Bản đồ, quả địa cầu
Bản đồ và quả địa cầu Bản đồ và quả địa cầu là hai phương tiện đặc trưng khi dạy các nội dung về lịch sử và địa lí. Bản đồ gồm có bản đồ (hình vẽ thu nhỏ của bề mặt Trái Đất theo đúng tỉ lệ), lược đồ (hình vẽ thu nhỏ ...
Bản đồ và quả địa cầu
Bản đồ và quả địa cầu là hai phương tiện đặc trưng khi dạy các nội dung về lịch sử và địa lí. Bản đồ gồm có bản đồ (hình vẽ thu nhỏ của bề mặt Trái Đất theo đúng tỉ lệ), lược đồ (hình vẽ thu nhỏ không theo đúng tỷ lệ) và lược đồ khung (lược đồ trống). Quả địa cầu là mô hình thu nhỏ của Trái Đất.
Hãy so sánh tác dụng sư phạm của bản đồ và quả địa cầu.
Giống nhau:
- Đều là phương tiện biểu thị cho Trái Đất
- Bản đồ là hình vẽ thu nhỏ của bề mặt Trái Đất
- Địa cầu là mô hình thu nhỏ của Trái Đất
Khác nhau:
- Bản đồ là hình vẽ trên mặt phẳng, có nhiều loại, thường có tỷ lệ biểu thị lớn
- Địa cầu là mô hình trong không gian ba chiều, ít loại, thường có tỷ lệ biểu thị nhỏ=> Địa cầu có thể cung cấp những biểu tượng đầy đủ và đúng đắn về hình dạng của Trái Đất, về các điểm cực, đường xích đạo...vị trí của các châu lục và đại dương.
- Bản đồ lại có tác dụng cung cấp cho học sinh những kiến thức chính xác và đầy đủ về các đối tượng địa lí có phạm vi nhỏ và với nhiều đặc điểm tự nhiên và xã hội khác nhau.
Phương pháp làm việc với bản đồ hay lược đồ
Giáo viên hướng dẫn để học sinh thực hiện được theo các bước sau:
Bước 1: Nắm được mục đích làm việc với bản đồ (lược đồ) hay quả địa cầu.
Bước 2: Xem bảng chú giải để có đối tượng địa lí cần tìm trên bản đồ, lược đồ.
Bước 3: Tìm vị trí địa lí của đối tượng địa lí trên bản đồ, lược đồ dựa vào kí hiệu.
Bước 4: Quan sát đối tượng trên bản đồ, lược đồ, nhận xét và nêu đặc điểm đơn giản của đối tượng.
Bước 5: Xác định mối quan hệ địa lí giữa các yếu tố và các thành phần như địa hình, khí hậu, sông ngòi, thiên nhiên và hoạt động sản xuất của con người...
Bài tập thực hành
Hãy lựa chọn một nội dung làm việc với bản đồ hay lược đồ nào đó và trình bày phương pháp làm việc cụ thể.
Phiếu học tập
Phiếu học tập là phương tiện dạy học bằng giấy được viết hoặc vẽ những yêu cầu học tập. Phiếu này thường dùng cho các hoạt động học tập cá nhân hoặc theo nhóm, đồng thời cũng là công cụ cho phép giáo viên thu thập và xử lí thông tin ngược từ học sinh.
Các loại phiếu học tập
Có nhiều cách phân loại phiếu học tập khác nhau. Dưới đây là các phân loại dựa vào mục đích sử dụng:
- Phiếu học: là phiếu nhằm hình thành kiến thức và kĩ năng.
- Phiếu thực hành: thường được sử dụng trong giờ học sinh làm bài tập thực hành hoặc thí nghiệm ở trên lớp hoặc bên ngoài thiên nhiên.
- Phiếu kiểm tra, đánh giá: là phương tiện để học sinh thu thập thông tin về quá trình học tập của học sinh, để các em học sinh tự đánh giá kết quả học tập và sức học của mình.
Yêu cầu đối với việc soạn thảo phiếu học tập
- Các yêu cầu nêu trong phiếu học tập phải được diễn đạt một cách chặt chẽ, rõ ràng, mạch lạc, dễ hiểu và chính xác.
- Các câu hỏi, yêu cầu cần đa dạng về nội dung và hình thức.
Về nội dung: có thể dùng phương pháp trắc nghiệm khách quan hay tự luận để hình thức hỏi phong phú, gây hứng thú học tập cho học sinh.
Về hình thức: câu hỏi trong phiếu nên được trình bày dưới nhiều hình thức như lời văn, câu đố hay hình ảnh...
Bài tập thực hành
Hãy xây dựng các phiếu học, phiếu thực hành, phiếu kiểm tra, đánh giá theo nhiều hình thức và nội dung khác nhau.
Các phương tiện nghe nhìn
Với sự phát triển của khoa học và kĩ thuật, các phương tiện nghe nhìn ngày càng được sử dụng rộng rãi trong trường tiểu học. Các phương tiện nghe nhìn thường được sử dụng khi học sinh không thể quan sát một cách trực tiếp các sự vật, hiện tượng. Ví dụ như những câu chuyện lịch sử, một vùng đất xa lạ, những thành tựu du hành vũ trụ,, khai thác khoáng sản, các cây và con vật hoang dã trên nhiều miền của Trái Đất...
Tác dụng của các phương tiện này là trong khoảng thời gian ngắn có thể cung cấp cho học sinh một lượng thông tin lớn một cách sinh động. Các phương tiện nghe nhìn có thể sử dụng là phim giáo khoa, phim đèn chiếu, phim video, vô tuyến truyền hình, radio, băng ghi âm...