Lý lịch sự vụ của Nguyễn Đức Xuyên- tập hồi kí giai đoạn chiến tranh với Tây Sơn của chúa Nguyễn (bài 1)
Trần Đại Vinh GIỚI THIỆU NGUYỄN ĐỨC XUYÊN (1759-1824) VÀ TẬP HỒI KÝ BIÊN NIÊN “LÝ LỊCH SỰ VỤ” 1. Hành trạng Nguyễn Đức Xuyên Nguyễn Đức Xuyên là hậu duệ đời thứ XV của dòng họ Nguyễn,(1) khai canh làng Dương Nỗ, xã Phú Dương, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên ...
Trần Đại Vinh
GIỚI THIỆU NGUYỄN ĐỨC XUYÊN (1759-1824) VÀ TẬP HỒI KÝ BIÊN NIÊN “LÝ LỊCH SỰ VỤ”
1. Hành trạng Nguyễn Đức Xuyên
Nguyễn Đức Xuyên là hậu duệ đời thứ XV của dòng họ Nguyễn,(1) khai canh
làng Dương Nỗ, xã Phú Dương, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế, mà tổ
tiên vốn thừa hưởng được linh khí của núi sông, truyền thống của gia tộc, và thời
vận của đất nước, đã có nhiều võ công lừng lẫy dưới thời nhà Lê Trung hưng.
Dòng họ ấy vốn có gốc nguồn từ Hải Dương, đời Trần Thái Tông (1225-
1258) đã chuyển cư vào ven Sông Mã, lập nên làng Phước Châu thuộc huyện
Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, trải qua nhiều lần đổi tên, cuối cùng định danh
là làng Nguyệt Viên. Từ nửa sau thế kỷ XV, một số nhân vật trong dòng họ đã
theo Lê Thánh Tông nam chinh, đánh Đồ Bàn. Sau khi thắng lợi trở về, các vị
đã lập một làng mới ở bờ nam hạ lưu Sông Hương, thuộc huyện Tư Vinh, phủ
Triệu Phong, xứ Thuận Hóa, đặt tên làng là Dương Nỗ.
Đời thứ IV của dòng họ này trên đất Thuận Hóa đã có một người lẫy lừng
về võ nghiệp, đó là tướng Nguyễn Hữu Liêu (1538-1597). Quá trình hoạt động
của ông diễn ra trên đất Bắc vào thời Lê-Mạc phân tranh. Năm 1551 ông được
vua Lê Trung Tông cho triệu đến yết kiến, và cho lệ vào chính dinh theo Trịnh
Kiểm đánh Mạc. Là một vị tướng trẻ có tài xông pha trận mạc, ông đã được
Trịnh Kiểm gả con gái nuôi, được Trịnh Tùng tin cậy, trở thành cánh tay phải
cho Trịnh Tùng trong việc bình định nhà Mạc, củng cố nhà Lê Trung hưng.
Đại Việt sử ký toàn thư phần Bản kỷ tục biên của Phạm Công Trứ và Lê triều
thông sử của Lê Quý Đôn đã ghi lại quãng đời binh nghiệp oanh liệt của ông.
Vì thế ông đã được phong chức Điện tiền kiểm hiệu thái úy, Tráng Nghĩa dinh
phó đô tướng, Tổng đốc thủy quân, tước Dương quốc công.
Đời thứ V của dòng họ có quận công Nguyễn Hữu Giai làm đến Điện tiền
tả kiểm hiệu Tây quân đô đốc, kiêm Thủy sư thái phó.
Bẵng đi 6 đời sau, con cháu chỉ lấy nghề nông sinh sống. Đến đời XII, ông cố
của Nguyễn Đức Xuyên là Nguyễn Đức Ân có tay nghề được bổ làm Huấn đạo tại
Sở Nhà Đồ. Người con là Nguyễn Đức Triêm tiếp tục giữ chức này. Vì thiếu tiền
nhà nước, ông phải bỏ vào phủ Quy Nhơn sinh sống. Đến cháu nội là Nguyễn Đức
Quảng lại chuyển gia đình vào cư trú ở thôn Tân Kiểng, huyện Tân Long, thành
Gia Định, là thân phụ của Nguyễn Đức Xuyên. Tại đây, Nguyễn Đức Quảng đã
ra tòng quân. Do tuổi cao, sức yếu, nên nửa chừng ông đã nghỉ. Ba người con của
ông do biến động chiến cuộc đã có những chọn lựa ban đầu khác nhau.
Người con đầu là Nguyễn Đức Thái đã ra phò Nguyễn Ánh, về sau thăng
đến Khâm sai Cai cơ. Người con thứ ba là Nguyễn Đức Ngữ, đầu quân với Tây
Sơn, thăng đến Đô đốc, sau trở về hàng dưới trướng Nguyễn Ánh.
1 Thủy tổ là ngài Nguyễn Hữu Vĩnh, do đó các đời sau đều giữ họ Nguyễn Hữu, riêng chi của Nguyễn Đức Xuyên lại đổi sang Nguyễn Đức. Trong Lời tâu dâng lý lịch sự vụ, Nguyễn Đức Xuyên lại khai là họ Nguyễn Phúc, tên các đời cũng khác trong gia phả. Có lẽ do phải trốn tránh lưu lạc nhiều đời vào Nam nên có sự khác nhau ấy.
Nguyễn Đức Xuyên là con trai thứ hai, sinh năm 1759. Vốn có sức khỏe,
thiếu thời đã luyện tập tinh thông võ nghệ, năm 1780 ông theo tòng quân với
Nguyễn Ánh, được làm đội viên đội cấm binh bảo vệ chúa.
Hai năm sau do có chiến công cùng toàn đội cấm binh truy kích quân Tây
Sơn ở đồng Long Mạt, nên được thăng làm nội đội Đội trưởng tòng quân tước
Xuyên Đức hầu.
Đại Nam chính biên liệt truyện đã viết về Nguyễn Đức Xuyên như sau:
“Xuyên là người dũng cảm mưu lược. Ban đầu lệ vào Nội hầu, làm Đội
trưởng. Năm Quý Mão (1783) giặc Tây Sơn vào cướp, xa giá đi ra ngoài, Xuyên
và Nguyễn Văn Mẫn hộ vệ cung quyến đến hành tại. Nhưng khi đánh ở Hòn
Chồng, quân ta thất lợi, Xuyên lên đường bộ trốn thoát. Mùa thu năm Giáp
Thìn (1784), vua từ nước Xiêm hồi loan, Xuyên đến yết kiến, theo vua đánh
giặc, lại thất lợi, vua đi Hà Tiên, Xuyên theo hầu. Một hôm, đến tối vua vẫn
chưa có cơm ăn, Xuyên chạy vào nhà dân xin cơm. Dân hỏi: Kiệu đi trước có
phải là chúa cũ không? Xuyên lúc đầu trả lời không phải. Dân nói rằng đã trộm
thấy, đừng che giấu gì nữa. Cậu hãy đi đi, lát nữa cơm chín tôi sẽ đem tới dâng.
Vua sai hỏi họ tên, nhưng dân ấy chạy mệt không trả lời được. Khi vua đi Vọng
Các, Xuyên vì ngộ sát người buôn nước Xiêm, sợ bị tra hỏi, không ở theo vua
mà tạm ở Rạch Khương [địa danh nước Xiêm].
“Mùa thu năm Đinh Mùi (1787) ngự giá trở về, đổi Xuyên làm thuộc nội
Cai đội đội Túc trực, cùng với Nguyễn Văn Khiêm đi Bình Thuận do thám giặc
và thu thuế dầu, vải.
“Năm Nhâm Tý (1792) đại giá thân chinh Quy Nhơn, đến cảng Thi Nại,
Xuyên đôn đốc chiến thuyền theo bọn Nguyễn Văn Trương vào trước. Các quân
tiến sau, giặc bèn tan vỡ.
“Năm sau lại theo đánh Quy Nhơn, Đô đốc Đẩu của giặc chiếm cứ bảo
Khố Sơn để chống cự, quân ta ở dưới núi không lên được. Một mình Xuyên tiến
lên, gọi giặc nói rằng: ‘Nay Vương sư đã chiếm Song Kiều đến Tháp Cát, chúa
các ngươi thu binh vào thành, đại binh ta bốn mặt vây hãm, thành Quy Nhơn
không chừng bị hạ. Các ngươi vì tên Đẩu cố thủ mà chuốc lấy cái chết sao’. Lính
giặc nghe Xuyên nói, bèn có ý hàng. Xuyên báo gấp cho Nguyễn Văn Trương
thúc binh tiến lên. Giặc mở cửa bảo đón quan quân. Tên Đẩu sợ hãi trốn thoát,
bảo [Khố Sơn] bèn bị chiếm. Rồi tiến công lên vây thành Quy Nhơn. Giặc đưa
quân vào tiếp viện. Đến khi ban sư, do công lao Xuyên được thăng hàm Vệ úy
vệ Hùng Võ quân Thần Sách.
“Năm Ất Mão (1795) theo đi đánh Quy Nhơn. Cùng Lê Văn Duyệt đánh
Đô đốc Lê Văn Phong của giặc ở bảo Lò Gốm, cả phá được.
“Bính Thìn (1796) hải phỉ Đồ Bà ở ngoài biển Hà Tiên cướp bóc, cản trở
đường biển. Gặp lúc đưa sứ nước Xiêm về nước, vua sai Xuyên dẫn binh thuyền
hơn 10 chiếc đưa ra khỏi biên giới. Xuyên đến Phú Quốc, dò xét được chỗ tàu
phỉ đậu, bèn phân thủy binh làm ba đạo quân, nhân lúc phỉ không phòng bị,
đã đột kích thuyền phỉ, đánh chìm một chiếc, còn lại đều chạy trốn, đuổi bắt
được 10 chiếc, bắt được đảng giặc hơn 80 người, súng khí giới nhiều vô kể. Gặp
lúc nước Xiêm cũng sai tướng dẫn thủy binh tiêu trừ, đến đó thì Đồ Bà đã vỡ
tan, bèn tiếp đón sứ bộ trở về nước. Từ đó phỉ Đồ Bà trốn xa, người Xiêm cũng
nể sợ tên Xuyên. Lúc khác, sứ Xiêm đến, vua chỉ vào Xuyên nói rằng đây là vị
tướng năm trước đánh Đồ Bà đó.
“Năm Mậu Ngọ (1798) thăng làm Phó thống Hậu đồn. Kỷ Mùi (1799) kiêm
quản 5 tượng cơ theo đánh Quy Nhơn. Giặc đánh vào bảo Tháp Cát, Xuyên bị
đạn bay trúng đầu, bịt vết thương mà đánh, cả phá binh giặc, bắt được hơn 20
thớt voi. Được tin thắng trận, vua ban thưởng 500 quan tiền.
“Canh Thân (1800) thăng Thần Sách quân Tri tượng chính Đô thống chế
dẫn binh hộ giá cứu viện cho Bình Định. Xuyên đến Diên Khánh, nghe gián
điệp báo rằng: Tư đồ giặc là Võ Văn Dũng dẫn quân thủy bộ đánh vào Phú
Yên, thế rất lớn. Xuyên vì binh giặc đông, binh ta ít, dâng sớ xin lui binh về
Phan Rí, đợi thủy binh tiến lên, rồi mới cùng tiến. Vua dạy: ngươi cứ tiến lên,
ta đã có phương lược. Xuyên bèn tiến binh, theo Nguyễn Văn Thành sai phái.
Rồi dẫn binh đóng ở ải Thạch Cương, giặc dựa vào núi cố thủ. Xuyên đưa binh
đánh úp, giặc chạy khỏi La Thai, truy kích cả phá. Gặp lúc hàng tướng Từ Văn
Chiêu làm phản. Vua sai Lê Văn Duyệt tiến binh đến Cù Mông, sai Xuyên chia
tượng quân làm hai, một nửa lệ vào quân của Thành, một nửa tự lãnh đến cùng
Duyệt. Xuyên dâng sớ tâu rằng: đánh trên bộ, voi là quan trọng; quân Tả đồn
nhiều kẻ hàng giặc, cơ mưu tiết lộ, quân voi nếu chia ra hai, địch sẽ nhân sơ
hở, sợ khó giữ được vạn toàn. Thần xin giữ nguyên ở Đồng Thị, mà đem quân
Tả đồn đến Cù Mông để ngừa hậu hoạn. Vua báo về: ‘Đồng Thị đất hiểm trở
khó dùng voi, Cù Mông đất rộng rãi bằng phẳng lợi cho dùng voi đánh, ngươi
nên đi liền’. Xuyên vâng mệnh ra Cù Mông.
“Mùa thu năm ấy, Nguyễn Văn Thành đánh giặc ở bảo Núi Chúa, không
thắng. Phó Vệ úy Nguyễn Công Trọng bị chết, Xuyên dâng sớ đại lược rằng:
Giặc tất kéo dài việc vây thành Bình Định, mà binh ta lợi ở tốc chiến. Nay gió
tây bắc dấy rồi, thủy quân không tiện, mà khe núi hiểm trở không quen thuộc.
Nếu gấp đánh, sợ chỉ là gắng gượng cầu may vậy. Trong thành Võ Tánh tất giữ
vững được. Nay cần đánh chậm, chọn binh hàng và quân già yếu đưa về thành
Gia Định để giảm hao phí. Mùa xuân tới, thuận gió thì xin lãnh binh thuyền
tiến đánh Thuận, Quảng, cắt đường vận lương của giặc; chúng sẽ tự cứu, không
rảnh, thì vòng vây Bình Định có thể tự giải cứu được.
“Mùa đông năm ấy, Xuyên quản 10 tượng cơ. Giặc đánh vào bảo Thần Vệ,
Xuyên chống phá, bắt được hơn trăm tên. Gặp lúc vua muốn dùng hỏa công đốt
thuyền giặc, hỏi chư tướng ai làm được. Tống Viết Phước xin đi. Vua sắp cho,
bèn mật báo cho Thành và Xuyên biết. Xuyên đang bệnh, vua sai Nguyễn Cửu
Kỷ đem nhân sâm ban cho. Xuyên nói với Kỷ rằng: Nghe chúa thượng dùng kế
hỏa công mà Phước xin đi, theo Xuyên tính Phước tuy dũng nhưng hỏng ở chỗ
khinh suất tiến lên. Lê Văn Duyệt thì dũng mà có mưu. Nếu sai Duyệt đi thì
việc tất xong. Nếu không thế, thì Xuyên xin đi vậy. Kỷ về tâu lại, vua bèn sai
Duyệt. Mùa xuân Tân Dậu, cả phá Thi Nại. Xuyên và Thành chia binh đánh các
bảo giặc ở Vân Sơn, Phú Trung, chém Đô đốc giặc là Hạch, bắt được 2 thớt voi.
“Mùa hạ, vua thân dẫn thủy quân tiến đánh Phú Xuân. Xuyên theo Nguyễn
Văn Thành, Nguyễn Huỳnh Đức ở lại Bình Định đối phó với giặc. Vua triệu
Xuyên đến dụ rằng: Nguyễn Văn Thành tốt nhưng kiêu, phạt nhiều, mất lòng
kẻ tùy thuộc, nên lưu khanh ở lại đó hãy sửa chữa điều mất, để xong việc nước.
Lại ban một chiếc nhung y ngự dụng và một chóe rượu ngự. Xuyên lạy tạ.
“Tháng 5, đại binh thu phục Phú Xuân. Tướng giặc là Lê Văn Phong đến
cửa khuyết hàng. Lê Văn Duyệt tâu: Phong có tài đáng đại dụng. Xuyên ở quân
thứ nghe tin, dâng mật sớ, cho Phong là kẻ rất thân tín với giặc, như thần và
Nguyễn Văn Thành đối với nước nhà vậy. Thành và thần không phản bội nước,
thì bọn Phong về hàng với ta ắt là không thành thực. Duyệt không xét, bàn cử
Phong, ấy là do Lê Chất xui vậy. Chất về với ta đã lâu, vừa qua lại đuổi giặc
không kịp, cũng có người nghi ngờ bàn ra nói vào. Huống chi là Phong. Chúa
thượng lâu năm lao thân tiêu tứ mới thu phục cựu đô, một việc dùng người rất
quan hệ, mà không xét kỹ, xin gia ý hơn.
“Vua rất tin cậy. Năm Nhâm Tuất (1802) Xuyên và tướng giặc là Trần
Quang Diệu đánh nhau ở Kỳ Sơn, bị thua, Phó tướng Nguyễn Văn Huệ tử trận,
Xuyên bèn dâng sớ xin chịu tội. Vua dụ rằng: Ngươi với quốc gia, nghĩa là quân
thần, tình như phụ tử. Đã gắng gỏi cùng chư tướng sĩ đồng tâm hiệp lực để
chống nghịch cuồng chớ lấy bại một trận mà nản lòng.
“Tháng Ba, thành Bình Định bị hạ, triệu Xuyên về kinh.
“Gia Long năm đầu, mùa hạ, hộ giá Bắc phạt. Đến Thanh Hoa, được sai
lưu lại làm Đốc trấn, ban tước quận công.
“Tháng Tám, triệu đến hành tại ở Bắc thành, sai quyền chưởng Thần Vũ
quân. Xuyên vâng chiếu, cùng Lê Văn Duyệt chia chọn binh đinh trong 5 trấn,
cứ 7 đinh lấy 1. Rồi được vua ban cho 1.000 hộc lúa.
“Mùa đông năm ấy hộ giá trở về kinh. Lại có tang cha. Tháng Mười Một,
chọn lính ở Bố Chính ngoại châu bổ vào tượng dinh.
“Gia Long năm thứ 2, mùa hạ, làm Chưởng Tượng chính kiêm Cai tào vụ.
Mùa thu năm ấy có việc bang giao, đã hộ giá Bắc tuần. Đến Thanh Hoa, vua
sai lãnh bộ binh đi trước ra Bắc thành.
“Gia Long năm thứ 3, lễ bang giao xong, hỗ giá trở về kinh. Vua có lúc mê
say âm nhạc, Xuyên và Nguyễn Văn Nhân dâng sớ thống thiết can ngăn. Vua
nhận lời can gián.
“Gia Long năm thứ 7, mùa thu được làm Khâm sai Chưởng Tượng quân
lãnh Tượng chính, Cai tào vụ. Gia Long năm 11, mùa xuân, nhân lễ ninh lăng
của Hiếu Khương Hoàng hậu, Xuyên làm Đề đốc binh voi theo hầu tả hữu. Gia
Long năm 14, nhân lễ ninh lăng Thừa Thiên Cao Hoàng hậu, sung làm Phù
liễn sứ.
“Năm thứ 18, Xuyên tâu rằng thiên hạ tuy an, không thể quên chiến. Xin
sai các thành dinh trấn hàng năm vào tháng Giêng, tháng 7 thao diễn trận voi,
mỗi kỳ 3 ngày. Vua đồng ý.
“Minh Mệnh năm đầu, mùa hạ, nhân lễ ninh lăng Thế Tổ Cao Hoàng đế,
sung làm Phù liễn sứ.
“Năm thứ 2, xây dựng Thế Tổ miếu, Xuyên đôn đốc công việc. Mùa thu,
đại giá Bắc tuần, sung làm tùy giá thị vệ đại thần. Trong lễ bang giao, sung
làm Thọ sắc sứ.
“Xuyên tính hào phóng, chi phí lại rộng. Có lập ban tuồng gồm nam bộ,
nữ bộ, cơ thiếp cũng xen lẫn trong nữ bộ. Vì của dùng không đủ, tâu xin với
Thánh tổ cho lãnh bổng năm sau. Vua mệnh ban cho tiền 1.000 quan, gạo 1.000
phương, và dụ rằng như không đủ thì tâu với trẫm. Nhà nước đối với khanh
không hề hà tiện.
“Minh Mệnh năm thứ 5, bị bệnh, vua sai trung sứ đến thăm, ngày vài ba
lần. Xuyên gắng gỏi tâu bày: Thần xưa thờ tiên đế, từ trẻ đã có công lao nhỏ.
Kính vâng hoàng thượng lâm ngự đến nay, đã có nhiều lần ban ơn, chưa từng
xung trận bịt vết thương để báo đáp. Nay lại quá ban ơn thương xót, ghi khắc
nào hơn.
“Vua dạy: Xuyên tuổi đã suy yếu, còn có chí da ngựa bọc thây, quốc gia
được người đều như thế, thì có lo gì. Mùa đông năm ấy mất, thọ 67 tuổi.(1)
“Vua dụ Bộ Lễ rằng: Xuyên là người trung dũng, thuần phác, phò tá hoàng
khảo là Thế Tổ Cao Hoàng đế dẹp yên họa hoạn, rồi đến thờ trẫm cung kính
thành thực ra đạo làm tôi. Không ngờ bị bệnh hơn tuần đã không dậy được.
Ta nghĩ bậc kỳ cựu, nói đến thì nước mắt rơi. Tặng Đặc Tiến Tráng Võ Tướng
Quân Tả Trụ Quốc Thái Phó, thụy Trung Dũng. Ban cho nhiều gấm đoạn sô sa,
tiền, bãi triều 3 ngày. Sai quan dụ tế. Ngày đám tang cũng nghỉ triều 1 ngày,
phái binh 1.000, voi 10 thớt đưa tiễn. Lại ban tiền hơn 1.400 quan, gạo 1.000
phương, cấp mộ phu. Con cái đều được cấp tiền gạo.
“Năm Minh Mạng thứ 8 ban cho tòng tự ở Thế Miếu, lại liệt tự ở miếu
Trung Hưng công thần. Cấp tự điền.
“Năm Minh Mệnh thứ 12, truy tặng Tá Vận Công Thần Đặc Tiến Tráng
Võ Tướng Quân Hữu Quân Đô Thống Phủ Chưởng Phủ Sự, Thái phó, cải thụy
là Hằng Dũng, phong Khoái Châu quận công”.
Như thế, cả vua Gia Long và vua Minh Mệnh đều đánh giá rất cao vai trò
của Nguyễn Đức Xuyên.
1 Đúng ra là thọ 66 tuổi (1759-1824).
2. Tập hồi ký biên niên “Lý lịch sự vụ”
Năm 1822, do chủ trương của vua Minh Mệnh, cho các quan từng giữ
trọng trách trong triều, viết lý lịch sự vụ nạp tại Sử quán để làm tài liệu viết
sử, Nguyễn Đức Xuyên đã viết bản hồi ký này, gọi tên là “Lý lịch sự vụ”, gồm
2 bản, mỗi bản khổ 34 x 28cm, có 148 tờ tức 296 trang. Mỗi trang 12 dòng,
mỗi dòng đủ có từ 32 đến 39 chữ, phạm vi ghi chép từ năm 1780 đến 1822.
Một bản đã nộp vào Sử quán ngày 22 tháng 6 năm Nhâm Ngọ, 1822. Một bản
lưu chiếu tại nhà riêng. Bản chúng tôi phiên dịch là bản lưu chiếu này. Do bảo
quản chưa tốt, bản này bị nát trang đầu, trang cuối, và rách xơ xác góc trên
của một phần sáu số trang sách, ảnh hưởng từ một phần ba đến một phần hai
các dòng 1, 2, 3, 4, 5 của tờ B và các dòng 8, 9, 10, 11, 12 của tờ A trên tổng số
một phần sáu số trang sách. Có chỗ tuy rách còn dính liền cho phép đọc được,
có chỗ mất hẳn, trong trường hợp đó chúng tôi đã ghi chú rõ mất mấy chữ đặt
trong ngoặc vuông. Tuy nhiên khi bắt tay vào việc dịch, mới thấy là mất mát
không đáng kể.(1)
Cách viết của tài liệu này là lối viết biên niên theo trình tự năm tháng
ngày. Nội dung bao gồm đủ mọi việc liên quan đến công vụ của Nguyễn Đức
Xuyên trong suốt 43 năm.
Tính chất quan trọng của bản hồi ký này thể hiện trên nhiều mặt, trong
đó nổi bật là việc bảo lưu những văn bản chính thức thời Nguyễn vương còn
đóng ở Gia Định, và cả những văn bản triều Gia Long. Đó là những tờ truyền,
tờ phó của bộ tham mưu Nguyễn Ánh, những chiếu, hịch, văn thệ sư, điều lệnh
quân đội của Nguyễn Ánh, đều được viết hầu hết với lối văn Nôm có pha thành
ngữ chữ Hán, vào cuối thế kỷ XVIII.
Đối với các văn bản này, chúng tôi chỉ phiên âm, nếu có chỗ nào khó hiểu
thì chú thích riêng.
Trong đó còn có những mật tấu của các cận thần như Nguyễn Đức Xuyên, Lê
Văn Duyệt, những mật chỉ, mật chiếu của Nguyễn Ánh. Điều đó có ích cho việc
tiếp cận với sự thực lịch sử khi nghiên cứu về Gia Long và vương triều Nguyễn.
Mặt khác tài liệu này cũng bảo lưu những văn thư trao đổi, giao thương
giữa các Tổng trấn thành Lữ Tống (Luzon, Philippines), Ma Đa Đạt (Madras,
Ấn Độ), Ma Cao, Đông phương Tổng trấn nước Anh, thư của vua Louis nước
Pháp với nhà chức trách Việt Nam cũng như phúc tư của Việt Nam. Các văn
bản này hầu hết do các viên quan người Pháp trong triều Gia Long dịch ra văn
Nôm. Điều đó sẽ góp phần tìm hiểu về phương diện ngoại giao cũng như việc
buôn bán với nước ngoài, trang bị quân sự và tình hình quan thuế buổi đầu
triều Nguyễn.
Phần chiếm đa số trong tài liệu là mô tả quá trình chiến đấu của Nguyễn
vương, từ năm 1780 cho đến khi chiếm Thăng Long, với những trận chiến cụ
thể trên các vùng đất theo cách gọi dân dã ở các địa bàn Nam Bộ, Phú Yên,
Diên Khánh, Quy Nhơn, Nam Ngãi…
Tài liệu này tự nó có giá trị về các phương diện văn học, địa lý, đặc biệt
là lịch sử cận đại, về các lĩnh vực quân sự, nội trị, ngoại giao, ngoại thương của
buổi đầu thời Nguyễn.
T Đ V
1 Trước khi in ấn, chúng tôi được thân hữu gởi cho bản dịch “Lý lịch của Xuyên quận công
Nguyễn Đức Xuyên” của GS Ngô Văn Ích, nhờ thế bổ sung được hai trang đầu của tập hồi
ký theo bản dịch này, mà nguyên bản chúng tôi sử dụng bị rách mất. Ngoài ra, ở một số chữ
bị mất, chúng tôi đối chiếu, bổ sung theo bản dịch của GS Ngô Văn Ích (đặt trong dấu ngoặc
vuông, liền sau ghi chú mất chữ) nhằm hạn chế bớt phần khiếm khuyết của nguyên bản.
BẢN DỊCH TẬP HỒI KÝ BIÊN NIÊN “LÝ LỊCH SỰ VỤ” CỦA NGUYỄN ĐỨC XUYÊN (Từ 1780 đến 1803)
LỜI TÂU DÂNG LÝ LỊCH SỰ VỤ
Bề tôi là Nguyễn Đức Xuyên, Khâm sai Chưởng Tượng quân lãnh Tượng
chính Quản lý Thương Bạc sự vụ, rập đầu, cúi đầu trăm lạy, kính cẩn khâm
phụng thượng dụ: “Các quan từ tứ phẩm trở lên ở các xứ đều làm tờ trạng trình
bày sự thật về việc quân, việc nước, liên quan đến lý lịch bản thân. Bản lý lịch
sự vụ này đệ nạp tại Quốc Sử Quán. Khâm thử”.
Vả chăng, thần từ xuất thân đến nay, việc nước, việc quân đều đội ơn (…)
hiềm vì thần là người thất học, khó bề ghi chép hết. Duy chỉ có [văn thư trong
quân] và lời nói là có thể kê cứu, xin ghi theo thứ tự các năm (…..)
Kính run sợ khôn xiết.
Giờ Thìn, ngày 21 Quý Hợi tháng này, nhân ngày thường triều tâu dâng
[tức ngày 21 tháng 6 năm Nhâm Ngọ, 1822].
Tằng tổ [ông cố] của thần tên là Nguyễn Phúc Huân, người làng Dương
Nỗ, tổng Dương Nỗ, huyện Phú Vang, phủ Triệu Phong. Bà tằng tổ là người họ
Trần. Ông tằng tổ vốn có tay nghề, vào làm tại Đồ gia [Nhà Đồ]. Sinh được 3
người con trai. Người thứ nhất là ông nội của thần, tên Nguyễn Phúc Mẫn, bà
nội là người họ Võ. Ông vẫn noi theo nghiệp cũ, vào làm việc tại Đồ gia. Sau
được chuyển làm Huấn đạo tại hai ty thợ: Ty Tài công và Ty Tố tượng. Thần
có nghe truyền lại là ông nội bị mắc lỗi phân suất thiếu tiền công. Việc bị phát
giác, bèn dời gia quyến vào phủ Quy Nhơn sinh sống, sinh được 2 trai 7 gái.
Thân phụ thần là Nguyễn Đức Khương, bà mẹ người họ Đỗ, mới sinh được 2
người con gái. Lúc này gia cảnh sa sút, lại phải di cư một lần nữa, vào ngụ tại
thôn Tân Kiểng, huyện Tân Long, thành Gia Định.
Thần sinh vào ngày 15 tháng 6 năm Kỷ Mão [09/7/1759]… Anh chị em
gồm có 5 người, thần đứng vào hàng thứ hai, nhủ danh là Ất.
Thân phụ của thần là Nguyễn Phúc Đạt (húy Quảng)(1) vào ngày mồng 2
tháng Hai niên hiệu Cảnh Hưng thứ 42 [1781], được Công đồng truyền thăng
chức Tiện nghi Thủ hợp Ty Ngõa Hôi (Khôi) tượng [ty thợ vôi, ngói] tại trấn
Phiên An, tước Khương Đức bá…
Thần ở với quan Khâm sai Chưởng cơ, Quản Trường đà là Lã quận công.
Vì tội hát xướng, lệnh trên đổi thần (…). [Lúc đó] anh của thần làm việc tại Ty
Ngõa tượng [ty thợ ngói]. [Gặp khi] Cai đội Hóa Thành hầu làm xướng bạn đầu
1 Thân phụ của Nguyễn Đức Xuyên có tên húy là Quảng, tự là Đạt, thường gọi là Khương.
Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 6 (123) . 2015 – Lý lịch sự vụ của Nguyễn Đức Xuyên 11
mục, tìm bắt các xướng bạn cũ, bèn đưa thần đến trước Tham luận chi Hậu tập
là Nghị Chính hầu dẫn đến bái mạng tại chùa Kim Chương [được cho làm đội
viên đội Hầu điếu, vào năm Canh Tý (1780)].
Canh Tý, Cảnh Hưng năm 41 (1780): Mùa xuân, tháng Giêng.
Vâng lệnh trên (…) phàm mọi việc nếu tâu rỗi ở trước mặt thì gọi là “tấu”,
dâng sớ trát thì gọi là “bẩm”. [Vương] đóng đô tại Gia Định, sinh vương tử.
Lúc đó, nước Cao Miên có nội loạn cầu cứu, vua sai Cai cơ Trừng Thanh
hầu [Dương Công Trừng], Cai cơ trấn Quảng Nam là Lân Ngọc hầu đem quân
ứng cứu, dẹp tan, và dâng sớ báo tin thắng trận, lập con vua nước Cao Miên làm
vua. Quân cứu viện ca khúc khải hoàn trở về. Lúc đó ở Trà Vinh [có loạn] càn
rỡ cướp bóc dân chúng ở ven cõi. Vua sai quan Ngoại tả Chưởng dinh Phương
quận công [Đỗ Thành Nhơn] đánh dẹp tan.
(Đoạn trên đây trích theo bản dịch “Lý lịch của Xuyên
quận công Nguyễn Đức Xuyên” của GS Ngô Văn Ích,
bản đánh máy, chưa xuất bản).
Tân Sửu, Cảnh Hưng năm 42 (1781): Mùa xuân, tháng Ba.
Ngoại tả Chưởng dinh Phương(1) chết. Trước là Phương nắm hết binh
quyền, bề ngoài rêu rao là quân thần, bên trong lại ôm lòng làm loạn. Việc phát
lộ bị bắt giết. [Vua sai bọn chúng tôi thuộc đội Nội hầu bắt giết].
Lúc đó, Chưởng cơ Thiêm Đức hầu [Tống Phước Thiêm],(2) Cai cơ Trừng
1 Tức là Đỗ Thanh Nhơn, người huyện Hương Trà, nay thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế, ban đầu đi
lính ở Huế, rồi giữ chức Đội trưởng Hữu thuyền. Khi chúa Nguyễn Phúc Thuần chạy vào Nam,
Nhơn theo hầu trong quân. Chúa sai chiêu mộ các đạo nghĩa binh, rồi kéo đến Ba Giồng hợp
quân với Nguyễn Huỳnh Đức. Nhơn lại kêu gọi được Trần Búa, Đỗ Vàng, Đỗ Kỵ, Đỗ Bảng, Võ
Nhàn chia đi tuyển mộ các nơi, tất cả được 3.000 quân, lấy Ba Giồng làm căn cứ để tụ nghĩa.
Nhơn tự xưng là Đông Sơn Thượng tướng quân, cho dựng cờ, may mũ áo, tiến quân đánh úp
quân Tây Sơn của Nguyễn Lữ thắng luôn mấy trận, khiến Lữ phải rút chạy về Quy Nhơn. Đỗ
Thanh Nhơn lấy lại được Gia Định, liền đón Định Vương Nguyễn Phúc Thuần trở về. Chúa
thưởng công, phong Đỗ Thanh Nhơn làm Ngoại tả Chưởng dinh, tước Phương quận công.
Tướng sĩ Đông Sơn đều được ban thưởng.Đầu năm 1776, Định Vương nhường ngôi cho Đông cung Dương, hiệu là Tân Chính Vương.
Sau đó quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy tiến vào đánh, Tân Chính Vương thất trận phải
tự sát. Định Vương chạy về Long Xuyên, cũng bị quân Tây Sơn truy đuổi bắt giết. Sau khi
Nguyễn Huệ rút quân về, quân của Nguyễn Ánh chiếm lại Sài Gòn. Đỗ Thanh Nhơn và các
tướng tôn Nguyễn Ánh làm Đại nguyên súy nắm giữ quốc chính. Tháng Giêng năm 1780, lại
tôn Nguyễn Ánh lên ngôi vương. Xét công phò tá, Đỗ Thanh Nhơn được thăng chức Ngoại hữu
Phụ chính Thượng tướng quân. Nhưng do kiêu ngạo, ngang tàng, lộng quyền nên cận thần
khuyên Nguyễn vương trừ khử. Nguyễn vương lấy cớ mệt, cho gọi Đỗ Thanh Nhơn vào bàn
công việc, để vệ sĩ mai phục bắt giết. Lúc đó là tháng Ba năm Tân Sửu (1781).2 Tiên tổ của Tống Phước Thiêm quê ở huyện Tống Sơn, Thanh Hóa, từng là nghĩa dũng theo
Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa. Ông làm quan, theo chúa Nguyễn Phúc Thuần vào Gia Định,
giữ chức Chưởng cơ chỉ huy thủy binh. Nguyễn vương lên ngôi, ông kiêm chức Nội tả. Năm
1782, quân Tây Sơn lại vào đánh, ông chỉ huy thủy binh giữ đồn Cá Trê chống cự nhưng thất
trận. Nguyễn vương đi Ba Giồng, ông lùi lại sau, bị quân Đông Sơn giết chết.
Thanh hầu [Dương Công Trừng],(1) Cai cơ Thụy Ngọc hầu [Nguyên Hữu Thụy](2)
xin đi đánh giặc Tây Sơn.
Tháng Năm, quân Đông Sơn nghe tin Phương bị giết, đã làm phản chiếm
đất Ba Giồng. Vương sai Nội tả Chưởng dinh Thuyên quận công [Nguyễn Đình
Thuyên] và Tống Phước Lương đánh ở sông Lương Phúc bị thua. Phước Thiện
hầu [Tống Văn Phước] là con của Thống suất Khôi đem binh tiến đánh. Quân
Đông Sơn tập kích, Phước Thiện hầu tử trận.
Nhâm Dần, Cảnh Hưng năm 43 (1782): Mùa xuân, Vương sai Cai cơ
Thụy Ngọc hầu, Cai cơ Trừng Thanh hầu điều binh ứng viện giúp Nặc Ấn đánh
Xiêm La.
Tây Sơn sai tướng là ngụy Phò mã Đa [Phò mã Trương Văn Đa] đem thủy
binh vào cướp. Vương sai Cai cơ Thiêm Đức hầu đưa thủy binh đóng ở sông
Ngã Bảy. Thuyền giặc vào cửa Cần Giờ. Vương sai thần [Nguyễn Đức Xuyên]
và Thoại Trung bá đều ngồi ghe nhanh nhẹ, chèo tới đó. [Mất 20 chữ]. Quân
địch chiếm Sài Gòn. Lúc đó Vương được cấm binh [đội] Hầu điếu hơn 100 người,
có Thống binh Cai cơ Quý Ngọc hầu [Nguyễn Văn Quý] [mất 7 chữ], Hữu chi
Khuông [có thể là Tống Phước Khuông] cùng lính Bắc Hà chống đánh tại đồng
Long Mạt. Hữu chi Khuông chém được ngụy Đốc chiến Học. Quân Hầu điếu cấm
binh cùng lúc nhất tề xông lên tiếp đánh, binh giặc cả vỡ, trốn tới xứ Cầu Già.
Lúc đó có Cai cơ Trừng Thanh hầu đem lính Cao Miên theo đường bộ giồng Ba
Thắc [mất 5 chữ].
Kính được Vương thượng ban thưởng quân cấm binh Hầu điếu (sau về Sài
Gòn bèn cấp chỉ truyền) chức quan, Tả chi Tiền, Hữu chi Khuông, Hòa Nghĩa
[mất 7 chữ] còn lính Cao Miên cũng được ban rượu thịt. Vương sai chém ngụy
Đốc chiến Định. Lúc đó, chư tướng nghe tin, dần dần tụ tập lại. Rồi ngự giá đi
tới đồn Ngã Tư, sai Cai cơ Tào Đức hầu đem truyền văn tới hai xứ Cái Lau, Bến
Than, truyền cho Tiếp quận công [Chu Văn Tiếp](3) hẹn kỳ giáp công giặc Tây
Sơn. Bất ngờ, quân đi tuần của giặc bắt được truyền văn, bèn tấn công trước.
Tiếp quận công bị thua. Sau đó quân giặc đánh đại đồn Ngã Tư, từ giờ Mão đến
giờ Ngọ. Nội thủy Cai cơ Quý Ngọc hầu tử trận. Lúc đó, mưa to gió lớn. Binh
tướng nhờ mưa mờ mịt nên trốn thoát được. Thần cũng thoát nạn, không biết
ngự giá đi đâu, nên trốn về Sài Gòn, mới nghe tin ngự giá đi xuống đạo Kiên
Giang. Thần nói ngầm với ngụy Đốc chiến Diễn cùng đi Ba Giồng bái kiến. Tả
thủy Dung quận công [Lê Văn Quân](1) liền sai Đốc chiến Diễn lãnh quân ban
đêm tấn công đồn giặc tại cầu Lão Bỉnh. Dung quận công cũng có tờ sai Đốc
chiến Diễn làm Thống binh Cai cơ, và sai thần đi Sài Gòn do thám.
1 Dương Công Trừng quê ở Long Xuyên, khỏe mạnh hơn người, giữ chức Cai cơ tước Trừng
Thanh hầu, sau thăng lên Khâm sai Điều khiển. Năm 1783 thất trận, bị tướng Tây Sơn là
Phạm Văn Tham bắt giết.2 Nguyễn Hữu Thụy quê ở huyện Tống Sơn, Thanh Hóa. Cha làm chức Cai đội, ông cùng cha và
em theo chúa Nguyễn Phúc Thuần vào Nam, làm quan Cai cơ, coi thủy binh ở Gia Định, sau
thăng đến Chưởng cơ Giám quân, được gả công chúa. Năm 1782, quân Tây Sơn vào đánh,
Nguyễn vương lui quân về đồn Ngã Tư, thất trận, ông cùng Trần Xuân Thạch sang Chân Lạp
để đi Xiêm cầu viện, bị người Chân Lạp ngầm giúp Tây Sơn giết chết.3 Chu Văn Tiếp: Tổ tiên quê huyện Phù Mỹ, Bình Định, vào ở huyện Đồng Xuân, Phú Yên.
Trước Tiếp đi buôn, quen biết với Nguyễn Nhạc. Ban đầu theo Nhạc, sau quy thuận. Khi
Nguyễn vương lên ngôi, được bổ làm Đô đốc Chưởng cơ. Năm 1782, Tây Sơn vào đánh, vua
phải chạy ra đảo Phú Quốc, Tiếp đem quân vào cứu viện, cờ đề 4 chữ “Lương Sơn tá quốc”,
đánh tan quân của tướng Tây Sơn là Đỗ Nhàn Trập, lấy lại Sài Gòn, đón vua trở về. Vua thăng
Tiếp làm Ngoại tả Chưởng dinh. Năm 1783, Nguyễn Huệ dẫn quân vào đánh, quân Nguyễn
vương thất trận, Tiếp sang Xiêm cầu viện. Năm 1784, Tiếp và quan quân Nguyễn vương theo
quân Xiêm trở về, Tiếp làm Bình Tây Đại đô đốc, tiến quân đến Trấn Giang. Khi đánh quân
Tây Sơn ở sông Mân Thít, Tiếp bị thương rồi chết.
Mùa thu, tháng Tám, ngày 25, đội ơn được truy thưởng chiến công đồng
Long Mạt, được ban tước hầu, theo dẹp giặc. Được ban đặc sai là: “Thuộc nội
Hầu điếu đội Đội trưởng Xuyên Tài bá Nguyễn Đức Xuyên từ khi theo việc
quân, đã có ít công lao, đáng thăng làm nội đội Đội trưởng tòng quân Xuyên
Đức hầu, phải chỉnh bị chiến cụ để hầu việc quân…” [mất mấy chữ] Vương sai
quân đóng ở phủ Bình Thuận để ngăn giặc Tây Sơn. Lúc đó Tây Sơn sai tướng
là Phò mã Đa cử bộ binh xâm phạm. Chưởng dinh Dung quận công cầm binh
ứng địch, rồi trở về.
Quý Mão, Cảnh Hưng năm 44 (1783): Mùa xuân, tháng Giêng, ngày
mồng 7, Vương sai Mân quận công [Tôn Thất Mân] cất binh dẹp giặc [mất 8
chữ]. Tiếp quận công kết bè để làm hỏa công. Bất ngờ, gió đông bắc thổi mạnh,
bè lửa trở lại đốt thuyền quân ta. Binh đều vỡ chạy. Giặc thừa thắng áp tới.
Mân quận công chạy lui rơi xuống nước chết. Quân của Trừng Thanh hầu trốn
chạy về đường Đồng Cháy. Thu Tài bá thu lượm một bao bạc phiến cùng hộ vệ
nội phủ [gia đình của vua], trở về giao cho Mẫn Chính hầu [Nguyễn Văn Mẫn]
hộ vệ. Thần và Ngũ trưởng Năng, Thu Tài bá theo đường bộ rút lui. Thần tâu
phải bảo toàn nội phủ. Đến nửa canh hai, nội phủ đã hoàn toàn về tới hành
tại. Vương ngồi ghe Tiểu sai [mất 9 chữ] đi ghe chài cùng với Dung quận công,
Hội lý Hầu [Tôn Thất Hội], thần và Ngũ trưởng Năng cùng chèo nhanh, tới cầu
Lão Bỉnh lại gặp [mất 9 chữ] [một chiếc ghe Sai của quân Đông Sơn]. Ngự giá
ngồi ghe đó, chư tướng hỗ tòng về tới đạo Kiên Giang, tìm đổi ghe lớn vượt biển
ra đậu ở cửa sông đảo Phú Quốc [mất 9 chữ]. Cai cơ Lượng Trực hầu theo Tiếp
quận công ngày hôm trước thất lợi đã đi thuyền lục tục tới.
Phụng mệnh [mất 5 chữ] quy tập cựu binh theo ở với Tây Sơn để làm
nội ứng. Kế có Cai cơ Tần, Cai cơ Trọng, Cai cơ Quý quản ghe chiến của người
Thanh đến [mất 5 chữ] [báo tin Thống binh Hinh, Thống] binh Thạc tại Hà
Tiên làm phản. Ngự giá đi ghe Ô, Cai cơ Trọng Đức hầu và chư tướng đều ngồi
ghe Loan, ghe Bằng tới trấn Hà Tiên phạt tội, dẹp yên quân phản loạn, theo
ghe thuyền trở về vịnh Đá Chồng đảo Phú Quốc.
1 Lê Văn Quân: người Kiến Hưng, Định Tường, theo Chu Văn Tiếp, được gả em gái. Năm 1777,
Đỗ Thanh Nhơn vâng mật chỉ tuyên dụ tướng sĩ, ông theo về tụ họp nghĩa dũng ở Ba Giồng,
rồi chiến thắng Gia Định. Sau khi Đỗ Thanh Nhơn bị giết, ông giữ Tiền quân. Sau khi Tiếp
chết, ông chỉ huy đại quân. Khi tạm trú tại Xiêm, ông đã giúp đánh thắng quân Miến Điện, lại
giúp đánh thắng quân Đồ Bà. Sau khi lấy lại Gia Định, ông được cử làm Khâm sai Bình Tây
Đô đốc, chỉ huy Tiền quân, tước Dung quận công. Sau trấn giữ Bà Rịa, rồi chỉ huy tiến đánh
Bình Thuận, rồi tiến ra Diên Khánh, khinh địch bị thua trận. Ông xấu hổ, lại đau ốm nên cáo
bịnh. Năm 1791 trở về Gia Định bị đình nghị, vua sai tước hết quan chức, ông uống thuốc độc
tự vận.
Ngụy Phò mã Đa, ngụy Điều khiển Chân nghe tin đem ghe thuyền vây.
Vương sai các ghe bài bố trận thế. Hai mươi bốn người thuộc đội hai của thần
đã cỡi một chiếc ghe Son, Trung thủy Mính Phương hầu cầm lái một chiếc,
cùng lúc chèo tới nghinh địch. Lúc ấy giặc cậy đông, vây đánh. Cai cơ Điển
Lễ hầu [Lê Phước Điển] và quan quân Bắc Hà cùng ngồi ghe chiến của Cai
cơ Tần đều bị đánh chìm. Quân ta thua, lúc đó trời nổi gió bão, mưa lớn, mặt
biển tối tăm, quân hai bên xen lẫn nhau không phân biệt được. Ngự giá và
binh thuyền chư tướng nhân đó được thoát nạn. Ghe của thần và lính trong
đội bị gió trôi dạt 6, 7 ngày mới đến xứ Xích Lam.(1) Không rõ ngự giá đi đâu.
Lúc đó bèn bỏ thuyền lên bộ. Mính Phương hầu trốn lánh tại nhà Cai đội Mão
ở nơi này. Thần và lính trong đội cùng đi bộ về chợ Mụ Rịa, giả làm lính mật
sai của giặc, lấy ghe thuyền vượt về Sài Gòn. Lính tuần của giặc thấy cũng
lầm mà cho đi qua không dám hỏi xét. Cả đội mới được về đến Sài Gòn, mỗi
người trở về quê nhà mình ẩn trốn. Được ít ngày, trong làng xóm có người
biết, sợ rằng điều cấm của giặc không cho che giấu binh triều, nếu che giấu
thì tội liên lụy cả làng xã, nên thần phải đến nhà ngụy Cai bạ Quảng Nam
tên Trí, khai là lính Hổ bôn cũ, xin đầu quân, do ngụy Cai cơ Trương cai quản.
Chưa lâu, thì gặp Cai cơ Chiêu nói ngầm với thần rằng: “Vừa qua, kính lãnh
được mật sai [mất 11 chữ], nay nghe hoàng huynh(2) trốn ở chợ Mụ Rịa(3) xứ
Ba Tháp, chúng ta nên tới đó để phò tá, cũng là tạo thêm một mặt để công
thủ vậy. Thần bèn tìm đến gặp [mất 11 chữ] Thái giám Duyệt Hòa hầu (sau
làm Chưởng Tả quân Bình Tây tướng quân quận công) [Lê Văn Duyệt], Đội
trưởng Khiêm Hòa hầu [Nguyễn Văn Khiêm] (sau làm Đô Thống chế dinh Túc
Trực), Thu Tài bá, Hổ bôn cũ Điền Tài bá [mất 12 chữ], cùng nhau bàn tính
rằng: Nay thì giặc Tây Sơn chiếm đóng Sài Gòn, mà lại ngầm biết [mất 11
chữ] chúng ta há lại hai lòng thờ bọn giặc hay sao. Thần nghe Cai cơ Chiêu
nói hoàng huynh ẩn trốn ở xứ này, không như chúng ta [mất 11 chữ], chúng
ta nên làm tả hữu cho hoàng huynh để lo vượt biển nghinh giá, nếu có thất
cơ mà chết thì cũng cam lòng.
Ngụy Cai bạ Trí sai thần cùng với Cai cơ Dũng [Võ Văn Dũng] (sau làm
ngụy Tư đồ. Chú của Nguyễn Đức Xuyên) đấu côn với nhau để xem. Ngụy Cai bạ
Trí khen thần giỏi côn pháp và hứa sẽ cho lãnh tờ sai đến xứ Mụ Rịa tập họp lập
nên đội Chiến Đăng, Hùng Nghĩa để làm thân binh cho nó. Ít ngày sau thần đến
nhà ngụy Cai đội Lộc xin lãnh tờ sai. Ngụy Trí cho. Đã được tờ sai [mất 5 chữ],
thần đến Cai cơ Quỳnh Ngọc hầu sắm sửa ghe thuyền vượt đến đồn Mô Xoài(4)
về ở với Cai cơ Chiêu, Đốc chiến Phong [mất 5 chữ] bàn nhau thực hiện kế của
hoàng huynh. Thần nói rằng: lập mưu mà không có binh lính để lo liệu, rốt cùng
cũng bị quân giặc đánh bại. Chẳng bằng nhân ngụy Hưng sắp làm lễ duyệt binh,
ta trộm lấy áo quần lính ngụy, sung vào hàng ngũ để giết nó. Anh em bọn tôi
thừa thế, gắng sức ứng theo để nắm trọn số binh đó, mới hữu dụng được.
1 Cũng gọi là Xích Ram (Sông Ray), tên sông và cửa biển, nay thuộc tỉnh Đồng Nai.
2 Hoàng huynh tức Nguyễn Phúc Đồng, con trai thứ hai của Hưng Tổ Nguyễn Phúc Côn, anh
của Nguyễn Phúc Ánh. Về sau được phong Hải Đông quận vương.
3 Cũng gọi là Bà Rịa, nay là tỉnh lỵ của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
4 Đồn đóng ở núi Mô Xoài, dinh Trấn Biên, nay thuộc Long Khánh, tỉnh Đồng Nai.
Anh em bọn thần chỉ sợ là tên ngụy Hưng không đích thân làm lễ duyệt
binh, sợ lâu ngày nó có thể biết ra, đại sự không làm được. Bèn nhân thu hồi
bọn lính mới tập luyện, mời trưởng chi, trưởng hiệu đều tề tựu đến sảnh đường
nghe việc. Thần và anh em chúng thần ẩn tránh ở sau sảnh đường, đều rút
kiếm nhảy ra hỏi rằng: “Chúng ta đều tình nguyện đem số quân này lập hoàng
huynh để nghinh đón đại giá. Nay tên nào khứng chịu bỏ Tây Sơn, đem hết
lính của mình theo kế của ta chăng?”. Bọn chúng đều hoảng sợ vâng dạ. Chỉ
có Tiền chi Lân từ chối rằng: “Cần phải trình với ngụy Hưng và phụ thuộc vào
đại binh mới yên”. Thần liệu biết viên ấy từ chối không thuận, bèn bắt trói vào
cột sảnh chém đầu. Bọn chúng đều thất sắc. Bèn thu hết số binh ấy, lập tức
truyền cho các viên trưởng chi, trưởng hiệu, viên nào tình nguyện quy thuận
hãy gấp rút bắt tên ngụy Hưng để làm công đầu. Nếu ai thối lui thì theo lệ như
ngụy Lân. Chúng đều lãnh ý, tranh nhau làm. Chưa được một giờ, đã trói ngụy
Hưng đem đến nạp dưới sảnh. Vì người tùy tòng của ngụy Hưng như Hổ Tài
bá, Điền Tài bá đều là người đồng chí nên tiện hành sự như thế. Thần bèn hỏi
ngụy Hưng về việc quy thuận.