18/06/2018, 12:37

Hà Tây- Làng nghề thêu thôn Trê

Là một trong 13 thôn của xã Tuy Lai, một vùng đất nông nghiệp thuần túy thuộc huyện Mỹ Đức, thôn Trê có nghề thêu tay từ năm 1976. Cuối năm 1975, một số giáo viên của Trường Thủ công mỹ nghệ Hà Tây đã đến dạy nghề cho một số lao động. Ngay sau đó, nghề được nhân dân ...

Làng nghề thêu thôn Trê
Là một trong 13 thôn của xã Tuy Lai, một vùng đất nông nghiệp thuần túy thuộc huyện Mỹ Đức, thôn Trê có nghề thêu tay từ năm 1976. Cuối năm 1975, một số giáo viên của Trường Thủ công mỹ nghệ Hà Tây đã đến dạy nghề cho một số lao động.

Ngay sau đó, nghề được nhân dân tiếp nhận và nhân ra toàn xã. Năm 1976, HTX thêu Tuy Lai ra đời và hoạt động khá hiệu quả nhưng do Đông Âu sụp đổ, hàng làm ra không nơi tiêu thụ nên HTX bị giải thể. Cuối năm 1990, anh Đinh Văn Mí (SN 1958) người thôn Trê đã quyết tâm vực lại nghề bằng việc đi khắp các vùng Thường Tín, Hà Nội, Hà Nam nhận hàng về làm và thuê nhân dân trong làng cùng làm. Từ đó đến nay, trải qua nhiều khó khăn trong việc sản xuất và kinh doanh nhưng anh Mí vẫn là người đứng mũi chịu sào, là ông chủ thêu của cả làng và vùng lân cận về bao tiêu sản phẩm cho nhân dân. Từ việc mua nguyên liệu đưa đến tận tay người dân thậm chí là đầu tư mua khung thêu cho các hộ dân, gia đình anh Đinh Văn Mí đã trở thành cơ sở tiêu thụ sản phẩm thêu lớn nhất của thôn Trê và của cả xã Tuy Lai.
Hiện nay, nghề thêu ở Tuy Lai tập trung chủ yếu là ở thôn Trê, hơn 80% số hộ trong tổng số 213 hộ của thôn làm nghề thêu. Đối tượng tham gia chủ yếu là phụ nữ, học sinh cấp 2,3, những người ngoài 40 tuổi. Nghề thêu ở đây là thêu tay trang trí hoa văn trên các mặt hàng như: Khăn trải bàn, mặt ngoài của túi xách, các họa tiết, hoa văn làm theo đơn đặt hàng của khách hoặc theo sự thiết kế của anh Đinh Văn Mí. Hàng ngày, từ 7 giờ sáng, người dân trong thôn, trong xã tập trung ở nhà anh Mí để giao hàng đã hoàn tất và nhận nguyên liệu là vải, sợi chỉ thêu cùng mẫu mã của lô hàng mới. Đối với các họa tiết mới thì với sự thông thạo nghề đã nhiều năm nay người dân thôn Trê rất dễ dàng đưa những đường nét đúng lên chất liệu được dùng để thêu. Riêng nhà anh Mí có hơn 500 tay kim (thợ thêu) được anh bao tiêu sản phẩm. Mỗi tháng, tiền công cho thợ anh đã chi trả 50 triệu. Cứ hai ngày một lần sản phẩm thu gom từ các tay kim trong làng lại được vận chuyển đi các chủ hàng lớn hơn ở Thường Tín, Hà Nội và Hà Nam... Thu nhập từ nghề thêu, nếu như ở thời điểm năm 1990 thì chỉ đạt 5.000 đồng/ngày song đến nay, do thị trường thêu phát triển nên công của người thợ cũng được cao hơn. Trung bình mỗi lao động là 12.000 đồng/ngày. Với tính chất công việc làm trong nhà và không mang lại tiếng ồn cũng như rác thải bụi bặm nên đường làng ngõ xóm ở đây lúc nào cũng sạch sẽ và thông thoáng. Hiện ở thôn Trê đã được 100% bê tông hóa đường làng ngõ xóm trong khi đó toàn xã cũng đã đạt trên 90% (chỉ còn vài chục km đường liên thôn là đường rải đá cấp phối). Thôn Trê không chỉ được công nhận là làng nghề mà còn được UBND tỉnh công nhận là làng văn hóa nhiều năm nay. Sự phát triển nghề ở thôn Trê góp phần nâng tỷ trọng CN-TTCN của xã Tuy Lai lên 30% (TMDV là 25%, nông nghiệp chiếm 45%) trong đó chủ yếu là giá trị TTCN từ nghề thủ công thêu tay. Năm 2004, bình quân thu nhập của người dân Tuy Lai đạt 3,9 triệu đồng/người/năm.
Về Tuy Lai hôm nay không chỉ có nghề thêu mà còn thấy nhiều người dân ngồi bên những thanh nan, thanh mây, giang, tre để đan lên những chiếc giỏ hoa, những bộ hộp đựng đồ. 5 năm trở lại đây, Tuy Lai đã phát triển nghề làm hàng mây tre giang đan tạo thêm việc làm bên cạnh nghề thêu. Để nâng cao đời sống kinh tế cho người dân nơi đất đồng trũng và núi, cấp ủy, chính quyền Tuy Lai đang nỗ lực đưa nghề thủ công mỹ nghệ vào cho người dân làm trong lúc nông nhàn bên cạnh sản xuất nông nghiệp và làm kinh tế trang trại đồi, rừng... Những ngôi nhà khang trang đang mọc lên và những con đường bê tông sạch đẹp minh chứng cho một vùng quê đang đổi mới.

0