Phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật Liên
(Văn mẫu lớp 11) – Em hãy phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật Liên trong Hai đứa trẻ của Thạch Lam (Bài văn phân tích của một bạn học sinh giỏi Văn trường THPT chuyên Thái Bình). Đề bài: Phân tích Diễn biến tâm trạng nhân vật Liên trong Hai đứa trẻ BÀI ...
(Văn mẫu lớp 11) – Em hãy phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật Liên trong Hai đứa trẻ của Thạch Lam (Bài văn phân tích của một bạn học sinh giỏi Văn trường THPT chuyên Thái Bình).
Đề bài: Phân tích Diễn biến tâm trạng nhân vật Liên trong Hai đứa trẻ
BÀI LÀM
Thạch Lam là cây bút văn xuôi xuất sắc nhất của văn học Việt Nam (1930-1945). Nằm trong Tự lực văn đoàn nhưng Thạch Lam không đi thể hiện thật lãng mạn hình ảnh những người “lá ngọc cành vàng” mà chọn lối đi riêng, hướng đến những con người nhỏ bé, bất hạnh, chất chứa nỗi đau hiện thực. Nói đúng hơn, văn Thạch Lam như một thứ “hương hoàng lan” được chưng cất từ những cuộc đời đau khổ. Nhân vật Liên trong truyện ngắn “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam chính là một thứ “hương hoàng lan” dịu ngọt và da diết. Khi đi theo dòng diễn biến tâm trạng nhân vật, ta khám phá ra nhiều điều.
Trong tác phẩm “Hai đứa trẻ”, Thạch Lam đã tạo nên cốt truyện dựa vào dòng diễn biến tâm trạng nhân vật Liên. Bằng giọng văn trữ tình, nhẹ nhàng, bức tranh phố huyện dần hiện ra dưới cái nhìn “đượm buồn” của cô bé Liên.
>>>Xem thêm:
- Nét riêng trong giá trị nhân đạo của Chí Phèo và Hai đứa trẻ
- Chứng minh truyện ngắn Hai đứa trẻ tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của Thạch Lam
- Phân tích cảnh chờ tàu trong truyện ngắn hai đứa trẻ
- Phân tích truyện ngắn Hai Đứa Trẻ của Thạch Lam
Trong cảnh phố huyện nghèo lúc chiều muộn, Liên man mác buồn. Bức tranh phố huyện hiện ra dưới từng dòng văn cất cánh như thơ, như lời ru say đắm và dường như có chút đối lập qua lai giữa bức tranh thiên nhiên lãng mạn với bức tranh đời sống nghèo khổ, tiêu điều. Thiên nhiên bắt đầu bằng mốc thời gian “chiều, chiều rồi. Một chiều êm ả như ru”. m thanh dậy lên trong “tiếng trống thu không trên cái chời canh của huyện nhỏ, từng tiếng một vang ra” và “văng vẳng tiếng ếch nhái kêu râm ran ngoài đồng ruộng”, tiếng côn trùng… Thiên nhiên còn được vẽ ra bằng màu sắc của “phương Tây đỏ rực như lửa cháy” và những đường nét rất gần gũi tựa “bức họa đồng quê” Bắc Bộ. Còn đời sống con người? Sau ánh nhìn với thiên nhiên trữ tình, Liên đưa đôi mắt đầy tình thương nhìn tới những kiếp người tàn. Những kiếp người tàn đặt cạnh cảnh chợ tàn, cảnh ngày tàn và bên những đồ vật tàn càng khiến cho con người trở nên xác xơ, chán nản. “Chợ họp giữa phố vãn từ lâu. Người về hết và tiếng ồn ào cũng mất”, “cúi lom khom trên mặt đất đi lại tìm tòi… thanh nứa, thanh tre hay bất cứ cái gì đó có thể dùng được…”. Những đứa trẻ khiến Liên “động lòng thương nhưng chính chị cũng không có tiền để mà cho chúng”. Tâm hồn non nớt của Liên dường như đã “trưởng thành” khi chị dành tình thương cảm cho những kiếp người nhỏ bé xa lạ.
Khi bóng tối trở về phố huyện, Liên buồn thấm thía. Phố huyện chìm trong bóng tối và “ngập dần đầy” trong đôi mắt chị. “Tối hết cả, con đường thăm thẳm ra sông, con đường qua chợ về nhà, các ngõ vào làng lại càng sẫm đen hơn nữa”, bóng tối như đang chuyển động, tràn trên mỗi nẻo đường, ngập dần ngõ xóm và đầy trong tâm hồn Liên. Từ trong bóng tối, cuộc sống của những người kiếm ăn về đêm hiện lên cũng không kém phần tàn tạ. Liên điểm lần lượt mỗi kiếp người từ gia đình bác phở Siêu, nhà bác Xẩm, mẹ con chị Tí, cụ Thi điên… và cả bản thân chị em Liên nữa. Đặc biệt, mẹ con chị Tí như là kiếp người cùng đường nhất ở đây và Liên dành tình thương cho họ nhiều hơn cả. Cả gia tài chị Tí là 1 chuyến đội đầu, chị làm việc cả ngày lẫn đêm nhưng cũng chẳng kiếm được là bao nhiêu. Chị Tí mang số phận của thân cò vạc và cứ mãi như ánh đèn leo lét hắt ra từ phên nứa lúc nào cũng có thể vụt tắt trong đêm. “Chừng ấy con người”, họ cứ lặp đi lặp lại cuộc sống buồn tẻ tới ngột ngạt, quẩn quanh, bế tắc. Liên ý thức rõ điều đó nên chị càng buồn thương hơn.
Cuối cùng, Liên có nhiều cảm xúc ngổn ngang trong cảnh chờ tàu. Mỗi đêm chờ tàu, Liên trải qua hai dòng trạng thái chủ yếu là niềm vui chờ tàu và nỗi buồn lặng khi tàu đi. Liên cùng những người dân góc phố huyện nghèo chờ tàu như chờ đợi một cái gì đó như ánh sáng cuộc đời, hết sức thiêng liêng. Chuyến tàu mang theo hơi ấm tuổi thơ, tựa chuyến đi cổ tích có thể đem Liên thoát khỏi cuộc sống quẩn quanh, bế tắc hiện tại. Đoàn tàu đến cùng “ngọn lửa xanh biếc”, “tiếng còi xe lửa”, “một làn khói bừng sáng trắng lên từ đằng xa”, “các toa đèn sáng trưng”, “tiếng còi rít và đoàn tàu rầm rộ đi tới”, “đồng và kền lấp lánh”… Nhưng tất cả chỉ là phút chốc, ngôi sao bằng hy vọng vụt qua chỉ để lại chút sống động trong kí ức ngắn ngủi và Liên lại chìm vào tâm trạng nặng nề, mệt mỏi. Bóng tối đè nặng trên đôi mắt Liên và chị thiếp đi vì một ngày dài bế tắc.
Như vậy, thông qua diễn biến tâm trạng của nhân vật Liên trong truyện ngắn “Hai đứa trẻ”, Thạch Lam đã phản ánh hiện thực cuộc sống tàn tạ, bế tắc của con người và thể hiện tiếng lòng thương cảm cho những kiếp người nhỏ bé bất hạnh.
>>>Xem thêm:
- Cảm nhận về chất thơ trong truyện ngắn hai đứa trẻ
- Soạn bài Hai Đứa Trẻ của Thạch Lam
- Phân tích truyện ngắn Hai Đứa Trẻ
- Tóm tắt truyện ngắn hai đứa trẻ của Thạch Lam