11/05/2018, 15:04

Làm thế nào để trở thành Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam

1. Xác định động cơ vào Đảng đúng đắn Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Vì sao chúng ta vào Đảng? Phải chăng để thăng quan, phát tài? Không phải!… Chúng ta vào Đảng là để hết lòng hết sức phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, làm trọn nhiệm vụ của người đảng viên”. Bác còn căn dặn ...

1. Xác định động cơ vào Đảng đúng đắn

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Vì sao chúng ta vào Đảng? Phải chăng để thăng quan, phát tài? Không phải!… Chúng ta vào Đảng là để hết lòng hết sức phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, làm trọn nhiệm vụ của người đảng viên”. Bác còn căn dặn nếu sợ không phục vụ được nhân dân, phục vụ được cách mạng thì đừng vào hay là khoan hãy vào Đảng. Bởi vì Đảng là tổ chức cách mạng có sứ mệnh cao cả đoàn kết và lãnh đạo nhân dân đấu tranh cho độc lập và chủ nghĩa xã hội, chứ không phải là nơi để tìm kiếm danh vọng, địa vị, thu hái lợi lộc.

Phấn đấu vào Đảng là để được đứng trong một tổ chức của những người cùng chung chí hướng đấu tranh xây dựng một xã hội mới tốt đẹp dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh. Vào Đảng là dấn thân theo lý tưởng cách mạng, chấp nhận hy sinh, phấn đấu, quyết tâm đi theo con đường mà Đảng, Bác Hồ và dân tộc ta đã chọn là xây dựng chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản. Cái được lớn nhất khi vào Đảng là được phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, được Đảng và nhân dân tin cậy, yêu mến.– Trong quá trình phấn đấu vào Đảng, việc xây dựng động cơ vào Đảng đúng đắn là điều có ý nghĩa quyết định. Đảng chỉ kết nạp những người thực sự giác ngộ về mục đích, lý tưởng cách mạng, quyết không thu nhận vào hàng ngũ mình những người mang động cơ thiếu trong sáng, lệch lạc; càng không để cho các phần tử cơ hội lọt vào Đảng. Để có động cơ vào Đảng đúng đắn, cần hiểu sâu sắc bản chất, mục đích của Đảng, tích cực góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ do Đảng đề ra; thường xuyên trau dồi đạo đức cách mạng, đấu tranh khắc phục mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, thực dụng, vụ lợi, xa lạ với bản chất của người chiến sĩ cách mạng.

– Xây dựng động cơ vào Đảng đúng đắn hiện nay có ý nghĩa rất quan trọng. Trong điều kiện hoà bình, Đảng cầm quyền và cơ chế kinh tế thị trường, mỗi người chúng ta nói chung, người đảng viên nói riêng, luôn phải đối mặt với biết bao khó khăn, thử thách là những cám dỗ của quyền lực, tiền tài… Nếu người vào Đảng không có động cơ vào Đảng trong sáng sẽ không thể vượt qua được những thử thách, không thắng nổi sự cám dỗ vật chất và những thủ đoạn “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch.

2. Rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức cách mạng

Bản lĩnh chính trị thể hiện ở nhận thức đúng đắn và kiên định mục tiêu, lý tưởng đã lựa chọn; trong bất kỳ tình huống khó khăn nào cũng không dao động, giảm sút niềm tin và ý chí chiến đấu. Khí tiết của người cách mạng là “giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy vũ không thể khuất phục”. Đồng thời, bản lĩnh đó còn thể hiện ở tinh thần độc lập, sáng tạo, không thụ động, ỷ lại, bảo thủ, trì trệ. Trong điều kiện hiện nay, khi cách mạng thế giới tạm thời lâm vào thoái trào, cần đặc biệt nhấn mạnh đến sự kiên định lập trường, quan điểm chính trị, trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng, với lợi ích của nhân dân lao động và của dân tộc.

– Để có bản lĩnh chính trị vững vàng, người phấn đấu vào Đảng cần đứng vững trên lập trường của giai cấp công nhân, giữ vững niềm tin. Trước khó khăn không nao núng tinh thần, không mất phương hướng chính trị và có thái độ, chính kiến rõ ràng, kiên định.

– Bản lĩnh chính trị được hình thành chủ yếu bằng nỗ lực của bản thân trong quá trình học tập, nắm vững lý luận Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nền tảng tư tưởng của Đảng. Tích cực học tập, nâng cao trình độ về mọi mặt, tích luỹ kiến thức và kinh nghiệm, làm giàu vốn hiểu biết của mình. Bản lĩnh chính trị được rèn luyện qua hoạt động thực tiễn. Muốn trở thành đảng viên của Đảng cần thường xuyên tự rèn luyện mình qua thực tế sản xuất, công tác, hoạt động chính trị – xã hội. Chỉ có sự hiểu biết sâu rộng, trải nghiệm dày dạn qua trường học đấu tranh thực tiễn, chúng ta mới trở nên vững vàng, kiên định.

– Cùng với rèn luyện bản lĩnh chính trị, cần thường xuyên trau dồi đạo đức cách mạng. Có đạo đức cách mạng mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang. Đạo đức cách mạng có nội dung hết sức phong phú, nhưng như lời Bác Hồ dạy: “Nói tóm tắt, thì đạo đức cách mạng là: Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất”. Trong Đảng ta, biết bao đồng chí đã vì dân, vì Đảng mà hy sinh oanh liệt, đã nêu gương chói lọi về đạo đức cách mạng. Ngày nay, đại bộ phận đảng viên vẫn giữ vững phẩm chất đạo đức cách mạng, được nhân dân quý mến, tin cậy. Đạo đức cách mạng hoàn toàn trái ngược với chủ nghĩa cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân gây ra nhiều tác hại, có khi nghiêm trọng. Xây dựng đạo đức cách mạng phải đi đôi với chống chủ nghĩa cá nhân.

Đạo đức cách mạng là kết quả của quá trình tu dưỡng, rèn luyện suốt đời, không ngừng nghỉ, như Bác Hồ đã dạy: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Ngày nay, đạo đức cách mạng còn là ý chí, quyết tâm và góp sức đưa đất nước thoát khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành quốc gia giàu mạnh, văn minh, nhân dân làm chủ xã hội và có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc. Không thể có đạo đức cách mạng nếu làm gì cũng tính toán thiệt hơn với Đảng, lúc nào cũng đòi hỏi hưởng thụ, muốn lựa chọn công việc theo ý thích và lợi ích cá nhân, sống cơ hội, thực dụng, coi đồng tiền là tất cả; lợi dụng cơ chế, chính sách để tham nhũng, lãng phí, làm giàu phi pháp…

– Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân không phải là phủ định vai trò, lợi ích cá nhân. Mỗi người đều có tính cách riêng, sở thích riêng, đờisống riêng của bản thân và gia đình. Lợi ích cá nhân được tôn trọng khi nó không trái với lợi ích chung của cộng đồng. Đường lối của Đảng là kết hợp hài hoà ba loại lợi ích: lợi ích toàn xã hội, lợi ích tập thể và lợi ích cá nhân, trong đó, lợi ích cá nhân là động lực trực tiếp. Đảng luôn luôn tôn trọng và quan tâm đến lợi ích cá nhân, đồng thời kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, đặt lợi ích cá nhân mình lên trên, lên trước lợi ích tập thể và toàn xã hội.

3. Nâng cao năng lực, hoàn thành tốt nhiệm vụ

– Đảng viên phải hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Phấn đấu trở thành người sản xuất, công tác, chiến đấu và học tập giỏi. Để xứng đáng với vai trò tiên phong, gương mẫu “đảng viên đi trước, làng nước theo sau” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy.

– Để trở thành đảng viên, người đang phấn đấu vào Đảng cần hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác của mình và nhiệm vụ được tổ chức đảng, đoàn thể giao cho, bảo đảm đạt chất lượng, hiệu quả cao. Đó là điều kiện chủ yếu để quần chúng tin cậy giới thiệu và tổ chức đảng xem xét kết nạp vào Đảng. Trong điều kiện hiện nay, ngoài nhiệt tình cách mạng cần đặc biệt coi trọng nâng cao năng lực trí tuệ và năng lực thực tiễn; không ngừng học tập, thường xuyên tiếp nhận những hiểu biết mới để đủ kiến thức đáp ứng các yêu cầu do thực tiễn đặt ra. Phải coi trọng việc học tập chính trị cùng với chuyên môn, nghiệp vụ. Đảng không thể kết nạp những người lười học tập, hoặc học lấy lệ, chỉ cốt lấy bằng cấp, không thể hiện được tính tiên phong, gương mẫu.

4. Gắn bó với tập thể, với nhân dân, tích cực tham gia hoạt động đoàn thể, công tác xã hội

Một trong những truyền thống quý báu của Đảng Cộng sản Việt Nam là sự gắn bó mật thiết, máu thịt với nhân dân. Đảng viên phải giữ vững và phát huy truyền thống đó, trước hết thể hiện sự gắn bó với quần chúng ở nơi làm việc và nơi cư trú của mình. Phải hoà mình với quần chúng, tin tưởng, am hiểu và lắng nghe ý kiến của quần chúng. Thường xuyên chăm lo đời sống, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, vận động nhân dân thực hiện đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

– Muốn trở thành đảng viên, người phấn đấu vào Đảng phải gắn bó với tập thể, với nhân dân với đồng nghiệp, bạn bè trong đơn vị công tác, với bà con làng xóm, khối phố, tôn trọng, chia sẻ, quan tâm giúp đỡ lẫn nhau. Hoà mình với quần chúng nhưng không bị động theo những suy nghĩ và việc làm tiêu cực, sai trái, mà luôn luôn đề cao tinh thần trách nhiệm; vận động mọi người đoàn kết, thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ do Đảng đề ra.

– Người phấn đấu vào Đảng phải nhiệt tình tham gia sinh hoạt đoàn thể mà bản thân là thành viên, góp phần phát huy vai trò của đoàn thể trong sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Qua hoạt động đoàn thể, người phấn đấu vào Đảng thể, hiện rõ vai trò, khả năng lãnh đạo, tập hợp quần chúng, phát huy tính tiên phong, gương mẫu – những phẩm chất cầu thiết để trở thành đảng viên của Đảng. Ở nơi có tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, người trong độ tuổi thanh niên muốn vào Đảng nhất thiết phải là đoàn viên ưu tú.

– Người muốn vào Đảng càng phải chú trọng mở rộng quan hệ xã hội và tích cực tham gia công tác xã hội, gương mẫu và vận động gia đình, người thân tham gia các phong trào, các hoạt động đoàn thể, các hoạt động nhân đạo, từ thiện, phát huy truyền thống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc; chống tệ nạn xã hội quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

5. Tích cực tham gia xây dựng đảng cơ sở

– Để được đứng trong hàng ngũ của Đảng, người phấn dấu vào Đảng phải tích cực tham gia xây dựng Đảng. Nhân dân ta gắn bó với Đảng và luôn tham gia đóng góp cho Đảng. Vì vậy, tham gia xây dựng tổ chức đảng ở cơ sở trong sạch, vững mạnh là trách nhiệm của người phấn đấu vào Đảng.

– Nội dung tham gia xây dựng tổ chức cơ sở đảng của người phấn đấu vào Đảng là: Bằng sự hiểu biết và kinh nghiệm thực tế của mình quan tâm đóng góp ý kiến với chi bộ, đảng bộ trong việc lãnh đạo cơ quan, đơn vị chấp hành tốt đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát triển và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, cải thiện đời sống nhân dân và động viên nhân dân làm tròn nghĩa vụ đối với Nhà nước.

– Tham gia xây dựng Đảng ở cơ sở còn bao gồm các nội dung sau:
+ Tích cực hưởng ứng các phong trào, các hoạt động triển khai thực hiện chủ trương nhiệm vụ do đảng bộ, chi bộ đề ra với tinh thần chủ động sáng tạo, nỗ lực phấn đấu cao nhất. Góp phần tích cực đưa những chủ trương, nhiệm vụ đó vào cuộc sống, tạo ra bước phát triển mới của cơ sở, đơn vị, nhất là về phát triển kinh tế, xoá đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống của người lao động, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đẩy lùi những biểu hiện tiêu cực.
+ Chủ động nắm bắt tình hình thực tế, nắm bắt tình hình tư tưởng của quần chúng nhân dân, kết quả thực hiện chủ trương, chính sách, nghị quyết của Đảng, kịp thời phản ánh, đề xuất với tổ chức đảng.
+ Tích cực và mạnh dạn tham gia góp ý kiến đối với sự lãnh đạo của tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên.
+ Tham gia ý kiến khi được hỏi về việc giới thiệu những đảng viên ưu tú, đủ tiêu chuẩn để tổ chức đảng xem xét, bầu vào cấp uỷ; giới thiệu những quần chúng ưu tú có đủ điều kiện để tổ chức đảng xét kết nạp.
+ Tham gia góp ý kiến đối với hoạt động của chính quyền và đoàn thể, góp phần xây dựng cơ sở chính trị trong sạch, vững mạnh.
+ Tích cực và kiên quyết đấu tranh bảo vệ Đảng, giữ vững ổn định chính trị – xã hội ở cơ sở, đơn vị. Góp phần làm thất bại mọi âm mưu và thủ đoạn phá hoại của các phần tử xấu, các thế lực thù địch lợi dụng dân chủ để xuyên tạc chủ trương chính sách của Đảng; vu cáo, bôi nhọ những cán bộ, đảng viên, tích cực, trung thực; kích động, chia rẽ đoàn kết, gây rối nội bộ.

0