18/06/2018, 12:38

Hà Tây - Tơ lụa Hà Đông

Chiếu Nga Sơn, Gạch Bát Tràng Vải tơ Nam Định, lụa hàng Hà Đông (Thơ Tố Hữu) The La, lĩnh Bưởi, chồi Phùng Lụa Vân Vạn Phúc, nhiễu vùng Mỗ bên ...

Chiếu Nga Sơn, Gạch Bát Tràng

Vải tơ Nam Định, lụa hàng Hà Đông

                                                                           (Thơ Tố Hữu)

The La, lĩnh Bưởi, chồi Phùng

Lụa Vân Vạn Phúc, nhiễu vùng Mỗ bên

                                                                    (Ca dao)

        Hà Tây nay nguyên là Hà Đông và Sơn Tây cũ, từ lâu đã được coi là quê hương của tơ lụa. Câu ca, câu thơ trên có lẽ bất cứ người Việt Nam nào cũng thuộc, cũng thích, đã phản ánh một vùng dệt tơ lụa thủ công lâu đời và lừng danh của nước ta, mà sản phẩm ở nơi đây đã nổi tiếng khắp trong nước, cũng như trên thị trường quốc tế: Tơ lụa Hà Đông.

       Tơ lụa Hà Đông là những mặt hàng dệt thủ công bằng tơ tằm, rất đặc sắc và độc đáo, tiêu biểu nhất trong số những hàng dệt bằng tơ sợi ở Việt Nam. Nói đến tơ lụa Việt Nam không thể không nói tới tơ lụa Hà Đông. Hàng tơ lụa của ta rất bền, đẹp, lại vô cùng phong phú về màu sắc, kiểu dáng.

       1. Các loại hàng tơ lụa Hà Đông

       Mặt hàng tơ lụa thủ công của Việt Nam có tới hàng trăm loại khác nhau. Trong đó, đa số hàng được dệt bằng tơ tằm, gọi chung là tơ lụa, lại ra đời ở vùng làng nghề dệt Hà Đông. Đó là các loại: lụa, là, gấm, vóc, the, lĩnh, bằng, quế, đoạn, sa, đũi, kỳ cầu... Chỉ riêng làng dệt Vạn Phúc (Hà Đông cũ), một trung tâm dệt thủ công lớn và nổi tiếng nhất trong cả nước đã từng làm ra tới 70 thứ hàng the, lụa, đũi, gấm, lĩnh, vải...

Gấm: Đây là loại hàng dệt dày (nền dày), có nhiều màu sắc khác nhau tạo nên gấm các loại, như gấm lam, gấm hồng cánh chấu, gấm đỏ, gấm vàng... Hoa trên gấm thường có màu tươi rực rỡ, được dệt cài nổi, tựa như thêu chỉ các màu rất khéo trên nền sa tanh. Một tấm gấm có nhiều màu, phổ biến là 5 hay 7 màu - gọi là gấm ngũ hay gấm thất thể.

Gấm là mặt hàng quý nhất, khó làm nhất trong tất cả các mặt hàng tơ lụa. Người ta coi gấm là "bà chúa" của các loạt hàng dệt, tơ, lụa. Người thợ dệt gấm phải đạt tới tay nghề rất cao, kỹ thuật điêu luyện, tinh xảo và có óc thẩm mỹ tuyệt vời. Xưa nay, chỉ có rất ít nghệ nhân biết dệt gấm. Theo truyền tụng dân gian, dưới thời Lê, chỉ có làng Vạn Phúc (Hà Đông) là nơi duy nhất biết dệt gấm.

Vân: Là mặt hàng lụa mỏng có hoa nổi, hoa chìm. Hoa nổi trên mặt lụa thì bóng mịn. Còn hoa chìm phải soi lên ánh sáng mới thấy được. Vân được dệt ở Vạn Phúc, là một loại sản phẩm nổi tiếng. Chỉ có thợ Vạn Phúc dệt vân giỏi nhất trong nước, ca dao xưa có câu "The La, lụa Vạn, vải Canh" để chỉ các làng dệt với từng sản phẩm đẹp có tiếng: làng La (nay là La Khê, La Cả) dệt the, làng Vạn Phúc dệt lụa, làng Canh (nay là Canh Diễn) dệt vải bằng sợi bông.

Lụa: Bao gồm các loại lụa trơn, lụa hoa. Đấy là mặt hàng dệt theo kiểu đan lóng mót, nhưng mặt lụa rất mịn mang, óng ả.

The, sa, xuyến, băng, quế: Các loại sản phẩm này có đặc điểm chung, nét đặc sắc là đều dệt thủng - nghĩa là trên mặt tấm the, sa, xuyến, hay băng, quế đều có những lỗ thủng nhỏ rất đẹp, nhưng cách bố cục sợi dọc, sợi ngang không giống nhau. Lỗ dệt thủng giữa các loại này khác nhau về kích thước và độ thưa, dày. Kỹ thuật dệt như thế vừa tạo ra các loại hàng dệt khác nhau, vừa tăng thêm tính thẩm mỹ của từng mặt hàng tơ, lụa.

Lĩnh, đoạn, vóc, sa tanh: Là các loại hàng dệt dày. Số lượng sợi dọc của hàng này đều nhiều hơn lụa. Mỗi tấm lĩnh, đoạn, vóc, sa tanh có số sợi dọc khoảng độ 8.000 sợi. Trong khi đó lụa tơ chừng 3.000 sợi dọc mỗi tấm. Là hàng thủ công, lụa Hà Đông không thể coi nhẹ yêu cầu về thẩm mỹ. Các thế hệ nghệ nhân và thợ dệt ở đây không ngừng cải tiến kỹ thuật sản xuất, mẫu hàng và những thủ pháp nghệ thuật. Các sản phẩm của họ ở bất cứ loại nào cũng đã đạt tới mức hoàn mỹ. Nghệ thuật trang trí và hoa văn trên lụa được xem như mẫu mực của phong cách tạo hình trên chất liệu mỏng, bằng sợi của các nghệ nhân và nghệ sĩ dân gian Việt Nam. Các nghệ nhân tạo mẫu và những người thợ dệt Hà Đông đã sử dụng những đề tài trang trí từ kho tàng nghệ thuật truyền thống dân tộc, nhưng sáng tạo chứ không rập khuôn, nhằm thích ứng với chất liệu dệt. Đề tài thường gặp trên một số hàng tơ lụa dệt hoa là Ngũ phúc, Long vân (rồng mây), Nguyên hoa (hoa chanh, cúc, hồng...), Thọ đỉnh (lư hương và chữ Thọ)... Nhìn chung, hoa văn dệt truyền thống bao giờ cũng bố trí đối xứng. Đường nét trang trí không rườm rà, phức tạp mà luôn mềm mại, phóng khoáng và dứt khoát.

       2. Kỹ thuật dệt lụa Hà Đông

       Để tạo ra được những loại sản phẩm tơ lụa tuyệt hảo nói trên, những thợ dệt thủ công ở trung tâm tơ lụa Hà Đông, cũng như các hàng dệt khác ở nước ta, đã phải trải qua một quy trình kỹ thuật phức tạp, làm hết sức mình với lòng kiên trì và say mê, chịu khó tìm tòi học hỏi trong nhiều năm, thậm chí suốt cả cuộc đời. Quy trình công nghệ dệt lụa bao gồm nhiều bước cũng gọi là các công đoạn hay các khâu công việc:

* Khâu tơ

     * Khâu hồ sợi

     * Khâu dệt

     * Khâu nhuộm.

0