28/09/2018, 13:58

Nghị luận xã hội về thói vô trách nhiệm 

(Văn mẫu lớp 11) – Em hãy viết bài văn nghị luận xã hội về thói vô trách nhiệm trong đời sống ngày nay (Bài văn nghị luận của bạn Lê Thanh Bình lớp 11A2 trường THPT chuyên Lương Thế Vinh). Đề bài: Nghị luận xã hội về thói vô trách nhiệm BÀI LÀM ...

(Văn mẫu lớp 11) – Em hãy viết bài văn nghị luận xã hội về thói vô trách nhiệm trong đời sống ngày nay (Bài văn nghị luận của bạn Lê Thanh Bình lớp 11A2 trường THPT chuyên Lương Thế Vinh).

Đề bài: Nghị luận xã hội về thói vô trách nhiệm

BÀI LÀM

Có một câu nói thế này “Như một loại axit, thói vô trách nhiệm có thể ăn mòn cả xã hội”. Câu nói là hồi chuông cảnh báo về một loại lối sống lệch lạc thời hiện đại – thói vô trách nhiệm. 

Rất đơn giản để hiểu được thói vô trách nhiệm là gì. Vô trách nhiệm là trạng thái con người không muốn đảm đương bất cứ việc gì với bất cứ ai, thậm chí là chính mình. Một vài biểu hiện đơn giản sau đây sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn. Khi ai đó vô trách nhiệm với gia đình là khi họ không dành tình thương, sự chăm sóc cho mỗi thành viên. Ai đó vô trách nhiệm với bản thân là khi họ tự hủy hoại sức khỏe của mình, lãng phí thời gian vào những thứ vô bổ, không phấn đấu vì tương lai. Ở phạm vi xã hội, mỗi người không chịu cống hiến cho đất nước cũng là đang trở thành kẻ vô trách nhiệm. Vô trách nhiệm còn có thể là không thừa nhận lỗi lầm của mình, không dám đứng ra sửa chữa và thay đổi bản thân. Vô trách nhiệm được biểu hiện trong vô vàn hành vi khác nhau. 

Nam Cao có nói “Cẩu thả trong bất kì nghề gì là bất lương”. Câu nói cũng nhằm hướng tới bài học về thói vô trách nhiệm. Khi bạn không có trách nhiệm, bạn sẽ là một kẻ “bất lương”. Bởi, thử nghĩ mà xem, nếu một bác sĩ vô trách nhiệm sẽ làm chết bệnh nhân, một giáo viên vô trách nhiệm sẽ làm hỏng cả một thế hệ, một ông vua vô trách nhiệm khiến quốc gia suy vong… Những điều đó là hệ quả trông thấy của thói vô trách nhiệm. Thói vô trách nhiệm bề ngoài chỉ thuộc về hậu quả của một cá nhân phải gánh nhưng thực chất nó có ảnh hưởng với toàn xã hội. Thói vô trách nhiệm sẽ dẫn tới một loạt các thói xấu khác như giả dối, lừa gạt, thờ ơ… và cao nhất là vô cảm. Một xã hội thiếu tình thương giữa người với người tất sẽ tiêu vong. 

nghi-luan-xa-hoi-ve-thoi-vo-trach-nhiemnghi-luan-xa-hoi-ve-thoi-vo-trach-nhiem

Nhắc đến nguyên nhân của thói vô trách nhiệm, ta nên bắt đầu từ sự xuống cấp chung trong lòng xã hội hiện đại. Xã hội phát triển, hội nhập mạnh mẽ, nhiều luồng văn hóa tư tưởng đan xen… khiến xã hội nảy sinh nhiều vấn đề nan giải. Ngược lại, con đường giáo dục chưa thực sự hiệu quả và dường như văn hóa sống bị bỏ ngỏ. Do đó, đạo đức xuống cấp, con người dần đánh mất đi bản chất tốt đẹp của mình, dễ dàng bị thói xấu “mua chuộc”. Như vậy, điểm dừng cuối cùng của chúng ta là ở bản thân mỗi con người. Mỗi chúng ta quá dễ dàng để bản thân bị tha hóa đạo đức, không nỗ lực để thực hiện vai trò của bản thân, tự cho mình quyền được vô tâm với kẻ khác.

Giải pháp luôn được đưa ra bắt đầu từ nguyên nhân. Điều này đồng nghĩa, gia đình – nhà trường – xã hội cần quan tâm và có phương pháp giáo dục hiệu quả hơn nữa để thế hệ con em không lệch lạc trên con đường phát triển nhân cách. Song song với sự phát triển kinh tế, khoa học – kĩ thuật, chính phủ nên quan tâm đến cả vấn đề nhân văn và đạo đức, hạn chế tình trạng đạo đức xuống cấp. Nhà trường là nơi giáo dục, cần nêu cao trở lại tinh thần “Tiên học lễ, hậu học văn”. Mỗi gia đình là nền tảng của xã hội, đứa trẻ mà họ tạo nên gần như sẽ là bản sao của cha mẹ. Như vậy, chính cha mẹ phải là gương mẫu cho con cái của họ. Bản thân mỗi người cần tự rèn luyện, nâng cao ý chí, bồi dưỡng nhân cách để vững vàng hơn trước cuộc đời, không bị tha hóa, biến chất. 

Trái với sống vô trách nhiệm là sống hữu ích. Khi bạn sống có ích, bạn đang đồng thời đấu tranh với thói vô trách nhiệm. Mỗi chúng ta hãy bắt đầu có trách nhiệm với chính bản thân, sau đó là gia đình và xã hội. Sống có trách nhiệm không khó nếu chúng ta bắt đầu từ những điều đơn giản nhất.
 

0