời Kievan Rus đến các sa hoàng của đế quốc Nga rồi Liên Bang Xô Viết sau này, nước Nga có bản năng bành trướng để tự vệ qua năm hướng. Nếu thấy ra thì ta hiểu được chuyện Liên Xô và Putin đại đế ngày nay.

Thứ nhất là mở mang và xây dựng hậu cứ tại phía Bắc và phía Ðông, trong những vùng giá lạnh khó sống và được rặng núi Urals bảo vệ. Khái niệm “hậu cứ” này có nghĩa là nếu Moscow có bị chiếm đóng (bóng dáng Hoàng Ðế Napoléon của Ðại Pháp) thì họ còn có nơi quật khởi. Dân ta có thể nghĩ đến Hoa Lư Ninh Bình là hậu cứ cho Long Biên hay Thăng Long Hà Nội…

Thứ hai là bành trướng về hướng Nam đến rặng núi Caucasus và hướng Ðông Nam qua các thảo nguyên để ngăn ngừa các đợt tấn công từ Châu Á. Và nếu được thì còn tiến xa hơn nữa, cho tới Trung Á và sa mạc Siberia làm hậu cứ phòng ngự. Vai trò của các nước Cộng Hòa Trung Á hay sáng kiến thành lập Liên Hiệp Quan Thuế Âu-Á của Vladimir Putin nằm trong hướng đó.

Thứ ba là tiến về hướng Tây càng xa càng hay, bao trùm lên bình nguyên Bắc Âu (North European Plain), vượt qua rặng Carpathes tại phía Tây Nam, và khống chế các nước nằm ở vòng ngoài khu vực này, các nước “ngoại biên.” Ðặc tính ấy khiến ta hiểu ra tầm quan trọng của các nước như Ba Lan ở phía Bắc hay Ukraine, Moldovia, Georgia, Armenia ở phía Nam.

Thứ tư là tìm xuống vùng biển nóng, với những hải cảng có thể thông thương ra ngoài để có nguồn lực kinh tế hỗ trợ cho khu vực nội địa trong đại lục. Vị trí của Hắc Hải và bán đảo Crimea có tính chất chiến lược ở lý do đó.

Thứ năm và quan trọng nhất, dù dưới bất cứ tên gọi nào, đế quốc này phải cai trị bằng khủng bố vì trên đà bành trướng để tự vệ thì cũng nuốt vào bụng những sắc tộc khác. Mâu thuẫn căn bản nhất của nước Nga là người dân Nga trở thành sắc tộc thiểu số trên nhiều khu vực bát ngát của lãnh thổ.

Với diện tích là 17 triệu cây số vuông, họ phải sống chung với nhiều sắc dân đã bị thôn tính nên lãnh đạo Nga phải làm thế nào để các sắc dân đó không thể quật khởi hoặc liên kết với các lực lượng thù nghịch trong vùng ngoại biên. Chi tiết này rất quan trọng khi ta nhớ đến mâu thuẫn đang là thời sự giữa người Ukraine nói tiếng Ukraine và người Ukraine nói tiếng Nga, hoặc vị trí của sáu nước Cộng Hòa tự trị theo Hồi Giáo ở giữa Hắc Hải và biển Caspian.

“Hồ Sơ Người Việt” sẽ nói về mâu thuẫn sắc tộc sau, nhưng xin kết thúc phần này với định nghĩa về “dân Nga”: dân da trắng, thuộc sắc tộc Nga La Tư Slav, theo Chính Thống Giáo, và chấp nhận quyền cai trị của thủ đô Moscow. Ðấy là một thiểu số trên đại lục địa Âu Á, từ mỏm Bretagne của Pháp qua bán đảo Sakhalin, hay từ biên giới Ukraine đến Bắc Hàn…

Câu hỏi kế tiếp là vì sao Liên Bang Xô Viết sụp đổ sau 70 năm thực hiện chiến lược bành trướng để phòng thủ như vừa trình bày?

Nguyên nhân sụp đổ của Liên Xô

Không nói về những lý do ý thức hệ hay cách tổ chức kinh tế chính trị kiểu cộng sản (Mác-Lenin cho dễ hiểu), Liên Bang Xô Viết là đế quốc đã sụp đổ chính vì cái hướng bành trướng này.

Sau Thế Chiến II, Liên Xô đã phát triển sức mạnh vào Ðông Âu, lập ra liên minh quân sự (khối Warsaw) làm vùng trái độn và kiểm soát phân nửa Âu Châu trong mục đích xin cứ gọi là phòng thủ cho tử tế. Nhưng nhu cầu về an ninh có cái giá phải trả về kinh tế. Liên Xô tốn kém rất nhiều về quân sự, tiếp liệu, tổ chức hành chánh và tình báo để kiểm soát được một khu vực quá rộng. Cho dù người dân phải thắt lưng buộc bụng, nền kinh tế xã hội chủ nghĩa không thể cung ứng nổi nhu cầu đó.

Cũng vì lao vào chuyện phòng thủ tích cực, quá tích cực nên Liên Xô gây ra mối lo cho Tây Âu khiến Hoa Kỳ nhập cuộc. Dù tổng thống sắp chết là F.D. Roosevelt đã hòa hợp và chia vùng ảnh hưởng với Liên Xô từ hội nghị Yalta (tại bán đảo Crimea!) Hoa Kỳ vẫn không thể không can thiệp và giữ quân tại Tây Ðức, để bảo vệ Tây Âu.

Chiến Tranh Lạnh do Liên Xô gây ra có thể là chiến tranh nóng cho xứ khác (Việt Nam, than ôi), nhưng cũng dẫn tới cuộc thi đua võ trang với nước Mỹ. Kinh tế tập trung kiểu Xô Viết thì thua xa kinh tế tự do kiểu tư bản, lại của Hoa Kỳ, nên Liên Xô hụt hơi mà chết.

Huống hồ, lý do thứ ba, Liên Xô chỉ là cường quốc đại lục không có hệ thống chuyển vận hàng hải mở rộng như Hoa Kỳ. Trong việc giao lưu buôn bán, hàng hóa chuyên chở bằng tàu bè vẫn rẻ nhất và dù có phải bảo vệ thì vẫn là giải pháp kinh tế nhất. Hoa Kỳ có khả năng đó, Liên Xô thì không vì ưu tiên vẫn là phòng thủ, khống chế và khủng bố ở bên trong. Nhu cầu tự vệ đã bó cái nhìn của lãnh đạo.

Lý do thứ tư cũng xuất phát từ ưu tiên của Nga và Liên Xô: vì an ninh quan trọng hơn kinh tế nên kinh tế xã hội chủ nghĩa (đã không cạnh tranh nổi với kinh tế tư bản) lại trở thành công cụ cho cuộc thi đua võ trang. Nhưng phương tiện quý báu nhất của xã hội, từ vật chất đến tinh thần và nhân lực, đều được nhà nước trưng thu để đưa vào bộ máy an ninh và quân sự. Thành phần chuyên gia trí thức có tài hay khôn ngoan nhất đều bị huy động vào lãnh vực công an, tình báo và chiến tranh. Khu vực kinh tế vốn đã yếu kém vì ý thức hệ lại cũng thiếu người tài giỏi.

Về dài thì hệ thống kinh tế quái đản này phải tự sụp đổ lên chính nó. Năm 1989, Liên Xô mất vùng trái độn là các nước Ðông Âu, qua năm sau thì tan rã.

Liên Bang Nga của Putin

Xuất thân từ lãnh vực tình báo, tức là có nhiều thông tin hơn nhiều thành phần khác, Vladimir Putin không thể không suy nghĩ về vận mệnh đất nước trong 10 năm khủng hoảng, từ 1989 đến khi ông được đưa lên cầm quyền vào năm 1999. Lại là người phải thấm nhuần về lịch sử Nga, Putin cũng biết những giới hạn của Liên Xô trên đà bành trướng thật ra ngắn ngủi chỉ có 70 năm.

Liên Bang Nga ngày nay là Liên Xô đã mất hơn phân nửa dân số và một phần tư lãnh thổ. Ngoại trừ khu vực Tây Bá Lợi Á với giá trị kinh tế thật ra quá thấp so với những tốn kém của việc bảo vệ, Liên Bang Nga ngày nay trở lại hình dạng của nước Nga vào thế kỷ 17. Từ khi cầm quyền đến nay, Putin chỉ muốn khôi phục lại những gì Liên Xô đã mất, không để trở về chế độ Xô Viết, nhưng để vãn hồi Ðại Nga, có thể là với phương pháp cộng sản trong một số lãnh vực, nhưng chắc chắn là theo cái hướng khủng bố và độc tài đã nằm trong hệ thống văn hóa chính trị Nga.

Nước Nga ngày nay kiểm soát được vùng Bắc Caucasus mà chưa thật sự tiến sâu vào rặng núi, và hai nước Georgia và Armenia, nên Putin vẫn thấy hở lườn. Nước Nga của ông cũng mất nhiều đầu cầu vào Trung Á nên không nắm vững tình hình miền Nam và Ðông Nam và có thể bị bất ngờ tại đó. Nga còn mất Ukraine và Moldovia nên có thể bị tấn công từ khu vực này, việc chiếm đoạt chỉ là nhu cầu đóng chốt! Ðã vậy, cả khu vực Baltic với ba nước Cộng Hòa Estonia, Latvia và Lithuania đã ra khỏi quỹ đạo Nga lại còn là tiền đồn của Minh Ước NATO! Ngày nay, St. Petersburg của nước Nga muôn thuở, và nơi lập thân của Putin, đang nằm dưới tầm đạn NATO…

Nhưng nước Nga của Putin còn hưởng một di sản cộng sản khác, là người dân không muốn sinh đẻ, chết trẻ vì rượu và môi sinh ô nhiễm, hoặc lưu vong ra ngoài. Và nạn dân số sút giảm sẽ còn tiếp tục, bên cạnh dân số gia tăng của các sắc tộc và tôn giáo khác. Ðấy mới là một mâu thuẫn sinh tử mà chúng ta sẽ tìm hiểu trong một dịp khác.

Kết luận ở đây là gì?

Nếu thế giới ngạc nhiên về chuyện Ukraine ngày nay thì chỉ vì không hiểu hay không nhớ gì về đế quốc Nga và tâm sự của Vladimir Putin. Kinh nghiệm Liên Xô cho thấy chiến lược của Putin không có tương lai vì kinh tế không có khả năng phát triển.

Nguồn bài đăng : nguoi-viet.com

0