Khái quát sự phát triển của lý thuyết quản trị
Đọc xong chương này sinh viên sẽ nắm được những vấn đề sau: Tư tưởng quản trị của Taylor. Các nguyên tắc quản trị của Fayol. Nội dung của lí thuyết định lượng về quản trị. Các thành tố của tổ chức học ...
Đọc xong chương này sinh viên sẽ nắm được những vấn đề sau:
- Tư tưởng quản trị của Taylor.
- Các nguyên tắc quản trị của Fayol.
- Nội dung của lí thuyết định lượng về quản trị.
- Các thành tố của tổ chức học tập.
Lý thuyết cổ điển về quản trị
Lí thuyết quản trị một cách khoa học
Khi quy mô của các nhà máy mở rộng và phức tạp không một quản trị viên nào có thể tiếp tục chỉ đạo sản xuất. Nhiều quản trị viên bắt đầu dành nhiều thời gian hơn vào việc hoạch định, lập tiến độ và tham mưu cho các hoạt động. Một nhu cầu mới đặt ra là phải có một phương pháp quản trị dùng cơ sở tri thức.
Đại biểu tiêu biểu cho trường phái này là F.W. Taylor (1856 - 1915), kỹ sư cơ khí người Mỹ. Ông đã được người ta ca ngợi là “cha đẻ của thuyết quản trị theo khoa học”. Nhờ có ông mà “quản trị theo khoa học” có được một nghĩa rất chính xác và rõ ràng là “Biết chính xác cái bạn muốn người khác làm và sau đó hiểu rằng họ đã làm một cách tốt nhất và tốn ít nhất”. Lý thuyết này bao gồm một số nội dung chủ yếu sau:
- Các nhà quản trị thay vì tham gia làm các công việc cụ thể như trước đây nên chú trọng đến công tác kế hoạch, tổ chức, kiểm tra hoạt động của công nhân.
- Nhà quản trị cần tìm ra các phương pháp làm việc tốt nhất và huấn luyện cho công nhân.
- Thực hiện phân công công việc thật khoa học, cho từng người.
- Sử dụng các biện pháp khuyến khích kinh tế nhằm kích thích công nhân hăng hái làm việc. Taylor cho rằng tiền là động lực khiến cho người công nhân làm việc hết khả năng của mình. Ông đã hỗ trợ hệ thống khoán công việc cá nhân (định mức) để làm cơ sở trả lương.
Đóng góp:
- Sự ra đời của lý thuyết quản trị khoa học giúp cho khoa học quản trị trở thành môn khoa học độc lập.
- Các ý kiến này đã được áp dụng một cách rộng rãi trong việc quản trị xí nghiệp nhờ đó năng suất lao động tăng cao, phế phẩm giảm đáng kể.
Hạn chế:
- Xem xét, nghiên cứu tổ chức, doanh nghiệp trong một môi trường khép kín ổn định.
- Bám sát, tuân thủ mệnh lệnh một cách nghiêm khắc → thủ tiêu tính sáng tạo, tích cực, chủ động của người lao động.
- Gây ra bệnh nghề nghiệp, công việc trở nên nhàm chán.
→ Tư tưởng ở thời kỳ này thiếu tính nhân văn, người lao động chỉ là công cụ biết nói, không được nhìn nhận, không được quan tâm.
Tư tưởng quản trị của Taylor được tóm tắt ở 4 điểm cơ bản sau:
- Một là, sự khám phá thông qua phương pháp khoa học những thành tố cơ bản trong công việc của con người thay cho việc đưa vào kinh nghiệm, phương pháp làm việc khoa học thay cho những quy tắc thao tác cũ.
- Hai là, Xác định chức năng hoạch định của nhà quản trị, thay vì để cho công nhân tuỳ ý chọn phương pháp làm việc riêng cho họ.
- Ba là, sự lựa chọn và huấn luyện cho công nhân một cách khoa học và phát triển tinh thần hợp tác thay vì khuyến khích những nỗ lực cá nhân riêng lẻ.
- Bốn là, phân chia công việc giữa người quản trị và công nhân để mỗi bên làm tốt nhất những công việc phù hợp với riêng họ, nhờ đó sẽ gia tăng hiệu quả.
Lí thuyết quản trị hành chánh
Lí thuyết quản trị hành chánh tập trung sự chú ý vào việc nêu lên những nguyên tắc quản trị lớn áp dụng cho những cấp bậc tổ chức.
Trong lí thuyết quản trị hành chánh, nổi bật là tác giả Henry Fayol (1841 - 1925) - người Pháp.
Ông cho rằng các hoạt động trong một đơn vị sản xuất kinh doanh có thể chia thành 6 nhóm:
- Nhóm 1: Kĩ thuật hay sản xuất.
- Nhóm 2: Tiếp thị (thương mại).
- Nhóm 3: Tài chính (tìm và sử dụng tối ưu vốn).
- Nhóm 4: Quản lí tài sản và nhân viên (an ninh).
- Nhóm 5: Kế toán thống kê.
- Nhóm 6: Các hoạt động quản trị tổng quát bao gồm hoạch định, tổ chức, lãnh đạo, phối hợp và kiểm tra.
Đây là sự phân tích đầu tiên về quản trị theo kiểu này, dù các tác giả sau này có bổ sung thêm nhưng nó vẫn đứng vững về cơ bản.
Henry Fayol đã nêu lên14 nguyên tắc quản trị và khuyến cáo các nhà quản trị nên ứng dụng vào tổ chức. Các nguyên tắc đó là:
- Nguyên tắc 1 - Phân công lao động: Nhân viên càng được chuyên môn hóa bao nhiêu, hiệu quả công việc của họ sẽ tăng lên bấy nhiêu.
- Nguyên tắc 2 - Quyền hành: Quản trị viên cần được phân định quyền hạn cụ thể và có quyền ban hành các mệnh lệnh xuống dưới.
- Nguyên tắc 3 - Kỷ luật:Các thành viên của tổ chức cần phải tôn trọng quy tắc và những thoả thuận mà cấp trên đưa ra.
- Nguyên tắc 4 - Thống nhất mệnh lệnh: Mỗi thành viên chỉ nhận mệnh lệnh và thực hiện mệnh lệnh cụ thể từ một người quản lí cuả mình. Điều này giúp cho tổ chức tránh được những mâu thuẫn và hỗn loạn trong tổ chức.
- Nguyên tắc 5 - Thống nhất chỉ huy: Các nhà quản trị nên phối hợp hoạt động của các nhân viên trong nhiều dự án, tuy nhiên, chỉ có một quản trị viên chính chịu trách nhiệm về hành vi của nhân viên.
- Nguyên tắc 6 - Đặt lợi ích của cá nhân dưới lợi ích chung: Lợi ích cá nhân không được đặt trên lợi ích của tổ chức.
- Nguyên tắc 7 - Thù lao tương xứng: Việc trả thù lao phải được thực hiện một cách công bằng giữa người lao động và người sử dụng lao động.
- Nguyên tắc 8 - Tập trung thẩm quyền: Các nhà quản trị là người chịu trách nhiệm chính, song cũng cần phân quyền cho các thuộc cấp để họ đủ thẩm quyền thực hiện công việc của mình.
- Nguyên tắc 9 - Chuỗi quyền hành:Một chuỗi mệnh lệnh được đưa ra cần theo trình tự từ quản trị cấp cao đến những vị trí thấp nhất trong tổ chức.
- Nguyên tắc 10 - Trật tự: Máy móc thiết bị và con người cần được sắp xếp đúng chỗ và đúng thời điểm, đặc biệt là nhân sự cần phải được sử dụng vào những công việc phát huy được khả năng của họ một cách cao nhất.
- Nguyên tắc 11 - Công bằng: Quản trị viên cần có thái độ thân thiện và công bằng với tất vả thuộc cấp của mình.
- Nguyên tắc 12 - Sự ổn định nhân viên và công việc:Việc để xảy ra tình trạng thay đổi nhân sự liên tục sẽ làm cho hiệu quả hoạt động của tổ chức giảm sút.
- Nguyên tắc 13 - Sáng tạo: Thuộc cấp cần có được sự tự do đề xuất và thực hiện những kế hoạch của họ.
- Nguyên tắc 14 - Tinh thần đồng đội: Việc nâng cao tinh thần đồng đội sẽ giúp tổ chức đạt được sự thống nhất cao.
Đóng góp
- Góp phần cải thiện năng suất và hiệu quả trong các nhà máy, các phân xưởng lúc bấy giờ.
- Tạo được nền móng vững chắc cho chúng ta tiếp tục đào sâu phân tích các khía cạnh của tổ chức.
Hạn chế
- Nghiên cứu tổ chức như một hệ thống khép kín ổn định.
- Không quan tâm sâu sắc đến những con người trong tổ chức về mặt tâm lý, tình cảm, mối quan hệ giữa các cá nhân, các thành viên.
- Dưới sự điều tiết của 14 nguyên tắc quản trị, nó đã thủ tiêu tính chủ động, sáng tạo của nhân viên cấp dưới dẫn đến tình trạng xơ cứng trong bộ máy tổ chức.
Khi thực hành, các quản trị viên có thể sử dụng rất nhiều nguyên tắc về quản trị hành chính của Henry Fayol, tuy nhiên, những quản trị viên khác nhau hiếm khi nào sử dụng các nguyên tắc này một cách giống nhau. Tuỳ thuộc vào từng trường hợp cụ thể, cá biệt, việc áp dụng các nguyên tắc này sẽ khác nhau.
Lý thuyết định lượng về quản trị
Nội dung của lí thuyết định lượng về quản trị
Lý thuyết định lượng về quản trị đã được hỗ trợ tích cực bởi sự phát triển nhanh chóng của nền công nghiệp điện toán. Nó giúp giải quyết nhiều mô hình toán phức tạp với tốc độ cao.
Lí thuyết định lượng được tóm trong các nội dung sau đây:
- Thứ nhất: Nhấn mạnh đến phương pháp khoa học trong việc giải quyết các vấn đề quản trị.
- Thứ hai: Áp dụng phương thức tiếp cận hệ thống để giải quyết vấn đề.
- Thứ ba: Sử dụng các mô hình toán học.
- Thứ tư: Định lượng các yếu tố liên quan và áp dụng cách thức toán học và thống kê.
- Thứ năm: Quan tâm đến các yếu tố kinh tế và kĩ thuật trong quản trị hơn là các yếu tố tâm lí xã hội.
- Thứ sáu: Sử dụng máy tính điện tử làm công vụ.
- Thứ bảy: Đi tìm các quyết định tối ưu trong một hệ thống khép kín.
Sự đóng góp và giới hạn của lí thuyết định lượng về quản trị
Những đóng góp
Lý thuyết định lượng về quản trị có thể được xem là sự triển khai các quan điểm của lí thuyết quản trị khoa học trước đây.
Lý thuyết định lượng về quản trị đã nhấn mạnh đến tinh thần khoa học khi phân tích các vấn đề về quản trị và chủ trương sử dụng các biện pháp tính toán để giải quyết vấn đề.
Kỹ thuật định lượng giúp giải quyết nhiều vấn đề về quản trị trong các cơ quan chính quyền và các cơ sở kinh doanh như làm ngân sách tài chính, phát triển chiến lược sản xuất, bố trí việc sử dụng tài nguyên v.v…
Lý thuyết định lượng về quản trị đã đóng góp rất lớn vào việc nâng cao trình độ hoạch định và kiểm tra trong các hoạt động quản trị.
Những giới hạn
Lí thuyết định lượng về quản trị chưa giải quyết được khía cạnh của con người trong quản trị như chức năng tổ chức, nhân sự, lãnh đạo.
Các khái niệm và kĩ thuật của lí thuyết này tương đối khó hiểu đối với các nhà quản trị. Cho nên các nhà quản trị cũng không đủ kiến thức chuyên môn để đánh giá. Vì vậy, chừng nào các kĩ thuật định lượng còn là một lĩnh vực khoa học thuộc thẩm quyền tri thức riêng của các nhà “khoa học quản trị” thì sự phổ biến của lý thuyết này vẫn còn bị hạn chế.
Những khuynh hướng hiện nay trong tư duy quản trị
Tổ chức học tập
Cấu trúc nền tảng nhóm
Một giá trị quan trọng trong tổ chức học tập là sự cộng tác và truyền thông xuyên suốt không có ranh giới giữa các bộ phận và các cấp bậc. Các nhóm tự quản là cơ sở để xây dựng các khối của cơ cấu.
Những nhóm này tạo ra bởi những người lao động với các kỹ năng khác nhau cùng chia sẻ hoặc luân phiên công việc để tạo ra một sản phẩm hay dịch vụ hoàn tất.
Các nhiệm vụ trong quản trị được ấn xuống cho cấp thấp hơn trong tổ chức, trong đó các nhóm thường có trách nhiệm huấn luyện, đảm bảo an toàn, lập lịch trình và ra các quyết định về các phương pháp làm việc, hệ thống tiền lương, tiền thưởng và phối hợp với các nhóm khác.
Mọi người tham gia nhóm đều là lao động được đào tạo, có được những công cụ, thông tin, động lực và thẩm quyền đề ra các quyết định tập trung vào kết quả thực hiện của nhóm.
Trao quyền cho người lao động
Trao quyền có nghĩa là giao quyền và sự sáng tạo cho người lao động bằng cách cho họ được tự do, có được các nguồn lực, thông tin và các kỹ năng cần thiết để ra quyết định và thực thi chúng một cách hiệu quả.
Việc trao quyền thể được thể hiện qua các nhóm làm việc tự quản, kiểm soát chất lượng để họ thực hiện công việc của mình mà không cần sự giám sát chặt chẽ.
Trong tổ chức học tập, con người chính là thế mạnh chính yếu của nhà quản trị chứ không phải là sự tối thiểu hoá chi phí. Những công ty thích ứng với quan điểm này luôn tin vào đối xử tốt với người lao động bằng cách cung cấp mức lương có tính cạnh tranh, các điều kiện làm việc tốt, các cơ hội phát triển nghề nghiệp và cuộc sống. Hơn nữa, họ cũng thường tạo cho người lao động một cảm giác được làm chủ bằng cách chia sẻ lợi ích từ năng suất và lợi nhuận.
Thông tin công khai
Một tổ chức học tập luôn tràn ngập thông tin. Thông tin công khai trở nên đặc biệt quan trọng. Các dữ liệu về ngân sách, lợi nhuận và chi phí ở từng bộ phận luôn sẵn sàng cho mọi người.
Các nhà quản trị cần phải biết rằng cung cấp nhiều thông tin bao giờ cũng tốt hơn cung cấp ít thông tin.
Ngoài ra, các nhà quản trị nên khích lệ mọi người trong tổ chức chia sẻ thông tin và kiến thức.
Nơi làm việc định hướng công nghệ
Đời sống của chúng ta cũng như các tổ chức ngày nay bị ngập sâu bởi công nghệ thông tin.
Các ý tưởng, thông tin và các mối quan hệ đang trở nên quan trọng hơn là thiết bị sản xuất, sản phẩm hay công việc được thiết kế rõ ràng.
Nhiều người lao động giờ đây thực hiện công việc của họ trên máy tính, kết mạng với đồng nghiệp của họ trên toàn thế giới.
Người lao động có thể liên kết qua mạng khiến cho các tổ chức không thoát khỏi mạng internet.
Thế giới kinh doanh điện tử bùng nổ khiến ngày càng nhiều doanh nghiệp tham gia vào thế giới số trên máy điện toán hơn là một không gian vật lí.
Thương mại điện tử thay thế hoặc nâng cao khả năng trao đổi hàng hoá và tiền tệ cùng với trao đổi thông tin và dữ liệu từ mày tính này sang máy tính khác.
Công nghệ thông tin đóng vai trò quan trọng trong việc lưu trữ và phổ biến dữ liệu và thông tin trong toàn bộ tổ chức.
Tư tưởng quản trị của Taylor.
Trình bày các nguyên tắc quản trị của Fayol.
Nội dung của lí thuyết định lượng về quản trị.
Sự đóng góp và giới hạn của lí thuyết định lượng về quản trị.
Trình bày các thành tố của tổ chức học tập.