18/06/2018, 16:04

Lý Thường Kiệt, lịch sử ngoại giao và tông giáo triều Lý

Hoàng Xuân Hãn BẢNG VIẾT TẮT CÁC TÊN TÀI LIỆU ANCL An-nam chí-lược. Lê Tắc (Trần) ANCN An-nam chí-nguyên. Cao Hùng-Trưng (Minh) B Le bouddhisme en Annam. Trần Văn-Giáp BA Bia chùa Báo-ân(Lý) BM Tục-tư-trị thông-giám trường-biên bản-mạt. Dương Trọng-Lương (Tống) CM ...

71-2C-31-A9-F1-D8-D0-E9-64-CA-2E-5A-B2-C5-F1-680833-4b5b6

Hoàng Xuân Hãn

BẢNG VIẾT TẮT CÁC TÊN TÀI LIỆU

ANCL An-nam chí-lược. Lê Tắc (Trần)

ANCN An-nam chí-nguyên. Cao Hùng-Trưng (Minh)
B Le bouddhisme en Annam. Trần Văn-Giáp
BA Bia chùa Báo-ân(Lý)
BM Tục-tư-trị thông-giám trường-biên bản-mạt. Dương Trọng-Lương (Tống)
CM Khâm-định Việt-sử thông-giám cương mục (Nguyễn)
CN Chinh nam nhất tống văn-tư. Quách Quì (Tống)
ĐĐSL Đông-đô sự lược. Vương Xưng (Tống)
ĐHBL Đông-hiên bút lục. Ngụy Thái ( Tống)
ĐKĐD Đồng-khánh địa-dư (Nguyễn)
ĐNNTC Đại-nam nhất-thống-chí (Nguyễn)
ĐP Đàm phố. Tôn Thăng (Tống)
HN Bia chùa Hưng-nghiêm (Lý)
HVDĐC Hoàng-Việt dư-địa-chí. Phan Huy-Chú (Nguyễn)
KL Kê lặc. Trang Xước (Tống)
LNĐĐ Lĩnh-ngoại đai đáp. Chu Khứ-Phi (Tống)
LX Bia chùa Linh-xứng. Hải-chiếu đại-sư Pháp-Bảo (Lý)
MC Mộ-chí : Quách Quì. Phạm Tổ-Vũ (Tống)
Triệu Tiết . Phạm Bách-Lộc (Tống)
Yên Đạt. Tăng Bố (Tống)
Lưu Khánh-Đàm (Lý)
Lưu Khánh-Ba (Lý)
MKBĐ Mộng-khê bút đàm. Thẩm Hoạt (Tống)
NBS Thần phổ Lý Thường-Kiệt. Nhữ Bá-Sĩ (Nguyễn)
NL Nhật-lục (Tống)
NTDT Nhị Trình di-thư. Trình Di và Trình Hạo (Tống)
PBTL Phủ-biên tạp-lục. Lê Quí-Đôn (Lê)
QHNHC Quế-hải Ngu-hành-chí. Phạm Thành-Đại (Tống)
SK Đại-Việt sử-ký (Nguyễn Tây Sơn)
SNDKT Bia chùa Sùng-nghiêm-diên-thánh. Hải-chiếu đại-sư Pháp-Bảo (Lý)
STCT Sở thụ chiếu trát tăng tu. Quách Quì (Tống)
STDL Bia tháp Sùng-thiện-diên-linh. Nguyễn Công-Bật (Lý)
TB Tục-tư-trị thông giám trường-biên. Lý Đào (Tống)
TCK Thời-chính-kỷ (Tống)
THY Tống hội-yếu (Tống)
TĐ Tùng-đàm. (Thái Thao (Tống)
TL Thực-lục : Tống Thần-Tông (Chu-bản và Mặc-bản) Tống Triết-Tông (Tống)
TNDĐC Thiên-Nam dư-địa-chí (Lê)
TNTC Thiên-Nam tứ-chí (Lê)
TS Tống-sử (Nguyên)
TS 14, 15 Thần-tông kỷ
TS 290 Quách Quì truyện, Địch Thanh truyện
TS 325 Dư Tĩnh truyện
TS 332 Triệu Tiết truyện. Lý Sư-Trung truyện. Lục Sằn truyện
TS 334 Thẩm Khỉ truyện. Lưu Di truyện. Tiêu Chú truyện. Hùng Bản truyện. Đào Bật truyện.
TS 349 Yên Đạt truyện. Diêu Tự truyện
TS 350 Hòa Mân truyện. Khúc Chẩn truyện.
TS 446 Tô Giàm truyện.
TS 488 Giao-chỉ truyện.
TS 489 Chiêm-thành truyện.
TS 495 Quảng-nguyên-châu man truyện. Nùng thị.
TT Đại-Việt sử-ký toàn-thư. Ngô Sĩ-Liên (Lê)
TTh Tốc-thủy kỷ-văn. Tư-mã Quang (Tống)
TUTA Thiền-uyển tập-anh ngự-lục (Trần)
ƯTĐDC Ức-trai dư-địa-chí (Lê)
VĐLN Vân-đài loại-ngữ. Lê Quí-Đôn (Lê)
VĐUL Việt-điện u-linh. Lý Tế-Xuyên (Trần)
VKT Việt-kiệu-thư. Lý Văn-Phượng (Minh)
VSL Việt-sử-lược (Trần)

Phần I – Bại Chiêm Phá Tống

CHƯƠNG NHẤT – GỐC TÍCH

1. Gốc tích

Lý Thường-Kiệt quê phường Thái-hòa, ở trong thành Thăng-long, phía hữu (VĐUL) nghĩa là phía tây (HVDĐ). Thái-hòa cũng là tên một núi nhỏ ở phía tây trong thành Thăng-long, bây giờ, ở phía nam đê Bách-thảo, gần chỗ rẽ xuống trường đua ngựa. Lý Thường-Kiệt có nhà ở gần núi ấy.

Tuy là họ Lý, nhưng ông không phải là người hoàng tộc. Theo bia NBS, có chỗ chép tên húy ông là Tuấn, và nói Thường-Kiệt chỉ là tự mà thôi. Nhữ Bá-Sĩ bàn rằng có lẽ ngày xuất thân mới dùng tự làm tên.

Cha, tên An-Ngữ, sung chức Sùng-ban-lang-tướng (1) ở triều Lý. (VĐUL)

Mẹ, họ Hàn. Năm 20 tuổi sinh Thường-Kiệt. Ấy vào năm Thuận-thiên thứ 10 (1019) đời Lý Thái-Tổ. Sau lại sinh Lý Thường-Hiến, mà có chỗ cũng gọi là Thường-Hiển. (NBS)

Khoảng niên hiệu Thiên-thành, đời Lý Thái-Tông, cha đi tuần biên địa, ở Tượng-châu, thuộc Thanh-hoá, bị bệnh rồi mất vào năm Tân-mùi (1031). Thường-Kiệt bấy giờ mười ba tuổi, đêm ngày thương khóc không dứt. (NBS)

Chồng cô, là Tạ Đức thấy thế, đem lòng thương và dỗ dành. Nhân đó hỏi ông về chí hướng. Ông trả lời : ” Về văn học, biết chữ để ký tên là đủ. Về vũ học, muốn theo Vệ Thanh, Hoắc Khứ (2), lo đi xa vạn dặm để lập công, lấy được ấn phong hầu, để làm vẻ vang cho cha mẹ. Đó là sở nguyện “. Tạ Đức khen là có chí khí, bèn gả cháu gái tên là Thuần Khanh cho ông, và dạy cho học các sách binh thư họ Tôn, họ Ngô.

Thường-Kiệt đêm ngày học tập. Đêm đọc sách, ngày tập bắn cung, cưỡi ngựa, lập doanh, bày trận. Các phép binh thư đều thông hiểu cả. Tạ Đức lại khuyên đọc sách nho. Thường-Kiệt rất chịu gắng công học tập, nên chóng thành tài.

Đoạn trên này, chép theo bia NBS, là một bia mới dựng đời Tự-Đức. Chắc rằng Nhữ Bá-Sĩ chép theo thần phổ. Thần phổ phần nhiều là lời chép tục truyền hay lời bịa đặt, ta không thể hoàn toàn tin những chi tiết quá rõ ràng chép trong thần phổ. Nhưng sự giáo dục Thường-Kiệt kể trên đây là hợp với những điều ta còn biết về đời nhà Lý.

Từ lúc nhà Đinh mở nước, các vua đều lấy vũ công mà gây dựng cơ đồ. Đến Lý Công-Uẩn, xuất thân cũng là tay vũ tướng. Cho nên triều đình và xã hội bấy giờ chuộng vũ. Thanh niên thì lấy nghề làm tướng là vinh. Hễ mỗi khi có giặc dã nổi lên, tuy tại nơi rất xa lánh, vua cũng thân chinh, hoặc sai hoàng tử đi cầm quân. Lý Thường-Kiệt con một vũ tướng, được dạy nghề vũ, thích nghề vũ ; sự ấy là lẽ dĩ nhiên.

Còn về nho học, bấy giờ chưa thịnh. Phần vì óc thượng vũ, phần vì tục mộ Phật và dị đoan rất mạnh ở dân gian cũng như trong cung điện, cho nên nho học, từ đời Hán đưa vào, tuy bấy giờ vẫn được duy trì, nhưng phải đợi đến năm 1070 mới dựng Văn-miếu, và năm 1075 mới có khoa thi nho (3). Trước năm 1040, Lý Thường-Kiệt học sách nho, là một việc đáng được chú ý và ghi chép.

Năm ông 18 tuổi (1036), mẹ mất. Hai anh em lo đủ mọi lễ tống táng. Trong khi cúng tế, hễ có việc gì, cũng tự tay mình làm. (NBS)

Lúc hết tang, nhờ phụ ấm, Thường-Kiệt được bổ chức Kỵ mã hiệu-úy, tức là một sĩ quan nhỏ về đội quân cưỡi ngựa.

2. Vào cấm đình

Năm lên 23 tuổi, là năm Tân-tị (1041), niên hiệu Càn-phù hữu-đạo đời Lý Thái-Tông, ông được bổ vào ngạch thị vệ để hầu vua, và sung chức Hoàng-môn chỉ-hậu. Chức này là một chức hoạn quan.
Như trên đã nói, ông cưới vợ mấy năm về trước. Thế thì, vì lẽ gì ông lại tĩnh thân để làm hoạn quan ? Về việc này có nhiều thuyết.

Bia LX, dựng đời Lý, chỉ nói tóm tắt rằng : ” Lúc ông còn nhược quán, được cử vào cấm thát hầu vua Thái-Tông hoàng đế “. Hai chữ nhược quán nghĩa là tuổi vào khoảng hai mươi, gần đúng như lời bia NBS. Sách VĐUL, đời Trần, chép rằng : ” Vì ông có dáng mặt đẹp, nên mới tĩnh thân mà sung vào chức Hoàng-môn chỉ-hậu “. Theo hai sử liệu xưa trên, thì ông tự yếm mà làm hoạn quan.

Nhưng bia NBS có kể lại rằng : ” Về việc này, có hai thuyết. Một thuyết : lúc vua Lý Thái-Tông đánh bắt được Nùng Trí-Cao rồi lại thả ra (1041), ông nhất thiết can ; vua cho là thất lễ, bèn phạt bắt tĩnh thân. Sau khi ông trở về nhà, vua lại triệu vào hầu cận. ” Thuyết thứ hai là thuyết đã thấy ở sách VĐUL ; rằng : Vua thấy mặt mũi đẹp đẽ, cho ông tiền ba vạn, bảo tự yếm.

Lý Thường-Kiệt đã tự yếm ; đó là một sự thật, vì tuy thần tích có nói ông đã lấy vợ, mà sau, sử ta cũng như sách Mộng-khê-bút-đàm của người Tống đều nói ông là một hoạn quan. Thuyết nói ông vì can vua mà bị nhục hình, thì chắc sai. Việc bắt tha Nùng Trí-Cao là vào tháng 11 năm Tân-tị, 1041.Và cũng năm ấy ông được vào cấm thát. Không lẽ trong hai tháng cuối năm, mà ông bị phạt nặng rồi được cất lên cao như thế. Vả không lẽ vua vừa tha và phong hầu cho một nghịch thần, mà lại bắt tự yếm một người tôi trung, trẻ tuổi.

Thuyết sau có lý hơn. Hoạn quan xưa nay nhiều quyền thế, vì thường ngày ở cạnh vua. Nhất là từ đời Đường, hoạn quan lại càng được thế. Khi trước, tuy được vua tin nghe, nhưng hoạn quan cũng thường chỉ hành động trong cung thất. Từ đời Đường, thì được công nhiên cầm chính quyền hay làm đại tướng. Vì những lẽ ấy, đời sau lắm kẻ tự tĩnh thân để được chọn. Đối với Lý Thường-Kiệt, có đặc biệt hơn là được vua ban tiền và sai làm. Ông nghe lời. Bấy giờ ông 23 tuổi. Không biết bà vợ ra sao, hay là lúc ấy đã mất rồi. Không sách nào nói đến.

Ông vào cấm thát. ” Chưa được một kỷ (12 năm), tiếng nổi nội đình ” (Bia LX). Được thăng nhiều lần, lên đến chức Đô-tri, ông coi tất cả mọi việc trong cung. (VĐUL và bia NBS)

Năm Lý Thánh-Tông lên ngôi (1054, ông 36 tuổi), vì đã có công phù dực, ông được thăng chức Bổng-hành-quân-hiệu-úy, tức là một chức vũ quan cao cấp. ” Hàng ngày, ông hầu cận bên vua, hiến việc tốt, can việc xấu, giúp vua hết mọi cách. Vì cần lao giúp rập, nên được cất lên chức Kiểm-hiệu-thái-bảo (Bia LX), tức là một chức tại triều rất cao (4).

3.- Kinh phỏng Thanh nghệ

Sách VĐUL (NBS cũng chép) chép rằng : ” gặp lúc trong nước, ở cõi tây nam, dân nổi lên chống các thuộc lại, dân Man Lào lại hay tới quấy rối. Vua thấy ông siêng năng, cẩn thận, khoan hồng bèn sai ông làm Kinh-phỏng-sứ vào thanh tra vùng Thanh-hoá, Nghệ-an, và trao quyền tiện nghi hành sự. Ông phủ dụ dân khôn khéo, nên tất cả năm châu, sáu huyện, ba nguồn, hai mươi bốn động đều qui phục và được yên ổn “.
Ấy là lần thứ nhất ông lập vũ công.

Về việc loạn này, trong sách TT không thấy chép. Duy chỉ sách VSL có biên rằng : ” năm 1061, Ngũ-huyện-giang ở Ái-châu (5) nổi loạn “. Ngũ-huyện-giang là tên một vùng thuộc lộ Thanh-hoá. Đời Tiền-Lê và đời Lý thường dùng tên sông mà gọi đất có sông ấy, ví dụ Bắc-giang-lộ, Đà-giang-lộ. Theo hai bia đời Lý, bia HN và mộ chí Lưu Khánh-Đàm (6), Ngũ-huyện-giang chắc ở Thanh-hoá, là sông Mã ngày nay. Vả TT chép đời Lê và Lý dân Lữ-long nổi loạn, tức là dân Mường vùng Cẩm-thủy ngày nay. YÙ chừng Lý Thường-Kiệt vào kinh phỏng Ái-châu là để dẹp loạn Mường và đúng năm 1061 ấy. Bấy giờ ông 43 tuổi.

CHÚ THÍCH
(1) – Theo (ANCL), trong quan chế đời Lý có hai tên Sùng-ban và Lang-tướng, nhưng sách ANCL chép hai tên ấy rời nhau. Sùng-ban lang-tướng là hàm lang-tướng thuộc ban Sùng-ban chăng ? ANCL có chép hàm Vũ-nội lang-tướng, thì chắc rằng hàm Sùng-ban lang-tướng có thật.1.
(2) – Vệ Thanh là một danh đời Hán, bảy lần đánh Hung-nô. Hoắc Khứ tức là Hoắc Khứ-Bệnh, con em gái Vệ Thanh, cũng là một tướng tài đời nhà Hán, đánh Hung-nô nhiều lần.1.

(3) – Trước đó tuy chưa có đặt khoa cử, nhưng nho giả đã được trọng dụng. Trong việc bang giao với Tống phải cần đến nho thần biết ứng đối, biết làm thơ. Năm 1043 vua Lý Thái-Tông du ngoạn ở núi Vũ-ninh, có nho thần đi theo làm thơ (TT).1.

(4) – Sách VĐUL cũng chép như vậy. Kiểm-hiệu nguyên là một chức giám sát. Đến đời Tống, chỉ là một hàm, dùng để ban gia cho các quan vào hàng cao nhất. Những hàm ấy, ở đời Lý, kể từ cao xuống thấp, có : Thái-sư, Thái-úy, Thái-phó, Thái-bảo, Phụ-quốc, Thiếu-sư, Thiếu-uý, Thiếu-phó, Thiếu-bảo. (ANCL).2.

(5) – Sách VĐUL nói ” Năm châu, sáu huyện, ba nguồn, hai mươi bốn động “. Có lẽ muốn nói vùng thượng du Thanh Nghệ .3.

(6) – Bia HN chép : ” vua Lê Đại-Hành đi tuần du Ngũ-huyện-giang, nhân tới thăm chùa Hương-nghiêm “. Chùa này ở huyện Đông-sơn, tỉnh Thanh-hoá (NV1).

(7) – Bia LKĐ chép : Lưu Khánh-Đàm người thôn Yên-lang, thuộc Ngũ-huyện-giang, quận Cửu-chân (NV1).3.

CHÚ Ý : Con số cuối mỗi chú thích là số mục của đoạn cần chú thích trong chương này. Ví dụ (5)…3. Nghĩa là chú thích (5) ở đoạn 3 trên.

CHƯƠNG II – ĐÁNH CHIÊM THÀNH

Bản đồ I. Tống-Việt-Chiêm

Bản đồ I. Tống-Việt-Chiêm

Đầu đời Lý, Chiêm-thành là một nước phồn thịnh, địa giới từ vùng Bình-thuận đến vùng Quảng-bình ngày nay. Ở cực bắc có châu Bố-chánh, ở phía nam núi Hoành-sơn, giáp địa phận Hoan-châu thuộc nước ta.

Vùng biên giới ấy không khi nào được yên hẳn. Châu Hoan và châu Ái bị quân Chiêm quấy nhiễu luôn. Các vua ta thường thường phải sai quân đi chinh phạt.

Ngay sau khi Đinh Tiên-Hoàng mới nhất thống sơn hà, mà nước đã bị quấy. Nguyên là, Đinh Bộ-Lĩnh đã diệt mười hai sứ quân, mà trong số ấy có Ngô Nhật-Khánh. Nhật-Khánh là dòng dõi Ngô Quyền. Bấy giờ y còn trẻ. Vua Đinh lấy mẹ y làm hậu, đem em gái y gả cho con giai mình là Liễn, và gả con gái mình cho Nhật-Khánh. Tuy nhiên, Nhật-Khánh vẫn oán ; bèn chạy vào Chiêm-thành. Cuối năm Kỷ-mão (979), Nhật-Khánh đưa hơn nghìn thuyền Chiêm về đánh kinh đô Hoa-lư. Chẳng may, khi vào cửa bể Đại-ác và Tiểu-khang (thuộc hải phận Ninh-bình Nam-định ngày nay. Đại-ác nay là Đại-an, tức là cửa Đáy, Tiểu-khang thuộc huyện Yên-mô), thuyền bị bão chìm. Quân Chiêm tan và Nhật-Khánh cũng bị chết. (TT)

Sau khi Lê Hoàn lên ngôi, sai sứ sang giao hiếu với Chiêm-thành (982). Hai sứ là Từ Mục và Ngô Tử-Canh đều bị Chiêm giữ lại. Vua Lê mang quân vào đánh, phá thành trì, hủy tông miếu, giết chúa và bắt vô số dân đưa về. (TT)

Đó là cuộc nam phạt đầu tiên trong lịch sử độc lập của các vua ta. Chiêm-thành, vì đó, phải kinh sợ, nhún nhường. Có lúc vua Lê không chịu nhận sứ Chiêm, chúa Chiêm phải sai cháu là Chế Cai sang cống để tạ tội (994). Tuy vậy, năm 997 Chiêm lại ngấp nghé ở biên thùy. (TT)

Sau khi Lý Công-Uẩn lên ngôi, Chiêm-thành chịu cống. Năm 1011, có cống sư tử (có lẽ là tên cá sấu, xem II/4), nhưng năm 1020, vua Lý Thái-Tổ đã phải sai con là Khai-thiên-vương và tướng Đào Thạc phụ vào đánh đất Bố-chánh. (TT)

Chiêm-thành qua một hồi nội loạn ; các con cháu hoàng tộc tranh ngôi nhau. Cho nên nam thùy ta cũng được tạm yên. Thỉnh thoảng phái nào thua lại còn đem đồ đảng sang nước ta xin phụ, nhu con vua Chiêm sang năm 1039, và năm 1040 dân Bố-chánh kéo nhau hàng trăm tới ở nước ta. (TS 489)

Trong khoảng 16 năm, Chiêm-thành không hề cống hiến gì ta nữa. Mùa hè năm 1043, lại còn tới quấy ở ven bể. Vì thế, năm 1044, vua Lý Thái-Tông mới có cuộc thân chinh. Chuyến ấy, quân ta vào sâu trong nước, giết chúa là Sạ Đẩu, bắt 30 voi, 5000 nguời, và chém giết đến ba vạn người. Tháng bảy năm ấy, vua Lý kéo vào kinh đô, bắt cung nhân, nhạc nữ rất nhiều. (TT)

Sau cuộc đại bại này, Chiêm-thành rất kính nể ta ; và theo lệ cống hiến đều đều. Lúc hiến voi trắng, lúc hiến tê trắng, lúc sang mừng vua Thánh-Tông mới lên ngôi. Sách TT và nhất là sách VSL chép rất rõ ràng (1).

Sau khi cống vua ta một con tê trắng vào năm 1065 (VSL), Chiêm-thành không sai sứ sang ta nữa. Thật ra, sách TT có chép rằng ” năm 1068, Chiêm-thành hiến voi trắng, nhưng sau lại nhiễu biên giới “. Nhưng chắc TT lầm, vì một lẽ việc ấy không thấy chép ở VSL là sách chép rất đầy đủ về các việc Chiêm-thành cống vua ta, và lẽ nữa là còn có nhiều chứng cớ khác tỏ rằng từ năm 1065, Chiêm-thành tuyệt giao với ta (2). Những chứng ấy, sau sẽ rõ.

Chứng đầu là lời bia LX nói rõ rằng : ” kịp đến khi nước Phật-thệ (tức là Chiêm-thành) hỗn phép không tới chầu, quân nhà vua rầm rộ kéo sang đánh “. Chứng thứ hai là sau khi khải hoàn, vua Lý dâng biểu sang vua Tống nói rằng : ” Chiêm-thành đã lâu không tới cống, tôi tự đem quân sang đánh, bắt được chúa nó về ” (TS 488). Hai tài liệu xưa ấy chứng rằng trong bốn năm (1065-1069) Chiêm-thành không tới cống vua Lý, và ta vin vào cớ này để đánh nước ấy.

Nguyên nhân sự chiến tranh Chiêm-Việt là sâu xa hơn, chứ không phải vì cớ trên mà thôi.

Một mặt, Lý Thánh-Tông là vua ta đầu tiên có óc lập một đế quốc, có danh ngang với một nước thiên tử. Vua đặt quốc hiệu Đại-Việt (1054), tôn các vua trước là Thái-Tổ, Thái-Tông, (TS 488 và LNDV 2), coi các nước nhỏ là chư hầu, và muốn ngăn cấm Chiêm-thành thần phục Tống.

Một mặt, Chiêm-thành trước bị Lý Thái-Tông đánh phá kinh đô, giết chúa, bắt dân, tự nhiên đã trở nên thâm thù với ta. Chiêm-thành lẩn lút sang thần phục Tống và tìm cách dựa thế Tống để trả thù ta. Năm Tống Hoàng-Hựu thứ 7 (1035), Quảng-tây an-vũ-sứ tâu rằng : ” Chiêm-thành vốn không hay tập binh. Ở gần Giao-chỉ, thường hay bị lấn. Nay Chiêm-thành soạn sửa quân bị đe åchống Giao-chỉ ” (TS 489)

Từ lúc Rudravarman III, mà sử ta gọi Chế-Củ, (TT) hay là Đệ-Củ (VSL), lên ngôi vào khoảng cuối năm 1061, chí báo thù của Chiêm lại càng mạnh. TS 489 chép rằng ” vừa mới lên ngôi, Dang-pu-sơ-li Lu-đa-ban-ma-đê-ba (Yan Pu Cri Rudravarmandra, theo Le Royaume du Champa của Maspéro) tổ chức vũ bị, luyện tập binh lính. Lại sai sứ sang Tống cống phương vật và xin mua ngựa. Vua Tống ban cho một con ngựa bạch và cho phép mua lừa ở Quảng-châu “.

Xem thế thì ta cũng không lấy gì làm lạ rằng Rudravarman III không chịu cống vua Lý nữa, và vua Lý Thánh-Tông nhân đó đánh Chiêm-thành. Xét chính sách triều Lý, sau này, ta sẽ thấy rằng các vua Lý có định tâm lấn nước Tống để mở bờ cõi miền bắc. Đối với Chiêm-thành hèn yếu hơn Tống vạn bội, chắc rằng vua Lý Thánh-Tông cũng muốn xâm chiếm đất đai.

2. Sửa soạn

Đối với một cuộc hành binh vĩ đại như cuộc này, sử ta chép rất sơ lược. Hình như đời Lê Thánh-Tông, đoạn sử này, của Lê Văn-Hưu để lại, đã bị thiếu sót, hay là Ngô Sĩ-Liên biên Đại-Việt Sử-ký Toàn-thư tự ý ước lược đi ? Sách TT chỉ nói qua một vài câu, không ghi chi tiết gì cả. May còn có sách Việt-sử-lược từ đời Trần y nguyên còn lại, chép khá rõ ràng.
Theo TT, quân ta có 5 vạn. Quân ấy không phải có sẵn cả. Phần lớn huy động dân thường.

Theo Chu Khứ-Phi (LNĐĐ 2) và Ngô Thì-Sĩ (SK3), khoảng đầu đời Lý, binh chế theo phép quân phủ vệ đời Đường và quân cấm sương đời Tống. Mục đích đầu là bảo vệ nhà vua ở kinh đô, chống những việc đảo chính cướp ngôi. Binh dùng về việc này là hạng binh tốt nhất, gọi là thân quân ; tên riêng là thắng quân hoặc cấm quân. Cấm quân họp thành một vệ, gọi là cấm vệ, Cấm-vệ chia ra 10 quân, mỗi quân gồm 200 người. Cả thẩy gồm 2.000 người, đóng chung quanh kinh thành, thường ngày túc trực. Lúc vua đi đâu xa, thì đi theo. Theo lệ nhà Lê, cấm quân đều có khắc ba chữ Thiên-tử-binh trên trán. Năm 1028, đời Lý Thái-Tông, có 10 quân cấm vệ, đặt tên là Quảng-thánh, Quảng-vũ, Ngự-long, Bổng-nhật, Đằng-hải, mỗi hiệu đều có tả quân, hữu quân. Đời Lý Thánh-Tông, lại thêm lên 6 quân nữa. Cấm-vệ bấy giờ gồm có 16 quân, cộng 3.200 tên. Tên quân cũng đặt lại như sau (1059) : Ngự-long, Vũ-thắng, Long-dực, Thần-điện, Bổng-thánh, Bảo-thắng, Hùng-lược, Vạn-tiếp ; Mỗi hiệu cũng chia làm tả hữu.

Vì lần này, vua Thánh-Tông thân chinh, nên 3.200 cấm binh này chắc ở trong số 5 vạn nói trên.

Mục đích thứ hai của lính là giữ cuộc trị an trong nước và chống cuộc ngoại xâm. Về việc này, dùng lính hạng nhì như loại sương quân ở Tống. Quân này không có số nhất định (ANCL). Người dân nào đến tuổi cũng phải đăng lính, nhưng vẫn được ỏ nhà cày bừa, mỗi tháng mới phải đi phen một kỳ ngắn. ” Lúc chinh phạt, thì cất quân ấy giao cho các tướng. Nếu quân không đủ thì lấy dân đinh mà dùng. Việc xong rồi lại trở về cầy ruộng ” (SK). Trong khi phải đi phen, sương quân đóng ở các châu, huyện, để phòng bị khi có dụng binh. Hạng lính này, ngày thường, ít tập tành. Nhưng được số đông. Chắc trong số 5 vạn quân kia, sương quân chiếm phần lớn.

Số 5 vạn chép ở TT có thật hay không ? Nước ta dân số bấy giờ bao nhiêu, không thể biết được. Nhưng theo sự ta có thể chống lại 10 vạn quân Tống mấy năm về sau, thì chắc ta có hơn 5 vạn quân. Và phép kiểm điểm dân đinh bấy giờ rất ngặt, cách nuôi lính bấy giờ rất kiệm. Dân không trốn được, nuôi lính không tốn ; cho nên cất một đạo quân năm vạn chắc là dễ dàng (3).

Đường giao thông bằng bộ vào Chiêm-thành gặp trở ngại. Theo lời sứ Chiêm tâu với vua Tống (1074), thì từ kinh đô Chiêm đến kinh đô Giao-chỉ phải đi 40 ngày và toàn đường núi (TS 489). Cho nên cuộc hành quân này chắc chắn chỉ dùng đường thủy. Mà thủy quân ta, từ trận Bạch-đằng đời Ngô Quyền, đã lập được nhiều chiến công.

Bắt đầu từ tháng năm năm trước, Mậu-thìn (1068), vua Lý sai sửa chữa và đóng thêm chiến hạm (VSL).

Tục ta đời xưa rất tin về điềm lành dư, nhận đó là ý trời tỏ cho biết trước sự thắng lợi hay thất bại của một việc mình dự bị làm ; hay nó tỏ ý trời muốn xui hay ngăn mình làm một việc gì. Nhất về đời Lý, óc dị đoan lại càng mạnh. Sử gia để ý đến tất cả những sự vụn vặt, nhưng khác thường. Sử nhà Lý trong VSL, sách khôngbị đời Lê sửa bỏ bằng cách nho hoá theo Khổng-giáo, còn chép rất nhiều những việc như voi trắng, sẻ trắng, rùa sáu chân, cau chín buồng. Chuyện rồng hiện thì nhiều lắm. Không biết bấy giờ có con vật gì (kỳ đà chăng ?) người ta cho là rồng, mà sử chép rồng hiện khắp nơi.

Tháng tám năm Mậu-thìn (1068), long chu (thuyền vua), đậu ở bến, vô cố dời đi ba thước (VSL). Đó là điềm vua sắp đi đánh xa, và là điềm hay. Tháng chín, rồng vàng hiện ở hai chiếc thuyền bể lớn là Vĩnh-xuân và Thanh-lãn. (VSL)

3. Xuất quân. Trận Nhật-lệ

Cuối năm Mậu-thìn (1068), thủy quân đã dự bị sẵn sàng. Đợi ra giêng, thuận gió bắc, sẽ xuất quân. Đến tháng hè, thuận gió nồm, quân sẽ trở về. Vua thân chinh sẽ chừng trong năm tháng.

Ngày Mậu-tuất tháng hai năm Kỷ-dậu là ngày dương lịch 24 tháng hai 1069 (4) vua Lý Thánh-Tông hạ chiếu thân chinh Chiêm-thành (VSL). Quân có 5 vạn (TT). Lý Thường-Kiệt được chọn làm đại tướng quân và đi tiền phong (VĐUL và bia NBS), kiêm chức nguyên soái (VSL). Ông xin cho em, là Thường-Hiến đi theo ; Hiến được trao chức tán kỵ vũ uý (bia NBS).

Số quân năm vạn kia chắc hoàn toàn đi đường thủy. Nếu mỗi mành chở được 250 quân và lương thực, thì phải chừng 200 chiếc. Lúc Lý Thái-Tông đánh Chiêm-thành (1044), đã sai đóng vài trăm chiến thuyền. Vậy, chuyến này chắc cũng có số thuyền ấy.

Từ đời Lý Thái-Tông, có đặt lệ tuyên thệ. Mỗi đầu năm, hay mỗi lúc có việc quan hệ, các triều thần hội lại, hoặc ở đền thờ vọng thần Đồng-cổ, hoặc ở sân Long-trì, rồi cùng phát lời thề : ” Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, thần minh giết chết ” (3) Lần này, vua sắp đi vắng kinh đô lâu. Sự biến rất có thể xẩy ra trong nước. Kẻ có lòng tranh ngôi, sẽ có cơ hội rất thuận tiện. Vì vậy, ngày Đinh-mùi (DL 5-3) quần thần phải hội tại Long-trì để tuyên thệ.

Ba ngày sau, ngày Canh-tuất (DL 8-3 VSL chép Canh-dần, chắc lầm), vua xuống thuyền xuất quân, giao quyền bính lại cho Ỷ-Lan nguyên phi (TT) và thái sư Lý Đạo-Thành (6).

Thuyền xuôi dòng sông Lô (Nhị-hà), qua Lý-nhân-hành-cung (vùng Nam-xương), rẽ xuống phía Nam, rồi ra cửa Đại-an. Cửa Đại-an nay trên sông Đáy, cách bể chừng 20 cây số, thuộc địa phận làng Quần-liêu, huyện Đại-an, tỉnh Nam-định. Cửa ấy hồi cận đại cũng có tên cửa Liêu-hải. Từ Lý về trước, cửa này là chỗ các thuyền mành qua lại để đi từ các sông nước ta ra bể vào Nam (7).

Bảy ngày sau khi dời khỏi Thăng-long, thuyền đến Nghệ-an ; vào ngày Đinh-tị (DL 15-3). Từ đó đến cửa Nam-giới, thuyền đi mất ba ngày. Cửa Nam-giới, nay gọi là cửa Sót, ở phía Nam núi Hồng-lĩnh, thuộc phủ Thạch-ha, tỉnh Hà-tĩnh. Bờ Nam cửa có núi, nay còn tên núi Nam-giới. từ Lý về trước, cửa này là cửa bể lớn cuối cùng ở vùng nam nước ta, trước các cửa nước Chiêm-thành. Có lẽ tên Nam-giới (bờ cõi phía Nam) lấy nghĩa ở sự ấy. Cửa này can hệ, vì lẽ, lúc bấy giờ quân Chiêm thường vào nước ta bằng chỗ đó, và từ Nghệ-an đi vào có con sông nhỏ dọc theo phía núi Hồng-lĩnh rồi ra cửa ấy. Đời sau lúc Lê Thánh-Tông đi đánh Chiêm-thành cũng qua sông ấy (8). Có lẽ Lý Thánh-Tông cũng dùng đường này. Thật ra thuyền thường đi khoảng này, dài chừng 50 cây số, chỉ mất một ngày. Nhưng sông hẹp, chiến thuyền lớn, đi chậm hơn. Vả chắc quân có đóng nghỉ lại Nghệ-an. Sách VSL chép : ” lúc tới Nghệ-an, rồng vàng hiện ở thuyền Kim-phượng, ” một thuyền riêng của Lý Thánh-Tông. Ngày Canh-thân (DL 18-3), tới Nam-giới, ” rồng ” lại hiện ở thuyền ấy.

Năm ngày sau (A. Su, DL 23-3), quân đến cửa Nhật-lệ là cửa Đông-hải ngày nay. Đây là cửa bể thứ ba của Chiêm-thành, kể từ núi Hoành-sơn vào. Cửa đầu nhỏ, là cửa Di-luân hay cửa Ròn. Cửa thứ hai rộng nhưng cạn, là cửa Bố-chánh hay cửa Gianh. Hai cửa này không quan hệ lắm về việc phòng thủ.

Địa thế nuớc Chiêm-thành rất đặc biệt : một giải đất hẹp và dài, chẹt giữa bể đại dương và núi cao ngất. Phía bắc, có núi Hoành-sơn và sông Bố-chánh (sông Gianh) ngăn cản đường từ Giao-chỉ vào. Giải đất hẹp ấy lại bị nhiều dãy núi chắn ngang đến bờ bể. Ngoài núi Hoành-sơn ở cực bắc, có núi Hải-vân ở phía nam Thuận-hoá, núi Thạch-tân ở phía nam Quảng-ngãi, núi Đại-lãnh ở phía nam Phù-yên. Các dãy núi ” xương sườn ” ấy ngăn thành mấy cánh đồng : Bình-Trị-Huế, Nam-Ngãi, Bình-Phú, Khánh-Thuận. Dân Chàm chỉ ở các đồng bằng ấy, và hình như giao thông với nhau chỉ toàn đường bể. Đường Thiên-lý bấy giờ chưa có. Vì thế, vua Chiêm chỉ để ít quân phòng thủ ở Bố-chánh, và thủy quân tập trung ở cửa Nhật-lệ. Đại quân đóng giữ Kinh-đô và cánh đồng Bình-định ngày nay.

Lúc thuyền quân ta tới Nhật-lệ, thủy quân Chàm chặn đánh. Lý Thánh-Tông sai tướng đại-liêu-ban Hoàng Kiện tiến đánh. Quân Chiêm thua. Sách VSL chép việc ấy, không nói gì thêm. Nhưng thấy sau này, quân ta tiến xuống miền nam không bị ai ngăn cản, thì ta đoán rằng thủy quân Chiêm bị tan vỡ ở đây.

Quân ta không đổ bộ ở Nhật-lệ, vì mục đích vua Lý là phá Kinh-thành và bắt chúa. Cho nên thuyền quân lại thẳng xuống phương nam. Thuyền dọc theo bờ bể, vượt khỏi những đồi cát trắng mà ta còn thấy ngày nay. Bốn ngày sau qua khỏi khoảng cát Đại-tràng-sa (9). Ấy vào ngày Kỷ-tị tháng hai (DL 27-3).

Ngày hôm sau (C.Ng, DL 28-3), thuyền đến cửa Tư-dung. Cửa này nay gọi là Tư-hiền. Xưa cửa rất sâu (ĐNNTC), thông với phá Hà-trung (Cầu Hải ở địa đồ Đông-Dương), và là cửa vào các phá và sông thuộc xứ Ô Lý (Thuận-hoá), vì bấy giờ chưa có cửa Thuận-an. Phá Hà-trung sâu và kín (10)

Thủy quân Chiêm đã bị phá. Cho nên thuyền ta vào nghỉ ở Tư-dung không bị cản trở gì. Rồi Thánh-Tông lại theo bờ bể xuống miền nam.

Thuyền đi được ba ngày, có ” rồng ” hiện ở ngự chu là thuyền Cảnh-thắng. Sáu ngày khi dời bỏ cửa Tư-dung, quân ta tới cửa çri Bonei (Sơ-li-po-nai) nhằm vào ngày Bính-tý (11) đầu tháng ba (DL 3-4). Cửa Sơ-li-po-nai ở đâu ? Maspéro Le Royaume du champa) diễn ra çri Bonei, nhưng không nói địa điểm nào. VSL chép bằng hán tự đọc theo tiếng ta là Thi-lị-bì-nại. Ta biết rằng cửa bể lớn Qui-nhân tên xưa là Thi-nại. Lấy nghĩa, thì tên ấy không có nghĩa. Chắc là phiên âm tiếng Chàm. So sánh tên ấy với tên Thi-lị-bì-nại, thì ta có thể chắc rằng hai tên chỉ là một. Chỉ vì theo thói ta hay rút ngắn các tiếng dài để gọi cho tiện, cho nên cửa Thi-lị-bì-nại thành ra cửa Thi-nại. Và tính ngày đường thì từ Tư-dung đi sáu ngày đến Qui-nhân là phải. Từ Thăng-long đến çri Bonei, đã đi hết 26 ngày (12).

VSL chép rằng lúc ngự thuyền tới đó, có hai con chim cùng bay theo, trông như muốn dẫn đường. Những điềm dọc đường đều là điềm tốt.

4. Trận Tu-mao

Thành Phật-thệ, kinh đô Chiêm-thành đời bấy giờ, ở vào địa phận tỉnh Bình-định ngày nay. Tên Chàm là Vijaya ; sau có tên Chà-bàn ta thường chép lầm ra Đồ-bàn (13). Vijaya ở phía bắc thành Bình-định bây giờ, bên nam sông Khu-cương hay Hà-giao (Bản đồ họa-đồ-vụ Đông-dương), ở chính giữa một cánh đồng phì nhiêu hình thoi mỗi đường nối góc dài chừng 30 cây số. Ba phía, bắc, tây, nam, đều có núi cao che chở. Chỉ miền Đông là trực tiếp với nước, tại vũng Nước-mặn (vịnh Qui-nhân ngày nay).Vũng chạy dài từ bắc chí nam dài 20 cây số và thông với bể bằng cửa Thi-nại, hẹp và sâu. Muốn tới thành Vijaya, chỉ có do phía đông là dễ dàng. Sông Khu-cương chảy vào vũng Nước-mặn, góc cực bắc. Nhưng sông cạn, thuyền lớn khó vào. Vì thế mỗi lúc quân ta tới đánh Vijaya, đều đưa thuyền vào cửa Thi-nại rồi đổ bộ ở ven bờ vũng Nước-mặn.

VSL chép rằng quân ta đổ bộ, tiến lên đóng ở bờ sông Tu-mao, thấy tướng Chàm là Bố-bì-đà-la bày trận trên bờ sông. Quân ta xông tới đánh, giết tướng Bố-bì-đà-la. ” Quân Chàm chết nhiều không kể xiết “. Sông Tu-mao nói trên đây là sông nào ? Theo địa thế mà đoán, ta có thể ngờ là nhánh cực nam của hạ lưu sông Tam-huyện, mà sách ĐKĐD gọi là sông Tân-an. Có ba dòng sông chắn ngang đường tới Đồ-bàn ; sông này ở trước nhất. Theo bia NBS, khi gặp quân Chiêm, hai anh em Thường-Kiệt và Thường-Hiến chia quân làm hai cánh, đánh tạt ngang, chém được ba vạn người. Có lẽ đó cũng là trận sông Tu-mao, mà công trong trận đầu tiên này thật về Thường-Kiệt.

Trong Ức-trai dư-địa-chí, có kể chuyện rằng : ” Lý Thường-Kiệt kéo đại quân tới sông Phan-định. Sông Phan-định tiếp với phủ Hoài-nhân (gồm địa hạt thuộc tỉnh Bình-định từ Quảng-ngãi đến sông Khu-cương). Sông có nhiều sư tử (tức là cá sấu). ” Sư tử ” khuất phục được các thú khác ; tê, tượng đều phải sợ. Sông Phan-định có ba đoàn sư tử. Nó ở dưới nước, vẫy đuôi làm dợn sóng đổ thuyền. Lúc Lý Thường-Kiệt đánh Chiêm, đại quân kéo đến sông ấy, vì sợ ” sư tử “, quân không qua sông dễ dàng được “. Theo đó, sông Phan-định có thể cũng là sông Tu-mao (14).

Qua khỏi sông Tu-mao, còn phải vượt hai sông khác mới tới Vijaya.

Nghe tin quân mình thua ở sông Tu-mao, Rudravarman III, đang đêm, đem vợ con bỏ thành chạy trốn về phía nam (VSL). Cũng đêm ấy quân ta kéo tới gần thành Vijaya. Lúc quân ta đến bến Đồng-la, (có lẽ trên sông Thạch-yển là sông chắn thứ ba, gần phía nam thành), người trong thành ra hàng. (VSL)

Vua Lý Thánh-Tông vào thành. Nhưng vua Chiêm đã trốn thoát.

5. Bắt vua Chiêm

Lý Thường-Kiệt đem quân đuổi theo xuống miền nam. Tháng tư quân ta đuổi đến biên giới nước Chân-Lạp (VSL). Bấy giờ Chiêm-thành gồm có vùng Phan-rang, Phan-thiết ngày nay. Phan-rang, tên Chàm là Pandurango lại là một thành phố lớn. Có lẽ vua Chiêm đã chạy đến đó. Chân-lạp vốn là một cừu quốc với Chiêm (LNĐV). Vua Chiêm không giám chạy qua đó ; cùng thế phải ra đầu hàng. ” Lý Thường-Kiệt bắt được Đệ-Củ ở biên giới Chân-Lạp ” (VSL) và cầm tù cả thảy 5 vạn quân (NBS).
Cuộc đuổi bắt vua Chiêm kéo dài ngót một tháng, từ đầu tháng ba đến tháng tư.

Thế là Chiêm-thành bị đại bại. Tuy Lý Thánh-Tông tự cầm quân, nhưng công chiến thắng hoàn toàn về Lý Thường-Kiệt, từ trận đầu đến trận cuối. Việc hành quân kể lại trên đây, phần lớn lấy ở sách VSL. Còn sách chính sử ta là Đại-Việt sử ký toàn thư thì không những không chép những chi tiết trên, mà lại chép chuyện hoàn toàn khác. Sách ấy nói rằng : ” Vua đánh Chiêm lâu không thắng, bèn quay trở về. Về tới châu Cư-liên, nghe nói ở trong nước, bà Nguyên-phi (Ỷ-Lan) coi nội trị giỏi, khiến dân tâm hoà hiệp, cõi nước yên lặng. Vua tự than rằng : ” Kẻ kia là đàn bà, còn giỏi như vậy. Ta là đàn ông, há lại vụng về sao ? ” Rồi vua quay trở lại đánh ; bèn thắng “. Trong đoạn trên, có hai việc : một là thất lợi đầu tiên của quân ta, hai là vua Lý Thánh-Tông rút quân về rồi trở lại.

Về việc đầu, hình như có sự thiệt. Hoặc đó là vì tướng Chiêm, Bố-bì-đà-la, cản quân ta trên sông Tu-mao, hoặc là vì sông nhiều cá sấu mà quân ta không giám qua. Lẽ hợp hơn cả là vì vua Chiêm trốn thoát, chạy xa vào miền nam hiểm trở, quân ta khó lòng đuổi kịp và bắt được ; vua ta cho là chưa đạt được chủ đích. Rồi sử gia cho là ” đánh lâu không thắng “. Còn việc thứ hai cũng có thể xẩy ra. Nhưng không rõ châu Cư-liên ở đâu, thuộc nước ta hay nước Chiêm ? Và nếu vua Lý có trở về thật, thì chắc về đường thủy. Sử nói vua về đến châu Cư-liên, ấy muốn nói về đến hải phận châu ấy. Hiểu như thế, ta có thể nghĩ rằng hoặc giả sau khi lấy được Vijaya, vua Lý Thánh-Tông sai Lý Thường-Kiệt đem quân đuổi bắt vua Chiêm. Vua đợi mãi thấy chưa bắt được. Sợ vắng mặt lâu, trong nước nhà, dân sự không yên, nên đưa một phần quân về trước. Nhưng về dọc đường, được tin bà Nguyên-phi trị dân yên ổn, vua lại trở lại, đợi bắt được vua Chiêm. Nếu sự có thật, thì ta không hiểu vì lẽ gì VSL, là sách chép kỹ về việc đánh Chiêm-thành lần này lại không chép chuyện ấy.

6. Khải hoàn. Tha vua Chiêm

Sau khi bắt được Rudravarman III, vua Lý đãi yến quần thần tại điện vua Chiêm. Bấy giờ là tháng năm. Muốn tỏ sự hân hoan ” vua thân hành múa khiên và đánh cầu (15) trước bệ “. (VSL)

Vua lại sai kiểm số tất cả các nhà trong và ngoài thành. Cả thẩy có hơn 2 560 khu. Đều sai đốt hết. (VSL)

Tháng ấy (tháng năm), vua kéo quân về, đem theo Rudravarman III. Ngày Quí-tị (DL 19-6), thuyền về đến cửa Tư-minh (16). VSL chép rằng đêm ấy ” rồng ” hiện ở ngự thuyền. Bấy giờ là mùa hè, gió nồm thổi mạnh, thuyền về rất thuận. Ngày Kỷ-tị tháng sáu (có lẽ là Kỷ-hợi, DL 25-6), quân vượt bể, ” rồng vàng hiện ở thuyền Kim-phượng “. Ngày Mậu-thân (DL 4-7) qua các núi Lỗi-lỗi lớn và bé ở ngoài cửa bể Bố-chánh (Cửa bể sông Gianh, ở phía bắc Quảng Bình) thuyền vua đụng phải đá bị vỡ. (17)

Ngày Tân-dậu (DL 17-7) vua về đến Thăng-long, dừng thuyền ở bến Triều-đông, trên sông Lô (Nhị-hà).

Cuộc rước vua về cung rất là long trọng. VSL còn ghi những chi tiết nhắc cho ta biết sự huy hoàng xán lạn của cuộc tiếp rước một vị vua viễn chinh khải hoàn. Các quan hữu tư sắp đặt binh lính nghiêm trang, nghi vệ rực rỡ. Vua lên bờ, ngự trên chiếc báu xa (xe nạm ngọc). Quần thần đều cỡi ngựa. Dắt vua Chiêm-thành theo sau. Vua Chiêm-thành mình mặc áo vải trắng, đầu đội mũ làm bằng cây gai. Tay trói sau lưng, có giây vải quyến buộc. Năm tên lính hiệu Vũ-đô dắt đi. Các đảng thuộc cũng bị trói dắt theo sau.

Tháng bảy, vua làm lễ tâu việc thắng trận ở Thái-miếu (VSL).

Cuối năm, sai Quách Sĩ-An và Đào Tông-Nguyên sang sứ Tống, để báo tin thắng trận. Lời biểu có câu : ” Nước Chiêm-thành đã lâu không tới cống. Tôi tự đem quân đánh, đã bắt được chúa nó về “. Vua Tống tuy không bằng lòng, nhưng cũng phải nhận sự Chiêm-thành là một phiên quốc của ta. Bèn ban cho chánh sứ Sĩ-An chức lục trạch và phó sứ Tông-Nguyên chức nội điện sùng ban. (TS 488)

Thế là vua Lý Thánh-Tông đã thỏa lòng tự lập : sau khi xưng Đế, lập được vũ công xứng đáng với danh hiệu ấy. Vua bèn đổi niên hiệu Thiên-huống báu-tượng (trời cho voi quí) ra Thần-vũ để ghi vũ công lớn lao ấy.

Rudravarman III xin dâng đất chuộc tội. Vua Lý bằng lòng. Ba châu Bố-chánh, Địa-lý, Ma-linh thuộc Chiêm-thành từ đó nhập về nước ta. Nay là địa phận Quảng-bình và phía bắc Quảng-trị (18).

Rudravarman III được tha về nước.

Vua Lý bèn thưởng quân công cho tướng sĩ. Ban cho Lý Thường-Kiệt chức tước sau này : Phụ-quốc Thái phó, dao-thụ Nam-bình tiết-độ-sứ, Phụ-quốc thượng-tướng-quân, Thượng-trụ-quốc, Khai-quốc-công, Thiên-tử nghĩa nam (bia NBS và VĐUL). Chức thái phó là thứ ba trong hàng tể chấp (I, cth 4) ; Tiết độ sứ là thứ hai trong hàng tướng ; tước là Thượng-trụ-quốc Khai-quốc-công. Đặc biệt là vua nhận ông làm con nuôi, tức là vào hàng vương ; và tuy ông ở triều, nhưng được giao cho coi binh lính ở vùng Nam-bình, có lẽ là ba châu mới giành được. Ông bấy giờ 51 tuổi.

Chẳng bao lâu vua lại trao ông chức Thái-úy, Đồng trung-thư môn-hạ bình-chương-sự (19) là chức thứ hai trong triều. Ông giúp vua trông nom quốc chính. ” Dân sự vì đó được nhờ “. (bia LX)

Đứng đầu triều có Thái sư Lý Đạo-Thành, đã giữ chức ấy từ năm Thánh-Tông lên ngôi (1054). Đạo-Thành và Thường-Kiệt giúp vua trong hai năm. Trong nước rất được yên ổn. Mùa hè năm Canh-tuất (1070) gặp trời đại hạn, lấy lúa, tiền, vải ở kho phát chẩn cho dân nghèo. Về hình luật, định số tiền cho tội nhân có thể nạp để chuộc tội (năm Tân-hợi 1071). Về tạo tác, mùa xuân năm Canh-tuất (1070), dựng điện Tử-thần. Về tôn giáo và giáo dục, bấy giờ là lúc Nho-giáo được chính thức tôn sùng : tháng tám năm ấy, vua sai dựng Văn-miếu, tô tượng Khổng-tử. Chu-công và Tứ-phối, vẽ tượng 72 hiền để thờ trong miếu ; lại cho Hoàng Thái-tử tới đó học tập (TT). Có lẽ, ấy cũng có ảnh hưởng ít nhiều của sự Thường-Kiệt khi bé có đọc sách nho.

Tuy vậy, Phật-giáo cũng không bị sao lãng. Tháng chín năm ấy, dựng chùa Nhị-thiên-vương ở góc đông nam thành, vua viết bia chữ Phật (20) cao một trượng sáu thước, để lại tại chùa Tiên-du (Phật-tích, Bắc-ninh ngày nay).

Thanh thế nước ta bấy giờ rất lớn. Tống phải kiêng nể. Vua Tống luôn luôn dặn biên thần đừng gây sự với ta. Còn Chiêm-thành, thì kính sợ và thần phục, năm Tân-hợi (1071), sư Chiêm tới cống (TT).

7. Kết quả

Về việc đánh Chiêm-thành, bia chùa Linh-xứng chỉ chép rằng : ” Kịp đến lúc Phật-thệ (21) hỗn phép không tới chầu, quân nhà vua rầm rộ sang đánh. Ông có tài thao lược hơn người đời, vào trong cung giúp vua lo toan mưu kế, đặt binh luật để đi đánh dẹp. Hoàn-vương (tức vua Chiêm) bỏ thành chạy trốn, nhưng lại tự mình hiến thân chịu chém. Ông bèn bắt lấy, rồi đem quân khải hoàn. Vua luận công, gia thưởng và ban trật cho ông “.

Tuy tóm tắt nhưng đó cũng đủ chứng rằng trong cuộc nam phạt, Lý Thường-Kiệt vừa làm tham mưu, vừa làm thống soái. Ông đã có công lấy thành, bắt chúa Chiêm, cho nên nước ta mới được nhường khoảnh đất ba châu phía nam dãy Hoành-sơn. Trong cuộc nam tiến của dân tộc Việt-Nam, Lý Thường-Kiệt có công đệ nhất, vì đã mở đường cho các đời Trần, Hồ, Lê, Nguyễn sau. Trước đó, tuy Lê Đại-Hành, Lý Thái-Tông cũng có đánh Chiêm-thành, nhưng mỗi lúc chỉ bắt người, lấy của rồi về, chứ không hề nghĩ tới mở mang bờ cõi. (22)

CHÚ THÍCH

(1) – Chiêm-thành tới cống những năm : 1057, 1059, 1060, 1063 (VSL).1.
(2) – TT chép : năm ấy, châu Chân-đằng hiến hai voi trắng ; cho nên vua đổi niên hiệu ra Thiên-huống-báu-tượng, nghĩa là trời cho voi quí. TT lại chép thêm : ” Chiêm-thành hiến voi trắng, nhưng sau lại nhiễu biên giới “. VSL cũng chép rằng : ” Tháng giêng châu Chân-đằng hiến hai voi trắng. Châu Kỷ-lang (chắc là Quang-lang, VSL lầm chữ quang là sáng ra chữ kỷ là ghế, vì hai chữ tự dạng gần nhau) cũng hiến hai voi trắng. Tháng hai, huyện Đô-lạp hiến voi trắng và công trắng “. Xem vậy, VSL không hề chép việc Chiêm-thành hiến voi trắng năm ấy. 1.

(3) – LNĐĐ, quyển 2, chép rõ về binh chế đời Lý, như sau. Binh lính một tháng đi phen một kỳ. Lúc rỗi thì cầy cấy để tự cấp. Mỗi năm, ngày mồng 7 tháng giêng, mỗi tên lính được phát 300 đồng tiền và một tấm vải quyến. Mỗi tháng, mỗi người lính được cấp 10 bó lúa. Ngày đầu năm lại phát cơm nếp và cá mắm để khao quân.

Trong sách SK, Ngô Thi-Sĩ cũng chép tương tự như trên.

ANCL chép : quân số không định trước.Tuyển dân tráng mà dùng. Lúc vội thì ra lính, lúc rỗi thì về cày ruộng.

Về việc tuyển binh, đời Lý kiểm điểm rất cẩn thận. Phan Huy-Chú trong LTHC viết : Dân-đinh lên 18 tuổi, phải đăng tên vào sổ. Sổ đóng bìa vàng. Cho nên hạng đinh này gọi là hoàng-nam. Đinh trên 20 tuổi gọi là đại-nam. Các đại nam đều có thể sung vào lính. Các nhà quan chức chỉ có quyền nuôi một đại nam mà thôi để hầu hạ. Mỗi quan có ba người bảo lĩnh ; nếu ai dấu đại nam, thì cả bốn người đều phải tội. 2.

(4) – TT và VSL đều chép lầm chữ Kỷ ra chữ Ất vì tự dạng gần nhau. Sự lầm như nhau chứng rằng hai sách đều bởi một gốc mà ra : Đại-Việt sử-ký của Lê Văn-Hưu. VSL chép ngày bằng lối can chi, chứ không nói rõ số mục ngày trong tháng. Vì không biết phép lịch dùng đời Lý, nên tôi không đổi ra ngày ta, mà chỉ dùng phép đổi ra ngày dương lịch mà thôi (Xem phép đổi trong báo Khoa-học số 19 và 20). Nhờ sự đổi ấy, tôi đã thấy rằng bản in VSL lầm ngày một vài chỗ, như ta sẽ thấy.3.

(5) – Lời thề : Vi tử bất hiếu, vi thần bất trung, thần minh cực chi (TT 2 15a). 3.

(6) – Lý Đạo-Thành làm Thái-sư, tức là tể tướng, từ năm 1054 (VSL). Theo TT, bà Nguyên-phi coi chính quyền. Nguyên-phi tức là Ỷ-Lan. Ỷ-Lan chỉ là phi. Bấy giờ còn có hoàng hậu Thượng-Dương. Vả sau khi Thánh-Tông mất, quyền về tay hoàng hậu. Cho nên có thể nghi rằng trong khi vua vắng mặt, quyền cũng giao cho Dương-hậu. Vua Tự-Đức đã phê và trong sách CM, đại ý cũng như thế. Nhưng bấy giờ Ỷ-Lan mới sinh hoàng tử, được vua rất yêu dấu. Nên có thể được vua giao tạm quyền. Còn sau này, hình như Thánh-Tông chết một cách đột ngột, không kịp dặn dò, cho nên theo lẽ thường, Lý Đạo-Thành đã cử Dương-hậu chấp chính. Xem vậy, sự Thánh-Tông giao quyền cho Ỷ-Lan trong lúc đi đánh Chiêm-thành, không phải là vô lý. 3.

(7) – Tuy các sách không chép rõ đoạn đường này, nhưng đó là đường Thái-Tông theo 25 năm về trước, và sau này cũng thường theo. Cửa Đại-an trước có tên là Đại-ác hay Đại-á. Lúc Thái-Tông qua đó, bể không sóng, cho nên mới đổi tên Đại-ác ra Đại-an (TT). Nay huyện sở tại còn tên Đại-an. 3.

(8) – Xem thơ Lê Thánh-Tông trong Thiên-nam dư-hạ-tập. Đoạn sông này có tên Sông Nghèn. 3.

(9) – Theo Lê Quí-Đôn trong sách Phủ-biên tạp-lục : từ cửa Nhật-lệ đến cửa Minh-linh (cửa Tùng) có bãi Đại-tràng-sa ; từ cửa Việt đến cửa Tư-dung (Tư-hiền ngày nay) có bãi Tiểu-tràng-sa. Bấy giờ cửa Thuận-an chưa có. 3.

(10) – Cửa Tư-dung hẹp và sâu, là một cửa rất can hệ trong sự hàng hải ngày xưa. Trong các đời Lý, Trần, Lê, mỗi lúc thủy quân xuống đánh Chiêm-thành, đều nghỉ ở đó. Chữ Dung húy đời Mạc, đã bị đổi ra chữ Khách, tự dạng gần nhau. Vào khỏi cửa, có một vũng rất lớn, nay gọi là phá Hà-trung, thông với sông Hương, và phá Tam-giang. 3.

(11) – VSL chép B. Ng. Nhưng tháng ba năm K.Zu không có ngày ấy. Chữ Ngọ và chữ Tý gần giống nhau ; vả tháng ba lại có ngày B. Ty, mà ngày B. Ty nầy lại cách ngày tới cửa Tư-dung (C.Ng) sáu ngày. Vậy theo lịch, cũng như theo hành trình, ta có thể chữa chữ Ngọ ra chữ Tý một cách hợp lý. 3.

(12) – Nay còn một vài sách chép nhật trình đi từ Thăng-long đến các cửa bể miền nam. Góp nhặt lại, ta có thể kê ra như sau :

Từ Thăng-long đến cửa Đại-an : 1 ngày (Lý Thái-Tông đánh Chiêm, TT).

Từ cửa Đại-an đến cửa Hội ở Nghệ-an : 3 ngày (Lê Cảnh-Hưng. PBTL)

Từ cửa Hội đến Nam-giới (cửa Sót) : 1 ngày nếu đi đường bể (PBTL)

Từ cửa Sót đến cửa Nhật-lệ : 3 ngày (PBTL)

Từ cửa Nhật-lệ đến cửa Tư-dung : 3 ngày. (PBTL. Sách này chỉ chép hải trình đến cửa Châu-ổ, chỗ giáp giới hai tỉnh Quảng-nam và Quảng-nghĩa).

Từ cửa Tư-dung đến cửa Châu-ổ : 4 ngày.

Từ cửa Châu-ổ đến cửa Nước-mặn (cửa Thị-nại) : 3 ngày. (Theo sách Càn-khôn Nhất-lãm của Phạm Đình-Hổ chép hải trình năm M. Tu, 1778, của quan đốc thị Nguyễn Thưởng). Cộng hai đoạn sau, để so sánh với hải trình đời Lý Thánh-Tông, ta thấy : từ cửa Tư-dung đến cửa Thi-nại mất 7 ngày.

Hải trình trên chỉ hợp với khi thuận gió, thuyền đi ban ngày theo ven bể mà thôi.

Sách Thiên-nam Tứ chí lộ-đồ, đời Lê, chép rằng : thuyền vượt qua bể, đi cả đêm ngày, nếu thuận gió bắc (mùa đông và mùa xuân), thì hành trình như sau : từ cửa Lạc (phía bắc cửa Đại-an, đi nửa ngày đến Biện-sơn (một đảo gần chỗ giáp giới Thanh và Nghệ, rồi đi nửa ngày đến cửa Hội-thống (cửa Hội ở Nghệ-an) ; rồi đi 1 ngày đến cửa Bố-chánh (sông Gianh) ; rồi đi 1 ngày đến cửa Tư-khách (Tư-dung, phía nam Thuận-hoá) ; rồi đi 1 ngày đến cửa Đại-chiêm (phía đông thành Quảng-nam) ; rồi đi 1 ngày đến cửa Ô-lộ ( ?) ; rồi đến cửa Phố-đại ( ?) thuộc Chiêm.

So sánh hành trình này với hành trình Lý Thánh-Tông, ta thấy rằng Lý Thánh-Tông đã đi theo ven bể. Dọc đường chắc có dừng nghỉ nhiều.

Sách TS (quyển 489) nói : thuyền thuận gió, đi từ Chiêm-thành đến Giao-châu mất 2 ngày. Chắc là nói đi từ hải phận Chiêrm đến cửa cực nam của Giao-chỉ, tức là cửa Nam-giới. 3.

(13) – Dấu tích thành Vijaya, nay còn, và chắc chắn là nhận được.

Ấy là thành Trà-bàn trong sử chiến tranh giữa hai họ Nguyễn : Thuận-hoá và Tây-sơn. Trà-bàn là kinh đô của vua Thái-Đức, tức Nguyễn Nhạc. Võ Tánh tự thiêu trong thành. Nay có mộ và đền trong thành.

0