Lễ hội Đền Bia - Hải Dương - 13 bài văn viết về lễ hội hay nhất
Việt Nam là quê hương của lễ hội nên vào mỗi dịp đầu xuân thì ở khắp mọi nơi trên lãnh thổ nước ta lại tấp nập không khí lễ hội, người người đổ về nơi có lễ hội hành hương, lễ phật cầu mong những điều tốt đẹp sẽ đến với mình cũng như cả gia đình. Đây là tín ngưỡng lâu đời và lễ hội ...
Việt Nam là quê hương của lễ hội nên vào mỗi dịp đầu xuân thì ở khắp mọi nơi trên lãnh thổ nước ta lại tấp nập không khí lễ hội, người người đổ về nơi có lễ hội hành hương, lễ phật cầu mong những điều tốt đẹp sẽ đến với mình cũng như cả gia đình. Đây là tín ngưỡng lâu đời và lễ hội cũng đã trở thành một nét đẹp văn hóa của Việt Nam.
Em cũng đã rất may mắn khi đã từng được chứng kiến khung cảnh lễ hội đầy thiêng liêng mà không kém phần nhộn nhịp. Đó là lần em cùng với bà của mình đi dâng hương ở một ngôi đền gần nhà, đặc biệt là em và bà đi vào đúng dịp lễ hội nên em có dịp chứng kiến nhiều cảnh tượng khó quên của không khí lễ hội ấy.
Lễ hội mà may mắn em đã được tham dự, đó chính là lễ hội Đền Bia, đây là lễ hội thường được tổ chức vào mỗi dịp hai mươi tháng giêng hàng năm. Tức sau Tết nguyên đán thì người dân khu vực này lại nô nức chuẩn bị mọi thứ cho lễ hội. Đền Bia là một ngôi đền nằm ở xã Cẩm Văn, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, đây là ngôi đền thờ đại danh y Tuệ Tĩnh, một vị lương y nổi tiếng của Việt Nam không chỉ về tài năng y thuật mà còn bởi sự đức độ của ông.
Tương truyền rằng xưa kia đại danh y Tuệ Tĩnh được vua cử đi sứ bên Trung Quốc, ở đây vì tài năng y thuật hơn người, ông đã chữa bệnh cho Tống Vương Phi, hoàng hậu của nhà Minh. Cũng từ đó mà ông được trọng dụng, vua Minh ban cho ông chức danh “Đại Y thiền sư”, cũng vì vậy mà ông không được trở về quê hương mà phải ở lại Trung Quốc.
Tuy xa xứ nhưng chưa một phút giây nào ông thôi nhớ về quê hương xứ sở của mình, khi ông mất ông đã dặn người đời khắc dòng chữ trên bia mộ của ông “Ai về nước Nam cho tôi theo với”, đây là tâm nguyện đầy tha thiết của Tuệ Tĩnh. Sau đó có vị tiến sĩ là Nguyễn Danh Nho vô tình đi qua, đọc được những dòng tâm nguyện này đã vô cùng xúc động nên đã khắc dòng chữ này lên một tấm bia khác và mang về quê hương, coi như giúp vị danh y này thực hiện được tâm nguyện.
Nhưng trên đường trở về, con thuyền bị lật, bia đá rơi xuống nước và không tìm thấy nữa, và vị trí bia rơi chính là xã Văn Thai ngày nay. Và khi nước cạn thì người ta đã tìm thấy tấm bia này, để tưởng nhớ vị danh y lừng lẫy, nhân dân nơi đây là lập lên một ngôi đền thờ và đặt tên gọi là Đền Bia.
Hàng năm, cứ sau dịp Tết nguyên đán thì dòng người thập phương ở khắp mọi nơi đổ về đây dâng hương, cầu mong những điều tốt đẹp, bởi nơi đây là nổi tiếng là một ngôi đền linh thiêng, dù là cầu sức khỏe, tiền tài hay may mắn thì đều cầu được ước thấy.
Ngày hôm đó em và bà nội đi lễ vào đúng dịp ngôi đền này mở hội nên đặc biệt đông vui, tấp nập, con đường dài dẫn vào đền chật ních xe máy, ô tô dựng bên đường, người người thì dắt rủ nhau vào đền làm lễ. Em và bà phải cố gắng lắm mới có thể vào được trong đền. Thật may mắn vì vừa đến nơi thì lễ hội rước tượng bắt đầu diễn ra.
Vẫn là không khí đông đúc, tấp nập người đó nhưng khi bắt đầu lễ rước thì hàng người đi lễ đều đứng dẹp gọn vào hai bên đường, tạo không gian cho đoàn rước đi qua. Không hiểu sao nhưng em cảm thấy không khí lúc ấy có phần thiêng liêng, thành kính hơn và dù không hiểu nhiều nhưng em cũng theo bà, nhìn về phía đoàn rước với tấm lòng thành kính.
Đoàn rước tượng gồm mười lăm người, trong đó có đoàn năm người rước kiệu của đại danh y Tuệ Tĩnh, đó là một bức tượng màu đỏ ngồi uy nghi, trang nghiêm trên một chiếc ghế cũng có màu đỏ. Xung quanh chiếc kiệu đó là một tấm màn màu đỏ trông thật huyền bí. Những người còn lại thì cầm cờ, đánh trống, đánh chiêng rất nhộn nhịp.
Vào trong ngôi đền, mọi người đều thành tâm thắp hương và cầu nguyện những điều tốt đẹp sẽ đến với mình, với đầy đủ mọi lứa tuổi gồm các bà, các cô, các mẹ, cũng có cả những anh chị trẻ tuổi nữa tất cả đều đến đây với tấm lòng thành kính. Trước cửa đền có một lư hương rất lớn, đây là nơi mọi người dâng hương.
Khu tam bảo và các ngôi đền xung quanh không được phép thắp hương vì du khách thập phương quá đông, nếu thắp hương nhiều có thể gây ra khói và có thể gây cháy. Ở khuôn viên của ngôi đền cũng vô cùng tấp nập, đó là những ông đồ ngồi viết chữ nho, các thầy bói đang ngồi giải quẻ, tất cả đều vô cùng nhộn nhịp.
Đây là lần đầu tiên em được đi chùa vào đúng dịp lễ hội như vậy. Qua buổi đi lễ ngày hôm đó em cũng đã có thêm rất nhiều hiểu biết cũng như ấn tượng về lễ hội ở Đền Bia. Em cũng thành tâm cầu xin sức khỏe cho ông bà, cho bố mẹ và em cũng mong muốn mình học tập thật tốt để không phụ tấm lòng của bố mẹ.