18/06/2018, 12:38

Huế - Gốm Phước tích

Đi từ phía Bắc vào hay trong Nam ra, trên tuyến Quốc lộ 1A đến ngã ba chợ Mỹ Chánh, theo Quốc lộ 49 khoảng 800m, qua cầu Phước Tích rẽ tay phải là đến làng Phước Tích. Làng Phước Tích thuộc xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế được thành lập vào năm 1470 và nổi danh khắp kinh ...

Đi từ phía Bắc vào hay trong Nam ra, trên tuyến Quốc lộ 1A đến ngã ba chợ Mỹ Chánh, theo Quốc lộ 49 khoảng 800m, qua cầu Phước Tích rẽ tay phải là đến làng Phước Tích. Làng Phước Tích thuộc xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế được thành lập vào năm 1470 và nổi danh khắp kinh thành Huế về nghề gốm. Nghề gốm ở Phước Tích đã có bề dày hơn 500 năm tuổi, từng là vật phẩm tiến vua, từng nuôi sống bao thế hệ người dân ở ngôi làng bé nhỏ nép mình bên dòng Ô Lâu trong xanh, hiền hòa.

Cụ Nguyễn Duy Mai - một trong 15 nghệ nhân còn sót lại của làng kể: "Gốm Phước Tích từng là một đặc sản nổi tiếng khắp miền Trung. Không chỉ sản xuất dưới dạng các loại gia dụng như trách, chậu, om, niêu, ấm, tộ, cối tiêu, bình vôi, chum, ghè, thạp, thống... . gốm Phước Tích còn được trưng dụng trong hoàng cung triều Nguyễn với nhiều cổ vật tinh xảo một thời, đến nay còn được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế".

Cũng theo lời cụ Mai, thời hoàng kim của nghề gắn chặt với thời điểm làng thành lập. Trong làng có cả thảy 12 lò sấp, lò ngửa chẳng bao giờ tắt khói. Sản phẩm làm ra đến đâu, tiêu thụ đến đó. Dưới sông, trên bờ ngược xuôi tấp nập tàu thuyền đưa gốm của làng đến tận Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Quy Nhơn...

Chất liệu chính của sản phẩm gốm Phước Tích khai thác ở vùng Diên Khánh (Quảng Trị), đất sét - người thợ thường gọi là kẻ được chia thành nhiều loại: kẻ tốt, kẻ màu... Trong quy trình sản xuất gốm, kẻ tốt được dùng để sản xuất những sản phẩm có thành mỏng, hình khối lớn, kẻ màu dùng làm những đồ vật không yêu cầu về mặt ngoại hình. Sản phẩm gốm, qua các công đoạn làm đất, chuốt, làm nguội... với sự hỗ trợ của các công cụ: thêu, nề đất, bàn chuốt, bàn xên, gót chân, vòng vá nhắm, dợ sát, trang, cái lù, tre dồn... và nung trong những dạng lò sấp hay lò ngửa. Đôi tay của người thợ Phước Tích cho ra đời nhiều sản phẩm từ hàng trăm năm nay có mặt trong mọi gia đình Huế dưới dạng các loại đồ đựng như: lu, hông, ảng, hủ, độc, trình, thống...; các loại đồ nấu như om, siêu, nồi, ấm; dụng cụ sinh hoạt khác như: bình vôi, bình hoa, dĩa dầu chuồng...; hay chiếc oa ngự dụng (om ngự) dùng trong buổi ngự thiện của nhà vua mà dân gian thường gọi là om cồi luôn là niềm kiêu hãnh của người dân xứ Cồn Dương.

Ngày nay, trước sự cạnh tranh của hàng nhựa công nghiệp, trên những gian hàng xén của làng quê miền Trung đã vắng dần hình ảnh thân quen của mặt hàng độc Phước Tích. Tuy nhiên, Phước Tích vẫn là ngôi làng được nhiều người biết đến, bởi sản phẩm thủ công của họ vẫn là vật gần gũi với mọi người trong một thời gian dài và cả trong ký ức.

0