24/05/2018, 18:20

Khái niệm về hành chính và cải cách hành chính

Theo nghĩa thông dụng nhất, hành chính là hoạt động quản lý. Các hoạt động này được thực hiện bởi các cơ quan hành chính Nhà nước. Đó là những cơ quan thực hiện các hoạt động chấp hành, điều hành các mặt hoạt động của đời sỗng xã hội. Hệ thống các cơ quan ...

Theo nghĩa thông dụng nhất, hành chính là hoạt động quản lý. Các hoạt động này được thực hiện bởi các cơ quan hành chính Nhà nước. Đó là những cơ quan thực hiện các hoạt động chấp hành, điều hành các mặt hoạt động của đời sỗng xã hội. Hệ thống các cơ quan hành chính Nhà nước cũng chính là hệ thống các cơ quan quản lý Nhà nước.

Các loại cơ quan hành chính Nhà nước theo cơ sở pháp lý của việc thành lập:

  • Thứ nhất là các cơ quan hành chính mà việc thành lập được Hiến pháp quy định bao gồm: Chính phủ với tư cách là cơ quan hành chính cao nhất; các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện quản lý một ngành, lĩnh vực nào đó trong phạm vi cả nước; uỷ ban nhân dân (UBND) các địa phương là các cơ quan hành chính của Nhà nước ở địa phương.
  • Thứ hai là các cơ quan hành chính Nhà nước được thành lập trên cơ sở các đạo luật, các văn bản dưới luật bao gồm các Tổng cục, các cục, vụ, sở, phòng ban, các đơn vị hành chính sự nghiệp…

Trên cơ sở hành chính và cơ quan hành chính, có nhiều định nghĩa khác nhau về cải cách hành chính, nhưng tựu chung lại, cải cách hành chính không tuần tuý là sự cải biến mà là cuộc cách mạng có chủ thuyết chính trị và có kế hoạch, do Đảng cầm quyền khởi xướng và lãnh đạo nhằm “xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại hoá, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả theo nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền XHCN dưới sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu của công cuộc xây dựng, phát triển đất nước”. Cái đích của cải cách hành chính là xây dựng một nền hành chính gần dân, vì dân, đáp ứng những đòi hỏi chính đáng của người lao động. Nền hành chính gần dân là nền hành chính không có mục đích tự thân, mà chỉ có mục đích phục vụ dân, giữ gìn trật tự, kỷ cương của xã hội, của chế độ. Thông qua đó, nền hành chính tác động tích cực đối với đời sống kinh tế và đời sống xã hội.

Trên cơ sở các vấn đề trên, chúng ta phải cải cách hành chính xuất phát từ:

  • Nền hành chính trực tiếp tổ chức thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Các chính sách và pháp luật đúng là những điều kiện tiên quyết, song nhất thiết phải có một nền hành chính mạnh để đưa chúng vào cuộc sống và phát huy hiệu quả trong thực tế. Hơn nữa, trong quá trình tổ chức thực hiện, nền hành chính cũng góp phần tích cực vào việc sửa đổi, bổ sung và phát triển chính sách cũng như pháp luật của nước nhà.
  • Các cơ quan hành chính Nhà nước với tư cách là những chủ thể trực tiếp tổ chức, quản lý và xử lý công việc hàng ngày của Nhà nước liên quan đến quyền và lợi ích của dân, là cầu nối trực tiếp giữa Đảng, Nhà nước và công dân. Nhân dân đánh giá chế độ, Nhà nước một phần lớn và trực tiếp thông qua hoạt động của bộ máy hành chính.
  • Trong bộ máy Nhà nước ta, các cơ quan hành chính Nhà nước là lực lượng đông đảo nhất với hệ thống tổ chức đồng bộ theo ngành và cấp từ Trung ương đến chính quyền cơ sở.

Cải cách hành chính nhằm khắc phục những yếu kém trong chỉ đạo, điều hành của bộ máy hành chính đối với những nội dung và vấn đề nêu trên làm cho nền hành chính thích ứng với mục tiêu mà công cuộc đổi mới đề ra.

0