Lễ hội Đền Hùng - Phú Thọ - 13 bài văn viết về lễ hội hay nhất
Mong mỏi mãi, năm nay em mới được cha mẹ cho đi một chuyến hành hương về cội nguồn đi thăm đền Hùng vào ngày 10 tháng 3 âm lịch. Qua cầu Bạch Hạc, thuộc đất Vĩnh Phú, đã thấy ngọn núi Hùng cao lồng lộng in lên trên nền trời. Xung quanh là một dãy núi hùng vĩ, theo truyền ...
Mong mỏi mãi, năm nay em mới được cha mẹ cho đi một chuyến hành hương về cội nguồn đi thăm đền Hùng vào ngày 10 tháng 3 âm lịch.
Qua cầu Bạch Hạc, thuộc đất Vĩnh Phú, đã thấy ngọn núi Hùng cao lồng lộng in lên trên nền trời. Xung quanh là một dãy núi hùng vĩ, theo truyền thuyết thì đó là đàn voi quy phục về đất Tổ, nhưng có một con quay đuôi lại bị nhát dao chém vào đuôi đến nay còn dấu tích.
Đúng là một ngày hội: các cụ, các bà thì khăn đóng, áo dài, các anh các chị thì mặc những bộ quần áo có nẹp đỏ cổ kính thời xưa theo đoàn rước kiệu về đền chính. Trời tháng ba mát mẻ, vầng dương chiếu xuống cây cối um tùm. Rừng sơn, rừng cọ sum suê, xanh mướt như ngọn núi Nghĩa Lĩnh vẫn ngạo nghễ uy nghi một cách khác thường.
Mỗi đám rước đi theo kiệu sơn son thiếp vàng, là đoàn người với chiêng, trống âm vang cả một vùng. Cổng đền Hùng ở chân núi phía tây. Muốn thăm các đền phải leo rất cao, cả thảy 495 bậc đá ong, uốn lượn theo triền núi. Đền Hùng có mấy bậc cấp. Dưới cùng là đền Giếng có hai giếng nước tương truyền là giếng tắm của công chúa Mị Nương, con gái vua Hùng Vương đời thứ 18.
Lên cao nữa là đến đền Hạ, theo cô thuyết minh, đây là nơi mẹ Âu Cơ sinh trăm người con, chia nhau đi làm chủ các vùng. Người con cả ở lại làm vua Hùng. Lên cao gần 200 bậc nữa thì đến đền Trung. Tương truyền đây là nơi vua Hùng cùng với các Lạc hầu, Lạc tướng bàn việc nước hệ trọng. Đến đền Hùng Vương thứ 6 còn thờ Phù Đổng nữa. Thêm 100 bậc nữa là ngọn núi Hùng nơi thờ trời đất.
Giỗ Tổ vào mùa xuân, tiết trời đẹp nhất trong năm nên không khí lễ hội thật tấp nập. Những người con đất Việt đi thăm đất Tổ để nhớ lại cội nguồn, và dâng lên tổ tiên tấm lòng thành kính của mình bằng nén hương, lễ vật theo tục lệ. Bất cứ ai, dù theo đạo Phật, đạo Gia tô, người Mường hay người Kinh, người Thổ... đều về đây với một tâm niệm về với cội nguồn của dân tộc mình.
Bởi vậy, sau lời phát biểu của Bộ trưởng Văn hóa nói về ý nghĩa cội nguồn dân tộc là các cuộc vui mở ra nhiều hình, nhiều vẻ. Nam nữ thanh niên lấy chày gõ xuống cái máng gỗ nhịp nhàng, rồi múa lân, múa sư tử, nhảy sạp rất vui. Ai ai cũng có nét mặt rạng rỡ, vui vẻ và những câu chuyện thường hay nói đến cái thời ấy “xã tắc vững bền, vua tôi hòa thuận”, còn biết bao nhiêu truyền thuyết thú vị nữa không sao nhớ hết.
Như câu chuyện dưới chân núi làng Thậm Thình có một truyền thuyết viết lại bằng thơ mà em chỉ thuộc được mấy câu:
Vua Hùng một sớm đi săn
Trưa tròn bóng nắng nghỉ chân chốn này.
Dân dâng một quả xôi đầy
Bánh chưng mấy cặp, bánh giầy mấy đôi.
Buổi tối, pháo hoa rực rỡ in lên nền trời tuy nhiên cuộc vui vẫn chưa kết thúc. Ra về mà lòng em còn nhớ mãi một chuyến đi thú vị. Em đã được về với đất Tổ có từ mấy nghìn năm và tự hào về nguồn cội của mình. Ở đây hầu như là đồi núi nhưng cũng có đồng lúa bát ngát và dòng sông mênh mông... Núi non hùng vĩ, đường đi uốn khúc quanh co, xứng đáng là một thủ đô của thời xa xưa.