Kể một kỉ niệm về thầy cô giáo của em – Văn hay lớp 7
Kể một kỉ niệm về thầy cô giáo của em – Văn hay lớp 7 Kể một kỉ niệm về thầy cô giáo của em – Bài làm số 1 của một bạn học sinh giỏi tỉnh Bạc Liêu Hồi ấy, cô Tâm là chủ nhiệm của lớp 1 E chúng tôi, ngày từ ngày khai giảng đầu tiên, trong ánh mắt ngây thơ, hồn nhiên của đứa trẻ thơ, ...
Kể một kỉ niệm về thầy cô giáo của em – Văn hay lớp 7
Kể một kỉ niệm về thầy cô giáo của em – Bài làm số 1 của một bạn học sinh giỏi tỉnh Bạc Liêu
Hồi ấy, cô Tâm là chủ nhiệm của lớp 1 E chúng tôi, ngày từ ngày khai giảng đầu tiên, trong ánh mắt ngây thơ, hồn nhiên của đứa trẻ thơ, tôi đã thấy cô thật hiền hậu trong tà áo dài rực rỡ màu xanh có những bông hoa lốm đốm nhiều màu sắc, cô có dáng người dong dỏng, khuôn mặt có trái xoan với đôi mắt nâu ấm áp luôn nhìn chúng tôi với vẻ thân thương, trìu mến, mái tóc dài mượt đen óng ánh làm nổi bật nước da trắng hồng của cô, sống mũi cô cao với đôi môi trái tim lúc nào cũng đỏ hồng như được xoa lên một lớp son mỏng. Ấn tượng nhất với tôi là nụ cười duyên dáng với hàm răng trắng ngà đều tăm tắp cùng má lúm đồng tiền hiện rõ trên má trái, cô ăn mặc giản dị không diện như các cô giáo khác trong trường nhưng trong ánh mắt của học trò chúng tôi, cô lúc nào cũng xinh đẹp nhất, tươi trẻ nhất.
Tôi quên thế nào được bàn tay búp măng thon nhỏ của cô Tâm, bàn tay ấy đã mềm mại đưa những nét phấn trên bảng đen, đã thoăn thoắt xòe que tính cho chúng tôi tập làm toán, bàn tay cô đã nắm lấy những bàn tay bé nhỏ của chúng tôi diễu hành qua lễ đài trong buổi tựu trường đầu tiên, đã nắn nót đưa từng nét bút trên những trang giấy trắng thơm tho, đã rèn luyện cho tôi chữ viết và cách trình bày một bài văn hay một đoạn văn, thơ. Ngày ấy, tôi là một học sinh cá biệt của lớp 1 E, vốn là con gái nhưng chữ tôi rất cẩu thả, chữ viết thì xấu nhất lớp. Bởi vậy, một số bạn trong lớp chê cười tôi, tôi buồn lắm, cứ mỗi lần đến giờ chính tả tôi đều rất sợ hãi, lo lắng, tim tôi cứ đập thình thịch, nhưng mỗi lúc ấy, bên cạnh tôi luôn có cô Tâm- người cô tôi yêu quý nắm lấy tay tôi đưa từng nét chữ nắn nót trên giấy. Chao ôi! cái ấm áp của bàn tay cô khiến con người ta phải xao xuyến nhớ mãi không quên, lúc đầu khi được cô nắm tay, tay tôi run run nên nét chữ hơi nghệch ngoạc, nhưng cô đã nhìn tôi cười với ánh mắt của tình yêu thương đã sưởi ấm trái tim của một tâm hồn nhỏ bé. Cô vẫn cố gắng rèn chữ cho tôi, chỉ sau một vài lần, chữ tôi đã tiến bộ hơn. Cô luôn quan tâm tới tôi, luôn để ý đến chữ viết của tôi khiến cho mấy đứa trong lớp cũng phải phát ghen. Khi tôi viết sai chính tả cô không mắng mà chỉ dịu dàng nhắc nhở, bàn tay búp măng ấy đã uyển chuyển đưa những nét chữ đẹp đẽ đậm nhạt làm mẫu cho tôi về nhà tập viết, cô luôn dặn dò khuyên nhủ tôi phải tích cực luyện chữ viết để chữ viết tiến bộ hơn, mỗi lần nhìn lên bàn tay trắng nõn nà nhỏ nhắn đang đưa nét phấn lên bảng đen của cô tôi lại thầm cảm ơn cô – cảm ơn bàn tay ấm áp của cô. Cứ thế, tôi khôn lớn dần trong vòng tay tràn đầy tình yêu thương mãnh liệt của cô. Tôi không còn sợ hãi khi mỗi lần viết chính tả nữa, tôi không còn run rẩy mỗi khi cô nắm tay nữa, cuối cùng tôi cũng đạt được điểm chín môn chính tả. Khi nhìn thấy cô nở nụ cười rạng rỡ khen tôi có sự cố gắng trong học tập, tôi thấy lòng mình vô cùng sung sướng và hạnh phúc, từ một học sinh có chữ xấu nhất lớp tôi đã vươn lên đứng thứ mười một trên hai mươi tư bạn trong lớp. Tôi cảm thấy tự hào và hãnh diện khi được học dưới sự chỉ dẫn ân cần, tận tụy của cô Tâm.
Giờ đây, sóng gió cuộc đời xô đẩy tôi tới nhiều nơi, đưa tôi vượt qua bao gian nan, thử thách trong cuộc sống khiến tôi đôi lúc lãng quên đi những kỉ niệm đẹp của tuổi thơ, nhưng hình ảnh cô Tâm luôn hiện lên trong tâm trí tôi với một nụ cười thân thiện cùng đôi bàn tay nhỏ nhắn ấm áp ấy. Cô chính là nguồn động lực luôn tiếp sức cho tôi trên con đường học tập. Tôi tự hứa với lòng mình sẽ ghi nhớ mãi lời cô Tâm dạy bảo, mỗi lần nhìn những dòng chữ nắn nót trên trang giấy trắng, tôi xúc động thầm nghĩ đến cô và thầm nhắc ” giờ cô đang ở đâu”
Kể một kỉ niệm về thầy cô giáo của em – Bài làm số 2
Em có một kỉ niệm sâu sắc với thầy Thanh, chủ nhiệm của em hồi lớp 5. Em không bao giờ quên được kỉ niệm ấy, nó nhắc em tình thầy nghĩa bạn, những tình cảm tốt đẹp nhất của tuổi thơ.
Hồi ấy em là một học sinh nghịch ngợm, ít vâng lời thầy. Chẳng hạn giờ ra chơi, em đem vở bạn này bỏ vào cặp bạn kia. Trong một lần đi xem văn nghệ ở trường, em giấu dép của một cô giáo. Nhà trường cấm đốt pháo trong trường (dạo đấy nhà nước chưa cấm pháo) thì trong cặp em vào mấy tháng Tết lúc nào cũng có đủ các loại pháo. Thỉnh thoảng em ném vào các chỗ bất ngờ, làm mọi người giật mình. Vì những việc ấy mà thầy chủ nhiệm lớp em, thầy Thanh thường gặp em, nhắc em và thậm chí phê bình, nêu tên, gặp cả bổ mẹ em để lưu ý. Em cảm thấy thầy có thành kiến với em, luôn để mắt tới em, khiến em không thoải mái.
Nhưng một lần lớp em được phân công đi trồng cây ở bãi ven sông xa thành phố, nơi có dòng sông sâu chảy xiết. Thầy chủ nhiệm nhắc nhở các lớp: chỉ được xuống bến rửa chân tay, chứ không được bơi lội, giữa dòng nguy hiểm.
Hôm ấy, trồng cây buổi sáng xong, em xuống bến rửa chân tay. Nhìn dòng nước trôi em cảm thấy thích thú. Trời lại nóng, em nghĩ tắm ven bờ chắc không sao, phải thử một cái mới được. Trưa ấy, khi mọi người nằm, ngồi dưới gốc cây nghỉ ngơi, em lặng lẽ rủ một bạn nữa ra bờ sông. Bạn ấy không dám. Em bảo: "Sợ à? Nhìn tớ đây!". Rồi bị kích thích bởi sự hăng hái của chính mình, em bắt đầu cởi áo xuống nước. Lúc đầu em chỉ bơi ven bờ, nước ở đây chạy không xiết, không sao. Nhưng dòng sông dốc. Em bất ngờ trượt chân và bị cuốn ra xa, càng vùng vẫy, càng xa bờ. Bạn em vỗi kêu to: "Có người chết đuối! Có người chết đuối!". Còn em mới bơi được một lúc đã thấy đuối sức, vừa hoảng sở, vừa chới với, cảm thấy mình chìm dần… Sau đó các bạn em kể lại. Khi nghe tiếng kêu, thầy Thanh vội chạy tới. Xung quanh vắng ngắt không có đò giang gì, chỉ thấy em đang chới với giữa dòng nước. Thầy vội vàng lao ra, bơi về phía em. Thầy khéo léo túm tóc em rồi kéo em vào bờ. Nước trôi nhanh quá. Phải cách bến mấy trăm mét mới đưa được em vào bờ. Thầy nhanh chóng dóc ngược em cho nước thoát ra rồi làm hô hấp nhân tạo cho em thở đều. Mọi người lúc ấy xúm đến và đưa em lên bờ.
Mọi người nói may thầy Thanh là một người thích thể thao, biết bơi lội, nếu không thì việc làm vô kỉ luật ấy của em đã gây ra hậu quả to lớn.
Sau lần ấy nhà trường đã phê bình và nhắc nhở em. Nhưng em thấy việc nhắc tên lại quá nhẹ nhàng. Lỗi của em đáng phải xử nặng hơn. Nhất là sau đợt ấy, thầy Thanh lại phải ốm một thời gian.
Đã mấy năm trôi qua, nhưng em không khi nào quên được tấm gương quên mình cứu trò của thầy chủ nhiệm. Em hiểu ra sự nghịch ngợm của em đã gây thâm khó khăn cho thầy cô. Em thấy hối hận và thấy kính trọng thầy cô, tôn trọng các quy định của nhà trường.
Kể một kỉ niệm về thầy cô giáo của em – Bài làm số 3
Ơn thầy!
Thời gian chính là liều thuốc tốt nhất để cho ta quên đi những điều không vui trong cuộc sống. Những quá khứ đau thương rồi sẽ bị gió cuốn đi, đi xa mãi như những cánh bồ công anh phất phơ giữa dòng đời xô đẩy. Nhưng cũng có những điều theo ta đến suốt cuộc đời, như những giọt nước nhỏ nhoi nhưng bồi đắp trong ta bao tình cảm khó phai. Ngày 20-11 đã đến gần, những kỉ niệm về thầy cô bỗng dưng ùa về trong tôi khiến tôi bồi hồi khó tả…
Tôi còn nhớ như in cái buổi sáng hôm ấy, một buổi sáng tong lành và mát mẻ. Hai tay chống cằm tôi phóng tầm mắt ra ngoài ô cửa sổ nơi dãy hành lang. Những tia nắng nhảy nhót trên những tán phượng, len lỏi qua từng kẽ lá chiếu xuống mặt sân. Không biết giờ này mẹ đang làm gì nhỉ? Có phải mẹ đang dũng bữa sáng, hay mẹ vẫn còn đang say giấc? Suy nghĩ mông lung,chợt tiếng gọi của cô làm tôi bừng tỉnh:
-Huyền! mang vở bài tập lên cho cô!
Đứa bạn ngồi bên nhéo tôi một cái đến phát điếng;
-Huyền cô gọi kìa!
Tôi ngoảnh lại, vội vã cầm quyển vở với hàng chữ nguệch ngoạclên bàn cô giáo.
Cô Thích-cô giáo chủ nhiệm lớp 2 của tôi. Có lẽ cô là người lớn tuổi nhất trong các giáo viên ở trường. Hình như lúc áy cô ngoài 50,51 gì đó. Tôi không còn nhớ rõ. Chỉ nhớ mái tốc cô bấy giờ đã điểm vài sọi bạc, đôi mắt mờ mờ nhưng ấm áp tình thương. Cô đưa cặp kính xuống, chau mày vẻ khó chịu. Cô gọi tôi đứng dậy, nghiêm khác nói:
-Huyền, con là một học sinh khá giỏi của lớp, tại sao dạo này kết quả học tập của con lại đi xuống như thế? Bài tập con làm sai hết. Cô yêu cầu con về làm lại. Con phải cố gắng hơn, nếu không cô sẽ báo cho gia đình con. Con ngồi xuống đi!
Tôi im lặng, ngồi xuống, ái ngại trước bao ánh nhìn vẻ giễu cợt của đám bạn. Buổi học hôm đó cuối cùng ũng kết thúc. Tôi ra về trong nỗi buồn nặng nề. Tôi sải bước trên con đường đày sỏi đá, hai bên đường cay xòe bống mát. Tiếng chim ríu rít trên ngọn cây, tưởng như vui nhưng không sao tôi vui lên được. Lại một ngày nữa, một ngày nữa trôi qua, mội ngày trôi qua sao dài như hàng thé kỉ. Kết quả học tập của tôi ngày càng sa sút, sa sút đến nỗi khiến cô giáo phải bàng hoàng. Buổi học hôm đó, cô đã liên lạc với bố tôi bàn về chuyện này.
Tôi ngồi đó, bên ngoài căn phòng hội đồng, lòng tôi như muốn nghẹn thở.'Ánh nắng hôm nay sao mà oi ả thé?'-tôi tự hỏi.Tôi biết, tôi biết lý do tại sao tôi trở nên như vậy. Cô giáo cũng biết, qua lời kể của bố tôi:
-Cô giáo ạ!mẹ cháu bị ốm đã hơn một tuần nay. Tôi phải thường xuyên ra bệnh viện chăm sóc cho cô ấy vì không có ai chăm nom giúp. Khi mẹ cháu ở nhà thường hay dạy cháu học. Nay chỉ còn ông bà nội ở nhà nên không dạy bảo cháu được.
Nghe đến đay hình như tôi thấy cô giáo nghẹn ngào. Cô hiểu ra tất cả, điều đó khiến tôi vui. Cô rất thương người, yêu thương đám học trò nhỏ trong lớp. Cô là người từng trải nên hiểu được tâm lí trẻ thơ như tôi. Cuối buổi hôm ấy, cô gọi tôi, nhẹ nhàng:
-Cô hiểu được hoàn cảnh của con. Từ nay cô sẽ thay mẹ con đến dạy con học bài vào buổi tối cho đến khi mẹ khỏi bệnh. Con có đồng ý không?
-Vâng ạ!Con cảm ơn cô!
Và rồi từ ngày hôm ấy, đêm nào cô cũng giành một khỏng thời gian đến dạy tôi học bài. Vì nhà cô cũng ở cùng làng nên tiện cho việc đi lại. Những hôm trời mưa tầm tã, cô không ngại khó đạp chiếc xe đạp cũ vào nhà tôi. Người cô lạnh cóng, đôi bàn tay cô run run ướt sũng. Khẽ cầm đôi bàn tay, tôi đưa nhẹ lên má,với một suynghĩ trẻ con rằng sẽ làm cô cảm thấy đỡ rét. Rồi cả những hôm trời mất điện, hai cô trò cùng nhau bên ánh đèn dầu lập lòe trong gió. Cô dạy tôi cách làm toán, dạy tôi đọc bài nhuần nhuỹen, bắt tay tôi nắn nót từng con chữ. Cái cảm giác ấy thật thân quen, ngỡ như bàn tay của mẹ. Lúc ở nhà mẹ cũng hay làm như vậy. Tôi nhớ đến mẹ, nhớ mẹ nhièu lắm!
Một buổi sáng chủ nhật đẹp trời, bố dẫn tôi vào bệnh viện thăm mẹ. Lòng tôi như ấm hẳn lên khi tháy mẹ đang dần khỏi bệnh. Tôi kể cho mẹ nghe về cô, mẹ vui lắm. Nhưng tôi cũng phải về khi trời đã về chiều.
Những ngày sau đó, tôi hăng hái học tập hẳn lên,thành tích mà tôi đạt được ngày càng tốt. Cô giáo quyết định cho tôi đi dự cuộc thi học sinh giỏi của trường. Điều đó làm tôi vui sướng. Tôi tự nhủ phải hoàn thành tốt để làm món qua tặng cô và mẹ. Trước ngày đi thi, cô tặng cho tôi một cây bút, cây bút hồng hà mà đối với tôi nó thật ý nghĩa. Đó là niềm ao ước của tôi khi nhìn thấy đứa bạn ngồi bên được mẹ mua cho hồi đầu năm học. Kèm theo là lời nhắn:' Con phải cố gắng lên nhé! Nhớ tập trung,làm hết khả năng của mình,con nhớ chưa?'. Đó không chỉ là lời nhắn bình thường mà nó còn là nguồn động viên lớn lao đối với tôi, là niềm tin cho tôi chiến thắng. Ngày thi ấy, tôi đa làm rất tốt. Thật bất ngờ, không lâu sau đó chiếc bằng khen được trao đến tay tôi với niềm vui bao trùm lên tất cả. Tiếng gió khua lao xao ngoại thềm vắng, giao động ká cành. Niềm vui như được nhân đôi khi lúc dó là lúc mẹ tôi xuất viện, trở về bên tôi. Tôi ôm trầm lấy cô và mẹ, khóc thút thít như đứa con nít (vì lúc đó tôi thấy mình đã lớn). Qua đôi mắt của họ, tôi nhận thấy được niềm vui, sự hãnh diện tự hào. Mẹ hãnh diện vì đứa con ngoan, còn cô tự hào vì những thành quả mà tôi đạt được không phụ long mong mỏi của mình. Tôi thầm cảm ơn ông trời đã cho tôi được sống, ban cho tôi hai người mẹ đáng kính như vậy.
'Thời gian trôi qua nhanh lắm,nếu ta không biết nắm bát và tận dụng mà cứ để nó lướt qua thỳ thật lãng phí.Muốn làm bất cứ việc gì phải kiên trì nhẫn nại cố gáng hết mình thì mới có thể đạt được kết quả cao.'. Đó là những điều tôi học được từ cô. Cho đến bay giờ, tôi đã là một cô bé 15 tuổi, biết suy nghĩ hơn về cuộc sống. Chính vì vậy tôi mới càng hiểu sâu sắc hơn những điều cô gửi gắm. Lời dạy của cô, kỉ niệm về cô, nó luông chiếm một vị trí quan trong trong trái tim tôi, khó mà quên được. Thầy cô-âm thầm, lặng lẽ như vậy đó, vậy nên, mọi người hãy quý trọng mọi thứ, dù chỉ là những điều đơn giản nhất, hãy nâng niu từng khoảnh khắc trong đời.
Kể một kỉ niệm về thầy cô giáo của em – Bài làm số 4
Ngày ấy, có được cây viết máy Hero của Trung Quốc là niềm mơ ước lớn lao của bất cứ đứa học trò nào. Cả khối lớp bảy trường tôi chỉ có khoảng năm đứa con nhà khá giả là có được diễm phúc ấy. Thế mà vào ngày sinh nhật của tôi, tôi lại được ba mẹ tặng cho một cái. Khỏi phải nói niềm sung sướng và kiêu hãnh của tôi khi mang cây viết đến lớp.
Khoảng một tuần sau – tôi còn nhớ hôm ấy là thứ bảy – ra chơi vào tôi rụng rời cả tay chân: cây viết của tôi đã không cánh mà bay. Cả lớp lập tức xôn xao, đứa bò xuống gầm bàn, ngăn cặp, đứa rũ tung sách vở của tôi xem cây viết có lẫn vào không. Tôi cũng máy móc làm theo mấy bạn, mặcdù nhớ chắc chắn rằng trước khi ra khỏi lớp mình đã cất cây viết vào hộp. Đúng lúc đó thì cô Hoa bước vào lớp.
Sau khi nghe các tổ báo cáo tình hình xong, cô Hoa bảo tôi đứng lên kể chi tiết về sự việc cho cô nghe. Tôi hăm hở kể tất cả: nào là cây viết hiệu gì, màu gì, ai cho, thường hay để đâu, mất vào lúc nào…
Thằng Kiệt nhanh nhảu:
– Cô cho xét cặp hết lớp mình là ra liền đi cô!
Cô Hoa hình như không nghe thấy lời nó:
– Ra chơi hôm nay có ai ở lại canh lớp?
– Dạ Thảo và Mai ạ.
Mai đứng lên:
– Thưa cô, em định ở lại canh lớp với Thảo cho vui, nhưng Thảo nói em cứ ra ngoài sân chơi đi, để mình Thảo ở lại canh lớp được rồi.
Lập tức trong lớp nổi lên tiếng nhao nhao:
– Xét cặp Hồng Thảo đi cô… Xét cặp Hồng Thảo đi cô…
Xung quanh tôi, đám bạn dang dồn mắt về phía Hồng Thảo, chỉ chờ cô ra lệnh là sẽ lục tung chiếc cặp kia ngay lập tức mà cô Hoa thì vốn nổi tiếng là cô giáo nghiêm khắc nhất trường.
Mặt Hồng Thảo hết đỏ bừng lên rồi lại tái mét đi. Nó run rẩy lắp bắp:
– Em không lấy đâu cô… Không phải em…
– Thôi, các em, hết giờ rồi, sau tiết này cô còn bận họp giáo vụ. Thứ hai cô sẽ giải quyết tiếp – Cô Hoa đột ngột lên tiếng rồi bước ra cửa, nhanh đến nỗi cả lớp ngơ ngác không kịp đứng dậy chào.
Sáng thứ hai, sau giờ chào cờ, bao giờ nhà trường cũng dành khoảng mười lăm phút cho cô giáo chủ nhiệm dặn dò lớp. Cô Hoa bước vào, gật đầu ra hiệu cho chúng tôi ngồi xuống:
– Lớp mình tuần qua hạnh kiểm và học lực đều tốt, cô không cần nhắc nhở gì thêm. Còn về chuyện cây viết của Nga…
Cả lớp chăm chú nhìn cô. Tôi liếc sang Hồng Thảo, tay nó run run bám chặt lấy mép bàn.
– Hôm thứ bảy cô họp xong thì bác lao công có đưa cho cô một cây viết, bảo rằng bác nhặt được khi quét lớp mình. Có phải cây viết của em đây không?
Tôi nhìn vào tay cô. Nắp vàng… thân xanh… chữ Hero lấp lánh… đúng là cây viết của tôi rồi. Tôi sung sướng nói:
– Thưa cô, đúng rồi. Em cảm ơn cô.
– Em về chỗ đi. Lần sau nhớ giữ gìn dụng cụ học tập cẩn thận.
Cô đi rồi, tôi còn nghe trong lớp bàn tán:
– May quá không thì mất rồi.
Tội nghiệp vậy mà cứ nghi cho Hồng Thảo.
Hôm ấy ra về lớp tôi lại ríu rít bên nhau, đám con gái cứ luôn miệng trò chuyện với Hồng Thảo như để bù sự lạnh nhạt hôm trước. Bất giác tôi thấy lòng mình vui vui và nhẹ nhõm kì lạ.
Nhưng có một điều mà tôi biết, mà cả Hồng Thảo cũng biết là cây viết mà cô Hoa đưa cho tôi hôm ấy chỉ giông hệt, chứ không phải là cây viết của tôi. Ngay từ khi viết dòng chữ đầu tiên, tôi đã nhận ra điều đó.
Sau năm học lớp bảy, tôi theo gia đình chuyển đi nơi khác. Bao nhiêu năm xa cách, không ngờ tôi và Hồng Thảo lại có cơ hội ngồi bên nhau. Nhắc lại chuyện xưa, Hồng Thảo mỉm cười:
– Thế mà cho đến nay mình vẫn chưa nói được lời cảm ơn cô về chuyện ấy. Nga có thể tưởng tượng được không, mình đã định nghỉ học vì xấu hổ bởi hành động dại dột ấy.
– Còn mình, mình cũng biết ơn cô đã dạy cho mình một cách ứng xử trong cuộc sống.
Ôi, sao mà chưa bao giờ như lúc này, tôi nhớ cô giáo của tôi đến thế!
Kể một kỉ niệm về thầy cô giáo của em – Bài làm số 5
Gia đình em theo bố chuyển ra thị xã đã gần hai năm. Hôm nay, em mới có dịp về thăm quê. Vừa lên xe, em đã nhận ra cô Nga, cô giáo chủ nhiệm lớp 5A mà em rất quý mến. Em khoanh tay lễ phép chào cô. Cô mỉm cười kéo em ngồi xuống ghế bên cạnh và ân cần hỏi thăm tình hình học tập và sinh hoạt của em. Gặp cô, em mừng lắm. Bao nhiêu kỉ niệm tốt đẹp về quê lại trỗi dậy trong kí ức em…
Hồi ấy, quê em còn nghèo. Đường làng lồi lõm, quanh co, sau mỗi cơn mưa, đất nhão thành bùn dính bết vào chân, đi lại rất khó khăn. Dân làng làm việc quần quật suốt ngày ngoài đồng, quanh năm vất vả. Trẻ em mới lên chín, lên mười đã phải phụ giúp cha mẹ những việc nhỏ như chăn trâu, cắt cỏ…
Sáng sáng, em đi học cùng bạn Lâm. Nhà bạn ấy cách nhà em một xóm. Hôm đó, chờ mãi không thấy Lâm đến rủ, em đành tới trường một mình. Suốt mấy ngày mưa phùn lây rây, không khí ẩm ướt và lạnh thấu xương. Bầu trời xám xịt, mặt trời bị che khuất sau những đám mây dày sũng nước. Đến lớp, em thấy bạn nào cũng co ro vì lạnh, chân tay, quần áo lấm nhem bùn đất. Cô Nga nhìn chúng em với ánh mắt ái ngại và thương cảm. Cô khen chúng em chịu khó, chăm học, rồi cô bắt đầu giảng bài như thường lệ. Chúng em say mê nghe, quên cả trời mưa lạnh.
Giờ chơi, các bạn ùa ra hành lang, túm năm tụm ba chuyện trò vui vẻ. Em chợt nhớ tới Lâm và định bụng tan học sẽ ghé thăm xem bạn ấy vì sao mà nghỉ học.
Buổi trưa, ăn cơm xong, nghĩ tới đoạn đường đến nhà Lâm, em ngại quá! Em chui tọt vào chăn rồi ngủ quên mất. Mãi đến tối, em lấy hết can đảm dấn bước trên con đường trơn trượt để đến nhà Lâm. Em ngạc nhiên khi thấy bên ngọn đèn dầu, cô Nga đang giảng bài và hướng dẫn Lâm làm Toán. Lâm quàng chiếc khăn kín cổ mặt đỏ bừng như người đang sốt. Nhìn cảnh ấy, lòng em xao xuyến bối rối. Em thương Lâm và kính phục cô bao nhiêu thì lại tự trách mình bấy nhiêu. Lẽ ra tan học, em phải đến với Lâm ngay để giúp bạn ấy chép bài, làm bài mới đúng. Em thật có lỗi với bạn Lâm và cô giáo.
Dường như nhận ra vẻ bối rối của em, cô Nga tươi cười bảo: "Đạt tới thăm Lâm đấy ư? Tốt lắm! Cô và hai em cùng giải mấy bài Toán khó này nhé!". Thế rồi cô tiếp tục hướng dẫn cặn kẽ cho tới lúc bạn Lâm tự làm được bài.
Mẹ Lâm nói với em: "Chiều qua, Lâm ra đồng giúp bác nhổ cổ lúa nên bị cảm. Đêm nó sốt cao quá nên sáng nay phải nghỉ học. Nó mong cháu mãi đấy!". Nghe bác nói, em càng ân hận và trách mình sao quá vô tình.
Chín giờ khuya, cô Nga cùng em trở về trên con đường lầy lội. Lúc chia tay, cô dặn em: "Nếu mai Lâm chưa đi học được thì Đạt tới chép bài cho Lâm nhé! Bạn bè phải giúp đỡ nhau lúc khó khăn, em ạ!". Em tần ngần đứng nhìn theo anh đèn pin xa dần mà lòng dâng lên niềm kính phục và quý mến cô vô hạn.
Gần hai năm sống và học tập trong ngôi trường mới, em luôn nhớ đến những ngày thơ ấu dưới mái trường làng với bao kỉ niệm khó quên về thầy cô và bạn bè thân yêu. Mái trường đơn sơ nơi quê nghèo nhưng ấm áp tình người.
Hồng Loan tổng hợp
Từ khóa tìm kiếm:
- nhân ngày 20/11 kể cho các bạn nghe về một kỉ niệm đáng nhớ giữa mình và thầy cô giáo cũ
- viết một bài văn kể về một kỉ niệm của em với cô giáo
- tả 1 kỉ niệm khó quên về thầy cô giáo
- Kể một kỉ niệm của em đối với thầy cô
- viết đoạn văn kể một kỉ niệm với cô giáo
Bài viết liên quan
- Tả ngôi trường thân yêu gắn bó với em nhiều năm qua – Văn hay lớp 5
- Phân tích tác phẩm Sang thu – Văn hay lớp 9
- Phát biểu cảm nghĩ về bài Đức tính giản dị của Bác Hồ – Văn hay lớp 7
- Tả lại thầy cô giáo em lúc đang say sưa giảng một môn học nào đó – Văn hay lớp 5
- Tả hình ảnh thầy cô giáo đang giảng bài – Văn hay lớp 6
- Tả một phiên chợ vùng cao – Văn hay lớp 6
- Ngạn ngữ Hy Lạp có câu “Học vấn có những chùm rễ đắng cay …” – Văn hay lớp 7
- Thuyết minh về hoa sen – Văn hay lớp 8