Khái niệm đầu tư và đầu tư phát triển
Khái niệm về đầu tư Đầu tư trên giác độ nền kinh tế là sự hi sinh giá trị hiện tại gắn với việc tạo ra giá trị tài sản mới cho nền kinh tế. Khái niệm về đầu tư phát triển Là quá trình chuyển hoá vốn bằng tiền thành vốn hiện vật nhằm tạo ...
Khái niệm về đầu tư
Đầu tư trên giác độ nền kinh tế là sự hi sinh giá trị hiện tại gắn với việc tạo ra giá trị tài sản mới cho nền kinh tế.
Khái niệm về đầu tư phát triển
Là quá trình chuyển hoá vốn bằng tiền thành vốn hiện vật nhằm tạo ra những yếu tố cơ bản của sản xuất kinh doanh dịch vụ, đời sống, tạo ra những tài sản mới, năng lực sản xuất mới cũng như duy trì những tiềm lực sẵn có cho nền kinh tế.
Thứ nhất: Trên giác độ của nền kinh tế đất nước:
Đầu tư tác động đến tổng cung vừa tác động đến tổng cầu.
Trong ngắn hạn, đầu tư tác động đến tổng cầu khi tổng cung chưa kịp thay đổi. Khi đầu tư tăng làm cho tổng cầu tăng kéo theo sản lượng cân bằng tăng và giá cả của các yếu tố đầu vào cũng tăng theo. Khi thành quả của đầu tư chưa phát huy tác dụng, các năng lực mới đi vào hoạt động thì tổng cung đặc biệt là tổng cung dài hạn tăng thêm, kéo theo sản lượng tiềm năng tăng và do đó giá cả sản phẩm giảm. Sản lượng tăng, giá cả giảm cho phép tăng tiêu dùng. Tăng tiêu dùng lại kích thích sản xuất hơn nữa. Sản xuất phát triển là nguồn gốc cơ bản để tăng tích luỹ, phát triển kinh tế xã hội, tăng thu nhập cho người lao động, nâng cao đời sống của mọi thành viên trong xã hội.
Đầu tư tác động hai mặt đến sự ổn định của nền kinh tế.
Sự tác động không đồng thời về mặt thời gian của đầu tư đối với tổng cầu và đối với tổng cung của nề kinh tế làm cho môĩ sự thay đổi của đầu tư, dù là tăng hay giảm đều cùng một lúc vừa là yếu tố duy trì sự ổn định vừa là yếu tố phá vỡ sự ổn định của nền kinh tế của mọi quốc gia.
Chẳng hạn khi tăng đầu tư, cầu của các yếu tố đầu tư tăng làm cho giá cả các hàng hoá có liên quan tăng (giá chi phí vốn, gía công nghệ, lao động, vật tư) đến một mức nào đó dẫn đến tình trạng lạm phát. Lạm phát làm cho sản xuất đình trệ, đời sống của người lao động gặp nhiều khó khăn do tiền lương ngày càng thấp hơn, thâm hụt ngân sách, kinh tế phát triển chậm lại. Mặt khác khi tăng đầu tư làm cho cầu các yếu tố có liên quan tăng, sản xuất các ngành này phát triển, thu hút thêm lao động, giảm tình trạng thất nghiệp, nâng cao đời sống người lao động, giảm tệ nạn xã hội. Tất cả các tác động này tạo điều kiện phát triển nền kinh tế.
Khi tăng đầu tư cũng dẫn đến các tác động hai mặt nhưng theo chiều hướng với các tác động trên đây. Vì vậy trong điều hành kinh tế vĩ mô nền kinh tế, các nhà hoạt động chính sách cần thấy hết các tác động hai mặt này để đưa ra các chính sách nhằm hạn chế các tác động xấu, phát huy được các tác động tốt, duy trì được sự ổn định của toàn bộ nền kinh tế.
Đầu tư tác động đến tốc độ tăng trưởng và phát triển kinh tế
Kết quả nghiên cứu của các nhà đầu tư cho thấy: muốn giữ tốc độ tăng trưởng ở mức trung bình thì tỷ lệ đầu tư phải đạt từ 15 – 25 % so với GDP tuỳ thuộc vào ICOR của mỗi nước.
Mức tăng trưởng GDP = Vốn đầu tư /ICOR
Nếu ICOR không đổi mức tăng trưởng hoàn toàn phụ thuộc vào mức đầu tư.
Tại các nước phát triển, ICOR thường lớn, từ 5 – 7 do thừa vốn, thiếu lao động, vốn được sử dụng nhiều để thay thế lao động và sử dụng nhiều công nghệ có giá cao. Còn ở các nước chậm phát triển ICOR thấp từ 2 – 3 do thiếu vốn thừa lao động, sử dụng nhiều lao động để thay thế vốn, sử dụng công nghệ kém hiện đại, giá rẻ.
Chỉ tiêu ICOR của mỗi nước phụ thuộc vào nhiều nhân tố, thay đổi theo trình độ phát triển kinh tế và cơ chế chính sách trong nước. Kinh nghiệm của các nước cho thấy, chỉ tiêu ICOR phụ thuộc mạnh vào cơ cấu kinh tế và hiệu quả đầu tư trong các ngành, các vùnh lãnh thổ cũng như phụ thuộc vào hiệu quả của các chính sách kinh tế nói chung.
Đối với các nước đang phát triển, phát triển về bản chất được coi là vấn đề đảm bảo các nguồn vốn đầu tư đủ để đạt được tỷ lệ tăng thêm sản phẩm quốc nội dự kiến. Tại nhiều nước, đầu tư đóng vai trò như một cái huých ban đầu, tạo đà cho sự cất cánh của nền kinh tế ( các nước NICS, các nước Đông Nam Á )
Đầu tư và sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Kinh nghiệm của các nước trên thế giới cho thấy con đường tất yếu để có thể tăng trưởng nhanh tốc độ mong muốn (từ 9% – 10%) là tăng cường đầu tư tạo ra sự phát triển nhanh ở khu vực công nghiệp và dịch vụ. Đối với các ngành nông- ngư nghiệp do có hạn chế về đất đai và khả năng sinh học , để đạt được tốc độ tăng trưởng từ 5% – 6% là rất khó khăn. Như vậy chính sách đầu tư quyết định quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở các quốc gia nhằm đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh của toàn bộ nền kinh tế đất nước.
Về cơ cấu lãnh thổ, đầu tư có tác dụng giải quyết các mất cân đối về phát triển giữa các vùng và lãnh thổ, đưa vùng kém phát triển thoát khỏi đói nghèo, phát huy tối đa lợi thế so sánh về tài nguyên, địa thế, kinh tế, chính trị...của những vùng có khả năng phát triển nhanh hơn, làm bàn đạp thúc đẩy các vùng khác cùng phát triển
Đầu tư với việc tăng cường khả năng khoa học và công nghệ của đất nước.
Công nghệ là trung tâm của công nghiệp hoá. Đầu tư là điều kiện tiên quyết của sự phát triển và tăng cường khả năng công nghệ của đất nước ta hiện nay.
Theo đánh giá của các chuyên gia công nghệ, trình độ công nghệ của Việt Nam lạc hậu nhiều thế hệ so với thế giới và khu vực. Việt Nam là một trong số 90 nước kém nhất về công nghệ. Với trình độ công nghệ lạc hậu này, quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá của Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu không đề ra được một chiến lược đầu tư phát triển về công nghệ lâu dài, nhanh chóng và vững chắc.
Có hai con đường cơ bản để có công nghệ là tự nghiên cứu và phát minh ra cônh nghệ và nhập công nghệ từ nước ngoài. Dù tự nghiên cứu hay nhập công nghệ từ nước ngoài cũng cần phải có tiền, cần có vốn đầu tư. Mọi phương án đổi mới công nghệ không gắn với nguồn vốn đầu tư đều là những phương án không khả thi.
Thứ hai: Đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ
Đầu tư quyết định sự ra đời, tồn tại và phát triển của mỗi cơ sở. Chẳng hạn để tạo dựng một cơ sở vật chất kỹ thuật cho sự ra đời của bất kỳ cơ sở nào đều cần phải xây dựng nhà xưởng, cấu trúc hạ tầng, mua sắm và lắp đặt thiết bị máy móc trên nền bệ, tiến hành các công tác xây dựng cơ bản và thực hiện các chi phí khác gắn liền với sự hoạt động trong một chu kỳ của các cơ sở vật chất kỹ thuật vừa tạo ra. Các hoạt động này chính là hoạt động đầu tư đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ đang tồn tại: Sau một thời gian hoạt động, các cơ sở vật chất kỹ thuật của các cơ sở này bị hao mòn, hư hỏng. Để duy trì được hoạt động bình thường cần định kỳ tiến hành sửa chữa lớn hoặc thay mới các cơ sở vật chất kỹ thuật đã hư hỏng, hao mòn này hoặc đổi mới để thích ứng với điều kiện hoạt động mới của sự phát triển khoa học kỹ thuật và nhu cầu tiêu dùng của nền sản xuất xã hội, phải mua sắm các trang thiết bị mới thay thế trang thiết bị cũ đã lỗi thời, cũng có nghĩa là phải đầu tư.
Đối với các cơ sở vô vị lợi đang tồn tại, để duy trì hoạt động , ngoài tiến hành sửa chữa lớn định kỳ các cơ sở vật chất kỹ thuật còn phải thực hiện các chi phí thường xuyên. Tất cả những hoạt động này đều là những hoạt động đầu tư.
Nguồn vốn đầu tư phát triển: gồm có nguồn vốn trong nước và nguồn vốn nước ngoài
Nguồn vốn trong nước:
Đối với các cơ quan quản lý Nhà nước, các cơ sở hoạt động xã hội phúc lợi công cộng vốn đầu tư do ngân sách cấp (tích luỹ qua ngân sách và viện trợ qua ngân sách) vốn viện trợ không hoàn lại trực tiếp cho cơ sở và vốn tự có của cơ sở ( bản chất cũng tích luỹ từ phần tiền thưà do dân đóng góp không dùng đến).
Đối với doanh nghiệp quốc doanh, vốn đầu tư được hình thành từ nhiều nguồn hơn bao gồm vốn ngân sách (lấy từ phần tích luỹ của ngân sách, vốn khấu hao cơ bản, vốn viện trợ qua ngân sách), vốn tự có của doanh nghiệp, vốn vay, vốn phát hành trái phiếu, vốn góp liên doanh liên kết với các tổ chức trong và ngoài nước và các hình thức huy động vốn khác quy định theo điều 11 nghị định 56/CP ngày 3/10/1996.
Đối với các doanh nghiệp ngoaì quốc doanh vốn đầu tư bao gồm vốn tự có, vốn vay, vốn cổ phần, vốn liên doanh liên kết với các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước. Đối với các công ty cổ phần, ngoài các nguồn vốn trên đây còn bao gồm tiền thu được do phát hành trái phiếu.
Vốn huy động của nước ngoài: bao gồm vốn đầu tư gián tiếp và vốn đầu tư trực tiếp
Vốn đầu tư gián tiếp: là vốn của Chính phủ, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ được thực hiện dưới các hình thức khác nhau là viện trợ hoàn lại và viện trợ không hoàn lại, cho vay ưu đãi với thời hạn dài và lãi suất thấp, kể cả vay dưới hình thức thông thường. Một hình thức phổ biến của đầu tư gián tiếp tồn tại dưới loại hình ODA – viện trợ phát triển chính thức của các nước công nghiệp phát triển. Vốn đầu tư gián tiếp thường lớn cho nên có tác dụng mạnh và nhanh đối với việc giải quyết dứt điểm các nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của nước nhận đầu tư. Tuy nhiên tiếp nhận vốn đầu tư gián tiếp thường gắn với sự trả giá về chính trị và tình trạng nợ nần chồng chất nếu không sử dụng có hiệu quả vốn vay và thực hiện nghiêm ngặt chế độ trả vốn vay. Các nước Đông Nam Á và NICS Đông Á đã thực hiện giải pháp vay dài hạn, vay ngắn hạn rất hạn chế và đặc biệt không vay thương mại. Vay dài hạn lãi suất thấp, việc trả nợ không khó khăn vì có thời gian hoạt động đủ để thu hồi vốn.
Vốn đầu tư trực tiếp: là vốn của các doanh nghiệp và cánh ân nước ngoài đầu tư sang nước khác và trực tiếp quản lý hoặc tham gia quản lý quá trình sử dụng và thu hồi vốn đã bỏ ra. Vốn này thường không đủ lớn để giải quyết dứt điểm từng vấn đề kinh tế xã hội của nước nhận đầu tư. Tuy nhiên với vốn đầu tư trực tiếp, nước nhận đầu tư không phải lo trả nợ, lại có thể dễ dàng có được công nghệ (do người đầu tư đem vào góp vốn và sử dụng) trong đó có cả công nghệ bị cấm xuất theo con đường ngoại thương vì lý do cạnh trang hay cấm vận các nước nhận đầu tư; học tập được kinh nghiệm quản lý, tác phong làm việc theo lối công nghiệp của nước ngoài, gián tiếp có chỗ đứng trên thị trường thế giới, nhanh chóng được thế giới biết đến thông qua quan hệ làm ăn với các nhà đầu tư. Nước nhận đầu tư phải chia sẻ lợi ích kinh tế do đầu tư đem lại với người đầu tư theo mức độ góp vốn của họ.