Hoàng cầm là gì?
Hoàng cầm là một vị thuốc thông dụng, tuy hiện nay vẫn phải nhập khẩu từ Trung Quốc và được sử dụng phổ biến hơn ở nước ta. Những công dụng chữa bệnh tuyệt vời của nó sẽ được chúng tôi tổng kết ở bài viết sau đây. Nội Dung Chính Gồm: Hoàng cầm là gì? Có tên Hán Việt là Túc cầm, ...
Hoàng cầm là một vị thuốc thông dụng, tuy hiện nay vẫn phải nhập khẩu từ Trung Quốc và được sử dụng phổ biến hơn ở nước ta. Những công dụng chữa bệnh tuyệt vời của nó sẽ được chúng tôi tổng kết ở bài viết sau đây.
Nội Dung Chính Gồm:
Hoàng cầm là gì?
Có tên Hán Việt là Túc cầm, Kinh cầm, Đỗ phụ, Thử vĩ cầm, Khô trường, Điều cầm, Tử cầm,… Tên khoa học là Scutellaria baicalensis Georg., thuộc họ Hoa môi (Lamiaceae). Dược liệu hoàng cầm có tên dược là Radix Scutellariae, là phần rễ phơi hay sấy khô của cây hoàng cầm.
Theo Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển giải thích, hoàng là vàng, cầm là kiềm hay vàng sẫm, do vị thuốc có màu vàng sẫm nên có tên gọi như trên.
Mô tả
Là cây thuốc nam quý, thân thảo, sống dai, cao 20-50cm, phần rễ phình to dạng hình chùy, vỏ ngoài có màu nâu vàng. Thân thẳng đứng, có phân nhánh, nhẵn, không có lông.
Lá mọc đối, cuống lá ngắn hoặc không cuống, mép lá nguyên, phiến lá hình mác hẹp, đầu lá hơi tù, dài 1,5-3cm, rộng 3-8mm. Hoa mọc thành bông ở đầu cành, có màu lam tím, cánh hoa có 2 môi, 4 nhị màu vàng và bầu có 4 ngăn.
Dược liệu: rễ khô hình trụ tròn hoặc chùm xoắn, nhỏ dần về phía dưới, dài 12-16cm, phần trên thô hơn đường kính 24-25mm. Vỏ ngoài có màu nâu vàng, hơi sần sùi, có nhiều đường nhăn dọc hoặc đường vân hình mạng. Phần bên trong có màu vàng lục, ruột rỗng. Phần rễ già có màu nâu đen bên trong và rỗng ruột gọi là khô cầm hay phiến cầm. Còn rễ con, đặc ruột gọi là tứ cầm hay điều cầm.
Phân bố và thu hái
Hiện tại ở Việt Nam có trồng thí nghiệm nhưng chưa cây chậm phát triển. Chủ yếu nhập ở Trung Quốc như các tỉnh Hắc Long Giang, Liêu Ninh, Hà Bắc, Hà Nam, Vân Nam,… và mọc hoang ở Liên Xô cũ.
Vào mùa xuân thu sẽ được thu hoạch lấy rễ, sau khi đào rễ về cắt bỏ rễ con, rửa sạch, phơi qua cho héo rồi cạo bỏ lớp vỏ, tiếp tục phơi hoặc sấy khô để dùng dần.
Thành phần hóa học
Trong hoàng cầm có chứa tinh dầu, các dẫn xuất flavonoid như scutelarin (hay woogonin) C16H12O11 và baicalin C21H18O11. Chất scuelarin có cả trong lá, rễ và thân. Và baicalin chỉ có trong rễ cùng với tamin và chất nhựa, không có saponin, ancaloit, glucozit như những dược liệu khác.
Theo Đông y, hoàng cầm có vị đắng, tính hàn, có tác dụng chữa sốt, cảm mạo, cầm máu, rong kinh hay băng huyết.
Tác dụng và một số bài thuốc của hoàng cầm
1. Tác dụng hạ huyết áp
Theo báo Y học Liên Xô cũ (1951) dùng hoàng cầm điều trị huyết áp cao, nhận được kết quả huyết áp từ 190/110 hạ xuống còn 135/60 và từ 190/95 hạ xuống 140/80.
Cũng theo Dược lý học, 1952 rượu hoàng cầm 1/5 có tác dụng hạ huyết áp dựa trên căn cứ thí nghiệm trên chó, một phần có tác dụng trấn tĩnh trung ương thần kinh, một phần do tác dụng trực tiếp đối với huyết quản.
2. Lợi tiểu
Thực hiện thí nghiệm tác dụng của một số thành phần trong hoàng cầm như woogonin, balicaclin và baicalein trên thỏ thấy có tác dụng lợi tiểu, theo Nhật Bản dược vật học tạp chí (1956). Ngoài ra, theo Chinese Herbal Medicine cũng chỉ ra tác dụng này đối với chó và người bình thường.
3. Tác dụng chuyển hóa lipid
Nước sắc từ hoàng cầm, hoàng liên và đại hoàng không gây tác động đến Cholesterol ở thỏ bình thường, nhưng lại làm hạ lipid với người đang ăn kiêng trong 7 tuần (Chinese Herbal Medicine).
4. Hạ sốt
Một thí nghiệm đã được thực hiện như sau: Gây sốt cho thỏ bằng vi trùng thương hàn rồi tiêm 4-8ml dung dịch 6% hoàng cầm vào tĩnh mạch, thực hành 10 lần đều có kết quả giảm sốt. Sau 1 giờ tiêm, nhiệt độ giảm xuống rồi lại tăng nhẹ, sau đó trở về nhiệt độ bình thường. Tuy nhiên chưa thực hiện đối với dạng nước uống (người thực hiện: Trương Phát Sơ, Trương Diệu Đức và Lưu Thiệu Quang, theo Trung Hoa y học chí, 1935).
5. Khả năng kháng khuẩn
Nước sắc Hoàng Cầu 100% có khả năng ức chế vi trùng bạch hầu, vi trùng tả, vi trùng lao, vi trùng phó thương hàn,… Một thí nghiệm khác cũng chỉ ra tác dụng ức chế đối với nhiều khuẩn bệnh bao gồm tụ cầu vàng, náo mô viêm Neisseria (Chinese Herbal Medicine).
6. Chữa nhiệt miệng, đau bụng, kiết lỵ, miệng đắng: Lấy 12g hoàng cầm, 8g thược dược, 8g cam thảo, 3 quả đại táo, sắc nước uống trong ngày,
(Hoàng Cầm Thang, Thương Hàn Luận)
7. Trị chảy máu cam, nôn ra máu do tích nhiệt trong cơ thể lâu ngày: Dùng 40g hoàng cầm tán thành bột mịn, mỗi lần sắc 12g cùng với 1 bát nước còn 2 phần bát, uống nóng.
(Hoàng Cầm Tán, Thánh Huệ phương)
8. Chữa chứng thương hàn, tiêu tích nhiệt: Mỗi vị lấy một lượng bằng nhau, tán thành bột mịn, chưng chín thành bánh, làm viên to bằng hạt ngô. Mỗi lần uống 20-30 viên với nước sôi để nguội,
(Tam Bổ Hoàn, Đan Khê Tâm Pháp)
9. Trị chứng đau đầu, phong nhiệt có đờm: Lấy hoàng cầm ngâm rượu cùng với bạch chỉ, 2 vị bằng nhau, tán bột, mỗi lần uống 8g cùng với nước trà.
(Đan Khê Tâm Pháp)
10. Điều trị nóng gan dẫn đến mờ mắt: 40g hoàng cầm, 120g đạm đậu xị, tán thành bột, mỗi lần lấy 12g bọc trong gan lợn rồi hầm chín, ăn và uống nước, ngày 2 lần. Khi dùng bài thuốc này nên kiêng bia rượu và miến.
(nguồn báo mạng)
11. Chữa rong kinh, rối loạn tiền mãn kinh: 80g điều cầm ngâm với giấm gạo trong 7 ngày, sao khô rồi lại ngâm tiếp, làm như vậy đủ 7 lần rồi đem tán thành bột, tạo hồ với giấm, làm viên to bằng hạt ngô. Mỗi lần uống 70 viên với rượu nóng trước khi ăn, ngày 2 lần.
(Cầm Tâm Hoàn, Thụy Trúc Đường Kinh Ngiệm Phương)
12. Chữa bệnh lao, viêm niêm mạc tử cung: Hoàng cầm (mùa xuân 120g, hạ và thu 240g, đông 120g), hoàng liên (mùa xuân 160g, hạ 280g, thu 120g, đông 80g), đại hoàng (mùa xuân 120g, hạ 40g, thu 120g, đông 200g, tất cả tán thành bột trộn cùng mật ong, làm thành viên bằng hạt đậu. Mỗi lần uống 5-7 viên, ngày uống 3 lần, liên tục trong 1 tháng.
(Tam Hoàng Cầm, Thiên Kim phương)
13. Thanh nhiệt, an thai: Lấy 2 vị một lượng bằng nhau gồm điều cầm, bạch truật, sao rồi tán bột, trộn cùng nước cơm làm thành viên bằng hạt ngô. Mỗi lần uống 50 viên với nước sôi để nguội.
(Đan Khê Tâm Pháp)
14. Chữa tiêu chảy, đau bụng do thấp nhiệt: Lấy hoàng cầm, thược dược, hoàng liên, chích cam thảo, xa tiền tử, phòng phong, thăng ma, mỗi vị một lượng bằng nhau sắc lấy nước uống trong ngày.
(Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển)
15. Trị bạch đới, đau bụng: Hoàng cầm, hoàng liên, thược dược, thăng ma, chích cam thảo, hoạt thạch, mỗi vị lượng bằng nhau, sắc lấy nước uống.
(Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển)
16. Chữa ho do đờm ủng tắc: Lấy 18g hoàng cầm sắc lấy nước uống.
(Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách)
17. Trị ho do phế nhiệt: Dùng 12g hoàng cầm, 12g liên kiều, 12g chi tử, 8g đại hoàng, 8g hạnh nhân, 8g chỉ xác, 4g cam thảo, 4g bạc hà, 4g cam thảo, 4g cát cánh, đun lấy nước uống trong ngày, mỗi ngày 1 thang.
(Hoàng Cầm Tả Phế Thang, Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách)
18. Chữa đau bụng do nhiệt lỵ, mót rặn: 12g hoàng cầm, 12g thược dược, 4g hoàng liên, 6g hậu phác, 6g quảng trần bì, 3,2g mộc hương, sắc lấy nước uống.
(Gia Giảm Thược Dược Thang, Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách)
19. Thai động không yên, huyết nhiệt: Lấy 12g hoàng cầm, 12g thược dược, 12g bạch truật, 8g đương quy, 4g xuyên khung, sắc lấy nước uống trong ngày.
(Đương Quy Tán, Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách)
20. Trị nôn ra máu, chảy máu cam: 120g hoàng cầm sắc với 3 bát nước đầy cho đến khi còn 1 bát rưỡi, chia uống trong ngày khi còn nóng.
(Thốt Bệnh Loại Phương)
Lưu ý
Những bài thuốc trên nên hỏi ý kiến của thầy thuốc trước khi áp dụng.