18/06/2018, 15:56

Nỗi oan của Hoàng hậu Katherine Howard

Hoàng hậu Katherine Howard. Thùy Dương báo tintuc.vn Trong số sáu người vợ của Vua Henry VIII (1491-1547, Vương quốc Anh), Hoàng hậu Katherine Howard bị coi là tai tiếng nhất. Bà bị xem là “gái hư” của thế kỷ 16, liều lĩnh ngoại tình để rồi bị xử trảm. Tuy ...

Hoàng hậu Katherine Howard.

Hoàng hậu Katherine Howard.

Thùy Dương

báo tintuc.vn

Trong số sáu người vợ của Vua Henry VIII (1491-1547, Vương quốc Anh), Hoàng hậu Katherine Howard bị coi là tai tiếng nhất. Bà bị xem là “gái hư” của thế kỷ 16, liều lĩnh ngoại tình để rồi bị xử trảm. Tuy nhiên, một số sử gia cho rằng bà chỉ là nạn nhân của xung đột tôn giáo và họ đã bỏ nhiều công sức giải oan cho bà. 

 Một hoàng hậu nhân ái 

Để hiểu rõ hơn về bi kịch của Katherine Howard, cần phải điểm lại lịch sử hôn nhân của Vua Henry và mối liên hệ của nó với xung đột tôn giáo. Khi Giáo hoàng của Giáo hội Công giáo La Mã từ chối không hủy bỏ cuộc hôn nhân 18 năm của Vua Henry với người vợ đầu tiên là Katherine xứ Aragon, năm 1534 Vua Henry đã tự thành lập Giáo hội Anh mà ông đứng đầu để có thể đặt dấu chấm hết cho cuộc hôn nhân của mình và kết hôn với Anne Boleyn, chị họ của Katherine Howard. Giáo hội Anh cũng hoạt động như Giáo hội Công giáo La Mã, chỉ có điều nó không nằm trong quyền kiểm soát của Giáo hoàng.

Tuy nhiên, nhiều người hi vọng có thể “Tin lành hóa” Giáo hội Anh. Bản thân Anne Boleyn là một trong những người đó vì bà ủng hộ chủ nghĩa cải cách. Trong khi đó, những người theo đường lối tuân giáo đối lập lại muốn giữ nguyên lề lối Công giáo và muốn giảng hòa với Giáo hội Công giáo La Mã.

Sau khi theo đuổi Anne Boleyn nhiều năm trời và làm mọi cách để có được bà, Vua Henry đã “cả thèm chóng chán”. Trong khi đó, Hoàng hậu Boleyn mãi mới sinh hạ được công chúa Elizabeth sau nhiều lần sảy thai. Bà có số phận bi thảm khi bị hành quyết ngày 19/5/1536 vì tội ngoại tình.

Lúc đó, Katherine Howard mới chỉ là một đứa trẻ và chắc hẳn vô cùng tự hào khi người chị họ trở thành hoàng hậu và cũng thất vọng trước cái chết bi thảm của chị mình. Tuy nhiên, mối bất hòa giữa nước Anh và La Mã xung quanh vụ Anne Boleyn cũng khiến hai nhánh gia đình Boleyn và Howard trở nên thù địch. Gia đình Howard vốn trung thành với chủ nghĩa tuân giáo.

Sau hai đời vợ, Vua Henry cuối cùng cũng đã có con trai nối dõi sau cuộc hôn nhân với Jane Seymour. Tuy nhiên, khi Jane Seymour qua đời không lâu sau khi sinh, Vua Henry đã tìm kiếm một hoàng hậu mới để sinh hạ cho mình một người nối dõi “dự phòng”. Vua Henry là con trai thứ hai, người sẽ kế vị ngai vàng trong trường hợp anh trai là Arthur chết. Do đó, ông hiểu rõ tầm quan trọng của một người “dự phòng”.

Rồi Vua Henry cũng tìm được một người ưng ý, đó là Anne xứ Cleves. Những người theo chủ nghĩa cải cách ăn mừng chiến thắng khi Vua Henry đồng ý kết hôn với bà – người đến từ bang theo đạo Tin lành Cleves của nước Đức. Vua Henry lần đầu nhìn thấy Anne of Cleves trên một bức tranh nhưng khi nhìn thấy bà ngoài đời, ông thấy bà không hấp dẫn, coi bà là “con ngựa cái” và thậm chí không buồn qua đêm tân hôn với bà. Sau sáu tháng, cuộc hôn nhân với Anne of Cleves bị hủy bỏ nhưng Anne vẫn ở Anh và sống hòa thuận với Vua Henry. Ông đã hạ lệnh rằng bà sẽ được đối xử như em gái vua.

Vua Henry lại tìm kiếm một hoàng hậu mới. Lần này, ông bắt đầu theo đuổi một trong số những nàng hầu danh dự của Anne of Cleves, đó là Katherine Howard duyên dáng, mảnh dẻ, da trắng. Người ta cho rằng chính tuổi trẻ là sức hút mãnh liệt của bà. 

Vua Henry VIII.

Vua Henry VIII.

Lần đầu tiên gặp Vua Henry, tức là năm 1539, Katherine mới 15 tuổi. Đám cưới của hai người được tổ chức ngày 28/7/1540. Những người theo chủ nghĩa tôn giáo hi vọng Katherine sẽ gây ảnh hưởng tới Vua Henry trong cuộc chiến chống lại xu hướng Tin lành và thậm chí là có thể đưa ông quy phục Giáo hoàng.

Hoàng hậu Katherine Howard là một người thanh lịch và tốt bụng. Khi Anne of Cleves, người được coi là em gái vua, đến trình diện hoàng hậu mới và quỳ trước bà, Anne đã được Katherine đỡ dậy. Họ đã khiêu vũ cùng nhau. Katherine còn tặng Anne hai chú chó con và một chiếc nhẫn. Hoàng hậu là người đặc biệt yêu thích động vật nuôi, nhất là chó.

Đối với con gái riêng Elizabeth 7 tuổi của Vua Henry, Katherine tỏ ra rất quan tâm. Bà thường chơi với Elizabeth và tặng cô bé những đồ nữ trang lặt vặt.

Katherine và Mary Tudor, em gái Vua Henry, dù chung tôn giáo nhưng mối quan hệ của họ lúc đầu đã căng thẳng. Tuy nhiên, sự căng thẳng này rõ ràng đã không còn khi tháng 5/1542, Katherine chấp thuận để Vua Henry cho phép Mary sống trong triều đình.

Đối với Margaret Pole, nữ bá tước xứ Salisbury, người bị bỏ tù vì tội phản quốc khi tỏ ra thông cảm với những người theo đạo Thiên chúa La Mã, Katherine đã gửi áo ấm cho bà này. Dù vậy, hoàng hậu không thể thuyết phục Vua Henry xá tội cho bà.

Vào tháng 2/1541, Katherine can thiệp vào trường hợp của Sir Edmund Knyvet, người dính líu vào vụ cãi vã với một nhà thơ trong triều đình tên là Thomas Clere. Clere bị thương và Knyvet bị kết án phải cắt bỏ một cánh tay. Vua Henry thông qua mức án này. Tuy nhiên, Katherine đã cầu xin ông rút lại và bà đã thành công kịp thời. Sir Edmund đang trong tâm trạng hoảng sợ tột bậc thì được lòng khoan dung của Katherine cứu ngay trước khi cánh tay vĩnh viễn lìa cơ thể.

Thomas Wyatt là một người nữa được nhờ cậy lòng tốt của Hoàng hậu Katherine. Wyatt bị tống giam vào tháp sau khi có người báo rằng ông này đã có những phát ngôn mang tính phản quốc. Một lần nọ, Vua Henry và Hoàng hậu Katherine đi dọc sông Thames ở London, các thần dân tiếp đón hai người một cách trọng vọng. Từ tháp canh, đại bác vang lên chào đón vua và hoàng hậu. Chớp lấy cơ hội này, Katherine đã thành công với đề nghị Vua Henry thả Wyatt. Bà còn thuyết phục được Vua Henry tha tội cho hai người nữa.

Nhân ngày lễ các thánh 1/11/1541, Vua Henry ra lệnh các nhà thờ dành những lời cầu nguyện đặc biệt cho Hoàng hậu Katherine – người mà ông gọi là “viên đá quý nữ tính” – và cho cuộc sống tốt đẹp mà ông chia sẻ cùng bà.

Theo bức thư của Tổng giám mục Cranmer, một cận thần tên là John Lascelles biết về chuyện thời trẻ của Katherine từ em gái ông ta là Mary Hall – người sống ở ngôi nhà tại Norfolk với Katherine. Mary Hall và Katherine sống ở đây dưới sự bảo trợ của nữ công tước Dowager xứ Norfolk Agnes Tilney. Bà này là mẹ của mẹ kế Katherine.

Ngay lập tức, Vua Henry giao cho Tổng giám mục Cranmer điều tra thực hư. Chẳng bao lâu, Tổng giám mục Cranmer đã thông báo với Vua Henry rằng Katherine không những quan hệ tình dục trước hôn nhân mà còn phạm tội ngoại tình. Những bằng chứng ngoại tình dù chưa thuyết phục nhưng đã khiến Vua Henry rơi nước mắt. Dù vẫn sống chung một mái nhà nhưng Vua Henry không muốn gặp mặt Hoàng hậu Katherine cũng như không muốn nghe những điều bà nói. Ông tìm cách tránh xa cung điện Hampton Court, bỏ mặc mọi thứ cho Tổng giám mục Cranmer – người vốn có định kiến với Katherine vì tôn giáo của bà.

Đáng ra, Vua Henry phải nghi ngờ điều này có dính dáng đến định kiến của những người theo chủ nghĩa cải cách trong tôn giáo. John Lascelles, người đầu tiên thông báo với Tổng giám mục Cranmer về hành động của Hoàng hậu Katherine, chính là một người ủng hộ chủ nghĩa cải cách mạnh mẽ.

Hoàng hậu Katherine bị bắt khi đang tập khiêu vũ trong phòng ở cung điện Hampton Court. Đang say sưa với từng bước nhảy, bà giật mình khi cánh cửa đột ngột mở toang. Các binh lính nói với bà: “Không còn thời gian để khiêu vũ nữa” rồi bắt bà, ra lệnh cho bà ở trong phòng. Katherine đề nghị gặp Vua Henry nhưng bị từ chối.

Người ta cáo buộc Katherine có tình nhân là Henry Manox và Francis Dereham trước khi kết hôn và “cặp kè” với Thomas Culpeper sau khi trở thành hoàng hậu. Năm 1536, Henry Manox là gia sư âm nhạc của Katherine. Năm 1538, Francis Dereham được bác của Katherine là ông Thomas Howard, công tước xứ Norfolk, thuê để điều hành công việc kinh doanh. Người này thường ghé thăm nơi Katherine đang ở cùng với nữ công tước Tilney. Trong khi đó, Thomas Culpeper, một người thân cận với Vua Henry và là anh họ xa của Katherine, bị cáo buộc quan hệ bất chính với Katherine.

Sau khi bị bắt, Katherine trải qua hàng loạt cuộc thẩm vấn. Những người tình nghi và nhiều người được gọi là nhân chứng cũng bị thẩm vấn. Nhiều sử gia cho rằng những lời thú tội có thể không đáng tin cậy vì nhiều khả năng các nhân chứng bị tra tấn, trong khi bằng chứng có thể bị làm giả.

Phần lớn những bằng chứng đều nhạy cảm và được diễn giải theo hướng ác ý chống lại Katherine. Tổng giám mục Cranmer báo cáo về lời thú tội của Katherine như sau: “Khi Manox tán dương và thuyết phục, do chỉ là một cô bé, tôi đã để anh ta kiểm soát và động chạm vào những bộ phận bí mật trên cơ thể”. Lời thú tội này nhắc đến sự việc xảy ra năm 1536, khi đó Katherine mới 11 hoặc 12 tuổi. Sự việc này không thể biến bà thành người phạm tội mà trái lại nó khiến bà trở thành là một đứa trẻ bị quấy rối thì đúng hơn.

Trong khi đó, Manox đã khai với người thẩm vấn rằng đã động chạm vào chỗ kín của Katherine. Anh ta thừa nhận Katherine không tự nguyện nhưng vẫn cho phép Manox. Nếu có chuyện này, nhiều khả năng là do Katherine không thể kháng cự vì trong thời đại của bà, những đứa trẻ bị quấy rối thường bị đổ lỗi và cảm thấy xấu hổ khi câu chuyện vỡ lở.

Trường hợp với Dereham, người này thừa nhận có quan hệ với Katherine trước khi bà kết hôn với Vua Henry. Anh ta còn nói rằng mình và Katherine đã được tuyên bố là vợ chồng. Trong thời đại đó, chỉ cần gọi ai đó là vợ/chồng và đã quan hệ là được công nhận đã kết hôn.

Về phần mình, Katherine cáo buộc Dereham đã dùng bạo lực để ép mình quan hệ. Bà cũng kiên quyết bác bỏ thông tin đã có thỏa thuận hôn nhân từ trước với Dereham. Các sử gia còn tranh cãi với nhau về lời phủ nhận này của Katherine. Giả sử Katherine thừa nhận đã kết hôn với Dereham theo kiểu “hợp đồng miệng” thì cuộc hôn nhân của bà với Vua Henry không có giá trị và do đó bà sẽ không bị cáo buộc tội ngoại tình để rồi bị xử tử. Có sử gia cho rằng bà quá xuẩn ngốc hoặc đang quá chán nản, đến mức không nhận ra lối thoát cho mình. Trong khi đó, có sử gia lại cho rằng bà hành động như thế là vì niềm kiêu hãnh.

Tuy nhiên, chính lời phủ nhận này cho thấy lời khai của Hoàng hậu Katherine nhất quán. Bà khẳng định: “Tôi vô tội trước mọi lời cáo buộc và sẽ không bao giờ thừa nhận những lời dối trá này. Nếu có bất kỳ sự thật nào trong những lời cáo buộc thì đó là do sự ngờ nghệch trẻ con và do những con người xấu xa từng ở bên cạnh tôi trước đây. Tôi cũng tuyên bố rằng tôi trung thành với Nhà vua và sẽ không bao giờ muốn làm tổn hại đến ngài. Tôi sẽ xin ngài khoan dung nhưng không phải bằng cách thừa nhận những tội phản quốc này”.

Liên quan đến Culpeper, người được cho là tình nhân của Hoàng hậu Katherine, Katherine thừa nhận có gặp anh ta nhưng khẳng định anh ta chỉ chạm vào tay bà và đều có sự chứng kiến của hai người thân cận.

Sau khi lục soát căn phòng của Culpeper, các điều tra viên cho biết họ tìm thấy một bức thư do Katherine gửi cho Culpeper và gọi đây là bằng chứng ngoại tình của bà. Tuy nhiên, khi phân tích bức thư, nhiều sử gia cho rằng các ngôn từ, lời lẽ trong thư giống với phong cách viết thư thời đó, không có điều gì cho thấy đó là một bức thư tình gửi cho Culpeper, trừ khi người ta có ý ép nó trở thành tình thư.

Có sử gia cho rằng Culpeper đang gây sức ép với Katherine vì biết rằng bà không còn là trinh nữ khi kết hôn với Vua Henry và rằng anh ta có thể đã quấy rối tình dục Katherine.

Sau 10 năm nghiên cứu, tác giả Elisabeth Wheeler đã đưa ra kết luận rằng Hoàng hậu Katherine là nạn nhân của một âm mưu hạ bệ, trong đó có sự tham gia của Tổng giám mục Cranmer cùng hai nhân vật khác là Thomas Audley và Charles Suffolk. Bà Wheeler cho rằng cần phải bác bỏ những bằng chứng chống lại Hoàng hậu Katherine và xem xét lại chính những người thẩm vấn.

Đối với những người theo chủ nghĩa cải cách như Cranmer, việc có một hoàng hậu theo chủ nghĩa tuân giáo như Katherine chẳng khác nào một cú đấm. Hơn nữa, dòng họ Howard vốn bị ghen ghét vì nhiều người cho rằng họ quá tham vọng và tự kiêu.

Chính vì quá nhiệt thành với cải cách tôn giáo và vốn căm ghét dòng họ Howard mà nhiều nhân vật quyền lực quanh Vua Henry đã âm mưu lật đổ Hoàng hậu Katherine. Những người này dường như quyết tâm loại bỏ Katherine trước khi bà kịp sinh cho Vua Henry một con trai kế vị.

Tác giả Wheeler còn cho rằng bản thân Vua Henry cũng là một nạn nhân của âm mưu hiểm ác của chính những người thân cận hòng tước đoạt của ông một hoàng hậu được sủng ái, làm cho ông mất đi cơ hội có thêm người kế vị.

Ngoài ra, có bằng chứng cho thấy những người thẩm vấn Katherine đã buộc bà đưa ra một lời thú tội không đúng sự thật. Thậm chí, bức thư được coi là “thư tình” mà Katherine gửi Culpeper cũng có thể bị giả mạo. Trong bức thư đó, tám từ đầu tiên được viết bằng nét chữ khác hẳn so với phần còn lại. 

Không giống với Hoàng hậu Anne Boleyn, Katherine Howard không được xét xử công khai. Có thể bà là nạn nhân bị cưỡng hiếp khi còn nhỏ, bị quấy rối tình dục và hăm dọa khi là hoàng hậu. Có thể những người gây ra hành động quấy rối với Katherine cũng là nạn nhân của một âm mưu từ những người theo đường lối cải cách. Dù thế nào đi chăng nữa, bà cũng đã bị xét xử không công bằng và sự bất công này còn tồn tại đến tận ngày nay.

Cảnh hành quyết Katherine.

Cảnh hành quyết Katherine.

Katherine bị tước ngôi hoàng hậu ngày 23/11/1541 và bị tống giam ở tu viện Syon, Middlesex. Culpeper và Dereham bị hành quyết ở Tyburn ngày 10/12/1541. Culpeper bị chặt đầu còn Dereham bị treo cổ, kéo lê và phanh thây. Đầu của họ bị đặt trên đỉnh cầu London. Nhiều họ hàng của Katherine cũng bị giam trong tháp London. Họ đều bị xét xử, bị kết tội che giấu người phản quốc và bị tù chung thân, tịch thu mọi tài sản.

Trong khi đó, số phận của Katherine vẫn lửng lơ cho đến khi quốc hội thông qua lệnh tước quyền công dân và tịch thu tài sản đối với bà vào ngày 7/2/1542. Với sự chấp nhận của Vua Henry, bà bị coi là mắc tội phản quốc và có thể bị trừng phạt bằng cái chết. Theo phán quyết, Katherine với tư cách là một đương kim hoàng hậu đã không công khai lịch sử tình dục với nhà vua trong vòng 20 ngày sau khi kết hôn và đã xúi giục người khác cùng mình phạm tội ngoại tình. Bà bị hành quyết lúc 7 giờ sáng ngày 13/2/1542.

Vua Henry không tham dự buổi hành quyết. Nguyên nhân thất bại trong cuộc hôn nhân với Katherine đã khiến ông chán chường. Người ta tin rằng Vua Henry yêu Katherine đắm say và cơn giận dữ cũng như sự ghen tuông đã che mờ mọi thứ tình cảm khác. Sau khi Katherine bị chặt đầu, Vua Henry ngày càng bị sức ép phải tái hôn để có con trai nối dõi. Tuy nhiên, ông không còn cảm hứng bắt đầu một mối quan hệ mới, đặc biệt là sau khi trái tim ông vụn vỡ vì Katherine.

Về vụ hành quyết, người ta kể rằng, đêm trước đó, Katherine đã tập luyện nhiều giờ cách đặt đầu đúng vị trí. Bà đến với cái chết khá bình thản với sắc mặt nhợt nhạt. Lúc lên đoạn đầu đài, bà cần phải có người dìu. Trước khi chết, bà đã cầu xin lòng khoan dung cho gia đình mình.

Theo lời đồn đại, câu cuối cùng bà nói là: “Ta chết khi là hoàng hậu nhưng ta muốn chết khi là vợ của Culpeper hơn”. Tuy nhiên, những lời đồn đại này được xem là không đáng tin cậy.

Katherine bị chặt đầu với một nhát duy nhất. Thi thể của bà được chôn trong một ngôi mộ không đánh dấu trong nhà nguyện St. Peter ad Vincula gần đó. Đây cũng là nơi chôn cất xác của Anne Boleyn và George Boleyn.

Đến thời Nữ hoàng Victoria, người ta đã trùng tu nhà nguyện này nhưng không tìm thấy xác Hoàng hậu Katherine. Có thể vì di hài bà phân hủy nhanh chóng do bà còn trẻ, xương mềm và dễ vỡ vụn. Tuy nhiên, tên của bà được khắc trên bức tường phía tây cùng với tên của những người đã chết trong tòa tháp.

Nguồn bài đăng

0