18/06/2018, 15:52

Cường quốc Châu Âu tranh giành quyền lợi tại Trung Quốc ( nhà Thanh)

Ký điều ước tại Thiên Tân năm 1858 Sau điều ước Nam Kinh [1842] liệt cường tiếp tục gây hấn và giành quyền lợi tại Trung Quốc Hồ Bạch Thảo I. Các nước Tây phương tay nắm tay yêu sách 1. Thái độ của vua Hàm Phong đối với ngoại quốc Vua Hàm Phong [1831-1861] ...

dieu_uoc_thien_tan

Ký điều ước tại Thiên Tân năm 1858

Sau điều ước Nam Kinh [1842] liệt cường tiếp tục gây hấn và giành quyền lợi tại Trung Quốc 

Hồ Bạch Thảo

I. Các nước Tây phương tay nắm tay yêu sách

1. Thái độ của vua Hàm Phong đối với ngoại quốc

Vua Hàm Phong [1831-1861]

Vua Hàm Phong [1831-1861]

Qua điều ước Nam Kinh [1842] nhường cho Anh 5 cảng khẩu buôn bán, người Anh cho cảng khẩu là thành thị, nên đòi hỏi vào thành. Tại Thượng Hải [Shanghai, Giang Tô], Ninh Ba [Ninhbo, Chiết Giang] không gặp khó khăn ; Phúc Châu [Fuzhow, Phúc Kiến], Hạ Môn [Xiamen, Phúc Kiến] có mâu thuẫn nhỏ ; riêng Quảng Châu [Guangzhou, Quảng Đông] thì dân kiên cường cự tuyệt, dán biểu ngữ chống lại, doạ cướp 13 Dương hàng ; nên người Anh đành bỏ. Năm 1848 Tổng đốc và Tuần phủ tại Quảng Ðông bị đổi, chứng tỏ chính sách đối ngoại của nhà Thanh đã thay đổi. Công sứ Anh kiêm Tổng đốc Hương Cảng S.J. Bonham [Văn Hàn] bãi bàn định việc vào thành Quảng Châu [Guangzhou], thấy được đường lối cương ngạnh có hiệu quả. Năm 1850 vua Ðạo Quang mất, Hàm Phong 20 tuổi lên nối ngôi, ý khí sung mãn ; lúc này người Anh cũng chưa bỏ lập trường, muốn đến thẳng Bắc Kinh giao thiệp. Tháng 4, S.J. Bonham đến Thượng Hải gửi thư kháng nghị, cùng với văn thư chiếu hội của Ngoại trưởng H.J.T. Palmerton [Ba Mạch Tôn], và tuyên bố sẽ lên Thiên Tân [Tianjin, Hà Bắc]. Tổng đốc Lưỡng Giang sợ Bonham lên phía bắc, nên đành miễn cưỡng thu nhận.

Ngoài thư kháng nghị và chiếu hội, Bonham còn gửi văn thư cho Quân cơ đại thần Mục A Chương và Thượng thư bộ Lễ, Kỳ Anh. Trong chiếu hội, Ngoại trưởng H.J.T Palmerton chỉ trích Tổng đốc Lưỡng Quảng vô lễ, không xứng chức ; nước Anh sẽ cử một viên chức lớn đến Bắc Kinh bàn bạc. Kháng nghị của Bonham đề cập đến việc vào thành Quảng Châu, cùng việc dân Quảng Ðông chống đối người Anh. Hàm Phong sai thuộc hạ trả lời rằng việc vào thành trước kia đã bãi bàn nghị, nay không còn truy cứu thêm nữa ; còn việc đến kinh đô thì theo lệ bác bỏ, và bảo Bonham hãy trở về Quảng Ðông gấp. Ngày 30/5 đại biểu của Bonham đến cửa khẩu Thiên Tân, chờ đến 10 ngày, nhưng việc không thành.

Chuyến đi của S.J. Bonham thất bại, nội bộ Trung Quốc càng tăng thêm không khí chống Anh. Dụ vua lại ra lệnh nghiêm phòng duyên hải, mệnh Tổng đốc Lưỡng Quảng Từ Quảng Tấn, Tuần phủ Diệp Danh Sâm trong trường hợp người Anh yêu cầu không được đáp ứng, có thể chúng dùng binh thuyền quấy nhiễu, thì hãy tìm cách khống chế trước. Lúc này các nơi trong nước rầm rộ tố cáo Di họa, không thể dựa vào chính sách hòa hoãn, phòng chống Di là nhiệm vụ cấp bách. Cựu Tổng đốc Hồ Quảng Chu Thiên Tước trình bày số tiền mất vì nhập nha phiến còn quá tiền thuế gấp bội ; nơi cửa khẩu là hang ổ của dân gian manh. Từ Quảng Tấn cho rằng quân Anh bất quá vài ngàn tên, quyết không thể địch được dân trăm họ hàng ức vạn người ; lại còn vì lợi ích buôn bán, người Anh không thể khinh suất chiến đấu lâu, “ Nếu ta kiên cường ở thế không dao động, bọn chúng đưa hết mọi kỹ năng mà không làm gì được, thì chúng không thể không đổi ý. ” Vua Hàm Phong phê rằng “ Lời tâu chi tiết rất đúng.”

Lúc Hàm Phong mới lên ngôi, xuống chiếu cầu nhân tài và khuyến khích góp ý. Ðại học sĩ Phan Thế Ân xin triệu dùng Lâm Tắc Từ, Ngự sử cũng tâu người Anh kính sợ Lâm, nay nếu “ hiệp lực chuyên lo về Di…  thì bọn Di Anh sẽ tan rã ” . Rồi mệnh vua ban, triệu Lâm về kinh để dùng. Lâm từ năm 1845 được phóng thích từ Y Lê [Yili, Tân Cương] trở về, trước sau giữ chức Tổng đốc Thiểm Tây [Shaanxi] Cam Túc [Gansu] ; Tuần phủ Thiểm Tây, Tổng đốc Vân Quý. Năm 1849 bị bệnh xin về hưu, đến nay bệnh vẫn chưa giảm, nên chưa đi ngay được. Cuối cùng thì Lâm không xuất chính, nhưng qua việc này cũng thấy được khuynh hướng xã hội và thái độ của vua Hàm Phong đối với ngoại bang.

Cũng cần lưu ý thêm, hai Ðại thần nổi tiếng chủ hòa là Kỳ Anh và Mục A Chương, từng được Công sứ Anh, S.J. Bonham, đích thân gửi thư ; bị phái cứng rắn cho rằng có quan hệ riêng với người Anh. Riêng vua Hàm Phong đích thân phê phán hai người, Kỳ Anh “ ức hiếp dân, cung phụng Di ”, cả hai đều “ di hại quốc gia, xét tội như nhau ” ; rồi Mục Chương A bị cách chức, vĩnh viễn không dùng ; riêng Kỳ Anh bị giáng xuống hàm ngũ phẩm. Từ đó phái chủ trương chiêu phủ vỗ về Tây dương, tại các địa phương hoặc trong triều, đều bị thất thế.

2. Tham vọng của Anh, Mỹ, Pháp tăng trưởng

Sau khi điều ước Nam Kinh [1842] được ký kết, tranh chấp Trung, Anh gia tăng hơn trước, cảm tình giữa hai nước cũng bị xấu đi ; Trung Quốc cho rằng người Anh hiểm ác quá nhiều, người Anh lại đổ lỗi Trung Quốc cừu hận ngoại quốc, có hành động vi phạm điều ước. Không lâu sau khi 5 cửa khẩu mở thông thương, người Anh nãy sinh bất mãn với 4 điều quan trọng :

– Thứ nhất kim ngạch mậu dịch tuy gia tăng, nhưng số hàng công nghệ lúc bấy giờ người Anh sản xuất nhiều, cần xuất khẩu gấp thì thấp hơn sự ước tính. Họ nhận định rằng mậu dịch gia tăng tỷ lệ thuận với cửa khẩu mở ra ; bởi vậy nếu như số cửa khẩu tăng lên, việc buôn bán hoàn toàn khai phóng, thì kim ngach xuất khẩu sẽ gia tăng rất nhiều.

– Thứ hai về nha phiến, tuy được buôn bán tự do tại cửa khẩu, nhưng nhà Thanh không chịu đánh thuế ; hàm ý không cho việc buôn bán nghiện hút là hợp pháp, nên số lượng nhập khẩu tuy gia tăng, nhưng vẫn còn thấp hơn trong trường hợp chính thức công nhận hợp pháp.

– Thứ ba tuy bỏ việc cấm đạo Cơ đốc, nhưng chỉ được hành đạo tại 5 cửa khẩu, đối với việc truyền đạo còn gây trở ngại lớn, “ Cần chuẩn tự do đi vào nội địa và ưu đãi.”

– Thứ tư tuy gọi là giao thiệp bình đẳng giữa hai nước, nhưng hữu danh vô thực, Công sứ không thể giao thiệp trực tiếp với chính phủ trung ương tại Bắc Kinh. Hiện tại chỉ thông qua Khâm sai đại thần Di vụ tại Quảng Châu, lúc gặp việc tìm cách suy ủy, gửi chiếu hội thì trả lời chậm chạp, thậm chí muốn gặp trò chuyện thẳng cũng không dễ ; bất đắc dĩ phải lên Thượng Hải, Thiên Tân nhưng cũng không được vừa ý. Từ nay trở về sau Công sứ phải thường trú tại Bắc Kinh, cùng các Ðại thần tiếp xúc thường xuyên.

Lãnh sự nước Anh tại Thượng Hải, Rutherford Alcock [Ha Lễ Quốc], từng kiến nghị với chính phủ Luân Ðôn xin tìm cách khuyếch trương mậu dịch, cùng tự do tiến nhập nội địa Trung Quốc ; năm 1849 lại gửi thư cho Công sứ Anh tại Hương Cảng, S.J. Bonham [Văn Hàn], rằng chỉ cần một hạm đội nhỏ phong tỏa tại cửa Vận Hà [Yunhe] thì nhà Thanh sẽ khuất phục. S.J. Bonham từng lên phía bắc để kháng nghị nhưng vô hiệu, Ngoại trưởng Anh H.J.T. Palmerston cũng cho rằng trong tương lai gần, cần phải đánh Trung Quốc để cho họ cúi đầu. Năm 1851 đang chuẩn bị hành động, thì tại Trung Quốc nội loạn dấy lên ; nếu can thiệp vào thì nước này càng thêm hỗn loạn, không có lợi cho việc buôn bán ; nên đành đứng xem tình thế diễn biến, để quyết định tiến hay dừng. Vì vậy lúc này tình hình đối ngoại tương đối êm, nên vào tháng 12 Tuần phủ Diệp Danh Sâm được thăng hàm Thái tử thiếu bảo với thành tích “ Liệu biện giặc phỉ Anh, Đức được yên tĩnh ”. Năm 1853, S.J. Bonham đến Nam Kinh, thấy rằng thế lực Thái bình thiên quốc không thể coi thường, nhưng ngạo mạn thiếu hiểu biết, nếu thành công cũng không có lợi gì cho nước Anh ; cuối năm đó quân Thái bình bị tổn thất bởi lên đánh Bắc Kinh bị thất bại. Vào ngày 13/2/1854, Ngoại trưởng Anh Lord Clarendon [Khắc Lan Ðồn] ban huấn lệnh cho tân Công sứ tại Trung Quốc kiêm Tổng đốc Hương Cảng, John Bowring [Bao Lãnh], thực hành tu sửa điều ước với những điểm chính như sau :

1. Chuẩn cho người Anh tùy ý đi lại tại các thành trong nội địa và duyên hải Trung Quốc, nếu không thì có thể hàng hành dọc sông Trường giang cùng các thành ven theo duyên hải.

2. Xác định mậu dịch hợp pháp nha phiến.

3. Các hàng hóa xuất khẩu không được thu trước thuế, gọi là ly quyên, từ trong nội địa.

4. Chuẩn cho Sứ thần Anh thường trú tại Bắc Kinh ; nếu không thì Sứ thần được qua lại giao dịch với Ðại thần Trung Quốc.

5. Nếu Sứ giả Anh muốn gặp Tổng đốc, Tuần phủ tại địa phương, phải lập tức hội kiến.

6. Quét sạch giặc biển tại duyên hải.

7. Ðịnh biện pháp cho người Hoa ra nước ngoài.

8. Ðiều ước mới lập phải y theo sự giải thích bằng Anh văn.

Ngoại trưỏng Lord Clarendon hy vọng Pháp, Mỹ cùng hành động chung. Người Pháp muốn khuyếch trương hoạt động truyền giáo tại Trung Quốc và đề cao thanh thế của nước mình. Lúc bấy giờ Pháp đang liên hợp với Anh chống Nga về vấn đề Thổ Nhĩ Kỳ [Turkey], nên việc Pháp chi trì Anh không thành vấn đề.

Nước Mỹ mậu dịch tại Hoa gia tăng 4 lần, lại được dễ dàng trong việc buôn nha phiến và truyền giáo, nhưng vẫn chưa thỏa mãn dục vọng ; điều mà Anh, Pháp muốn, Mỹ cũng muốn như vậy. Thời Humphrey Marshall [Mã Sa Lợi] làm đại diện Mỹ, từng gặp Tổng đốc Lưỡng Giang Di Lương yêu cầu tu sửa Vọng Hạ điều ước, vì ký đã lâu [1844], nhưng triều đình Bắc Kinh vẫn kiên trì không chịu thay đổi. Sau đó bộ Ngoại giao Mỹ ra chỉ thị cho người kế nhiệm, Robert McLane [Mạch Liên], trong trường hợp Bắc Kinh từ chối tu sửa điều ước, thì quay sang giao thiệp thẳng với Thái bình thiên quốc. Tháng 3/1854 Robert McLane và John Bowring cùng đến Quảng Ðông. John Bowring từng giữ chức Công sứ Anh 4 năm, vốn chủ trương cứng rắn ; nhận thấy rằng trừ phi dùng vũ lực uy hiếp, Tổng đốc Lưỡng Quảng Diệp Danh Sâm 1 sẽ không chấp nhận người Anh tu sửa điều ước. Viên này đề nghị với McLane kết hợp hải quân hai nước uy hiếp Quảng Châu, nhưng viên đại diện Mỹ từ chối vì không muốn gây khó khăn cho triểu Thanh lúc này. Riêng Anh thì đang giao chiến với Nga, hải quân tại Viễn Đông không đủ sức để gây hấn. Rồi hai người xin đến gặp Diệp Danh Sâm, Tổng đốc Diệp biết rằng họ đến yêu cầu tu sửa điều ước, nên lấy cớ bận việc quân không gặp. Sau đó McLane lên Thượng Hải, rồi đến Nam Kinh tiếp xúc với lãnh tụ Thái bình thiên quốc, nhưng không được hài lòng ; bèn kiến nghị bộ Ngoại giao Mỹ tiếp tục ủng hộ triều đình Bắc Kinh.

3. Giao thiệp tu sửa điều ước

Ðại diện Mỹ Robert McLane đến Nam Kinh, Tổng đốc Lưỡng Giang Di Lương không an tâm, muốn gặp để tìm hiểu thái độ đối với quân Thái bình, cùng ngăn cản viên này đừng lên Thiên Tân. Tháng 6/1854 McLane hội đàm với Di Lương, trình bày rõ nước Mỹ hữu hảo với Trung Quốc, hy vọng có hòa ước mới, chấp thuận người Mỹ đến vùng sông Trường Giang buôn bán, tự do vào nội địa, tại tô giới thiết lập y viện, giáo đường ; nếu như không cho phép, sẽ giao thiệp với quân Thái Bình. Di Lương đáp rằng nguyên văn điều ước ghi “ có thể du di thay đổi một ít ”, như vậy bất quá tùy thời mà thích nghi trong phạm vi 5 cửa khẩu, chứ không thể thay đổi lớn như vậy. McLane vừa dụ dỗ vừa dọa “ Nếu như tâu chuẩn cho, thì đáng giúp triều đình Trung Hoa bình định phản trắc ; nếu không thì cho biết rõ, nước tôi sẽ có cách xử lý. ” Di Lương cho rằng lời nói không lấy gì làm bằng, lại sợ Anh, Pháp hùa theo cùng vào sông Trường Giang gây họa trong tương lai, nên yêu cầu McLane trở về Quảng Ðông chờ Tổng đốc Diệp Danh Sâm liệu biện. Tháng 7, Cát Nỉ Hàng A được trao chức Tuần phủ Giang Tô ; triều đình ban chiếu thư như sau “ Các cửa khẩu Trung Quốc, ngoại trừ 5 cửa [có ghi trong điều ước] thì từ trước tới nay thuyền Di không được vào ; mới đây bọn chúng vào Kim Lăng, Trấn Giang, ý chúng muốn gì ? Diệp Danh Sâm phải dùng lời ngăn cản các Di ”.

Sau khi McLane cùng Di Lương hội đàm không lâu, Công sứ Anh John Bowring [Bao Lãnh] đến, gừi chiếu hội cho Di Lương, yêu cầu chấp nhận vào thành Quảng Châu, cùng sửa đổi điều ước ; nhưng bị cự tuyệt. John Bowring bèn cùng với McLane hội kiến với Tuần phủ Giang Tô Cát Nỉ Hàng A xin sửa đổi điều ước, chuẩn cho ngoài 5 cửa khẩu còn có thể buôn bán tại các nơi khác. Cát Nỉ Hàng A nêu rằng trong hòa ước với Anh “ Không có lời hứa sau 12 năm sẽ có biến đổi, chỉ nói nếu đại Hoàng đế ban ơn cho các nước khác thì cũng xin được hưởng như vậy ; nay đại Hoàng đế chưa chuẩn cho nước nào buôn bán tại các xứ khác, thì sao lại sinh sự yêu cầu ? ”. McLane nêu lại những điều như đã đề cập với Tổng đốc Di Lương, nếu được thỏa mãn Mỹ sẽ cùng quân Thanh đánh dẹp Thái bình thiên quốc, giúp khai thông sông Trường Giang ; nếu không chấp nhận thì Mỹ sẽ tìm đường khác. Cát Nỉ Hàng A bác rằng trong điều ước với Mỹ tuy có đề cập đến sự biến thông, nhưng không có chữ nào nói về tăng thêm cửa khẩu, còn việc quân của Trung Quốc, Mỹ không được can dự ; cuối cùng yêu cầu cả hai người trở về Quảng Ðông. McLane nói trước rằng nếu như Diệp Danh Sâm tại Quảng Ðông không tiếp kiến, thì sẽ đi ngược lên Thiên Tân. Vì sự uy hiếp của McLane, Cát Nỉ Hàng A tâu về triều rằng người Mỹ định thông thương trên sông Trường Giang, thế khó có thể ngăn được, nên tùy cơ mà lập kế ; nếu đi đến chỗ quyết liệt thuyền Mỹ tự ý vào sông Trường Giang thì sẽ gây mối lo lớn. Vua Hàm Phong bảo Cát Nỉ chớ để người uy hiếp, lại riêng dụ Diệp Danh Sâm “ Giữ nguyên điều ước cũ, không chấp nhận yêu cầu tham vọng thay đổi sau 12 năm ”.

Vào tháng 8, McLane và Bowring trở về nam. McLane nhận được chỉ thị từ bộ Ngoại giao [United States Department of State] mệnh chi trì Anh quốc tu sửa điều ước ; hai người thay phiên gửi chiếu hội cho Diệp Danh Sâm, đề nghị gửi đại biểu đến đàm phán nhưng không thu được kết quả. Tháng 9 Bowring, McLane, cùng Sứ gỉả Pháp A. de Bourboulon [Bố Nỉ Bố Long] liên kết, cùng đi lên phía bắc, qua Thượng Hải gặp lại Cát Nỉ Hàng A một lần nữa. Bowring nói rằng quá khứ điều ước đã hết hiệu lực, Diệp Danh Sâm không chuẩn thay đổi, nên sẽ đến Bắc Kinh để đích thân trình bày. McLane và Bourboulong cũng phụ họa rằng, theo lệnh chính phủ mọi việc đều bàn bạc với Bowring để liệu biện ; trừ phi tu sửa điều ước, nếu không thì khó giữ nổi hòa bình. Cát Nỉ Hàng A biết rằng ba nước đã hợp lại làm một, xin phái Khâm sai đại thần thương thảo đàm phán, nhưng Bắc Kinh không chấp thuận. Tháng 10, ba nước gửi đại biểu lên Ðại Cô [Dagu, Thiên Tân] ngỏ lời muốn đến Bắc Kinh, nếu như không tiếp, sẽ đến Nam Kinh gặp Thái bình thiên quốc. Triều đình nhà Thanh phái quan Thị lang Diêm chính coi về muối tại Trường Lô là Sùng Luân, đến gặp ; bác việc xin vào kinh đô, đối với việc sửa điều ước thì cho là mê lầm. Ngoài ra đại diện Pháp nhờ chuyển về kinh lời yêu cầu thả Giáo sĩ truyền giáo tại tỉnh Thiểm Tây ; vua bác đi và phán rằng theo định lệ người ngoại quốc chỉ được trú tại 5 cửa khẩu, không chấp nhận vào nội địa, thì tại sao người Pháp có thể trú tại huyện Chu Chí [zhouzhi] tỉnh Thiểm Tây ? Bọn họ biết rằng không có cách gì thương lượng tiếp, lại nhân bắt đầu mùa đông không tiện nấn ná lâu, nên đành thất vọng bỏ đi. Lúc bấy giờ tại Thượng Hải có tên giặc cướp Lưỡng Quảng xây đê phòng thủ chống lại quan quân, Tuần phủ Giang Tô Cát Ni Hàng A bàn với viên Đề đốc Pháp Lạt Ách Nhĩ [辣厄爾] rằng giặc xây đê trước mặt Lãnh sự, nằm trên tuyến xung kích của quan quân, xin di dời Lãnh sự quán. Viên Đề đốc bèn cho phá đê và pháo kích quân giặc ; sự việc được tâu lên, bèn ban thưởng.

Rồi Bowring và McLan trở về nước báo cáo, với đề nghị dùng chính sách cứng rắn. Nước Anh đang chiến tranh với Nga, không muốn có thêm rắc rối tại viễn đông, mệnh Bowring giữ thái độ bình tĩnh. Phía chính phủ Mỹ không cho lời đề nghị của McLane dùng hải quân 3 nước phong tỏa cửa biển Trung Quốc là đúng. Chẳng bao lâu sau đó McLane bị bệnh từ chức, người kế vị là P. Parker [Bá Giá] kế tục nhiệm vụ chưa hoàn thành. P. Parker là Giáo sĩ Mỹ tại Trung Quốc 25 năm, kể từ thời Giáo Sĩ Caleb Cushing [Cố Thịnh] đến nay, ông chuyên phụ tá cho các Sứ giả. Chính phủ Mỹ cho rằng năm sau đến kỳ tu sửa điều ước, vào tháng 3/1855 chính thức cử Parker làm Chuyên sứ tại Hoa, mệnh cùng Anh, Pháp nhất trí hành động. Trước khi đến Trung Quốc, Parker ghé qua Luân Ðôn và Ba Lê để du thuyết. Parker không đồng quan điểm với Bowring, ông cho rằng việc đặt Sứ gỉả lưu trú tại Bắc Kinh, tất Trung Quốc không chấp nhận ; thì hãy đòi mở cửa sông Trường Giang trước. Tháng 5/1856, Sứ giả ba nước gửi chiếu hội cho Diệp Danh Sâm, nhưng không đáp ứng được những điều trọng yếu. Peter Paker chủ trương đến Bắc Kinh đòi hỏi, nhưng John Bowring cho rằng thiếu quân lính làm áp lực, thì sẽ không hữu hiệu. Tháng 7, Parker đi một mình lên phía bắc, qua Phúc Châu được Tổng Ðốc Phúc Kiến Chiết Giang bằng lòng tâu lên trên. Lúc bấy giờ đại doanh Giang Nam bị quân Thái bình chiếm, nên triều đình Bắc Kinh có vẻ khoan nhượng, đại khái đồng ý sẽ tu sửa điều ước một đôi phần ; nhưng mọi việc liệu biện tại Quảng Ðông. Parker tiếp tục đi lên Thượng Hải, Tổng đốc Lưỡng Giang [Liangjiang] Di Lương sợ y lên Thiên Tân, nên sai viên tiền nhiệm Ðạo viên Thượng Hải, Ngô Kiện Chương, đến thăm dò. Trước hết hỏi quân Thái bình hết sức hung dữ, làm sao có thể tiễu bình để khôi phục mậu dịch. Parker đáp nếu như chấp thuận cả nước mở cửa, được Anh, Mỹ, Pháp viện trợ thì sẽ bình định phản loạn ; nếu không thì tình hình diễn biến về sau khó có thể lường được, ba nước có thể quay sang giao thiệp với quân Thái Bình. Di Lương cho rằng việc thông thương quan hệ đến 3 nước Anh, Mỹ, Pháp ; nay đại biểu Anh, Pháp chưa đến, nên không tiện thương thuyết riêng với Parker. Triều đình Bắc Kinh cũng cho rằng việc buôn bán nước Anh đứng đầu, không thể nói chuyện với Mỹ trước, nên Parker lưu tại Thượng Hải hơn 3 tháng mà không thành công được việc gì. Rồi nhận thư của Bowring tỏ vẻ muốn hợp tác, Parker bèn xuống phía nam ; khi đến Hương Cảng thì được biết người Anh đang chuẩn bị đánh Trung Quốc.

4. Chiến tranh lần thứ hai tại Quảng Châu

Sau năm 1850, tại sông rạch vùng Quảng Châu, thuyền đĩnh của bọn cướp ngày một tăng lên. Năm 1854, Quảng Châu bị vây, trật tự hỗn loạn. Năm sau chính phủ Hương Cảng cho thuyền người Hoa trú tại nơi này, treo cờ Anh để được bảo hộ ; phần đông thuộc loại thuyền buôn thuốc phiện, giao thông với giặc phỉ, Á La là một trong những thuyền loại này.

Ngày 8/10/1856 thuyền Á La ghé tại Quảng Châu, 12 thủy thủ bị bắt ; Lãnh sự Anh Harry Parkes [Ba Hạ Lễ] yêu cầu phóng thích, bồi thường tổn thất. Tổng đốc Diệp Danh Sâm cho rằng trong bọn có 3 người đích xác là tội pham, kỳ dư có thể phóng thích, Harry Parkes không chịu.

Harry Parkes là một thanh niên hay gây rắc rối lắm chuyện, đã làm việc tại Trung Quốc 15 năm. Riêng Công sứ John Bowring [Bao Lãnh] bất bình với Tổng đốc Diệp Danh Sâm từ lâu, cũng vào tháng 7 năm đó gửi thư lên Ngoại trưởng Lord Clarendon [Khắc Lan Ðồn] nhấn mạnh cần quân hạm để cải thiện quan hệ Trung Anh ; rồi vào tháng 9, gửi thư báo cho Harry Parkes và Ðại sứ nước Pháp Jean de Courcy [Cố Tư] rằng hải quân Anh sẽ chi trì việc sửa đổi điều ước. Á La là sự kiện thích hợp để người Anh gây sức ép ; nên ngoài những điều Harry Parkes đòi hỏi, còn bắt nhà đương cục Trung Quốc xin lỗi, tôn trọng quốc kỳ Anh quốc, hứa không xẩy ra sự kiện tương tự ; hẹn trong 48 tiếng đồng hồ phải trả lời. Diệp Danh Sâm trả lời rằng Á La là thuyền của người Trung Quốc, không treo cờ Anh ; từ nay trở về sau quan binh Trung quốc quyết không vô cớ bắt người, người Anh cũng không được chứa chấp họ. John Bowring lại ra lệnh cho Harry Parkes kháng nghị, hẹn trong 24 giờ phải tuân theo mọi điều kiện, nếu không sẽ dùng vũ lực. Diệp Danh Sâm thả hết 12 tên thủy thủ, Harry Pakes [Ba Hạ Lễ] lấy cớ thủ tục không hợp, lại không xin lỗi, nên không chịu nhận.

Ðiều gán cho là quan quân Trung Quốc tự tiện lên thuyền nước Anh bắt người ; nhưng Á La có phải là thuyền nước Anh không ? Lúc quốc hội nước Anh tranh luận về việc này, có người nêu rằng việc nhà cầm quyền Hương Cảng bảo lãnh thuyền Trung Quốc, coi như là thuyền Anh, là việc bất hợp pháp. Trong báo cáo của John Bowring về Luân Ðôn, cũng xác nhận lúc thủy thủ bị bắt, thuyền Á La ngoài thời hạn bảo lãnh ; nhưng chính phủ Anh muốn mượn cớ để gây hấn, nên không từ bỏ.

Ngày 13/10, Ðề đốc hải quân Anh Michael Seymour [Tây Mã] bắt đầu hành động, trong 3 ngày liên tiếp chiếm các pháo đài tại Hổ Môn [Humenzhen, Quảng Ðông]. Ngày thứ nhất, Tổng đốc Diệp Danh Sâm không để ý, nói rằng đến chiều quân Anh sẽ rút, không dùng pháo đánh lại. Ngày thứ 2, sắc mặt không thay đổi, chỉ có cấp dưới lo liệu. Ngày thứ 3, lệnh chỉnh tề đoàn luyện, để làm mạnh thanh thế. Trong 27 ngày, quân Anh pháo kích dinh thự, Diệp “ vẫn ngồi ngay thẳng, sắc mặt không chút sợ sệt ”. Ngày thứ 29, quân Anh vào trong thành, nhưng quân không đủ nên không chiếm lãnh được, sau khi cướp bóc bèn rút lui. Công sứ John Bowring cho rằng đây là cơ hội tốt để bàn vào việc tiến vào thành, bèn bảo Michael Seymour chuyển lời cho Diệp Danh Sâm, nhưng Diệp không đáp ; đối với những lời của thân sĩ Quảng Châu hội đàm với Harry Parkes, cũng cương quyết không nghe. Tháng 11 quân Anh chiếm Hổ Môn, John Bowring đích thân giao thiệp, Diệp Danh Sâm cho rằng Michael Seymour đánh thành thất lễ, hai bên không còn gì để gặp nhau !

Binh lính tại Quảng Châu chống cự tương đối mãnh liệt, bất thình lình tập kích quân hạm Anh ; Xã học 2 treo giải thưởng giết quân Anh. Vào tháng 12, Di quán 3và Dương hàng 4 bị hủy, lại đốt thuyền bưu chính của Anh di chuyển từ Quảng Châu đến Hương Cảng. Tháng 1/1857, quân Anh đốt mấy ngàn nóc nhà chung quanh Dương hàng ; người Hoa tại Hương Cảng rầm rộ bỏ đi, đoạn tuyệt việc buôn bán với người Anh, hạm đội của Michael Seymour bị Ðoàn luyện công kích không ngừng, phải rút ra khỏi sông. Triều đình Bắc Kinh ra lệnh cho Diệp Danh Sâm chế ngự, làm yên sự tranh chấp, nhưng không được nhượng bộ gây thiệt hại. Sau khi quân Anh rút, Diệp Danh Sâm tâu “ Thủy bộ hoạch thắng, tình trạng quân Di nghiêng ngả ”. Vua Hàm Phong không đánh giá cao việc này, nên ban chiếu chỉ như sau “ Khống chế bọn Di nước ngoài không thể so với việc làm trong nội địa ; việc trước kia tại Định Hải 5 phải lấy đó làm gương. Cần phải thao túng hợp cách, đừng để hối hận về sau, Trẫm không chế ngự từ xa. Hạ chiếu này cho Giang Tô, Trực Lệ, Chiết Giang, Phúc Kiến cùng hay biết ”. Lúc này loạn tại Ấn Ðộ nghiêm trọng, người Anh không thể tăng viện.

1 Năm 1852 Tuần phủ Diệp Danh Sâm được thăng chức Tổng đốc.

2 Thăng bình xã học : một tổ chức của dân Quảng Ðông, thành lập năm 1842, yểm trợ cho đoàn luyện.

3 Di quán : chỗ ở dành cho thương gia ngoại quốc tại Quảng Châu.

4 Dương hàng : nơi người Tây phương bán hàng tại Quảng Châu.

5 Định Hải : chỉ việc thất thủ tại Định Hải [Dinghai, Chiết Giang] năm 1840.

II. Liên quân Anh Pháp gây hấn cùng cơ hội của Nga Mỹ [1857-1858]

1. Anh Pháp hợp tác quân sự, Nga Mỹ ủng hộ ngoại giao

Từ năm 1854, sau khi đòi hỏi tu sửa điều ước thất bại ; báo chí tại Anh cho rằng người Hoa không thể dùng lời, phải uy hiếp. Lúc vụ Á La xẩy ra, thì chiến tranh tại vùng bán đảo Crimea 1 cũng kết thúc, nước Anh tương đối rảnh tay, vào tháng 2/1856 phê chuẩn cho Công sứ John Bowring tấn công Quảng Châu [Guangzhou]. Viên Công sứ xin quân từ trong nước và Ấn Ðộ. Quốc hội Anh không bằng lòng với chính phủ, kịch liệt phản đối ; trách cứ John Bowring dùng vụ Á La để gây vũ lực với Trung Quốc là sỉ nhục nước Anh. Kết quả Thượng viện thông qua quyết định của chính phủ, nhưng Hạ viện phủ quyết. Tháng 3/1857 Thủ tướng H.J.T. Palmerston [Ba Mạch Tôn] giải tán Hạ viện, rồi Hạ viện mới biểu quyết thuận với chính phủ. Lúc này John Bowring xin từ chức, Thủ tướng cử viên cựu Tổng đốc Gia Nã Ðại Lord Elgin [Ngạch Nhĩ Kim] làm Ðặc sứ tại Trung Quốc.

Sau khi bỏ cấm đạo, Giáo sĩ người Pháp ngầm đi vào nội địa. Tháng 2/1856 một viên Phụ giảng tên là Auguste Chapdelaine [Nhất Mã Lại] bị Tri huyện Tây Lâm [Xilin] tỉnh Quảng Tây [Guangxi] xử tử, vì liên lạc với loạn đảng. Ðại sứ Pháp Jean de Courcy [Cố Tư] đòi Tổng đốc Lưỡng Quảng Diệp Danh Sâm trừng trị, bồi thường và ngăn ngừa sự việc xẩy ra trong tương lai ; nhưng bị bác. Lúc này Napoléon 3 [Nã Phá Luân đệ tam] muốn dương oai tại phương Ðông, xác lập quyền bảo hộ Thiên Chúa giáo của nước Pháp, chuẩn bị cùng nước Anh đòi hỏi tu sửa điều ước, cùng rửa hờn cho vụ Tây Lâm.

Vào giữa thế kỷ thứ 19, địa vị của Nga, Mỹ tại Viễn Đông ngày một quan trọng, thế lực quốc tế so với 10 năm về trước đã đổi khác, quân bình liệt cường đã hình thành. Nước Anh không thể độc đoán, độc quyền ; việc thi thố tại Trung Hoa nếu không cẩn thận có thể bị liệt cường đố kỵ, dẫm vào nguy cơ ; vả lại còn muốn sự chi trì của Mỹ.

Riêng Mỹ thì chính sách đối với Trung Quốc cũng phần lớn tương đồng với Anh, trong giai đoạn vận động tu sửa điều ước Robert McLane [Mỹ] và John Bowring [Anh] hỗ tương xướng họa, rồi Peter Parker [Bá Gíá] nhiệt tâm cổ võ Mỹ, Pháp cùng hợp tác. Trong thời gian quân Anh tấn công Quảng Châu [Guangzhou. Quảng Ðông], lãnh sự Mỹ cùng theo đến thành ; riêng chiến hạm Mỹ bị pháo kích tại sông gần tỉnh thành, khiến quân Mỹ phản pháo, phá hủy pháo đài. Perter Parker tin rằng nước Anh lợi dụng cơ hội này để đạt mục đích tu sửa điều ước, Mỹ không mệt mà có thể ngồi hưởng thành công, nên kiến nghị với bộ Ngoại giao [United States Department of State] cùng Anh, Pháp tiến chiếm Ðài Loan [Taiwan], Ðan Sơn [Zhoushan, Chiết Giang] và Triều Tiên [Korea]. Nhưng bộ Ngoại giao cho rằng Peter Parker đã hành động trái với chính sách trung lập của Mỹ, nên không chấp thuận. Sau tháng 3/1857, nước Anh mấy lần xin Mỹ cùng Anh, Pháp tác chiến tại Hoa ; nhưng bộ Ngoại giao Mỹ trả lời việc này phải được Quốc hội biểu quyết chấp thuận. Bất quá đại diện Mỹ chỉ cùng Anh, Pháp đòi tu sửa điều ước và bồi thường ; nói một cách khác Mỹ không tham gia hành động quân sự, chỉ hợp tác về mặt ngoại giao mà thôi. Người kế chức Peter Parker là William B. Reed [Liệt Vệ Liêm], với chức vụ Toàn quyền công sứ, tỏ cho Trung Quốc biết Mỹ tán thành Anh, Pháp đòi hỏi tu sửa điều ước, nhưng không có ý đồ can thiệp vào lãnh thổ và nội chính ; đối với Nga thì khuyến khích tăng cường hữu nghị với Anh, Pháp. Qua sự kiện thấy được nước Mỹ không hoàn toàn đặt thân ngoài vòng, chỉ không trực tiếp tham chiến mà thôi.

Sau chiến tranh nha phiến, nước Nga lại tiếp tục tiến vào Trung Quốc, cùng Anh cạnh tranh cả hai mặt hải lục, tìm cách xâm lược. Lợi dụng sự mâu thuẫn Trung-Anh, Nga sử dụng thuật ngoại giao cùng uy hiếp vũ lực ; thừa lúc Trung quốc nguy nan, tiến hành với phương thức ít tốn sức hơn Anh, Pháp. Vào giữa thế kỷ thứ 19, Tổng đốc Nga phía đông Tây Bá lợi Á là Nikolai Muraviev [Mộc Lý Phỉ Nhạc Bức] trộm chiếm vùng hạ lưu Hắc Long Giang [HeiLongjiang]. Ðến lúc chiến tranh Trung Anh lần thứ 2 xẩy ra, Nikolai Muraviev thị ý với Mỹ rằng Nga sẽ chiếm lưu vực Hắc Long Giang để đối địch với sự khuyếch trương của Anh, tại duyên hải Trung Quốc. Nước Anh sợ Nga thao túng triều đình nhà Thanh gây khó khăn, nên mong muốn Nga cùng tham gia hành động tại Trung Hoa ; nước Nga đáp ứng, đặt điều kiện để hợp tác, nhưng không chịu dùng thủ đoạn cưỡng chế.

Tháng 2/1857 Nga gửi thư cho Bắc Kinh, nhấn mạnh Anh, Pháp xâm nhiễu Quảng Châu, sắp phạm Thiên Tân [Tianjin, Hà Bắc], đây là mối lợi hại cho cả hai nước Trung, Nga, nên đặc sai E. V. Putiatine [Phổ Ðề Nhã Ðình] đến thương nghị “ nếu trì nghi không theo ý tốt, thì sẽ nẩy sinh sự đoan ” Triều đình Thanh biết người Nga giảo hoạt, không ngoài việc lợi dụng cơ hội hăm dọa để chiếm trọn vùng Hắc Long Giang, nên lựa lời từ chối ; E.V. Putiatine đến Thiên Tân, nhưng không vào được Bắc Kinh.

Nước Anh nghe tin E.V. Putiatine sắp đến Bắc Kinh, cảm thấy khẩn trương ; lúc biết được bị cự, thì có phần an ủi. Tháng 11, E. V. Putiatine đi xuống phía nam đến Hương Cảng, hội đàm với đại diện 3 nước Anh, Mỹ, Pháp. Viên Sứ giả Nga bàn với đại diện Mỹ rằng y có thể giúp điều giải tu sửa điều ước; riêng đối với Anh, Pháp thì bảo rằng giao thiệp với triều đình nhà Thanh cần gây áp lực, tốt nhất là mang chiến hạm đến Thiên Tân thị uy. Công sứ Anh Lord Elgin [Ngạch Nhĩ Kim] cho rằng ý kiến rất hợp, đợi khi giải quyết xong Quảng Châu sẽ mang quân lên phía bắc, hoan nghênh hợp đồng hành động, để dập tắt sự kiêu kỳ của triều Thanh. E. V. Putiatine tuy ý kiến nhất trí với Lord Elgin ; nhưng chính phủ Nga không chủ trương dùng binh, không phải có ý nương tay với Trung Quốc, mà chỉ muốn ngồi không hưởng lợi.

2. Chiếm cứ Quảng Châu 

Hai nước Mỹ, Nga ủng hộ Anh về phương diện ngoại giao, nhưng chỉ riêng Anh Pháp hợp tác về mặt quân sự. Chính phủ Anh ban huấn lệnh cho Công sứ Lord Elgin phải rửa hờn cho những tổn thất của Anh, Pháp, cải sửa điều ước, vào thành Quảng Châu, đặt Sứ giả thường trực tại Bắc Kinh. Ðối với Ðặc sứ Baron Gros [Cát La], chính phủ Pháp ra huấn lệnh bắt bồi thường vụ án Tây Lâm [Xilin, Quảng Tây], bảo hộ các Giáo sĩ an toàn, còn các điều khác tương tự như đòi hỏi của nước Anh.

Vào tháng 11/1857 Lord Elgin, Baron Gros cùng Sứ gỉả Mỹ William B. Reed và Sứ gỉa Nga E. V. Putiatine tụ tập tại Hương Cảng. Nước Anh trước kia định đánh vùng Hoa bắc, nhưng sau đó đổi ý cho rằng cần đánh gục Quảng Ðông và Diệp Danh Sâm trước; nếu không triều đình nhà Thanh vẫn cho rằng dân Quảng Ðông có thể dựa khiến cho người Tây phương né sợ. Ngày 12/12 Lord Elgin, Baron Gros gửi thông điệp cho Diệp Danh Sâm hẹn trong 10 ngày phải sai người bàn về sửa điều ước, bồi thường tổn thất về vụ Á La và Tây Lâm ; chấp nhận Anh, Pháp tiến đóng phía nam sông.

Riêng Tổng đốc Diệp Danh Sâm, kể từ khi quân Anh rút ra khỏi sông không có điều gì xẩy ra, lại nghe tin bị thất bại tại Ấn Ðộ, nên tin rằng thế lực Anh cùng kiệt. Bởi vậy khi nhận được thông điệp của Anh, Pháp, vẫn coi thường như không có chuyện gì ; trả lời với người Anh rằng việc vào thành trước kia đã bãi bỏ, điều ước Nam Kinh chưa tiện sửa đổi ; về sự việc vào tháng 10 năm ngoái, quân Anh 3 lần đốt nhà của dân, nên không chấp nhận đóng quân phía nam sông, sợ phát sinh hấn khích. Ðối với Pháp thì phủ nhận việc xẩy ra tại Tây Lâm [Xilin, Quảng Tây], đòi y theo điều ước, Giáo sĩ không được vào nội địa truyền giáo, riêng việc người Pháp tổn thất tại Quảng Châu [Guangzhou, Quảng Ðông] đáng do người Anh xử lý. Trong khi đang trả lời, thì liên quân Pháp Anh đổ bộ phía nam sông. Ngày 24/12 ra lệnh cho quân tại Quảng Châu phải rút ra trong 24 giờ. Diệp Danh Sâm tin lời mật báo của viên do thám Trương Ðồng Vân 2 làm việc trong sứ quán Anh, rằng sẽ không có biến cố ; nên không có phản ứng kịp thời như chiêu tập hương dõng phân tán, không chuẩn cho thân sĩ thương nghị với người Anh.

Ngày 28/12/1857 khoảng 4.000 quân Anh, Pháp tấn công thành ; quân trú phòng chống cự kịch liệt ; Pháp, Anh chết hơn 120 quân. Ngày thứ hai, thành Quảng Châu thất thủ, cướp bóc xẩy ra, ngân khố ty Bố chánh trử 22 vạn lượng bạc bị lấy hết. Tuần phủ Bách Quý sai thân sĩ là cựu Hàng thương đến xin hoà ; ngày 5/1/1858 Tổng đốc Diệp Danh Sâm bị bắt 3.

Với quân số không nhiều, lực lượng Anh, Pháp không thể kiểm soát nổi thành Quảng Châu, với dân số khoảng 1 triệu người, vốn có truyền thống hận thù chống đối quân Anh. Quân Anh, Pháp cướp phá gian dâm, hành động tàn bạo, lại càng tăng thêm lòng phẫn khích. Pháp, Anh bèn sử dụng chính sách dùng người Trung Quốc chế ngự Trung Quốc, giao cho Tuần phủ Bách Quý làm bù nhìn, binh khí của quân lính đều phải giao nạp ; do quân Anh, Pháp và người Trung Quốc tuần tiễu kê tra ; các pháo đài tại bờ sông cũng đều do quân Anh, Pháp chiếm lãnh. Lãnh sự Anh Harry Parkes [Ba Hạ Lễ] thực sự là kẻ thống trị thành Quảng Châu.

Sau khi Quảng Châu thất thủ khoảng một tháng trời, triều đình Bắc Kinh mới biết. Vua Hàm Phong cảm thấy lạ lùng, bèn cách chức Diệp Danh Sâm, sai Hoàng Tông Hán kế nhiệm ; một mặt mệnh Bạch Quý tìm đường để Anh, Pháp ra khỏi thành Quảng Châu ; một mặt mệnh thân sĩ khích lệ hương dõng đoàn luyện chuẩn bị vũ lực xua đuổi. Tháng 4/1858 có tin truyền đoàn luyện chuẩn bị tấn công, trong thành dân chúng tản cư hết, quân Anh, Pháp thường bị giết, mất tích, nên không dám ra khỏi thành. Hai vạn dân Hoa từ Áo Môn, Hương Cảng bỏ việc trở về quê ; tháng 6, quân Anh, Pháp tại ngoại thành bị phục kích đại bại, tháng 7 hương dõng tập kích mấy nơi. Anh, Pháp cố thủ trong thành ; phải tập hợp đội ngũ mới dám ra ngoài.

3. Tiến đánh Ðại Cô

Tháng 3 năm 1858, đại diện 4 nước cùng đến Thượng Hải [Shanghai, Giang Tô], lần lượt gửi chiếu hội cho Ðại học sĩ tại Bắc Kinh [Beijing] để biểu thị nhất trí. Các Công sứ Anh, Pháp, Lord Elgin [Ngạch Nhĩ Kim] và Baron Gros [Cát La] yêu cầu trước cuối tháng 3 gửi Toàn quyền đại thần đến Thượng Hải thương nghị, nếu không sẽ tiến quân. Qua chiếu hội, Ðặc sứ Mỹ William B. Reed trước hết thanh minh vẫn giữ trung lập đối với việc tranh chấp vũ lực giữa Anh Pháp và Trung Quốc ; nhưng với lời lẽ cường ngạnh trình bày những điều bất mãn giữa Trung, Mỹ trong mấy năm gần đây, cùng việc giao thiệp hữu hảo với Anh, Pháp ; đồng ý cải sửa điều ước. Ðại diện Nga E. V. Putiatine yêu cầu Sứ giả được vào kinh đô, gia tăng cửa khẩu, ngoài ra còn đề xuất vấn đề biên giới, lại nhấn mạnh nếu không theo lời yêu cầu của các nước thì Trung quốc có điều bất lợi. Triều đình Bắc Kinh mệnh Tổng đốc Lưỡng Giang Hà Quế Thanh phúc đáp rằng “ Thượng Hải không phải chỗ bàn về Di vụ, Trung Quốc sẽ có người liệu biện về Di vụ ” ; yêu cầu Anh, Pháp, Mỹ trở về Quảng Ðông [Guangdong], riêng về Nga thì theo lệ cũ mà lo liệu.

Lord Elgin và Baron Gros theo kế hoạch đã định, mang quân lên phương bắc ; E. V. Putiatine tán đồng, William B. Reed cũng góp ý không dùng võ lực khó có thể thu hiệu quả. Ðể chứng tỏ cho Thanh triều thấy sự quyết tâm, Lord Elgin không chờ đạo quân tại Hương Cảng [Hongkong] đến nơi, điều ngay quân hạm tại Thượng Hải tiến thẳng. Trung tuần tháng 4, bốn Sứ giả đến Ðại Cô [Taku, Thiên Tân] ; ngày 24/4 gửi chiếu hội cho Bắc Kinh, hẹn trong 6 ngày phái Toàn quyền đại thần đến đàm phán.

Trước khi 4 Sứ giả đến Ðại Cô, triều đình Bắc Kinh sai Thị lang Sùng Luân đến trước, dùng chính sách phân hoá, sắp xếp đàm phán riêng với Nga, Mỹ, để nhờ họ ràng buộc Anh, Pháp. E.V. Putiatine, Ðại diện Nga, cũng bằng lòng với cách này; ngõ ý với Đặc sứ Mỹ William B. Reed rằng Nga, Mỹ không tỏ thái độ kịch liệt với Trung Quốc có thể giúp Anh, Pháp thoả mãn mong muốn, lại gây cảm tình tốt với Trung Quốc, lợi ích của Nga Mỹ có thể đạt được. Trước tiên E. V. Putiatine đề xuất việc phân chia biên giới tại Hắc Long Giang [Heilongjiang] với Tổng đốc Trực Lệ Ðàm Ðình Tương, Ðàm không tin E. V. Putiatine, nên không bàn sâu việc này ; rồi quay sang tiếp kiến viên Ðặc sứ Mỹ William B. Reed. Viên Ðặc sứ biểu thị muốn giúp điều giải, nhưng qua hai lần hội nghị, cảm thấy thất vọng vì Anh, Pháp không cho là đúng. Rồi giao cho viên Phó sứ Samuel W. Williams [Vệ Tam Úy] tiếp tục đàm phán với viên Bố chánh Trực Lệ. Cuộc đàm phán đang diễn tiến thì được tin Anh, Pháp chuẩn bị tiến công, bèn cho ngừng lại để quan sát sự biến.

Ðàm Ðình Tương được lệnh triều đình báo tin cho Đại diện Anh, Pháp rằng Trung Quốc chấp thuận giảm thuế, tăng cửa khẩu buôn bán ; riêng việc Sứ giả vào kinh đô thì chờ cho sự việc tại Quảng Đông giải quyết xong sẽ bàn sau. Đàm mưu tìm cách đàm phán thêm với đại diện Anh, Pháp ; nhưng Lord Elgin và Baron Gros đều cho rằng Ðàm không phải là Toàn quyền đại thần, nên từ chối. Ðến ngày 30/4 đã mãn 6 ngày gửi chiếu hội, nhưng quân Anh chuẩn bị chưa xong, Lord Elgin và Baron Gros gặp Ðàm Kỳ Tương hứa tăng thêm 6 ngày nữa để gửi Toàn quyền đại thần tiện nghi hành sự đến ; nhưng Ðàm cho biết Trung Quốc từ trước tới nay không có chức vụ đó. E. V. Putiatine lại ra điều đình lần nữa, Ðàm biết rằng Nga, Mỹ cũng mong cho thành sự để chiếm phần tiện nghi, nên muốn cân nhắc lợi hại ước lượng nhượng bộ, nhưng triều đình Bắc Kinh không thuận.

Lord Elgin và Baron Gros dừng tại cửa khẩu Ðại Cô đã 5 tuần, mà chưa thành tựu việc gì. Tám giờ sáng ngày 20/5 đưa thông điệp cho Ðàm Ðình Tương hẹn trong 2 giờ phải giao nạp pháo đài Ðại Cô ; rồi không chờ phúc đáp, khai pháo công kích. Quân hạm Anh, Pháp 26 chiếc, quân lính hơn 2.600 người ; quân phòng thủ Trung Quốc khoảng 9.000 người, 30 cỗ pháo. Chiến tranh mở màn, Ðàm Ðình Tương lên kiệu tháo chạy, Tổng binh Thiên Tân nghe pháo cũng trốn ; quân phòng thủ chiến đấu 2 giờ, pháo đài bị hãm ; riêng Anh, Pháp thương vong không đến 30 người.

4. Minh ước tại Thiên Tân

Ðại Cô [Taku, Thiên Tân] không giữ được, cửa ngõ kinh đô mở toang, triều đình nhà Thanh kinh hãi vượt quá thời Quảng Châu [Guangzhou, Quảng Ðông] thất thủ ; bèn tái yêu cầu Mỹ can thiệp dùm, hy vọng giữ được Thiên Tân trong cơn nguy cấp, rồi tiếp tục nghị hoà. Ngày 28/5 sai Ðại học sĩ Quế Lương, Thượng thư bộ Lại Hoa Sa Nạp đến Thiên Tân liệu biện. Trước cuộc chiến tại Ðại Cô, Lord Elgin và Baron Gros từ chối đàm phán với Ðàm Ðình Tương, vì Ðàm không có quyền tiện nghi hành sự. Quế Lương và Hoa Sa Nạp đều là nhất phẩm Ðại thần, nhưng không phải là “ nhất phẩm chủ trì Toàn quyền đại thần ” nên họ truyền lời rằng sẽ tiến quân vào kinh đô. Vua Hàm Phong bèn hứa cho hai người quyền tiện nghi hành sự ; cùng cử Kỳ Anh, viên quan phụ trách về điều ước Nam Kinh trước kia, hiệp đồng lo liệu. Lại lo Anh, Pháp không toại nguyện lòng tham, có thể tiến quân ; bèn sai danh tướng Tăng Cách Lâm Thấm làm Khâm sai đại thần, lo việc quân vụ cùng giới nghiêm kinh thành.

Ðối tượng chủ yếu cần giao thiệp là người Anh ; ngày 4/6 Hoa Sa Nạp gặp Lord Elgin, nhưng cuộc diện kiến chỉ xẩy ra trong vòng 15 phút rồi bị từ chối, vì Hoa không có sắc thư chứng nhận là Toàn quyền đại thần. Quế Lương và Hoa Sa Nạp kinh hãi, một mặt nhờ đại diện Nga, Mỹ đả thông, một mặt gặp viên Phiên dịch H. N. Lay [Lý Thái Quốc] xin chỉ giáo, H. N. Lay là nhân viên ty thuế vụ có quốc tịch Anh. Từ đó trở về sau cho đến khi điều ước được ký kết, Lord Elgin không ra mặt ; giao cho H. N. Lay đàm phán với Quế, Hoa. Ngày 6/6 H.N. Lay đến gặp, nói rằng phải đưa Sứ thần đến kinh đô trú trát, mới bàn điều ước tại Thiên Tân, nếu không thuận sẽ dùng binh ; lại tranh chấp kịch liệt về việc thông thương trên sông Trường Giang [Changjiang] và du lịch nội địa. Triều đình Thanh cho rằng người Anh xâm nhập vào đất gan ruột của Trung Quốc, sợ cấu kết với loạn đảng ; H. N. Lay bảo rằng nếu như không đáp ứng lời yêu cầu, thì người Anh sẽ làm theo ý muốn. Quế Lương “ mấy lần dùng lời nói khéo mở đường ”, nhưng H. N. Lay giận dữ bỏ đi. Quế Lương lại nhờ đại diện Nga, Mỹ đả thông giúp với Lord Elgin. Ngày 11/6 H. N. Lay cùng Thomas Wade [Uy Thoả Mã], một viên Phiên dịch khác, cùng đến ; với khí thế hung dữ, bảo rằng trong ngày hôm nay nếu không tuân theo “ sẽ mang quân tới kinh đô ”. Chiều hôm đó Quế Lương gửi chiếu hội cho Lord Elgin rằng thông thương trên sông Trường Giang và du lịch nội địa, đợi khi việc quân tại đó hoàn tất sẽ liệu biện ; binh phí giao cho Quảng Châu xử lý, việc Sứ thần đến kinh đô sẽ bàn sau ; riêng đại khái thừa nhận các việc không cấm truyền giáo, tầm nã giặc biển, sửa đổi điều ước, bàn định ngạch thuế.

Trong số Sứ giả 4 nước đàm phán tại Thiên Tân, E. V. Putiatine đạt được nguyện vọng, nhưng ít tốn sinh lực nhất. Ngày 6/6 Quế Lương nhờ E. V. Putiatine giúp ; viên này ngỏ lời nếu định điều ước cho Nga trước, thì sẽ thuyết phục Anh, Pháp để mọi việc xong xuôi. Trước sức ép của đại diện Anh H. N. Lay, Quế Lương không thể không nhờ ; hơn nữa những điều E. V. Putiatine yêu cầu như vãng lai chiếu hội, Sứ giả đến kinh đô thì trước kia đã có rồi. Ngày 13/6 Trung Nga điều ước ký xong, đương nhiên thuận lợi về phía Nga, trong điều ước có câu “ Từ nay trở về sau nếu nước Thanh có việc ưu đãi ngoại quốc thông thương, với những điều lợi ích ; thì không cần phải bàn thêm, sẽ biện lý thi hành cho nước Nga đúng như vậy ”. Ðược hưởng như vậy, nên đối với các chi tiết sự kiện khác, E. V. Putiatine không cần phải tranh luận nhiều.

Trong các thành viên tham dự đàm phán, Kỳ Anh không được may mắn. Trước kia y từng giữ chức Khâm sai đại thần và Tổng đốc Lưỡng Quảng, giao thiệp nhiều với người Anh, nên được dùng lại ; vì triều đình nghĩ rằng Kỳ Anh có tác dụng trong cuộc hội đàm. Không ngờ tại phòng hội, bị đại diện Anh là H. N. Lay và Thomas Wade chỉ trích trước mặt rằng căn cứ tài liệu tịch thu được tại Quảng Châu, có tờ tâu của Kỳ Anh, nội dung nhục mạ người Anh. Quế Lương và Hoa Sa Nạp thấy sự hiện diện của y trở ngại cho cuộc hoà đàm, nên khuyên trở về kinh đô. Rồi Kỳ Anh bị vua Hàm Phong kết tội vì trước kia liệu biện sai trái gây họa đến hiện tại, nên bắt phải tự tử.

Thuật lợi dụng thời cơ của Ðặc sứ Mỹ William B. Reed, cũng không thua đại diện Nga E.V. Putiatine. Ngày 7/6 cùng Quế Lương hội đàm, các khoản mục William đòi hỏi so với trước tăng lên ; Quế Lương muốn cho cuộc hội đàm với Mỹ kết thúc trước, nên không tranh luận nhiều. Ngày 18/6 điều ước ký kết, so với điều ước ký với Nga, ngoài trừ điều về biên giới, bao gồm tất cả các khoản khác, mà lại còn tường tế hơn. Về việc Sứ thần đến kinh đô, ghi rõ mỗi năm đến tạm trú một lần, nếu trong tương lai các nước đặt sứ quán thường trú, thì cũng y theo như vậy. Những tiết mục khác như vào sông Trường Giang buôn bán, du lịch, thì ghi “ đồng được hưởng đều ” với các nước khác. Ngoài ra còn kèm điều đặc thù “ Nếu nước khác tỏ ra tỏ ra bất công khinh thường, thì báo cho biết, ắt sẽ tương trợ để chứng tỏ tình hữu nghị ” ; điều này chứng tỏ Trung Quốc có cảm tình với Mỹ, và muốn phân biệt nước này với Âu Châu.

Cuộc hội đàm giữa Trung Quốc và Anh cho đến ngày 13/6, còn 1 điều chưa bàn xong là việc Sứ thần trú đóng tại kinh đô. Qua nhiều lần gây sức ép, cuối cùng triều đình Bắc Kinh chấp nhận sau khi giao hoàn Quảng Châu [Guangzhou, Quảng Ðông] sẽ bàn kỹ chi tiết. Ngày 24/6 bọn H. N. Lay [Lý Thái Quốc] trao tay bản cảo điều ước cho Quế Lương, với lời rằng “ không những không thương lượng thêm, mà một chữ trong điều ước cũng không thay đổi ”. H. N. Lay vốn người gốc Hoa, thuộc châu Gia Ứng 4 tỉnh Quảng Ðông, mấy đời sinh sống tại ngoại quốc ; làm tham mưu cho Lord Elgin. Sau khi gặp Quế Lương, khiến dân Thiên Tân phẫn nộ, ẩu đả với người Anh và bắt sống H. N. Lay định giết ; Quế Lương sợ lỡ việc đàm phán, bèn sai người thả H. N. Lay ra. Bây giờ Quế Lương mới biết minh bạch rằng việc ký kết điều ước với Nga, Mỹ trước, để nhờ họ giúp là vô ích ; vì Nga, Mỹ đều một lòng với Anh.

Lúc 3 giời chiều ngày 26/6/1858 bọn H. N. Lay đến thúc dục ký điều ước không thể du di ; Quế Lương cùng các quan dưới quyền đến chùa Hải Quang chờ đón. Bọn Lord Elgin dùng 30 chiếc kiệu ; hộ tống bởi 5, 6 trăm quân, áo giáp đồng màu, vũ khí cầm tay “ âm nhạc diễn hành, chật cả khu chùa ”. Ðiều ước ký kết dưới ánh sáng của đao kiếm ; ký xong Quế Lương mời rượu. Lord Elgin cùng tuỳ tùng đứng dậy, chúc mừng “ chén thứ nhất chúc Ðại hoàng đế vạn thọ vô cương ”, “ chén thứ hai nguyện quan Khâm sai vĩnh giữ bình an”, “ chén thứ ba nguyện hai nước vạn năm hoà hảo ”. Riêng Quế Lương lúc trở về chỗ nghỉ thì “ ôm hận vạn mối, suốt đêm ngủ không yên ! ”.

Ðiều ước giữa Trung quốc và Anh, thông thường được gọi là Thiên Tân điều ước, toàn văn có 56 điều. Người Anh chủ trương độc nhất vô nhị, chỉ căn cứ duy nhất vào bản Anh văn, không thêm bớt một chữ ; điều ước có những điểm chính yếu như sau :

– Thứ nhất liên quan đến quốc gia giao thiệp : Trung Anh cùng gửi Khâm sai đại thần, phân biệt thường trú tại hai nước. Khâm sai Anh dùng lễ tiết Thái Tây yết kiến đại Thanh Hoàng đế ; cùng y theo lệ Thái Tây ưu đãi người của nước này và tùy tùng. Ðại Thanh Hoàng đế chọn một viên Ðại học sĩ, giao dịch tiếp xúc với Ðại Anh Khâm sai, nước Ðại Anh cũng tuân theo lệ trên, ưu đãi Ðại Thanh Khâm sai.

– Thứ hai liên quan đến Trung Quốc khai phóng : người Anh có thể đến nội địa du lịch thông thương. Tại sông Trường Giang từ Hán Khẩu [Hankou, Hồ Bắc] hạ nguồn, chọn 3 chỗ ; vùng duyên hải mở thêm 5 cửa khẩu Ngưu Trang [Niuzhuang] tại Phụng Thiên, Ðăng Châu [Dengzhou] thuộc Sơn Ðông, Ðài Loan [Taiwan] thuộc Phúc Kiến, Triều Châu [Chaozhou], Quỳnh Châu [Quiongzhou] thuộc Quảng Ðông.

– Thứ ba liên quan đến lãnh sự tài phán : phàm án kiện của người Anh do quan Anh xét xử.

– Thứ tư liên quan đến thuế : sẽ có thương nghị riêng tại Thượng Hải, từ nay trở về sau thuế tắc 10 năm sửa đổi một lần, thuế xuất khẩu đánh 2,5 % trên giá hàng, và chỉ chịu thuế một lần.

– Thứ năm : bảo hộ truyền giáo.

– Thứ sáu : nước Anh được đãi ngộ tối huệ quốc.

– Thứ bảy : văn thư điều ước lấy Anh văn làm chuẩn, từ nay trở về sau đối

0