Lễ hội Yên Tử - 13 bài văn viết về lễ hội hay nhất
Quảng Ninh được mệnh danh là "Đất tổ Phật giáo Việt Nam" và gắn liền với Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Nhắc đến Quảng Ninh ta không thể không nhắc đến di tích chùa Yên Tử nổi tiếng. Chùa Yên Tử bao gồm một hệ thống các chùa, am, với những giá trị lịch sử lâu đời gắn liền với thiền phái ...
Quảng Ninh được mệnh danh là "Đất tổ Phật giáo Việt Nam" và gắn liền với Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Nhắc đến Quảng Ninh ta không thể không nhắc đến di tích chùa Yên Tử nổi tiếng. Chùa Yên Tử bao gồm một hệ thống các chùa, am, với những giá trị lịch sử lâu đời gắn liền với thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Nơi đây được ví như chốn bồng lai tiên cảnh, là một trong những địa điểm du lịch tâm linh hấp dẫn du khách thập phương trong và ngoài nước.
Núi Yên Tử (Uông Bí - Quảng Ninh) là một ngọn núi cao và đẹp, nổi tiếng được mệnh danh là "đệ nhất linh sơn" hay "Phật sơn" của nước ta, non thiêng Yên Tử nổi tiếng nhất là quần thể chùa Yên Tử với văn hóa tâm linh và các di tích lịch sử về Phật giáo, Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Dòng chảy lịch sử Phật giáo tại Yên Tử bắt nguồn từ khi vua Trần Nhân Tông nhường ngôi cho vua Trần Anh Tông, với lòng thành hướng về chốn non cao tầm đạo, năm 1299 vua Trần Nhân Tông đến mảnh đất Yên Tử, bắt đầu cuộc sống tu hành theo 12 điều khổ hạnh, cho xây dựng hệ thống các chùa chiền, am, tháp, mỗi chùa lại có những sự tích riêng.
Danh thắng Yên Tử với đỉnh núi cao 1068m so với mực nước biển nên đỉnh núi lúc nào cũng có mây mù bao phủ, lại thêm phong cảnh thiên nhiên hữu tình, đa dạng và phong phú các loài động, thực vật, tiêu biểu có các cây đại thụ như cây tùng cổ 700 tuổi, cây đại cổ, các động vật tiêu biểu như cu li lớn, khỉ mặt đỏ, sơn dương, rồng đất,...Xung quanh quần thể chùa Yên Tử là các di tích và thắng cảnh nổi tiếng như Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử, Khu di tích lịch sử nhà Trần.
Chúng ta bắt đầu hành trình lên đỉnh Yên Tử tại dòng suối Giải Oan và ngôi chùa Giải Oan, chính Phật Hoàng đã đặt tên Giải Oan nhằm giúp siêu độ cho những cung nữ theo hầu vua đã nhảy xuống suối tự vẫn khi vua không cho theo hầu hạ. Chùa Giải Oan vốn linh thiêng có tiếng, lưng tựa vách núi, mặt hướng ra dòng suối róc rách đêm ngày, đứng dưới chùa Giải Oan nhìn lên sẽ thấy ngọn núi Yên Tử cao vời vợi. Chùa Hoa Yên được coi là ngôi chùa chính của hệ thống chùa Yên Tử, chùa ở lưng chừng núi, thế rất vững chãi, cảnh trí nơi đây vô cùng tuyệt đẹp với trăm hoa đua nở, những đám mây dường như cũng kết thành những đóa hoa giăng trước cửa chùa.
Con đường hành hương lên đỉnh Yên Tử luôn có những bậc đá và hàng cây xanh hai bên đường, hàng Tùng cổ thụ 700 tuổi với rễ bám sâu vào vách núi, tán rộng khổng lồ che rợm đường cho người phật tử. Vườn tháp trung tâm của chùa Yên Tử là khu Tháp Tổ gồm 64 ngọn tháp và mộ, ngoài ra còn có các am như am Ngự Dược, am Thung là nơi nghiên cứu, bào chế và sản xuất thuốc từ các loại thảo dược trên núi Yên Tử. Đặc biệt nhất là chùa Một Mái nằm ẩn sâu trong hang núi, chỉ phô ra bên ngoài nửa mái, cảnh chùa tĩnh lặng, thanh thoát dường như là một thế giới khác cách xa nơi trần tục. Ngoài các di tích chùa, am, tháp, nơi đây còn có Thiền Viện Trúc Lâm Yên Tử - thiền viện lớn nhất Việt Nam với kiến trúc uy nghiêm, khang trang và bề thế.
Ngôi chùa cao nhất của Yên Tử là chùa Đồng, Phật Hoàng đã chọn nơi đây để tĩnh thiền, toàn bộ kết cấu đều được làm bằng đồng kể cả đồ thờ tự nhằm thích ứng được với khí hậu ẩm ướt quanh năm. Nếu bạn không muốn phải đi bộ đến 6 cây số đường rừng núi gập ghềnh đá để lên đỉnh Yên Tử thì ngày nay bạn có thể đi cáp treo, hệ thống cáp treo hiện đại gồm hai chặng, từ chân núi lên đến chùa Hoa Yên và từ chùa Hoa Yên lên đến chùa Đồng, khi đi bằng cáp treo du khách cũng sẽ được ngắm toàn cảnh vùng núi Yên Tử. Với ý nghĩa là "Đất tổ Phật giáo Việt Nam", chùa Yên Tử là một trong những thắng tích Phật giáo được lựa chọn để các đại biểu tham dự lễ Phật đản trên khắp thế giới đến tham quan, chiêm bái. Lễ hội Yên Tử được tổ chức hàng năm từ ngày mùng 10 tháng Giêng và kéo dài đến hết tháng 3, mỗi dịp lễ hội thu hút hàng triệu du khách thập phương đến tham quan, lễ bái và cầu an.
Chùa Yên Tử hay quần thể di tích Phật giáo Yên Tử nói chung là một niềm tự hào đối với mỗi người dân Việt Nam, đó là minh chứng cho nét đẹp văn hóa tâm linh của dân tộc ta, về với Yên Tử như được trở về cội nguồn, về miền đất tổ của nền Phật giáo nước nhà.