18/06/2018, 15:35

John Maynard Keynes

Robert B. Reich* , Tạp chí Time Ngọc Lan biên dịch John Maynard Keynes (5 tháng 6 1883 – 21 tháng 4 1946) là một nhà kinh tế học người Anh. Những ý tưởng của ông, hình thành nên Kinh tế học Keynes, có ảnh hưởng lớn tới kinh tế học hiện đại và chính trị cũng như các chính ...

Robert B. Reich*, Tạp chí Time

Ngọc Lan biên dịch

Keynes

John Maynard Keynes (5 tháng 6 1883 – 21 tháng 4 1946) là một nhà kinh tế học người Anh. Những ý tưởng của ông, hình thành nên Kinh tế học Keynes, có ảnh hưởng lớn tới kinh tế học hiện đại và chính trị cũng như các chính sách tài chính của nhiều chính phủ. Ông ủng hộ cho sự can thiệp của chính phủ vào kinh tế, bởi nhờ đó chính phủ sẽ sử dụng chính sách tài chính và chính sách tiền tệ để làm giảm đi những ảnh hưởng bất lợi do suy thoái kinh tế hay bùng nổ kinh tế gây ra. Ông là người khai sinh kinh tế học vĩ mô hiện đại.

Ông dường như chẳng có vẻ gì của một nhà cách mạng của người lao động. Một hiệu trưởng trường đại học Cambridge với khả năng kiếm tiền nhạy bén, tốt nghiệp trường dự bị Eton duy nhất ở Anh, một người sưu tầm nghệ thuật hiện đại, người yêu của Virginia Woolf và nhóm tri thức tiên phong Bloomsbury của bà, chủ tịch một công ty bảo hiểm, một giám đốc Ngân hàng Anh sau đó, cưới một nữ diễn viên ba-lê, John Maynard Keynes – cao, duyên dáng và tự tin – tuy nhiên đã biến đổi khoa kinh tế chính trị thành một phương tiện cách mạng cho tiến bộ xã hội.

Trước Keynes, các nhà kinh tế học thường buồn thảm nói không. “Không thể làm gì được”, “Đừng can thiệp”, “Nó sẽ chẳng có kết quả gì đâu”, họ ngâm nga sự bi quan kiểu Eeyore . Nhưng Keynes là một người lạc quan kiên định. Tất nhiên chúng ta có thể xóa bỏ thất nghiệp! Chẳng có lý do gì phải chịu đựng sự suy thoái và đình trệ! “Khó khăn trong kinh tế không phải – nếu chúng ta nhìn vào tương lai- một vấn đề thường trực của con người”, ông viết.

Sinh ra tại Cambridge, Anh, vào năm 1883, năm mà Karl Marx qua đời, Keynes hầu như chắc chắn đã cứu chủ nghĩa tư bản từ chính nó và chắc chắn đã giữ không cho những mác-xít hiện đại tới gần. Bố của ông- John Neville Keynes- là một nhà kinh tế học nổi tiếng của Cambridge. Mẹ ông – Florence Ada Keynes – trở thành thị trưởng của Cambridge. Chàng thanh niên John là một sinh viên xuất sắc nhưng không mong ước ngay lập tức một sự nghiệp học thuật hay một đời hoạt động cho xã hội. Anh đã muốn quản lý một đường tàu. “Làm chủ những nguyên tắc của chúng thật là dễ dàng và… lôi cuốn”, anh nói với một người bạn, với sự khiêm tốn vốn có. Nhưng không đường ray nào xuất hiện, và Keynes kết thúc bằng cuộc thi tuyển công chức. Điểm thấp nhất của ông là ở môn Kinh tế. “Tất nhiên tôi biết nhiều về Kinh tế hơn là người chấm điểm”, về sau ông giải thích như vậy.

Keynes nộp đơn vào Văn phòng Ấn độ , nhưng công việc dân chính tỏ ra chán ngắt và buồn tẻ, và ông sớm từ chức. Ông giảng dạy tại Cambridge, biên tập một tờ báo có ảnh hưởng, giao thiệp với những người bạn trong nhóm Bloomsbury, bao quanh bởi những nghệ sĩ và nhà văn và sống một cuộc sống nghiệp dư đầy đủ cho đến khi Hoàng tử Francis Ferdinand của nước Áo bị ám sát tại Sarajevo và châu Âu chìm ngập vào Thế chiến thứ nhất.

Keynes được gọi đến Ngân khố Anh làm việc về tài chính nước ngoài, nơi ông nhanh chóng tỏa sáng. Ngay cả những khiếu nghệ sĩ của ông cũng trở nên có ích. Ông đã tính cách cân đối các khoản chi thu ngân sách Pháp bằng việc Gallery quốc gia Anh mua các tác phẩm hội họa của Manet, Corot và Delacroix với giá hời.

Danh tiếng của ông lần đầu tiên được thực sự biết đến ngay sau cuộc chiến, khi ông được chọn được làm người đại diện cho Hội thảo Hòa Bình Paris năm 1918-1919. Người trẻ tuổi Keynes giữ im lặng khi Woodrow Wilson, David Lloyd Goerge và GoergesClemenceau áp đặt bồi thường chiến tranh không khoan nhượng lên nước Đức. Nhưng ông đã tạo tiếng vang khi quay trở lại Anh lập tức viết một cuốn sách ngắn, Những Hệ quả Kinh tế của Hòa bình.

Người Đức, ông viết một cách gay gắt, sẽ không thể trả những gì những kẻ thắng trận đòi hỏi. Gọi Wilson là một “Đông Ki sốt mù, điếc” và Clemenceau là một kẻ bài ngoại với “một ảo tưởng – nước Pháp, và một sự vỡ mộng – loài người” (và chỉ đến phút cuối lướt qua một lời văn hoa mỹ ông đã dành cho Lloyd George: “kẻ thi sĩ chân dê, khách mời nửa người nửa ngợm này tới thời đại của chúng ta từ phép thuật phù thủy và những khu rừng bị bùa mê của thời Celtic cổ đại”), một Keynes giận dữ đã tiên đoán rằng những bồi thường thiệt hại chiến tranh sẽ khiến Đức bần cùng và rút cục sẽ đe dọa toàn châu Âu.

Cuốn sách nhỏ của ông bán được 84.000 bản, gây xôn xao lớn và khiến Keynes nổi tiếng ngay tức khắc. Nhưng tầm quan trọng của nó chỉ được thực sự cảm nhận sau nhiều thập kỷ, khi Thế chiến thứ hai kết thúc. Thay vì lặp lại sai lầm mắc phải ba thập kỷ trước, Mỹ và Anh nhớ tới lời cảnh báo sớm của Keynes. Họ hiểu rằng con đường chắc chắn nhất cho một hòa bình vững bền là giúp đỡ kẻ thua trận xây dựng lại. Đầu tư công trên quy mô lớn sẽ tạo ra những đối tác thương mại có thể quay vòng lại mua sản phẩm xuất khẩu của các nước thắng trận, và như vậy sẽ xây dựng những xã hội dân chủ trung lưu vững chắc ở Đức, Ý và Nhật.

Tuy nhiên, ảnh hưởng lớn nhất của Keynes đến từ một tác phẩm cầu kỳ, bố cục lộn xộn và nhiều chỗ gần như không thể hiểu được, xuất bản năm 1936, trong những năm vực thẳm của thời kỳ khủng hoảng tồi tệ nhất (Great Depression). Cuốn sách đó được gọi là “Học thuyết chung về Việc làm, Quyền lợi và Tiền tệ” .Ý tưởng cơ bản của Keynes rất đơn giản.

Để cho toàn dân đều có việc làm, chính phủ phải chịu thiếu hụt ngân sách khi kinh tế đang chậm lại. Đó là bởi vì khu vực tư sẽ không đầu tư đủ. Khi thị trường trở nên bão hòa, các hãng thương mại giảm đầu tư, khởi đầu sự vận động của một vòng quay nguy hiểm: giảm đầu tư, ít việc làm hơn, ít tiêu dùng hơn và lại càng thiếu lý do cho các nhà kinh doanh đầu tư. Kinh tế có thể đạt tới sự cân bằng hoàn hảo, nhưng với cái giá là tình trạng thất nghiệp cao và sự nghèo khổ xã hội. Tốt hơn là chính phủ nên tránh đau thương ngay từ đầu bằng cách tiếp sức nơi cần thiết.

Khái niệm rằng sự thiếu hụt ngân sách của chính phủ là tốt nghe thật kỳ lạ vào thời điểm đó. Trong hai thập kỷ trước, nỗi lo lắng lớn nhất của Mỹ là lạm phát gây ra bởi nhu cầu cao quá mức.

Lạm phát tăng cao tới mức hai con số vào những năm 70, thiếu hụt ngân sách tăng phồng vào những năm 80, và bây giờ một Tổng thống (thuộc đảng) Dân chủ tự chúc mừng vì số thặng dư ngân sách mà ông ta muốn dùng để trả nợ. Nhưng khoảng sáu mươi năm trước, khi cứ bốn người có một người không tìm được việc làm, vấn đề lại là sự thiếu nhu cầu (tiêu dùng).

Mặc dù thế, Keynes gặp phải sự thất vọng lớn. Hầu hết các nhà kinh tế học thời ấy gạt bỏ ý tưởng của ông và ủng hộ ngân sách cân đối. Hầu hết các chính khách không hiểu ý tưởng của ông để có thể bắt đầu. “Những người thực dụng, những người tin rằng bản thân họ không hề chịu ảnh hưởng nào từ các trí thức, lại thường là nô lệ cho những nhà kinh tế học quá cố”, Keynes viết.

Trong kỳ bầu cử tổng thống năm 1932, Franklin D. Roosevelt đã nguyền rủa Herbert Hoover vì gây ra thiếu hụt ngân sách, và hứa hẹn một cách nghiêm túc rằng ông sẽ cân đối ngân sách nếu thắng cử. Cuộc thăm viếng của Keynes đến Nhà Trắng hai năm sau đó để cố thuyết phục F.D.R chi nhiều khoản thâm hụt hơn đã không phải là một thành công sáng lạn. “Anh ta để lại toàn những hình minh họa dông dài”, F.D.R bối rối phàn nàn với Bộ trưởng Bộ Lao động Frances Perkins. “Đáng lẽ anh ta nên làm một nhà toán học hơn là một nhà kinh tế chính trị học”. Keynes cũng chán nản, nói với Perkins rằng ông “tưởng rằng Tổng thống có nhiều học thức hơn, về mặt kinh tế mà nói”.

Khi khủng hoảng tiếp diễn, Roosevelt thực hiện các công trình công cộng, hỗ trợ nông dân và nhiều phương sách khác để khởi động lại nền kinh tế, nhưng ông chưa bao giờ hoàn toàn từ bỏ nỗ lực cân đối ngân sách. Năm 1938, Khủng hoảng trở nên trầm trọng. Một cách miễn cưỡng, Roosevelt đi theo ý tưởng mới duy nhất mà ông còn chưa thử, ý tưởng của nhà “toán học” gây bối rối người Anh. Như Tổng thống giải thích trong một buổi nói chuyện với nhân dân Mỹ, “Chúng ta phải chịu đựng sự thất bại trong nhu cầu tiêu dùng chủ yếu bởi sự thiếu sức mua”. Vì vậy chính phủ sẽ “tạo sự cải thiện kinh tế” bằng cách “bổ sung chosức mua của quốc gia”.

Thế nhưng chỉ đến khi Mỹ bước vào Thế chiến thứ hai thì F.D.R mới thực hiện ý tưởng của Keynes ở quy mô cần thiết, để đưa đất nước ra khỏi tình trạng buồn nản – và Roosevelt, tất nhiên, không có nhiều sự lựa chọn. Năng suất của Mỹ đạt đến mức nào đã thực sự gây ngạc nhiên lớn một khi cơ hội được mang đến.

Trong khoảng 1939 và 1944 (đỉnh điểm của sản xuất thời kỳ chiến tranh), lượng hàng hóa toàn quốc tăng lên gấp đôi, và thất nghiệp tụt hẳn xuống – từ hơn 17% xuống hơn 1%.Chưa bao giờ một học thuyết kinh tế được thử nghiệm đột ngột như thế. Cứ tính cả hoàn cảnh đặc biệt của huy động chiến tranh, nó dường như hoạt động chính xác như những gì Keynes đã tiên đoán. Sự thử nghiệm lớn thậm chí đã lan ra nhiều nước Cộng hòa khác. Luật Lao động Mỹ năm 1946 – năm Keynes qua đời – soạn thành luật sự hiểu biết mới, khiến nó trở thành “chính sách liên tục và trách nhiệm của Chính phủ Liên bang … trong việc thúc đẩy tới mức tối đa việc làm, sản xuất và sức mua”.

Và cứ như vậy Chính phủ Liên bang đã làm trong một phần tư thế kỷ tiếp theo. Vì kinh tế Mỹ bùng nổ, chính phủ trở thành người quản lý kinh tế quốc gia và Tổng thống là Tổng giám đốc. Một lẽ phải thông thường đã được chấp nhận, rằng chính phủ có thể “điều chỉnh” kinh tế, nhấn cặp chân ga chính sách thuế và tiền tệ để tránh giảm sức sản xuất, và đạp phanh khi cần thiết để tránh sự quá nhiệt. Năm 1964, Lyndon Johnson giảm thuế để mở rộng sức mua và tăng công ăn việc làm. “Chúng ta bây giờ đều là những Keynesians”, Richard Nixon tuyên bố thật hay. Người Mỹ vẫn giữ thói quen cho rằng Washington có trách nhiệm lèo lái kinh tế ra khỏi khó khăn, mặc dù bây giờ Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Alan Greenspan chứ không hẳn Tổng thống mới là người gánh vác trách nhiệm nhiều nhất.

Keynes không có một chút kiên nhẫn với những lý thuyết gia kinh tế cho rằng mọi thứ sẽ thực hiện trong một thời gian dài. “Thời gian dài đó là một chỉ dẫn sai lầm cho những công việc hiện tại”, ông viết từ rất sớm trong sự nghiệp của mình. “Trong thời gian dài, tất cả chúng ta đều chết”.

Nếu Keynes còn sống tới ngày nay, chắc hẳn ông sẽ thán phục sự mạnh mẽ của nền kinh tế Mỹ, nhưng ông cũng sẽ nhận thấy rằng khoảng 40% nền kinh tế toàn cầu đang trong tình trạng suy thoái và nhiều nền kinh tế còn lại đang đi chậm lại: Nhật Bản, trì trệ; Đông Nam Á, nghèo hơn thời điểm hai năm về trước; Brazil, bấp bênh; Đức, bị đè nặng bởi tỷ lệ thất nghiệp hai con số và một nền kinh tế chậm lại; và giá cả tuột dốc toàn cầu cho dầu và nguyên liệu.

Dưới ánh sáng của tất cả những điều này, Keynes có thể sẽ thấy khó hiểu khi thấy Quỹ Tiền tệ Quốc tế đang đòi hỏi những nước khó khăn thuộc Thế giới Thứ ba tăng thuế và giảm chi tiêu, rằng quy chế thành viên của “euro” yêu cầu sự nghiêm khắc trong ngân sách, và rằng Tổng thống Mỹ muốn bám chặt vào một ngân sách có thượng dư. Bạn có thể đánh cược rằng Keynes sẽ không giữ im lặng. Nhanh nhẹn và xuất sắc như ông đã từng, có lẽ ông sẽ bước vào cuộc ẩu đả với cả nắm đấm và một tiếng gầm vĩ đại.

_________

* Robert B. Reich, giáo sư về kinh tế và chính sách xã hội tại Brandeis, đã từng là Bộ trưởng Bộ Lao động Mỹ từ năm 1993 tới năm 1997.

Bài viết đã được đăng trên tạp chí Time, 1999

Chú thích bởi người dịch :

1. Virginia Woolf(1882-1941), nhà viết tiểu thuyết và nhà văn tiểu luận người Anh, được coi như một trong những gương mặt nhà văn hiện đại lỗi lạc nhất của thế kỷ 20.

2. Một cộng đồng người Anh của những người bạn thân thiết và người thân, sống ở gần Luân Đôn trong nửa đầu thế kỷ 20. Tác phẩm của họ có ảnh hưởng lớn tới văn học, óc thẩm mỹ, óc phê bình, và kinh tế, cũng như tới những quan điểm hiện đại về thuyết nam nữ bình quyền, chủ nghĩa hòa bình, và tình dục.

3. Một chú lừa nhồi bông bi quan, u sầu, già nua, phiền muộn – nhân vật trong sê-ri truyện Winnie-the- Pooh của A.A. Milne

4. Một bộ của Chính phủ Anh chịu trách nhiệm về chính phủ thuộc địa Ấn Ðộ.

5. Người theo thuyết kinh tế của Keynes

6. Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu ‘euro’

Tạp chí Phía Trước số 8

0