Một vài điểm tương đồng và dị biệt phong trào Đông Du Việt Nam và Trung Quốc thời cận đại
Học sinh trong phong trào Đông Du (ảnh tamhoc.com) N GUYỄN VĂN VƯỢNG ( Viện Nghiên cứu Trung Quốc) Có thể thấy rằng, trước sức ép của phương Tây thời cận đại, hầu hết các quốc gia châu á đều thi hành chính sách đóng cửa, đồng thời tiến hành các cuộc cải cách, nhằm canh tân ...
NGUYỄN VĂN VƯỢNG
(Viện Nghiên cứu Trung Quốc)
Có thể thấy rằng, trước sức ép của phương Tây thời cận đại, hầu hết các quốc gia châu á đều thi hành chính sách đóng cửa, đồng thời tiến hành các cuộc cải cách, nhằm canh tân đất nước nhưng đều thất bại, tiêu biểu là Trung Quốc và Việt Nam. Khi sức mạnh dân tộc không đủ để cứu nước, giới trí thức thức thời nhận ra rằng muốn cứu nước thì phải dùng một hệ tư tưởng mới. Trong khi đó, Nhật Bản duy tân cải cách thành công, trở thành tấm gương cho các quốc gia Châu Á học tập. Một dòng di cư rất lớn hướng tới quốc gia trẻ trung Nhật Bản mong muốn học tập với ước vọng “Phú quốc cường binh”, tiêu biểu là hai nước Trung Quốc và Việt Nam mà lịch sử gọi là phong trào Đông du. Trong xu thế hội nhập, mở cửa đang được đặt lên hàng đầu cho mỗi quốc gia, nghiên cứu phong trào Đông du Trung Quốc và Việt Nam thời cận đại sẽ mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực.
I. Vài nét về phong trào đông du
1. Phong trào Đông du Trung Quốc
Năm 1840 nổ ra cuộc chiến tranh thuốc phiện giữa Trung Quốc với liên quân các nước Châu Âu do Anh đứng đầu. Đến ngày 29/8/1842 “Hiệp ước Nam Kinh” được ký kết. Các nước đế quốc buộc Trung Quốc mở 5 cảng khẩu từ Quảng Châu đến Thượng Hải(1). Trung Quốc sau năm 1842 với hiệp ước Nam Kinh phải chấp nhận mở cửa, hay nói cách khác là bị “buộc cổ kéo đi”. Với thái độ cam chịu, bị động, bảo thủ không nhận thức hết mình, đến ngay cả khát vọng của giai cấp phong kiến có nhận thức “Sư Dương Di trường kỹ dĩ chế Di”(2) cũng không làm được.
Cuộc đọ sức giữa Nhật Bản với Trung Quốc Mãn Thanh trong chiến tranh Giáp Ngọ (1894 – 1895), Nhật Bản với chiến thắng đó đã làm cho người Trung Quốc khâm phục. Với sức cuốn hút của Nhật Bản bằng khẩu hiệu “Học phương Tây, đuổi kịp phương Tây, vượt phương Tây”(3), người Trung Quốc đã ồ ạt sang Nhật Bản du học để mong muốn tự cường dân tộc, noi gương Nhật Bản.
Phong trào Đông du Trung Quốc thời cận đại kéo dài từ năm 1896 – 1911, số lượng người Trung Quốc yêu nước sang Nhật Bản du học là rất đông, trong đó lưu học sinh Đông du chiếm số lượng đông nhất. Tính riêng từ năm 1896 – 1911 đã có tới hàng vạn người Trung Quốc sang Nhật Bản(4). Phong trào diễn ra với nội dung đa dạng, phong phú.
Đông du Trung Quốc là phong trào yêu nước thời cận đại. Tác động đến bước phát triển của phong trào yêu nước, cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX. Củng cố tinh thần ái quốc, đấu tranh chống đế quốc – phong kiến, tạo nên nhiều phong trào vận động chính trị, xã hội, văn hóa sôi nổi khắp đất nước Trung Hoa.Việc đưa thanh niên sang Nhật Bản để học tập là nền tảng để duy tân, đổi mới đất nước, tạo điều kiện cho Trung Quốc nhanh chóng tiếp cận với khoa học kỹ thuật phương Tây và trào lưu của thời đại. Thông qua phong trào Đông du, nền kinh tế Tư bản chủ nghĩa một phần được du nhập vào Trung Quốc, kích thích cho sự phát triển chủ nghĩa Tư bản ở Trung Quốc. Phong trào Đông du Trung Quốc cắm mốc cho thời kỳ Trung Quốc mở rộng hoạt động ra bên ngoài, là thời kỳ vận động cách mạng ở hải ngoại, là một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cuộc cách mạng Tân Hợi năm 1911. Trung Quốc có mối giao lưu, quan hệ mật thiết với các nước Châu Á như ấn Độ, Philippin, Việt Nam, Triều Tiên… Đồng thời, Đông du Trung Quốc là một “hiện tượng lịch sử đảo chiều trong quan hệ giao lưu văn hoá Trung – Nhật thời cận đại”(5).
2. Phong trào Đông du Việt Nam
Cũng như phong trào Đông du Trung Quốc(6), phong trào Đông du Việt Nam cho tới nay cũng có nhiều quan điểm khác nhau tranh luận về thời gian bắt đầu và kết thúc. Có quan điểm cho rằng, phong trào Đông du thời gian được tính từ tháng 2/1905 khi Phan Bội Châu, Tăng Bạt Hổ, Đặng Tử Kính lên đường sang Nhật(7). Một số ý kiến nhận định phong trào Đông du Việt Nam chỉ được bắt đầu khi Phan Bội Châu đưa lớp thanh niên Việt Nam đầu tiên sang Nhật học vào khoảng tháng 6/1905. Có nhà nghiên cứu lại chia phong trào Đông du làm hai giai đoạn là “Đông du cầu viện quân sự” và “Đông du cầu học”(8).
Về thời điểm kết thúc phong trào Đông du Việt Nam, xuất hiện hai quan điểm khác nhau: Quan điểm cho rằng: phong trào Đông du Việt Nam kết thúc vào tháng 10 – 1908 khi Phan Bội Châu bị trục xuất khỏi Nhật Bản do chính phủ Nhật bắt tay với Pháp, ký hiệp ước vào năm 1907(9). Còn theo Shiraishi Masaya với những tài liệu tương đối phong phú và đa dạng bằng tiếng Việt, tiếng Trung, tiếng Pháp, tiếng Nhật, ông đã chỉ ra rằng, phong trào Đông du Việt Nam kết thúc vào năm 1909, đánh dấu bằng việc “Bộ Nội Vụ và Sở cảnh sát bắt đầu theo dõi các sinh viên Việt Nam tại Tokyo là đầu năm 1909, chứ không phải là mùa thu 1908”(10).
Theo quan điểm của chúng tôi, chúng tôi đồng ý với ý kiến lấy mốc tháng 2/1905 là thời điểm bắt đầu của phong trào Đông du Việt Nam. Còn về thời điểm kết thúc của phong trào, chúng tôi nghiêng về ý kiến là năm 1909, bởi vì đây là mốc được nhiều người chấp nhận, cũng là một quan điểm mới, hơn nữa chúng tôi tin tưởng vào những nghiên cứu của Shiraishi với những nguồn tài liệu phong phú ở nước ngoài.
Phong trào Đông du Việt Nam diễn ra từ năm 1905 – 1909 đã lôi kéo được khoảng 200 lưu học sinh Việt Nam sang Nhật, trong đó học sinh Nam kỳ hơn 100, học sinh Trung kỳ ước 50, học sinh Bắc kỳ ước 40 người(11).
Phong trào Đông du Việt Nam thực chất là phong trào yêu nước, phong trào chính trị, một hiện tượng lịch sử mong muốn bắt nhịp theo triền sóng của thời đại, thể hiện một nhận thức đúng quy luật lịch sử. Phong trào Đông du là một trường học đào tạo và rèn luyện các mạng cho thanh niên Việt Nam ở Nhật Bản đầu thế kỷ XX. Riêng Phan Bội Châu, người trực tiếp lãnh đạo và tổ chức phong trào được tôn là “nhà cách mạng có tư tưởng canh tân lớn nhất của Việt Nam đầu thế kỷ XX”(12). Với những hoạt động của cụ và phong trào Đông du, đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm cho phong trào cách mạng Việt Nam những năm tiếp theo.
II. Một số điểm tương đồng và dị biệt cơ bản của phong trào Đông du Trung Quốc và Việt Nam
1. Một số điểm tương đồng
1.1. Về thời điểm lịch sử
Phong trào Đông du Trung Quốc và Việt Nam diễn ra vào cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX, khi hầu hết các cuộc đấu tranh của cả hai dân tộc đều thất bại.
ở Trung Quốc, sau khi các nước tư bản mở cửa vào năm 1840 bằng cuộc chiến tranh Nha phiến thì phong trào đấu tranh yêu nước cũng bắt đầu. Phong trào Thái Bình Thiên Quốc thất bại, đánh dấu sự thất bại của phong trào cứu nước theo đường lối của giai cấp nông dân, phong trào Dương Vụ thất bại đánh dấu sự thất bại của con đường cứu nước theo tư tưởng phong kiến, chính biến Mậu Tuất cũng bị đàn áp. Các nước đế quốc âm mưu chia cắt Trung Quốc, nguy cơ Trung Quốc trở thành một nước phụ thuộc.
ở Việt Nam, sau hiệp ước 1862, 1874, 1883, 1884, Việt Nam dần dần trở thành một nước thuộc địa. Phong trào đấu tranh của nhân dân Việt Nam cũng lần lượt thất bại.
Vậy là, cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX cả Việt Nam và Trung Quốc đều đặt ra câu hỏi lịch sử là phải có một đường lối cứu nước mới, tư tưởng mới. Phong trào Đông du diễn ra khi nguy cơ dân tộc đang đến gần mà những người yêu nước đã sớm nhận ra. Phong trào Đông du Trung Quốc, Việt Nam như một hiện tượng lịch sử xã hội vào cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX, phản ánh nhu cầu cận đại hoá của các quốc gia Châu Á, cũng là câu trả lời của lịch sử khi phong trào cách mạng trong nước bế tắc.
1.2. Phong trào Đông du Trung Quốc, Việt Nam đều chọn điểm đến là Nhật Bản
Các nhà chính khách của cả hai nước đã đều tìm đến Nhật Bản để cầu viện trợ, cầu học, và một thời, họ đã gặp nhau tại Tokyo, tạo nên một cộng đồng những người “đồng bệnh” ở Châu Á. Tại đây, quan hệ cách mạng giữa Việt Nam, Trung Quốc và các nước châu á trở nên gắn bó, thắm tình hữu nghị.
Công cuộc Duy Tân Nhật Bản đã hấp dẫn những nhân vật trí thức có uy tín, các nhà cải cách, tầng lớp thanh niên mà còn có sức hút lôi kéo cả thành phần rất đông đảo những người làm kinh tế đến Nhật để học, để kinh doanh quản lý. Trong “nhật ký Đông du”, được trực tiếp chứng kiến đất nước Nhật Bản Duy Tân, Hoàng Khánh Trừng với tư cách là một nhà kinh tế đã có nhận xét: “Nhật Bản sau Duy Tân đã thực hiện hiện đại hóa. Học theo phương Tây: Cải chế, Tân chính, có quyết tâm, có nhiệt huyết cháy bỏng. Phải có tinh thần quyết tâm đi tới mới Duy Tân thành công. Nếu bảo thủ do dự nhất định bị thất bại”(13).
Theo Phan Bội Châu, Trung Quốc là “nước già nua, họ cứu mình không xong, sức đâu mà cứu thiên hạ, chỉ có Nhật Bản là giống da vàng, lại là nước tiên tiến”(14), và ông khẳng định sang Nhật Bản là hơn cả. Trong lá thư gửi cho chính khách Nhật Bản là Bá tước Ô Kuma Shigenobu tháng 6 – 1905, Phan Bội Châu đã coi Nhật Bản là một cường quốc lớn trên thế giới. “Châu á là một châu lục lớn nhất trong năm châu, đế quốc Nhật Bản là người đứng đầu ở châu á”, đặc biệt ông rất tin tưởng ở Nhật vì một nước đồng chủng, đồng văn. Chính vì vậy ông tin tưởng “Nhật Bản không thể thờ ơ ngồi nhìn các nước Đông Á như Miến Điện, Việt Nam bị Pháp tuỳ ý xâm đạt được”(15). Theo chúng tôi thì Phan Bội Châu đã biết được tương lai của Nhật Bản sẽ trở thành một nước bá chủ Châu á và ý đồ bành trướng của Nhật Bản trước khi sang Nhật Bản. Mục đích của Phan Bội Châu là “Nhật Bản sẽ bá chủ Châu á”, vậy thì họ giúp ta để trước bớt khí lực của Châu Âu cũng có lợi cho họ vậy”(16).
Ban đầu, phong trào cách mạng Việt Nam ít có quan hệ với các bên ngoài. Mối quan hệ chính thức khi cả Việt Nam và Trung Quốc gặp nhau trên đất Nhật Bản. Ngay trên mảnh đất này, Phan Bội Châu và các đồng chí của ông đã có mối quan hệ giao lưu với Lương Khải Siêu, Tôn Trung Sơn… Chính Phan Bội Châu cũng đã thừa nhận rằng “tôi vì ăn ở với người Trung Quốc đã quá lâu ngày, nên khiến cho tôi tưởng tôi cũng ngấm ngầm xoay về dân chủ”(17). Cũng ngay trên đất Nhật, Phan Bội Châu đã trở thành một trong những thành viên sáng lập và tham gia hoạt động tích cực ở hai tổ chức “Đông á Đồng Văn Hội” và “Điền – Quế – Việt liên minh”.
1.3. Phong trào Đông du Trung Quốc, Việt Nam thực chất đều là phong trào yêu nước, những bộ phận lãnh đạo và tham gia phong trào này đều là những người trí thức, tiên tiến của xã hội, đã lãnh đạo một bộ phận đông đảo thanh niên trong xã hội tham gia hưởng ứng. Những người trí thức Việt Nam, Trung Quốc đều nhận thấy rằng, muốn đánh được tư bản thì phải học tập phương Tây. Việt Nam vốn có truyền thống chống ngoại xâm, Việt Nam luôn học kẻ thù để chống lại kẻ thù. Đối với người Trung Quốc, họ cũng nhận thấy sự thua kém của mình. Theo họ thì không có lực lượng nào quan trọng hơn là lớp thanh niên. Đây là động lực chính của xã hội cần phải rèn luyện và xây đắp.
2. Một số điểm dị biệt
2.1. Phong trào Đông du Trung Quốc, Việt Nam khác nhau về tính công khai hay mặt bí mật của từng nước. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến kết quả của phong trào Đông du hai nước
Đối với phong trào Đông du Trung Quốc, vào thời điểm lúc bấy giờ, người Trung Quốc được tự do đi ra nước ngoài, thanh niên đi du học rất thuận tiện. Ngoài ra, chính quyền nhà Thanh đã tài trợ cho rất nhiều thanh niên đi du học, vì vậy phong trào Đông du phát triển mạnh mẽ và lâu dài. Chính phủ hai nước Nhật – Trung cũng đã ký hiệp ước về vấn đề này, học sinh Trung Quốc được hỗ trợ, ủng hộ hiệt tình từ phía Nhật Bản. Phong trào Đông du Trung Quốc nhận được sự giúp đỡ của Nhật Bản trên cương vị quốc gia, nhà nước.
Phong trào Đông du Việt Nam tiến hành trong hoàn cảnh bí mật, nguồn tài chính rất khó khăn. Nhiều học sinh Việt Nam đã phải cải trang để được vào học. Mặt khác cũng cần thấy rằng, sự giúp đỡ từ phía Nhật Bản đối với Việt Nam chủ yếu dựa trên cương vị cá nhân. Vì vậy khi thực dân Pháp biết được và cấu kết với Nhật Bản thì phong trào nhanh chóng thất bại: Pháp đồng ý cho Nhật Bản vào buôn bán ở Việt Nam, còn Nhật thì cam đoan không cho các nhà yêu nước Việt Nam trú ngụ và hoạt động trên đất Nhật(18).
2.2. Phong trào Đông du Trung Quốc, về thời gian, qui mô và số lượng, tính chất đa dạng phong phú hơn Việt Nam rất nhiều
Phong trào Đông du Việt Nam muộn hơn phong trào Đông du Trung Quốc, thời gian lại ngắn hơn.
Về nội dung, phong trào Đông du Trung Quốc diễn ra ở hầu hết các mặt của đời sống xã hội như chính trị, văn hoá, xã hội, kinh tế, quân sự… còn phong trào Đông du Việt Nam theo chúng tôi, kể từ khi sang Nhật Bản đến khi về nước thì Phan Bội Châu vẫn trung thành với một mục đích lớn nhất là cầu viện về quân sự. Mục tiêu ban đầu của Đông du Việt Nam gần giống với phong trào Dương vụ của Trung Quốc trước đó. Phong trào Dương vụ Trung Quốc phủ nhận tất cả, mà chỉ chú trọng về khoa học – kỹ thuật – quân sự của phương Tây. Mục tiêu ban đầu của phong trào Đông du Việt Nam là cầu viện về quân sự, nhưng ngay cả đến khi đưa thanh niên sang du học thì ý tưởng học thiên về quân sự vẫn là tư tưởng chủ đạo trong Phan Bội Châu: “Các nhà học đường tư lập, chương trình thủ tục không thể nào bằng trường học công, không có khoa luyện tập quân sự tức là trái với mục đích cầu học của bọn ta”(19).
Nhiệm vụ trước mắt của phong trào Đông du hai nước cũng khác nhau. Trung Quốc học tập Nhật Bản để duy trì đất nước. Việt Nam Đông du là nhằm giành quyền tự chủ, độc lập dân tộc.
2.3. Sự khác nhau về tư tưởng giữa Phan Bội Châu và Lương Khải Siêu
Có thể thấy rằng, Phan Bội Châu đã bị ảnh hưởng rất lớn bởi tư tưởng cách mạng của Lương Khải Siêu và Tôn Trung Sơn. Tuy nhiên Phan Bội Châu vẫn có những suy nghĩ độc lập. Sự khác nhau về tư tưởng giữa Phan Bội Châu và các nhà cách mạng Trung Quốc đã được nhiều người bàn tới, ở đây xin đề cập đến các cuộc tiếp xúc giữa Phan Bội Châu với Lương Khải Siêu và Tôn Trung Sơn để thấy sự khác nhau về vấn đề đoàn kết và vấn đề dân tộc.
Cả Lương Khải Siêu và Tôn Trung Sơn trong các cuộc tiếp xúc với Phan đều có ý định khuyên Phan Bội Châu nên liên kết với cách mạng Trung Quốc trước, sau khi cách mạng Trung Quốc thắng lợi thì quay trở lại ủng hộ cho cách mạng Việt Nam. Nhưng Phan Bội Châu kiên quyết vì mục tiêu độc lập, chống Pháp.
Trong cuộc tiếp xúc với Phan Bội Châu, Lương Khải Siêu đã khuyên Phan Bội Châu nên: “Nằm gai nếm đắng, chứa giận thời cơ, một mai nước tôi mạnh hùng, tất phải đối ngoại tuyên chiến mà tiếng súng phát lần thứ nhất, tất nhiên là đối với Pháp, bởi vì quý quốc liên tiếp với nước tôi”(20): Phan Bội Châu tiếp thu ý kiến của Lương Khải Siêu, nhưng mục đích sang Nhật của ông và các đồng chí không phải là nằm chờ đợi thời cơ mà phải hành động để tự cứu mình. Phan Bội Châu đã phải thốt lên rằng: “nằm yên để làm gì, đợi thời cơ đến thủa nào”(21).
Trong cuộc tiếp xúc giữa Tôn Trung Sơn và Phan Bội Châu, Tôn Trung Sơn cũng khuyên Phan Bội Châu nên lấy Đảng nhân Việt Nam gia nhập Trung Quốc cách mạng đảng. Hễ đến lúc Trung Quốc cách mạng Đảng thành công, thì đem toàn lực kéo dắt hết các nước bị đô hộ ở Châu Á đồng thời được độc lập, mà bước thứ nhất là viện trợ cho Việt Nam. Nhưng Phan Bội Châu lại cho rằng: Ông thừa nhận Dân chủ cộng hoà là hoàn mỹ mà chủ ý lại muốn Trung Quốc cách mạng Đảng, trước trợ giúp cho Việt Nam, lúc Việt Nam độc lập rồi, thì xin lấy Bắc Kỳ cho Đảng cách mạng Trung Quốc làm căn cứ địa, sẽ tiến thẳng vào Lưỡng Quảng mà lấy Trung Nguyên. Hai người hẹn nhau lần sau gặp mặt, nhưng cuộc gặp lần thứ hai cũng không có kết quả.
Về vấn đề dân tộc giữa Phan Bội Châu và Lương Khải Siêu cũng có điểm khác nhau.
Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu thì không hề bàn đến dân tộc. Tôn chỉ của các ông là “Mãn Hán bất phân, quân dân đại đồng”. Xuất phát từ tư tưởng đó, các ông chủ trương bảo vệ chủng tộc, liên hiệp các dân tộc da vàng chống sự xâm lược của người da trắng, đối nội thì mưu đồ liên hiệp hai dân tộc Mãn – Hán. Ai cũng biết chế độ Mãn Thanh là chế độ thống trị của một dị tộc, cũng như nhà Kim, nhà Nguyên trước kia. Muốn thức tỉnh tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc, đáng lý phải hô hào “bài Mãn”, là kẻ đã thống trị Trung Quốc trên ba thế kỷ nay, và đang là trở ngại lớn trên con đường tiến bộ. Quân dân đồng trị tức là chủ trương quân chủ lập hiến, tức là “bảo Mãn” – bảo vệ sự tồn tại của Mãn Thanh.
ở Việt Nam khác hẳn, các tư tưởng duy tân của Trung Quốc nhập vào Việt Nam thì liền chứa một nội dung cách mạng. Đối tượng của cuộc đấu tranh là thực dân Pháp và Nam Triều, lực lượng cách mạng là toàn thể nhân dân. Phan Bội Châu đưa vấn đề dân tộc lên hàng đầu, xác định đúng kẻ thù của dân tộc là thực dân Pháp, Ông chủ trương là “tìm mọi cách giành độc lập về tay nước Nam”(22).
2.4. Về công tác tuyên truyền, cổ động cho phong trào Đông du
Trong phong trào cổ động thanh niên du học, các nhà Duy tân Trung Quốc thiên về lý thuyết, có khi thiên về tư biện, đi sâu vào những vấn đề rất trừu tượng, như thuyết “Đại đồng” của Khang Hữu Vi, thuyết “nhân học” của Đàm Tự Đồng. Hoặc đi sâu vào các vấn đề rất cụ thể về chính trị hay kinh tế: các loại hiến pháp, tiền tệ, quốc trái, ngoại quốc đầu tư,… ở trong các bài chích luận của Lương Khải Siêu. Khi muốn khích động lòng yêu nước và cổ vũ phong tào du học, họ nói những điều chung chung như: “Ưu thắng liệt bại”, “cạnh tranh sinh tồn”… Khi muốn nêu gương nhân vật yêu nước, họ chọn những nhân vật rất xa xôi như Gian đa, Pie đại đế, Oasintơn, Napoleong… mà ít chọn những nhân vật Trung Quốc đã từng chống xâm lăng, chống đế quốc Anh, Pháp, Nhật, Nga… Nếu có chọn nhân vật Trung Quốc thì họ chọn những nhân vật từng đem quân đi xâm lược nước ngoài như Trương Bá Vọng, Ban Đĩnh Viễn…
Các nhà Đông du Việt Nam ít bàn về lý luận, các cụ thiên về chuyện trước mắt là kêu gọi lòng yêu nước chống Pháp. Nhấn mạnh nỗi tủi nhục của nhân dân trước thảm hoạ diệt vong. Tiêu biểu là Việt Nam vong quốc sử, Việt Nam quốc sử khảo, Khuyến quốc dân tư trợ học văn, Ai Việt điếu điền, Hải ngoại Huyết lệ tài thư, Lưu cầu huyết lệ tân thư, Việt Nam nghĩa liệt sử… bằng những lời lẽ thống thiết, hướng tới quần chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Trong việc chọn lựa thanh niên, với phong trào Đông du Việt Nam, tiêu chuẩn lựa chọn xuất dương không chỉ là “thông minh, hiếu học” mà còn phải “chịu gian khổ, quen khó nhọc, quyết gan bền chí, không bao giờ thay đổi”, “nhẫn khổ nại lao” hoặc là “cừu gia đệ tử”, nghĩa là con em những nhà bị Pháp sát hại. Còn thanh niên Trung Quốc được cử đi học Nhật Bản lại chủ yếu là con nhà giàu, hoặc con em tầng lớp quan lại địa chủ.
Tóm lại, Đông du Trung Quốc, Việt Nam là một phong trào yêu nước cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX. Thực chất của phong trào Đông du Trung Quốc và Việt Nam là khát vọng chuyển mình hội lưu thời đại. Dưới sự ảnh hưởng của Nhật Bản và Trung Quốc, xuất phát từ nhu cầu nội tại trong xã hội, phong trào Đông du Việt Nam tạo nên một cuộc vận động cách mạng lớn đầu thế kỷ XX. Tuy thất bại, nhưng phong trào Đông du Việt Nam đã trở thành một tiếng chuông thức tỉnh dân tộc trước nguy cơ ngoại bang, đánh dấu mốc mở rộng quan hệ giữa cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới. Thông qua phong trào Đông du Trung Quốc và Việt Nam, ta rút ra được một số điểm tương đồng và dị biệt của phong trào Đông du hai nước. Những điểm tương đồng xuất phát từ nhu cầu tất yếu của hoàn cảnh lịch sử Châu Á thời cận đại. Những điểm dị biệt phụ thuộc vào điều kiện lịch sử cụ thể của mỗi nước. Tuy có sự khác biệt, nhưng ngay trên mảnh đất Nhật Bản, mối quan hệ thắm thiết, nhuộm đẫm tình cảm hữu nghị giữa hai nước Việt – Trung cũng như Việt Nam – Nhật Bản – Trung Quốc và Châu Á.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Cung Thư Đạc, Phương Du Hàm (1993), Trung Quốc cận đại sử cương, Nxb Đại học Bắc Kinh.
2. Đặng Tiểu Bình (1984), Xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, Nxb Nhân dân.
3. Vĩnh Sính (1990), Nhật Bản cận đại, Nxb Văn hoá tùng thư.
4. Nguyễn Văn Hồng (2006), “Đông du Trung Quốc – Việt Nam” một hiện tượng lịch sử khu vực thời cận đại, Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc (số 1).
6. Nguyễn Văn Vượng (2008), Các ngả đường của phong trào Đông du Trung Quốc thời cận đại, Tạp chí Nghiên cứu Trung quốc (số5).
7. Đinh Xuân Lâm (chủ biên) (2003), Đại cương lịch sử Việt Nam, t2, Nxb Giáo dục.
8. Chương Thâu (2005), Phan Bội Châu và sự lựa chọn con đường Đông du, trích “Việt Nam – 100 năm phong trào Đông du và hợp tác Việt – Nhật để bảo tồn và phát triển di sản văn hóa Huế”, Huế.
10. Shiraishi Masaya (2000), Phong trào dân tộc Việt Nam và quan hệ của nó với Nhật Bản và Châu Á. Tư tưởng của Phan Bội Châu về cách mạng và thế giới, t1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
11. Phan Bội Châu, Toàn tập (2000), t6, Niên Biểu, Nxb Thuận Hóa Trung tâm văn hoá ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội.
13. Hoàng Khánh Trừng, Đông du Nhật ký, Theo Vương Hiểu Thu (1987), Cận đại Trung – Nhật khởi thị lục, Bắc Kinh.
14. Tài liệu lưu trữ tại Viện Sử liệu ngoại giao, Bộ ngoại giao Nhật Bản, dẫn theo Nguyễn Trọng Vận, Nhật Bản trong nhận thức của Phan Bội Châu, trích Việt Nam – 100 năm phong trào Đông du…, Sđd.
CHÚ THÍCH:
(1) Cung Thư Đạc, Phương Du Hàm (1993), Trung Quốc cận đại sử cương, Nxb Đại học Bắc Kinh, tr.25.
(2) Đặng Tiểu Bình (1984), Xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, Nxb Nhân dân, tr.54,67.
(3) Vĩnh Sính(1990), Nhật Bản cận đại, Nxb Văn hoá tùng thư, tr 109.
(4) Nguyễn Văn Hồng (2006), “Đông du Trung Quốc – Việt Nam” một hiện tượng lịch sử khu vực thời cận đại, Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc (số 1), tr 41.
(5)Nguyễn Văn Hồng (2006), “Đông du Trung Quốc – Việt Nam” một hiện tượng lịch sử khu vực thời cận đại, Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc (số 1), tr 39.
(6) Xem thêm Nguyễn Văn Vượng (2008), Các ngả đường của phong trào Đông du Trung Quốc thời cận đại, Tạp chí nghiên cứu Trung quốc, (số5), tr 71 – 80.
(7) Đinh Xuân Lâm (chủ biên) (2003), Đại cương lịch sử Việt Nam, t2, Nxb Giáo dục, tr 137.
(8) Chương Thâu (2005), Phan Bội Châu và sự lựa chọn con đường Đông du, trích “Việt Nam – 100 năm phong trào Đông du và hợp tác Việt – Nhật để bảo tồn và phát triển di sản văn hóa Huế”, Huế, tr 34.
(9) Đinh Xuân Lâm (chủ biên) (2003), Đại cương lịch sử Việt Nam, t2, Sđd, tr 146.
(10) Shiraishi Masaya (2000), Phong trào dân tộc Việt Nam và quan hệ của nó với Nhật Bản và Châu Á. Tư tưởng của Phan Bội Châu về cách mạng và thế giới, t1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr 44.
(11) Phan Bội Châu, Toàn tập (2000), t6, Niên Biểu, Nxb Thuận Hóa Trung tâm văn hoá ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, tr 146.
(12) Chương Thâu (2005), Phan Bội Châu và sự lựa chọn con đường Đông du, trích “Việt Nam – 100 năm phong trào Đông du và hợp tác Việt – Nhật ở bảo tồn và phát triển di sản văn hóa Huế”, Huế, tr 38.
(13)Hoàng Khánh Trừng, Đông du Nhật ký, Theo Vương Hiểu Thu (1987), Cận đại Trung – Nhật khởi thị lục, Bắc Kinh, tr 237 – 238.
(14)Tài liệu lưu trữ tại Viện Sử liệu ngoại giao, Bộ ngoại giao Nhật Bản, dẫn theo Nguyễn Trọng Vận, Nhật Bản trong nhận thức của Phan Bội Châu, trích Việt Nam – 100 năm phong trào Đông du…, Sđd, tr 40.
(15) Phan Bội Châu, Toàn tập (2000), t6, Sđd, tr 28.
(16) Phan Bội Châu, Toàn tập (2000), t6, Sđd, tr 116.
(17) Phan Bội Châu, Toàn tập (2000), t6, Sđd, tr 169.
(18) Phong trào Đông du và Phan Bội Châu (Kỷ yếu hội thảo khoa học), (2005), Nxb Nghệ An, tr 12.
(19) Phan Bội Châu, Toàn tập (2000), t6, Sđd, tr 176.
(20) Phan Bội Châu, Toàn tập (2000), t6, Sđd, tr 35.
(21) Phan Bội Châu, Toàn tập (2000), t1, Tự Ngữ, Sđd, tr 152.
(22) Phan Bội Châu, Toàn tập (2000), t6, Sđd, tr 35.
Nguồn : Viện nghiên cứu Đông Bắc Á