Kết luận về Nguyễn Minh Châu
Hành trình văn học của Nguyễn Minh Châu trải qua gần 30 năm với hai giai đoạn trước và sau 1975, gắn liền với hai giai đoạn của nền văn học hiện đại Việt Nam. Nguyễn Minh Châu đã có những tác phẩm góp phần đáng kể vào thành tựu của văn ...
Hành trình văn học của Nguyễn Minh Châu trải qua gần 30 năm với hai giai đoạn trước và sau 1975, gắn liền với hai giai đoạn của nền văn học hiện đại Việt Nam. Nguyễn Minh Châu đã có những tác phẩm góp phần đáng kể vào thành tựu của văn xuôi thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, nhưng vị trí và đóng góp nổi bật của ông là ở giai đoạn sau 1975, trong vai trò của người đi tiên phong mở đường cho công cuộc đổi mới văn học.
Những đặc điểm bao trùm trong sáng tác của Nguyễn Minh Châu, và cũng là những nét nổi bật trong tư tưởng và phong cách của ông có thể thấy tập trung ở những điểm sau.
Tư tưởng nhân đạo.
* “Văn học và đời sống là những vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm là con người”...“Tôi không thể nào tưởng tượng nổi một nhà văn mà lại không mang nặng trong mình tình yêu cuộc sống và nhất là tình yêu thương con người. Tình yêu này của người nghệ sĩ vừa là một niềm hân hoan say mê, vừa là một nỗi đau đớn, khắc khoải, một mối quan hoài thường trực về số phận, hạnh phúc của những người chung quanh mình”. (Nguyễn Minh Châu ).
Ghi nhớ
Nguyễn Minh Châu là nhà văn có tình yêu thương tha thiết với con người, mang một mối quan hoài thường trực về số phận và những nỗi đau khổ của con người ở xung quanh mình. Nhà văn muốn dùng ngòi bút của mình tham gia trợ lực cho con người trong cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, đồng thời luôn đặt niềm tin vào con người, ở khả năng thức tỉnh và hướng thiện của mỗi người. Tư tưởng nhân bản là cơ sở vững chắc của mọi tìm tòi, khám phá sáng tạo của nhà văn. Trên hướng đó, Nguyễn Minh Châu xứng đáng là người xuất sắc kế tục những nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn trong nền văn học dân tộc.
Năng lực miêu tả và phân tích tâm lý.
Tư tưởng nhân bản của Nguyễn Minh Châu lại được hình thành và phát triển trên cơ sở sự hiểu biết thấu đáo, sâu sắc về con người, đặc biệt là đời sống tâm lý của con người. Chiều sâu bí ẩn của đời sống bên trong con người là cái đích mà ngòi bút của Nguyễn Minh Châu hướng tới để lật xới, khám phá: “Cần phải mô tả con người tham gia vào các vụ việc với tất cả chiều sâu của tiến trình diễn biến tâm lý và tính cách” (Nói về truyện ngắn của mình). Các nhân vật của Nguyễn Minh Châu đặc biệt là trong những truyện ngắn sau năm 1975, đều được thể hiện trong những trạng thái và quá trình tâm lý không hề đơn giản.
Các nhân vật như Hạnh, Thai, Lực và nhất là Quỳ, Khúng đều được soi sáng từ bên trong với tất cả tính phức tạp và luôn vận động của đời sống tâm lý, cả những ám ảnh của tiềm thức vô thức. Ngòi bút miêu tả và phân tích tâm lý của Nguyễn Minh Châu đã tiếp nối truyền thống chủ nghĩa hiện thực tâm lý của Nam Cao. Sự gần gũi đó được thể hiện đặc biệt rõ ràng trong loại nhân vật tự vấn.
Hướng về những vẻ đẹp trong sáng và chất trữ tình.
Tinh thần nhân bản ở Nguyễn Minh Châu được biểu hiện trong hai thái độ đối với con người: sự thương cảm và niềm tin. Thái độ thứ nhất được thể hiện ở sự đồng cảm, ở mối quan hoài thường trực về những đau khổ và số phận con người cùng với nỗi lo âu và cảnh tỉnh trước sự sa sút về đạo đức, nhân cách. Còn niềm tin lại dẫn dắt ngòi bút của nhà văn hướng đến khám phá những vẻ đẹp tiềm ẩn, bền vững trong con người, trong thiên nhiên cùng với chất trữ tình đằm thắm. Trong những năm chiến tranh, cũng nằm trong mạch sử thi hào hùng của văn học đương thời, nhưng tác phẩm của Nguyễn Minh Châu vẫn thiên về khai thác những vẻ đẹp trong sáng, như chính tác giả đã bộc lộ khát vọng của mình là “gắng đi tìm những hạt ngọc ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn con người”. Người đọc có thể tìm thấy vẻ đẹp ấy trong các nhân vật: Cô giáo Thuỳ, Bác Thỉnh (Cửa sông), Kinh, Lữ, Xiêm (Dấu chân người lính), Thận (Nhành mai),Nguyệt (Mảnh Trăng Cuối rừng)…. Sau năm 1975 cái nhìn của nhà văn về con người đã đạt tới sự nhận thức tính phức tạp, đa tầng của bản chất con người, nhưng vẫn không mất đi niềm tin và sự khao khát khám phá những vẻ đẹp sâu xa của con người. Những vẻ đẹp ấy được thể hiện tập trung nhất ở các nhân vật phụ nữ. Trong truyện của Nguyễn Minh Châu, nhân vật nữ thường là hiện thân của những phẩm chất truyền thống của vẻ đẹp tâm hồn, như tình yêu trong sáng và thuỷ chung duy nhất tình thương và đức hy sinh, lòng vị tha. Nhiều nhân vật nữ thuộc trong số những hình tượng thành công nhất của Nguyễn Minh Châu và để lại nhiều thiện cảm trong người đọc (Nguyệt, Hạnh, Quỳ, Thai). Chất trữ tình và vẻ đẹp trong sáng của Nguyễn Minh Châu còn được thể hiện ở những bức tranh thiên nhiên, được miêu tả bằng ngòi bút tinh tế, gợi cảm và thường mang tính biểu tượng.
Về bút pháp:
Nguyễn Minh Châu cũng ngày càng đa dạng, tinh tế và giàu chất tạo hình trong miêu tả, linh hoạt, biến hoá trong lối kể chuyện và nhất là sắc sảo trong miêu tả và phân tích tâm lí nhân vật. Phải kể thêm một điểm đặc sắc trong bút pháp của Nguyễn Minh Châu là việc sử dụng khá thường xuyên các hình ảnh biểu tượng. Người đọc không thể không nhớ đến những hình ảnh loại này trong nhiều tác phẩm, như Mảnh trăng, Nhành mai (trong các truyện ngắn cùng tên), cái giếng nước nơi góc vườn (Bên đường chiến tranh), chiếc xe cút kít (Khách ở quê ra), đặc biệt là bò khoang và giấc mơ kì dị người - bò của lão Khúng (Phiên Chợ Giát)
Đôi dòng cảm nghĩ
Nguyễn Minh Châu phải ngừng bút vào cái lúc mà tài năng và tư tưởng của ông đặt tới độ chín, cũng là lúc công cuộc đổi mới văn học vừa được mở ra, đem lại sự khích lệ to lớn cho những tìm tòi sáng tạo của nhà văn. Những gì mà ông khai phá để mở ra hướng đi mới đã được nhiều cây bút tiếp theo kế tục và đẩy tới xa hơn. Những cống hiến của Nguyễn Minh Châu trong cả cuộc đời cầm bút, đặc biệt là ở thời kì đổi mới vẫn là một di sản quý trong nền văn học hiện đại Việt Nam và được nhiều thế hệ người đọc đón nhận với niềm yêu mến và trân trọng.