18/06/2018, 12:12

Hưng Yên - Chợ đấu giá rau

Chợ đấu giá rau Chợ Đông Tảo (Khoái Châu, Hưng Yên) là đầu mối cung cấp rau quả đi nhiều nơi như Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội... Nhiều hộ buôn bán ở đây đã trở thành các chủ vựa lớn từ “buôn thúng bán mẹt”. Đêm ở xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu. tỉnh ...

Chợ đấu giá rau
Chợ đấu giá rau

Chợ Đông Tảo (Khoái Châu, Hưng Yên) là đầu mối cung cấp rau quả đi nhiều nơi như Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội... Nhiều hộ buôn bán ở đây đã trở thành các chủ vựa lớn từ “buôn thúng bán mẹt”. 

Đêm ở xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu. tỉnh Hưng Yên không bao giờ yên tĩnh. Vô số những ánh đèn lấp loáng tạo nên một quầng sáng kỳ ảo khó có thể nhìn rõ mặt người. Kẻ bán người mua cùng chụm đầu nhìn kỹ từng vạch khắc trên chiếc cân rồi mới tính toán trao tay từng xấp bạc lớn... 

Doanh nhân ở chợ đêm

Anh Nguyễn Văn Hải (40 tuổi, thôn Đông Tảo Nam) đang đứng trước những đống hàng rau quả đủ loại từ cải đặc sản Đông Dư đến su hào ta, cải bắp cuộn... như một ông chủ trong cuộc đấu thầu: khách hàng tự rao giá, ai trả cao hơn thì mới cho phép bốc hàng! Một tiếng rao từ trong bóng tối cất lên: su hào ta, sáu trăm! (nghĩa là: 600.000 đồng một tấn rau su hào). Anh Hải đáp liền: Đồng ý! Chỉ một loáng, hơn 6 tấn hàng rau quả đã chất đầy xe ô-tô. Từ 12 giờ đêm đến 4 rưỡi sáng, anh Hải đã xuất được hai chuyến hàng rau quả (khoảng 12 tấn) chở ra Quảng Ninh bán. Anh Hải cho biết: "Toàn bộ số hàng này là do tôi hợp đồng nhận bao tiêu với hơn 100 hộ dân trong làng, từ khi cây còn ở ruộng, đến vụ chỉ việc cân lên là tính tiền tùy theo giá của thị trường". Chợ còn xuất hàng chục tấn rau quả ra tận Hải Phòng, Quảng Ninh. Họ là những ông chủ, bà chủ của những phiên chợ đêm Đông Tảo này và đều xuất thân từ những người buôn thúng bán mẹt. Nếu trước đây họ chỉ quẩn quanh mua đầu chợ bán cuối chợ thì giờ đây họ đã biết đi đến từng hộ trồng rau để gom hàng ngay từ lúc mới gieo hạt. Bắt đầu từ năm 1995, khi chợ đêm Đông Tảo trở thành chợ đầu mối rau quả chuyên phân luồng mậu dịch tới các tỉnh xa như Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội thì lớp người buôn bán như anh Hải mới thực sự trở thành những doanh nhân biết tính toán làm ăn lớn. Những người ít vốn hơn cũng sống được theo cách cũ, chị Lành cho biết: "Vốn của tôi chỉ có 200 nghìn đồng, tôi đến sớm hơn mọi người để có thể mua được rau với giá rẻ. Sau đó tôi bán lại cho anh Hải với giá cao hơn một chút. Cò con thế nhưng mỗi đêm tôi cũng kiếm được khoảng 300.000 đồng lãi. Một tháng cũng được gần 10 triệu đồng". Chị Nguyễn Thị Thảo, ở thôn Đồng Kinh, xã Đông Tảo thì cho hay: "Tôi chỉ mua đi bán lại rau quả ngay tại chợ, cũng có tới 160.000 đồng tiền lãi ở mỗi đêm". 

Khi nông sản trở thành hàng hóa

 
Chợ Đông Tảo được người mua kẻ bán coi như nơi chứa đựng đầy đủ những sản phẩm của nông nghiệp và là đầu mối đưa hàng đi bán ở các nơi khác. Có tới gần 4.000 người thường xuyên họp chợ mỗi đêm, hàng trăm chiếc ô-tô tải từ Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội đổ về mua rau quả! Dân trồng rau, buôn rau của chín xã lân cận cũng đánh xe lam, xe công nông, xe máy... chở hàng đến chợ Đông Tảo làm cho người ta không còn nhớ tới tiếng kẻng báo giới nghiêm lúc 21 giờ 30 phút đêm nữa! Ban Quản lý chợ cho biết: "Mỗi đêm bình quân chợ Đông Tảo xuất ra thị trường hơn 130 tấn rau quả. Trong đó có khoảng 30 tấn cam, quất, 20 tấn cải Đông Dư, còn lại là bí, su hào, cải bắp, táo, ớt, rau, hành,... Một người buôn rau bình thường cũng có mức lãi khoảng 250.000 đồng một phiên chợ đêm". Vào những phiên chợ Tết hoặc mùa vụ, kéo dài khoảng 3 tháng thì lưu lượng xe và hàng hóa tăng lên đáng kể: riêng loại xe tải lớn cũng phải tới 300 chiếc! Chỉ tính riêng lệ phí thu tổng thể của ban quản lý chợ cũng đã lên tới 200 triệu đồng/năm. Mỗi năm trừ chi phí, trả lương cho 8 thành viên của ban quản lý và đầu tư xây dựng đường điện thắp sáng tại chợ, BQL vẫn đóng góp từ 110 triệu đồng trở lên, về ngân sách xã. Tiếp đó, có 600 hộ trên tổng số 2.000 hộ trong xã giàu lên từ chợ đêm này. Điều đáng mừng là mặc dù chợ đông nhưng cả xã Đông Tảo và chín xã lân cận cùng sang buôn bán ở chợ đêm, an ninh trật tự đều tốt. Trong tổng số hơn 1.000 thanh niên buôn bán ở chợ đêm thì có tới hơn 200 lao động là thanh niên xã Đông Tảo. Họ tự đưa mình vào một guồng quay, theo một chu kỳ tuần hoàn từ nhà... ra vườn rồi... đến chợ, như thế tạo lập cho mình một nghề chính, nhờ sự nhạy bén của chính họ!


0